Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Thơ Tiền chiến 1

Thơ Tiền chiến 1 
1. Tống Biệt (Tản Đà)        
2. Gửi Trương Tửu (Nguyễn Vỹ)    
3. Màu Thời Gian (Đoàn Phú Tứ)
4. Anh Biết Em Đi... (Thái Can)  
5. Mòn Mỏi (Thanh Tịnh)       
6.Những Ngày Nghỉ Học (Tế Hanh)
7. Tình Quê (Hàn Mặc Tử)   
8. Về Thăm Nhà Cảm Tác (Quách Tấn)  
9. Chùa Hương (Nguyễn Nhược Pháp)
10. Nắng Mới (Lưu Trọng Lư)            
11. Tràng Giang (Huy Cận)    
12. Lời Kỹ Nữ (Xuân Diệu)
13. Trên Đường Về (Chế Lan Viên) 
14. Nhớ Rừng (Thế Lữ)           
15. Bến My Lăng (Yến Lan)
16. Tỳ Bà (Bích Khê)             
17. Nghỉ Hè (Xuân Tâm)                     
18. Tống Biệt Hành (Thâm Tâm)
19. Tương Tư (Nguyễn Bính)  
20. Tiếng Việt Miền Nam (Bàng Bá Lân)    
21. Mưa (Anh Thơ)
22. Trăng Hè (Đoàn Văn Cừ)  
23. Nét Nhìn Rạng Đông (Tuệ Mai)   
24. Từ Giã Tuyên Quang (Nhượng Tống)
25. Dặm Về (Nguyễn Đình Tiên)
TỐNG BIỆT
TẢN ĐÀ
Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939): hiệu Tản Đà, người xã Khê thượng, huyện Bất bạt, tỉnh Sơn tây, vốn theo Nho học và có đi thi hương; sau khi hỏng khoa Nhâm Tý (1912), ông bắt đầu viết quốc văn. Năm 1924, ông làm chủ bút Hữu thanh tạp chí trong ít lâu, năm 1926, ông đứng chủ-trương tờ Annam tạp-chí (đình bản hẳn năm 1933).
Tác phẩm: Vận văn: Khối tình con, q, I. II và III, 
- Tiểu thuyết: Giấc mộng con, Giấc mộng con thứ hai, Giấc mộng lớn, Thần tiên, Thề non nước, Trần ai tri kỷ; 
- Luận thuyết: Khối tình, Bản chính và bản phụ; 
- Giáo khoa: Lên sáu, Lên tám, Đài gương, Quốc-sử huấn mông; 
- Phiên dịch: Đại học, Kinh thi, q. thứ nhất gồm có Chu nam, Thiệu nam, Bội dung và Vệ, Đàn bà Tàu. Liêu trai chí dị (dịch được 40 truyện), v.v... (Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm).
Tản Đà (1889-1939)
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai.
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, hoa trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Tản Đà
(1889-1939)
KHẢO LUẬN:
Ông là một nhà nho mà lại có biệt tài về thơ ca. Vì đường công-danh trắc-trở, thân-thế long đong, nên thơ ông thường tả nỗi uất-ức buồn chán, nhưng nỗ uất ức ấy không đưa ông đến nỗi thất-vọng, lại khiến ông có những tư-tưởng phóng-khoáng tự-do, biết trọng sự thanh-cao trong cảnh bần-bách, biết tự hào về nỗi nghèo khổ của mình.
Người ta hơn tớ cái phong lưu,
Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo.
(Sự nghèo trong Khối tình con, quyển thứ II)
Chính cái lòng tự-hào ấy khiến ông có những mộng-tưởng ngông-cuồng như cái ngông "Muốn làm thằng cuội" để được làm bạn với chị Hằng. Cái ngông muốn làm chim nhạn để được bay bổng trên từng không:
Kiếp sau ai chớ làm người,
Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay.
Tuyệt mù bể nước non mây,
Bụi hồng tronq thẳm như ngày chưa xa.
(Hát nói trong Khối tình con I)
Ông thích rượu vì uống rượu là một cách để quên nỗi buồn và cũng là một nguồn thi-hứng:
Rưọu thơ mình lại với mình,
Khi vui quên cả cái hình phù-du.
Trăm năm thơ túi rượu vò,
Nghìn năm thi-ĩ tửu đồ là ai?
(Còn chơi)
Công-danh sụ-nghiệp mặc đời,
Bên thời be rượu, bên thời bài thơ.
Tản Đà 
Nhiều khi ông cũng mỉa mai người đời một cách chua cay:
Thối om sọt phẩn! nhiều cô gánh;
Tanh ngắt hơi đồng! lắm cậu yêu.
Quần tía đùi non anh chiệc vỗ;
Rừng xanh cây quế chú mường leo.
(Sự đời trong Khối tình con II)
Nhưng ông lại có một cái lòng yêu thương man-mác, vẩn- vơ khiến ông "nhớ chị hàng cau", thương cô "chài đánh cá", rồi đến "vẻ bâng quơ", đến viết "thư đưa người tình nhân không quen biết"; làm cho ông khi trông thấy "mả cũ bên đường" (*)mà thương xót thay cho số phận những người đã gặp cảnh long-đong hoặc bước phong-trần.
Chính cái tình-cảm ấy khiến ông rất hiểu thấu tính-tình mộc-mạc giản-dị của người thường-dân; nên nhiều bài ca-dao của ông thật không khác gì những lời ngâm-nga than-thở tự thâm-tâm người dân Việt-nam thổ-lộ ra vậy.
Lời thơ ông lại có một cái giọng điệu nhẹ-nhàng du-dương; cách dùng chữ (thường dùng tiếng nôm) và đặt câu lại uyển- chuyển, êm-đềm, nên thơ ông khiến cho người đọc dễ cảm-động say mê, ông thực là một thi sĩ có tính cách Việt Nam thuần túy vậy.
(Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm, Nxb Xuân Thu)
(*) Những chữ in trong hai dấu ngoặc kép, đều là đề mục những bài thơ ca trong Khối tình con.
GỬI TRƯƠNG TỬU
NGUYỄN VỸ
Viết trong lúc say
"Gửi Trương Tửu" mới thật là kiệt tác của Nguyễn Vỹ...
Nguyễn Vỹ đã làm bài thơ này trong một lúc vô cùng buồn giận vì cái nghiệp văn chương. Những ai cùng một cảnh huống xem thơ tưởng có thể khóc lên được. Trong lời văn còn có chút nghênh ngang từ đời xưa lưu lại...
(Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh & Hoài Chân)
Nguyễn Vỹ (1912-1971)
Nay ta thèm rượu nhớ mong ai!
Một mình rót uống chẳng buồn say!
Trước kia hai thằng hết một nậm,
Trò chuyện dông dài mặt đỏ sẫm.
Nay một mình ta, một be con:
Cạn rượu rồi thơ mới véo-von!
Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác,
Mà coi đồng tiền như cái rác!
Kiếm được xu nào đem tiêu hoang,
Rủ nhau chè chén nói huynh-hoang,
Xáo lộn văn-chương với chả cá,. . . 
Rồi ngủ một đêm, mộng với mê,
Sáng dậy nhìn nhau cười hê-hê!!
Thời-thế bây giờ vẫn thấy khó,
Nhà văn An nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút nói văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,
Và nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh,
Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh!
Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng?
Tôi làm Trạng nguyên, anh Tể tướng?
Và anh bên võ, tôi bên văn,
Múa bút tung gươm hả một phen?. . ..
Chứ như bây giờ là trò chơi,
Làm báo làm bung chán mớ đời!
Anh đi che tàn một lũ ngốc,
Triết lý con tiều, văn chương cóc! (1)
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà,
Ra chợ bán văn, ngày tháng qua! (2)
Cho nên tôi buồn không biết mấy!
Đời còn nhố-nhăng ta chịu vậy!
Ngồi buồn lấy rượu uống say-sưa,
Bực chí thành say mấy cũng vừa!
Mẹ cha cái kiếp làm thi-sĩ!
Chơi nước cờ cao lại gặp bĩ!
Rồi đâm ra điên, đâm vẫn vơ,
Rút cục chỉ còn mộng với mơ!
Viết rồi hãy còn say
(Phụ Nữ)
Nguyễn Vỹ
(1912-1971)
Nguồn: Thi Nhân Việt Nam
(Hoài Thanh & Hoài Chân)
(1&2) Hồi bấy giờ Trương Tửu viết giúp báo Ích Hữu của Lê Văn Trương; Nguyễn Vỹ giúp báo Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Thảo.
MÀU THỜI GIAN (1)
ĐOÀN PHÚ TỨ
Sinh ngày 10-9-1910 ở Hà Nội. Học ở Hà Nội. Có bằng Tú tài Tây.
Viết văn từ năm 1925, lúc còn học lớp nhất. Những bài văn đầu tiên là những
bài từ - khúc đăng báo Đông Pháp. Sau này thỉnh thoảng viết giúp Phong Hóa,
Ngày Nay. Năm 1937, chủ trương tờ Tinh Hoa. Chuyên viết kịch. Làm thơ rất ít.
(Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh & Hoài Chân)
Đoàn Phú Tứ (1910 - 1989)
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương (2) ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi (3)
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng-phất nhuốm thời-gian (4)
Màu thời-gian không xanh
Màu thời-gian tím ngát (5)
Hương thời-gian không nồng
Hương thời-gian thanh thanh (6)
Tóc mây một món chiếc dao vàng (7)
Nghìn trùng e lệ phụng (8) quân-vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng (9)
Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thủa còn hương
Hương thời-gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát (10).
(Ngày nay)
Đoàn Phú Tứ
(1910 - 1989)
Nguồn: Thi Nhân Việt Nam
(Hoài Thanh & Hoài Chân)
CHÚ:
(l) Không ai ngờ một cái đầu-đề có tính cách triết học như thế lại dùng để nói một câu chuyện tâm tình.
(2) Hãy để ý cái âm-điệu vương vấn của mấy chữ này.
(3) Thi-nhân mượn sự tích người xưa để giữ vẻ kín- đáo cho câu chuyện. Xưa có người cung phi, nàng Lý phu-nhân, lúc gần mất nhất định không cho vua Hán Võ đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu. Cái tên Tần-phi thi-nhân đặt ra vì một lẽ riêng.
Ngàn xưa không lạnh nữa; Chuyện xưa đã hậu quên nay nhớ lại lòng lại thấy nôn-nao.
(4) Thi-nhân muốn nói dâng hồn mình cho người yêu. Song nói như thế sẽ sỗ sàng quá. Vả người thấy mình không có quyền nói thế, vì tình yêu ở đây chưa từng được san-sẻ. Nên phải mượn cái hình - ảnh "trời mây phảng phất nhuốm thời gian" để chỉ hồn minh. Chữ "nhuốm" có vẻ nhẹ-nhàng không nặng-nề như chữ "nhuộm". Chữ "dâng" hơi kiểu cách.
(5) Người Pháp thường bảo thời-gian màu xanh. Nhưng thi nhân nhớ lại thời xưa, hồi người đương yêu, cứ thấy màu thời~gian tím ngát vì người riêng thích một thứ hoa tím, và màu hoa lẫn với màu yêu.
(6) Hương thời gian là hương thứ hoa kia mà cũng là hương yêu, một thứ tình yêu qua đã lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng.
(7) Nàng Dương quý-phi lúc mới vào cung, tính hay ghen, bị Đường Minh hoàng đưa giam một nơi. Nhưng nhà vua nhớ quá sai Cao lực sĩ ra thăm. Dương quý phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Vua trông thấy tóc, thương quá, lại vời nàng vào cung.
Đoàn Phú Tứ hợp chuyện này và chuyện Lý phu- nhân làm một và tưởng tượng một người cung-phi lúc gần mất không chịu để vua xem mặt chỉ cắt tóc dâng, gọi là đáp lại muôn một mối tình trìu-mến của đấng qnân-vương.
Ở đây không có chuyện cắt tóc nhưng có chuyện khác cũng tương-tự như vậy.
(8) Chữ "phụng" rất kín đáo, chữ "dâng" sẽ quá xa với chữ "tặng" quá sưồng sã.
(9)Ý nói: thà phụ-lòng mong-mỏi của chàng, còn hơn gặp chàng trong lúc dung nhan tiều tụy để di hận về sau.
(10) Tím ngát tả đúng mối tình dìu dịu. Tím "ngắt" sẽ đau đớn quá.
BÌNH:
Nói về toàn thể nên chú ý đến điệu thơ. Bài thơ bắt đầu bằng những câu dài ngắn không đều: âm-điệu hoàn toàn mới. Kế đến bốn câu ngũ-ngôn cổ-phonq, một lối thơ cũ mà các thi-nhân gần đây cũng thường dùng. Bỗng chuyển sang thất-ngôn: điệu thơ hoàn toàn xưa. Lời thơ cũng xưa với những chữ "phụng quân vương" và những chữ lấy lại ở câu Kiều: "tóc mây một món dao vàng chia hai". Nhưng với hai câu thất ngôn dưới thi-nhân đã từ chuyện người xưa trở về chuyện mình. Những chữ "thiếp phụ chàng" đưa dần về hiện-tại. Rồi điệu thơ trở lại ngũ ngôn với hương màu trên kia.
Thành ra ý thơ, lời thơ, điệu thơ cùng với hồn thi nhân đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa, rồi dần dần trở về hiện tại. Hiện tại chỉ mờ mờ nhạt nhạt, nhưng càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết-tha, càng rực-rỡ. Nhất là từ chỗ ngũ- ngôn chuyển sang thất ngôn câu thơ đẹp vô cùng. Tôi tưởng dầu không hiểu ý-nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận thấy cái vẻ huy hoàng, trang- trọng của câu thơ (*).
Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh-tế và kín đáo như thế.
(Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh & Hoài Chân)
(*) Nhạc-sĩ Nguyễn Xuân Khoát có đưa phả bài thơ này vào đàn. Đoạn đầu bài nhạc đi rất mau, rồi chậm dần. Đến đoạn thất ngôn nhạc lên giọng majestuoso. Cuối cùng còn thêm một đoạn láy lại âm địệu mấy câu đầu.
ANH BIẾT EM ĐI...
THÁI CAN
Sinh ngày 22-10-1910 Ở Văn Lâm, Phủ Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Học: trường phủ, trường Vinh, trường Bảo Hộ, trường Thuốc Hà Nội. Tốt nghiệp y khoa bác sĩ năm 1940.
Thơ Thái Can phần nhiều đã đăng ở Phong Hóa, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hà Nội báo, Văn Học tạp chí 1935. . Những bài thơ đầu (ký Th. C) đã in trong quyển Những nét đan thanh, Ngân sơn tùng thư, Huế, xuất bản 1934.
(Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh & Hoài Chân)
Thái Can

(1910- 1998)
Anh biết em đi chẳng trở về
Dặm ngàn liễu khuất với sương che.
Em đừng quay lại nhìn anh nữa:
Anh biết em đi chẳng trở về.
Em nhớ làm chi tiếng ái ân.
Đàn xưa đã lỡ khúc dương cầm.
Dây loan chẳng đượm tình âu yếm,
Em nhớ làm chi tiếng ái ân.
Bên gốc thông già ta lỡ ghi
Tình ta âu yếm lúc xuân thì.
Em nên xóa dấu thề non nước
Bên gốc thông già ta lỡ ghi
Chẳng phải vì anh, chẳng tại em:
Hoa thu tàn tạ rụng bên thềm.
Ái tình sớm nở chiều phai rụng:
Chẳng phải vì anh chẳng tại em.
Bể cạn, sao mờ, núi cũng tan.
Tình kia sao giữ được muôn vàn …
Em đừng nên giận tình phai lạt:
Bể cạn, sao mờ, núi cũng tan.
Anh biết em đi chẳng trở về
Dặm ngàn liễu khuất với sương che.
Em đừng quay lại nhìn anh nữa:
Anh biết em đi chẳng trở về.
Thái Can
(1910- 1998)
Nguồn: Thi Nhân Việt Nam
(Hoài Thanh & Hoài Chân)
MÒN MỎI (*)
THANH TỊNH
Họ Trần. Sinh ngày 12-12-1913 ở làng Dưỡng Nỗ (Thừa Thiên). Học: trường Đông Ba, trường Pellerin (Huế). Có bằng thành chung.
Đã viết giúp: Phong Hóa, Này Nay, Hanoi báo, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tinh Hoa... Đã xuất bản: Hận chiến trường (1936).
 (Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh & Hoài Chân)
Thanh Tịnh (1913-1988)
- Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ.
- Xa nhìn bên cõi trời mây
Chị ơi, em thấy một cây liễu buồn.
- Bên rừng em hãy lặng nhìn theo,
Có phải chăng em ngựa xuống đèo?
Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi
Trên mình ngựa hí, lạc vang reo.
- Bên rừng ngọn gío rung cây,
Chị ơi, con nhạn lạc bầy kêu sương.
- Tên chị ai gieo giữa gió chiều,
Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu?
Trên giòng sông lặng em nhìn thử
Có phải chăng người của chị yêu?
- Sóng chiều đùa chiếc thuyền lan,
Chị ơi, con sáo gọi ngàn bên sông...
Ô kìa! Bên cõi trời Đông
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa.
- Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in.
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống,
Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm.
- Ngựa hồng đã đến bên hiên,
Chị ơi, trên ngựa chiếc yên... vắng người!.
Thanh Tịnh
(1913-1988)
Nguồn: Thi Nhân Việt Nam
(Hoài Thanh & Hoài Chân)
http://www.hocxa.com/Top_X.gif
(*) Phỏng theo chuyện "Barbe bleue" của Perrault. Nhưng Thanh Tịnh đã tạo ra một không khí rất Á Đông.
NHỮNG NGÀY NGHỈ HỌC
TẾ HANH
Họ Trần. Sinh ngày 15-5 năm Tân Dậu (1921) ở làng Đông-yên, phủ Bình-sơn
(Quảng Ngãi). Chánh quán: làng Giao-thủy, cách làng kia mà con sông. Đậu sơ-học rồi ra Huế học trường Khải Định, ở đó quen Huy Cận. Bài thơ trích sau đây rút trong tập Nghẹn Ngào đã được giải khuyến-khích của Tự-lực văn-đoàn năm 1939.
(Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh & Hoài Chân)
Tế Hanh (1921-2009)
Những ngày nghỉ học tôi hay tới,
Đón chuyến tầu đi đến những ga.
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.
Tôi thấy tôi thương những chiếc tầu,
Ngàn đời không đủ sức đi mau,
Có chi vương víu trong hơi máy,
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.
Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề!
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê.
Lâu lâu còi rúc nghe buồn bã,
Lòng của người đi réo kẻ về.
Kẻ về không nói, bước vương vương.
Thương nhớ lan xa mấy dặm đường.
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ,
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.
(Nghẹn Ngào)
Tế Hanh
(1921-2009)
Nguồn: Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên III
(Phạm Thế Ngũ)
KHẢO LUẬN:
Tế Hanh tuy thơ (tập Nghẹn ngào) được giải thưởng văn chương Tự lực cuối 1940, nhưng trước đó đã có bài đăng trên Ngày Nay. Tế Hanh chịu ảnh hưởng rõ rệt của Xuân Diệu nhất là Huy Cận, thiên về cảm giác chủ nghĩa, ghi nhận những rung động phức tạp của một tâm hồn đa cảm:
Chiều chiều đến tựa người bên cửa sổ
Đợi hồn nào trở lại bên sông,
Hay nghe ngóng ý gì trong tiếng gió.
(Nghẹn ngào)
Tế Hanh cũng lo sống vội, cố chứa chất những cảm giác:
Mắt mở to luôn chứa chứa nhiều
Những hình ẻo lả, sắc xiêu xiêu
Tai bên thinh thính lo thâu góp
Những điệu ly sầu, tiếng tịch liêu.
(Chứa chất)
Nhưng ông không hoang phi gởi hương cho gió tứ tung như Xuân Diệu mà là Người hà tiện, hướng vào trong nuôi lấy một tâm hồn "triệu phú" cô độc. Nhất Linh chấm thơ ông khen hai bàiQuê hương và Những ngày nghỉ học có thể gọi là hai bài thơ hay của thi ca Việt Nam và hai bài đó đủ xác định giá trị của nhà thơ Tế Hanh".
(Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên III, Nxb Đại Nam)
TÌNH QUÊ
HÀN MẶC TỬ
Chính lên là Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22-9-1912 ở Lệ Mỹ (Đồng-Hới), mất ngày 11-11-1940. Trú ngụ ở Qui Nhơn từ nhỏ. Nhà nghèo, cha mất sớm. Học trường Qui Nhơn đến năm thứ ba. Làm sở Đạc điền một độ, bị đau rồi mất việc.
Vào Nam làm báo ít lâu lại trở về Qui Nhơn. Kế đó mắc bệnh hủi, đưa vào nhà thương Qui Hòa rồi mất ở đó. Làm thơ từ ngày mười sáu tuổi (lấy hiệu là Phong-trần rồi Lệ-thanh). Đến năm 1936, khi chủ-trương tờ phụ-trương văn chương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mặc Tử.
Đã đăng thơ: Phụ nữ tân văn, Saigon, Trong khuê phòng, Đông dương tuần báo, Người mới. Đã xuất bản: Gái quê (1936).
Hàn Mặc Tử (1912-1940)
Trước sân anh thơ thẩn,
Đăm đăm trông nhạn về;
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê;
Gió chiều quên ngừng lại;
Giòng nước luôn trôi đi...
Ngàn lau không tiếng nói:
Lòng anh dường đê mê,
Cách nhau ngàn vạn dặm,
Nhớ chi đến trăng thề;
Dầu ai không mong đợi,
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục,
Tiếng hờn trong lũy tre,
Dưới trời thu man mác,
Bàng bạc khắp sơn khê,
Dầu ai trên bờ liễu,
Dầu ai dưới cành lê...
Với ngày xanh hờ hững,
Cố quên tình phu thê,
Trong khi nhìn mây nước,
Lòng xuân cũng não nề...
(Gái Quê)
Hàn Mặc Tử
(1912-1940)
Nguồn: Thi Nhân Việt Nam
(Hoài Thanh & Hoài Chân)
VỀ THĂM NHÀ CẢM TÁC
QUÁCH TẤN
Sinh ngày 23-11 năm Kỷ dậu (24 Janvier 1910) ở làng Trường-định, huyện Bình-khê (Bình-định). Ông thân là người Tây học, bà thân là người Hán học. Bắt đầu học chữ Hán, năm 11 tuổi mới học chữ quốc ngữ. Học trường Qui Nhơn. Có bằng thành chung.
Đã xuất bản: Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941).
Quách Tấn (1910 - 1992)
Quê người dong ruổi bấy nhiêu lâu,
Vườn cũ về thăm cảnh dãi dầu!
Trống trải ba gian nhà nhện choán,
Ngửa nghiêng bốn mặt giậu bìm leo!
Cội tùng bóng ngả sương rơi lệ!
Ngõ trúc mây che cuốc giục sầu! (*)
Lẳng lặng bên thềm ôn chuyện cũ...
Giật mình ngỡ đến chốn nào đâu?
Quách Tấn
(1910 - 1992)
Nguồn: Thi Nhân Việt Nam
(Hoài Thanh & Hoài Chân)
http://www.hocxa.com/Top_X.gif
(*) Cội tùng: Một cảnh trong vườn. Câu này có mượn ý câu ca dao:
Một mai bóng ngả cội tùng
Mũ rơm ai đội áo mùng ai mang.
Ngõ trúc: Một cảnh trong vườn. Câu này có mượn ỷ câu:
Nghe con sắp được nghỉ hè
Thẩn thơ ngõ trúc rào tre trông chừng.

trong bài ca "Nhớ Con" của bà thân chúng tôi. (Lời chú của Quách Tấn).
CHÙA HƯƠNG
NGUYỄN NHƯỢC PHÁP
Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938)
Nhà thơ, con nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, em Nguyễn Giang, sinh ngày 12-12-1914. Quê làng Phượng Vũ, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP. Hà Nội). Ông đỗ tú tài Pháp, theo học Ban Luật trường Cao đẳng Pháp chính Hà Nội. Ông làm thơ và viết bài cho các báo: Hà Nội báo, Đông Dương tạp chí (bộ mới), Tinh hoa, Ngày nay và báo An Nam Nouveau (tiếng Pháp). Các bài phóng sự, truyện ngắn, kịch của ông có giá trị nghệ thuật và văn chương. Ngày 19-11-1938 ông mất, mới 24 tuổi.
Các tác phẩm chính: 
- Ngày xưa (tập thơ, in năm 1935) 
- Người học vẽ (kịch vui 1936)
Ngày nay, những bài thơ Chùa Hương, Đi cống, Sơn Tinh Thủy Tinh ai cũng cảm nhận thi tài duyên dáng và đều thương tiếc ông sớm mất.
Trong bộ Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh bình phẩm rất xác đáng: "Thơ in ra rất ít mà được người ta yêu mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp". 
(Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Nguyễn Vỹ)
(Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa)
Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938)
Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.
Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"
- Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.
Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai).
Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.
Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chẩy,
Đưa cánh buồm lô nhô.
Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.
Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?
Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, trời ôi, chen!"
Chàng thưa: "Vâng, thuyền đông!"
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.
Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: "Hay! Hay quá!"
Em nghe rồi ngẩn ngơ.
Thuyền đi, Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
"Nam vô A-Di-Đà!"
Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.
Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.
Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.
Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.
Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.
Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
"Mai mới vào chùa trong."
Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong!"
Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.
Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều... Viết thế thôi,
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!
Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.
Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.
Me bảo: "Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan-Thế-âm-bồ-tát
Là tha hồ đi mau!"
Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).
Khi qua chùa Giải-oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay, lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.
Tấm tắc thầy khen: "Hay!
Chữ đẹp như rồng bay."
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây).
Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.
Me vui mừng hả hê:
"Tặc! Con đường mà ghê!"
Thầy kêu: "Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về."
Em nghe bỗng rụng rời!
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!
Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở!
Chàng ôi, chàng có hay?
Đường đây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!
Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho em lấy chàng.
Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.)
(Ngày Xưa)
Nguyễn Nhược Pháp
(1914-1938)
LAI LỊCH BÀI THƠ:
Bài thơ Chùa Hương là bài khá nhất trong tập thơ Ngày Xua, có một lai lịch kì thú không ngờ. Chuyến đi chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô có mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không.
Trèo lên đến Rừng Mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường đá gồ ghề lởm chởm, vừa niệm: "Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát...". Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: "Nam Mô cứu khổ cứu nạn..." rồi cô im. Đôi má đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa? Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc.
Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lén chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê. Chúng tôi mê nói chuyện với cô này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến Chùa Ngoài, rồi lên đến Chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng.
Đêm ấy ngủ trong Chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói.
Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là "Cô gái chùa Hương". Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lí thú của chúng tôi với cô gái quê để làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng thơ ngây, y như cô gái chùa Hương hôm ấy...
Trong tuần ấy, anh góp nhóp các bài thơ của anh, thành một quyển. Anh đưa tôi và hỏi:
- Có nên xuất bản không?
- Nên
- Nhưng tiền đâu? Nhược Pháp cười móm mém.
- Xin ông Cụ.
- Thôi, tôi mà đưa ông Cụ xem cái của nợ này, thì chắc chắn là ông Cụ sẽ vứt nó vào sọt rác.
- Đưa bà Cụ vậy.
- Ừ, phải đấy!
Một tháng sau, quyển thơ Ngày Xưa ra đời. Sách in xong mà Nguyễn Nhược Pháp vẫn rụt rè, chưa dám đưa cụ Nguyễn Văn Vĩnh xem vội, chỉ sợ Cụ vứt vào sọt rác.
(Nguyễn Vỹ, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Nxb Văn Học, 2007)
NẮNG MỚI
LƯU TRỌNG LƯ
Sinh năm 1912 ở Cao-lao hạ, huyện Bố Trạch (Quảng-bình). Học trường Quốc học Huế đến năm thứ ba, ra Hà nội học tư rồi bỏ đi làm báo, làm sách cho đến nay. Chủ trương Ngân sơn tùng thư, Huế (l933-1934).
Đã viết giúp: Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Tiến hóa, Hà Nội báo, Tân thiếu niên, Tao đàn...
Đã xuất-bản: Tiếng thu (l939).
(Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh & Hoài Chân)
Lưu Trọng Lư (1912-1991)
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi.
Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.
(Tiếng Thu)
Lưu Trọng Lư
(1912-1991)
Nguồn: Thi Nhân Việt Nam
(Hoài Thanh & Hoài Chân)
MỘT CÁCH HIỂU BÀI THƠ:
... Về phương diện cấu trúc ngữ nghĩa, “nắng mới” khác với những cụm từ thông thường chúng ta hay dùng: nắng sớm, nắng trưa, nắng chiều, nắng vàng, nắng hanh, nắng nhạt, nắng gắt, nắng ấm v.v... Trong tất cả những cụm từ này, từ phía sau bao giờ cũng có chức năng hạn định ý nghĩa của từ “nắng” phía trước: hạn định màu sắc, cường độ, tính chất và nhất là hạn định về thời gian. Đó không phải là cái nắng chung chung, muôn thuở. Đã đành. Đó cũng khó có thể là cái nắng của một ngày, một khoảng thời gian quá dài cho bao nhiêu thay đổi trong dáng hình của nắng.
Trường hợp “nắng mới” rõ ràng là khác. Dù hiểu theo nghĩa nào, là nắng đầu xuân, đầu hè hoặc nắng của một ngày ráo tạnh rớt vào giữa chuỗi ngày mưa gió, “nắng mới” tuy vẫn là cái nắng trong một thời điểm cụ thể song nó lại được đặt trong mối tương quan với một khoảng thời gian dài, đối lập với những ngày tháng trước đó.
Hơn nữa, bản thân khái niệm “nắng mới” còn gợi ra tính chất chu kỳ: cứ mỗi dịp chuyển mùa hay chuyển thời tiết là một lần nắng mới. Đều đặn. Nhịp nhàng.
Hai đặc điểm này làm cho cụm từ “nắng mới” có một hàm nghĩa đặc biệt: nó bao gồm cả ý niệm về không gian lẫn ý niệm về thời gian.
Bài thơ “Nắng mới”, do đó, theo tôi, không phải là một bài thơ mô tả nỗi niềm nhớ mẹ. Nó chỉ nhằm thể hiện mối quan hệ giữa tâm sự thương nhớ của con người với không gian và thời gian họ sống. Điều này giải thích lý do tại sao ngay cả khi mẹ chúng ta còn sống, chúng ta vẫn thích và thường ngâm nga bài “Nắng mới”. Chỉ cần trong lòng dậy lên niềm nhớ nhung xa xôi nào đó...
Nguyễn Hưng Quốc (THƠ, v.v... và v.v..., Nxb Văn Nghệ, 1996).
TRÀNG GIANG
HUY CẬN
Cù Huy Cận sinh ngày 31 mai 1919. Quê quán làng Ân-phú, huyện Hương sơn (Hà tĩnh). Học: lớp năm ở trường tổng, lớp tư đến khi đậu tú tài Tây ở Huế.
Hồi 1936, có viết giúp Tràng an, Sóng hương (ký Hán quỳ). Từ 1938, đăng thơ ở Ngày nay. Đã xuất bản: Lửa Thiêng (Đời nay, Hà nội, 1940)
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài
H.C.
Tặng Trần Khánh Giư
Huy Cận (1919 - 2005)
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa,
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Lửa Thiêng)
Huy Cận
(1919–2005)
Nguồn: Thi Nhân Việt Nam
(Hoài Thanh & Hoài Chân)
KHẢO LUẬN:
Người ta thường cho rằng văn học lãng mạn, nhất là thơ trữ mình, có nhiệm vụ đạo đạt một số cảm hứng dựa vào những tình cảm phổ biến, cái đáy chung của con tim nhân loại. Như vậy nhà thơ Huy Cận đào sâu cái buồn mênh mang ấy quả đã góp phần bổ túc một đề tài muôn thuở, làm phong phú thơ mới ở một giai đoạn chuyên về tạo tình. Song ta cũng có thể nói, quá năm 1938, ở xã hội Việt Nam, cái vui vẻ trẻ trung người ta, kể cả thanh niên, uống đã tới chỗ cặn đắng. Cái buồn của Huy Cận đây phải chăng cũng là một phản ứng thời đại. Người ta nghĩ đến những lời rền rĩ bâng khuâng của Á Nam và Tản Đà. Chiếc linh hồn nhỏ là tác giả Lửa thiêng, phải chăng như một cánh chim đầu đàn tiên cảm cơn bão tố sắp tới.
Nhưng cũng ở sự tiếp xúc với thiên nhiên với ngoại cảnh, có điểm mà trong nhiều bài thơ, Huy Cận đã tiếp tục Xuân Diệu một cách rõ rệt hơn, đó là cái khuynh hướng cảm thụ của thi phàn. Huy Cận cũng như Xuân Diệu sử dụng một giác quan mẫn nhuệ lạ thường, rất nhạy với những âm hưởng, những giây tơ trong cảnh vật và cuộc đời. Ông rung động trước cảnh mai sương buông thưa, cảnh chiều thịnh trị, cảnh mùa xuân tươi mát. Ông nói đến "lá thơm như thể da người" và mùi của tơ duyên, mùi của luống đất mới xới. Ông thu được cả âm thanh thao thức trong mạch đời, thấy được ý mùa rợn trong thân mới, nhựa mạch trào lên lá cây. Ở chỗ này có thể nói Huy Cận tiến xa hơn Xuân Diệu. Thơ ông thiên hẳn về "duy cảm chủ nghĩa". Thí dụ tả buổi Chiều xuân, Huy Cận không tả bằng màu sắc mà tả bằng cảm giác đã lắng nghe kỹ lưỡng trong tâm hồn ông và trong thân hình tạo vật...
Về hình thức Huy Cận cũng kế tlếp Xuân Diệu ở nhiều điểm. Nói về thể cách òng cũng không ưa lối phá thể lộn xộn mà đi vào những điệu đều: ngũ ngôn, lục bát, 7 chữ, 8 chữ. Điệu 7 chữ phân đoạn 4 câu 3 hoặc 2 vần và điệu lục bát có thể coi là sở trường của Huy Cận. Về ngôn ngữ thì ông đã lợi dụng được phần nào sự canh cải mở đường của Xuân Diệu. Đến Huy Cận, những ẩn dụ đột ngột, những ngữ điệu Tây, những lối nói như ốn vách nghiêm trang, Chiều tẻ cúi đầu, Chiều chan không ấm người nằm một, Đêm mưa làm nhớ không gian, cách tập hợp cảm giác lẫn lộn như Cả không gian hồn hậu rất thơm tho, Gió hương đưa mùi dìu dịu phất phơ, không còn làm cho người ta thấy chướng lắm nữa.
Ngoài ra ông còn làm việc để loại bỏ sự quá độ, trở về phục hưng một ít chữ xưa, nhất là trau giồi kỹ thuật, săn sóc âm vận và từ ngữ hơn. Ở Xuân Diệu, đôi khi người ta tháy một sự bừa bãí lòng thòng, những hàng dông dài non nớt pha loãng. Huy Cận khó tính hơn, muốn thu bỏ, đúc chuốt, nói lên một tiếng thơ tinh thuần hơn. Sự cố gắng ước thúc có khi đưa đến một cách dùng chữ hoặc đặt chữ quá gò ép, như Nhà em ba ngõlắm (để đối với Thôn anh một phương thôi), Tiền nhà ít gởi biết chi mua, Ai biết đường kia dặm mấy lần, Với gió xa xôi lạnh lẽo ngàn... Song những tì vết đó không làm cho chúng ta quên sự thành công của tác giả. Cái nghệ thuật hàm súc và tinh vi của ông đưa ông về thẩm thức Á đông, đưa ông đến cả chỗ học cổ và hoài cổ nữa, và cho chúng ta những bài thơ rất hay.
Những bài lục bát như Thuyền đi, Thu rừng, thất ngôn như Tràng giang, Vạn lý tình, phảng phất phong vị truyện Kiều và thơ Đường, đều là những kiệt tác trong thơ Huy Cận.
(Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên III, Nxb Đại Nam)
LỜI KỸ NỮ
XUÂN DIỆU
Họ Ngô. Sinh ngày 2 février 1917. Người làng Trảo nha, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Học ở Qui nhơn, Huế, Hà Nội. Có bằng tú tài Tây. Có chân trong Tự-lực văn-đoàn. Đã viết giúp: Phong hóa, Ngày nay, Tinh hoa. Đã xuất bản: Thơ thơ (Đời nay, Hà Nội, 1938.)
Xuân Diệu (1917 - 1985)
Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi.
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời;
Khách không ở, lòng em cô độc quá.
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,
Tay em đây, mời khách ngả đầu say;
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây,
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.
Chớ đạp hồn em!
Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn.
Gió theo trăng từ biển thổi qua non;
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.
Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn,
Chớ để riêng em phải gặp lòng em;
Tay ái ân du khách hãy làm rèm,
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng.
Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,
Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành;
Vì mình em không được quấn chân anh,
Tóc không phải những dây tình vướng víu.
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo;
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già,
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt.
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi.
Du khách đã đi rồi.
(Ngày Nay)
Xuân Diệu
(1917–1985)
Nguồn: Thi Nhân Việt Nam
(Hoài Thanh & Hoài Chân)

KHẢO LUẬN:
Thế Lữ và tờ Phong Hóa có thể tự hào đã có công phát kiến và gày nuôi một thi tài đích đáng. Thơ Xuân Diệu lúc đầu đăng trên tờ báo của nhóm Tự Lực, cái điệu lạ ông đem đến gây bỡ ngỡ cho người đọc, khiến lắm kẻ chê bai, nhưng ít lâu sau, ông tự tỏ rõ giá trị, được giới trẻ theo rõi, rồi hoan nghênh, rồi tôn thờ. Và điều không ngờ là vài năm sau nữa, hoàn thành pho Việt Nam văn học sử đầu tiên, nhà biên khảo Dương Quảng Hàm đã dành cho tác giả Thơ Thơ một chỗ ngồi vinh dự, đưa người thanh niên ngoài 20 ấy vào văn học sử hiện đại, bên cạnh những Phạm Quỳnh, Tản Đà, Nhất Linh, Thế Lữ.
Xuân Diệu cùng giống Thế Lữ và Lưu Trọng Lư và đứng trong giai đoạn ở chỗ dành một số lớn sáng tác của ông để ca tụng ái tình và sắc đẹp. Nhưng cái giọng yêu đương mà ông đem vào thơ khác xa đám đàn anh. Đó là cái tình chàng trai 18 chưa rời ghế nhà trường, đầy bỡ ngỡ háo hức, đi thí nghiệm tình yêu trong những trường hợp ngồ ngộ. Tác giả kể lại chuyện mình, lòng mình, nhưng cũng nóí hộ chung cho lứa tuổi. Đây hình ảnh cậu học trò ấy - có lẽ trên con đường tới trường hàng ngày đi về - lững thững đi sau một thiếu nữ:
Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững thững chẳng theo gần.
Vô tâm nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần.
(Thơ duyên)
Thật ra đọc Xuân Diệu nhiều khi ta có cảm tưởng như nghe một đứa trẻ tập nói chưa hề biết những khuôn thức người lớn, tự nhiên tìm đổ những cảm giác của nó ra bằng phương tiện kiếm được. Ngôn ngữ ấy lúc đầu có phần ngượng nghịu, bối rối nữa; nhưng dần dần mềm dẻo hoạt bát và chinh phục người ta bằng vị thanh tân của nó. Có khi cùng trong một bài, nếu có câu: Tôi đã đầy thân giữa xứ phiền, thi cũng có những câu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu.
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.
Thật là một ngôn ngữ thơ, trong veo không gợn, hồn nhiên mà ý vị biết bao.
Nhất là về sau thi sĩ càng chịu làm việc, cần mẫn ở âm vận và chinh phục người ta bằng nhạc chất phong phú. Thơ Xuân Diệu sau dần cũng tiến tới êm tai, chuốt giọng, không phải cái êm chuốt du dương nhàm rẻ của tay thợ vựng, mà là một nhạc điệu cũng đặc sắc mới mẻ. Ở phương diện náy những bài như Nhị hồ, Nguyệt cầm, Đây mùa thu tới, Trăng, đã vưọt xa kỹ thuật cũ mà lại có thể làm thỏa mãn cả những thẩm khuynh cổ điển khó tính nhất. Sau 1940, người ta không còn mè nheo Xuân Diệu về tật ngô nghê, người ta ngâm nga và bắt chước. Thi sĩ quả đã với tác dụng mầu nhiệm của thiên tài, vừa giáo hóa mình vừa cảm hóa người, lôi công chúng vào chia sẻ và thưởng ngoạn ngôn ngữ mình, biến nó thành mẫu mực của thẩm thức.
(Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên III, Nxb Đại Nam).
Theo http://www.hocxa.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chính danh và háo danh Giở cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” ra, tôi giật mình. Trong số hơn 1.000 hội viên cũng có nhiều người từ lâu kh...