Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Chất lượng cao của Thơ: Đích bắn chứ không phải tiếng nổ

Chất lượng cao của Thơ: 
Đích bắn chứ không phải tiếng nổ
Trong một vài cuộc trao đổi về Thơ, chúng tôi thấy có hiện tượng: phái này cho mình là cách tân, phái kia khẳng định mình là truyền thống, rồi qua đó để khẳng định chất lượng và giá trị của thơ, xem các phẩm chất trên chính là chuẩn của thơ hay. Và cuộc tranh luận chẳng có kết thúc…Muốn Thơ có chất lượng cao trước hết phải có một “cái chuẩn” về Thơ hay. Thơ hôm nay khá đa dạng trong tìm tòi đổi mới, nhưng theo chúng tôi nhìn chung chưa có một “cái chuẩn” về chất lượng thơ hay để góp phần định hướng phấn đấu trong sáng tạo cũng như phê bình thơ.
Cái chuẩn đó như thế nào?
Một số chủ trương  làm mới Thơ, nâng cao chất lượng Thơ chủ yếu là đổi mới về kỹ thuật, là trau chuốt ngôn ngữ, dụng công nhuận sắc  các con chữ, các con âm theo kịp các trào lưu hiện đại phương Tây. Số khác kiên trì đi về phía truyền thống, cố gắng dân gian hóa thơ ca của mình theo một  lối dân dã mới, gắn với cuộc sống  thời mở cửa. Đa phần quan niệm phấn đấu đạt chất lượng cao chủ yếu là ở cách nhìn cuộc đời, cách cảm nhận mới mẻ về đời. Cái mới về cách nhìn cuộc đời  sẽ kéo theo sự đổi thay về nghệ thuật (thi pháp). Các phương cách sáng tạo đó không phủ định nhau mà chỉ góp phần làm phong phú Thơ. Tuy nhiên  để không sa vào cái chân, giả lẫn lộn mà thời nào cũng có và người đời hay mắc phải có điều cần lưu ý.
Nhà thơ lớn nào cũng là bậc thầy về ngôn ngữ, về kỹ thuật thơ ca, nhưng cái người ta suy tôn trựớc hết là ở cái nội dung lớn lao, cao cả mà nhà thơ làm rung động tâm can nguời đọc chứ không phải ở cái phép “phù thủy” của kỹ thuật. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… sống mãi  trong lòng mọi người là ở tấm lòng nhân mênh mông  của các vị. Độc giả muốn tìm một ý nghĩa gì đó về thân phận con người về thế giới đa sắc đa hương được các tác giả thể hiện làm cho tâm hồn mình thêm giàu có chứ không phải để  ngạc nhiên trước các thủ thuật thơ ca.
Ở Phương Đông và Việt Nam nói riêng thời nào cũng có những nhà thơ coi trọng hình thức, những nhà thơ duy mỹ ưa chuộng sự kỳ dị hiểm tích trong việc dùng chữ, gieo vần. Vào cuối thế kỷ trước bên Âu Mỹ có các trường phái Thơ Ngôn Ngữ, Thơ Tân Hình thức, cũng với khuynh hướng trau chuốt hình thức, tuyệt đối hóa ngôn ngữ, nó lan nhanh sang các nước và thịnh hành trong một số nhà thơ Việt Nam  hải ngoại cũng như quốc nội và không phải không có những thành công nhất định, nhưng cũng có không ít những vấn đề khiến người đọc băn khoăn, suy nghĩ khi những đặc tính của nó được áp dụng vội vã. Một điều cần lưu ý: tuy cùng là một biểu tượng nghệ thuật, nhưng Rồng ở Phương Tây là con ngựa có cánh - biểu trưng cho đời sống du mục của các quốc gia cổ hình thành xung quanh Địa Trung Hải , Rồng Phương Đông lại là con rắn có  móng -  đặc trưng cho châu Á nơi nông nghiệp với  nghề lúa nước là ngành sàn xuất chính. Do đặc thù đời sống mà biểu trưng nghệ thuật trong cùng một phạm vi vẫn chẳng giống nhau. Tuy cùng hướng đến Chân, Thiện, Mỹ nhưng màu sắc đậm nhạt, nặng nhẹ ở Đông, Tây các thời kỳ không hoàn toàn giống nhau. Việt Nam trong trường kỳ lịch sử do cuộc đấu tranh sinh tồn giữ vững bờ cõi, giữ nền văn hóa, do ảnh hưởng mạnh của Tam Giáo,  truyền thống trong văn chương chức năng giáo dục, Cái Thiện có phần nặng hơn. Các yêu cầu “tải đạo”, “ngôn chí”,  “tâm linh”  là kim chỉ nam cho văn học một thời (nổi bật đó là cái đạo làm người, cái chí  cứu nước, cái tâm linh tưởng vọng tổ tiên của người dân bản địa); ngày nay có khía cạnh nào đó vẫn còn khả dụng và theo thiển ý chúng tôi chính nó góp phần làm nên cái bản sắc Việt Nam đương đại trong nghệ thuật.
Các khuynh hướng đổi mới của nghệ thuật hiện đại nói chung và thơ ca nói riêng đa phần đều nghiêng về phương Tây, khác với các cụ ta ngày xưa hướng về phương Bắc. Các cụ trong những thành tựu cuả mình đã biết chọn lọc hấp thụ cái phần tinh hoa của xứ người, không vội vã  chạy theo cái là lạ về hình thức khi chưa có sự thấu đáo về cái cơ sở, cái nền móng xã hội, cái tâm lý dân tộc có tương đồng hay không! Triết học duy lý đưa phương Tây phát triển thần kỳ về nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế, và Phương Tây có thế mạnh trong nhiều trạng thái tư duy của nhiều thế hệ trí thức trong đó có tư duy nghệ thuật. Nhưng càng gần đến thế giới hiện đại thì tư duy phương Đông (chủ toàn) lại tìm được thế cân bằng với phương Tây và bổ sung  nhiều khiếm khuyết  mà chính bởi cái chất duy lý (chủ biệt) một thời  nảy sinh.
Xã hội Phương Tây, có thể vào những thời điểm nhất định các vấn đề nội dung xã hội, nội dung nhân đaọ, dân chủ của nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng coi như đã rõ ràng, thống nhất, đã tạo một đường “pit ” cho nghệ thuật. Cái mới  chủ yếu là  sự tìm tòi phương thức biểu hiện, cho nên họ hướng mạnh vào hình thức, vào các phương thức biểu hiện, còn ở phương Đông, đặc biệt ở các nước từ chiến tranh bước ra, từ nghèo nàn lạc hậu đi lên, nhiều cải cách về nội dung xã hội về đời sống tinh thần đang ở giai đoạn phân tranh. Cái phần “ngoại vi“ mà văn chương Việt đứng vào trong nền văn chương thế giới hình thành và phát triển ắt có một quy luật riêng, cái riêng này tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam trên  con đường độc đáo để xây dựng kinh tế cũng như văn hóa của mình.
Vấn đề chính nổi cộm trong thơ và phê bình thơ  hiện nay theo ý chúng tôi cái chính là  sự chưa thống nhất giữa quan niệm về cái mới và cái đẹp  hay nói một cách khác chưa thống nhất một “cái chuẩn về Thơ hay”
Sự phát triển của VH - NT đương đại hướng đến hai tính chất thoáng nhìn như “trái ngược” nhưng thực ra có một quan hệ biện chứng, là đồ thị một hệ phương trình mà trục tung là tính dân tộc (truyền thống) trục hoành là tính hiện đại (cái mới), tuy có hai tham số nhưng tích hợp lại cùng một phương. Cái khó là tìm ra phương tích hợp của đồ thị, cũng tức là tìm ra chân giá trị của tác phẩm, sự thống nhất hai phẩm tính đó trong một hình tượng nghệ thuật thơ. Vì giữa các khái niệm Mới, Đẹp, Hay của thơ ca không phải lúc nào cũng chồng khít lên nhau. Có người nặng về cái mới, cái lạ, có người thiên về cái truyền thống và cho đó chính là cái đẹp - mục tiêu của Thơ. Sự bộn bề của Thơ bắt nguồn từ đó. Thơ hiện nay quả thật đang trong “cuộc kiếm tìm” và phê bình thơ cũng vậy, trước mắt là những câu hỏi lớn về truyền thống và cách tân, về sự hội nhập và bản sắc dân tộc, về cái đẹp chân chính của thơ. Con đường gập ghềnh của sự đi tìm “cái khác lạ” đã thành vệt tự ngàn xưa, phê bình giúp thơ và cũng tự giúp mình khỏi vấp ngã trên con đường đó, tìm ra được cái chuẩn của thơ hay. Theo chúng tôi, đó chính là vấn đề của Thơ và sự đọc cũng như phê bình thơ hiện nay và quả thật chưa có công trình nào giải quyết tạo được sự đồng thuận trong các giới. Để thực sự còn lại với thời gian, thơ và phê bình thơ không nên xa rời cái chuẩn mà đời sống yêu cầu trong cuộc phối sinh cùng với những khả thể của thơ. Dẫu rằng Thơ có những đặc tính và sức mạnh riêng nhưng Thơ không tự đặt ra một cái chuẩn “tự mình”.
Trong những tiêu chí tạo nên cái chuẩn chất lượng cao này chúng tôi cho rằng tính lý tưởng toát lên từ cuộc sống hiện tại vẫn là hàng đầu, thứ mới đến những vấn đề của thi pháp. Để chiếm lĩnh tình cảm người đọc không nên dừng lại nơi thói quen cảm thụ đã thành nếp nhưng cũng không phải bằng sự hướng chú ý của họ  vào cái mới của phong cách thể hiện qua ngôn ngữ kỳ khu hoặc qua những hình thái tổng hợp bí hiểm vô thức, siêu thực; cái chính ở lý tưởng nhân văn mà tác giả trình bày trung thực. Sự tác động thiết thực vào tâm tư tình cảm của người đọc hiện tại không thể bỏ qua để hướng đến một thế giới mơ hồ nào đó. Đối chiếu các chặng đường phát triển nghệ thuật thời gian qua cho thấy thể loại nào mà phát triển có tiếng vang, nhiều độc giả tìm đến, đều có gốc rễ từ việc luôn đề cập đến những vấn đề độc giả quan tâm, với một hình thức độc giả ưa thích. Mấy mươi năm qua có một thời kỳ văn xuôi nổi trội, rồi thời sôi nổi của kịch, cũng có lúc thơ nổi lên như một hiện tượng đều không ngoài quy luật đó.
Nói về ý nghĩa, sự ảnh hưởng của cái “mới”, “cái lạ” của ngôn ngữ nói riêng và các hình thức nghệ thuật nói chung, chúng tôi rất tâm đắc với câu nói cuả B. Barain được J.P. Sartre  trích dẫn trong tác phẩm của mình: “Các từ là những khẩu súng đã nạp đạn. Nếu ông nói nó sẽ nổ. Ông có thể nín lặng, song bởi vì ông đã quyết định bắn cho nên đấy phải là một con người nhắm đích mà bắn chứ không phải là một đứa bé hú họa nhắm mắt mà bắn và chỉ để thích thú vì nghe tiếng nổ .” (*)
Cách tân hay truyền thống, suy cho cùng đó không nên là mục đích tự thân của thơ, đó chỉ là phương tiện, cái mục đích, cái cuối cùng của thơ, cái đích bắn là sự tác động vào tâm hồn người đọc, còn tiếng nổ - các kiểu ngôn từ - có thể làm thích thú ai đó nhưng đó không phải là cái đích của thơ ca.  
(*) J.P.Sartre - Văn học là gì - NXB Hội Nhà văn 1999- Tr31- Nguyên Ngọc dịch.
Yến Nhi
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...