Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Người nhà quê ra thành phố

Người nhà quê ra thành phố
Đọc tập truyện ngắn “Những nẻo đường tu” 
của Y Mùi - NXB Hội Nhà văn, 2015.
Hiện lên trước mắt tôi là những cảnh đời, những kiểu người có cùng gốc gác từ nông thôn ra thành phố lập thân, lập nghiệp.
Đó là cô giáo tiểu học, may mắn được dạy học ở thành phố, lại may mắn có được người chồng yêu thương vợ. Cô vẫn giữ được nét sống đẹp của người quê: luôn nhớ mua quà là vỏ ngon ở chợ Đồng Xuân - Bắc Qua  cho mẹ và hằng tháng dành thời gian lên chùa cúng Phật. Mẫu người ấy, nếp sống ấy vẫn cứ va đập với cuộc sống với người thành thị. Và trớ trêu thay, sự va đấp xảy ra ngay khi cô hành xử hai nét sống đẹp ấy…
Đó là một cô gái bước vào đời với may mắn “có chút duyên thầm trời cho” và “tấm bằng tốt nghiệp đại học loại khá”, nhờ vậy cô “lấy được tấm chồng ra chồng”  và có việc làm suôn sẻ. Thế là cô bằng lòng làm một “công chức hạng ba”, xác định đi làm chỉ để “đẹp đội hình”. Cô thực hiện tốt “tám giờ vàng ngọc”, không quan tâm chuyện cơ quan cất nhắc, đề bạt, dành thời gian cho gia đình vì nghĩ “cái gia đình nhỏ bé của cô mới quan trọng. Cô tự nguyện làm hầu hết việc nhà để chồng “thả sức thi thố ngoài xã hội”. Một lối sống đầy sự “nhường nhịn” như thế hóa ra vẫn không ổn trong đời sống thị thành; trước hết là không ổn ngay trong quan hệ vợ chồng. Chồng cô được rảnh rang đi làm kiếm thu nhập tốt, đưa tiền cho cô đủ chi tiêu cho gia đình nhưng ngày càng coi thường cô khiến cô âm thầm đau khổ chỉ còn biết bấu víu vào đứa con làm nguồn vui sống. Nhưng rồi đến một ngày như con giun xéo lắm cũng quằn, thấy danh, dự nhân phẩm bị xâm hại quá đáng cô vùng lên tự giải phóng cuộc đời mình. Cô xách va li ra khỏi nhà, nhảy lên taxi mà không biết đi đâu. Rồi tỉnh dậy do câu quát nạt thường nhật của người chồng cô mới hay hành động quyết liệt vừa rồi “hóa ra chỉ là giấc mơ thôi” và đứa con đã neo cô lại, để cô tiếp tục sống chung với người chồng cộc cằn đến độ vũ phu. Câu kết truyện: “Chỉ còn lại người mẹ ngồi nhìn cái bóng của chính mình đổ xuống giường trong khuya khoắt” gợi một sự chịu đựng…
Rồi một phụ nữ khác, tên Hoa “với cả chục năm có lẻ sống nơi phố xá”. Hoa “được học hành đến nơi đến chốn” và thoát ly ruộng đồng từ năm mười sáu tuổi, nhưng vẫn giữ được đức tính chăm chỉ, thật thà, chất phác, chân quê. Hoa lấy được người chồng cũng “trí thức gốc quê” nên cô cùng chồng phải xoay xỏa cuộc sống gia đình, thêm bà mẹ chồng ra trông con giúp và thỉnh thoảng còn phải chi viện cho nhà chồng ở quê. Từng ấy nhu cầu, đồng lương công chức của hai vợ chồng không đủ chi tiêu. Hoa không nề hà, ngoài giờ làm việc ở cơ quan cô ra ngã ba đường ngồi buôn bán vặt. Vậy mà rồi vẫn xảy ra chuyện từ khi chồng Hoa kiếm ra tiền. Hoa không còn phải bán mặt ngoài đường sau giờ hành chính; “Không phải lo lỗ lãi với mấy bao thuốc lá hết mùi”,  hết giờ làm Hoa “chỉ còn việc đi chợ nấu bữa cơm chiều, chăm chút cho đứa con gái yêu và chờ chồng”… Khi suôn sẻ trên đường quan lộ, có tiền và thăng tiến chồng Hoa thay đổi tâm tính, nhìn cô với con mắt coi thường không chỉ là ánh mắt, thái độ, lời nói mà dần quên cả đời sống chồng vợ. Cho đến một ngày, tột đỉnh bi kịch đến với Hoa. Cô vợ chui của chồng Hoa xuất hiện cùng đứa bé trai giống con gái của Hoa như hai giọt nước. Chồng Hoa chìa lá đơn đồng ly hôn do anh đã đánh máy sẵn. Chao ôi! Sống thật thà, chịu thương chịu khó, tận tụy, hết lòng, nghĩa là sống đúng nghĩa một người phụ nữ chân quê, chỉ biết nhường  nhịn, chịu đựng nhưng vẫn hứng chịu bi kịch cuộc đời khi nhẹ dạ cả tin đến quên cả danh dự và phẩm giá...
Bài học xót xa này thì vẫn cứ còn mãi, bởi người quê, nét quê muôn đời vẫn vậy, đâu dễ khác đi?! Thêm một bài học nữa, chuyện về chàng trai quê Đới Hữu Vinh. Vinh cũng được gia đình cho ăn học để có trong tay tấm bằng trung cấp Nông - Lâm. Nhưng muốn bám thị thành làm người phố, không thể sử dụng kiến thức học được, Vinh làm đủ các nghề, từ tiếp thị điện thoại di động, đưa nước khoáng đến việc nhặt cầu ở sân ten - nít để có tiền chung sống với “em Hồng” cũng từ quê ra phố bán hàng thuê ở siêu thị. Cách sống buông thả, chạy theo lối sống “hiện đại” nơi phố xá, biết nay không biết mai, có mới nới cũ… Cuối cùng, Vinh trả giá bằng cả mạng sống của mình trong một tai nạn giao thông.
Có bốn mẫu người trẻ từ quê ra phố sinh sống, tuy khác nghề nghiệp và hoàn cảnh, nhưng mỗi trường hợp để lại một cảnh báo về cuộc sống nơi đô thị để người ta suy ngẫm. “Những nẻo đường tu” còn cho tôi gặp một số nhân vật phụ nữ “nhà quê” khác: hai “bà cụ”, một người đàn bà mang ba đứa con ra thành phố mưu sinh bằng nghề bán quà vặt với mục đích tìm lại bố cho những đứa con và đã sẵn sàng giúp đỡ, “nhường cơm sẻ áo” cho một nữ “công chức xịn” cũng đi bán quà vặt ngoài giờ hành chính để vượt qua khó khăn thời bao cấp. Cuối cùng là anh chàng nghệ sỹ rởm, tên Cao Nguyên, cũng bỏ quê ra Hà Nội, tự sưng là “giảng viên dạy nhạc”, trình độ học vấn thì “chữ viết hoa, dấu chấm, dấu phảy dùng vô tội vạ”. Chàng “nhạc sỹ Cao Nguyên” tự giới thiệu “chuyên phổ nhạc cho thơ” của những tác giả chưa nổi danh tức đang ở cấp câu lạc bộ. Và “Người mắc chứng chập IC” - nhạc sỹ Cao Nguyên đã làm một việc trên đời chưa ai từng làm là chuyển thể truyện ngắn “Những nẻo đường tu” của Y Mùi thành bài hát.
Nhân vật trong “Những nẻo đường tu”, bốn phụ nữ gốc quê, tuổi tác khác nhau, mỗi người mỗi cảnh, nhưng đều giống nhau ở tính căn cơ. Lối sống nhà quê của họ khiến ta yên lòng, tin cậy - ấy là tính cách hiền lành, nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ. Riêng anh chàng học đòi làm nghệ sỹ khiến ta nghi ngại. Cũng rời quê từ một thành phố tỉnh lỵ ra phố lớn mưu sinh, nhưng Cao Nguyên là người chập mạch kiểu tự huyễn hoặc mình là nhạc sỹ. Kiểu mưu sinh của những người mắc chứng tâm thần phân liệt như “nhạc sỹ Cao Nguyên” đâu đó trong đời sống ta vẫn thấy, báo động một kiểu kiếm tiền bằng lừa đảo nhưng đáng thương hơn là đáng trách. Có lẽ đấy là những gì tiến sỹ y học, bác sỹ Đào Thị Mùi muốn chia sẻ với độc giả qua tập truyện ngắn đầu tay “Những nẻo đường tu” với bút danh Y Mùi.
Đề tài “Người làng ra phố” báo chí đã đề cập nhiều, nhưng chủ yếu là ở khía cạnh rung chuông báo động nạn thiếu lao động ở nông thôn cùng với nạn tăng dân cư khó kiểm soát ở các đô thị, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cách đây dăm bảy năm nhà văn Đào Quang Thép đã viết một se ri truyện “Bỏ làng ra phố” đăng nhiều kỳ trên báo “Người Hà Nội cuối tuần”, sau đó xuất bản thành sách. Nay Y Mùi trình làng tác phẩm đầu tay cũng đề tài này, liệu có đem đến điều gì mới cho bạn đọc?
Cầm “Những nẻo đường tu” trên tay, tôi có băn khoăn câu hỏi đó. Mở nhanh ít trang truyện, liếc nhìn mấy dòng tác giả ghi dưới các truyện, tâm tưởng tôi có phần được giải tỏa: hóa ra Y Mùi không phải người đi sau. Truyện ngắn ““Những nẻo đường tu” được viết từ mùa đông năm 1998 và được chị lấy làm tên cho tập. Truyện “Hôn nhân thời mắc dịch” viết cuối năm 2009. Truyện “Ở ống muốn tròn thì khó” viết năm 2010… Thêm một lý do nữa để tôi không bị phân tâm khi được biết: bác sỹ Đào Thị Mùi vốn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, nhưng ở tuổi học sinh đã rời làng quê lên thị xã Phú Thọ học lớp toán đặc biệt của tỉnh Vĩnh Phú. Chị tốt nghiệp đại học y tại Liên xô cũ, từng thuyên chuyển công tác qua nhiều cơ quan. Tiến sỹ Đào Thị Mùi có một quá trình công tác, học tập bền bỉ và trải qua không ít thăng trầm trên đường đời, luôn vượt lên để thay đổi số phận. Chính cuộc sống đầy sóng gió mà chị đã trải qua là chất liệu quý giúp chị viết nên những thiên truyện ngắn về đề tài “Người quê ra phố”, để có tập truyện ngắn “Những nẻo đường tu”.
Không kể truyện cuối cùng “Người mắc chứng chập IC” - chị thẳng thắn tự xưng danh tác giả, thì cả 8 truyện ngắn còn lại trong tập người đọc vẫn nhận ra chị đang làm cái việc của con tằm rút ruột nhả tơ. Thêm nữa, vốn sống dày dặn, từng trải, cộng thêm vốn kiến thức văn hóa phong phú giúp tác giả “Những nẻo đường tu” có ngôn từ hiện đại, mới mẻ, có những câu đối thoại rất sinh động hấp dẫn người đọc. Đó là những cuộc chém gió của nhân vật Hoa với lũ bạn gái đồng môn trong “Liệu có thể khác đi không”; là những cuộc điện thoại qua lại giữa nhân vật cụ Cội và lũ con cháu trong “Cụ Cội và con dế hồng”; là những đối đáp giữa hai nhân vật trong “Người mắc chứng chập IC”.
Lẽ dĩ nhiên, là tác phẩm đầu tay nên “Những nẻo đường tu” cũng bộc lộ những khiếm khuyết. Người đọc thấy tác giả chỉ dùng thủ pháp kể chuyện là chính. Các thủ pháp khác như: dựng truyện, miêu tả, đồng hiện, hiện thực huyền ảo… chưa được sử dụng. Điều này chắc tác giả cũng đã biết rồi vì chị đã từng tham gia một số khóa học bồi dưỡng viết văn do Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tổ chức.
Người đọc hoàn toàn có cơ sở hy vọng vào những tác phẩm của tác giả Y Mùi sẽ xuất bản nay mai.
Hà Nội, 20/11/2016
Phạm Ngọc Chiểu
Theo http://trieuxuan.info/ 



1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...