Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn

Fukushima: Thảm họa
vẫn còn tiếp diễn

Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân

Ba đang ngồi đọc lại những trang viết về cuộc trò chuyện của cha con mình từ bấy đến nay. Và ngẫm ngợi lại những gì đã xảy ra trong chuyến Đông Du định mệnh.

Cho đến hôm nay người ta vẫn chưa biết phải giải quyết hậu quả do con người gây ra như thế nào.

một nơi chưa được xác định nằm dưới đáy thành phố Fukushima vẫn còn có 3 khối “blob” (là một chất lỏng đặc quánh, mang hình thù bất định) mà trong đó có chứa một chất phóng xạ cực kỳ nguy hiểm: Corium, phát sinh từ sự nóng chảy của 3 lõi trong 3 lò phản ứng hạt nhân. Bao nhiêu người liên quan và có trách nhiệm từ thảm họa này?

Trước đây, năm 1987, ở Chernobyl chỉ có một khối blob và nhanh chóng được xác định vị trí nên được ngăn cách với môi trường xung quanh bằng cách nhốt vào trong một hộp kín, nhưng ở Nhật thì không thể thực hiện điều này: Thảm họa vẫn tiếp tục và mỗi ngày nó tạo ra chừng 500 tấn nước bị nhiễm phóng xạ. Người ta tin rằng lượng nước

nhiễm này sẽ thoát ra Thái Bình Dương vì 3 trung tâm nguyên tử đặt trên bờ biển bị hủy hoại bởi trận động đất và sóng thần.

Không những con người không thể đến gần nơi này, mà tất cả những con robot đưa vào để quan sát, tìm hiểu tình trạng, đều bị “chết” vì lượng phóng xạ quá mạnh làm hỏng các bộ phận điện tử.

Ngay trong những ngày vừa xảy ra khủng bố ở Bỉ và có việc bầu cử Âu Châu nhưng nghị viện Âu Châu và Nuclear Transparency Watch vẫn không bỏ họp để thảo luận về vấn đề hệ trọng này. Các nghị viên, ý thức rằng mình cần phải làm mọi cách để sinh hoạt trở lại bình thường.

Thảm họa bắt đầu từ trận động đất ở Fukushima đã ngắt dòng điện dẫn đến trung tâm nhà máy điện hạt nhân và sau đó sóng thần còn làm hư hại máy phát điện khẩn cấp chạy bằng diesel. Trung tâm nguyên tử phát ra điện, nhưng về phần nó, cũng phải được cung cấp điện năng khi xảy ra sự cố, nếu không thì không thể nào làm lạnh lò nguyên tử được và sau đó các phản ứng hạt nhân sẽ không còn kiểm soát được.

Tất cả những nỗ lực can thiệp của chính quyền đều tập trung vào trung tâm nguyên tử vì ai cũng tin là thảm họa nguyên tử tuy nghiêm trọng nhưng không nguy hiểm lắm, một phần do cơ quan quản lý Tepco ém nhẹm thông tin từ nhiều năm, kể từ ngày Fukishima bắt đầu xuất hiện trên trang nhất các tờ nhật báo.

Họ đã nói như thế nào để trấn an dư luận? Tepco thông báo là lò nguyên tử số 1 bị hư hại (chứ không phải nóng chảy!) chừng 70% nhiên liệu nguyên tử trong lò hạt nhân I; 30% trong lò hạt nhân II và “có khả năng hư hại” ở lò hạt nhân III. Nhưng sự thật là ở Fukushima đã xảy ra hiện tượng mà giới khoa học gọi là “melt through”: Theo đó nhiên liệu nguyên tử bị nóng chảy cùng với lớp thép bao quanh lò phản ứng và do đó trào ra ngoài. Nhưng mãi đến 8 tháng sau… Tepco mới thú nhận sự thật kinh hồn này, nhưng vẫn dùng ngôn ngữ nhập nhằng như “có thể bị hư hại” vỏ thép bao quanh lò hạt nhân số I. Sự thật vẫn con mơ hồ và cả chính quyền lẫn công chúng vẫn chưa hiểu hết.

Mãi đến thời gian sau… khi bắt đầu tìm kiếm những nguyên liệu nguyên tử còn lại để di dời hay cô lập nó như đã từng làm ở Chernobyl thì mới khám phá ra là ở lò nguyên tử số I không còn nhiên liệu và chỉ còn một ít ở lò II. Điều này có nghĩa là nhiên liệu đã trào ra sau khi làm nóng chảy lớp thép bao ngoài lò, tạo thành các blob. Lò thứ III cũng cùng số phận. Vậy thì các blob hiện đang ở đâu? Không ai biết. Toàn vùng bị phóng xạ rất nặng nên người hay robot đều không thể tiến hành các cuộc tìm kiếm!

Nhưng dù blob nằm ở đâu, nó cũng phải được làm lạnh liên tục. Hàng ngàn người hiện nay đang làm việc ở Fukushima phải chiến đấu với nhiễm xạ và nguồn nước nhiễm xạ. Hàng ngày người ta bơm 500 tấn nước ngầm bị thấm và nhiễm xạ nặng. Không ai biết phải làm gì để loại bỏ cho hết sự nhiễm xạ dù đã nhốt chúng vào các thùng chứa. Hiện nay ở gần trung tâm nguyên tử có hơn ngàn thùng chứa vĩ đại, mỗi thùng chứa hơn 1000 tấn nước và đang tiếp tục chế tạo các thùng chứa mới.

Ai cũng biết là nước ngầm sẽ thấm ra Thái Bình Dương nhưng cơ quan Tepco cho rằng sẽ hạn chế khả năng này bằng cách xây một bức tường ngầm bằng nước đá lạnh xung quanh nhà máy nguyên tử. Nhưng ý tưởng này bị bác bỏ vì khi làm như thế nước nhiễm xạ sẽ dâng cao bên trong bức tường, lên đến mặt đất, tràn ra ngoài, và cũng sẽ chảy vào biển.

Nói cách khác, chẳng ai biết phải làm gì.

Nước Đức vốn kiêu hãnh về trình độ công nghệ và kỷ cương cũng đã lập tức quay trở lại với chương trình “thoái hạt nhân”. Giới trí thức Đức vào tháng 3 hàng năm tưởng niệm thảm họa Fukushima với tên  phong trào SAYONARA GENPATSU – vĩnh biệt hạt nhân – để nhắc nhở nhà cầm quyền.

Còn ở Nhật, thảm họa hạt nhân tuy bị cầm lại phần nào, vẫn

tiếp tục giữa một khu vực cấm nằm xung quanh nhà máy, nay đã trở thành một “vùng đất ma”. Tình trạng bấp bênh vì sự tháo gỡ những nhà máy tại Fukushima không khả thi, nên mỗi trận động đất, mỗi ngọn sóng thần, đều có thể khơi mào cho một thảm họa hạt nhân mới.

Tất cả các cường quốc đã không thể làm chủ được con quái vật hạt nhân khi nó sổ chuồng.

Albert Einstein đã từng nói: “Có hai thứ vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người” (Two things are infinite: the universe and human stupidity)

Người ta có thể biết có bao nhiêu vì sao trong vũ trụ nhưng nhìn được sự vô đạo trong cuộc sống của chúng ta thì khó lắm, khó kinh khủng.

Kẻ nào mù quáng tin rằng mình thông thái thì họ lại càng chẳng biết gì. Nhà triết học Bertrand Russell từng nói: “Thế giới đầy những kẻ ngốc nghĩ mình khôn và những người thông minh luôn cho rằng mình thiếu hiểu biết”.

Thượng Đế Toàn Năng, xin Ngài tha thứ cho sự ngu muội dốt nát kiêu ngạo của con người. Ngài đã ban cho họ một vườn Địa Đàng thật tuyệt vời nhưng họ đui mù không biết vui hưởng với món quà này mà ngược lại, vì tánh ngông cuồng tham lam, họ đã lượm món này ráp món kia, tạo ra bom nguyên tử, rồi cắt xén ráp nối phá trật tự của nó khiến nơi này đang đi vào cơ hủy diệt theo sự làm việc của Lập Trình. Việc họ làm, không thể đi lùi lại được, đã quá trễ. Chỉ cầu mong sau cơn gió bụi thịnh nộ sắp đến rất gần này, những sinh linh tốt còn sót lại sẽ chung sức tái tạo, sống xứng đáng, sống thiện lành trong trời mới, và đất mới.

4/9/2023

Trương Văn Dân

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Chùm thơ tháng Bảy của Hồ Xoa

Chùm thơ tháng Bảy của Hồ Xoa

 Chiếc bóng

     

Hoa còn cười một sớm mai

Ngày nghiêng còn chiếc bóng dài theo tôi

Mõ chuông mòn điệu luân hồi

Sa di thơ thẩn nhặt lời Nam mô…

 


 Thiếu phụ

 

Dăm đồng vé số trên tay

Mà em mời bán vận may cho người

Điểm trang nhạt mấy nụ cười

Bao nhiêu bến nước một đời hồng nhan. …

 

 

 Hiệu ứng tiếng hót

 

Những loài chim bây giờ ít hót

Chúng hoài nghi cả giọng hót mình

Giăng đầy những chiếc loa và lưới

 

Chúng ta hoài nghi lời ngọt ngào

Rồi sẽ nói gì với nhau

Tình yêu không cần lời ?

 

Những tiếng hót từ nơi rất cao

Loài người chưa chôn xong thế kỉ

Lại đào thêm chiến hào

 

5/9/2023

Hồ Xoa

 

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Lưu Quang Vũ - Để gió và tình yêu thổi mãi

Lưu Quang Vũ (1948-1988) là một nghệ sĩ tài năng trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn, kịch, họa… ông được đánh giá là  nhà viết kịch xuất sắc nhất của nền kịch Việt Nam hiên đại, bên cạnh đó ở lĩnh vực thơ ông cũng có những đóng góp giá trị. Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ giàu cảm xúc mà còn đâm tính triết lý và cũng đầy suy tư, trăn trở về con người, về thời đại.

Lưu Quang Vũ (1948-1988) là một nghệ sĩ tài năng trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn, kịch, họa… ông được đánh giá là  nhà viết kịch xuất sắc nhất của nền kịch Việt Nam hiên đại, bên cạnh đó ở lĩnh vực thơ ông cũng có những đóng góp giá trị. Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ giàu cảm xúc mà còn đâm tính triết lý và cũng đầy suy tư, trăn trở về con người, về thời đại. Với các tập thơ: Hương cây - Bếp lửa(in chung với Bằng Viêt), Mây trắng của đời tôi, Bầy ong trong đêm sâu, Di cảo… Lưu Quang Vũ đã định hình một phong cách thơ độc đáo của một người cầm bút tài hoa và trách nhiệm với cuộc đời, với Đất nước.

Lưu Quang Vũ thuộc lớp nghệ sĩ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đến với thơ ca từ cuối những năm bảy mươi của thế kỷ XX, với khoảng 20 năm cầm bút ông đã để lại cho đời hàng trăm bài thơ giá trị. Nổi bật trong các sáng tác của ông là cảm hứng về Đất nước, một Đất nước có bề dày văn hóa lịch sử, có truyền thống kiên cường, bất khuất, một Đất nước tươi đẹp ân tình. Tất cả những điều đó được ông cảm nhận. suy tư theo cách của riêng mình với những mái nhà, dòng sông, luống cày, cây cỏ… và thấm đẫm trong đó là tình yêu Đất nước sâu nặng của nhà thơ. Những bài thơ Sông Hồng, Tiếng Việt, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Thức với quê hương… là những sáng tác tiêu biểu. Tình yêu Đất nước của Lưu Quang Vũ trước hết là tình yêu với tiếng Việt, ông nhận diện tiếng Việt từ những quan sát, những suy tư, những tìm tòi từ quá khứ. Lịch sử hình thành ngôn ngữ của một dân tộc gắn liền với sự hình thành của tộc người ấy qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử:

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

                                           (Tiếng Việt)

Tiếng Việt gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của bao thế hệ, một dân tộc từ trong lam lũ, nhọc nhằn và nhiều lúc khó khăn nhưng vẫn giữ trọn tình yêu với tiếng nói của mình, ngay cả khi Đất nước bị tạm xâm chiếm, cai trị tiếng nói ấy vẫn trường tồn. Thông qua nhiều hình ảnh so sánh, nhà thơ đã làm sáng lên những vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc:

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

                                            (Tiếng Việt)

Trong cảm nhận của nhà thơ tiếng Việt thuở sơ khai như mảnh đá thô sơ nhưng qua thời gian chuốt mài ngày cảng trở nên óng ánh, đó là thứ tiếng để hòa hợp lòng người, là thứ tiếng để hướng về nguồn cội, là tiếng nói của tình yêu, của những điều đẹp đẽ, nhân văn. Suy ngẫm và trăn trở của Lưu Quang Vũ về tiếng Việt cũng là sự nhắc nhở với những thế hệ mai sau phải giữ gìn tiếng nói cha ông, phải làm phong phú tiếng Việt cũng như trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt từ chính bản thân mỗi người:

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình…

                                           (Tiếng Việt)

Cảm hứng Đất nước trong thơ Lưu Quang Vũ gắn với những không gian hữu hình như một ngã ba thị xã, một thôn xóm, một cây cầu, một bờ đê, một con suối, một dòng sông… Bài thơ Sông Hồng của nhà thơ cũng mang trong đó những cảm nhận cùng những phát hiện mới mẻ, lý thú. Đó là con sông chảy dài từ biên giới Việt Trung đổ ra biển Đông, con sông gắn với một miền châu thổ êm đềm, trù phú, con sông gắn với thăng trầm lịch sử với bao trận chiến hào hùng. Lưu Quang Vũ đã từ những trầm tích dòng sông để tạo dáng hình một con sông Hồng trong thi ca: một con sông chảy qua thời gian/ chảy qua lịch sử/ chảy qua triệu triệu cuộc đời/ chảy qua mỗi trái tim người/ khi êm đềm khi hung dữ/ một con sông rì rầm sóng vỗ/ trong muôn vàn trang thơ/ làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà/ tạo sắc áo, màu cây và tiếng Việt/ một giống nòi sinh tự một dòng sông/ trăm đứa con xuống biển lên rừng.Cảm nhận sông Hòng của Lưu Quang Vũ luôn gắn liền với lịch sử đó là con sông gắn liền với truyền thuyết về thời Hùng Vương và nhà nước Văn Lang, con sông của những trận chiến thắng chống ngoại xâm, con sông gắn với những triều đại trong lịch sử nhưng trên hết đó là con sông của đời thường với những làng mạc, cây cối, triền đê, bè mảng, cánh buồm, ngọn dâu, câu hát và nhất là những bờ bãi phù sa cho cuộc sống con người. Đó là con sông Cái, sông Mẹ của cả vùng châu thổ rộng lớn trên Đất nước này. Bằng sự quan sát từ rất nhiều góc độ, từ những vỉa tầng trầm tích văn hóa Lưu Quang Vũ đã đem đến cho người đọc những tri thức văn hóa về một dòng sông mà ít bài thơ có được. Viết về sông Hồng cũng là viết về Đất nước của những cư dân có màu da mang sắc nước dòng sông rắn rỏi, kiên cường trong lao động và đấu tranh chống ngoại xâm. Cũng từ đó Lưu Quang Vũ đem đến những triết lý về lịch sử về Đất nước:

sóng và phù sa – khái niệm đầu tiên
nước và đất để nay thành Đất Nước
một con sông dịu dàng như lục bát
một con sông phập phồng muôn bắp thịt
một con sông đỏ rực
nhuộm hồng nâu da người.

                              (Sông Hồng )

Cuối cùng dòng sông để lại không phải những thù hận, oán hờn mà là những bãi bờ ăm ắp phù sa cho cây trái đơm hoa, mùa màng tươi tốt và trên hết là tâm hồn người Việt đằm thắm yêu thương. Bài thơ lấp lánh vẻ đẹp của một trường ca về dòng sông Đất nước:

sông để lại trước khi về với biển
không phải máu đen độc ác của quân thù
không phải gươm đao ngàn năm chiến trận
không phải nghẹn ngào tiếng nấc
sau sụp lở hưng vong sau thù hận sóng trào
là bãi mới của sông xanh ngát
là đất đai lấn dần ra biển
là tâm hồn đằm thắm phù sa
dâng yêu thương đỏ rực đôi bờ.

   (Sông Hồng )

Cùng chung mạch nguồn cảm hứng về Đất nước, bài thơ Đất nước đàn bầuđã đem đến những cảm nhận và lí giải về quá trình hình thành Đất nước với chiều sâu văn hóa, bề dày của lịch sử. Tiếng đàn bầu cũng là tiếng nói của cha ông, nhân vật trữ tình trong bài thơ là một người cháu đang trò chuyện với bà. Đó là câu chuyện dài lịch sử theo cả thời gian và không gian, đây cũng là một bài thơ dài nhất của Lưu Quang Vũ. Lịch sử Đất nước là những trang buồn khi nàng Mị Châu chết mà vẫn không sao hiểu được Trọng Thủy là kẻ thù, là những tiếng kêu ai oán, xót xa nhưng lịch sử cũng là những chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử lẫy lừng. Đất nước cũng được cảm nhận là một không gian trải dài từ Vân Đồn, kinh Bắc, kẻ Chợ, Tràng An đến cửa Thuận, cửa Hàn, Hà Tiên, Cà Mau… Đất nước trải qua vô vàn đau thương mất mát nhưng luôn biết yêu thương trong nghĩa đồng bào:

Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt
Chữ “thương” liền với chữ “yêu”
Chữ “thương” đi cùng chữ “nhớ”
Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ
Phải thương nhau mới sống được trên đời

                                          (Đất nước đàn bầu)

Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh những dấu chân, những đoàn quân vô tận cùng hình ảnh người bà chan chứa yêu thương, đó là điểm tựa tinh thần vũng chắc để nhân vật trữ tình hướng tới ngày mai. Đất nước cũng như tiếng đàn bầu chứa trong đó biết bao cung bậc cảm xúc:

Đất phù sa vô tận dấu chân người
Những đoàn quân lại ra đi từ đất
Bà đứng đó miệng trầu cay thơm ngát
Vầng yêu thương soi sáng suốt cuộc đời
Khắp triền sông vang tiếng trẻ con cười
Đất nước đàn bầu
Đất nước ban mai… 

(Đất nước đàn bầu)

Khi nói về cảm hứngĐất nước trong thơ Lưu Quang Vũ không thể không nhắc đến bài thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi.Bài thơ đã xây dựng thành công hình tượng gió để để găm vào trong đó bao ý tình của nhà thơ. Gió là hiện tượng của tự nhiên tồn tại vĩnh hằng và có mặt khắp mọi nơi cũng như tình yêu của loài người vẫn đang tồn tại từ xa xưa tới mai sau. Đó là ngọn gió thổi suốt dọc dài lịch sử hay đó cũng là tiếng gọi ngàn đời không khuất phục, nhà thơ cảm nhận Đất nước như con thuyền xuyên gió mạnh lướt trên sóng dữ trùng khơi:

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Chưa xóm mạc đã bắt đầu ngọn gió
Thổi không yên suốt dọc dài lịch sử
Qua đất đai và đời sống con người.

Gió gieo tung những hạt giống trên tay
Giọt nước mắt mau khô, tiếng gọi đò vọng mãi
Vầng trán với bể khơi chung gió ấy
Ở nơi đâu cũng tới được chân trời.

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục
Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh
Những mối tình trong gió bão tìm nhau.

                              (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)

Lưu Quang Vũ muốn hóa thân thành ngọn gió để hiến dâng cho Đất nước, để được trường tồn với thời gian và Đất nước. Thi nhân đã vĩnh viễn hóa tình yêu Đất nước bằng những câu thơ kết mang đầy sức nặng và làm lay động bao trái tim người đọc:

Ước chi được hoá thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời…

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi…

Thơ Lưu Quang Vũ phần lớn được viết theo thể thơ tự do, cảm xúc tự nhiên, phóng túng, ngôn từ, hình ảnh mới lạ, có sự kết hợp hài hòa mạch cảm xúc và triết lý. Mặc dù cuộc đời ngắn ngủi nhưng sự nghiệp văn học mà ông để lại vô cùng phong phú và mang giá trị. Ba mươi lăm năm Lưu Quang Vũ rời xa cõi thế nhưng những vần thơ, nhưng vở kịch mà ông để lại vẫn còn làm lay động lòng người, chúng ta khó có thể hình dung diện mạo Văn học Việt Nam giai đoạn sau 1975 nếu thiếu Lưu Quang Vũ. Để khép lại bài viết nhỏ này, chúng tôi xin mượn lời nhận định của nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên: “Cảm hứng bi thương về đất nước, nhân dân đã cho Vũ có được những bài thơ hay lay động sâu sắc để lại giá trị lâu dài (…) Mảng thơ này của Vũ biệt ra một cõi, không ai sánh được. Đó là một đỉnh cao của thơ Việt Nam thời chiến và đỉnh đó mang tên Lưu Quang Vũ lẻ loi và chất ngất”.

5/9/2023

N.Q.

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Bài thơ Đi học được được Hoàng Minh Chính viết khi mới 15 tuổi

Bài thơ Đi học được được
Hoàng Minh Chính viết khi mới 15 tuổi

Đi học
Hôm qua em đến trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em đến lớp…
Từ lâu những vần thơ này đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ học sinh miền Bắc. Đó là những câu thơ trong bài “Đi học” của nhà thơ Hoàng Minh Chính. Nó được tuyển chọn vào chương trình tiếng Việt lớp 2. Và sau đó được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc. Thế nhưng không mấy ai biết đằng sau những vần thơ “trẻ mãi không già” đó là câu chuyện về số phận và cuộc đời của nhà thơ Hoàng Minh Chính.
Sinh ra ở quê nhà Ý Yên (Nam Định) năm 1944, nhưng suốt tuổi thơ và thời cắp sách, Minh Chính lại gắn bó với miền cọ Trung du (thôn Tiên Phú, xã Phú Hộ, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Đây là nơi gia đình anh đã dừng chân trên con đường kháng chiến.
Bài thơ nổi tiếng “Đi học” được Minh Chính viết từ năm 1959, bằng mực Cửu Long xanh đen trên giấy thếp, khi anh mới mười lăm tuổi. Bản thảo lần đầu ấy, bài thơ có 4 khổ như sau:
“Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi
Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Hôm qua em tới trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp
Đường xa em đi về
Có chim reo trong lá
Có nước chảy dưới khe
Thì thào như tiếng mẹ
Dù bom rơi đạn nổ
Em vẫn học vẫn hành
Vẫn ngắm màu cờ đỏ
Rạo rực giữa rừng xanh”.
Ngày anh Chính học cấp 1, do trường xa mẹ thường xuyên phải đưa anh đi học. Nhưng nhiều hôm mẹ bận, chị bận anh phải đi học một mình. Anh phải băng qua con suối, đồi cọ, rừng chè tới trường. Có lẽ vẻ đẹp đó đã khiến một học sinh có năng khiếu thơ tái hiện trong bài đi học khi anh mới 15 tuổi:
“Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi…”.
Bài thơ được sửa chữa lại sau đó, vào năm nào không rõ, nhưng chắc chắn phải sau năm 1964, khi chiến tranh phá hoại của Mỹ đã lan ra miền Bắc vì bên lề bản thảo có nhiều gạch xóa và những câu thơ gợi không khí của chiến tranh. Đây là một số câu thơ rời được viết thêm bên lề:
“Trường của em be bé
Nằm lặng dưới dặng cây
Chiến hào chạy giữa lớp
Chẳng sợ gì máy bay”
“Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay”
“Mũ rơm thơm em đội
Hương cốm chen hương rừng”
“Mỗi lần em tới lớp
Là một lần lớn thêm”…
Cũng trong lần sửa chữa này, Minh Chính đã dùng gạch chéo xóa bỏ đoạn thơ cuối trong lần viết đầu và ta có thể dễ dàng nhận thấy anh đã sắp xếp lại các câu thơ, đảo lại trật tự các khổ thơ để có một bản chính thức đã quen thuộc với bạn đọc bây giờ.
Đêm 7/3/1971, để chuẩn bị cho trận đánh anh Minh Chính đã dẫn 11 đồng đội đi trinh sát địch ở Sở 5, sau khi đã chọn được cửa mở, nắm được toàn bộ cách bố trí các lô cốt và hỏa lực của địch thì tổ rút ra. Không may mắn, khi ra đến khu vực bìa rừng cao su thì bị địch phản pháo. Hai đồng chí đã hy sinh, Hoàng Minh Chính bị thương rất nặng ở mặt. Sau đó được đưa về căn cứ bên bờ sông Măng – biên giới Campuchia thì Hoàng Minh Chính đã hy sinh.
6/9/2023
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Bản năng kép – Truyện ngắn Phùng Phương Quý

Ta nắm tay đấm vào đầu để nhớ lại. Đuổi ngay cái dự án khu công nghiệp ra khỏi bộ nhớ. Mười phần trăm là cái gì. Mười lăm phần trăm cũng chả là cái gì. Lại hai mươi à? Cút xéo ngay cái phần trăm hoa hồng của chúng mày. Tao đếch cần! Tao thích bia hơi, thích tăng gô…

Kí túc xá vắng như chợ chiều. Mình sửa sang xong từ chập tối mà chưa biết đi đâu. Còn mỗi con Lan béo dang tay dang chân ngủ tít, vú vê tràn cả ra giường. Đồ con gái vô ý tứ. Cứ tối thứ 7 là mấy con ranh cùng phòng biến mất với đám bạn trai già, trẻ, sồn sồn. Mình thật cô đơn. Thật ra thì mới chia tay thằng “công tử hàng Bạc” tháng trước. Thằng này ngụy quân tử, chỉ ra vẻ hào phóng mấy hôm đầu khi chưa dụ được mình lên giường, sau này đi chơi, ăn đêm, nhà nghỉ…tất tật tiền túi của mình. Đến lần nó ngửa tay xin tiền mua thuốc lá thì mình hô biến.

Gái quê ra thành phố làm sinh viên, bố dặn đi dặn lại: “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Mình đã cố giữ được hết năm thứ nhất. Bố mẹ làm sao hiểu được mình cần những gì, cứ than thở là mỗi tháng mày mang đi khỏi nhà ba tạ thóc. Nhưng con không thể gái quê mãi được, con cần rất nhiều thứ để thành thị hoá. Mình uất lắm. Bọn con nhà giàu nhìn mình không được nửa con mắt. Học giỏi ư! Học bổng ư! Ném ra đường con ơi. Con gái không biết làm đẹp, không tận dụng sắc đẹp cho thiên hạ chết thì mình chết đi cho rồi. Vậy nên mình cần một bộ váy áo hàng hiệu, một con “dế” chưa lỗi model, một chiếc xe máy tương đối xịn. Nhưng mỗi tháng có hai triệu bạc trong tay, lại trăm thứ tiền, ăn đói nhịn khát. Mình than thở với con Gầy, nó ngạc nhiên. Mày không biết cách thật hả? Tao mà xinh như mày tao có nhà lầu rồi. Ừ nhỉ! Con Gầy trông dễ coi nhưng gầy nhẳng, mà nó có đủ những thứ mình mơ ước. Nó rỉ tai mình:

-Mày còn trinh không?

-Hỏi gì lạ thế? Để làm gì?

-Còn thì đem mà bán!

Mình xanh mặt. Con ranh xúi dại, làm thế đến nữa thằng nào nó rước? Nó trấn an. Chỉ một lần thôi lo gì. Ba năm sau không thằng nào đụng đến lại lành như mới. Mình run.

-Thế…bán bao nhiêu?

-Hai chục “chai”! Nhưng phải lót tay bà mối này một “chai” đấy.

-Chai gì?

-Đồ nhà quê! Là hai chục triệu.! Chơi không?

Mình bị choáng. Hai chục triệu với mình quá lớn. Có thể sắm được con xe máy tử tế và chú dế xịn. Mình tưởng tượng lúc cưỡi xe về nhà, hàng xóm xúm lại khen chiếc xe đẹp, đúng lúc chú dế trong túi quần rung rung. “A lô! Anh ở đâu? Em vừa mới chạy xe từ trường về nhà đây!” Mệt quá! Bố mẹ sẽ vừa mừng vừa hốt hoảng hỏi tiến đâu mà mua sắm như địa chủ thế? Mẹ ơi! Con tiết kiệm học bổng mua đấy. Làm như con đi ăn cướp không bằng. Cứ nghĩ đến những thứ ấy mình nôn nao không ngủ được. Rồi mình quyết định liều. Có một lần thôi sợ gì. Mỗi con Gầy biết nhưng đã trám một triệu kín miệng nó rồi.

Kẻ mua trinh là một ông trông còn già hơn cả bố mình nhưng béo tròn, lùn tịt. Con Gầy bảo lão là chủ một doanh nghiệp nhỏ. Mấy tháng nay lão bị nhà nước sờ gáy liên tục nên muốn xả xui. Căn phòng lão đưa mình vào luộm thuộm, bẩn thỉu. Chiếc giường trải tấm đệm màu sọc dưa có lót một tấm rap trắng. Mình liều cởi hết quần áo rồi nằm co trên giường run rẩy chờ bị “làm thịt”. Nhìn thân hình nung núc như chiếc dò mỡ đứng cạnh, mình định vùng dậy chạy trốn, khổ nỗi lỡ dại cởi hết ra rồi. Lão già uống hai viên thuốc gì đó, không có vẻ gì là vội vàng, bắt đầu vuốt ve bầu ngực thanh tân. Mình nhắm mắt chịu đựng. Cố lên! Lão già này chỉ tí là xong thôi, hé mắt mình nhìn thấy chiếc phong bì dày vẫn nằm trên mặt bàn. Hai chục triệu đấy cô ạ.

Lão già dùng đủ chiêu trò. Mình co rúm người lại. Lão mơn trớn lâu quá, cho đến lúc mình ngất ngư đờ đẫn, rồi chẳng thấy đau đớn gì cả.

Con Gầy trấn ngay một “chai”. Mình mua được chiếc xe Weva nội và con dế Nokia nắp trượt có chế độ MP4. Bây giờ thì hết rồi. Thằng công tử hàng Bạc đào mỏ hết. Con Kiều “lộn ngược” mấy hôm nay bĩu môi gọi chiếc xe của mình là xe bắt lợn. Tức lộn ruột. Tao sẽ có con Attila tay ga! Mình nhổ vào mặt nó lời thách thức.

***

Mở volum to lên chút nữa cô em! Anh thích bản nhạc này. Ôi! Bản tăng gô quyến rũ. Lâu lắm rồi, như từ thời cổ tích có một thằng con trai vô tư yêu đời mê mẩn những giai điệu tăng gô.“Tình như áng mây tình đến cùng ta âm thầm không lời/ Tình như cánh chim tình đến cùng ta đâu ngờ là tình/ Tình như mây gió thoảng vào trong tim”.

Ha! Nhớ rồi! Đây là bản Âm thanh trầm lặng. Thế ra đời ta có một thời yêu nhạc. Yêu như phải bùa phải bả. Sau này làm quan, tai chỉ quen những bản hành khúc ở các cuộc mít tinh, hội nghị. Quen thuộc nhất vẫn là bản Tiến quân ca. Ngày nào cũng nghe, tuần nào cũng nghe. Lâu cũng phải nghe Hồn tử sĩ khi một ngài, một ông đành đoạn đi xa. Càng lên cao, những bản tăng gô yêu thích càng biến dần theo năm tháng.

Bức tranh trên tường kia vẽ cái gì? Trừu tượng à? Lập dị à? Gớm chết! Toàn gam màu đỏ chỉ đạo, loằng ngoằng nét trắng nét đen, hình dáng rắn cạp nong. Cốc bia sóng sánh màu vàng hổ phách. Bọt trào lên trắng ngậy, lép bép vỡ tan thân phận người. Sung sướng quá. Từ đời kiếp nào ta mới được uống bia hơi, thứ bia bình dân năm ngàn đồng một cốc, thứ bia ám ảnh một thời thèm khát xếp hàng mướt mồ hôi mới mua được một cốc kèm gói lạc rang. Ta nhiều tiền cỡ tỉ phú mà có bao giờ được uống bia hơi!? Đời quan chức tiệc tùng liên miên, thừa mứa bia Đức, rượu vang Pháp, uyt-ki  Mỹ…Có đòi bia hơi cũng chẳng ai nó cho.

Bức tranh lập dị hình như he hé một con mắt chột. Nó nhấp nháy đểu cáng. Sếp lớn hôm nay “trốn trại” đi uống bia hơi kia đấy. Có khả năng cuộc vận động tiết kiệm vì người nghèo có kết quả. Vậy thì sếp uống thoải mái đi. Với số tiền nội, tiền ngoại trong chiếc ví da cá sấu kia, uống bia hơi ngày này tháng nọ hết đời cháu, chắt cũng đủ mà.

Đời tự do sung sướng thật. Không xe hơi, không thư kí không người giúp việc, không có những cuộc điện thoại nhì nhằng hết việc công đến việc tư, hết nhờ vả đến áp lực. Cả bốn máy di động đều tắt. Đố thằng nào tìm được ta. Chỉ có bia hơi và nhạc không lời, chút hạnh phúc đời thường chợt bắt gặp. Không, là ta liều đi tìm chứ. Ồ, lại chuyển nhạc rồi. Tăng tăng tăng tắng tằng tăng…Hề! Ta biết rồi! Bản Paloma. Bia nữa đi em ơi! Chiếc cốc này là cốc thứ mấy? Một , hai, ba, bốn…chín…mười. Dụi mắt đã. Ta say rồi ư? Không thể! Một, hai, ba…bốn…năm…! Tại sao lại năm? Tại sao lại mười? Bức tranh đỏ loét kia chọc mãi vào mắt nhức xót. Kìa nó lại hiện ra cái miệng rộng, hàng răng móm dở. Cười gì mà cười? Cái mồm chui ra từ chỗ nào? Chuyệnh choạng, phấn khich. Nào mời ông bạn. Sao răng lợi cái còn, cái mất thế này? Ăn tạp hả? ăn tạp là chết. Không biết câu phương ngôn của bọn ta à. Muốn ăn nhiều thì ăn ít thôi. Nghe có vẻ vô lí nhưng đúng đấy. Cốc bia đổ vào cái mồm móm dở nhưng lại tràn ra khắp bức tranh, tong tỏng xuống nền gạch gốm.

–  Sao thế anh? Anh không được khoẻ ạ?

Cô tiếp viên dịu dàng hỏi, còn đưa bàn tay mềm mại ra dìu ta trở về ghế ngồi. Tay ta vô tình chạm vào một vùng da thịt mịn màng, ấm nóng. Choáng váng. Nghẹt thở. Ta nhìn xuống thấy cặp đùi con gái non tơ, tròn và trắng. Chiếc váy ngắn tung tẩy, lả lơi. Tội lỗi quá. Ta nhắm mắt lại mà máu trong đầu vẫn chảy giần giật. Làm quan to thế này, nói chưa bao giờ đụng chạm da thịt em út chẳng ai nó tin. Nó sẽ bảo là đồ đạo đức giả, đồ thần kinh mãn. Nhưng cả đời ta tu dưỡng, ép xác cho mục đích chính trị. Chưa bao giờ ta đựơc nhìn cặp đùi con gái gần như thế này. Đạo đức của người cán bộ, của người đảng viên không cho phép. Những nguyên tắc, điều lệ ta thuộc lòng cháo chảy như con chiên thuộc kinh Cựu ước. Những lời thề ép ta như ép dò mỡ. Những thông tư, nghị quyết chói ngời đấu đỏ ở giữa chữ kí của ta bay vút lên như cánh đại bàng. Tất cả trói buộc chân tay ta, bịt tai che mắt ta lại. Làm gì có cơ hội như lúc này.

-Thay bản nhạc khác đi! Tăng gô! Ta chỉ thích tăng gô thôi. Chát! Chát! Chát bùm bum! Lại một bản gì nghe rất quen.

Ta nắm tay đấm vào đầu để nhớ lại. Đuổi ngay cái dự án khu công nghiệp ra khỏi bộ nhớ. Mười phần trăm là cái gì. Mười lăm phần trăm cũng chả là cái gì. Lại hai mươi à? Cút xéo ngay cái phần trăm hoa hồng của chúng mày. Tao đếch cần! Tao thích bia hơi, thích tăng gô. Tăng tăng tăng, tằng tăng tắng…Ngon như là trái táo chín/ Thơm như là nhành hoa kín/ Mong manh như dây tơ chìm/ Nhẹ lan như làn mây tím…Há! Há! Há! Nhớ rồi! Nhớ rồi cô em ơi. Thật mệt quá. Để nhớ lại một bản nhạc thời cổ tích thật mệt óc. Bia nữa đi! Em có biết bản nhạc này tên gì không? Bản tăng gô ạ! Trời ơi! Thì rõ ràng là điệu tăng gô rồi. Em là dân nhà quê lên phố hả? Thế thì được. Bài này tên là TÌNH VÔ GIÁ, nhớ chưa? Sau này gặp một thằng cắc cớ hỏi như anh thì nói là Tình vô giá nhé. Tình cho không biếu không/ Ân tình ai cũng cho được nhiều/ Tình cho không không thiếu/ Chớ nên mua bán tình yêu.

Đời ta cũng bao lần từ chối tình yêu rồi đấy. Nhiều lắm. Có những em đẹp cỡ hoa hậu. Có em tuổi còn nhỏ hơn con gái ta. Có những em lẳng lơ đa tình. Tất cả trong tầm tay ta cả, nhưng ta từ chối hết. Sự nghiệp là quan trọng nhất. Bố ta bảo thế. Bao nhiêu hưng phấn tình yêu ta đem về đổ cho bà vợ phốp pháp mắc bệnh cao huyết áp ở nhà. Thế là lại được thêm cái tiếng chung thuỷ. Ta không hề tiếc tình cho không biếu không, dù em nào đến bên ta cũng nói thế. Nhưng ta biết các em cần gì. Em L hoa hậu thích làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ huyện. Em H 8x ở quê đi tìm việc làm thì thích chân thư kí văn phòng uỷ ban. Em M lẳng lơ đa tình chẳng thích cái quái gì cả, chỉ muốn dựa bóng cây đề cho cánh công an, phòng thuế đừng dòm ngó cái công ty ma của em.

Nhưng giờ này (theo thì hiện taị), ta đang muốn bứt phá. Ta muốn làm cái bản năng của thằng đàn ông. Quyền chức cũng chỉ là cái bản năng kép của con người nhiều tham vọng mà thôi. Ta đang là sư tử sổng chuồng, muốn ăn thịt con mồi khi ta đói bụng. Bức tranh quái dị hình như tối sầm lại không rõ hình thù gì nữa. Thấp thoáng trước mắt là cặp đùi con gái trắng, mũm mĩm. Cặp đùi ấy có biết ta có rất nhiều tiền không? Ta đang muốn ném tiền qua cửa sổ để được chiêm ngưỡng cặp đùi kia từ trên xuống dưới. Ta muốn kéo áo khỏi quần để che đậy cục thịt cứng ngắc đang trồi lên sau lần vải. Thôi kệ nó. Có gì mà phải che dấu. Bản năng mà. Thực ra là ta ngượng với bức tranh trước mặt.

….

Mình gửi xe rồi đứng quan sát trước một quán bia. Hình như mình phát hiện ra con mồi. Lạy chúa phù hộ. Ngay trong góc trái quán bia có một tên đàn ông trung niên ăn mặc lịch sự ngồi một mình. Ông ta nhịp chân theo điệu nhạc, mắt nhìn chằm chằm vào đùi con bé tiếp viên mặc váy ngắn, trước mặt xếp không biết bao nhiêu là cốc. Mình thật sáng suốt khi mặc váy ra đường. Phải chọn điểm tập trung sự chú ý của đôi mắt đỏ ngầu kia. Mình giả bộ lơ ngơ tìm chỗ ngồi, chắn ngay lối đi qua của con bé tiếp viên. Chân mình dài, đùi mình thon, mắt nai vàng trên khuôn mặt tròn gợi cảm. Cảm thấy hai đùi nóng bỏng, hình như còn nóng lên cả lớp vải phía trên. Cặp mắt con mồi đã chiếu lửa vào mình.

-Xin lỗi! Em có thể ngồi đây được không ạ?

-Không sao đâu cô gái. Cám ơn cô đã ngồi cùng bàn. Cô có biết bản tăng gô này không? Tôi nghĩ mãi không ra, nhờ có cô bước vào mà nhớ được đấy. Romeo và Juliet! Một thuở cho mình. Mình anh và em… Cô em uống gì. Xin mời thật lòng.

– Cho em xin cốc cam nóng!

Mình nhìn kĩ người đàn ông trung niên với vẻ phong độ toát lên trên thân hình tráng kiện và bộ mặt no đủ. Chỉ có đôi mày rậm và cặp mắt sâu. Bọn bạn gái nhiều kinh nghiệm bảo đó là loại đàn ông háo sắc. Nhưng cái miệng rộng với cặp môi dày và hàm răng trắng khoẻ trông lại rất có duyên.

-Hình như anh đang cô đơn?

-Không! Cô đơn thế nào được khi có những bản nhạc tăng gô ta ưa thích và một cô gái đẹp ngồi cùng bàn. Cảm ơn em đã che giúp ta bức tranh quái gở kia.

Mình quay đầu lại. Trên tường là bức tranh sơn dầu khổ 80×120 phối màu loạn xạ. Nhấp ngụm nước cam, chiếu ánh nhìn ướt át vào đôi mắt sâu. Mình chờ đợi.

-Hình như cô em đang cô đơn? Câu hỏi được lập lại.

-Vâng! Em rất cô đơn.

-Ta thì không! Ta chỉ cảm thấy…thiếu thốn cái gì đó. Kinh khủng.

-Em có thể giúp gì cho anh?

Một tiếng ợ cố nén, sặc sụa mùi bia. Anh là lão thầy tu mới trốn ra khỏi chùa. Ép xác ở chùa lâu năm ắt cần nhiều thứ. Nếu cô em có thiện ý, anh có rất nhiều tiền. USD; EURO; TỆ…anh có hết. Nói thật với em, anh chỉ thiếu tình.

Mình đã hiểu. Mình đã gặp may. Mình đã thắng. Ít ra thì người đàn ông này cũng thơm tho dễ chịu hơn lão béo đã mua trinh mình dạo trước. Em đưa anh về nghỉ nhé? Ông ta lè nhè. Về đâu? Mình dạn dĩ bước sang khoác tay dìu ông ta đứng dậy, cố tình ép bầu vú tròn lên cánh tay rắn chắc. Cánh tay ấy run rẩy.

– Nhờ em đưa ta về khách sạn nào lịch sự một chút. Em đừng lo, anh rất nhiều tiền.

Mình nhẹ nhàng gật đầu như một người vợ ngoan. Thân hình ông ta to lớn, lảo đảo muốn ngã. Mình cố lấy tấm thân mảnh mai chống đỡ. Bỗng ông ta gạt tay mình ra.

-Anh muốn đi …đi tiểu..

Ông ta vội vàng dúi ngay vào cột điện, đái tồ tồ. Mùi khai nồng nặc làm mình phải bỏ tay ra bịt mũi. Ông ta quên cả kéo khoá quần, loạng choạng bước xuống đường, giơ tay vẫy. Tắc xi!

Ánh đèn pha chói mắt. Tiếng động cơ gầm rú điếc tai. Chân chống xe máy quẹt xuống đường toé lửa. Bọn bay đêm rồi. Mình cố kéo tay ông ta quay vào. Nhưng ánh đèn ngược chiều chói hắt vào mắt sáng rực. Tiếng xe rú lên, loảng xoảng…Tất cả tối đen.

Rất đông người dân xúm xít quanh vụ tai nạn. Người ta đến xem là chính. Tiếng chửi rủa bọn con nhà giàu rửng mỡ đêm nào cũng đua xe trên đường phố. Tiếng giục nhau náo loạn. Mày thử sờ xem hai bố con nhà ông kia còn sống hay chết. Còn thở à? Gọi tắc xi đưa người ta đi cấp cứu ngay! Hai thằng kia lao vào cột điện toác đầu rồi, sống thế nào được nữa. Có ai gọi 113 chưa? Sao lâu thế!.

28/9/2008

Phùng Phương Quý

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Cảm nhận về tập phê bình văn học “Đi tìm hương sắc văn chương” của Nguyễn Thanh

                                                                                                               

“Hương là mùi thơm, sắc là vẻ đẹp”. “Đi tìm hương sắc văn chương” * chính là thấu cảm sự thanh cao (hương) và trác tuyệt (sắc) của văn chương. Điều gì làm cho đời người thêm phong phú, điều ấy chính là cái Đẹp. Nước ta tự hào là “Văn hiến chi bang” với một nền văn học thơm hương đậm sắc. Cái hương sắc ấy trường tồn trong nhiều thư tịch, gởi tấm lòng người viết để lại muôn đời. Nếu người xưa quan niệm trong sách có người ngọc (Thư trung hữu nữ nhan như ngọc), thì ngày nay Nguyễn Thanh lại tìm thấy “hương sắc” trong văn chương ! Gẫm lại, người đẹp cũng chính là hương sắc (Quốc sắc thiên hương).

 “Đi tìm” là phải vất vả nhiêu khê, phải có con mắt tinh đời trong việc chọn lọc. Chọn bằng tấm lòng ngưỡng vọng, bằng sự đồng cảm, biệt nhãn liên tài. Đã chọn thì không thể chọn được tất cả. Nên hiểu những người chưa được chọn không phải vì nhạt sắc phai hương, tác giả hẹn với bạn đồng điệu tri âm vẫn còn mối duyên tương ngộ.

Ba mươi tác giả được giới thiệu trong tập đầu tiên này là những bông hoa mỗi người mỗi vẻ, ngào ngạt sắc hương. Ai có thể quên được “đóa hoa bất tử” là vị cha già dân tộc. Cuộc đời Bác là nguồn cảm hứng vô tận trong trang viết của những nhà phê bình tài hoa qua nhiều thế hệ. Thơ văn của Bác gồm đủ cả hương, sắc và thanh điệu mang một sự truyền cảm, một sức mạnh nhiệm mầu : “Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau” (Tố Hữu)

Nhắc đến Sóng Hồng là nhắc đến “một nhà thơ chính khách”, lời thơ dõng dạc như lời hịch kêu gọi đấu tranh: “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền”.                                                             1

Và Tố Hữu suốt đời “đinh ninh với một màu cờ” : “Sống là cho và thác cũng là cho”.              

Làm sao quên được Xuân Diệu “Ông hoàng thơ tình” một đời đắm say hương sắc văn chương, có những mơ ước thật ngông ngạo nhưng cũng thật đáng yêu : “Tôi muốn tắt nắng đi / Cho màu đừng nhạt mất/ Tôi muốn buộc gió lại / Cho hương đừng bay đi ”(Vội vàng)

Nhớ Chế Lan Viên, “một đỉnh cao trí tuệ của thi ca”, mỗi dòng thơ đều mang một hình tượng độc đáo : “Những ngày tôi sống đây là đẹp hơn tất cả/ Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ/ Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn !” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng).

Nhớ Nguyễn Bính, bước chân phiêu lãng Hành phương Nam, tính tình khẳng khái, trọng nghĩa khinh tài : “Những tên bất nghĩa thôi đừng tới/ Hãy để thềm ta xanh sắc rêu !”

Nhớ Sơn Nam, nhà văn của miệt vườn sông nước xứng đáng được gọi là nhà “Nam bộ học”, tác phẩm gây ấn tượng bởi “tình đất tình người” suốt đời nguyện làm “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.

Huy Cận, nhà thơ “mang mang vạn cổ sầu” nhưng những bài thơ duyên dáng của ông luôn ngập tràn hương sắc tuổi hai mươi: “Áo trắng thư sinh mộng trắng trong”,… “Một hôm cơn gió tình yêu lại / Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”.

Nhớ Kiên Giang là nhớ bài thơ “ Hoa trắng thôi cài trên áo tím” – “Mộc mạc một sắc thơ miệt vườn” luôn nặng tình với mẹ hiền và  “quê hương thơ ấu”

Với một kiến văn uyên bác, thông thạo nhiều ngoại ngữ, Nguyễn Thanh còn giới thiệu các tác giả nước ngoài : W. Wordsworth, “Tiếng thơ miền cỏ hoa sông nước” (Anh), W.Goethe, “Đỉnh cao trí tuệ thi ca Đức”, Victor Hugo “Tượng đài văn học Pháp”, Guillaume Apollinaire “Ông hoàng thơ tình Pháp”.

Tóm lại người phê bình văn học phải nhập vào tác giả để hiểu, để đồng cảm, đồng điệu với tác giả. Phải cảm thụ được cái phần hồn (hương) và phần xác (sắc), chính là nghệ thuật và nội dung của tác phẩm mới viết được những dòng văn hoa, thâm thúy mà chính xác, góp phần tôn vinh tác giả. Những bài phê bình đặc sắc đã làm công việc “gợi hồn thiên cổ dậy” khiến tác phẩm như những kẻ tài hoa dù trải qua “thiên ma bách chiết” vẫn “thác là thể phách, còn là tinh anh” (Kiều).

Tác già Nguyễn Thanh đã giúp chúng ta thấu cảm để thêm tự hào về tài hoa của các nhà văn, nhà thơ khả kính trong vườn hoa nhiều hương sắc của dân tộc.

Hãy đọc tác phẩm để hiểu và quý hơn một nhà phê bình văn học vừa có tài vừa có tâm.

Cần Thơ, 29/8/2023

Lê Hà Uyên

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Vũ Thụy Nhung – Em về cởi áo yêu thương

Vũ Thụy Nhung tên thật là Mai Hoàng Dũng quê ở Quảng Ngãi. Anh vừa xuất bản tập thơ Diệu Thắm Và Tôi do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành được nhiều bạn đọc đón nhận. Đây cũng là tập thơ thứ 2 của anh được xuất bản, ngoài ra anh còn có thơ in chung trên một số tuyển tập khác. Văn chương phương Nam trân trọng giới thiệu chùm thơ anh đến với bạn đọc.

Và biển bây giờ

Ta trở về trước biển chiều nay

Nghe sóng nhắc tên người năm cũ

Nửa đời ta cánh chim di trú

Thì làm sao tình chẳng vụt bay

Lời phân trần đành gửi gió mây

Cát lại níu bàn chân quay ngược

Ghềnh cao đá hằn sâu vết xước

Thốt nhiên ta bỏng rát tim mình

Ta trở về biển cả tâm linh

Vô ngôn réo vang miền ký ức

Hai bàn tay xoè ngang trước ngực

Mắt ngóng tìm khao khát môi xưa…

 

1, 2, 3

Tưởng tượng ngày tôi không tồn tại

Sự an nhiên như mỗi buổi mai

Nắng mưa trưa chiều ngày đêm chỉ một

Chợt lặng tôi bật day dứt nảy chồi

Bừng khát vọng xanh màu xanh với cỏ

Có câu thơ thoi thóp trắng hững hờ…

 

Diệu Thắm

Em về cởi áo yêu thương

Cầm câu Kinh cũ tìm đường giải mê

Cuối chiều gió nổi triền đê

Rớt câu ngộ hạnh cỏ quê xanh màu…

 

Lỡ

Chiều gió trở trái tim anh hốt hoảng

Em ơi mưa sa lạc hạt phương nào

Ngăn kéo đời còn nguyên sơ chiếc áo

Xa xót lần hai đứa dại hoang mang…

8/9/2023

Vũ Thụy Nhung

 

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang ngồi đọc lại những tra...