Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

XXXXTrò chuyện qua mạng với nhà văn Nam Dao

Trò chuyện qua mạng
với nhà văn Nam Dao

Hỏi: Trước hết, xin nhà văn kể đôi chút về tiểu sử của mình và những tiếp cận đầu tiên với văn chương.
Ðáp: Tôi sinh Nam Định, lớn lên ở miền Bắc, 10 tuổi thì di cư vào Nam. Xong tiểu học, tôi học trung học tại trường Hồ Ngọc Cẩn là chính. Gia đình tôi có nhiều liên hệ với những nhà văn nhà báo nên tôi đọc từ 12, 13 tuổi. Thuở nhỏ, cứ có gì là đọc nấy, nhưng thích nhất là truyện. Tôi đọc Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ... trong Tự lực Văn đoàn, rồi sau là các tờ báo văn chương, như Sáng tạo, Thế kỷ 20...
Hỏi: Nhà văn bắt đầu viết văn từ bao giờ? Tác phẩm đầu tay là tác phẩm nào? In ở đâu? Quá trình viết và in tác phẩm đó như thế nào? Ðộc giả hay giới cầm bút đón nhận tác phẩm đó ra sao?
Ðáp: Năm 15, 16 tuổi, tôi kiếm sống bằng cách đi kèm trẻ tại tư gia. Bị tai nạn xe gẫy chân, tôi nằm nhà, không đi lại được. Thời đó, có nhà báo Trần Việt Hoài đến chơi, thấy tôi buồn nên mang đến một cuốn sách tiếng Anh bảo tôi dịch. Đó là những bức thư của một số phi công cảm tử trong đội Thần Phong của Nhật hồi Thế Chiến thứ 2 viết trước ngày đi bay để rồi, khi hết bom, lao vào tàu chiến trong hạm đội Mỹ chết cùng... Thư cho mẹ, cho chị, cho người yêu, rất cảm động, nhưng lại bi tráng hào hùng. Dịch nên tôi không có cảm tưởng là viết gì, được cái lợi là học tiếng Anh, đỡ chán, và có hy vọng in trên tờ báo do ông Hoài là chủ bút (hoặc phóng viên? tôi không nhớ rõ)... Khỏi đau, tôi mất việc kèm trẻ, và từ ngày đó tôi viết loại truyện gọi là “mỗi ngày một truyện”, chừng 2 cột báo in, tức khoảng 3-5 trang viết tay, gửi đăng trên các nhật báo, mục đích để giải trí độc giả của báo. Một truyện được100$ , hoặc 150$ (tiền VN năm 59-60), tương đương với ½ tháng lương đi kèm trẻ. Thế là tôi bắt đầu viết, để kiếm tiền tiêu vặt, chứ không hề có ý thức gì cho lắm về văn chương. Thời đó tôi lấy đủ thứ tên hiệu, vì giữ một tên sẽ khó được các nhật báo nhận đăng, nào Linh Vũ, Trúc Lâm, Lệ Thuyền... nhớ không hết. Khổ nhất là khi đến Tòa soạn các báo lấy tiền nhuận bút. Tôi nhỏ người, trông rất trẻ con, nên phải nhờ bạn bè lớn tuổi hơn lãnh giùm, rồi chia nhau... Viết kiểu này tôi viết hàng tá truyện (bây giờ chỉ còn nhớ mang máng được đúng một truyện, thế nào rồi cũng “viết lại’’ để giữ làm kỷ niệm), nhưng chẳng có gì đáng gọi là văn chương cả!
Hỏi: Quá trình viết văn sau khi in tác phẩm đầu tiên có những thay đổi gì?
Ðáp: Nếu gọi những truyện đăng báo vừa nói là tác phẩm đầu tay, thì thay đổi rất quan trọng là đi lãnh tiền nhuận bút xong, tôi đi ăn phở, ăn đu đủ bò khô, đậu đỏ bánh lọt (thời đó tôi chưa biết uống bia) với bạn bè. Nhưng đó cũng là những lần độc nhất tôi kiếm được tiền bằng viết lách. Sau này, chẳng ai trả gì, và làm công việc văn chương tất là bắt buộc “bù lỗ”... cho các ông chủ báo văn nghệ ở hải ngoại.
Hỏi: Nhà văn có thể kể lại đôi điều về sinh hoạt văn chương miền Nam trước 1975 không?
Ðáp: Tôi rời khỏi VN năm 18 tuổi, không có cái may mắn thành niên trên đất nước mình, chỉ nhớ... được ông thầy Việt Văn là Doãn Quốc Sĩ thời ấy có nói dăm ba câu khuyến khích đám trẻ như tôi một cách chung chung, thế thôi.
Hỏi: Ngày 30 tháng 4 nhà văn đang ở đâu, làm gì? Biến cố 30/4 thay đổi cuộc sống của nhà văn như thế nào?
Ðáp: Tôi ở Montreal. Tối hôm ấy tôi mới nghe tin nhưng trước đó 1 tuần, gia đình tôi đánh điện cầu cứu. Nhưng tôi nào có làm được gì, chỉ lo khi “chạy loạn’’ có cái nguy đạp lên nhau mà chết. Tôi đánh điện về, khuyên “ở đâu cứ ở đó”!
Hỏi: Nhà văn sang định cư ở Canada từ bao giờ?
Ðáp: Tôi được học bổng du học, sang Canada năm 1963, viết thư hẹn 4, 5 năm sau sẽ về. Thế mà bây giờ là 42 năm có lẻ rồi!
Hỏi: Khi sang Canada, nhà văn bắt đầu viết lại từ bao giờ? Nhà văn có thể đôi chút về kỷ niệm nào đáng nhớ không?
Ðáp: Ban đầu thì tôi tham gia làm báo sinh viên, năm 64, 65... kiểu báo Tết ấy mà. Thời đó tôi làm “thơ”... và chống chiến tranh. Đến số báo thứ 3 thì bị cộng đồng tẩy chay, gọi là VC, hoặc tử tế hơn, là “thân’’ Cộng... Nói cộng đồng cho oai, chứ khi đó ở Montreal chưa có đến 100 sinh viên người Việt mình! Kỷ niệm đáng nhớ là vì một bài thơ mà các bạn đồng trang lứa chặn đường đón đánh. May quá, tôi biết khinh công, võ chạy của tôi là hạng thượng thừa... Nhưng dạo sau này tôi thôi jogging [chạy] rồi!
Hỏi: Tại sao nhà văn lại thấy mình cần phải viết văn bằng tiếng Việt trong hoàn cảnh sống lưu vong?
Ðáp: Ngôn ngữ nào cũng chuyên chở trong nó cách cảm nhận và suy luận của con người trong một nền văn hoá. Dù cách biệt với đất nước, tôi vẫn đèo bồng nền văn hóa Việt Nam đó trong máu, trong tim, trong da trong thịt. Tôi chỉ có thể là, với văn hoá đó. Đó là sự song tồn tất yếu. Trong mỗi cá thể, ẩn một tập thể có lịch sử, ngôn ngữ, phong tục... tạo nên cái khung tư duy, xúc cảm cho cá thể đó. Ngược lại, mọi cá thể tư duy - xúc cảm sống và hành động theo một mô hình văn hóa - đều lại là tác nhân tạo ra sự nối tiếp của lịch sử, của văn hóa đó... Cá nhân ý thức và hành động hôm nay là sự trở thành của cả tập thể ngày mai. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận nền văn hóa của những nước sở tại nơi chúng ta sống đâu. Tôi hòa nhập rất dễ dàng và khá tích cực vào đời sống văn hoá Canada. Nhưng hòa không có nghĩa là đồng... Một ngày nào đó, khi đã viết xong những điều tôi nghĩ là đáng viết bằng tiếng Việt để chia sẻ với đồng bào tôi, có thể tôi sẽ viết bằng tiếng Pháp. Rất tiếc là tôi không đủ trình độ tiếng Anh để làm công việc văn chương.
Hỏi: Nhà văn có thể kể lại quá trình sáng tác cho chúng em được không? Ý tưởng đến với nhà văn như thế nào? Sau đó ý tưởng được phát triển và thay đổi ra sao? Trong khi viết, nhà văn gặp những thuận lợi, khó khăn gì? Công việc kiếm sống có ảnh hưởng thế nào đến việc viết của nhà văn?
Ðáp: Trong thể loại tiểu thuyết lịch sử, ý tưởng – như các bạn nói - thường là nung nấu khá lâu. Chúng kết tinh lại sau hàng chục năm đọc, tìm hiểu, suy nghĩ. Rồi tôi tự hỏi: tôi có điều gì thực sự đáng để viết không? Độc giả đọc liệu có mất thời giờ cho những giông dài hiển nhiên chẳng đem được lợi ích gì cho tương lai? Trả lời xong những câu hỏi trên, công việc nghệ thuật bắt đầu: hàng trăm hàng ngàn trang viết ra, làm thế nào để độc giả không “gấp sách bỏ rơi” tác phẩm? Qua thể loại kịch, truyện ngắn, ký, câu hỏi vừa đặt ra vẫn là vấn đề chính. Tôi tin sự sống động của câu chuyện, cá tính nhân vật, “hơi” văn, bố cục qua sử dụng thời gian và không gian rất quan trọng. Nhất là “hơi” văn. Gọi là hơi, để nói lên một tổng hợp của âm thanh (nhạc), màu sắc (họa), nhưng cái chuyển xa, sâu và bền vẫn là ý nghĩa nội dung. Văn mà! Tôi không viết văn cho người giải trí. Tôi cũng không viết văn để giải trí mình. Viết khó nhọc lắm... Nhất là song song với công việc văn học còn nghiệp vụ như cái cần câu cơm... Vì thế, tôi vẫn chỉ là một người viết văn “part time”.
Hỏi: Sau khi các tác phẩm của nhà văn in ra, nhà văn có nhận được nhiều phản hồi của độc giả không? Nhà văn có thể kể 1 số nhận xét của họ được không?
Ðáp: Ít nhưng cũng có. Những lời khen, tôi cám ơn nhưng quên ngay. Còn chê, chê đúng, thì tôi không bao giờ quên. Lời chê ám ảnh tôi nhiều nhất là “anh viết khỏe quá”. Nó bắt tôi lặp lại câu tự vấn, liệu tôi có làm mất thời giờ quí báu của độc giả hay không?
Hỏi: Nhà văn nghĩ thế nào về môi trường phê bình văn học hiện nay?
Ðáp: Thật ra, đây là khâu yếu nhất trong những thể loại văn học. Trong cuộc phỏng vấn của Mai Ninh [1] , tôi đã khá dài dòng về vấn đề này. Các bạn cũng có thể đọc bài tạp luận “Xiếc chữ”’ trên talawas [2] và trao đổi giữa tôi với nhà văn Nguyên Ngọc [3] ...
Hỏi: Tiểu thuyết Tiếng cồng dường như một lời kêu gọi hàn gắn đất nước và con người Việt Nam rất thắm thiết được viết lên từ một câu chuyện có thật. Xin nhà văn cho biết mục đích chính khi kể lại câu chuyện này? Nhà văn muốn gửi gắm thông điệp gì qua tiếng cồng này?
Ðáp: Tiếng cồng là tiểu thuyết, đương nhiên là một sản phẩm của tưởng tượng và hư cấu. Nhưng chính vì thế mà tiểu thuyết trở nên hiện thực hơn cả loại hiện thực mắt thấy tai nghe. Văn hoá nào cũng có những huyền thoại tạo tác - hình như người Âu Châu gọi là founding myths – và câu chuyện cha Lạc Long chia tay mẹ Âu Cơ, mỗi người mang một nửa số con đi lên núi hay đi xuống biển là một huyền thoại ấy. Lịch sử Việt Nam thì 3 thế kỷ qua đã truân chuyên qua phân ly, đổ vỡ, hết cuộc chiến này sang cuộc chiến kia, đầy tang thương chết chóc. Những hố sâu chia cắt rất dễ thành những vực thẳm khó khỏa lấp, và thương tích trong tâm hồn là loại không có thuốc trị, không mổ xẻ, không hàn gắn được nếu không đặt chữ TÂM lên trên mọi sự. Còn thế giới ngày nay? Chưa bao giờ nền văn minh con người đang khủng hoảng ở mức khẩn cấp như bây giờ. Con người thế kỷ 21 chinh phục vật chất với những thứ kỹ thuật thần kỳ, nhưng đồng thời lại phủ nhận chính con người, lãng quên biết bao nhiêu giá trị tinh thần, cai trị lẫn nhau bằng bạo lực, dối trá, và gây ra những bất công ngày một trầm trọng. Sẽ đến lúc, để tồn tại, phải trang bị lại nền đạo đức nhân bản. Căn bản cho cách làm người với nhau là chữ TÂM. Đi xa hơn, TÂM chẳng những giữa người với người, mà còn nới ra cả giữa người và môi trường, thiên nhiên và những sinh vật khác. Cụ Nguyễn Du, nhà văn hóa kiệt xuất của chúng ta đã chẳng gióng tiếng ba trăm năm về trước rằng “CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI” đấy sao.
Hỏi: Nhà văn có thể nói thêm về khái niệm chữ TÂM được không? Cái “tâm” của con người cũng có thể bị vô minh phiền não. Đức Khổng tử đã nói: “Nhân chi sơ tính bổn thiện.” Vậy nếu chúng em hiểu không sai, con người có tâm và thân thiện cũng có thể ác nếu được giáo dục bởi sự hận thù tranh chấp. Xin nhà văn bổ sung thêm về khái niệm thú vị này—cái “căn bản cách làm ngưòi với nhau.”
Ðáp: Tính “bản thiện” hay “bản ác” là một vấn đề chẳng phải chỉ những triết gia phương Đông, mà những triết gia từ thuở Cổ Hy Lạp ở phương Tây cũng đã đề cập tới. Bàn thêm về bản thể, sẽ có thể đẩy chúng ta tách khỏi những chuyện tôi nghĩ là cấp thiết hơn. Nhưng xin dẫn Platon trước: tôi nhớ mang máng rằng theo ông, đạo lý (morality) là yếu tính hướng về cái tốt và cái đẹp, cuối cùng là sự chiến thắng của cái tốt, cái đẹp. Nói thế, có thể hiểu rằng trong con người luôn có đối kháng giữa cái ác, cái xấu với cái tốt, cái đẹp. Và đạo lý có tính “người” (theo Platon, rất lạc quan) sẽ dẫn tới sự chiến thắng nói trên. Như vậy, giáo dục bởi sự hận thù tranh chấp tất là vô luân, bởi cái gọi là giáo dục đó chỉ dẫn con người đến cái xấu, cái ác.
Xin phép các bạn cho tôi nói thêm một chút. Con người không chỉ tồn tại đơn thuần như một cá thể, nhưng quây quần thành xã hội, bởi cần nhau. Nhìn ở tầm hẹp, hãy kể từ gia đình, làng xã, cho đến... quốc gia, và ở tầm rộng nhất, là cả thế giới. Nếu quên mất điều này, con người tất chỉ hành xử vị kỷ, mặc nhiên phủ định xã hội nhân quần, và như thế cũng là phủ định bản thân mình và thu nhỏ chính con người mình trong một quá trình phản tiến hóa. Vì thế, làm người với nhau, như một điều tất yếu, là hòa đồng với tha nhân, với những người khác mình, nhưng đồng thời không vong thân tha hóa (allienation) biến mình thành loại thứ phẩm của người khác. Điều này có nghĩa ta chấp nhận sự tồn tại của những kẻ khác ta, coi người khác như ta, ở nghĩa họ cũng là những cá nhân tự do và không vong thân tha hoá. Điều vừa nói chẳng đơn giản. Làm được, sẽ không cá nhân nào cho mình cái khả năng chỉ mình mới sở hữu chân lý, áp đặt lên người khác quan điểm của mình; sẽ không có những xã hội toàn trị trong đó người cầm quyền phủ định những kẻ bị trị; không có những siêu cường khống chế những quốc gia nhỏ hơn, nghèo hơn... Tóm lại, con người phải chữa căn bệnh vĩ cuồng vì quyền lực, gọi cho gọn là bệnh cuồng quyền. Trong tiểu thuyết Gió lửa, tôi đề cập đến căn bệnh này khá nhiều, xin ngưng ở đây. Bây giờ, chúng ta nói qua về cha của Freddy trong Tiếng cồng. Không biết ông có ném bom hay chỉ bay những chuyến bay trinh sát, nhưng khi viết thư cho con, ông nói ông không hề ném bom. Phần Freddy, anh ta bị ám ảnh, chẳng phải vì cha chết mất xác ở Lào Cai, nhưng vì cái nghi vấn cha mình có ném bom hay không trên đầu những con người. Đấy là tiếng gọi của lương tâm, là yếu tính hướng thiện của con người. Nó có thể xuất phát từ TÂM, tôi hiểu như lòng nhân ái, và theo thiển ý, đó là căn bản để con người làm người với nhau. Và làm, tức hành động. Làm người với nhau là tương quan và hành xử với nhau. Trong nhiều loài sinh vật, tranh chấp cắn xé có, nhưng ít khi huỷ diệt nhau, có lẽ vì bản năng tồn sinh. Loài người, các bạn thừa biết, kỷ vừa qua có 2 cuộc thế chiến, và từ đó chúng ta “văn minh” đến độ phát huy không biết là bao nhiêu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (mass destruction)! Tôi e, đến cái bản năng tồn sinh chúng ta cũng đang đánh mất, còn lại có chăng là bệnh cuồng quyền, là huyễn hão (vanity), vừa phản thiên nhiên, vừa đi ngược đường tiến hóa. Nói như vậy, tôi không hề kêu gọi ai thành thánh cả. Tôi chẳng đủ dũng cảm để ai tát má bên trái, tôi chìa ngay má bên phải ra như đấng Kitô dậy. Nhưng ít nhất, trước khi hành động, tôi sẽ kìm lòng thêm dăm ba phút hiểu cái tát, để chìa má bên phải hay là tát lại kẻ tát tôi là một hành động có ý thức, không chỉ thuần bản năng. Còn ai đó mang hận thù tranh chấp ra hòng tôi phải theo cái này, chống cái kia, tôi sẽ bình tâm (lại chữ tâm) ngẫm nghĩ, chứ không sôi gan lên rồi lao vào những kiểu manh động có tính bầy đàn...
Các bạn nói ít, nhưng tôi hiểu rằng từ thân phận Việt Nam lưu vong ở thế hệ thứ 2, các bạn đã nhiều lần nghe đến tranh chấp và hận thù. Đừng trách cứ gì cha, anh. Họ là những kẻ mất mát, và là những người có lòng với Tổ Quốc. Nhưng các bạn khác. Các bạn nay có thể bình tâm để khách quan nhìn sự kiện, để hiểu, và nếu làm gì, các bạn cứ làm khi chắc chắn là mình hướng theo cái tốt, cái đẹp. Người Việt ba mươi năm qua oằn lưng gánh một gánh phở, mỗi đầu đòn gánh là một ngọn cờ, tay phải buông gánh đánh tay trái, và ngược lại. Cứ tiếp tục như vậy, gánh phở rồi sẽ rơi xuống đất, và sau chúng ta sẽ chỉ còn hủ tíu Nam Vang hay mì Quảng, thì thật là thảm họa.
Hỏi: Xin nhà văn nói rõ thêm về The Vietnamese Syndrom [Hội chứng Việt Nam] đã được nhắc đến trong nhiều tác phẩm. Nhà văn có nghĩ rằng hội chứng này đã gián tiếp ảnh hưởng tích cực trong việc đánh tiếng chuông cảnh tỉnh đối với chính quyền Mĩ và Việt Nam hay không? Hay mọi người còn quá thờ ơ với những tàn tích mà một lịch sử, một quá khứ đã để lại?
Ðáp: Anh Nguyễn Giang của đài BBC hỏi cách đây ba năm làm sao Tiếng cồng “tiên tri” được những biến động trên vùng cao vùng xa với những sắc tộc thiểu số, tôi đã đáp, tôi chịu, và tôi cũng chẳng hề có ý định làm cái việc dự phóng tương lai. Cái hội chứng Việt Nam - một vấn đề văn hóa - có một số đặc thù. Tôi xin không bàn đến hội chứng này đối với người Mĩ, để tiếp tục tập trung vào phần ta. Ta (tức người Việt ta) không cưu mang cái gần, nhưng trân quí cái ở xa. Ta có thể khoan nhượng với kẻ thù bên ngoài, thậm chí có lúc xu phụ ngoại bang, nhưng lại khắc nghiệt với đồng bào không cùng ý kiến, quan điểm. Ta dễ dãi gọi họ là giặc trong, để chia rẽ, phân liệt, và đối kháng quyết liệt, đôi khi đến độ hủy diệt lẫn nhau chỉ vì những thứ từ ngữ ta thật sự không hiểu cho thật rõ. Ba mươi năm qua, cá nhân bị dìm vào tập thể đến chết ngạt, hễ nói đến tự do hay độc lập thì là tự do độc lập của dân tộc chứ không phải tự do độc lập cá nhân. Nhưng dân tộc là gì? Nói đến dân tộc thì nhân danh ai? Cho đến nay vẫn là những tra vấn còn bị húy kị, xuyên tạc, chụp mũ. Viết văn, tôi không có ý đề cập trực tiếp đến chính trị. Trong Tiếng cồng, Sa có thật yêu Hà không hay chỉ vì muốn đi Mĩ ? Đến nơi, Sa không thể sống được với Hà, một kẻ mang thương tật, tôi gọi là thương tật lưu vong, do mất mát bản sắc đến độ tâm thần. Rồi Sa tìm lại Freddy. Tình yêu? Chắc là không! Nhưng như một thứ bó buộc của định mệnh. Quan hệ chính quyền giữa Việt Nam và Mĩ rất có thể như thế. Không như Sa và Freddy, hai chính quyền này chưa sinh nở được cái gì tích cực như đứa bé gái tên mang tên Sao, một vị công chúa bị lịch sử ném từ thượng du miền bắc Việt Nam sang Paris, về đến nơi sinh ra mình thì nghe được tiếng cồng thiêng liêng đánh thức bản sắc. Nhưng sau chuyến thăm Hà Nội của ông Hồ Cẩm Đào lãnh đạo Trung Quốc vừa qua, biết đâu những người lãnh đạo họ lại không theo gương Hà và Freddy, leo lên cùng giường, mặc dầu không nhất thiết chia chung một giấc mộng? Tôi không dám cảnh tỉnh ai, nhưng lúc này mà Tiếng cồng được dịch sang tiếng Mĩ thì khá “đúng thời cơ”, trong các bạn có ai phiêu lưu làm việc dịch này không? Đi với Mĩ, tôi thiết tưởng, đỡ sợ hơn là phải đi với TQ, nhất là ở trung hạn và dài hạn!
Hỏi: Nhân việc nhà văn nhắc đến quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mĩ, chúng em vừa đọc qua một vài tác phẩm nhắc đến Việt Nam như một cô gái đồng trinh bị Trung Quốc cưỡng hiếp qua bao giai đoạn lịch sử (chính trị, văn hóa…). Chúng em sợ rằng đi với Mĩ, cô gái này sẽ lại bị Mĩ cưỡng hiếp theo một cách khác. Nỗi sợ này có nguyên do của nó, bởi vì theo em quan sát, một bộ phận rất lớn giới thanh thiếu niên Việt Nam trong nước đang tiếp thu và nuôi dưỡng một lối sống hướng ngoại, sống theo kiểu Mĩ mà không có định hướng rõ ràng. Nếu Tiếng cồng được dịch sang tiếng Mĩ, có ảnh hưởng tích cực đến quan hệ giữa Mĩ và Việt Nam thì đó là thành công lớn của tác phẩm. Nhưng một hậu quả tất yếu sẽ là Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng hơn của nền văn hóa tự do Mĩ. Liệu rồi văn hóa Việt Nam sẽ đi về đâu? Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ coi mình là người Việt Nam hay một young American-wannabe. Liệu vấn đề này có bắt buộc phải xảy ra nếu Việt Nam muốn hội nhập với thế giới hay không? Xin nhà văn cho biết ý kiến của mình.
Ðáp: Lý do khiến cô gái Việt Nam bị hãm hiếp là cô ấy nghèo và yếu. Nhưng dẫu thế, cô ấy vẫn tiếp tục là cô gái Việt Nam, bởi trong nếp sống, cô ấy vẫn giữ được những nét truyền thống khiến cô không giống những cô gái Tàu, Pháp, Mỹ... Đọc một câu ca dao, hay nhắc đến dăm ba vần thơ trong Kiều, cô ấy vẫn cảm động, thấy mình gắn bó với ngôn ngữ và tâm tình Việt Nam. Xin gióng tiếng Kiều, “Chữ trinh còn một chút này” là gì? Đó là cái gốc văn hóa chúng ta cùng nhau gìn giữ được. Đừng để Nam Dao chí thất lạc như trong Đất trời chính là cách tự vệ. Nhưng chúng ta cũng đừng khép kín, bế quan tỏa cảng trí tuệ và tâm hồn. Phải mở, vì tất cả những hệ thống đóng (closed system) đều sẽ tiêu vong, mất sức sống (theo vật lý, độ entropy tăng, trữ lượng thông tin giảm...). Thế giới bây giờ là một quần thể đa văn hóa, cái nọ tác động lên cái kia. Điều kiện cần để giữ một nền văn hóa là giữ được, và phát triển được, ngôn ngữ riêng mình. Cần nhưng chưa đủ. Điều kiện đủ là có khả năng tiếp thu những cái hay của những nền văn hóa khác để thực hiện một tổng hợp hài hòa với nền văn hóa của mình. Hiện tôi đang đối thoại với các bạn, đây chẳng phải là một cách chúng ta đang tiếp tục gìn giữ văn hóa đó sao? Ở Mĩ, các bạn còn thắm thiết với văn hóa Việt Nam như vậy, thì tại sao các bạn lại lo ngại cho những người đồng trang lứa trong nước? Rất có thể các bạn về thăm đất nước và thấy một số hiện tượng hướng ngoại trong lối sống trong thành phố, và nhất là ở tầng lớp mới “giàu”, con ông cháu cha. Nhưng 80% dân Việt Nam sống trong vùng quê. Với lợi tức rất thấp, có muốn họ cũng chẳng thể thành Mĩ được. Đến muốn đuổi cho kịp Thái Lan ở mức hiện tại, người ta còn cho rằng phải mất 20 năm nữa. Buồn thế đấy!
Nhưng cứ cho là sự lo ngại của các bạn có lý. Thì hành động: làm người mà. Các bạn hãy về Việt Nam giúp đi: nào là trẻ em bụi đời, những kẻ khuyết tật, nào là những người bị chất độc da cam, những kẻ phải bán trôn nuôi miệng... Họ đếm ra có đến cả triệu. Và tất nhiên họ đang cần bàn tay và tấm lòng của mọi đồng bào được may mắn hơn họ.
Lời cuối, hội nhập không cứ tất là bị đồng hóa văn hóa. Một nghìn năm nằm sát nách anh khổng lồ phương Bắc mà người Việt Nam vẫn còn là người Việt Nam thì đủ để có thể tin rằng một nghìn năm nữa, lại cách nước Mĩ cả một đại dương, người Việt Nam khó có thể trở thành người Mĩ. Vả lại, các bạn có đoan chắc là siêu cường Mĩ sẽ tồn tại đến ngày ấy không? Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm lịch sử của Đế quốc La Mã, để trả lời câu vừa hỏi.
Hỏi: Theo nhà văn, một thế hệ trẻ học sinh sinh viên như chúng em, là những người không trực tiếp chứng kiến chiến tranh Việt Nam, có bị gọi là “mù lòa muôn đời, là sự què quặt của những cái ‘den’ lạc lõng” (Tiếng cồng, tr 61) hay không?
Ðáp: Không! Tôi đã đọc lại đoạn này trong T.C. Đó là lời Hà đáp Sa, nói về một lớp thanh thiếu niên Việt lớn lên ở Mĩ, “mất” ngôn ngữ mẹ, và nếu mù lòa thì là vì vậy, chứ không dính gì đến chuyện trực tiếp chứng kiến chiến tranh hay không! Và có chút trách móc, là trách móc những vị phụ huynh đã không chú ý đến sự chuyển giao ngôn ngữ mẹ cho thế hệ con em, cách giữ văn hóa và bản sắc. Hội nhập vào xã hội mới là hội nhập nếu giữ được văn hoá gốc, và rồi bồi dưỡng bằng cách tiếp thu và tiêu hóa qua tổng hợp những giá trị mới. Không giữ được bản sắc, chỉ có sự đồng hóa. Trong trường hợp này, dĩ nhiên câu “mù lòa muôn đời, là sự què quặt của những cái ‘den’ lạc lõng” có chút gì như một sự thật khó chối cãi [4] .
Cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài có một lịch sử còn ngắn ngủi. Thời gian đầu, thế hệ phụ huynh ưu tiên ổn định đời sống, trong đó phần công ăn việc làm rất quan trọng, nên có lơi là về phương diện văn hóa ngôn ngữ âu cũng là điều hiểu được. Nhưng sau này, cộng đồng đã có nhiều hoạt động văn hóa khá tích cực và phong phú. Và nay, các bạn đang phỏng vấn tôi, đó không phải là dấu hiệu các bạn đang và (có thể) đã khôi phục lại cái vốn ngôn ngữ mẹ đó sao? Chuyện văn hoá là chuyện cả đời. Đọc, đã đành. Nhưng còn viết. Còn mang văn hóa mình phổ biến để hội nhập, đích thực là mình và cho công bằng với người sở tại...
Các bạn có nói về chiến tranh. Tôi cũng là kẻ không trực tiếp chứng kiến cảnh đạn bay bom nổ. Nhưng chẳng vì thế mà tôi nghĩ mình mù lòa, lạc lõng. Trái lại, tôi may mắn. Đã gặp nhiều cựu quân nhân cả Nam lẫn Bắc, tôi có cảm nghĩ là ai cũng muốn quên đi chiến tranh. Nhưng mặc dầu vậy, cái dấu vết khốn nạn về một thời để quên vẫn đâu đó. Nó thi thoảng lộ dạng trong một câu nói, một cái nhìn thoáng chút căm thù nào đó, hay ít nhất là không đủ sự độ lượng giữa người với người. Vì thế, tôi sợ rằng những vết thương trong tâm hồn họ vẫn chưa lành, lâu ngày rồi mà máu vẫn rỉ rả, và có thể trở thành thương tật vĩnh viễn. Chính đó mới là sự mù lòa, chẳng phải của những cái “den” lạc lõng, mà của những tâm hồn không thoát được khổ nạn...
Hỏi: Theo em hiểu “tiếng hú” trong Đất trời của nhà văn mô tả nỗi đau và nỗi nhục của người Việt bị mất nước. Đất nước Việt Nam sau 75 đến nay được xem là nước có chủ quyền và độc lập, nhưng người dân Việt chúng ta có cuộc sống chẳng khác gì “tiếng hú” trong Đất trời. Vậy, nhà văn có dự định làm một “tiếng hú” nào khác để lưu lại cho con cháu đời sau không?
Ðáp: Tôi viết là viết cho những người cùng thời. Nếu chính họ không tiếp nhận thì làm gì có “đời sau” như các bạn hỏi. Sau 75, đồng bào trong nước can qua nhiều khó khăn. Họ cần gạo, chất đạm, một số điều kiện an sinh về y tế và giáo dục cho con em, và nhất là sự cởi mở thực sự của chính quyền nhằm hội nhập vào thế giới mà những giá trị như tự do, quyền công dân, dân chủ... là những tiền đề cần thảo luận, cần đào sâu, cần chu chỉnh cho thích hợp với xã hội và văn hóa Việt Nam ở hiện trạng. Chúng ta nên góp sức vào, với công tâm và mục tiêu tối hậu là sự thật. Đã có người nói, không có gì cách mạng hơn sự thật... Việc trước mắt đầy rẫy, nên tôi chưa có thời giờ nghĩ đến lưu lại cái gì cho “đời sau” cả!
Hỏi: Có phải bút hiệu Nam Dao là nhà văn chọn từ Nam Dao chí của Nguyễn Trãi? Nhà văn chọn bút hiệu này là do thích “lấy chí nhân để thay cường bạo” hay nhà văn muốn thực hiện ước mơ của mình như Nguyễn Trãi?
Ðáp: Nam Dao, từ Hán Việt, có nghĩa là những bài trẻ hát ở phía Nam. Bút hiệu này tôi lấy trước khi viết tiểu thuyết lịch sử. Năm 1999, Gió lửa. Và 2002, Đất trời. Trong tiểu thuyết này, khi nhà Minh đô hộ nước ta, họ tìm cách diệt cho bằng hết những vết tích sách vở văn hóa Việt, nhưng làm sao xóa được những bài hát trẻ con hát đây. Nguyễn Trãi chép lại vì sợ chúng mai một, nhưng lại thất lạc, và có ý định sưu tầm lại về sau. Việc này Nguyễn Trãi bỏ dở, vì dính vào đủ thứ vụ việc chính quyền. Cho đến cuối đời Trãi, Nam Dao chí ( tức tập bài hát con trẻ phương Nam) vẫn chưa được hoàn thành, Trãi lỗi thề với cô bé cháu là Vàng Anh bị giặc Minh giết. Oái oăm, khoảng trống hệ ý thức chính trị buộc Trãi lại du nhập mô hình quyền lực Tống Nho vào đất Việt! Đó là thảm kịch của trí thức Việt Nam. Nhưng Trãi là kẻ lực bất tòng tâm. Giá như người tập trung vào văn hóa, phó mặc chuyện chính trị, thì có lẽ chúng ta thực sự có thêm biết bao nhiêu điều quí giá! Chuyện những người trước chưa làm, ý thức được thì chúng ta ắt có trách nhiệm tiếp tục.
Ngày nay, chúng ta không có Nguyễn Trãi. Sáu trăm năm sau, ngẫm lại cũng chẳng mấy khác: trí thức khoa bảng hiện thời phần lớn phò thứ chính thống vay mượn từ mô thức ngoại lai, cong lưng trước vũ lực, quì gối vái người cầm giữ cường quyền, tầm nhìn là cái tôi nhỏ nhoi, nhỏ vì chỉ biết lợi lộc cho mình, vì mình... Ở hải ngoại, các bạn thuộc một thế hệ khác, và chắc các bạn sẽ không tiếp nối cái nét truyền thống đớn hèn đó của những kẻ đi trước.. và đi lạc!
Hỏi: Theo chúng em biết, nhà văn Nguyễn Mộng Giác (hiện đang sống ở Nam Cali – Hoa Kỳ) là một trong những nhà văn lớn trong nền văn học hải ngoại. Ông có trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ kể về lịch sử thời Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, và Nguyễn Lữ. Tác phẩm này được chính quyền Hà Nội xuất bản và đọc cho khán giả trong nước nghe qua phần đọc truyện trên đài phát thanh. Còn nhà văn cũng viết về lịch sử cổ. Vậy, nhà văn có tìm thấy sự đồng cảm giống nhau nào giữa nhà văn và Nguyễn Mộng Giác không?
Ðáp: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác có trao đổi với tôi về tiểu thuyết lịch sử vài năm trước [5] . Tôi mạn phép trích lời Giác:
“Các nhà lý luận, tùy khẩu vị từng thời, phân chia văn chương thành hai dòng song hành: vị nghệ thuật và vị nhân sinh, dương tính và âm tính, cái cao cả và cái dung tục, vĩ mô và vi mô, hay như mới đây trên Hợp Lưu số 66 (tháng 8 & 9/2002) anh Ngân Xuyên có dịch một bài của nhà phê bình Nga Fazil Iskander, trong bài đó ông dùng một thuật ngữ mới: văn chương ở nhà và văn chương vô gia cư.
“Văn học ở nhà có đặc điểm nhân tính giản dị khiến anh muốn được sống bên cạnh các nhân vật của nó, anh được ở dưới mái nhà bè bạn, anh được che chở tránh những cơn bão táp thế giới, anh sống cùng những người chủ nhà thân thiện, dễ mến. Và ở đây, trong ngôi nhà ấm cúng và hiếu khách, anh có thể cùng với chủ nhà suy tư đàm luận về các số phận của thế giới cũng như về những tác động của các cơn bão thế giới.
“Văn học vô gia cư không có bức tường nào che chắn, nó mở toang ra trước mọi cơn bão thế giới, nó dường như thử thách anh trong những hoàn cảnh của cơn bi kịch thực sự, anh bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi cảnh tượng vực thẳm của cuộc sống, nhưng anh không bao giờ muốn sống bên cạnh vực thẳm đó. Vả chăng điều này còn phụ thuộc nhiều vào tính cách người đọc.
“Văn học ở nhà, chủ yếu là sự hiền minh (Puskin, Tolstoi). Văn học vô gia cư, chủ yếu là trí tuệ (Lermontov, Dostoievski)….
Nếu theo cách phân loại trên, thì vâng, tôi là người chủ trương văn chương ở trong nhà, cuộc đời này dù sao vẫn còn rất đáng sống, con người dù sa đọa đến đâu cũng rất đáng thương, vòm đời bụi bặm này dù sao cũng là một mái nhà che mưa che nắng cho tất cả chúng ta. Anh thuộc các nhà văn vô gia cư, báo động một trận đại hồng thủy nhân loại đang cận kề mà không ai hay biết. Họ điếc, anh phải hét lớn vào tai họ, mong họ thức tỉnh.’’
Tôi đồng ý với Nguyễn Mộng Giác. Và tôi không chờ đợi văn chương của tôi sẽ được đọc trên đài phát thanh ở Hà Nội trong một tương lai gần. Đấy, tôi cũng thực tế đấy chứ!
Hỏi: Trong tập truyện Trong buốt pha lê, nhà văn có nói rằng người viết không bắt buộc cứ phải lặp lại và khép kín trong những “sắc thái và tình tự quá đặc thù cá biệt.” Nhà văn nghĩ mình có chịu ảnh hưởng của tác giả nào khác không, kể cả nhà văn Việt Nam và nước khác? Là tác giả nào? Tại sao?
Ðáp: Đó là phản ứng của tôi khi nhận thấy văn chương hải ngoại phần lớn tập trung vào những “sắc thái và tình tự quá đặc thù cá biệt.” Ma xát với những sắc dân và văn hóa khác, ta có khả năng xác định văn hóa của ta, và chỉ như thế thì đặc thù và cá biệt mới có khả năng trở thành phổ quát - tức universal theo cách nói châu Âu – mang tính con người trên trái đất nhỏ xíu này. Tôi đọc và trân trọng khá nhiều nhà văn. Cervantes, Diderot, Proust, Marques, Borges... Rồi Hemmingway, Faulkner, Tenesee Williams, Henry Miller. Ở ta, tôi kể Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... và nhiều nhà thơ như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Bính, Huy Cận... Nhưng trí nhớ tôi tồi lắm. Đọc mà chưa quên được những tác giả tôi cảm phục thì tôi không viết. Thường thì tôi trân trọng những văn phong, cảm quan và tâm hồn khác với tôi. Vì chỉ thế thì tôi mới biết chỗ đứng của tôi là chỗ nào. Khủng khiếp nhất trong văn chương là đi nhại lại. Và nhại lại chính mình thì… còn rùng rợn hơn nhiều lần. Nó như sự chết, các bạn ạ! Sáng tạo là cách độc nhất để chống lại cây kim đồng hồ xoay đúng một chiều, xoay mãi, chẳng ai cản được.
Hỏi: Nhà văn còn nói rằng viết cách làm người không chỉ có “chuyện văn hay chữ tốt” nên văn chương khác với “son phấn” và với “ánh đèn sân khấu của những màn kịch tung hô.” Nếu chúng em không hiểu sai, ông Jean Paul Sartre trong cuốn Qu'est-ce que la littérature đưa ra sự gợi ý đồng nghĩa với nhà văn. Nghệ thuật không vị nghệ thuật mà vị nhân sinh. Nhưng trong những phong trào văn chương của thế kỷ 20 cũng có vài triết gia Anh, Pháp và Đức (Wittgenstein, Foucault, Derrida, Heidegger và Gadamer) cho rằng chúng ta không vượt qua được phạm vi ngôn ngữ để đến một “chân lý” nào đó nên “sự thực” sẽ bị/ được gắn với “son phấn” và “ánh đèn sân khấu” của ngôn ngữ. Thưa nhà văn, nhà văn có đồng ý với phong trào này không? Và nhà văn có thể cho chúng em biết mối quan hệ giữa văn chương và nhân sinh quan của ông, được không?
Ðáp: Câu chuyện vị nghệ thuật vị nhân sinh cũ lắm, ông Hoài Thanh nói bằng chữ quốc ngữ sáu mươi năm về trước, chẳng đợi cuốn sách của Sartre ra đời. Thời Đường, thời Tống bên Tàu người ta cũng bàn, và trong sách Kiến văn, cụ Lê Quí Đôn bên ta cũng từng chê cái kiểu vị nghệ thuật cứ vịnh hoa, vịnh trăng... của các cụ nhà Nho thuở xưa, đa phần là đi trốn đời, vịn vào văn chương sáo mòn để che đi cái yếu ớt của lớp “dài lưng tốn vải”.
Qua chuyện triết. Ngôn ngữ là symbol (biểu tượng), rồi cái nó chỉ, cái được chỉ (signifiant, signifié) không phải là một, mà đa phức, hỗn tạp, vân vân và vân vân. Ngôn ngữ học hiện đại bỏ sang một bên phần ngữ nghĩa (semantics), dùng duy lý hình thức (formal logics) - kể cả toán cao cấp - đào sâu tính cấu trúc (structuralism...), và chẳng biết có đi đến đâu không mà rồi nay thì la lối hủy tạo luận (destructuralism), vài năm nữa sẽ là cái chi chi thì chỉ Trời mới biết. Nhưng hẳn các bạn đã được thông báo: tác giả đã chết, chỉ có văn bản. Và nghiên cứu văn học, rút lại thành tìm những quan hệ liên văn bản, vân vân... Nghe vậy tôi đã định tự tử, nhưng nhát quá, và vẫn thích rượu chát, nên thôi!
Trong văn chương, người ta cũng tung hô những cái “hậu hiện đại” kiểu hiện tượng “phi tuyến tính” (non-linear), biến thái gãy đổ (bifurcation), hỗn mang (chaotic), bất định (indeterminism), đa nghĩa, ẩn dụ (nghĩ một đằng nói một nẻo, hay có văn hóa hơn- nói bóng nói gió- trong ngôn ngữ Việt), cho rằng muốn “mới” thì chính là đổi mới hình thức. Trời ơi, khỉ thật, tất cả những thuộc tính như phi tuyến, gãy đổ, hỗn mang, bất định đều là điều đã biết trong cơ học cổ điển và cơ học lượng tử từ khoảng đầu thế kỷ 20. Chỉ như vậy, thực sự chẳng có gì “mới” cả! Vấn đề: mang những thuộc tính của tư duy hình thức và khoa học tự nhiên vào văn chương được gì, mất gì, khi nào thích hợp, khi nào không? Khơi khơi, người ta phán cõi nhân sinh rắm rối gấp trăm lần cõi hiện tượng sinh - vật lý, thích hợp quá đi chứ! Vậy là chỉ có được, không có mất, và thế là chỉ cần bảo rối rắm phức tạp là thế giới con người tha hồ gãy, rồi đổ, bất định, hỗn mang, bóng gió đến độ ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, không hiểu gì là thiếu trình độ (tức là ngu, nói bỗ bã). Trong khi đó, văn chương “hậu hiện đại” chỉ một thiểu số tán tụng, thường là lên sân khấu tán tụng lẫn nhau, và vì không người đọc nên văn chương hậu hiện đại mang thêm nhiệm vụ đột phá “mở đường”, tức là chưa, hoặc ít người đi theo sau đuôi, dĩ nhiên trừ một thiểu số tiếp thu được, như những thầy thông ngôn tân thời biết chút ngoại ngữ.
Nhưng khi đọc lại văn chương gọi là “cổ điển”, rất dễ tìm ra những phi tuyến, gẫy đổ, hỗn mang, bất định... kiểu hậu hiện đại vừa kể. Tôi không tin thế là đổi mới, và có ai đó bảo văn chương của tôi cổ điển, tôi xin vui lòng nhận ngay. Bởi những con chữ, đơn vị tạo tác của văn chương, đều có nghĩa, ít ra là như một qui ước (convention). Bởi văn chương đèo bồng cách làm người của nhà văn. Bởi, như tôi đã viết, văn chương khác với son phấn kiểu lòe loẹt “văn hay chữ tốt”, lên sân khấu múa may rồi tung hô như đóng những vở kịch diễu dở.
Nếu văn chương muốn tồn tại, theo ý riêng tôi, thì “cái còn đo bằng độ lắng của văn chương ở chiều sâu tâm thức người đọc”. Câu vừa viết là câu các bạn quên không trích khi đặt câu hỏi, và viết lại ở đây là cách tôi xin trả lời các bạn.
Hỏi: Một lần nữa, chúng em xin được cảm ơn nhà văn đã đồng ý trả lời cuộc phỏng vấn này. Chúng em chúc nhà văn cùng gia đình mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn.


Phụ lục:
Một số tác phẩm đã được đưa lên mạng http://amvc.free.fr/
Sách đã in
Những con người, những bóng ma, bút ký (250 tr), Nxb Văn Mới, California, 2006
Trăng thuê ảo ảnh, (tập truyện), 190 tr, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2004
Đất trời (tiểu thuyết lịch sử), 420 tr, Nxb Văn Mới, California, 2002
Khoảng chơi vơi (Truyện và Ký), 242 tr, Nxb ThiVan, 2001
Trong buốt pha lê (Tập truyện), 219 tr, Nxb ThiVan, 2001
Ba vở kịch, 232 tr, Nxb ThiVan, 2000
Tiếng cồng (tiểu thuyết), 182 tr, Nxb ThiVan, 2000
Gió lửa (tiểu thuyết lịch sử), 493 tr, Nxb ThiVan, 1999
Bản thảo (sẽ in)
Dịch lại Thơ Đường, 230 tr, 1995
Chinh Phụ Ngâm dịch theo nguyên thể Hán văn, 148 tr, 1996
Thơ Nam Dao, 167 tr, 1996
Bể dâu (tiểu thuyết- đang thực hiện)
Truyện ngắn
Cánh bướm đen, Văn Học, tháng 8-9, 2005
Điệu luân vũ trên máu, Văn, tháng 3-4, 2005
Đất Thổ, Văn Học, 220, 2004
Sống lại, Hợp Lưu, 2003
Tuyệt tình, Văn Học, 2003
Hoa tưới máu, Văn, 2003
Những sợi tóc mai (ký với bút hiệu Dã Tượng), Hợp Lưu 67, 12, 2002
Hũng lốc, Hợp Lưu 67, 12, 2002
Đêm Đông Quan, Văn, 60&61, 1-2002
Con mắt xanh, Văn Học, 191, 02-2002
Khoảng chơi vơi, Chủ Đề, số 7, 2001, 1- 37-64
Mắt trời, Văn, số 55&56, 8-2001, 39-51
Tiếng hú địa đầu, Văn Học, 179, 4-2001
Người mình, Hợp Lưu, số 57, 2&3-2001
Trong buốt pha lê, Văn Học, 169, 5-2000
Phép lạ, Venezia (ký với bút hiệu Dã Tượng) , Hợp Lưu, số 54, 8&9-2000
Trăng thuê ảo ảnh, Hợp Lưu, số 54, 8&9-2000
Quỳnh Hương, Hợp Lưu, số 50, 6-2000
Kenema, nhật ký thầm kín (dịch từ “Une étrangère en moi” của Eric Viet), Hợp Lưu, số 54, 8&9-2000
Yasmina, Hợp Lưu, số 48, 8/9-1999
Vết bước, Hợp Lưu, số 46, 4&5-1999
Chớp sao, Văn Học, 170, 4-1999
Loạn Kiêu binh, Văn, 5&6, 1999
Tiếng đá, Thế Kỷ 21, số 110, 06-1998 và số 111, 07-1998
Chim trong lồng, Văn Học, 146, 6-1998
Ân sủng, Hợp Lưu, số 42, 8&9-1998
Một mẫu số chung, Đất Việt, 1986
Kịch bản
Tình phụ, Văn Học, 219, tháng 7-8, 2004
Sân đền, Văn Học, tháng 8-9- 2003
Ba miền, Văn Học, 194, 6-2002
Ta xô biển lại, Hợp Lưu, số 56, 12-2000
Kịch câm, Văn Học, 168, 4-2000
Từ 4 phác bản thời gian đến mối mơ của Cuội, Văn Học, 175, 11-2000
Treo đầu dây Quan họ, Văn Học, 156, 4-1999
Bút Ký
Việt Nam, con người từ những bóng ma, Văn Học, tháng 6, 2005
Phùng Cung, thơ và người, Hợp Lưu, 78, 3-4/2004
Đỉnh ảo một đời thơ (về Bùi Giáng), Hợp Lưu, 2003
Xổ bụi (về Trần Dần và Nhân văn – Giai phẩm), Văn, Xuân Quí Mùi, 2- 2003
Ngỡ ngàng, nước đục bụi trong (về Trịnh Công Sơn), Văn Học,186-87
Trịnh Công Sơn, như cánh vạc bay, Văn, số 53-54, 06-2001
[In lại trong Trịnh Công Sơn, một người thơ ca một cõi đi về, chủ biên Nguyễn Trọng Tạo, Thụy Kha và Đoàn Tử Huyến, Nxb Âm Nhạc và Trung tâm văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 2001. In lại trong Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ, Trần Thanh Phương biên soạn tập hợp, Nxb Trẻ, TP HCM, 2001. In lại trong Trịnh Công Sơn, cuộc đời âm nhạc thơ hội họa & suy tưởng, Nxb Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2001]
Một vị thuốc đắng, một vị thơ (về Hoàng Cầm), Hợp Lưu, số 52, 4&5-2000
Những con voi không đẻ được (về Văn Cao), Đất Việt, 1988
[In lại trong Văn Cao, cuối cùng và còn lại, chủ biên Nguyễn Thụy Kha, Nxb Trẻ, Hà Nội, 1998]
Một trăm cách khóc (về Nguyễn Tuân), Đất Việt, 1987
Nhớ Phái (về Bùi Xuân Phái), Đất Việt, 1988
Tiếng hát đêm Giáng Sinh (về Nguyên Hồng), Đất Việt, 1985
Tiểu luận và Tạp ghi
Trách nhiệm nhà văn giữa những lối đi lầy vết, Phỏng vấn do Mai Ninh thực hiện, Hợp Lưu 80, 12-2004
Văn học, nội lực, trong-ngoài, và… vài tra vấn với nhà văn Nguyên Ngọc (ký Dã Tượng), Hợp Lưu,... 2003
Xiếc chữ, talawas, 01- 2003
Thảo luận về tiểu thuyết lịch sử: Nam Dao-Nguyễn Mộng Giác, Văn Học, 197, 2002.
Về tiểu thuyết lịch sử, Văn, 65, 5-2002
Kịch nghệ của người Việt hải ngoại, Văn Học, 181, 5-2001
Bộ ba, Chủ Đề, số 6, 2001
Đọc Hợp âm trong vùng sân khuất của Mai Ninh, Hợp Lưu, số 56, 12-2000
Ngưỡng cửa kỷ 21, bực thềm thiên niên 3: Vấp, Ngã và Đứng dậy, Chủ Đề 2001
Thơ
Đăng nhiều thơ rải rác trong Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Chủ Đề, Đất Việt ...
Dấu vết ngậm ngùi (tập thơ), 1989
Chú thích:
[1] “Trách nhiệm nhà văn giữa những lối đi lầy vết”, Phỏng vấn do Mai Ninh thực hiện, Hợp Lưu, 80, 12, 2004, 174-184.
[2] “Xiếc chữ”, talawas, 01- 2003.
[3] “Văn học, nội lực, trong-ngoài, và… vài tra vấn với nhà văn Nguyên Ngọc” (ký Dã Tượng), Hợp Lưu, 2003.
[4] Mời các bạn tham khảo: Bộ ba, Chủ Đề, số 6, 2001, 168-177.
[5] Thảo luận về tiểu thuyết lịch sử: Nam Dao - Nguyễn Mộng Giác, Văn Học, 197, 2002, tr 3-25.
Xin tham khảo về quan niệm TTLS của tôi trong “Về tiểu thuyết lịch sử’’, Văn, 65, 5-2002, tr 17-20.

30/3/2006
Bùi Uyên Thúy, Trần Quang Anh, 
Nguyễn Uyên Minh, Trần Quang Vũ
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Trần Hoài Dương: Tiếng hạc giữa miền xanh thẳm 9 Tháng Năm, 2021 Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Văn ...