Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

10 bài hát giáng sinh bất hủ

10 bài hát giáng sinh bất hủ

Có lẽ chẳng ai còn lạ lẫm với câu hát: “All I want for Christmas is… you!”. Giờ, bạn thử tưởng tượng tới bài hát đó và thay thế bằng “All I want for Christmas is… Christmas songs!”. Cùng Timeoutvietnam điểm qua những giai điệu Giáng sinh trên khắp thế giới mà mỗi khi xướng lên lại làm xôn xao lòng người nhé.
1. Pháp : Petit Papa Noel 
Nếu như tôi nói với các bạn rằng, bài hát này cho đến bây giờ vẫn là single bán chạy nhất mọi thời đại ở Pháp thì bạn có tò mò về nó không? Bạn không biết tên nhưng chắc chắn đã từng nghe ca khúc này rồi. Bởi lẽ, kể từ khi ra mắt vào năm 1946 bởi ca sĩ người Pháp Tino Rossi, bài hát đã được cover bởi rất nhiều các nghệ sĩ tên tuổi khác. Chắc hẳn bạn đã nghe thấy những giai điệu du dương này trong bộ phim The Smurfs, hay trong phần trình diễn của Celene Dion và bộ tam nhí nhảnh Alvin & The Chipmunks.
Bài hát là lời của những đứa trẻ dặn dò “Ông già Noel ơi, đừng quên quà cho cháu nhé. Ông nhớ mặc ấm vào, vì ngoài kia rất lạnh. Và cháu biết một phần ông phải chịu lạnh là vì cháu”. Có lẽ chẳng ông già Noel nào có thể quên mang quà cho những đứa trẻ đáng yêu như thế này.
2. Vương Quốc Anh: Deck the Halls 
Đặc điểm của bài hát Giáng sinh dành cho trẻ con này là giai điệu dễ nhớ và ngôn từ khó hiểu. Lời bài hát thậm chí còn khiến cả một số người Anh vò đầu bứt trán. Ví dụ như từ “gay”, ở thời điểm ban đầu của thế kỉ 12, bước vào từ điển với ý nghĩa là “tràn đầy vui đùa và vui thú”. Còn “troll” ở đây lại có nghĩa là “hát thật đầy và tròn vành rõ chữ” chứ không phải là “trêu chọc” như ta vẫn thường dùng đâu nhé!
50% lời bài hát chỉ là Fa la la la. Đôi khi hạnh phúc cũng chỉ đơn giản như thế thôi phải không? Có lẽ do giai điệu cùng ca từ ngộ nghĩnh mà đến nay, Deck the halls vẫn là một trong những bài hát Giáng sinh kinh điển nhất tại cái nôi của ngôn ngữ Tiếng Anh này.
3. Mỹ: White Chrismas
Nếu Petit Papa Noel là single bán chạy nhất mọi thời đại tại Pháp thì White Christmas, do Bing Crosby thể hiện, là single bán chạy nhất trên toàn thế giới với lượng tiêu thụ khoảng 100 triệu bản. Tuy nhiên, nó lại là một trong những bài hát mới nhất trong danh sách. Ca khúc này được Irving Berlin sáng tác vào năm 1942, đã được cover lại bởi rất nhiều ca sĩ nổi tiếng: từ Elvis Presley cho đến Iggy Pop và Lady Gaga, cũng như được dịch sang rất nhiều thứ tiếng. Chúng tôi chọn gửi đến bạn bài hát kinh điển nhất. Nhưng còn bạn, bạn sẽ lựa chọn phiên bản âm nhạc nào cho lễ Giáng sinh trắng của riêng mình?
4. New Zealand: A pukeko in a ponga tree
A Pukeko in a Ponga Tree là phiên bản tiếng Māori của bài hát The Twelve Days of Christmas (Mười hai ngày Giáng sinh). Người hát phải ghi nhớ 12 món đồ vật, trong đó mỗi lời bài hát tiếp theo lại được tạo bởi lời bài hát trước đó cộng thêm 1 sự vật nào đó.
Trong bài hát này, bạn sẽ học được một loạt những từ ngữ đáng yêu mang đầy chất bản địa của New Zealand như chú chim Pukeko, cành cây dương sỉ ponga, củ khoai lang ngoài vàng trong tím Kumera hay chiếc váy Maori truyền thống piupius,... Mỗi món quà được trao tặng trong suốt mười hai ngày của lễ Giáng sinh ấy đều là những món quà dân tộc đến từ người cô gái yêu thương.
5. Úc: Jingle Bells
Cũng giống như cách người New Zealand viết ca khúc Giáng sinh phù hợp với văn hoá của mình, thì hàng xóm của họ - Úc -  cũng sáng tạo như vậy với phiên bản Úc mang tên Aussie Jingle Bells.
Do Giáng sinh diễn ra vào mùa hè nên ông già Noel ở Úc sẽ không xuất hiện trên nền tuyết với chiếc xe trượt một ngựa kéo như mọi khi. Thay vào đó, hình ảnh của ông sẽ gắn liền với chiếc xe bán tải Holden han gỉ lướt qua các bụi rậm, nghêu ngao bài hát Giáng sinh trong chiếc áo may ô và quần soóc. 
Những ai đã từng du học Úc chắc đều biết rằng dép tông, thùng đá làm lạnh, bể bơi và một bữa tiệc thịt nướng ngoài trời cũng là một phần trong phong cách Giáng sinh của người Úc.  Còn nếu bạn muốn tận mắt chứng kiến, thì hãy đến Úc để tận hưởng không khí Giáng sinh đặc biệt này nhé!
6. Đức: O du fröhliche
Ngày nay, rất nhiều bài hát Giáng sinh từ khắp đất nước khác đã đến với nước Đức và được công chúng nước này ưa chuộng. Ở Đức, chúng ta có thể nghe thấy những bài hát mừng Noel vang vọng khắp nẻo đường trong khoảng thời gian bốn tuần trước ngày lễ Giáng sinh, còn được gọi là Kỳ trông đợi (Advent time). Nhưng tại nhà thờ, những bài thánh ca này sẽ chỉ được cất lên khi Giáng sinh thực sự gõ cửa.
“O du fröhliche” dịch ra là “Ôi vui làm sao” được hát với giai điệu vay mượn từ bài O sanctissima của Ý. Bài hát mừng Giáng sinh truyền thống của Đức này được viết trong những năm 1800 và có một câu truyện rất dễ thương đi kèm. Sau khi tác giả của bài hát, Johann Daniel Falk, mất đi 4/7 người con của mình trong dịch sốt thương hàn, ông đã thành lập một trại trẻ mồ côi dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi và tận tâm mang đến những khoảng thời gian O du fröhliche cho chúng.
7. Nigeria: Betelehemu
Bài hát Giáng sinh của Nigeria kể về thành phố quê hương của Chúa Jesus, được hát bằng tiếng Yoruba, một trong những ngôn ngữ địa phương ở Tây Phi. Betelehemu được viết cho câu lạc bộ Glee của trường Morehouse ở Atlanta,  bởi nhạc trưởng của mình – giáo sư Wendell P. Whalum. Ca khúc này lại dựa theo một bài hát mà ông nghe được từ một sinh viên trao đổi gốc Phi của mình – Michael Babtunde Olatunj vào những năm 1950. Kết quả là cho đến ngày nay, người ta vẫn chưa biết đây là một ca khúc nguyên bản của ông, hay là một ca khúc Yoruba truyền thống được Olatunj chia sẻ. Tuy nguồn gốc không rõ ràng, nhưng chúng ta có thể cảm ơn Câu lạc bộ Glee vì đã biểu diễn Betelehemu lần đầu tiên vào những năm 1960 và khiến nó trở thành ca khúc chính trong các ca đoàn từ khắp nơi trên thế giới.
8. Châu Mỹ: Feliz Navidad 
Feliz Navidad do ca sĩ và nhạc sĩ người Pueto - Rico José Feliciano sáng tác, là một ca khúc cổ điển ở Bắc Mỹ và nhiều quốc gia nói Tiếng Tây Ban Nha.  Đây là bài hát Giáng sinh vui nhộn với 20 từ đơn giản bằng hai ngôn ngữ khác nhau, rất phù hợp với những người học ngôn ngữ. Nếu bạn học tiếng Tây Ban Nha và Tiếng Anh thì bài hát này là một sự kết hợp hoàn hảo để bắt đầu.
Bài hát được mở đầu với câu “Feliz Navidad, próspero año y felicidad”, có nghĩa là “Chúc mừng Giáng sinh, chúc một năm mới hạnh phúc và thịnh vượng”. Phần lời tiếng Anh cũng đơn giản không kém – “Tôi muốn chúc bạn một Giáng sinh vui vẻ từ tận đáy lòng”. Có lẽ vì sự giản đơn và giai điệu bắt tai của mình mà bài hát này luôn nằm trong Top 25 bài hát Giáng sinh được nghe nhiều nhất trên toàn thế giới.
9. Thụy Điển: Räven raskar över isen
Räven raskar över isen là bài hát dân ca Thuỵ Điển cổ (có thể được dịch ra là “Con cáo chạy trên băng”). Người Thuỵ Điển thường nghêu ngao hát bài hát này trong khi nhảy nhót xung quanh cây Giáng Sinh. Đã có một số phiên bản hiện đại ngộ nghĩnh của bài hát cổ điển này. Một trong số chúng (được viết bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển) đưa ra lời cảnh tỉnh về vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách thay đổi lời bài hát để con cáo phải bơi qua hồ - vì không còn băng nữa.
10. Bài hát không biên giới: Silent Night
Silent Night về cơ bản giống như bài hát Happy Birthday của tất cả các ca khúc Giáng sinh. Đây là ca khúc phổ biến nhất trên thế giới và đã được dịch ra hơn 100 thứ tiếng. Vào năm 2011, Silent Night thậm chí còn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. 
Hương Vũ
Theo http://timeoutvietnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Tiếng mưa” của Vũ Trần Anh Thư: Nghệ thuật của cái nhìn Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ có con người sống mà như qua đời, là ngôn...