Mãi đến ngòai hai mươi tuổi- chính xác là
lâu hơn thế- tôi mới có bài thơ tình đầu tiên cho mình. Đúng ra, trước đó
cũng có được đôi bài nhưng là thơ tình “cóc gặm” của một cậu học trò thích
lang thang hơn bám trường bám lớp. Tôi nói thế là tôi tìm ra được nguyên nhân
vì sao thơ tình của bản thân lại đến muộn màng. Không ham học thì sao có bạn
gái, con gái thời đấy họ ham học hơn ham chơi, cũng rất ham yêu nhưng mọi cuộc
tình thường có lối đi chung là xuyên qua sân trường. Tôi nghĩ như thế là rất
hay và tôi không cho phép những “nhà nghiên cứu” về thơ miền Nam trước 1975
khi họ bảo văn chương thời ấy thể hiện nếp sống “yêu cuồng sống vội”.
Thơ tình miền Nam trước 1975 là một mảng của
tấm lụa là gấm vóc chứ không phải “hiện sinh chủ nghĩa” hiểu một cách bệnh họan
là “yêu cho gấp và yêu bất kể chết ” kia đâu.
Say đắm một cách đắm say, mới mẻ và kinh
thánh, và khổ nỗi cũng có nhiều nỗi buồn thời đại quá, tôi vẫn nghĩ thế khi
nhớ lại một thời thơ tình miền Nam mà mình vừa là người góp vào đó một cách
nhỏ nhoi vừa là người đọc thơ chuyên nghiệp của cái thời xưa mà không xa đó.
Khi nhà thơ và cũng là người thầy của tôi,
Nguyên Sa, tung ra hình ảnh này “Hôm nay Nga buồn như con chó ốm/ Như
con mèo ngái ngủ trong tay anh” là ông đã tham gia vào lớp người mở một
khu vườn mới cho thơ tình giai đọan đất nước vừa chia cắt, mà theo tôi là nhà
thơ mang ở bên Tây về nóng hổi. Hình ảnh “chó ốm” trong hình dung thi ca là sự
làm nũng của một cô gái được yêu và “ngái ngủ” phải chăng là chú mèo nấn ná
không muốn ra khỏi vòng tay đầy hơi ấm của người vuốt ve nó? Và đó là hình tượng
mới, “đời” hơn những gì cách điệu ước lệ trước kia.Có điều là khi gieo xuống
Sài Gòn nó lại rất Việt Nam, nghĩa là rất thơ và rất…người! Trong trí nhớ
tôi - một người đọc thơ mẫn cán và chuyên nghiệp- vẫn còn sự bồi hồi của một
cảm xúc như tiếng gió reo nhè nhẹ rồi vù vù không thiếu phần cổ trang trong
mô tả một nhan sắc “Em đi như vẽ trên đường nắng/ Em nói như đàn trong
miệng ai” của Hòang Trúc Ly, thì hai người thi sĩ này bên tám lạng bên nửa
lí lô gram! Người con gái ấy chuyển động theo hướng “đi, nói” sao mà diễm lệ
đến thế, không xao lòng nhận lấy những ba động mà được chăng? Mấy câu khác “Em
giấu đi những nỗi lòng vỡ rạn/ Anh cũng thề giấu hết gió mưa đi/ Bao nhiêu
ánh đèn rũ rượi tái tê/ Những ngõ vắng tối tăm anh giấu hết” (thơ Hoàng
Anh Tuấn) thì cũng là gió mới ở Tây về , nghe trái tim nhân bản vô cùng.
Sài Gòn những năm sau 1954 đang có một làn
gió văn chương hiện sinh thổi vào, qua ngả giảng đường đại học hoặc do các tiệm
sách lớn, và nơi tiếp nhận chính là văn chương tại chỗ. Người ta bắt đầu làm
quen với cảm xúc mới mẻ này “Đời sống ôi buồn như cỏ khô/ Này anh, em cũng tợ
sương mù/ Khi về tay nhỏ che trời rét/ Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ” (Nhã Ca), thì đấy, không đấu tranh, không cuồng vội, chỉ là thơ và người thôi!
Thơ tình miền Nam chào giã biệt một thời đại thi ca - thường gọi là
Thơ Mới- mà không cần đến lễ lạt hoặc một sự hủy diệt nào,để ra riêng cho
mình một cơ ngơi hiện đại.
Đất nước bị chia cắt thì than ôi, có những cuộc tình bị chia thành hai nửa “
Hai đứa mình hai bến sông sâu/ Dây thép gai giăng mắc ngang cầu/ Đôi tay anh
cuốn tròn thương nhớ/ Đôi mắt em buồn như mưa ngâu/ ”. Nếu tôi không
quán xuyến được hết, thì “dây thép gai” lần đầu tiên có mặt trong thơ miền Nam là
ở mấy câu này của Hoàng Khanh đăng trên báo khoảng năm 1958.
Chẳng bao lâu thì chiến tranh bùng phát ngày một khốc liệt và dai dẳng. Nó động
đến từng gia đình và thanh niên bị cuốn vào cơn lốc đó, không có ngọai lệ cho
những người cầm bút. Một cuộc chiến tranh mà cả những người không thích nó
cũng phải mặc áo lính như một bổn phận công dân. Nguồn xúc cảm của thi ca
không thể ở nhà khi tác giả ra đi và những lo âu, thậm chí những đổ vỡ trong
các cuộc tình hiện dần trên báo.Những nhà thơ thời ấy họ rất thật tình và
ngay thẳng, bom đạn và chết chóc đe dọa những mối tình đẹp và họ đã không nói
khác đi- họ ngay thẳng và thật tình. “Anh trở về hàng cây nghiêng ngã/Anh trở
về hòm gỗ cài hoa/Anh trở về bằng chiếc băng ca/Trên trực thăng sơn màu tang
trắng” (…) “Mai anh về em sầu thê thiết/Kỷ vật đây viên đạn màu đồng/Cho em
làm kỷ niệm sang sông/ Đời con gái một lần dang dở” ( thơ Linh Phương)
như một tâm trạng chung của nhiều thanh niên cùng thời với tác giả. Có thể về
trong hai cách đấy và có thể ( nay gọi là nhiều khả năng) người ở nhà nhận một
kỷ niệm như viên đạn bắn cho không chết nhưng ngắc ngỏai tan hoang! Tình yêu
và hạnh phúc thường xuyên trong tình trạng khẩn cấp như một thành phố nào đó
bị thiết quân luật!
Còn không thì lối về cũng chẳng hanh thông
gì “tôi về ngơ ngác đôi tay/chân đi hồn rã áo bay lạ người/vẫn mình
trên phố ngược xuôi/nghe trong cơn rộn tiếng đời héo hon /mai đây bỏ lại phố
phường/bụi se cát mỏi trên đường tôi đi” (thơ Lâm Chương) - ở đâu về và
rồi đi đâu trong những năm tháng dang dở mộng chưa thành ấy?
Khi 26 tuổi tôi mất một mối tình cũng trong
tình cảnh chung đó, nên tôi hiểu và trọng sự vội vã và cái quyền bị lung lay
này “... em hỡi em/người anh yêu/anh có quyền hôn em lúc này/bởi ngày
mai anh trở ra mặt trận/ở đó, anh không thiếu một thứ gì/kể cả máu/chỉ duy có
thứ này/hãy viện trợ cho anh/đó là giọt lệ em xanh biếc...” nhà thơ bị mất
một chân vì mìn nổ Luân Hóan đã viết như tiên tri thế ấy. Không thiếu một thứ
gì, máu thì nhiều không kể xíêt giống như cái chết lởn vởn xung quanh, trong
cảnh tượng đó, những “giọt lệ em xanh biếc” bỗng trở thành một thứ khát khao
dù rằng lệ hay máu thì cũng là bi thương thôi. Tôi nghe một sự lẩn quẩn giữa
hai dòng nước này của con người.
Thời chiến tranh là nền cho nhiều bài thơ
tình mang dấu ấn của nó, có điều là tính hùng tráng hay bi tráng mà thôi.”Tặng
cho em trái lựu đạn cay/Hạch nước mắt của thời đại mới/Thứ nước mắt không buồn
không vui/Đang ràn rụa trên mặt anh chờ đợi/Tặng cho em cuộn dây thép gai/ Thứ
dây leo của thời đại mới/ Đang leo kín tâm hồn ta hôm nay/ Đó là tình yêu
anh, em nhận đi đừng hỏi/ Tặng cho em cuộc chiến tranh đang tàn/ Trên quê
hương của bao nhiêu bà mẹ/ Nơi đồng bào ta ăn bom đạn thay cơm/ Nơi vải xô
không đủ để chít đầu con trẻ”. (thơ Trần Dạ Từ). Những thứ dùng để hạ
sát được nhà thơ mang làm tặng vật như tặng cho nhau một tâm trạng thừa mứa
những vô vọng nghịch lý của một thời. Bài thơ này dường như thay lời muốn nói
cho cảm quan nghệ thuật trước cuộc sống bị đắp bờ bao của phẫn nộ.
“Tặng vật tỏ tình” không hùng tráng mà bi
tráng thấy rất rõ- và chắc hẳn không ít người có thời đã coi như bài thơ viết
cho mình, thậm chí “ứng” vào mình.Mấy câu khác của Hồ Minh Dũng “Còn ba
năm nữa anh sẽ về/ Anh biết chắc không còn quê hương để ở/ Em gắng sắm cho
anh một cây đàn bầu Làm bằng nắp hòm người lính nghèo/ Chết ngoài mặt trận” nghe
có vẻ như báo động một tương lai khi nhà thơ hết hạn kỳ đối diện với chết
chóc, nhưng sao đó lại không là thơ tình viết bằng trái tim người làm thơ bị
cuốn vào cuộc chiến?
Chiến tranh là hòa bình bị dán đè lên một mảnh giấy, ai cũng biết thế và ai cũng
nuôi trong lòng một hy vọng ngày mảnh giấy rơi xuống. Nhà thơ vốn là người
bén nhạy hơn “ Và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng/Không còn nghe
tiếng còi hụ giới nghiêm/ Ba giờ sáng xuống Ngã tư quốc tế/ Ăn một tô mì
thơm ngát bình yên” (Phạm Cao Hoàng). Thật tuyệt vời cho tô mì ăn vào
phút đầu tiên của hòa bình! Nó như một niềm hân hoan bé mọn không ít lần bị hụt
hẫng.Phải đã từng có mặt ngòai phố, đứng ở một gốc cây, sau một tảng đá,
trong giờ giới nghiêm mới hình dung ra được ảo ảnh một phút giây hòa bình là
thế nào.
Thơ tình thời chiến không phải là mảng chủ
đạo trong thơ tình trước 1975 của thành thị miền Nam, nhưng tràn ngập
trên các báo là thơ lọai ấy. Những bài thơ đấy như một sự bột phát cá nhân,
không một định hướng nào, một sự khích lệ cũng không. Người đọc thơ nhận ra
cái đáng yêu của những nhà thơ phải ra trận, họ không là tráng sĩ ra biên
cương, chỉ là những thân phận người thời chiến, một đôi khi chịu nhận thiệt
thòi- một cuộc tình như nói ở trên, chẳng hạn- và họ chuyển hóa thành thơ với
nguồn cảm hứng, những hình tượng còn tươi (thay vì chế biến) là họ có lòng tự
trọng và chân thật. Rồi “đời đã bắt kẻ làm thơ đi làm lính/ mang trong đầu những
ý nghĩ trong veo/ xem cuộc chiến như tai trời ách nước” (thơ Nguyễn Bắc
Sơn).
Thơ tình thời chiến ở miền Nam trước
1975- hiểu gọn là thơ “Sài Gòn”- không có không khí hào hùng nhưng đó là một
nét đẹp bởi nó chân thật, làm nên một giai đọan thi ca đáng lưu giữ và trân
trọng, nó có tính lịch sử rõ ràng. Tuy nét đó là một nỗi buồn có phần bị động,
khó lòng nói hết.
6-2010
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét