Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Những khuynh hướng tiêu biểu trong nghệ thuật guitar thế kỷ XX

Những khuynh hướng tiêu biểu 
trong nghệ thuật guitar thế kỷ XX
Thế kỷ XX là khởi đầu một kỷ nguyên công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ kéo theo phát triển không ngừng của các lĩnh vực khoa học - văn hóa - nghệ thuật trong đó có âm nhạc.
Âm nhạc thời kỳ hiện đại có nhiều chất liệu thú vị để khám phá. Đầu thế kỷ XX là mốc thời gian đánh dấu sự thay đổi nhanh chóng, Khoa học - Công nghệ đang thay đổi thế giới. Các văn sỹ, nhạc sỹ và các nghệ sỹ biểu diễn bắt đầu phản ánh những thay đổi đó thông qua tác phẩm của họ. Và ngay lúc xã hội đang loại bỏ những quy tắc lâu đời đã thống trị trong nhiều thế kỷ, các nhà soạn nhạc đã đảo lộn các quy tắc âm nhạc và tìm ra những đề tài mới, táo bạo và những cách thức mới để thể hiện chúng.
Các tác phẩm guitar cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các trào lưu âm nhạc thế kỷ XX đặc biệt là ảnh hưởng của trường phái âm nhạc Viên mới. Nền nghệ thuật Guitar trong giai đoạn này đã phát triển đạt trình độ cao. Các nhạc sỹ, nghệ sỹ guitar đã khai thác rất nhiều kỹ thuật, thủ pháp sáng tác mới cho các tác phẩm không chỉ trong giai điệu, hòa thanh, điệu tính, tiết tấu, luật nhịp mà họ còn chú ý đến việc khai thác tối đa tính năng nhạc cụ, tìm ra những thủ pháp, kỹ thuật diễn tấu mới để thể hiện các tác phẩm và khám phá ra những âm thanh mới trên cây đàn guitar.
Những âm thanh mới này bắt nguồn từ những cảm nhận về cuộc sống, thiên nhiên, xã hội, con người và cả về máy móc công nghiệp. Những âm thanh mới được khai phá từ những điều gần gũi trong cuộc sống hàng ngày như tiếng máy công nghiệp, tiếng xe cộ, thậm chí cả âm thanh của những chú Robot, búp bê của trẻ em…Điều này được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm Guitar ở các thể loại và khuynh hướng âm nhạc khác nhau trong sự phát triển của nền nghệ thuật Guitar thế kỷ XX.
Truyền thống âm nhạc dân gian vẫn lưu giữ trong giai điệu, tiết tấu, cũng như thể loại âm nhạc của nhiều tác phẩm. Đại diện cho khuynh hướng âm nhạc dân gian và được cả thế giới biết đến qua tác phẩm tiêu biểu “Concierto de Aranjuez” viết cho guitar và dàn nhạc là nhà soạn nhạc nổi tiếng Joaquin Rodrigo Vidre (1901-1999).
Trong âm nhạc của Joaquin Rodrigo nổi bật lên những làn điệu của nền âm nhạc dân gian Tây Ban Nha. Những chất liệu âm nhạc dân gian được ông đưa vào tác phẩm một cách nồng nhiệt nhưng lại rất hào hoa, phong nhã, giầu chất thơ. Giai điệu của Rodrigo rất đơn giản nhưng giàu hình tượng, du dương, da diết, có tính nghệ thuật cao thể hiện nội tâm phong phú, thấm đượm bản sắc văn hóa Tây Ban Nha. Ông đã khai thác triệt để các tiết tấu của các vũ điệu dân gian, đặc biệt là các tiết tấu trong các điệu thức cho nhạc flamenco guitar.
Rodrigo được xem là một trong số những người có công nhất trong việc phổ biến guitar cổ điển trong thế kỷ XX. Tác phẩm “Concierto de Aranjuez” của ông được xem như là một đỉnh cao của âm nhạc Tây Ban Nha và cũng là đỉnh cao tác phẩm Concerto cho guitar trên toàn thế giới.
Trong khuynh hướng âm nhạc dân gian không thể không kể đến nhà soạn nhạc Heitor Villa-Lobos (1887-1959) người Brazil, người đã đưa những giai điệu, tiết tấu của các bài dân ca, dân vũ của người dân Nam Mỹ vào tác phẩm viết cho guitar một cách khéo léo, tài tình. Tác phẩm cho guitar chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Villa Lobos và các sáng tác này đều là những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật trình tấu guitar hiện đại. Không chỉ là nhà soạn nhạc, Heitor Villa-Lobos còn là nghệ sỹ guitar điêu luyện.
Đặc điểm nổi bật nhất trong âm nhạc của Heitor Villa-Lobos chính là sự kết hợp giữa hòa âm, hình thức âm nhạc của châu Âu với giai điệu và tiết tấu của âm nhạc dân gian Brazil. Phong cách độc đáo này của Villa Lobos là kết quả của những khám phá không biết mệt mỏi mà ông đúc rút trong suốt cuộc đời mình để làm nên thứ âm nhạc hiện đại nhưng vẫn đậm bản sắc dân tộc. Trong âm nhạc của ông, ta thấy phong cảnh, con người đất nước Brazil hiện lên thật sống động và cho thấy tình yêu nồng nàn của nhạc sỹ dành cho tổ quốc mình. Phong cách âm nhạc riêng biệt của Heitor Villa-Lobos được thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm "Suite Populaire Brésilienne" cho guitar bao gồm 5 phần: Mazurka - Chôro, Scottish- Chôro, Valsa - Chôro, Gavotta - Choro và Chôrinho.
Sự kết hợp tài tình giữa âm nhạc dân gian với âm nhạc kinh điển đã tạo ra màu sắc rất đặc trưng trong khuynh hướng âm nhạc dân gian thế kỷ XX và những tác phẩm bất hủ cho Guitar theo khuynh hướng này .
Khuynh hướng âm nhạc ngẫu nhiên (Aleatoric music) tạo sự tự do hoàn toàn cho người sáng tác lẫn nghệ sĩ biểu diễn, mở rộng sự sáng tạo trong thể hiện tác phẩm. Các nhà soạn nhạc muốn vượt qua sự gò bó trong cấu trúc âm nhạc để tạo nên một thể loại âm nhạc rất tự do, phóng túng.
Leo Brower (1939-*) là nhà soạn nhạc chịu ảnh hưởng lớn từ khuynh hướng âm nhạc ngẫu nhiên thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của ông như Canticum, Paisaje Cubano con campanas và La Espiral Eterna.
Cùng với sự phát triển chung của khuynh hướng âm nhạc ngẫu nhiên, các tác phẩm của Leo Brower đã mở ra một chiều hướng mới, cách nhìn mới, quan điểm thẩm mỹ mới, một sự tư duy mới trong âm nhạc đối với người nghệ sỹ biểu diễn cũng như những cảm nhận, những suy tư mới về âm nhạc đối với người nghe.
Những âm thanh ở đây được hiểu theo một nghĩa rất rộng, nó bao gồm tất cả các loại tiếng ồn, và hoà âm của tác phẩm chính là sự kết hợp các loại tiếng ồn đó. Cũng xuất phát từ định nghĩa về âm thanh như vậy mà quan điểm thẩm mỹ về âm thanh cũng thay đổi, hệ thống dây đàn thay đổi, sử dụng các ngón tay của cả hai bàn tay, thậm chí dùng cả bàn tay để vỗ cần đàn, phím đàn để tạo âm thanh. Tác phẩm không có sự quy định về nhịp mà quy ước bằng cách tính thời gian, sử dụng nhiều loại nhịp mới mà trước kia chưa từng sử dụng, bỏ qua chủ đề âm nhạc, thậm chí cả motif, hòa thanh vô điệu tính, tổ chức cấu trúc tác phẩm theo thời gian… Những nét mới trong tác phẩm guitar ảnh hưởng khuynh hướng âm nhạc ngẫu nhiên đưa đến những tư duy âm nhạc mới, những quan điểm thẩm mỹ mới trong âm nhạc thế kỷ XX.
Nhạc Jazz xuất hiện ở Mỹ là một hiện tượng độc đáo của lĩnh vực âm nhạc mở đầu cho khuynh hướng âm nhạc mới. Do ảnh hưởng rất đậm nét của nhạc Jazz nên các nhạc sỹ sáng tác đã đưa các nhịp điệu của nhạc Jazz như các tiết tấu điệu Swing, Blues, Ragtime, Boogie… vào trong các tác phẩm mẫu mực của guitar cổ điển.
Một tên tuổi nổi bật và có nhiều đóng góp trong việc khai thác chất liệu nhạc Jazz đưa vào tác phẩm Guitar cổ điển là nhà soạn nhạc người Nga Alexander Vinitsky (1950*), . Phong cách âm nhạc của ông được gọi là “nhạc Jazz trong Guitar cổ điển”, đã lan rộng từ Nga sang Mỹ và khắp Châu Âu. Alexander Vinitsky là nhạc sỹ tạo ra khuynh hướng âm nhạc mới cho Guitar cổ điển, ông biết kết hợp âm nhạc Brazil với hòa âm nhạc Jazz hiện đại, từ đó hình thành nên thế giới quan mới, quan điểm mới trong nghệ thuật trình diễn guitar cổ điển. Sự đa dạng về màu sắc, đa tiết tấu, nhịp điệu mạnh mẽ, hòa âm phong phú, tinh tế là những nét đặc trưng trong các tác phẩm của ông.
Nhiều tác phẩm độc tấu guitar mang đậm phong cách jazz của Alexander Vinitsky, tiêu biểu như Jazz the Aria, Green Soft Light, Samba “Yellow camel”, Ragtime, Walk In Blue Mood, … Ngoài ra còn có các tác phẩm cho tứ tấu guitar, guitar và tứ tấu đàn dây như Samba For Five, guitar và dàn nhạc thính phòng như Jazz Suite…
Các nhạc sỹ sáng tác cho guitar thế kỷ XX đã rất thành công trong việc đưa khuynh hướng âm nhạc mới vào trong tác phẩm cho guitar cổ điển. Bằng những thủ pháp sáng tác khéo léo, tài tình và vận dụng tối đa khả năng trình diễn của đàn guitar cổ điển, các nhạc sỹ đã biến guitar từ nhạc cụ độc tấu thành nhạc cụ có khả năng trình diễn tổng hợp nhiều bè như trong dàn nhạc Jazz. Nhạc Jazz là trào lưu âm nhạc mới rất phát triển trong thế kỷ XX và tiếp tục phát triển trong thế kỷ XXI.Những khuynh hướng âm nhạc tiêu biểu được thể hiện trong các tác phẩm guitar thế kỷ XX với sự thay đổi về nhiều phương tiện biểu hiện của nghệ thuật âm nhạc từ giai điệu, tiết tấu, luật nhịp, hòa âm, cấu trúc tác phẩm, thể loại âm nhạc đến phong cách tác giả, tác phẩm, hình tượng âm nhạc… đã đưa đến cho người nghệ sỹ, người thưởng thức âm nhạc cách nhìn nhận xã hội, thời đại theo nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Từ đó mở ra một chiều hướng mới, cách nhìn mới, quan điểm thẩm mỹ mới, một sự tư duy mới trong âm nhạc đối với người nghệ sỹ biểu diễn cũng như những cảm nhận, những suy tư về âm nhạc đối với người nghe, người thưởng thức âm nhạc.
Cao Sỹ Anh Tùng 
Theo http://songnhac.vn/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...