Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Qui Nhơn và Chương

Qui Nhơn và Chương
Nàng Lê
Lâu lắm rồi, vắng hẳn thư cho Lê. Nhưng viết cái gì về Hà Nội khi người ta “hàng tỉnh” thế này. Và nắng ở Miền Nam, thiêu đốt như mấy hôm gần đây, thì thật không khỏe đâu mà nghĩ đến bạn.
Lê ở Hà Nội sướng nhỉ?  Sao vẫn buồn, chắc là cái “buồn sớm mai” như anh Kiều đã nói. Yến lại cứ tin rằng, bất kỳ những người nào chết ở Hà thành đều chết vì vui cả đấy chứ! Như đêm hôm 20 vừa rồi, đêm du dương, đêm thơ mộng ở nhà hát Hà thành thì thật những kẻ mường mán như Yến chả bao giờ biết được. Ở đây? Ở đây ấy à?trừ có mấy anh thi sĩ tối đến bắc ghế ra sân nhì lên trời nghe “muôn sao bật nổi lên âm điệu” hay “Nhạc sao rời rạc trong tay đệm đàn” còn thì, bọn mình
Qui Nhơn địa tịch vô âm nhạc
Chung tuế bất văn ti trúc thanh.
Chỉ có đêm 21 này, ở Cerele Qui Nhơn có một cuộc diễn thuyết. Anh Tôn Thất Vỹ, nói về chữ hiếu trong tiểu thuyết hiện đại. Khởi đầu anh phác qua cái nguyên tắc của gia đình cũ, và lịch trình tiến hóa của nó, lịch trình tiến hóa đang trải qua những bước “nhảy”, từ lúc “sóng văn minh Âu-Mỹ đến đập vào thành trì của “Khổng giáo bền vững tự muôn xưa”. Và anh vào đề, bằng cách đưa ra, lần lượt những nạn nhân của chữ Hiếu, trong các tiểu thuyết gần đây. Tố Tâm ở Tố âm, Lộc, Mai ở Nửa chừng xuân, Loan trong Đoạn tuyệt (theo tiếng gọi của ái tình) Linh ở Một người (theo tiếng gọi của lý tưởng), và sau cùng , Vạn Tóc Mai ở Giông tố (Vạn Tóc Mai! ồ Vạn Tóc Mai, chỉ theo cái gì thì ai còn biết được.) Kết luận là sự giải phóng cho thanh niên ra khỏi ảnh gia đình và chữ Hiếu nên chỉ có, (nếu người ta khỏi muốn luôn luôn thấy từng đoàn con bất hiếu) cái nghĩa: Yêu và kính trọng. Câu kết luận khéo léo quá, đến nỗi có nhiều ông cụ đến đó định công kích, đều lững thững ra về.
Giữa lúc trong làng báo người ta (Lan Khai, Duy Khiêm, nhóm Responsable, nhóm Ngày Mới) đang đua nhau nói đến gia đình, bài diễn thuyết trên đến rất phải lúc. Đã thế, nói nóng sốt quá.Số thính giả có đến 500 và cũng lần đầu tiên những thiếu nữ diễm kiều đến dự thính.
Nhưng có một điều là một phần không ít những thính giả ở Qui Nhơn còn “hạ cấp quá” Họ vỗ tay cái gì buồn cười thôi, cái gì hóm hỉnh thôi, nếu cho họ nghe một cái gì cao cao một chút thì họ thề không dám đi nghe lần thứ hai. Và phỏng nàng Lê vào đây, thấy đoạn nào hay, Nàng Lê vỗ tay một mình, họ sẽ “ê”, sẽ “Huýt còi” sẽ “cười chế nhạo”. Như đêm vừa rồi, có mấy người bị thế. Ôi ngu vậy thay! Và đáng thương hại vậy thay! Và mất dạy cũng không ít đấy chứ.
Vừa rồi có cùng Lê Mộng Thu và Chế Lan Viên đến thăm anh Hàn Mặc Tử. Anh vẫn thế, nghĩa là buồn, và ngày nào cũng ăn ngũ, cầu nguyện, khóc, ngâm thơ. Nhưng anh vẫn hy vọng ở Chúa và lúc nào anh cũng thấy rằng một ngày kia anh cùng với tất cả”xuân như ý ở trong hồn và ở trong lòng” trở lại giữa đời..
Lê phải thấy tất cả cái vui mừng của anh, khi thấy bóng người quen, nghe tất cả sôi nổi du dương trong lúc anh ngâm những vần thơ phong tỏa niềm đạo hạnh, thì Lê mới có những cảm mà Yến có, mỗi lúc đến thăm anh.
Và cho Lê một tin mừng này nhé. Đến cuối Julliet, Yến sẽ gửi cho Lê một quyển “Thơ muôn đời” tập phê bình của nhà thơ yêu quí Hàn Mặc Tử yêu quí của chúng ta đã viết ra những ngày cô quạnh, và do một ông bạn thân ở Nha Trang đứng ra phát hành.
TTTN số 33/1.6.1936
Yến Lan
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những ấn tượng khi đọc tiểu thuyết “Sóng độc” của Trần Gia Thái Tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái đã để lại trong tôi nhi...