Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Nhân đọc bài Kim Vân Kiều truyện của Đổng Văn Thành

Nhân đọc bài Kim Vân Kiều truyện 
của Đổng Văn Thành
Cách đây không lâu, Chiết Giang cổ tịch xuất bản xã đã cho ra mắt bạn đọc một cuốn sách quý và khá đồ sộ, bao gồm 435 bài viết (không kể phần Phụ lục) của 121 nhà nghiên cứu về hầu hết các tác phẩm lớn nhỏ của tiểu thuyết Minh - Thanh, trong đó có bài Kim Vân Kiều truyện của Đổng Văn Thành [1] .
Trước hết, bài viết cho ta thấy sự đánh giá cao, thậm chí rất cao, của nhà nghiên cứu về một tác phẩm mà trong thời gian dài hầu như bị bỏ rơi trong quên lãng và chưa từng được nhắc tới trong bất cứ một cuốn lịch sử văn học nào có tầm cỡ hoặc mang tính chất quan phương ở Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu đã đánh giá tổng quát giá trị của Kim Vân Kiều truyện như sau: “Kim Vân Kiều truyện không chỉ xây dựng một cách thành công những điển hình nghệ thuật mang đặc trưng thời đại mà còn có cống hiến quan trọng về mặt khai thác đề tài phụ nữ, về phương pháp nghệ thuật…; đó là tác phẩm đi sâu nghiên cứu tương đối sớm vấn đề vận mệnh của người phụ nữ có tài sắc trong thời đại phong kiến… Người phụ nữ cuối Minh đầu Thanh, chịu ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng tiến bộ của thời đại, đã bước đầu nảy sinh khuynh hướng thức tỉnh cá tính, ý thức được sự tôn nghiêm của nhân cách bản thân, sự quý báu của tự do tình cảm. Cái đẹp trong tính cách của những người phụ nữ đó lại đều có liên quan mật thiết với cái đẹp trong lý tưởng, khi cá tính bị bóp nghẹt thì không ai có thể dễ dàng kết thúc cuộc đời một cách tốt đẹp. Bởi vậy, trong giới phụ nữ trí thức, rất ít người có kết cục hạnh phúc. Đối với vận mệnh bi đát của đông đảo phụ nữ trí thức, tác giả đã biểu lộ sự đồng tình sâu sắc” (sđd, tr. 511).
Sự đánh giá cao nói trên chủ yếu là dựa vào sự phân tích hai nhân vật chính của tác phẩm: Thúy Kiều và Từ Hải. Tuy có vạch ra vài nét tiêu cực trong tính cách Thúy Kiều, song trọng điểm của bài viết là biểu dương nhiệt liệt mọi phẩm chất đẹp đẽ của nàng, quan điểm tiến bộ của tác giả cũng như bút pháp nghệ thuật mới mẻ của tác phẩm. Nhà nghiên cứu dẫn lời tuyên bố có tính chất cương lĩnh của tác giả khi khắc họa tính cách của Thúy Kiều: “Ngọc bất ma tri kỳ kiên, đàn bất phần bất tri kỳ hương”(Ngọc không mài thì không biết độ rắn của nó, gỗ đàn không đốt thì không biết hương thơm của nó), cho rằng “tác giả cơ hồ đã đem tất cả mọi thứ bất hạnh của người phụ nữ trí thức trong xã hội cũ tập trung vào thân nàng” (sđd, tr. 510). Dù khẳng định Thúy Kiều là một “điển hình phức tạp có nội hàm phong phú”, song nhà nghiên cứu tập trung làm nổi bật tính cách “kiên định hào phóng”, tinh thần, khí chất “trượng phu”, thậm chí “đại trượng phu” ở một nhân vật nữ, “phẩm chất sát phạt, quyết đoán” ở “một nữ anh hùng của cuộc khởi nghĩa” (sđd, tr. 509 - 510). “Chính vẻ đẹp trong tính cách nàng bộc lộ rõ qua sự giày vò của khổ đau, hoạn nạn. Những tố chất đẹp đẽ đó đã đột phá mạnh mẽ tính cách hời hợt của hệ thống nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết tài tử giai nhân” (sđd, tr.510). Thúy Kiều xứng đáng là một “hình tượng nữ xuất sắc và đột xuất khiến cho hàng loạt hình tượng giai nhân có khuôn mặt nghìn người như một trở nên lu mờ, thất sắc” (sđd, tr. 511).

Khi phân tích tính cách Từ Hải, nhà nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn gốc xuất thân “thương thân” của nhân vật. “Trong lịch sử Trung Quốc, lãnh tụ khởi nghĩa xuất thân thương nhân là rất hiếm thấy. Khoảng những năm Gia Tĩnh triều Minh, cuộc khởi nghĩa của nhân dân vùng duyên hải do Từ Hải, Vương Trực… cầm đầu từng bị nhà nước phong kiến vu miệt là giặc lùn, thực tế là cuộc khởi nghĩa của những người bình dân do thương nhân làm thủ lĩnh. Mục tiêu của những người lãnh đạo khởi nghĩa là đả phá chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Minh, mở rộng con đường quốc tế mậu dịch. Do đó, loại khởi nghĩa này không giống với những cuộc khởi nghĩa nông dân trong lịch sử, có đầy đủ đặc điểm mới của thời đại, là con đẻ của yêu cầu nhanh chóng đập phá gông cùm phong kiến của các mầm mống tư bản chủ nghĩa. Mặc dù quân chủ lực của cuộc khởi nghĩa là nông dân phá sản, song việc thương nhân đảm đương vai trò lãnh tụ lại là đặc trưng lớn nhất và không thể xem nhẹ. Trong số các cuốn tiểu thuyết từng biết, miêu tả sự phản kháng vũ trang của thương nhân, hơn thế còn ca ngợi lãnh tụ khởi nghĩa như một anh hùng bi kịch, Kim Vân Kiều truyện quả là một trường hợp có một không hai”. (sđd, tr. 511).
Yêu cầu của bài viết này chưa phải là bàn cặn kẽ về bản thân những lời bình trên đây về tác phẩm Kim Vân Kiều truyện cũng như về hai nhân vật Thúy Kiều và Từ Hải. Dù những nhận định đó có thỏa đáng hay không, chính xác nhiều hay ít thì vẫn cho ta thấy hướng phân tích cũng như cách nhận định của nhà nghiên cứu có khá nhiều điểm khác so với công trình nghiên cứu ở Việt Nam về Truyện Kiều của Nguyễn Du nói chung, cũng như về hai nhân vật Thúy Kiều và Từ Hải trong tác phẩm nói riêng. Do đó, bài viết của Đổng Văn Thành vẫn là một tư liệu tham khảo bổ ích và cần thiết đối với bất cứ ai muốn so sánh chỗ dị đồng giữa hai tác phẩm.
Điểm thứ hai có thể tham khảo ở bài viết là một số ý kiến, tư liệu xoay quanh những vấn đề chung của Kim Vân Kiều truyện.
Nhà nghiên cứu cho biết tên gọi đầy đủ của tác phẩm vốn là Quán Hoa Đường bình luận Kim Vân Kiều truyện. Ngoài tên gọi Song kỳ mộng như tác giả Nguyễn Thạch Giang đã nêu trong một bài viết so sánh Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều, nó còn có một tên gọi khác nữa là Song hòa hoan. Căn cứ vào bản khắc gỗ xuất hiện vào những năm Thuận Trị triều Thanh, có thể đoán bản thảo đầu tiên được in thành sách là vào thời điểm cuối Minh đầu Thanh. Bản này rất chi tiết, còn bản xuất hiện dưới triều Khang Hy ngay sau đó là bản đơn giản bị người đời sau tước bớt. Các bản Kim Vân Kiều truyện lưu hành rộng rãi nhất dưới thời Thanh đều là các bản phục chế dựa trên cơ sở bản đơn giản này hoặc các bản đã bị sửa chữa. Ở Việt Nam, các bản Kim Vân Kiều truyện đã được các ông Nguyễn Đức Vân – Nguyễn Khắc Hanh và Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch ra tiếng Việt đều là bản chi tiết xuất hiện đầu tiên, trong tay chúng ta hiện chưa có văn bản nào khác. Vấn đề phức tạp đặt ra cho các nhà so sánh là: khi sáng tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dựa vào văn bản nào? Có lẽ, chừng nào chúng ta chưa trả lời được dứt điểm vấn đề đó thì ý nghĩa khoa học của những kết luận rút ra từ sự so sánh về mặt cốt truyện và tình tiết giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du và bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà ta có trong tay, vẫn còn mang nhiều hạn chế.
Theo nhà nghiên cứu, cách đặt tên sách Kim Vân Kiều truyện là dựa theo cách đặt tên tác phẩm Kim Bình Mai: ba chữ “Kim”, “Vân”, “Kiều” là đại diện cho ba nhân vật (Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều). Còn Thanh Tâm Tài Nhân – tác giả - là ai? Theo nhà nghiên cứu, ý kiến của Đái Bất Phàm cho Thanh Tâm Tài Nhân cũng là Thiên Hoa Tàng chủ nhân, là một trong những bút danh của nhà văn Từ Chấn, chưa đủ sức thuyết phục. Điều quan trọng hơn là giải mã chữ “Thanh”, “Tâm”. Theo ý Đổng Văn Thành, hai chữ “Thanh” và “Tâm” ghép lại thành chữ “Tình”. Công khai dùng chữ “Tình” [2] làm bút danh ở một thời đại đề cao thuyết “Tồn thiên lý, diệt nhân dục” (Gìn giữ đạo trời, diệt dục vọng con người) quả là một thái độ dũng cảm biểu thị một tư tưởng tiến bộ.
Đổng Văn Thành cho biết không phải đến ngày nay, mà ngay từ khi ra đời, Kim Vân Kiều truyện đã được nhiều người có quan điểm tiến bộ, trước hết là người đầu tiên in cuốn sách, nhiệt liệt tán dương. Trước hồi 20, tức hồi cuối cùng, đã in “lời bình luận tổng quát về tác phẩm của Quán Hoa Đường” như sau: “Có người bảo: “Đất đã nghiêng về phía tây bắc rồi, chắc là cùng một giuộc hoang đường như thuyết coi sống và chết như nhau, tội của tác giả còn lớn hơn Trang Tử”. Ta lại cho rằng trời sung mãn ở phía đông nam, chữ nào cũng là đá ngũ sắc vá trời cả, công của tác giả chẳng hề kém Nữ Oa”.
Điểm cuối cùng rất đáng lưu ý trong bài viết là nhận định của nhà nghiên cứu về mối quan hệ giữa Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Đổng Văn Thành viết: “Kim Vân Kiều truyện là một bộ tiểu thuyết có ảnh hưởng quốc tế. Ảnh hưởng đối với văn học Việt Nam là lớn hơn cả. Kim Vân Kiều truyện được nhà thơ Việt Nam Nguyễn Du dùng hình thức thể thơ lục bát trường thiên cải dịch, được tôn vinh là Hồng lâu mộng của Việt Nam, cũng được tôn vinh là tác phẩm văn học nổi tiếng của phương Đông cổ đại, thực tế chẳng qua chỉ là dùng thể thơ Việt Nam dịch một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc mà thôi” (sđd, tr. 512 – N. K. P nhấn mạnh).
Có thể chưa tán đồng cách dùng thước đo Trung Quốc (tác phẩm Hồng Lâu Mộng) để đánh giá một hiện tượng văn học Việt Nam, song không thể phủ nhận ý định đề cao, thậm chí rất cao Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tuy nhiên, ngay sau đó, rõ ràng là bất ổn khi tác giả quan niệm Truyện Kiều của Nguyễn Du chẳng qua chỉ là một tác phẩm dịch từ một cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc! Thật ra, luận điểm bất ổn này không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên và xuất hiện lần đầu ở các bài viết của Đổng Văn Thành. Trong bài viết “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam” gồm phần I và phần II đăng trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, tập 4 (1986) và tập 5 (1987), trên thực tế, Đổng Văn Thành đã coi Truyện Kiều của Nguyễn Du là bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tai hại hơn nữa, do không biết tiếng Việt, để đánh giá “bản dịch” của Nguyễn Du, để so sánh “bản dịch” ấy với nguyên tác, Đổng tiên sinh lại hoàn toàn căn cứ vào “bản dịch lại” Truyện Kiều của Nguyễn Du ra Trung văn hiện đại của GS Hoàng Dật Cầu, một bản dịch mà với tất cả tâm huyết, công phu, Hoàng giáo sư cũng chỉ mới dám coi là “bản dịch sơ bộ” và tự đánh giá là “còn những chỗ cực vi diệu, khúc chiết của nguyên thi đương nhiên chưa có khả năng thực hiện việc truyền đạt như thật được” [3]. Chủ yếu vì hai lý do trên, Đổng tiên sinh không những không thấy được sáng tạo thiên tài của Nguyễn Du mà còn đi đến những kết luận thiếu khoa học và nhận xét thiên lệch: “Nhìn tổng thể, tôi cảm thấy Truỵên Kiều của Nguyễn Du bất luận về nội dung hay về nghệ thuật đều không vượt được trình độ của Truyện Kiều Trung Quốc là bản gốc mà nó mô phỏng” [4].
PGS Phạm Tú Châu đã chỉ ra một cách khá chi tiết những chỗ bất ổn trong bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra Trung văn hiện đại của GS Hoàng Dật Cầu và với tiêu đề bài báo giàu hình ảnh “Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch”, [5] tác giả cho rằng những chỗ dịch chưa đạt, thậm chí dịch sai của bản dịch nói trên là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những quan niệm sai của Đổng Văn Thành cũng như của một số độc giả khác ở Trung Quốc. Chúng ta đã có khá nhiều bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp, trong đó có một số bản dịch khá thành công. Lẽ nào chúng ta – hoặc tự làm hoặc hợp tác với bạn – lại không thể có được một bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn tốt hơn bản dịch của GS Hoàng Dật Cầu?
Phê phán quan niệm cho Truyện Kiều là dịch từ Kim Vân Kiều truyện không khó, một vài người đã bước đầu làm việc đó [6]. Tuy nhiên, về những điểm dị đồng giữa hai tác phẩm, ý kiến của các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ khác nhau. Một trong những nguyên nhân tạo ra tình trạng này là phần lớn các nhà nghiên cứu chỉ so sánh từng phần khi cần thiết, bài viết tập trung so sánh một cách tương đối toàn diện của Nguyễn Thạch Giang cũng chỉ có một tiêu đề khiêm tốn: “Một số nhận xét…”, bảng so sánh thống kê ở đây khá công phu song về cơ bản cũng chỉ mới mang tính định lượng, chưa làm nổi rõ được sự khác nhau về chất giữa hai tác phẩm. Dĩ nhiên phải từ nhiều hướng tiếp cận để khám phá thiên tài sáng tạo của Nguyễn Du, tuy nhiên, so sánh một cách nghiêm túc, toàn diện, triệt để chỗ dị đồng giữa hai tác phẩm là một đột phá khẩu quan trọng. Đối với những người không đọc trực tiếp nguyên bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì việc có một bản dịch thật đầy đủ, chuẩn xác tác phẩm này – trước hết là bản chi tiết đầu tiên in dưới triều Thuận Trị nhà Thanh – ra tiếng Việt là một điều kiện tiên quyết. Rất tiếc là chúng ta chưa có điều kiện ấy vì cả hai bản dịch hiện nay đều chưa thật tốt. Cụ Nguyễn Đức Vân – Nguyễn Khắc Hanh là nhà Hán học uyên thâm, song lúc sinh thời, vì cụ đã dịch từ một bản chép tay nên bản dịch Kim Vân Kiều truyện của cụ do Nhà xuất bản Hải Phòng in năm 1994 – nghe đâu đang chuẩn bị tái bản – chưa hoàn chỉnh, nhất thiết phải dịch bổ sung.
Đọc bài viết của Đổng Văn Thành, do còn băn khoăn nhiều điểm, chúng tôi thử tìm đọc lại nguyên bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân [7]. Cũng vì bài viết của Đổng tiên sinh tập trung vào hai nhân vật Thúy Kiều và Từ Hải nên chúng tôi đã đọc trước, đọc kỹ hồi 17 là hồi có nhiều chi tiết liên quan đến hai nhân vật này. Riêng hồi 17, đối chiếu nguyên bản tiếng Trung Quốc với bản dịch của cụ Nguyễn Đức Vân, chúng tôi thấy bản chép tay mà cụ Vân dựa vào để dịch đã bị lược đi một nửa, trong đó có những chi tiết rất quan trọng cho phép ta thấy rõ hơn những cải biến, sáng tạo của Nguyễn Du.
Về tính chất thương nhân của Từ Hải, quả chỉ có một câu mà cụ Vân cũng đã dịch: “Tảo niên tập nho bất tựu, khí nhi vi thương…” (Lúc trẻ học tập chẳng đỗ đạt nên bỏ đi buôn…). Chỉ có thế thôi thì ngay nói Từ Hải xuất thân thương nhân cũng chưa ổn chứ nói gì đến “sự phản kháng của tầng lớp thương nhân”, đến sự phát triển của “mầm mống tư bản chủ nghĩa”! Phải chăng “chuyện bé xé ra to” hay nhà nghiên cứu đã đem lịch sử áp đặt vào văn chương?
Trong khi Đổng tiên sinh nhận xét: “Dưới ngòi bút Nguyễn Du, ưu thế áp đảo tuyệt đối quân đội triều đình của Từ Hải (trong nguyên bản – N. K. P thêm) giảm nhẹ rất nhiều” [8], thì Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương, hai cán bộ của Viện Nghiên cứu Văn học của Trung Quốc đã có những nhận xét thỏa đáng hơn rất nhiều về nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều: “Miêu tả nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều, rõ ràng là Nguyễn Du đã không câu thúc trong khuôn khổ những nét có thực của nhân vật lịch sử mà nhà thơ đã sáng tạo ra một nhân vật mới (N.K.P nhấn mạnh)”, “nhà thơ đã hoàn toàn gạt bỏ việc Từ Hải câu kết với bọn cướp biển nước ngoài, việc Từ Hải làm tổn thất đến sinh mệnh, tài sản của nhân dân, qua đó có thể thấy nhà thơ sáng tạo nên một nhân vật như thế, không những để miêu tả chuyện thuyền quyên sánh với anh hùng, mà còn là mượn một số nét đã khẳng định nào đó của nhân vật này để ca tụng những nhân vật được mệnh danh là anh hùng thảo dã trong thời đại phong kiến” [9].
Có lẽ nói thế này thì chuẩn hơn: Nguyễn Du đã không câu thúc trong khuôn khổ những nét tiêu cực của Từ Hải như “làm tổn thất đến sinh mạng tài sản của nhân dân” mà ngay trong Kim Vân Kiều truyện cũng có miêu tả. Rất tiếc những đoạn này đã bị lược trong bản chép tay làm chỗ dựa cho bản dịch đã nêu.
Nét tiêu cực ở Từ Hải, nói chính xác hơn là của đội quân khởi nghĩa do Từ Hải cầm đầu ở nguyên bản, có tác dụng làm nổi bật hơn một số nét trong tính cách của Thúy Kiều. Những nhận định của Đổng tiên sinh về tính cách Thúy Kiều nói ở phần trên rất dễ gây phản cảm đối với độc giả Việt Nam. Quả là nhà nghiên cứu đã có phần quá đà khi ca ngợi cả “phẩm chất sát phạt quyết đoán” ở “một nữ anh hùng của cuộc khởi nghĩa”, tuy nhiên, nhận định về khí chất “đại trượng phu” ở Thúy Kiều thì rất đáng tham khảo bởi vì khẳng định được điều đó, ta lại có thêm cơ sở để xác định tính sáng tạo của Nguyễn Du cũng như cá tính của nhân vật Thúy Kiều Việt Nam. Bản dịch của cụ Vân chỉ giữ được từ “khí khái hiệp nghĩa” khi Thanh Tâm Tài Nhân miêu tả Thúy Kiều, còn tất cả những tình tiết nói lên tính cách “đại trượng phu” của Thúy Kiều đều không có do bản chép tay đã bị giản lược.
Sau khi Thúy Kiều và Từ Hải “hai bên ý hợp tâm đầu”, Từ Hải đã làm một bài bát cú Đường luật biểu lộ “chí anh hùng” của bậc “trượng phu” và hỏi ý kiến Thúy Kiều. Thúy Kiều vừa khen vừa chê: “…Hùng tắc hùng mỹ, khả tích thiểu liễu tá vương khí” (Hùng thì hùng thật đấy, đáng tiếc là thiếu chút hào khí của bậc đế vương – N. K. P nhấn mạnh). “Từ Hải bảo: “Có thể nói khanh đã hiểu lời ta. Tuy nhiên trong lòng cũng chưa dám kỳ vọng trở thành đế vương” (sđd, tr. 163). Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta chỉ thấy Từ Hải chê Thúy Kiều “sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình” chứ làm gì có chuyện Thúy Kiều dám chê Từ Hải là “thiếu hào khí đế vương”.
“Sau ba năm (Từ Hải) bặt vô âm tín. Một hôm bỗng nghe quân giặc ồ ạt kéo đến, cư dân trốn chạy sạch…Thúy Kiều hạ lệnh cho tướng sĩ (của Từ Hải): “Cư dân vùng này đều là láng giềng của ta, không được chiếm đoạt lục soát, không được cướp bóc giết chóc, không được hiếp dâm đốt nhà. Ai không theo lệnh sẽ chém đầu thị chúng”. Ba quân nghiêm chỉnh tuân lệnh, cả một cõi được bình yên, dân không bị sát hại đều là nhờ ân đức của Vương phu nhân” (sđd, tr. 163 - 164).
Nói là “nghiêm chỉnh tuân lệnh” song chắc hành động nhũng nhiễu dân chúng của đội quân Từ Hải vẫn tiếp tục nên cả sau khi Từ Hải, Thúy Kiều “cùng nhau… dan tay về chốn trướng mai tự tình” rồi, Vương phu nhân vẫn phải “nhân đó khuyên Từ Hải ngừng việc thiêu hủy nhà dân, hãm hiếp phụ nữ, giết bừa người già, con trẻ”. “Minh Sơn (tức Từ Hải – N. K. P thêm) nghe theo. Từ đó quan đi đến đâu cũng liền hạ lệnh ngăn cấm việc hãm hiếp giết chóc, ấy là nhờ ân huệ của phu nhân vậy” (sđd, tr. 165).
PGS Phạm Tú Châu cũng là người đã tiến hành so sánh tính cách Thúy Kiều Trung Quốc và Thúy Kiều Việt Nam. Theo tác giả, “tính cách khác nhau” giữa hai nhân vật cùng tên là do “qua ngôn ngữ thơ và những cải biến sáng tạo” mà “nàng Kiều khuê các khờ dại cả tin (của Nguyễn Du)… giành được mối đồng cảm sâu sắc nơi bạn đọc hơn một cô Kiều sắc sảo khôn ngoan trong nguyên tác văn xuôi rất nhiều” [10]. Chắc chị chưa có điều kiện so sánh toàn diện, nếu chú ý cả những đoạn như đã dẫn trên trong nguyên tác thì nhận định về sự khác nhau giữa hai nhân vật Thúy Kiều sẽ được toàn diện hơn.
Nếu về mặt quan điểm chính trị - xã hội, Thúy Kiều có những yếu tố vượt trội hơn Từ Hải (kể cũng lạ!) thì trong quan điểm về số mệnh, Từ Hải lại có những điểm vượt Thúy Kiều. Nhân đây, xin được bàn qua về ý kiến cho rằng Nguyễn Du đã cải tạo tư tưởng “tình” – “khổ” ở Kim Vân Kiều truyện thành tư tưởng “tài” – “mệnh”. Ngay trong nguyên tác, vấn đề đặt ra không phải chỉ có chuyện “hồng nhan bạc mệnh”. Ở Thúy Kiều, cái sắc luôn đi với cái tài, và cái tài cũng là một nhân tố khiến cho nàng càng dễ bị lôi cuốn vào vòng tai vạ. Tuy nhiên, như một nhà nghiên cứu đã nói, “tài mệnh tương đố” đã từng là vấn đề chung thường được đặt ra trong các tiểu thuyết tài tử giai nhân, và ở đây “tài mệnh tương đố” không hoàn toàn là sáo ngữ” [11]. Chính vì vậy, ngay ở Kim Vân Kiều truyện, vấn đề “tài” – “mệnh” không chỉ đặt ra với Thúy Kiều mà cả với Từ Hải. Trong Kim Vân Kiều truyện, đây là lời nói, cũng có thể xem là lời tuyên bố đầu tiên của Từ Hải ngay khi vừa xuất hiện: “Thiên sinh ngố tài, tất hữu ngô dụng. Hữu tài vô dụng, thiên phụ ngã hĩ.
Thiết nhược hoàng thiên phụ ngã, ngã diệc khả dĩ phụ hoàng thiên. Đại trượng phu xử thế, đương lỗi lỗi lạc lạc, kiến bất hủ ư thiên nhưỡng, an năng tùy nhục thực giả lão tử dũ hạ. Túng hữu tài vô mệnh, anh hùng vô dụng vũ chi địa, lưu phương bách thế, diệc đương tự ngã tạo mệnh” (Trời sinh ra cái tài của ta tất có chỗ dùng của ta. Có tài mà không dùng là trời phụ ta đó. Giả như trời phụ ta thì ta cũng có thể phụ trời. Kẻ đại trượng phu ở đời cần đường hoàng lỗi lạc, lập công bất hủ giữa trời đất, sao có thể theo đuôi bọn ăn thịt chết già dưới song cửa. Nếu có tài mà không có mệnh, anh hùng không có đất dụng võ để lưu tiếng thơm trăm đời thì tự ta cũng phải tạo ra mệnh của chính mình – sđd, tr. 161 - 162). Lời lẽ đơn giản mà vấn đề đặt ra thật rõ ràng, thái độ cũng dứt khoát, tưởng không cần bình luận gì thêm.
Tất cả hành động, ngôn ngữ của Thúy Kiều, Từ Hải đều nằm gọn trong hồi 17 của nguyên tác. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã có thể gợi cho ta nhiều điều suy nghĩ lý thú.
Từ những điều đã trình bày, chúng tôi đi tới kết luận ngắn gọn:
Trong lúc chưa có đầy đủ các dị bản Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, chưa xác định được khi sáng tác Truyện Kiều Nguyễn Du đã dựa vào văn bản nào, chúng ta đành bằng lòng sử dụng bản Kim Vân Kiều truyện do Nhà xuất bản Xuân Phong văn nghệ của Trung Quốc xuất bản để so sánh với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tuy nhiên muốn so sánh đạt kết quả tối ưu, cần phải so sánh một cách toàn diện, cụ thể, không nên bỏ qua một chi tiết nào. Đó là cách làm tốt nhất để bác bỏ quan niệm cho Truyện Kiều là bản dịch của Kim Vân Kiều truyện, cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để khám phá thiên tài sáng tạo Nguyễn Du.
[1] Xin xem: Minh Thanh tiểu thuyết giám thường từ điển, Hà Mãn Tử và Lý Thời Nhân chủ biên, Hàng Châu, 1994, tr. 509 – 512.
[2]  Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cho Tiểu Thanh không phải là nhân vật có thật mà chỉ là sự hình tượng hóa khái niệm “tình”, cũng dựa vào lập luận tương tự. Chữ “tiểu” viết gần giống bộ tâm đứng nên ghép chữ “tiểu” và chữ “thanh” lại cũng coi như là chữ “tình”.
[3] Chuyển dẫn từ Đọc Truyện Kiều – bản dịch Trung văn của Phạm Tú Châu, Văn nghệ, số 44, 1990.
[4] Minh Thanh Tiểu thuyết giám thường từ điển, Sđd.
[5] Xin xem Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5, 1997, tr.222 – 230.
[6]  Xin xem các công trình và bài viết:
Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc;
Những thế giới nghệ thuật thơ của Trần Đình Sử;
Một số nhận xét về Kim Vân Kiều truyện với Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Thạch Giang, Triệu Ngọc Lan, Lô Úy Thu;
Tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du trong sự so sánh với Truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân của La Sơn Nguyễn Hữu Sơn…
[7] Kim Vân Kiều truyện, Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, Thẩm Dương, 1985.
[8] Minh Thanh Tiểu thuyết giám thường từ điển, Sđd.
[9] Nguyễn Du - Nhà thơ kiệt xuất Việt Nam và Truyện Kiều của ông, Tạp chí Văn học bình luận, số 6, 1965. (Cao Hữu Lạng dịch).
[10]] Xin xem bài: Từ cô Kiều đời thường trong nguyên tác đến nàng Kiều khuê các của Nguyễn Du, báo Giáo dục và Thời đại, số 3, ngày 15/4/1991.
[11]] Trần Đình Sử, sđd, tr. 329.
Nguồn: Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn văn học so sánh, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr.178 - 189, in trong: 200 năm nghiên cứu - bàn luận truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2005, tr. 1575 - 1582.
Nguyễn Khắc Phi  
Theo http://www.talawas.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Paulo Coelho 11 Phút   Dịch giả: Quý Vũ Hỡi ơi, Mẹ mary Người thụ thai mà không phạm tội, cầu n...