Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Lãng du trong văn học Mỹ - Nga - Colombia

Lãng du trong văn học Mỹ - Nga - Colombia
Lãng Du trong văn học Mỹ
Henry James (1843-1916) là nhà tiểu thuyết và phê bình Mỹ gốc Ireland. Ông là em nhà triết học chủ nghĩa thực dụng William James  (1841-1910). James xuất thân từ một gia đình đại tư sản. Ông sống chủ yếu ở châu Âu và nhập quốc tịch Anh năm 1915. Ông chịu ảnh hưởng của văn học cổ điển, thích đọc Balzac, Mérimée, Flaubert, George Eliot, George Sand. Ông kết bạn với Howells, I. Turgeniew, Flaubert, Maupassant, Daudet. Ông chịu ảnh hưởng của Hawthorne. Những truyện ngắn đầu tiên của ông đặt trong bối cảnh nước Mỹ. Cuốn Roderick Hudson (1876) kể về thành công và thất bại của nhà điêu khắc J. theo quan niệm của Turgeniev, coi nhân vật quan trọng hơn cốt truyện. Ông chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, đề cao lối sống quý tộc Anh.  
Một số tác phẩm giai đoạn đầu của James đề cập tới mối tương quan phức tạp “giữa hai bờ đại dương”- giữa tân lục địa -nước Mỹ và châu Âu -lục địa già nua. Những tác phẩm mang tính thế giới chủ nghĩa của Henry James là Những bài du ký, Người Mỹ, Chân dung một vị phu nhân. Người Mỹ (The Armerican,1877) và Chân dung một vị phu nhân  (Portrait of a Lady, 1881) biểu hiện  rõ ảnh hưởng châu Âu đến cách suy nghĩ của người Mỹ. Giai đoạn thứ hai của James chủ yếu là  vấn đề nữ quyền  và cải cách xã hội trong Người Boston (The Bostonians,1886) và mưu đồ chính trị trong Công chúa Casamassima (The Princess Casamassima, 1886). Giai đoạn thứ ba là thời kỳ James đã điêu luyện trong nghệ thuật viết tiểu thuyết. James trở nên nổi tiếng bởi ba cuốn tiểu thuyết về những đề tài quốc tế Những vị đại sứ (The Ambassadors,1903); Bát vàng (The Golden Bow, 1904);  Đôi cánh chim câu (The Wings of the Dove, 1902). 
James là người mở đường cho tiểu thuyết tâm lý hiện đại trong văn học phương Tây. Ông và Mark Twain là hai nhà văn lớn của văn học hiện thực Mỹ nửa sau thế kỷ 19. 
Jack London (1876-1916) là tiểu thuyết gia của văn học hiện thực Mỹ. Ông tên thật là  John Griffith London, sinh ở San Francisco trong một gia đình nghèo. Rời ghế nhà trường ông sang miền Klondike thuộc Canada. Cuộc đời  ông ba chìm bảy nổi.  Ông làm nhiều nghề khác nhau như bán báo, công nhân, cảnh sát hàng hải, thủy thủ trên chuyến tàu sang Nhật Bản, đi săn hải cẩu ở biển Thái Bình dương, sinh viên, đi tìm vàng ở Alaska, phóng viên ở Mexiko. Jack London chịu ảnh hưởng đồng thời của Darwin, Karl Marx, Herbert Spencer, Nietzsche.
London nổi tiếng ngay từ tác phẩm đầu tay của mình với tập truyện ngắn Đứa con của Sói (The Son of the Wolf, 1904)với bối cảnh là vùng Klondike ở Alaska và Yukon ở Canada. Hai tác phẩm phản ánh “luật chó sói” của trật tự xã hội tư bản  là  tiểu thuyết  kể về chuyến đi tìm vàng “Tiếng gọi nơi hoang dã” (The Call of the Wild, 1903) và tiểu thuyết kể về sự giành giật sự sống trong thiên nhiên, nơi chỉ kẻ mạnh nhất tồn tại “Răng nanh trắng” (White Fang, 1907). Tiểu thuyết tự truyện Martin Eden phản ánh “giấc mơ Mỹ”- đi từ nghèo hèn lên đài danh vọng, đồng thời cho thấy những căng thẳng nội tâm của Martin Eden, khi là người của tầng lớp trên nhưng chối bỏ các giá trị vật chất  của tầng lớp quý tộc.
Cuộc sống sôi động, phiêu bạt khắp nơi, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau  của Jack London chính là tư liệu sống để ông viết những tiểu thuyết hấp dẫn. Có thời gian ông là tác gia có nhuận bút cao nhất. Sức sáng tác của Jack London mãnh liệt như cuộc đời sôi động của ông. Ba yếu tố làm nên con người Jack London là đọc sách ngấu nghiến, cuộc sống phiêu bạt đó đây cùng với ước nguyện mãnh liệt muốn trở thành nhà văn nổi tiếng.
Ông nhanh chóng trở thành nhà văn nổi tiếng đương thời. Cuộc đời sáng tác của ông chỉ có 18 năm (1898-1916), nhưng ông để lại cho đời sau 19 bộ tiểu thuyết, 150 truyện ngắn, 3 vở kịch v.v…
Jack London là nhà văn được công chúng trong và ngoài nước yêu chuộng. Ông có ảnh hưởng lớn đến những nhà văn tiến bộ sau này.
Khát vọng mãnh liệt chính là động lực ghê gớm
Một hôm đi lang thang, vô tình Jack London bước vào một thư viện công cộng. Hình như linh tính dẫn bảo. Cuốn sách đầu tiên mà chàng thanh niên nghèo đói cầm là cuốn “Robinson phiêu lưu ký”. Chàng đọc say mê như bị hút hồn và tỏ ra hết sức xúc động. Từ đó chàng coi nơi đây là “nơi trú ngụ”, chàng ham đọc sách như một kẻ đói khát, chàng đọc từ Darwin tới Karl Marx, Nietzsche. Jack London thấy, xuất hiện đằng sau những trang sách là một thế giới kỳ diệu .
Năm 1898, Jack London quyết định sống bằng viết văn chuyên nghiệp. Lòng khao khát trở thành tiểu thuyết gia nổi tiếng nên Jack London viết  sách ngày đêm. Có lần vợ nói:
- Em chẳng còn gì để mặc.
Jack London đang mải viết, ông nói với vào phòng:
- Em  im  lặng để anh viết nào.
Chỉ trong vòng 5 năm (1898-1903), Jack London cho ra đời 6 bộ tiểu thuyết, 125 truyện ngắn. 
Nhà văn Mỹ William Faukner (1897-1962) sinh ngày 25.9.1897 ở New Albany, bang Mississipi, miền Nam nước Mỹ trong một gia đình sống đã lâu đời ở nơi đây. Faukner hiểu biết sâu sắc các cảnh quan, phong tục và tính cách, nên tác phẩm của ông làm người đọc cảm thấy xốn xang nỗi niềm nhớ mảnh đất quê hương miền Nam của nhà văn. 
Hai tác phẩm nổi tiếng của Faulkner là “Âm thanh và cuồng nộ” (The Sound and the Fury, 1929) và Khi tôi hấp hối (As I Lay Dying, 1930).
Faulkner là nhà văn cách tân táo bạo: các sự kiện đan xen nhau, diễn ra trong những thời điểm khác nhau. định mệnh, sự tha hoá của con người là yếu tố thứ hai tạo nên phong cách của Faukner,  làm cho ông trở thành người tiên báo của tiểu thuyết hiện đại. Ông có ảnh hưởng lớn đến sự chuyển mình của tiểu thuyết ở châu Âu. Ông được giải thưởng Nobel văn học năm 1949.      
Ngày xưa …   ngày nay
Một nữ đôc giả sau khi đọc các tác phẩm của Faulkner đã viết thư hỏi nhà văn, phải chăng con người bây giờ ác độc và tồi tệ hơn ngày xưa nhiều. Faulkner viết thư trả lời:
- Con người ngày nay không tồi tệ hơn con người ngày xưa, nhưng những bản tường trình ngày nay viết về những hành động ác độc của con người thì đáng tin cậy hơn ngày xưa, chi tiết hơn ngày xưa nhiều,  hay hơn ngày xưa rất nhiều.
Khách đỡ lời- chủ chống chế
Trong một buổi tiệc do Faulkner chiêu đãi. Ông đứng đón chào khách tới. Một ông khách tới, Faulkner nhớ mặt khách, nhưng không nhớ tên và nghề nghiệp. Ông nói:
- Xin chào ông chủ tịch hội những người chống uống rượu.
Khách đỡ lời:
- Cũng tương tự như vậy ông Faulkner. Tôi là chủ tịch hội chống mại dâm.
Faulkner chống chế:
- Đúng rồi. Tôi nghĩ mình không thể mời ông  làm một  chuyện gì đó.
LỜI BÌNH: Nước Mỹ rộng bao la, khí hậu đa dạng, khoáng sản nhiều, thể chế dân chủ nên dân di cư thoả sức thỉ tí tài năng. Vì vậy  chỉ mới hơn hai trăm năm, nước Mỹ ngày nay chẳng thua nước nào trên thế giới về kinh tế, văn hoá, kỹ thuật… chỉ  không có bề dày lịch sử, văn hoá. 
Văn học Mỹ có nhiều nhà văn đoạt giải Nobel. Họ mỗi người một vẻ. Trong khi sáng tác của James mang tính thế giới chủ nghĩa thì đề tài chính của Faulkner là  gia đình, cộng đồng đất đai, chủng tộc, tham vọng, tình yêu, truyền thống của con người phương Nam  nước Mỹ. Khác hai nhà văn trên là Jack London. Ông lại kể về giấc mơ  Mỹ (làm việc cật lực để đi từ nghèo hèn đến đài danh vọng).
Văn học Mỹ sôi động, muôn màu muôn vẻ trong sự cách tân, đề cập những vấn đề nóng bỏng của xã hội, nhằm đưa ra những cảnh báo, dự cảm tương lai để kịp thời có những giải pháp, những điều chỉnh phù hợp, tạo đà cho sự phát triển của đất nước. Văn hoá Mỹ (Armerican Culture) còn đang trong giai đoạn định hình chưa rõ nét. Thời gian sẽ trả lời chúng ta.
Lãng du trong văn học Nga
Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Nga Aleksandr Sergeevich Puskin (1799-1837) là người đặt nền móng cho văn học hiện thực Nga thế kỷ 19. Pushkin đi từ lãng mạn “Người tù Kapkazơ” đến chủ nghĩa hiện thực: nhân vật con người thừa trong tiểu thuyết-thơ “Epghêni Ônêghin”; vấn đề cá nhân và nhà nước trong “Kỵ sĩ đồng”; số phận con người nhỏ bé trong “Tập truyện của Benkin”; quyền lực của đồng tiền trong “Con đầm pích”; khởi nghĩa nông dân trong “Con gái viên đại úy”.
Hài hước sâu cay, đầy khí khái
Có lần trong giờ học văn, thầy giáo ra đề “Mặt trời” để các trò làm thơ. Một học trò con nhà quý tộc đọc:
- Mặt trời mọc ở đằng Tây.
Cả lớp cười ồ. Thầy vội lái chuyện  nên nói:
- Ai chẳng biết mặt trời mọc ở đằng Đông. Giờ trò nào làm tiếp.
Puskin giơ tay, rồi đọc:
- Mặt trời đang mọc ở đằng Tây
Thiên hạ sống trên trái đất này
Hốt hoảng nhìn nhau rồi tự hỏi:
“Thức dậy hay là ngủ tiếp đây!?”
Puskin có vị trí đặc biệt  trong đời sống tinh thần ở Nga, thơ ông mang “tâm hồn Nga, thơm phức hương vị Nga”; tiểu thuyết, kịch, bút ký  là tiếng nói, “tiếng dội từ người dân Nga”.
Nikolai Vasillievich Gogol (1809-1852) là  nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của văn học Nga nửa đầu thế kỷ 19, thủ lĩnh trường phái hiện thực phê phán. 1830, Gogol làm quen với giới văn nghệ sĩ. 1831, Gogol kết thân với Pushkin ở Petersburg. Từ 1835 ông chuyển sang  viết văn chuyên nghiệp.
Tác phẩm và dư luận
Sau khi hài kịch  Quan thanh tra  và tiểu thuyết  Những linh hồn chết  tập I xuất bản, dư luận  xã hội mâu thuẫn trái ngược nhau: nhiều người khen, nhưng cũng không ít người chê, họ cho rằng  các  nhân vật trong hai tác phẩm ấy quá lố lăng, họ kết tội nhà văn đã vẽ nên bức tranh châm biếm cuộc sống xã hội Nga quá đáng. Gogol buồn nản, ông đã đốt bản thảo tập II Những linh hồn chết  vào rạng sáng ngày 11.2.1852.
Dưới con mắt xanh của nhà phê bình văn học  Danois  George  Brandes  thì Gogol có công lớn  trong việc xây dựng văn học hiện thực phê phán ở nước Nga, Brandes viết:
- Gogol dấu trong ngực mình tất cả nguyện vọng của cả một dân tộc.
Không sinh vì nghệ, nhưng nổi danh và tử vì nghệ
Gogol dự định tạo nên sự tương phản gay gắt giữa “nhân vật  hư đốn” và  “nhân vật đức hạnh”  ở tập I  và tập II  Những linh hồn chết.  Nhưng dự định trên không thành hiện thực , vì khi hoàn thành tập II, Gogol không gửi đi xuất bản mà âm thầm vất vào lửa  kết quả của mười năm lao khổ sáng tác (1842-1852). Và nước mắt ràn rụa chảy trên má nhà văn mà thời cuộc chưa có dịp hiểu thấu và đánh giá đúng. Đúng chín ngày sau khi đốt bản thảo, ngày 20.2.1852, Gogol ra đi vào cõi vĩnh hằng.
Ở đất nước phương xa, có một nhóm nhà văn Anh – trong đó có Henry James, John  Galworthy, Athur Conan  Doyle đã nhận ra điều đó và viết trong tuyên cáo:
- Vinh quang thay cho con người tiên phong đã dũng cảm mở đường cho những người khác và đã mạnh dạn tiến lên hàng đầu. Gogol là con người tiên phong đó và những nét đặc trưng nhất của nền văn học Nga có thể trước hết được tỏ rõ trong những tác phẩm của ông.
Bá tước  Leo Nikolajewitsch Tolstoi (1828-1910) chịu ảnh hưởng sâu sắc triết học của trào lưu tinh thần Ánh sáng Pháp, đặc biệt là của  J. J. Rousseau. Theo Tolstoi thì tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Sáng tác của Tolstoi gắn bó với tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu người trên trái đất. Nó vẽ lên bức tranh tuyệt vời về đời sống xã hội Nga. Lời thú tội  (viết năm 1879, in năm 1884) bộc lộ nỗi niềm dằn vặt triền miên trước bao cảnh bất công trên con đường đi tìm chân lý với học thuyết không dùng bạo lực của người nghệ sĩ Tolstoi. Lucerne (1857) phản ánh tính ích kỷ và chủ nghĩa vật chất trong xã hội tư bản. Nghệ thuật là gì? (1897) nêu rõ quan điểm của Tolstoi: bác bỏ Nghệ thuật vị nghệ thuật. Phục sinh (1899) là sự rút ra bài học đạo đức.
Sẽ… và  đâu có cần
Khi biết được dự định của mình không thể nào thực hiện được, Tolstoi tự nhủ:
-  Khi nào mình lớn, mình sẽ làm điều đó.
Cái gì ông biết mình không thể có được, ông nói:
- Lớn rồi, đâu có cần đến cái đó.
Yêu thích… và yêu quý…
Tolstoi và gia đình sống ở trang trại thừa hưởng của ông cha để lại. Nhà văn Sologub tới thăm gia đình Tolstoi ở Jasnaja Poljana. Ông nói:
- Ông là người hạnh phúc, ông có tất cả những gì ông yêu thích.
Tolstoi mỉm cười đáp:
- Không, tôi không có tất cả, nhưng tôi yêu quý tất cả những gì tôi có.
Tính cách Nga
Người Nga cởi mở, giản dị, chân thật. Tolstoi cũng vậy. Trang trại của gia đình Tolstoi cách Mạc Tư Khoa 200 km. Thỉnh thoảng ông đi bộ từ nhà lên Mạc Tư Khoa, vai đeo ba lô trông như một khách bộ hành nông dân. Ông cứ thủng thẳng đi từ địa điểm này đến địa điểm kia, tối nghỉ quán trọ. Có lần ông đi bộ tới một nhà ga và mua vé loại ba. Trong lúc chờ tầu, một phụ nữ bảo:
- Ông già kia giúp tôi với. Lấy cho tôi cái túi quên ở toilette.
Nhanh lên nhé, kẻo tầu chạy mất.
Tolstoi nhanh chân tới lấy chiếc túi đưa cho bà kia. Bà dúi vào túi ông già một đồng tiền kim loại và nói:
- Tôi có một chút để cám ơn ông, ông già tốt bụng.
Một khách đi cùng chuyến tầu nói với bà kia:
- Bà có biết bà đưa cho ai năm cô pếc (tiền Nga) không? Ông ấy là Leo Tolstoi đấy.
Bà kia nói:
- Sao tôi lại thế nhỉ? Xin lỗi Leo Nikolajewitsch nhé, cho tôi xin lại năm cô pếc đi.
Tolstoi nói:
- Tại sao, tôi có làm điều gì xấu đâu. Đấy là tiền công mà.
LỜI BÌNH: Nền văn học Nga là một nền văn học có nhiều nhà văn lớn. Ở đây chỉ giới thiệu ba nhà văn với những bút pháp khác nhau. Họ đề cập tới những vấn đề rầt khác nhau của nước Nga. Qua đó để bạn đọc thấy được sự đa dạng, phong phú của văn học Nga, thấy được sự đóng góp của văn học Nga trên văn đàn thế giới.
Thơ Pusklin giầu chất họa nhạc; tiểu thuyết và kịch Puskin căng thẳng kịch tính, dục vọng điên cuồng, xung đột dữ dội. Tinh thần công dân, chủ nghĩa nhân văn, tính nhân dân, tính lịch sử trong sáng tác của Puskin đã trở thành những truyền thống của văn học Nga.
Truyện lịch sử miêu tả cuộc đấu tranh của người  Cossak chống bọn phong kiến Ba Lan Taras Bulba là một trong những truyện hay nhất  của Gogol. 1842, Gogol làm chấn động cả nước Nga với tiểu thuyết  châm biếm xã hội, miêu tả những đức tính tốt cũng như các thói xấu của người Nga, đồng thời miêu tả cuộc sống cơ cực của người dân Nga  Những linh hồn chết tập I.
Tác phẩm của Gogol được dịch ra nhiều thứ tiếng ngay từ khi ông còn sống. Sự nghiệp văn chương của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của văn học Nga.
Sáng tác của Tolstoi gắn bó với tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu người trên trái đất. Nó vẽ lên bức tranh tuyệt vời về đời sống xã hội Nga. Tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình là bản anh hùng ca về tinh thần yêu nước của nhân dân Nga trong hai cuộc chiến tranh 1805 và 1812, tiểu thuyết Anna Karénina nói về mối quan hệ khăng khít  giữa gia đình và xã hội, cùng những mâu thuẫn gay gắt giằng xé nhau ở Nga. Hai tiểu thuyết này đã mang lại cho Tolstoi vinh quang và danh tiếng trên thế giới.Sự thâm nhập một cách nhuần nhuyễn bản chất quá trình phát triển xã hội trong quá trình phát triển tâm lý là đặc điểm nghệ thuật sáng tác của Tolstoi. Sáng tác của ông đánh dấu đỉnh cao của văn học hiện thực phê phán Nga, nó là một bộ phận của tinh hoa văn học thế giới.
Lãng du trong văn học Colombia
Những nhà văn nổi tiếng của Colombia là Simon Bolívar, Camilo Torres, Antonio Narino,  Francisco de Paula Satander, José Eusebio Caro, José Asuncíon Silva, Guillermo Valencia. Ở thế kỷ 20, Colombia có nhà văn Tomás Carrasquilla viết về người dân miền núi Antioquia, José Estuacio Riviera viết về rừng rậm ở Amazon. Nhà văn Colombia nổi tiếng thế giới là Gabriel Garcia Marquez. Tiểu thuyết „Trăm năm cô đơn“ viết bằng tiếng Tây Ban Nha của Marquez là tiểu thuyết được nhiều người đọc nhất kể từ sau Đại chiến thế giới thứ hai.
Gabriel Garcia Marquez  (sinh năm 1928)  có 16 anh em. Ông là con cả của bưu tá làng Arakataka, tỉnh Colombia. Học xong trường dòng năm 1943, Marquez vào học trường Sipakuira ở ngoại ô thủ đô Bogota của Colombia. Tiếp theo ông học luật ở Đại học Colombia.  Tác phẩm đầu tay của Marquez là truyện vừa „Người từ chối thứ ba“ (1947). Năm 1954, Marquez là phóng viên hải ngoại của tạp chí “Người quan sát“ ở Rom, Paris, Barcelona, Caracas, New York. Ông đăng 14 bài về việc tàu chiến Colombia chở hàng lậu. Ông trở thành “ngôi sao“ phóng sự. Tạp chí bị đóng cửa, ông thất nghiệp. Năm 1958, sau mười mấy năm chờ đợi, Marquez kết hôn với Mercedes Barcha Pardo- người mà ông đã yêu khi nàng mới 13 tuổi. Năm 1961, Marquez chuyển đến Mexico. Năm 1967 ông sang Tây Ban Nha, hiện nay ông đang sống ở Mexico City. Những tác phẩm khác của Marquez là truyện vừa „Ngài đại tá chờ thư“ (El colonel no tiene quien le escriba, 1958); tiểu thuyết „Mùa thu của trưởng lão“ (El otono del patriarca, 1975); tiểu thuyết „Ký sự về cái chết được báo trước“ (Cronica  of a death foretold,1982); tiểu thuyết „Tình yêu thời thổ tả“ (El amor en los tiempos de colera, 1985); tiểu thuyết  „Tướng quân giữa mê hồn trận“ (El general en su laberinto, 1989); tiểu thuyết „Tình yêu và lũ quỷ khác“ (Of love and other demons,1994)  tự truyện„ Sống để kể lại“ (Vivir para contarla, 2003.
Hình tượng châu  Mỹ Latinh
Khi bố mẹ chuyển từ làng Arakataka lên thành phố, cậu bé Garcia ở với bà ngoại, cậu được bà ngoại kể cho nghe vô vàn truyện cổ dân gian, truyền thuyết. Cậu còn được ông ngoại (đại tá về hưu) kể về tuổi trẻ chinh chiến của ông. Hình như những cái đó ăn sâu trong tâm khảm con người nhà văn Marquez. Chúng xuất hiện như những ngôi sao dẫn đường cho Marquez tìm về lịch sử dân tộc mình. Chúng thôi thúc nhà văn trong sáng tác tiểu thuyết „Trăm năm cô đơn“. Tiểu thuyết ám chỉ nỗi cô đơn của người da đỏ bản xứ ngay trên quê hương trong thời thực dân Tây Ban Nha. Vào một ngày tháng 1 năm 1965, Marquez nói với vợ:
- Anh đã tìm được giọng điệu rồi!  Anh sẽ kể lại câu chuyện này với gương mặt khô cứng như gỗ của bà ngoại khi kể cho anh nghe những câu chuyện kỳ lạ.
Sau mười tám tháng miệt mài, Marquez hoàn thành tiểu thuyết „Trăm năm cô đơn“ (Gien anos de soledad, in năm 1967). Tác phẩm  kể về các thế hệ của dòng họ Buendia trong ngôi làng hẻo lánh Macondo. Jose Arcadio Buendia cùng vợ là Ursala chạy trốn từ nơi khác tới Macondo. Buendo say mê nghiên cứu áp dụng những thành tựu của nền văn minh hiện đại. Khi Macondo phát triển thì cũng là lúc ngôi làng này bị lôi cuốn vào những biến động kinh tế, chính trị, nội chiến, sự xâm nhập của các công ty độc quyền Bắc Mỹ cùng những tội ác của chủ nghĩa đế quốc đối với thổ dân châu Mỹ. Trong bối cảnh ấy, mỗi người trong dòng họ Buendo rơi vào những cảnh đời khác nhau. Khi về già Jose Arcadio Buendia trở nên điên dại bị trói  vào gốc cây sồi cho đến chết.Bà vợ Ursala khi về già thì bị mù và lẩm cẩm. Bà chết sau trận mưa kéo dài 11 tháng 2 ngày ở tuổi 115. Các thành viên khác trong gia đình cũng chết dần chết mòn: Con trai cả Jose Arcadio chết vì một phát đạn, con trai thứ hai Aureliano tự sát mà không chết. Cô em Amaranta chết khi vẫn còn trinh nguyên. Arcadio là con trai của Jose Arcadio chống lại chính phủ nên bị hành hình. Ba con của Arcadio là Jose Arcadio II, Aureliano II và Remedios –la-belle xinh đẹp. Aureliano II lấy Fernanda sinh ra Armaranta Ursula. Loạn luân xảy ra, khi Ursula yêu cháu trai mình và sinh ra một đứa con có đuôi mà giờ đây „nó chỉ là một bộ da phồng khô cứng mà loài kiến khắp nơi trên trái đất đã kéo tới... khiêng về tổ“. Cái đuôi kia báo hiệu sự tuyệt diệt của dòng họ Buendia. Đúng như lời tiên tri trên những tấm da thuộc viết bằng tiếng Pali của ông già Melquiades: sau 100 năm ngôi làng Macondo cùng những người trong dòng họ Buendia biến mất sau một cơn giông bão.. 
Tiểu thuyết kể về làng Macondo huyền thoại là biểu tượng của châu Mỹ La Tinh, lịch sử ngôi làng cùng dòng họ Buendia là biểu tượng cho lịch sử châu Mỹ Latinh. Trong tiểu thuyết có sự pha trộn giữa các yếu tố hiện thực và hoang đường. Làng Macondo chính là ngôi làng Arakataka -quê hương của Marquez. Nhân vật, sự việc trong tiểu thuyết cũng là người thật việc thật: cụ già bán sách cổ người Cantalunha chính là ông già Melquiades, Gabrien chính là tác giả, Anvaro chính là nhà văn Anvaro Cepeda Samudio.v.v. Ngôi làng tưởng tượng Macondo do Marquez hư cấu, sau 100 năm ngôi làng xưa nay là thành phố Macondo cùng dân và dòng họ Buendia „bị gió cuốn đi và bị xoá sạch khỏi ký ức của con người“. Lối viết này được các nhà lý luận văn học gọi là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magical realism).
Sách xuất bản năm 1967 và bán hết trong vòng một tuần, việc đó đã gây ra “chấn động văn học“. Về cuốn tiểu thuyết, Neruda nói:
- Có thể đây là phát hiện vĩ đại nhất bằng tiếng Tây Ban Nha  kể từ thời Don Kijote (của đại văn hào Tây Ban Nha Cervantes).
Chủ tịch  Fidel Castro của Cuba nhận xét người bạn thân của mình:
- Sự nghiệp văn chương của Marquez là bằng chứng xác thực nhất của tình người và lòng đa cảm. Các tác phẩm của ông mang đậm bản sắc châu Mỹ Latinh, toát lên sự giản dị của tâm hồn, lòng trung kiên và tình yêu vô bờ  của ông đối với mảnh đất này (Colombia).
15 năm sau - năm 1982, Marquez nhận giải thưởng Nobel văn học vì tưởng tượng và hiện thực hòa vào nhau trong tiểu thuyết của Marquez, phản ánh cuộc sống và những xung đột của cả châu lục Mỹ Latinh.
LỜI BÌNH: Tây Ban Nha dùng chiến tranh chinh phục bốn nước Colombia, Ecuador, Venezuela, Panama trong thời gian 1508 tới 1525. Bệnh dịch, công cuộc khai thác và chính cuộc chinh phục này đã đưa lại một thảm họa về nhân chủng làm giảm sút số lượng người bản xứ. Từ đầu những giai đoạn Chinh phục và Thuộc địa, đã có nhiều phong trào phản kháng chống lại ách cai trị Tây Ban Nha, đa số chúng đều bị đàn áp. Sau mấy trăm năm là thuộc địa Tây Ban Nha, thế kỉ 19 đánh dấu một giai đoạn đầy biến động của lịch sử. Bốn nước này luôn ở trong tình  trạng bất ổn: khủng hoảng chính trị và chế độ độc tài quân sự. Nửa đầu thế kỉ 20, các tướng lĩnh quân đội vẫn kiểm soát nền chính trị, thời gian cầm quyền của các vị tổng thống hợp hiến thường rất ngắn ngủi.
Câu chuyện trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” đồng thời cũng là câu chuyện chung của cả Châu Mỹ Latinh. Với tư cách là kẻ chinh phục, Tây Ban Nha đo người da đỏ bản địa “bằng những thước đo dành riêng cho họ Sự diễn dịch cái hiện thực mà chúng tôi sống bằng những mô hình không phải của chúng tôi  chỉ khiến chúng tôi trở nên xa lạ hơn, kém tự do tự tại hơn, và cô đơn hơn bao giờ hết“ (ltrích diễn từ của Marquez trong lễ nhận giải Nobel văn học). Người da đỏ trở nên cô đơn ngay chính trên mảnh đất quê hương mà tổ tiên để lại. Họ cô đơn không phải một ngày, mà là hàng ba trăm năm.Và ngày nay vẫn sống cô đơn trong xã hội Colombia hiện đại.
Người Colombia ngày nay xuất thân từ ba nhóm chủng tộc: người Indian bản xứ, người gốc Phi, người Tây Ban Nha.. Theo thống kê năm 1989, trong 31 triệu 200.000 người của nước Colombia thì 58% là người lai giữa Indian và  Tây Ban Nha (gọi là mestizo), 20% người da trắng, 14%người da trắng lai da đen, 7% người da đen và người da đen lai da trắng,1% người Indian bản xứ. Những bộ tộc Indian bản xứ còn sống sót sau 300 năm thực dân Tây Ban Nha bị xua đuổi tới những vùng xa xôi, khó canh tác, từ chỗ là chủ nhân ông vùng đất ngày nay gọi là Colombia họ trở thành nhóm thiểu số (1% dân số), phải  sống cô đơn thành từng nhóm rải rác, cô lập trong những vùng mà không ai thâm nhập vào được: bộ lạc thổ dân Quimbaya sống ở sườn phía tây của dãy núi Cordillera Central. Các bộ lạc khác như Chibcha (chiếm 1/3  dân số thời kỳ tiền Colombia), bộ lạc Carib, bộ lạc Yagua, bộ lạc Motilón, bộ lạc Chimila, bộ lạc Sanha sống rải rác ở miền đông đất nước  hay ở bán đảo Guajira.
Lương Văn Hồng
Theo http://www.vanchuongviet.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...