Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Lãng du trong văn học Ai Cập - Anh - Ấn Độ

Lãng du trong văn học Ai Cập - Anh - Ấn Độ
Lãng du trong văn học Ai Cập
Nhà văn, nhà viết kịch Ai Cập Naguib  Mahfouz  (1911-2006) sinh trong một gia đình viên chức nhỏ.  Năm 1934 ông tốt nghiệp lọai ưu khoa Triết học Đại học Tổng hợp Cairo.Tác phẩm đầu tay của Mahfouz là tập truyện ngắn “Tiếng thì thầm cuồng dại” (Hams al-junun, 1938). Tiếp theo ông xuất bản 2 tiểu thuyết lịch sử nói về thời huy hoàng hàng ngàn năm của Ai Cập:  “Radubis” (1943); “Cuộc đấu tranh của Phib” (1944).  Ngoài tiểu thuyết lịch sử, Mahfouz còn viết tiểu thuyết xã hội.  Sau đại chiến thế giới II, ông chuyển sang đề tài hiện đại với Bộ sách gồm ba tiểu thuyết về Cairo  (The Cairo Trilogy) 1. “Giữa những lâu đài”;  2. “Chính quyền bền vững”;  3. “Ngôi nhà em yêu”. Trong thời gian 1961-1967 ông viết theo bút pháp: đề tài gay cấn, ngôn ngữ đối thọai cô đọng. Tiểu thuyết “Tấm gương” kể về 55 nhân vật đại diện cho các tầng lớp người khác nhau trong đất nước Ai Cập. Những tác phẩm khác đáng lưu ý của Mahfouz là  tiểu thuyết  “Số phận trớ trêu” (1939);  tiểu thuyết “Chim cút mùa thu” (1962);  tiểu thuyết “Ánh sáng của Thượng đế” (1964);  tiểu thuyết “Tiếng huyên náo trên dòng sông Nil” (1966); tiểu thuyết “Tình yêu  trong mưa” (1973); sử thi  “Anh hùng ca  Harafish” (1977).
Sự nghiệp văn chương của Mahfouz gồm 30 tiểu thuyết, 18 tập truyện ngắn và kịch. Mahfouz nổi tiếng  trong nước và ở nước ngoài chủ yếu qua 60 bộ phim, trong đó có 25 phim do ông viết kịch bản.  Ông được đánh giá là nhà văn hiện đại lớn nhất của Ai Cập. Các tác phẩm của ông phản ánh số phận của đồng bào, giúp họ nhận biết vị trí của mình trong xã hội và gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của Ai Cập. Ông nhận giải thưởng Nobel văn học năm 1988 vì sáng tác của ông tác động tích cực đến đời sống xã hội quê hương ông.
Lợi đấy, nhưng cũng hại lắm
Naguin Mahfouz là cây đại thụ của văn học Ai Cập, nhà văn hiện đại lớn nhất thế giới Arập. Ông là người gắn bó tâm tư tình cảm, hơi thở và nhịp sống của nhân dân Ai Cập qua bộ tiểu thuyết Cairo  (gồm 3 tập: 
1. “Giữa những lâu đài”;  
2. “Chính quyền bền vững”;  
3. “Ngôi nhà em yêu”. 
Bộ tiểu thuyết  đề cập đến tầng lớp trung lưu và những người lao động nghèo ở Cairo. Tác phẩm này được coi là một biên niên sử về đời sống Ai Cập. Các nhà phê bình văn học gọi ông là "Balzac của Cairo".
Có một nhà báo hỏi ông:
- Giải Nobel có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống và những sáng tác về sau của ông?
- Vâng, giải thưởng đã khuyến khích công việc sáng tác của tôi. Nhưng đáng tiếc là vinh dự này đến với tôi muộn quá, khi tôi đã ở dốc bên kia của cuộc đời.
Từ khi đoạt giải Nobel, tác phẩm của ông đã có những ảnh hưởng gì đến nền văn học Ai Cập?
- … một cái lợi mà giải Nobel này mang lại là nhờ có nó mà nhiều tác phẩm văn học Ảrập được dịch sang các ngôn ngữ khác.
Năm 1954, ở tuổi 43, Mahfouz kết hôn với Atiyyatallah Ibrahim. Họ có hai đứa con - Fatma và Umm Kulthoum. Đó là tất cả những gì ít ỏi người ta biết về đời tư của cây bút nổi tiếng nhất Ai Cập. Mahfouz phải hứng chịu khá nhiều phản ứng dữ dội sau khi được giải thưởng Nobel văn học.
- Từ khi đoạt giải Nobel đến nay, sự kiện nào là quan trọng nhất đối với ông?
- (chỉ vào cổ) Đây, một cú đánh mà tôi nhận được năm 1994 (Mahfouz muốn nói đến lần ông bị ám sát hụt. Một tín đồ Hồi giáo cực đoạn đã cố đâm dao vào cổ. Tay phải nhà văn đã bị tê liệt một thời gian dài sau đó).
Giải Nobel là một điều thật khủng khiếp với tôi. Tôi đã đoạt giải đấy, nhưng tôi mất mọi thứ khác",
LỜI BÌNH: Hơn 10.000 năm trước đây, châu thổ sông Nil là nơi khởi đầu một nền văn minh sớm của thế giới. Cùng với sự xuất hiện nền văn minh Ai Cập cổ là các công trình xây dựng vĩ đại trên một khu vực tập trung dày đặc. Ai Cập cổ đã để lại và đóng góp cho nhân loại một trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại, đó là Kim tự tháp Giza và tượng nhân sư Sphinx khổng lồ. Sông Nil đoạn chảy qua Ai Cập dài 1.200 km. Nhà nước Ai Cập cổ đại có 30 pharaon xuất hiện từ thiên niên kỷ 4-3 trước Công nguyên. Ai Cập là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, có nhiều thành tựu rực rỡ về khoa học và nghệ thuật. Những điều trên ai cũng biết, nhưng rất ít người nước ngoài thông thạo tiếng Arập tới mới có thể dịch thơ văn Arập sang tiếng Anh để cả thế giới có dịp thưởng lãm thơ văn Arập. Văn đàn Arập hiện đại cứ như một ốc đảo. Trường hợp Naguib Mahfouz là một ngoại lệ. Ông là người con ưu tú của Ai Cập. Ông là nhà văn đưa tiểu thuyết thành thể loại trụ cột trong nền văn học Ai Cập. Với 30 tiểu thuyết, ông trở thành “một sứ giả nghệ thuật, bến đỗ đầu tiên “  để độc giả tiến vào văn học hiện đại Ai Cập.
Ông nhận thức rất rõ vai trò của một nhà văn trong việc kế thừa tinh hoa văn hoá dân tộc, giới thiệu để thế giới biết tới dân tộc mình, vì vậy trong diễn từ nhận giải Nobel văn học, Naguib Mahfouz viết:
- Tôi là con của hai nền văn minh (bảy nghìn năm văn minh pharaon và một nghìn bốn trăm năm văn minh Islam) đã kết hôn với nhau  ở một thời kỳ nào đó trong lịch sử.
Ông kể hai giai thoại, một về văn minh pharaon:”Xin quý vị hãy lắng nghe một biến cố lịch sử được ghi lại như sau:  một văn bản viết trên giấy papyrus  kể lại rằng, một vị pharaon biết được mối quan hệ tội lỗi giữa mấy cung nữ và mấy bậc quần thần. Mọi người chờ đợi  đấng quân vương sẽ kết liễu đời họ theo lệ tục thời đó. Nhưng không, ông cho gọi quan hình luật đến bảo điều tra sự việc mà ông biết.  Ông nói là ông muốn biết Sự Thật để phán quyết của mình đưa ra có Công Lý.”  Rồi Mahfouz kết luận:
- Thái độ này của vị Pharaon lớn hơn việc tạo dựng đế chế và xây nên Kim Tự Tháp…Đến một ngày nào đó  Kim Tự Tháp vĩ đại cũng sẽ  biến mất. Nhưng Sự Thật và Công Lý sẽ mãi mãi còn chừng nào Nhân Loại còn có đầu óc suy nghĩ và ý thức.
Một về văn minh Islam  (Hồi giáo): “ …, tôi giới thiệu nền văn minh này ở một tình huống kịch tính đầy cảm động:  Trong một trận đánh thắngquân Byzantium, người cầm quân đem tù binh đổi lấy một số lớn sách cổ Hy Lạp viết về triết học, y học và toán học. Đây là một bằng chứng đánh giá cao trí tuệ của con người.”
Mahfouz cho rằng, đó là những minh triết của văn minh Arập, “là hành động cao thượng và dũng cảm.” Không những giới thiệu tinh hoa văn hoá Arập, Mahfouz còn đề xuất cách giải quyếtvấn đề nổi cộm, nóng bỏng mang tính sống còn của nhân loại ngày nay. The ông, các nhà khoa học đang nỗ lực làm sạch môi trường khỏi ô nhiễm công nghiệp thì các nhà trí thức cũng phải nỗ lực làm sạch nhân loại khỏi sự ô nhiễm đạo đức. Cuối cùng ông nhận xét: “Trong hỗn độn của thế giới ngày nay, Cái Ác là một kẻ trác táng huyên náo, ầm ĩ. Con người nhớ về nỗi đau nhiều hơn là niềm vui. Ông kết thúc diễn từ  bằng thơ của Abul-Alaa Al-Ma’ari:
Nỗi buồn vào giờ chết - Hơn gấp nhiều lần - Niềm vui vào giờ sinh.
Lãng du trong văn học Anh
Ngày nay nhắc tới nước Anh là người ta liên tưởng tới kịch của Shakespeare(1564-1616), vì kịch của Shakespeare là đỉnh cao của nghệ thuật sân khấu thế giới. Kịch của ông ngày nay vẫn được diễn, quay thành phim, nó có ảnh hưởng lớn đến sân khấu hiện thực.
Cuộc đời sáng tác của ông chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ 1600 trở về trước (chủ yếu là hài kịch và kịch lịch sử), giai đoạn thứ hai từ 1600 tới 1608 (chủ yếu là bi kịch), giai đoạn thứ ba từ 1608 tới 1612 với không khí thần thọai nên thơ. Ngoài kịch Shakespeare còn viết 150 bài thơ sonnette là thơ tình và thơ tư duy.
Người viết sách này đã từng xem những vở kịch sau của Shakespeare trong thời gian học ngữ văn Đức ở ĐHTH Karl Marx (1968-1974) thành phố Leipzig (Đức): “Giấc mộng đêm hè”  (A  Midsummer Night’s Dream,  1595);  “Người  lái buôn thành Venice”  (The Merchant of Venice, 1596),  “Richard Đệ nhị”  (Richard II, 1595),  “Julius  Ceasar” (1599);  “Romeo và Juliet” (Romeo and Juliet, 1594); “Hamlet” (1600); “Macbeth”  (1600); “Vua Lear” (1605); “Othello”  (1604);  “Đêm thứ mười hai” (Tweilfth Night, 1602).
Shakespeare là văn hào lớn cuối cùng  của tư tưởng nhân văn trong trào lưu văn nghệ phục hưng ở châu Âu từ giữa thế kỷ 14 tới đầu thế kỷ 17. Đề tài kịch của ông  lất từ cốt chuyện của Đan Mạch, Italia, Anh .v.v. nên đa dạng, phong phú, đả phá tư tưởng phong kiến, tôn giáo, phản ánh sự thống trị của đồng tiền trong giai đọan đầu của chủ nghĩa tư bản.
TỪ VUA  LEIR TRUYỆN CỔ DÂN GIAN ANH ĐẾN BI KỊCH VUA LEAR CỦA SHAKESPEARE  TRONG  VĂN HỌC ANH
Năm 1585, ở tuổi 21, Shakespeare rời quê hương Stratford đến kinh thành London với hai bàn tay trắng và lòng đam mê sân khấu.  Cũng giống Molière, Shakespeare cũng là diễn viên (năm 1594 ông là diễn viên đoàn kịch của bá tước vùng Leicester), tác gia kịch bản kiêm đạo diễn. Để lấp khoảng trống kiến thức của mình, ông có cuốn sách gối đầu giường là Biên niên sử nước Anh, Ailen, Scốtlen (England, Irlang, Schottland). Bổ sung cho kiến thức văn hóa cổ đại La Mã, ông đọc bộ sách nổi tiếng Truyện danh nhân của Plutarque. Shakespeare học hỏi được rất nhiều ở bộ tự điển sống – học giả Italia Giovannie Florio đang sống lưu vong ở London. Bá tước Southampton đã bắc nhịp cầu để Shakespeare đến với xã hội thượng lưu quý tộc London. Vốn kiến thức về nước Pháp, văn hóa Pháp, Shakespeare có được nhờ việc kết giao với một thương gia Pháp đang sống ở London. Không những thế, Shakespeare còn lắng nghe học hỏi nghề ngfhiệp sân khấu ở nơi các diễn viên, ở công chúng xem kịch. Tất cả những điều nói trên là nguồn sữa tươi mát vô tận cho những cảm hứng sáng tạo của kịch gia Shakespeare. Kịch của  Shakespeare  mang *hồn thời đại, luôn đáp ứng được mong đợi của người xem.
Nguyên thủy  Vua Leir  (Lear) là truyện cổ dân gian Anh. Vua Leir có 3 con gái là Gonorilla, Regan, cô út tên là Cordeilla. Theo truyền thống cổ xưa ở nước Anh (Pháp, Đức cũng vậy), khi vua cha già yếu thì chia đều giang sơn cho các con. Theo tục lệ đó nên giang sơn vua Leir chia làm 3 phần đều nhau cho 3 con gái. Trong truyện cổ dân gian Anh thì câu chuyện xoay quanh Thiện-Ác. Làm việc Thiện sẽ được thưởng công xứng đáng.  
Làm việc Ác sẽ bị trừng phạt. Vào năm 1135, Georffrey of Monmouth xuất bản Historia regum Brintanniae von Leir, đây là một biến thái (Maerchenvariant của King-Leir - truyện dân gian Vua Leir).  Để thử thách tình thương của 3 con gái với vua cha. Vua Leir đặt câu hỏi, Ai trong số 3 con yêu quý vua cha nhất? Hai cô chị dùng mọi lời lẽ để tỏ lòng yêu quý cha. Cô út trả lời ngắn gọn: Con quý cha như muối ăn. Nhà vua chia giang sơn làm hai và sống với hai con gái lớn. Vua nổi giận vì lời nói mộc mạc chân thành của cô con út (vì vua quen nịnh với những mỹ từ, lời nói mộc mạc chân thành chỉ dùng nơi sinh hoạt bình dân). Cô con út không được chia phần nên sống trong cảnh nghèo túng. Hai chị lấy chồng, truất hết mọi thứ. Vua Leir rơi vào cảnh cô đơn túng quẫn. Cô út lấy vua nước Pháp liền cùng chồng là Aganippus giúp vua cha lấy lại giang sơn. 3 năm sau, vua Leir băng hà. Vợ chồng cô út nối ngôi. Đây là kết thúc có hậu kiểu truyện cổ dân gian: họ vui sống bên nhau tới khi tóc bạc, răng long.
Vào cuối thể kỷ 16, văn nghệ sĩ Anh làm sống lại đề tài King Leir.  J. Higgins viết bi kịch The Mirour for Magistrates, containning the fallesof the first infomate Princes of this lande năm 1574. Dựa trên cốt truyện dân gian Vua Leir các nhà văn Anh khác như E. Spencer, cũng có sáng tác xoay quanh chủ đề này. Năm 1606, Shakespere cũng dựa trên cốt truyện dân gian King Leir viết bi kịch King Lear. Đây là một biến thái mang hồn thời đại mà Shakespeare đang sống của King Lear (King Lear-Maerchenvariant).
Các sử gia Anh gọi thời kỳ Nữ hoàng Elisabeth I là thời kỳ Nước Anh vui vẻ (The merry England). Nhờ hoạt động thương mại, nên London kinh đô nước Anh trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Anh và của cả châu Âu với những biến động dữ dội (mâu thuẫn giai cấp gay gắt) của thời kỳ quá độ (Uebergangsphase) từ chế độ phong kiến sang tư bản chủ nghĩa. Tuy phát triển sau Italia, Pháp, Tây Ban Nha, nước Anh thế kỷ 16 đã nhanh chóng trở thành một  quốc gia tư bản điển hình:phân hóa xã hội, cách biệt giàu nghèo, đồng tiền chi phối nhân phẩm .v.v.  Ánh sáng và bóng tối thể hiện rõ nét.  Tình hình trên để lại dấu ấn trong văn học nghệ thuật Anh đương thời. Tính thần bí, tôn giáo trong văn học nghệ thuật nhường chỗ cho giáo dục luân lý, đạo đức.  Kịch là thể loại thích hợp nhất lúc này, vì nó tác động trực diện tới công chúng.  London chỉ có 2 vạn dân, nhưng có tới một chục rạt kịch. To là rạp Thiên Nga và Địa cầu. Rạp Địa Cầu của Shakespeare có tới 3.000 chỗ ngồi. Bi kịch Vua Lear là một trong bốn bi kịch lớn của Shakespeare (Hamlet: trả thù, Othello: lòng ghen tuông, Macbeth: nỗi tham vọng, vua Lear: sự phản trắc). Nó cho ta thấy phản trắc hoành hành: Vua Lear bị hai con gái đuổi ra khỏi lâu đài giữa đêm gió gào bão rít, sau khi chia hết gia tài cho người con này. Bá tước Gloucester chứa chấp nhà vua, bị đứa con ngoài giá thú mà ông thương yêu, tin cậy Edmund tố cáo tội chứa chấp vua Lear nên bị con rể vua Lear là Cornwall chọc mù cả hai mắt và bị đuổi đi. Khi điên, ở trong túp lều rách nát giữa đồng với những kẻ áo manh –những  người bần cùng trong xã hội, vua Lear tỉnh ngộ,  trở nên sáng suốt hơn, thấu hiểu nhân tình thế thái mà kêu gọi công bằng xã hội:
-Ôi những kẻ áo manh,…làm sao các người  chống chọi nổi với thời tiết phũ phàng cay nghiệt?…Hỡi những kẻ sống xa hoa, hãy lấy đây làm thuốc đắng. Hãy dấn thân mà chung nếm khổ với kẻ nghèo hèn, hãy biết san sẻ bớt những của thừa dùng cho trời khỏi mang điều bất công vô lý.
Cảnh những đứa con bất hiếu như Goneril, Regan, kẻ phản nghịch như Edmund bị trời chu đất diệt mang ý nghĩa giáo huấn về luân lý đạo đức, về tình trong đạo làm người. Nó như lời cảnh báo xã hội đương thời: Trời có mắt, có tai. Phản trắc là con đường nhanh nhất để gia tăng của cải, uy quyền, nhưng cũng là con đường dẫn tới tự hủy diệt nhanh nhất. Trời không dung tha cái Ác, trừng phạt những kẻ phản trắc!
Shakespeare mượn cốt chuyện xưa, thêm nhân vật và tình tiết.  Câu chuyện mang dáng dấp chuyện xưa lại mang hơi thở của thời nhà văn sống. Nên tuy là cốt chuyện xưa, nhưng vở bi kịch này lại mang hồn thời đại, bi là chính, nhưng có cả yếu tố hài: Ác áp đảo hoành hành mọi chỗ, mọi nơi, nhưng luật đời nhân quả vẫn còn đó. Trong bi kịch Vua Lear có hai tuyến nhân vật  tạo nên sự tương phản (Kontrast) giữa tốt và xấu, giữa Thiện  (Cordelia, Kent, Edgar)  và Ác (Goneril, Regan, Edmund, Cornwall), nhưng rồi Goneril giết Regan và tự sát.  Edgar đánh bại Edmund.  Cornwall bị đâm chết bởi người hầu trung thành với Gloucester.  Nhưng thời Shakespeare, tuy Ác thất bại, nhưng Thiện cũng chưa phải là thắng, nên Shakespeare để Kent hỏi, khi vua Lear ôm xác con gái Cordelia trên sân khấu:
- Đây có phải là một kết thúc đã được hứa hẹn hay không? (Is this the promised end?)
Nhìn cảnh Cordeila bị treo cổ, vua Lear chết, Kent đi vào cõi vĩnh hằng, Edgar thốt lên :
- Chúng ta phải gánh vác trách nhiệm của thời khắc đau buồn này. Hãy nói những gì ta nghĩ, chứ không phải những gì ta buộc phải nói. (The weight of this sad time we must obey, Speak what we feel, not what we ought to say).
LỜI BÌNH: Khoảng thời gian 1580-1642 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ và đạt tới đỉnh cao nhất trong lịch sử sân khấu Anh. Trước Shakespeare nền kịch Anh có 2 xu hướng với những đại diện là John Lyly, với chủ đề cảnh thơ mộng, tình yêu éo le với kết thúc có hậu kiểu thần thoại, truyền thuyết (như vở hài kịch Campaspe của Lyly) và Christopher  Marlowe (1564-1593) với chủ đề hận thù (làm cho sân khấu đầy nước mắt và máu) và khát vọng (kích động tham vọng chinh phục như Câu chuyện bi kịch của Tiến sĩ Faustus - The tragical history of Dr. Faustus). Hai kịch tác gia này là tác gia lớn của kịch trường nước Anh trước Shakespeare. Shakespeare biết kế thừa gia sản hai khuynh hướng trên, vận dụng sáng tạo và thành công, tạo nên phong cách riêng – phong cách Shakespeare.
Shakespeare là văn hào lớn cuối cùng  của tư tưởng nhân văn trong trào lưu văn nghệ phục hưng ở châu Âu từ giữa thế kỷ 14 tới đầu thế kỷ 17. Đề tài kịch của ông  lất từ cốt chuyện của Đan Mạch, Italia, Anh .v.v. nên đa dạng, phong phú, đả phá tư tưởng phong kiến, tôn giáo, phản ánh sự thống trị của đồng tiền trong giai đọan đầu của chủ nghĩa tư bản.
Trong lịch sử của ngành kịch phương Tây có hai khuynh hướng:
1.xây dựng nhân vật như mẫu người phát ngôn cho tinh thần, tư tưởng của thời đại. Khuynh hướng này được gọi là Schiller hóa.
2. cá thể hóa nhân vật triệt để như Hegel từng đòi hỏi (nhân vật phải là “một con người hoàn mỹ, có sinh khí”). Khuynh hướng này được gọi là Shakespeare hóa.
Mỗi nhân vật của Shakespeare là “một con người”, rất khác nhau trong suy nghĩ, trong tính cách, trong lối sống. Tất cả tạo thành “vạn tâm hồn” và thể hiện rõ nét tinh thần thời đại. Hoàn cảnh của nhân vật trong kịch Shakespeare đã được điển hình hóa trên cơ sở chất liệu hiện thực. “Cùng báo thù cho cha, nhưng Hamlet rất khác với Lauste, cùng có tình yêu mãnh liệt nhưng Juliet đâu có giống Orphelia, cùng tham quyền cố vị nhưng Richard III tàn bạo, xảo quyệt, đầy nghị lực”.
Lãng Du trong Văn Học Ấn Độ
TỪ TRUYỀN THUYẾT ẤN ĐỘ SHAKUNTALA ĐẾN KỊCH THƠ TÌNH YÊU SHAKUNTALA CỦA THI HÀO ẤN ĐỘ KALIDASA  
Nhà thơ, nhà viết kịch bằng tiếng Sankrit, nhà văn hóa lớn Kãlidãsa  (Kãlidãsa tiếng Bengal có nghĩa:  Kẻ hầu cận của Nữ thần/ Diener der Goettin)  được coi là một trong “chín viên ngọc quý” của triều đình *Vikramadya thuộc triều đại Gupta  (320-480, triều đại lừng lẫy nhất trong lịch sử Ấn Độ.
SHAKUNTALA là vở kịch nổi tiếng của nhà thơ Kalidasa và là vở kịch hay nhất trong lịch sử văn học Ấn Độ. Dựa theo truyền thuyết Shakuntala của văn học dân gian Ấn Độ kể về mối tình hồn nhiên trong sáng giữa nhà vua trẻ Dusyanta  (nghĩa: Mãnh hổ) và sơn nữ Shakuntala- một mối tình rất thơ mộng,nhưng cũng đầy gian nan- một mối tình vượt ra ngoài lễ giáo phân biệt đẳng cấp khắt khe đương thời. Kalidasa cải biên, thêm chi tiết để phù hợp với sân khấu Triều đình, muốn làm nổi bật đề tài tình yêu. Shakuntala là kịch  thơ 7 hồi, viết theo những quy tắc chuẩn mực của kịch cổ điển cung đình Ấn Độ: tính triết lý và tôn giáo sâu sắc, phân biệt rõ chính– tà, khí phách hào hùng để tăng lòng sùng kính với thần thánh và quốc vương, phải nhân bản khi kết thúc (kết thúc có hậu), phải viết bằng tiếng Sankrit, phải kết hợp nhuần nhuyễn các quy phạm sân khấu dân gian.
Hồi 1: Vua trẻ Dusyanta cùng đoàn tùy tùng đi săn trong rừng, mải đuổi theo con hươu nên lạc vào vườn tu của đạo sĩ Kanva. Đạo sĩ không có nhà. Nhà vua  gặp con gái nuôi của đạo sĩ. Vẻ đẹp tươi tắn cùng„ đôi mắt sáng long lanh đen láy“, nụ cười nở trên môi đỏ thắm của  sơn nữ hút hồn nhà vua trẻ.  
Hồi 2: Nhà vua bàn với anh hề Madavia, làm sao có thể nán lại trong khu vườn để tỏ tình với sơn nữ. Đúng lúc đó thì nhà vua nhận được lệnh của Đức Thái hậu phải về triều làm lễ cầu phúc. Nhà vua cử anh hề thay mặt mình trong lễ cầu phúc.
Hồi 3: Bị tiếng sét ái tình, nên sau khi gặp nhà vua trẻ, sơn nữ ốm tương tư.Các bạn gái đồng trang lứa bố trí cho cặp tình nhân sống bên nhau, kết hôn theo tục Gandarava (trai gái kết hôn bỏ qua quyền của cha mẹ). Đang lúc hạnh phúc tràn trề thì bỗng nhà vua nghe tiếng thiên thần nhắn nhà vua mau trở về đi dẹp loạn.
Hồi 4: Để làm tin nhà vua tặng sơn nữ chiếc nhẫn khắc tên Dusyanta. Trong những ngày trông ngóng nhà vua thì có lần đạo sĩ Durava ghé vào vườn tu xin nghỉ lại. Đang lúc lo buồn nên Shakuntala không cúi chào đạo sĩ. Bực mình, đạo sĩ niệm thần chú rằng người yêu của Shakuntala sẽ lú lẫn, quên hết lời thề khi trước. Các bạn gái xin đạo sĩ lượng thứ, giảm tội cho Shakuntala. Đạo sĩ bằng lòng giảm, người yêu sẽ sực nhớ lời thề khi xưa khi nhìn thấy chiếc nhẫn. Lúc này Shakuntala đang mang thai nên các bạn gái giữ kín câu nguyền của đạo sĩ  Durava. Khi cha nuôi Kanva về nhà thì nghe tiếng thiên thần báo, Thiên đình thuận cho Shakuntala kết duyên với vua Dusyanta và sẽ sinh một hoàng tử. Cha nuôi – đạo sĩ Kanva phái sơn nữ Gotami cùng một số bạn gái đưa Sakountala tới hoàng cung. Buổi chia tay đầy quyến luyến giữa cỏ hoa muông thú.
Hồi 5: Shakuntala vào hoàng cung. Nhà vua không nhớ  nên không nhận ra sơn nữ khi xưa.  Khi các bạn gái nhắc tới cái nhẫn, thì mới biết đã đánh rơi ở sông Hằng. Nhà vua nổi giận, nhưng vì tục lệ nên Shakuntala phải ở lại. Nàng sống trong cô đơn tuyệt vọng, cầu xin thiên thần cho mình về với Đất mẹ. Một đám mây kéo tới cuốn nàng đi.
Hồi 6: Một ngư dân  khi mổ bụng cá, thấy chiếc nhẫn trong bụng con cá và đem nộp cho nhà vua. Nhìn thấy chiếc nhẫn của mình, Dusyanta sực nhớ tới chuyện xưa, nhớ tới sơn nữ Shakuntala.
Hồi 7: Dẹp loạn ma quỷ  thắng lợi, Dusyanta được gặp Kasyapa và Aditi, nhận thưởng công trạng. Dusyanta gặp lại nàng Shakuntala vợ mình cùng đứa con tuấn tú có khả năng thuần được mãnh thú.  Họ trở về hoàng thành trong lễ đón tưng bừng của dân chúng. Hoàng tử Bharata (nghĩa: được trìu mến) lên thay vua cha trị vì thiên hạ.
Trong kịch Shakuntala, Kalidasa thêm tình tiết tặng nhẫn, lời nguyền của đạo sĩ Daruva, tình tiết rơi nhẫn ở sông Hằng, Shakuntala trở về với Đất mẹ. Một ngư dân mổ bụng cá thấy chiếc nhẫn, đem nộp nhà vua, tình tiết dẹp loạn và nhận thưởng cũng là tình tiết Kalidasa thêm vào trong kịch, ở trong truyền thuyết không có chi tiết này. Trong truyền thuyết chỉ là một lệnh do thiên thần gửi tới nhà vua. Nhà vua tỉnh ngộ, đoàn tụ cùng vợ con. Kịch thơ Shakuntala của Kalidasa mang tinh thần Hindu giáo, kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tính sử thi của anh hùng ca và tính trữ tình, thấm đượm tính nhân bản, với khát khao tình yêu trong sáng và chung thủy.
Trong kịch  Shakuntala, nhà thơ vận dụng và phát triển tính hình ảnh và tính uyển chuyển của thơ ca Sankrit, của văn học dân gian để ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước.
Kịch cổ Ấn  Độ thường đề cập đến những mối tình hồn nhiên, trong sáng đầy ma lực như những tiếng sét ái tình mà người Ấn Độ cho là thiêng liêng cao quý. Shakuntala là tuyệt tác của văn học  Ấn Độ, là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Ấn Độ. Người ta ngâm thơ, ca múa bằng thơ của kịch, dựng phim theo kịch.
William John dịch kịch Shakuntala sang tiếng Anh năm 1789. Năm 1791, kịch được Georg Forster dịch từ tiếng Anh sang tiếng Đức. Nhà văn Nga Caramdin dịch kịch Shakuntala sang tiếng Nga năm 1792. Kịch thơ Shakuntala được dịch sang tiếng Việt  năm 1962 và được Đoàn chèo Trung ương Việt Nam đưa lên sân khấu năm 1982.
Shakuntala là một trong những kiệt tác của văn học thế giới. Nhà văn Nga Caramdin, người đại diện cho chủ nghĩa tình cảm Nga nói:
- Đối với tôi, Kalidasa cũng vĩ đại như Homer (của Hy Lạp).
Kịch thơ Shakuntala đã gây ấn tượng mạnh nơi các nhà văn Đức, đại văn hào Đức Johann Wolfgang Goethe ca ngợi:
- Nếu muốn có một tiếng ôm ấp được cả hoa mùa xuân và quả mùa thu/  Một tiếng làm đắm say, nuôi dưỡng và thỏa mãn được tâm hồn/ Nếu muốn có một tiếng bao gồm được cả trời đất/ Thì tôi gọi Shakuntala/  Tiếng đó nói lên tất cả!
Rabindranath Tagore (1861-1941) là nhà văn hóa lớn Ấn Độ. Ông xuất thân trong gia đình quý tộc Ba La Môn có nhiều người là nhân tài của đất nước Ấn Độ. Cha là Debendranath Tagore, một triết gia đồng thời là nhà cải cách xã hội. Tagore nổi tiếng thông minh từ thưở nhỏ:  8 tuổi đã làm thơ, 11 tuổi dịch kịch Macbeth của William Shakespeare ra tiếng Bengal.
Tagore yêu nước, yêu hòa bình, có lòng nhân đạo sâu sắc. Ông coi trọng truyền thống văn hóa Ấn Độ, biết kết hợp văn hóa Đông và Tây: 1901 mở Trường Santiniketan cho con em nông dân học. 1921 mở Trường đại học Visva – Bharati để cho thanh niên thế giới đến tìm hiểu văn hóa Ấn Độ.
Tagore để lại 52 tập thơ,  42 vở kịch, 12 bộ tiểu thuyết.
Những tập thơ nổi tiếng là Người làm vườn (1914); Tặng phẩm của người yêu (1914); Trăng non (thơ trẻ em, 1915. Nổi tiếng nhất là tập  Thơ dâng (1912); Tập Thơ dâng được coi là kỳ công thứ hai của văn học Ấn Độ (sau kịch thơ Shakuntala của Kalidasa). Những tác phẩm tiêu biểu khác của Tagore là kịch Lễ máu (1890); kịch Phòng bưu điện  (1913);  tiểu thuyết Đắm thuyền (1906);  tiểu thuyết Gora  (1910).
Rabinarath Tagore là nhà thơ lãng mạn trữ tình, một “ngôi sao sáng của Ấn Độ thời Phục hưng. Ông kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống yêu nước và nhân bản của Ấn Độ với tinh hoa văn hóa phương Tây làm giàu thêm tinh hoa  văn hoá Ấn Độ. Monhandas Karamchand “Mahatma” (tâm hồn vĩ đại) Gandhi (1869-1948) – lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ, gọi Tagore là “người thầy vĩ đại, người lính gác vĩ đại của Ấn Độ. Thi sĩ Rabindranath Tagore  nhận giải thưởng Nobel văn học năm 1913.
THƠ DÂNG  (Gitanjali)
Thơ dâng là tuyển tập chọn trong số những bài thơ của Tagore sáng tác năm 1900 viết bằng tiếng Bengal, rồi chính nhà thơ dịch 103 bài thơ của mình ra văn xuôi tiếng Anh.  Đó là những bài thơ nhỏ không đề. Thi sĩ muốn dâng cho cuộc đời nguyện vọng và lý tưởng cao đẹp của mình. Ông khinh bỉ hèn nhát, ghét tàn bạo. Ông cho rằng, người ta cần rèn luyện sức mạnh tinh thần, trau dồi tính cao thượng, trong sáng để phụng sự Cuộc đời và Con người. Tập thơ phản ánh nỗi buồn do tàn phá, chia ly trên đất nước Ấn Độ, đồng thời cho thấy nguồn cảm hứng bất tận bởi ánh sáng, niềm vui, tình yêu và khát vọng. Theo Tagore, Thượng đế không phải là đấng cao siêu, huyền bí. Thượng đế hiện thân là cuộc sống lao động :
Thượng đế ở xa kia,
Nơi thợ cày nai lưng
Cày đất cằn sỏi cứng
Thượng đế ở cạnh người làm đường
Đang đập đá
Thượng đế cùng với họ vất vả
Dãi nắng, dầm mưa
Áo quần lấm bụi…
Cao Huy Đỉnh dịch
Nỗi đau của thi sĩ Tagore cũng là nỗi đau chung của đất nước Ấn Độ.  Ánh sáng, tình yêu, niềm tin và khát vọng trong tập thơ là dòng sữa tươi mát nuôi dưỡng những tâm hồn
Ấn Độ. Thơ dâng là kiệt tác của văn học Ấn Độ, đồng thời là đóng góp của Ấn Độ trên văn đàn thế giới.
LỜI BÌNH: Ấn Độ là quốc gia Nam Á,chiếm hầu hết tiểu lục địa Ân Độ, là nước đông dân thứ nhì thế giới. Về mặt tiếng nói thì Ấn Độ là nước đứng thứ nhất thế giới. Trên đất nước này, người ta nói với nhau bằng 1.652 thứ tiếng. Nhưng chỉ có 2 ngôn ngữ chính thức dùng trong hành chính là tiếng Hindi, tiếng Anh. Khái niệm “Người Ấn Độ” mang tính quy tụ, để chỉ một tập hợp đa sắc tộc sống trên lãnh thổ Ấn Độ. Ấn Độ  rất phong phú về động thực vật. Sống trong cảnh cư dân đông đúc, đất nước giàu tài nguyên, đầy ắp các loại hoa với đủ các loài  thú dữ nên người Ấn Độ rất quen với những cách nhìn khác nhau, với những ý kiến khác nhau. Cuộc sống ấy dạy cho họ tính kiềm chế và chịu đựng, cái  nhìn  việc đời  rất nhân bản: bình đẳng và tôn trọng nhau, hòa đồng trong cuộc sống. Tác phẩm Sakountala của Kalidasa và tập Thơ dâng của Tagore là những minh chứng sinh động cho tinh thần Ấn Độ.
Ấn Độ bị bao bọc bởi biển và núi nên nó có vẻ như một nước đóng kín. Chỉ có một con đường mà dân di cư cũng như các đội quân xâm lược dùng để vào Ấn Độ là con đường mòn qua khe núi Hindu Kush vào Afghanistan, sau đó vào Punjab của Ấn Độ. Nhiều bộ lạc và dân tộc khác nhau đã đến Ấn Độ và mang theo tập tục, tín ngưỡng, văn hóa riêng của mình.   
Người bản địa “*kiên nhẫn, tiếp nhận một cách trân trọng, thậm chí còn hoan nghênh tính đa dạng của các tập tục và tín ngưỡng” (của người mới di cư tới). Đây là nét rất đặc trưng Ấn Độ. Ấn Độ như khu rừng nhiệt đới. Với sức sung mãn của rừng nhiệt đới nó tiếp nhận tất cả, làm cho tất cả yếu tố ngoại lai thích nghi dần, tiếp thu các tư tưởng, tập quán, cuối cùng là suy ngẫm về chúng theo cách của người Ấn Độ. Lăng Taj Mahal là một ví dụ. Tính hung dữ, ham tàn phá trong con người Mông Cổ của hoàng đế Cát Kiệt Hãn (Shah Jahan) đã biến thành tình yêu đằm thắm, thủy chung son sắt, bằng việc xây lăng Taj Mahal lộng lẫy cho người vợ quá cố của mình. Lăng Taj Mahal là biểu tượng sức mạnh tình thương yêu của hoàng đế Cát Kiệt Hãn, đồng thời cũng là một kỳ quan thế giới- một biểu tượng tình yêu. Lăng Taj Mahal như một hoa viên lớn: trước lăng là hồ nước trong xanh. Sóng nước lăn tăn bởi gió làm ta liên tưởng tới nỗi niềm u hoài thương nhớ người vợ thông minh, hiền hòa của hoàng đế Cát Kiệt Hãn, tới nước mắt của vị hoàng đế này. Cảnh tượng này làm xúc động lòng du khách bốn phương. Đại thi hào Ấn Độ Tagore gọi lăng Taj Mahal là giọt nước mắt trên gò má thời gian.
Trong khi người Ấn Độ an vui tự tại đón nhận những cái đến với mình thì người Trung Hoa dùng khuôn vàng thước ngọc của Nho học, Lão giáo để suy xét, rồi Trung Hoa hóa cái từ bên ngoài vào
*/ Lời nói của nhà hoạt động chính trị và xã hội nổi tiếng của Ấn Độ Jawaharlal Nehru. 
Lương Văn Hồng
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...