Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Mưa rừng

Mưa rừng
Chiếc xe quay ngoặt vào lối rẽ mà không giảm ga. Mấy người ngồi trên xe xô dúi dụi vào nhau. Ông Tân va cộp một cái vào thành xe, choàng tỉnh. Chị Dung, cán bộ tài chính làu bàu: "Đi với đứng ẩu quá!”. Cậu Huy, kỹ sư thì bô bô, boa loa: “Đúng là chuyến xe bão táp!”. Lái xe Thiện vừa đạp phanh cho chiếc xe từ từ dừng lại trước uỷ ban nhân dân huyện vừa bỗ bã: 
- Làm một cua gấp để các vị tỉnh ngủ. Lái xe đường dài ngại nhất là không có người nói chuyện, lỡ mà cũng buồn ngủ theo thì có mà vèo xuống vực. 
- Thế là tới nơi rồi…
Anh kỹ sư vừa mở cửa nhảy xuống vừa kêu lên. Ông Tân ngó quanh quất. Cái thị trấn miền núi này thay đổi nhiều quá. Cũng đường đôi, một chiều rải nhựa hẳn hoi. Nhà cửa cũng bốn năm tầng choáng lộn. Ông Tân chợt nhớ những năm còn đóng quân ở đây, hầu như tháng nào cũng có mặt ở thị trấn này chờ nhận gạo. Con đường ngày xưa đất đá lổm ngổm, lăn lóc phân ngựa. Ông không quên những đêm dựng lều bạt trên bến sông đợi sà lan chở lương thực từ Việt Trì lên. Thị trấn ngày ấy chưa có điện, ánh đèn dầu tù mù. Đêm đến yên tĩnh, dãy phố nhỏ cũ kỹ chìm lút giữa rừng xanh. Chỉ nghe tiếng sông Lô se sẽ rì rào như tiếng thở dài trăn trở chảy về xuôi.    
- Bác Tân ơi! - Tiếng cậu kỹ sư lại réo lên: - Có người của phòng nông nghiệp huyện ra đón đấy!    
Ông Tân giật mình trở lại với thực tiễn. Mọi người theo cô gái ra đón vào phòng nông nghiệp. “Cả phòng đi vắng” - Cô bé ra đón nói vậy. Ông Tân uể oải ngồi xuống ghế. Cô gái vừa xăng xái đi pha nước vừa nói thêm:   
- Anh trưởng phòng dặn cháu thưa với bác và các anh chị cứ nghỉ ngơi, lát nữa về sẽ trao đổi thêm.     
- Ờ... ờ… - Ông Tân lơ đễnh hỏi lại: - Đang giờ làm việc đi đâu cả thế?  
- Dạ! Tất cả đi dự mít tinh bên hội trường uỷ ban rồi tham gia mua công trái giáo dục ạ! Mời bác và các anh chị xơi nước.    
Ông Tân vừa đỡ chén nước, vừa hỏi: 
- Cháu là cán bộ của phòng nông nghiệp à?  
-  Ấy chết! - Cô gái giờ mới sực nhớ: - Cháu quên chưa giới thiệu với bác và các anh chị, cháu tên là Huyền, cán bộ của phòng nông nghiệp huyện, cháu vừa tốt nghiệp trung cấp nông lâm. Cháu được phân công giúp đỡ đoàn trong thời gian công tác ở trên này.   
- Thế hả! - Ông Tân giới thiệu mình xong, chỉ từng người nói: - Đây là cậu Huy, kỹ sư, kia là cô Dung, cán bộ tài chính và cậu Thiện, lái xe của đoàn. Đoàn chúng tôi có bốn người, giờ thêm cháu nữa là năm. Năm anh em trên một chiếc xe tăng, mạnh phải biết.    
Cô gái e thẹn:   
- Cháu… cháu chỉ là người giúp việc, phục vụ thôi…  
- Phục vụ là thế nào? Là thành viên chính thức của đoàn đấy!   
Anh kỹ sư chêm vào:   
- Đã là thành viên chính thức thì lúc làm việc không được “bênh” và thiên vị địa phương đâu nhé!     
- Mà cũng không được giấu giếm chúng tôi điều gì đâu nhé! 
Chị cán bộ tài chính nói thêm. Giữa lúc mọi người đang ồn ào trò chuyện thì ông chủ tịch huyện, ông phó chủ tịch phụ trách nông lâm và anh trưởng phòng nông nghiệp bước vào. Mọi người hồ hởi, tay bắt mặt mừng, giới thiệu, trao đổi sơ bộ về công việc. Ông chủ tịch huyện nói:   
- Chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn đoàn công tác của bộ lên tận nơi giám sát, giúp đỡ chúng tôi thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế cho các xã nghèo miền núi…
- Ơn huệ gì, là nhiệm vụ cả thôi… - Ông Tân ngắt lời ông chủ tịch huyện: - Chúng tôi phải cảm ơn đồng bào miền núi, bà con đã bao năm chịu đựng gian khổ, đi trước về sau ấy chứ! Bây giờ kinh tế khá lên, đầu tư được một chút cho miền núi cũng đã thấm tháp gì đâu.   
Giọng ông Tân bỗng trở nên bùi ngùi:    
- Chính tôi cũng đã sống ở vùng rừng núi này những năm sau giải phóng miền Nam. Bà con vùng sâu, vùng xa còn nghèo lắm… 
Đó là những năm tháng khó khăn của đất nước. Sau năm bảy lăm, đơn vị Tân rời đồng bằng lên vùng rừng núi này làm nhiệm vụ mở đường. Ngày ấy các phương tiện cơ giới còn ít ỏi. Lính mở đường chủ yếu bằng sức người với phương tiện cuốc xẻng, xà beng là chính. Tuyến đường mới mở chạy bên bờ con sông Bạc - một nhánh nhỏ của sông Lô. Trong những ngày gian khổ đó, Tân đã làm quen được với Len - một cô gái Tày ở bản Cốc Vường, gần nơi đơn vị đóng quân. Len là một cô gái đẹp. Cô là người duy nhất ở bản học hết cấp 3. Cô mơ thi đỗ vào trường trung cấp nông nghiệp. Giữa hai người có lẽ vẫn chỉ là tình bạn. Len hay cùng chi đoàn đến đơn vị Tân trong những buổi giao lưu văn nghệ hay sinh hoạt chung. Họ càng thân với nhau hơn khi cung đường của đơn vị Tân thi công qua bản của Len.   
Một bữa, Tân được thủ trưởng đơn vị giao cho nhiệm vụ ra trạm quân bưu đặt tại thị trấn Bắc Quang để nhận thư báo. Đường xa, Tân đi từ sớm, vượt qua sông Bạc, nước nông, lội chỉ đến đầu gối. Đến thị trấn, nhận thư báo xong, Tân rẽ qua chợ. Phiên chợ vùng cao rực rỡ sắc màu, réo rắt tiếng khèn bè, rậm rịch tiếng vó ngựa. Tân bất ngờ gặp Len giữa chợ. Cô ra thị trấn cắt thuốc cho mẹ. Len kéo Tân đi “xem” chợ. Quá trưa, trời bắt đầu đổi gió, tiếng sấm đầu mùa lục bục phía chân trời. Hai người vội vã trở về bản.    
Mưa rừng. Cơn mưa như vỡ oà từ bầu trời căng mọng nước. Đầu tiên là những hạt mưa ném xuống ràn rạt trên tán lá cây. Sau đó là nước trút ào ào trên sườn núi. Tiếng sông suối chảy ầm ầm. Con sông Bạc buổi sáng còn trong veo nhìn thấy cả cá lượn lờ trong khe đá giờ đây đục ngầu, sủi bọt. Nước lũ dâng lên nhanh quá. Chiếc cầu bằng mấy mảnh bìa gỗ bắc giữa hai hòn đá chỗ khúc sông hẹp bị cuốn phăng. Những thân cây bị bứng cả rễ lao vun vút giữa dòng nước xiết.
Tân và Len chạy ào vào một cái chòi coi ngô trên sườn núi. Quần áo hai người ướt rượi. Nhưng may, thư báo bọc trong mảnh ni lông mỏng vẫn còn khô nguyên. Len gỡ cái túi đang đeo bên sườn ra. Nước chảy tong tong xuống sạp nứa. áo quần Len dính sát vào người làm nổi lên những đường nét căng tròn của người thiếu nữ. Len e thẹn. Cô kín đáo tìm cách kéo lớp vải tách ra khỏi thân mình. Nhưng bộ quần áo ướt không chiều theo ý người.    
Trời bắt đầu sậm dần. Sắp tối. Cơn mưa rừng hình như chưa thể ngớt. Tiếng mưa râm ran cả một vùng rừng núi đại ngàn. Tân bảo:    
- Có lẽ chúng mình không vượt được qua suối đâu. Phải đốt lửa lên hong khô quần áo thôi.     
Len khẽ gật đầu. Tân gom bẹ ngô khô và mấy gộc củi đốt dở trong lều lại chụm bếp. ánh lửa bùng lên khi trời đã sụp tối. Hai người ngồi bên đống lửa. Len lúng búng bảo Tân quay mặt đi để cô cởi áo vắt bớt nước. Không khí trong lều ấm lên. Hơi nước từ quần áo toả ra tưởng hai người như sắp sửa bốc cháy. Tân đùa:    
- Cơn mưa bất ngờ lại hoá hay!     
- Sao lại hay! Đêm nay mà không về đến bản thì bố em mắng chết!    
- Thế sao lại dám đi chợ một mình?    
Len cười không nói. Cơn mưa rừng vẫn râm ran mang điệu nhạc ngàn đời của rừng núi. Tiếng mưa rơi triền miên không dứt. Câu chuyện của hai người rời rạc vô đề không liền mạch. Nhưng mỗi lúc họ ngồi xích lại gần nhau hơn. Hơi ấm của lửa hay hơi ấm của cơ thể con người thật khó phân biệt. Đêm về khuya. Tiếng mưa với vũ điệu tưng bừng của nước râm ran giữa rừng già. Trời và đất như hoà vào với nhau trong cơn mưa rừng dữ dội. Len và Tân cùng nhặt những mảnh bẹ ngô đẩy vào bếp nuôi ngọn lửa. Những sự đụng chạm tưởng như vô tình nhưng đều hữu ý. Rồi như một lẽ thường tình mà tạo hoá đã ban tặng cho con người, họ hoà vào nhau, thâm nhập vào nhau trong sự kỳ diệu của thịt da mà cả hai lần đầu tiên mới biết, mới cảm nhận được. Mưa rừng vẫn rả rích. Nước vẫn réo sôi ồn ào tràn trề, sung mãn… 
Hồi lâu, Len áp khuôn ngực trần ấm nóng vào vai Tân khe khẽ hát:     
           “Sông Bạc ơi,  
            Nước chảy về xuôi    
            Về nơi phương trời.   
            Lòng sông có như lòng người.   
            Dù gập ghềnh bao lũ thác.   
            Song, chẳng bao giờ đổi khác 
            Nước ơi, chảy mãi đá mòn.   
            Nước đi rồi lại về non    
            Người đi có còn trở lại…  
            Sông Bạc ơi,   
            Nước chảy về xuôi,    
            Về nơi phương trời…”.
Sau cái đêm mưa rừng ấy, đơn vị ông Tân lật cánh sang hướng Cao Bằng. Chiến tranh biên giới nổ ra. Ông Tân bị thương nặng được chuyển về xuôi điều trị. Mấy lần ông viết thư cho Len nhưng không có hồi âm. Có lẽ địa chỉ không rõ ràng. Kỷ niệm về một đêm mưa rừng trong ông dần dần nguôi quên. Rồi ông chuyển ngành, lấy vợ. Vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức. Ông vất vả nuôi con một mình, chờ vợ. Khi đứa con đang học lớp 5 thì vợ ông về đón nó đi. Cả hai mất hút luôn. Theo những người quen từ  Đức về thăm quê cho biết thì ra vợ ông đã có gia đình riêng ở bên ấy.    
Ông Tân trở thành kẻ không gia đình. Nhiều lúc ông chẳng buồn về căn hộ trống vắng. Bữa tối, ông làm một gói mỳ tôm rồi ngủ ngay tại cơ quan. Chuyến đi công tác lên miền núi trở về nơi năm xưa từng đóng quân khiến ông chợt nhớ lại kỷ niệm của một đêm mưa rừng…   
- Bác ơi! Cháu mời bác xuống nhà ăn dùng bữa chiều ạ!    
Ông Tân bừng tỉnh. Huyền nhanh nhẹn đỡ cái túi đựng hành lý của ông Tân. Ông hỏi:     
- Hôm nào thì đi Khâu Vai?    
- Thưa bác! Tối nay mời đoàn nghỉ ở nhà khách uỷ ban. Nếu lũ rút, ngày kia cháu sẽ đưa đoàn đi kiểm tra việc thi công đập nước Khâu Vai.    
- Thế cũng được!    
Ông Tân nói. Tự dưng ông thấy cô bé này có vẻ gần gũi. Huyền thì tất bật lo nơi ăn, chỗ nghỉ cho đoàn công tác của bộ. Tính tình cô vui vẻ, dễ mến, ai cũng quý.    
Công trình thuỷ lợi Khâu Vai được đầu tư hơn chục tỷ đồng theo chương trình 135 sắp hoàn thành. Một con đập chặn ngang thung lũng, tạo nên một hồ chứa nước. Đây là một công trình thuỷ lợi, thuỷ điện nhỏ. Nước từ sông Bạc sẽ được dẫn về tích trong hồ đảm bảo tưới tiêu cho một vùng đồng ruộng mấy trăm héc-ta phía hạ lưu và chạy máy phát điện đủ thắp sáng cho hai xã vùng cao.     
Ông Tân và đoàn công tác kiểm tra việc thi công đắp đập, đào mương dẫn và dọn dẹp, giải phóng lòng hồ chứa, chuẩn bị tích nước vào mùa mưa. Huyền hướng dẫn ông làm việc với từng bộ phận kỹ thuật và đi thị sát hiện trường. Cô bé rất thích khi được chụp ảnh chung với đoàn công tác ngay trên đập nước đang thi công.   
Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Nhưng khi đoàn công tác chuẩn bị về Hà Nội thì có chuyện không may. Buổi đó, Huyền dẫn ông đi kiểm tra mương dẫn nước thì xảy ra tại nạn. Trận mưa đầu mùa đã gây ra sạt lở. Khi hai người đang đi dưới lòng mương, một hòn đá mồ côi lỏng chân bất ngờ rời khỏi vị trí trên ta-luy lăn xuống. Đi sau ông Tân, Huyền hét lên một tiếng rồi lao lên xô ông về phía trước. Huyền ngã sấp xuống lòng mương. Hòn đá rơi trúng chân trái của cô. Máu từ chân cô ứa ra ướt đẫm cả nền đất mới đào. Ông Tân cuống quýt bế xốc cô gái cố chạy xa chỗ ta-luy đang có nguy cơ đổ ụp xuống.    
Cũng không hiểu bằng cách nào ông Tân đã lấy được dây rừng ga-rô vết thương và cõng Huyền về đến chỗ lán đám công nhân đang nghỉ trưa. Nghe tiếng ông kêu cứu, cánh công nhân chạy túa ra. Họ dìu ông vào lán và nhanh chóng đưa cô gái đi cấp cứu.    
Huyền nằm điều trị ở bệnh viện đa khoa huyện. Cô bị gẫy xương chân phải bó bột. Cô bé xinh đẹp luôn có người đến thăm. Đám công nhân công trường chưa vợ được dịp bày tỏ sự quan tâm đối với người đẹp. Hàng ngày nếu không bận việc gì, ông Tân đều đến thăm Huyền. Một hôm, ông đến thì cô bé bảo:   
- Bố mẹ cháu vừa đến thăm cháu đấy!    
- Bố mẹ cháu đâu rồi?    
- Bố cháu chở mẹ xuống bằng xe máy rồi phải về ngay vì còn các em ở nhà. Mẹ cháu còn ở lại với cháu vài hôm.    
- Thế mẹ cháu đi đâu?
- Mẹ nói ra chợ mua cho cháu miếng thịt quay. Cháu rất thích thịt lợn quay ăn với lá mắc mật!   
Cô gái nói và che miệng cười vẻ xấu hổ vì vô tình để lộ tính háu ăn của mình. Ông Tân ngồi nói chuyện với Huyền hồi lâu mà bà mẹ cô gái vẫn chưa về. Ông có ý nấn ná muốn chờ gặp người nhà của Huyền để nói vài câu cảm ơn. Hôm đó nếu không có cô thì tảng đá ấy đã rơi trúng đầu ông rồi cũng nên. Hôm sau vừa thấy ông đến, Huyền đã dớn dác:
- Mẹ cháu nói muốn gặp bác đấy! 
Huyền ngó quanh:
- Ơ! Mẹ vừa quanh quẩn đâu đây cơ mà… Mẹ! Mẹ… ơi… 
Huyền gọi và định tụt khỏi giường. Ông Tân vội đỡ cô ngồi dựa vào tường:   
- Chân chưa tháo bột, cháu không được cử động mạnh!    
- Nhưng mẹ đâu rồi…    
- Chắc mẹ cháu lại loanh quanh đâu đấy thôi.   
- Không hiểu sao từ hôm qua đến giờ mẹ cháu lạ lắm bác ạ!  
Huyền lại ríu rít kể chuyện mẹ, chuyện nhà. Ông Tân đã hứa sẽ theo Huyền về thăm nhà cô. Nhưng ấy là lúc Huyền chưa bị gãy chân. Bây giờ thì không được rồi bởi vì chỉ vài ngày nữa ông cùng đoàn công tác sẽ trở về Hà Nội.   
Hôm sau nữa, ông Tân đến bệnh viện để chia tay với Huyền trước khi về xuôi, kết thúc chuyến công tác. Vừa thấy ông đến, Huyền nói ngay, giọng cô có vẻ tiếc:    
- Mẹ cháu về rồi bác ạ! Bố cháu vừa xuống đón xong!   
- Thế hả?   
- Bác Tân này! Mẹ cháu có gửi cho bác một bức thư đấy!   
Ông Tân ngạc nhiên. Huyền thò tay xuống dưới gối tìm lá thư đưa cho ông Tân. Lá thư được dán kín. Ông Tân ngồi xuống mép giường bóc thư. Càng đọc, mặt ông càng tái đi. Thư viết:   
“Anh Tân!   
Chắc là anh sẽ bất ngờ khi đọc thư này. Bởi vì người viết thư cho anh chính là con bé Len năm xưa ở bản Cốc Vường. Tháng trước, xem bức ảnh con gái mang về chụp với đoàn công tác ở đập nước Khâu Vai, tôi đã ngờ ngợ. Khi nhìn thấy anh ở bệnh viện thì tôi mới chắc là mình không nhầm. Tôi cũng định gặp anh nhưng sau lại thấy không nên. Sau cái đêm mưa rừng năm ấy, tôi cứ chờ anh mãi, chờ mãi. Nhưng con gái vùng cao làm sao có thể chờ người miền xuôi một cách vô vọng mãi được. Tôi đã gặp và xây dựng gia đình với anh Tụ. Anh ấy là người tốt, hết lòng thương yêu vợ con. Tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại nhưng thấy cần phải viết thư này cho anh. Bởi lẽ, tôi muốn để anh biết một điều đó là cái Huyền chính là con gái của anh. Chuyện này trước sau gì cũng phải nói với con. Tôi muốn tự anh sẽ nói với nó. Từ lâu nó cũng đã biết không phải là con đẻ của bố Tục, nhưng chắc là sẽ rất bất ngờ vì chuyện này…”.    
Mặt ông Tân trắng bệch đi. Huyền hốt hoảng:   
- Bác… bác… bác bị làm sao thế?    
Ông Tân lập cập, buông rơi lá thư. Huyền cố gượng cúi xuống nhặt lá thư lên xem. Đọc thư, mặt cô cũng tái đi, hai tay cầm lá thư run cầm cập. Nước mắt Huyền chảy giàn giụa trên má. Hồi lâu, cô mới thốt lên được một câu: “Bố…bố ơi! Sao mãi đến tận bây giờ…”. 
Hà Nội, tháng 2-2003
Trọng Bảo
Theo http://www.phongdiep.net/












1 nhận xét:

  Những dấu ấn khác biệt của Hoàng Trung Thông – Bài của Phan Huỳnh 28 Tháng Bảy, 2023 Nhà thơ Hoàng Trung Thông là con người tài hoa, đ...