Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Vẻ đẹp Đắc Kỷ

Vẻ đẹp Đắc Kỷ
Đọc lại "Phong thần" trong Việt Nam Thư Quán. Cả quyển sách, với tôi, chỉ có một ý hay. Về mặt zăng chương, đoạn cuối, (chương 97), Lã Vọng chém Đắc Kỷ, có một khúc văn tuyệt vời. Bây giờ tôi mới biết Đắc Kỷ đẹp đến thế nào. Chẳng khoa học gì cả, chẳng đạo đức gì cả. Chỉ là khao khát "tội lỗi" của thằng đàn ông thôi. Nhưng không phải thứ đàn ông chỉ biết nhảy thôi, còn biết... đẹp nữa. Hè hè... Tôi mất hết ác cảm với vua Trụ, với những nàng Đắc Kỷ, Hỉ Mị và Ngọc Mỹ Nhân. Chém đầu rồi mà vẫn không hiện nguyên hình chồn 9 đuôi, trĩ 9 đuôi, cây đàn bằng đá, mà vẫn là người… đẹp. Hè hè... Mời bạn thưởng thức (cảm ơn Việt Nam Thư Quán):
 Còn Lôi Chấn Tử khiến quân trói Ðắt Kỷ ngoài cửa ải.  Ðáng lẽ trong trường hợp nầy Ðắc Kỷ mặt ủ mày chau, nhưng trái lại mặt Ðắc Kỷ nở hoa, những đường thanh sơn cẩm thú nổi bật lên trên hình hài nhi nữ, khiến cho ai trông thấy cũng động lòng.  Tên tả đao trông thấy Ðắt Kỷ cặp mắt hữu tình, miệng nói duyên dáng, hàm răng như hạt lựu, môi tợ thoa son, đứng nhìn không nháy mắt.
Khi Lôi Chấn Tử truyền khai đao, Ðắc Kỷ nói với tên tả đao rằng:
- Thiếp chết thật hàm oan, xin tướng quân dừng tay trong giây phút. Sớm muộn cũng chết nhưng tướng quân rộng lòng thêm một khắc giá ngàn vàng.
Tên tả đao thấy Ðắc Kỷ gọi mình bằng tướng quân lòng thêm lính quýnh, đã sẳn ý thương hoa tiếc ngọc, bây giờ lại được mỹ nhân lấy lòng như vậy, nên tay chân rời rã, cầm đao không nổi nữa, thả rơi xuống đất, mình mẩy chết tê, cặp mắt nhìn Ðắt Kỷ trân trân không nháy.
Lôi Chấn Tử thấy tả đao rớt gươm, đứng sững như hình trồng, liền truyền tên khác đến thay. Tên ấy nghe Ðắc Kỷ năn nỉ cũng rơi gươm, đúng trơ như tên trước.  Lôi Chấn Tử đổi ba bốn tên Tả đao kế tiếp, tên nào cũng chết trân như vậy, cất gươm không nổi.
Lôi Chấn Tử tuy hò hét, khiến Tả đao hạ thủ nhưng thật ra chính Lôi Chấn Tử thấy dung nhan và nghe lời năn nỉ của Ðắc Kỷ cũng rủn lòng, chân bước tới không nổi.
Lôi Chấn Tử nghĩ thầm:
- Chẳng biết con yêu nầy có tà thuật gì mà làm mê hoặc mọi người như vậy? Nếu tình trạng nầy tiếp diễn mãi thì làm sao chém Ðắc Kỷ được.
Nghĩ rồi cố gắng lê bước đến trước trướng báo lại với Tử Nha:
- Thưa sư thúc, tôi không làm nổi trách nhiệm nầy.
Bấy giờ Tử Nha đã truyền bêu đầu Hồ Hỷ Mỵ và Ngọc Mỹ Nhân, thấy Lôi Chấn Tử vào tay không, lại nói như vậy, vụt miệng hỏi:
- Cửu vĩ hồ ly tinh đã chạy mất rồi sao? 
Lôi Chấn Tử thuật chuyện lại.  Tử Nha nổi giận mắng:
- Ngươi giám sát một con yêu mà không xong, còn mặt mũi nào làm tướng. Còn các tên Tả đao tội đáng chém đầu.
Nói rồi truyền Dương Tiễn và Vi Hộ ra thay Lôi Chấn Tử coi việc giám sát.
Hai người tuân lệnh, dẫn các tên đao phủ mới ra, bắt các tên đao phủ cũ trói lại, chờ chém Ðắt Kỷ xong sẽ xử tội các tên đao phủ bất lực ấy.
Chẳng ngờ bọn đao phủ mới nầy khi đến nơi thấy Ðắt Kỷ thì tay chân cũng rời rã, mình mẩy tê cứng, không sao cầm nổi cây đao.
Dương Tiễn trong người cũng thấy nôn nao, nói với Vi Hộ:
- Nó là con hồ ly tu luyện ngàn năm, có tài làm cho ngươi ta mê mẩn. Rất đỗi, Trụ vương là vị Chúa, còn phải say đắm đến mất nước, huống hồ lũ quân gia. Chúng ta phải vào thưa lại với sư thúc định liệu, kẻo giết oan bọn Tả đao tội nghiệp. 
Hai người vào thưa lại với Tử Nha.  Các chư hầu nghe nói lấy làm lạ, đều có ý muốn ra pháp trường xem thử.
Tử Nha cùng chư hầu ra đến nơi, cảm thấy Ðắc Kỷ xinh đẹp mười phần, nhan sắc quyến rũ thật khó lòng giết. Tâm trạng mọi người đều giống nhau là tiếc ngọc, thương hương, nhưng không ai dám nói.
Tử Nha nói với mọi người:
- Nó là con hồ ly tu luyện ngàn năm, nên có thuật khêu gợi, làm cho lòng người mê mẩn. Rất đỗi các đệ tử tiên gia còn không cầm lòng được, thì người thường làm sao không động tâm. Thế này tôi phải dùng đến bửu bối mới trừ nó được.
Nói rồi khiến Dương Tiễn vào lấy bầu gươm phép đặt bàn hương án, để hồ lô trên bàn, và van vái:
- Xin bửu bối trở mình.
Các chư hầu và binh tướng ai nấy đều hồi hộp. Sự hồi hộp ấy thật khó tả. Có lẽ họ không nỡ giết một mỹ nhân sắc nước hương trời như Ðắc Kỷ chăng? 
Tử Nha vái dứt tiếng thì nắp hồ lô mở ra, hào quang chiếu sáng lóa. Trong hào quang hiện ra một cây gươm có hai con mắt và hai cái cánh chiếu thẳng vào đầu Ðắt Kỷ.  Ðắc Kỷ biết lưỡi gươm Lục yểm lợi hại dường nào rồi, đành nhắm mắt chịu phép.
Lưỡi gươm bay qua lại hai lần trên không trung đầu Ðắc Kỷ rụng xuống, máu vọt ra lai láng.
Các chư hầu đều thương tiếc, chắc lưỡi thở ra.
Toàn là những câu văn tầm thường, thậm chí sáo! Thế mà lộ ra một vẻ đẹp muôn đời…
Vẻ đẹp của Đắc Kỷ không hình thành nhờ tài mô tả, mài câu, giũa chữ của tác giả hay/ và dịch giả. Nó toát ra xuyên qua quan-hệ giữa các nhân vật. Nó (là) giá trị giữa người với nhau. Đắc Kỷ đẹp đến mức không ai nỡ sát hại. Ngay Khương Tử Nha cũng phải dùng bùa phép, tà thuật mới chém được. Thế thì, giữa Khương Tử Nha và Đắc Kỷ, ai người hơn ai?
Chư hầu đành ngậm ngùi thương tiếc, không ai buông một lời khen tài năng của Khương Tử Nha.
Tuyệt. Thế mới là hành văn. 
Phan Huy Đường
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...