Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Những người thích đùa 2

Những người thích đùa 2
Những người thích đùa
Cuộc đời thật là cay đắng. Cuộc đời thật là chông gai. Cuộc đời thật là... Tôi có hẳn ba quyển vở dày cộp chép toàn những câu triết lý về cuộc đời như thế. Tổng cộng khoảng gần 16 nghìn câu mà tôi cho là hay nhất.
Đời là bể khổ. Đời là bờ dốc đứng. Đời là một ghềnh thác. Đời là một cái sân khấu, vân vân...
Nhưng rồi ở trang cuối, tôi lại ghi mấy chữ: "Vậy thì đời là cái cóc khô gì?"
Ồ, thưa quí vị, đời cay đắng và chua xót lắm! Không tin, xin quí vị cứ nghe câu chuyện tôi kể đây rồi tự xét đoán xem tôi nói có đúng hay không.
Hồi ấy tôi không làm ăn gì cả. Chẳng phải vì tôi giàu có hay vì được thừa hưởng một gia tài kếch sù gì, mà chẳng qua vì tôi không sao tìm nổi việc làm. Đã hai ngày tôi sống chỉ bằng không khí và nước lã.
Một hôm, tôi đến ngồi trên một chiếc ghế đá vườn hoa để suy nghĩ về bản chất cuộc đời. Bên cạnh tôi, có một ông ngồi xem báo. Lúc ông ta nhét tờ báo vào trong túi, tôi hỏi:
- Ông có thể cho tôi ngó qua tờ báo một chút được không ạ?
Ông bạn ngồi cùng ghế đưa cho tôi tờ báo. Tôi vội lướt nhanh các mục rao vặt. Có một mẩu tin khiến tôi thoáng hy vọng: "Cần tuyển người làm, bất kể đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ." Thế là không để lỡ một phút, tôi trả lại tờ báo cho chủ nhân, rồi ba chân bốn cẳng phóng ngay đến cái địa chỉ ghi trong mẫu rao vặt. Đó là một ngôi nhà năm tầng, nằm ngay giữa khu vực đông đúc nhất của thành phố. Sợ đến chậm, nên chẳng cần chờ thang máy, tôi cứ thế bước mấy bậc một lên thẳng tầng thứ năm. Cánh cửa treo biển số 18 đây rồi! Tôi thấy người ta bước vào đó, lần lượt từng người một. Người nào lúc vào trông mặt cũng đầy hy vọng. Nhưng khi bước ra thì trông ai cũng hầm hầm tức giận.
Để cho hơi thở đã trả lại bình thường, tôi mới tiến lại phía cửa:
- Tôi xem báo thấy nói ở đây...
Không đợi tôi nói hết câu, người gác cửa khoát tay ra hiệu cho tôi vào. Tôi bước vào một căn buồng có kê rất nhiều ghế băng và ghế bành. Đã có sáu người đàn bà và tám người đàn ông ngồi chờ ở đó. Còn năm người khác, trong đó có tôi, thì đứng.
- Công việc gì đấy hả ông? - Tôi hỏi người đứng cạnh. Người này cũng có số phận hẩm hiu như tôi. Ông ta đáp:
- Tôi cũng không biết. Chỉ thấy người ta gọi từng người một vào. Nhưng vào được độ 10', hay cùng lắm là nửa tiếng, thì thấy ai cũng chạy bổ ra như ma đuổi, chửi ầm cả lên.
Đúng lúc đó cửa sịch mở và một người đàn ông mặt đỏ gay lao ra phòng chúng tôi, chửi rủa om sòm:
- Đồ đểu, đồ khốn nạn!
- Đến lượt ai? - người gác cửa kêu to.
- Tôi ạ! - Một phụ nữ còn trẻ, phấn son loè loẹt nói, đoạn bước vào buồng trong. Tôi hỏi một người đang ngồi đợi:
- Họ làm gì trong ấy thế hả ông?
- Chắc họ thử trình độ!
Thế là tôi hối hả ôn lại trong trí nhớ tất cả những gì người ta dạy tôi ở trường học. Cứ dựa vào các dấu hiệu bên ngoài mà xét, thì đây là một cơ quan thương mại, như vậy ắt họ phải kiểm tra trình độ toán học. Tôi vội vàng nhẩm lại bảng cửu chương, rồi ôn lại cách tính phần trăm, tính hạ giá...
Bỗng cửa mở tung và người phụ nữ mang đồ trang sức rẻ tiền ban nãy bước ra, mặt đỏ như gấc:
- Quân khốn nạn, đồ vô lương tâm!
Chị ta kêu ầm lên và từ phía trong vọng ra một giọng cười đàn ông khả ố.
- Chả lẽ họ làm nhục chị ấy? - Tôi chợt rùng mình.
- Không phải đâu! - người bên cạnh tôi đáp - Tôi chắc người ta ra một câu hỏi gì hóc búa quá và chị ta không trả lời được đấy thôi!
- Đến lượt ai nào? - người gác cửa lại kêu to. Lần này người vào là một anh thanh niên, chính cái anh chàng vừa nãy nói rằng chị phụ nữ không trả lời được câu hỏi. Trong lúc tôi đang loay hoay ôn lại cách tính phần trăm rắc rối, thì thấy anh ta đã lao vọt ra như một mũi tên, miệng gào lên:
- Mẹ kiếp! Thế mà cũng gọi là công việc!
- Anh chàng này hoá ra lại kém cả đàn bà! - người ngồi cạnh tôi nói với giọng chế giễu.
Lúc này sau lưng tôi đã có cả một dãy người. Người gác cửa vẫn tiếp tục gọi từng người một vào.
Tôi túm lấy áo ông ta, rụt rè hỏi:
- Họ làm gì trong ấy thế hả bác?
- Sát hạch! - ông ta cười khẩy đáp.
Cứ mỗi lần thấy có người từ bên trong lao ra và lớn tiếng chửi rủa, là tôi lại thấy mừng thầm. Vì như thế tôi càng có nhiều hy vọng có công ăn việc làm. Nhưng mừng mà vẫn lo. Vì không biết công việc gì mà họ kiểm tra một cách kỳ lạ như vậy? Giá như chưa đến nỗi đói lắm, thì tôi đã nhổ toẹt vào công việc và bỏ đi quách cho rồi! Hàng người cứ tiến lên rất nhanh. Trước mặt tôi là một ông già xanh rớt như tàu lá. ở trong phòng bước ra, ông ta mệt lả người, đến nỗi không còn sức mà chửi rủa nữa.
- Họ làm gì trong ấy thế hả bố? - tôi tò mò hỏi. Ông ta khoát tay bảo:
- Không phải hỏi. Cứ vào trong ấy khắc biết.
Người gác cửa hỏi to đến lượt ai? Tôi im lặng. Người xếp hàng sau tôi bảo:
- Đến lượt anh đấy!
- Ông vào trước đi. Tôi không vội lắm - tôi nói vậy, nhưng bị ông ta phản đối:
- Không được! Phải có thứ tự chứ! Tôi chưa đến lượt tôi không vào!
Đồ con lợn! Giá đây là xếp hàng đi xe điện hay xe buýt, thì có lẽ hắn đã chả tử tế như vậy, mà huých bật tôi ra khỏi hàng từ lâu rồi!
- Mời ông cứ vào trước đi!
- Không, không! Anh phải vào trước chứ!
Người gác cổng huých vào lưng tôi đẩy vào. Tôi nghe thấy cửa đóng sập lại sau lưng.
- Ôi, lạy chúa! - tôi thầm khấn - Xin ngài che chở cho con. Nếu đúng là sát hạch hay kiểm tra gì thì xin ngài hãy giúp con vượt qua tất cả, để con có thể kiếm được việc làm.
Không hiểu vì đói hay vì sợ, tôi bỗng thấy mặt mày sa sầm.
Căn buồng mà tôi bước vào bày biện như một văn phòng. Những người ngồi ở đó đang cười ha hả. Trông người nào cũng to béo, bụng chảy sệ, cằm thì hai ngấn. Thế thì làm gì mà không hay cười?
Tôi tiến lại gần một ông ngồi sau chiếc bàn lớn có mặt kính. Ông này chắc hẳn là chủ tịch hội đồng giám khảo.
- Anh có thích đùa không? - ông ta hỏi.
Tôi đưa mắt quan sát tất cả mọi người có mặt trong phòng. Có chừng 10 người tất cả. Nhưng không người nào ăn mặc tồi tàn và trông ốm đói như tôi. Vậy ắt hẳn họ phải là những người thích đùa. Vì thế tôi vội nở ngay một nụ cười đáp:
- Tất nhiên là thích chứ ạ! Chả nhẽ trên đời này lại có người không thích đùa hay sao!
- Tốt lắm. Thế nghĩa là anh rất thích đùa? - ông ta kéo dài giọng - Vậy thì anh hãy ngồi xuống chiếc ghế salông này!
Chân tôi lúc bấy giờ đã mỏi lắm, chỉ muốn khuỵu ngay xuống, nhưng vì sợ thất lễ nên tôi không dám ngồi.
- Dạ, thưa ngài, tôi đứng cũng được ạ.
- Không, không được! Anh vừa nói là thích đùa cơ mà! Thế thì cứ ngồi xuống!
Từ chối nữa e không tiện, tôi đành cám ơn và rón rén ngồi xuống ghế.
- Không, ngồi vào đây, vào chiếc salông này cơ!
Tôi lại đứng dậy và ngồi sang chiếc salông.
- Thế, phải rồi! Tất cả những người mà anh thấy đang ngồi đây đều là những người rất thích đùa - viên chủ tịch giám khảo nói.
- Thưa ngài, thế thì hay quá! Gì chứ đùa thì tôi mê lắm ạ!
Thế là họ bắt đầu hỏi tôi đủ mọi chuyện. Tôi đáp lại họ bằng những câu ngắn gọn và lễ phép. Bỗng tôi cảm thấy cái ghế ngồi bắt đầu nóng lên, rồi mỗi lúc một nóng hơn. Tôi thấy mình như một cái hạt dẻ bị rang trên chảo nóng. Lạy thánh Ala!... Hay là tôi lên cơn sốt chăng? Nhưng nếu sốt, thì cái nóng phải tập trung ở đầu, chứ không thể ở chỗ nào khác. Tôi bắt đầu nhăn nhó, oằn oại trên ghế. Thấy vậy mọi người phá lên cười. Thì họ là những người thích đùa mà lại, và điệu bộ tôi lúc ấy chắc phải tức cười lắm. Tôi cảm thấy như ngọn lửa đã cháy vào tận ruột gan nhưng nhìn thấy họ cười, tôi cũng bất đắc dĩ phải nở một nụ cười gượng gạo.
- Anh làm sao thế? Trong người khó chịu à? - họ hỏi tôi.
Nếu tôi trả lời là bị ốm, thì tất nhiên đời nào họ còn lấy tôi vào làm nữa. Vì thế tôi phải nói:
- Đâu có ạ! Tôi khỏe như trâu ấy chứ ạ!
- Thế tại sao anh cứ oằn oại thế?
Rồi họ lại nhìn tôi cười rũ ra.
- Xin lỗi, tôi bị bệnh rò hậu môn - tôi tìm cách nói dối như vậy - xin các ngài cho phép tôi được đứng!
Nói đoạn tôi đứng dậy, lau mồ hôi trán. Tôi đã toan hét to vào mặt họ: "Làm gì mà các ông cười rống lên như vậy?" nhưng chợt nhớ ra họ là những người thích đùa, nói thế chỉ tổ bị đuổi thẳng ra ngoài, nên tôi lại thôi.
Vị ngồi sau bàn rung chuông gọi người gác cửa và bảo:
- Mang nước chè vào cho ông này!
Tôi nghe nói mà mát cả ruột. Như vậy là họ đã thích tôi. Nhưng cơn đói làm bụng tôi cồn cào. Chà, cái lũ giun chết tiệt ấy nó hành hạ tôi! Người gác cửa mang vào cho tôi một tách nước trà. Nhưng tôi chưa kịp thả hai miếng đường vào, thì nước trong cốc bỗng nhiên sủi bọt và trào ra ướt hết cả tay. Mọi người lại được một trận cười no bụng. Mà kể ra nhìn cái bộ dạng ngây độn của tôi lúc ấy thì ai mà nhịn cười cho được!
Một vị trong ban giám khảo cố nhịn cười bảo tôi:
- Anh hãy mở cánh cửa kia ra. ở trên cái bàn phía sau cửa ấy có một cái gậy. Anh hãy cầm cái gậy ấy lại đây!
Tôi làm theo lệnh của ông ta, nhưng không thấy cái gậy nào cả.
-  Thưa ngài, trên bàn không có gì cả ạ! - tôi bối rối nói.
- À, đây rồi - người ta lại gọi tôi lại. Rồi viên giám khảo tiếp tục thẩm vấn tôi. Nhưng thật là tai hại, tôi bỗng lên cơn hắt xì hơi và không tài nào trả lời được. Đúng là hoạ vô đơn chí!
- Anh tên là gì?
- Tôi... hắt... hắt... hắt xì hơi! Tôi... tôi... tôi... hắt... hắt... xì. Tôi tên là... Ac... mét, xì hơi!
"Mình bị làm sao thế này?" Tôi lo lắng ưự hỏi. Lần đầu tiên trong suốt 40 năm, hy vọng có được việc làm vừa chợt lóe lên, thì ác hại thay, cái ghế ngồi bỗng nóng rực lên, rồi nước chè tràn ra khỏi cốc, rồi lại hắt xì hơi!
- Bốn... bốn... bốn... hắt xì... hơi. Bốn mươi... hắt... xì hơi... mốt...
Mọi người lại cười rộ lên. Cuối cùng, một vịt rong ban giám khảo nói:
- Đằng kia có cái vòi nước kia kìa! Anh ra rửa mặt đi!
Tôi ra rửa mặt và cảm thấy dễ chịu hơn, không hắt xì hơi nữa, nhưng không hiểu sao nước mắt bỗng chảy ràn rụa như suối. Hay là tại đói chăng? Tôi bắt đầu khóc nức nở như một thằng hề vậy. Thôi, thế là đi tong! Chưa hết hắt xì hơi đã lại bắt đầu chảy nước mắt thế này, thì còn ai người ta nhận vào làm nữa!
- Tại sao anh lại khóc?
- Ai? Tôi ấy ạ? Dạ, tôi cũng không biết tại sao nữa! Chắc tại tôi nhớ đến bà mẹ tôi đã mất...
Thế là mọi người lại lăn ra mà cười. Còn tôi thì cứ thút tha thút thít như đứa trẻ. một vị giám khảo khác lấy trong tủ ra một lọ nước hoa đưa cho tôi và bảo:
- Anh hít một tý nước hoa này cho nó dễ chịu!
Tôi nhỏ mấy giọt nước hoa vào lòng bàn tay rồi đưa lên mũi hít. Thứ nước hoa đúng là đặc biệt thật. Vừa hít vào đã thấy dễ chịu ngay. Nhưng... ơ kìa! Tôi lại bị làm sao nữa thế này? ấc... ấc. Chết cha rồi! Tôi lên cơn nấc! Thôi, lần này thì mới thật là hết nhé! Này... người ta sắp tống cổ tôi đi này!
- Trước đây anh làm nghề gì?
- Dạ... ấc... ấc! Trước đây... ấc! Tôi làm... ấc! Nghề đánh... ấc! Giầy... ấc!...
- Thôi, lạy chúa, xin anh đừng nói nữa! Anh hãy mở cái tủ này ra!
Tôi vừa mở cánh cửa tủ thì bỗng... ầm một cái như tiếng đại bác. Hết hồn, tôi ngã bệt ngay xuống đất. Thôi đến nước này thì còn hy vọng gì công việc nữa, tôi nghĩ thầm, không khéo mình còn phạm tội giết người nữa là đằng khác! Vì có khi họ bị vỡ bụng ra vì cười.
Bỗng tôi thấy một ông to béo thổi tung bụi ở bàn. Rồi một lát sau tôi cảm thấy ngứa không chịu được.
- Tại sao anh cứ phải gãi thế?
- Dạ, tôi cũng không hiểu tại sao nữa ạ! Tôi mới tắm hôm qua...
Hay là tôi bị bọ mẹt đốt chăng? Nhưng nếu bọ đốt thì chỉ ngứa một chỗ thôi chứ! Đằng này khắp người tôi chỗ nào cũng ngứa ran.
- Trình độ văn hoá của anh thế nào? - Một ông nhiều tuổi nhất trong ban giám khảo hỏi.
- Dạ, thưa, tôi đã tốt nghiệp khoa Văn ĐH Tổng hợp ạ!
Ông ta dí sát tai vào mặt tôi bảo:
- Anh nói to lên, tôi bị nặng tai.
Quả thật tôi thấy một lỗ tai của ông ta có đeo một cái ống nghe. Tôi hét to, trong khi vẫn ra sức gãi:
- Khoa Văn!
- Cái gì?
Tôi lại hét rõ to một lần nữa vào lỗ tai ông ta: "Khoa văn!" Thế là từ cái ống nghe ở lỗ tai ông ta có một tia nước bỗng bắn vọt vào mặt tôi. Quá bất ngờ, tôi lại ngã phịch xuống sàn. Không biết đây là cái chỗ gì vậy nhỉ? Văn phòng quái gì mà lại thế! Hay là tôi rơi vào một cái hang quỷ sứ?
Xung quanh tôi, các vị giám khảo cứ ôm bụng lăn ra mà cười. Họ cười giật từng cơn như bị động kinh. Nhưng rồi cuối cùng, cơn cười cũng chấm dứt. Mọi người nghiêm trang đứng cả dậy.
- Khá lắm! - Một ông trong ban giám khảo khen tôi - Anh đã chịu được tất cả các cuộc thí nghiệm. Chúng tôi đã thử đến 40 người, nhưng không ai chịu được đến phút cuối cùng. Thậm chí có người mới vừa sau thí nghiệm thứ một đã bỏ chạy.
- Thưa ngài, tôi chưa hiểu. Ngài bảo tôi chịu được những cuộc thí nghiệm gì cơ ạ?
- À, chả là thế này: ở Mỹ có một hãng chuyên sản xuất các thứ hàng đặc biệt. Họ gọi đó là những món hàng "biết đùa", vì chúng có thể làm cho người ta cười. Hãng này có gửi cho chúng tôi một số mặt hàng mẫu và để nghị chúng tôi cùng kinh doanh.
- Vâng, thế thì sao ạ?
- À, nhưng vì một số thứ hàng có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm, nên chúng tôi quyết định phải thử trước...
Rồi họ quay sang bàn bạc với nhau:
- Nghe đâu ở bên Mỹ có đến hơn một vạn cửa hàng bán các thứ hàng này...
- Phải đấy! Riêng tiền xuất khẩu các thứ hàng này nghe nói cũng đã tới trên 20 triệu đôla cơ đấy!
- Họ có giới thiệu cho ta hơn 50 mặt hàng.
- Ta phải ký hợp đồng với họ ngay đi. Cái món này hời đấy! Vì dân ta cũng ham đùa lắm. Gì chứ món hàng này của người Mỹ dứt khoát là họ phải đổ xô vào mua.
Vị nhiều tuổi nhất trong đám nói với viên thư ký:
- Ông viết đi: 2000 đệm ghế phát nhiệt, hai vạn hộp bột ngứa, 500 hòm nước hoa nấc, 5000 tá máy điếc bắn nước, hai vạn chai nước làm chảy nước mắt, 5 tấn đường gây cười, ba vạn hộp phát tiếng nổ. Ông nhớ bảo họ gửi ngay cho ta tất cả các thứ đó nhé!
Tôi hiểu rằng như thế là tôi đã được nhận vào làm, nhưng không hiểu là sẽ phải làm gì? Mọi người vẫn say sưa thảo luận nên chẳng ai còn nhớ đến tôi. Thấy vậy, tôi mới lên tiếng hỏi vị chủ tịch giám khảo:
- Thưa ngài, tôi có được nhận vào làm không ạ?
- Được - ông ta đáp - anh tỏ ra là người có sức chịu đựng khá nhất trong số những người mà chúng tôi đã thử.
Đoạn ông ta quay sang bảo viên thư ký:
- Ông nói với ông thủ quỹ trả cho ông này hai lia rưỡi!
Rồi lại quay sang phía tôi nói tiếp:
- Công ty của chúng tôi mỗi tháng sẽ nhận được các hãng sản xuất hàng gây cười ở bên Mỹ tất cả những mặt hàng mới. Vậy cứ ngày mồng năm mỗi tháng anh hãy đến đây để chúng tôi thử các mặt hàng mới nhận được. Anh sẽ được lĩnh hai lia rưỡi một tháng. Anh nhớ là cứ vào ngày mồng 5 đầu tháng nhé!
- Ha ha ha!... Ha ha ha!... Đột nhiên tôi ôm bụng cười vang. Vị chủ tịch ban giám khảo cũng mỉm cười nhìn tôi:
- Ồ, té ra anh cũng là người biết đùa đấy nhỉ!
Tuy đã lả người đi vì đói, nhưng tôi vẫn cố thu nốt chút sức tàn, thoi một quả vào giữa mũi lão chủ tịch. Lão ta bị một cú đấm trời giáng, ngã quay xuống đất.
- Xin các vị cứ coi như là tôi đùa - tôi bảo họ thế.
- Đùa kiểu du côn thế à?
- Các vị thứ lỗi cho, nhưng có hai lia rưỡi một tháng thì bọn dân đen chúng tôi đâu có thể mua nổi những thứ hàng biết đùa của các ngài được! Nên chúng tôi phải đùa theo kiểu của chúng tôi vậy!
Nói đoạn, tôi đóng sập cửa, bỏ về.
Secmenđi sinh ngày nào?
Người ấy là một nhà đại bác học.
- Thế ông ta có phát minh gì không?
- Rõ thật cái anh này! Dĩ nhiên là phải có chứ! Đúng là thời buổi bây giờ, không nói gì đến hạng dân thường, mà ngay cả những người có học cũng chẳng anh nào quan tâm gì đến khoa học cả! Nhà bác học này có cống hiến rất lớn cho nền lịch sử văn học nước ta đấy, vì ông ta đã tìm ra một ngày quan trọng.
- Ngày gì thế vậy?
- Chắc anh có nghe nói đến một nhà thơ ở thế kỷ 15 tên là Secmenđi chứ?
- Không, tôi chưa nghe nói bao giờ.
- Sécmenđi để lại cho hậu thế một tập thơ lớn. Tên tuổi của ông được nhắc đến trong nhiều tập thi tuyển.
- Vậy thì sao?
- Chả là thế này: tất cả các tài liệu về văn học sử đâu như đều nói Sécmenđi sinh ngày mồng bốn tháng năm. Nhưng vị giáo sư nọ đã bác bỏ hoàn toàn ý kiến đó.
- Bác bỏ bằng cách nào?
- Bằng cách viết hẳn một cuốn sách dày 600 trang.
- Và trong 600 trang ấy ông ta đã chứng minh được quan điểm của mình?
- Ồ, đâu có! Giải quyết một vấn đề phức tạp như vậy anh tưởng dễ lắm đấy! Đó mới chỉ là tập mở đầu thôi. Trong tập này giáo sư mới chỉ khẳng định rằng Secmenđi không phải sinh ngày mồng bốn tháng năm.
- Rồi sau đó?
- Sau đó, sang tập hai, tập ba, mà có khi cả tập bốn nữa cũng nên, giáo sư mới dùng mọi lý lẽ để chứng minh rằng, cái ngày mồng bốn tháng năm ấy là sai. Tiếp đến, sang tập năm và tập sáu, ông mới cho biết ngày sinh chính xác của Secmenđi.
- Thế sẽ có bao nhiêu tập tất cả?
- Hiện giờ cũng chưa biết sẽ có bao nhiêu tập tất cả. Chỉ biết giáo sư mới viết xong tập thứ nhất, mà như thế cũng đã mất 15 năm rồi!
- Anh bảo gì? 15 năm?
- Chứ sao! Anh thật chẳng hiểu gì về khoa học cả.
- Thế đến bao giờ giáo sư mới viết xong các tập kia?
- Nếu thánh Ala cho giáo sư sống thêm 15, 20 năm nữa, thì ông sẽ hoàn thành tập hai. Năm nay giáo sư đã hơn 60 tuổi rồi.
- Nói dại mồm, thế nhỡ chẳng may giáo sư... tịch đi.
- Thì các nhà bác học khác sẽ tiếp tục công trình của giáo sư, ngay từ chỗ mà ông dừng lại.
- Anh cho phép tôi hỏi một câu: Quả thật anh bắt đầu làm cho tôi thấy tò mò. Lúc nãy, hình như anh có nói Secmenđi không phải sinh ngày mồng bốn tháng năm. Thế thì ông ta sinh ngày nào?
- Đó chính là vấn đề mấu chốt cần phải xác minh để làm sáng tỏ lịch sử văn học nước nhà. Secmenđi sinh không phải ngày mồng bốn tháng năm, mà là đêm mồng ba rạng ngày mồng bốn. Nhưng sự kiện này xảy ra trước 12h đêm, nên ngày sinh của ông tất phải coi là ngày mồng 3, chứ không phải mồng bốn. Tất cả các nhà nghiên cứu văn học sử đã bị nhầm chính là ở chỗ này.
- Và toàn bộ công trình phát minh của giáo sư cũng chỉ là ở chỗ đó?
- Thế theo anh, tìm ra được ngày sinh của một nhà thơ cổ hãy còn là ít hay sao?
- Không phải, nhưng tôi không hiểu tại sao giáo sư không thể nói vắn tắt điều đó trong vài dòng, mà phải tốn công viết hàng mấy trăm trang giấy?
- Anh nói chán quá! Nếu viết vài dòng, thì một bác học như giáo sư, còn gì là bác học nữa? Còn có gì là khác người thường nữa? Những nhà bác học, sở dĩ là bác học, bởi vì họ biết cách trình bày thế nào để những điều hết sức dễ hiểu cũng trở thành những cái rất khó hiểu, như kiểu đánh đố vậy. Chỉ có vài dòng thôi, nhưng họ biết cách kéo ra thành vài trăm trang. Cái khác nhau giữa những nhà bác học và những người không phải bác học chính là ở chỗ đó.
- Nếu vậy thì làm sao anh biết được nhà thơ Secmenđi không phải sinh ngày mồng bốn, mà vào ngày mồng ba tháng năm? Anh đọc cuốn sách ấy rồi ư?
- Anh hỏi kỳ quá! Ai mà hiểu nổi những cái viết trong sách của các nhà bác học được! Khoa học nó thâm thúy lắm, chứ đâu phải...
- Tôi biết. Nhưng chính vì thế tôi mới muốn hỏi, tại sao anh lại biết được ngày sinh của Secmenđi?
- Thực ra tôi biết không phải là vì tôi đọc sách của giáo sư, mà vì chính giáo sư nói với tôi... Với lại, nói chung những tác phẩm như vậy người ta viết ra không phải để cho mọi người đọc...
-Thế thì người ta in làm gì?
- Anh thật chả hiểu cóc khô gì về khoa học cả! Này nhé, tôi giả dụ có một tác phẩm nào đó được in ra, được người ta tranh nhau mua, tranh nhau đọc, ai đọc cũng đều hiểu cả, thì thử hỏi như thế nó còn quái gì là giá trị nữa? ấy thế cho nên các nhà khoa học mới mong cho tác phẩm của họ in ra thà cứ nằm mốc trên giá sách cho bụi bặm còn hơn là được mọi người tranh nhau đọc. Anh nên nhớ rằng chỉ có cuốn sách nào ít người đọc, hay thậm chí không có ai đọc cả, hoặc chỉ có cuốn sách nào viết rất khó hiểu, hay thậm chí không ai hiểu nổi, mới làm tăng uy tín của tác giả mà thôi.
- Thú thật anh làm tôi rất ngạc nhiên.
- Có gì mà ngạc nhiên! Anh tưởng viết để không ai hiểu được dễ lắm đấy phỏng? Anh có thấy từ nãy đến giờ tôi với anh nói chuyện với nhau đã hơn một tiếng đồng hồ rồi, mà chúng mình vẫn cứ hiểu nhau một cách rất dễ dàng không? Bây giờ tôi với anh hãy thử nói chuyện với nhau thế nào để không ai hiểu ai cả độ
dăm phút thôi, xem có dễ không nào?
- Úi, thế thì khó lắm!
- Không phải là khó, mà nói thẳng ra là không thể được. Hơn nữa, đây lại không phải là chuyện ngồi tán phét với nhau dăm ba phút, mà là viết hàng trăm trang sách, mà lại viết thế nào để vẫn có đầu có đuôi hẳn hoi, chứ không phải viết nhăng viết cuội. Nếu không thì lại giống như cái anh loạn trí, thích nói lảm nhảm hàng mấy giờ, có khi mấy ngày liền, những chuyện chẳng ra đâu vào đâu cả. Nhưng những người này thì chẳng bao giờ trở thành bác học được! Vậy thì cái khác nhau giữa nhà bác học và anh mất trí là ở chỗ nào? Nhà bác học có thể viết một cuốn sách hàng mấy trăm trang mà người đọc chẳng hiểu gì hết, chỉ thấy như bị lạc vào một khu rừng rậm ấy. Nhưng có điều là trong sách của họ, không thể tìm được lấy một lối ngữ pháp hay đặt câu nào cả, hay cảm thấy có câu nào gọi là lủng củng hay thiếu logic cả. Còn như anh mất trí thì nói câu trước câu sau là đã lẫn lộn rồi. Dễ hiểu thôi: vì anh ta mất trí mà lại!
- Tôi muốn hỏi anh một điều: nhưng làm thế nào giáo sư chứng minh được là Secmenđi sinh không phải ngày mồng bốn tháng năm, mà vào đêm mồng ba rạng ngày mồng bốn?
- Nhưng giáo sư có chứng minh điều gì như vậy đâu! Trong một bài thơ đăng trong một tuyển tập thơ của mình, Secmenđi có viết:
"Tôi chào đời là chào cả hôm qua và cả hôm nay."
Như thế là rõ quá rồi còn gì? Chào cả hôm qua và cả hôm nay là lúc nào? Là nửa đêm. Dạng thức của động từ "chào" ở đây chỉ một hành động chưa kết thúc, mà còn tiếp tục kéo dài sang cả thời tương lai. Nghĩa là Secmenđi sinh ra trước lúc nửa đêm một chút, vào khoảng kém năm hay kém ba phút gì đó thì đến nửa đêm. Như vậy có thể suy ra ngày sinh của ông không phải là mồng bốn, mà là mồng ba.
- Cứ cho là đúng như thế đi, nhưng tôi vẫn không hiểu tất cả nưững cái đó cuối cùng để làm gì?
- Để làm gì ư? Này nhé, nói ví thử bây giờ có một nhà bác học nào đó viết một cuốn sách ba tập và nói rằng Secmenđi sinh vào lúc 23h30' ngày mồng ba tháng năm. Nhưng một nhà bác học khác lại bác bỏ ý kiến của ông ta và bảo rằng: "Không đúng, Secmenđi sinh vào hồi 23h35', chứ không phải 23h30." và lại viết một cuốn sách dày những năm tập để chứng minh cho điều đó. Thế là cuối cùng người ta xác minh, được chính xác cả ngày sinh lẫn nơi sinh của nhà thơ Secmenđi.
- Nói anh tha lỗi, chứ thật tình tôi vẫn chưa hiểu gì cả. ừ thì cứ cho là Secmenđi sinh không phải ngày mồng bốn tháng năm, mà là mồng ba, không phải vào hồi 23h30', mà là 23h35' đi. Nhưng biết được như thế để rồi cuối cùng rút ra cái gì?
- Anh nên nhớ rằng người ta soạn ra được lịch sử vào học cũng chính là từ những cái chi tiết ấy đấy. Một người bảo "Mồng ba tháng năm", người kia bảo "Không phải, mồng bốn chứ!" Thế là nổ ra tranh cãi. Và người nào viết được cuốn sách dày hơn và khó hiểu hơn là chứng tỏ người đó uyên bác hơn.
- Tôi không hiểu vậy thì lợi ích thực sự của cuộc tranh cãi ấy là ở chỗ nào?
- Trời ơi, cái anh này mới thật tối dạ! Anh không biết rằng chính nhờ những cuộc cãi vã ấy mà nhiều người mới trở thành giáo sư và bác học hay sao? Đó là cách không tốn mấy công sức mà vẫn có danh vọng, sống êm thấm mà vẫn được mọi người kính nể. Tên tuổi lại còn được lưu truyền hậu thế nữa chứ! Nói của đáng tội, chứ ví thử không có họ thì làm sao chúng ta biết được một sự thật như Secmenđi sinh vào ngày nào giờ nào? Hay làm sao ta hiểu dược nhiều chân lý vĩ đại khác nữa! Cứ gọi là suốt đời ta cứ sống trong cảnh y mê tăm tối thôi! Loài người ta có tiến bộ được cũng chính là theo cách đó cả. Nghĩa là có một nhà bác học khác lắc đầu phê phán, ý nói "Không đúng, không đúng". Thế là nổ ra một cuộc tranh cãi sôi nổi. Vị thứ ba bỗng xen vào và bảo "Cả hai ông đều sai tuốt." Và khoa học cứ thế mà ngày càng tiến lên mãi.
- Trời ơi, anh nói chí lý quá! Đúng là chỉ cần chịu khó suy nghĩ một chút là hiểu được ngay rằng, nếu không có các nhà bác học thì làm sao chúng ta phát hiện ra được chân lý. Té ra bấy lâu nay chúng ta vẫn sống trong cảnh u mê tăm tối mà không biết. Phải rồi, giá không có các nhà bác học thì có lẽ chúng ta chẳng biết cái cóc khô gì hết. Thậm chí đến nhà thơ Secmenđi sinh ngày nào có lẽ chúng ta cũng chẳng biết nữa, mà cứ tưởng ông sinh ngày mồng bốn tháng năm mất! Đúng là không thể sống mãi trong sự ngu dốt như vậy được. Tôi không thể hình dung nổi chúng ta sẽ làm được cái gì nếu không có các nhà bác học?!.
Chuyện vợ chồng
Lẽ ra tôi phải viết xong và nộp bản thảo từ tháng trước, nhưng tôi không hoàn thành hợp đồng.
- Viết đi anh! Nào có ai quấy rầy anh đâu?
- Đâu có, em yêu của anh. Đáng ra anh đã phải đánh dấu chấm hết cuốn sách, thế mà không xong... Chẳng hiểu sao anh lại không tập trung được tư tưởng em ạ... Đầu óc cứ để đi đâu...
- Làm sao đầu óc anh lại để đi đâu?
- Chính anh cũng không biết nữa... Hôm nay anh sẽ ngồi nghiêm chỉnh. Trời mát mẻ và đầu óc anh cũng đang thư thái... May ra cũng xong đề cương...
- Thế thì anh ngồi viết đi... Có khi em quấy rầy anh cũng nên.
- Có gì đâu, em yêu dấu!
- Thế anh viết đi... Anh đại lãn thật!
- Hả?! Lạy trời hôm nay tôi không bị chuyện gì quấy quả!
- Ủa! Anh nói thế nghĩa là thế nào?
- Chả thế nào cả... Anh không có ý gì đặc biệt... Anh chỉ cầu trời cho anh hôm nay làm được nhiều việc...
- Thế nhỡ đột nhiên hôm nay em chết thì sao?
- Sao em lại sang chuyện ấy?
- Thì sao!... Em chết thật đấy...
- Nói thế làm gì, vợ yêu của anh?
- Anh ơi, ngộ như em chết... Anh có lấy vợ khác không?
- Em yêu dấu! Đừng nói với anh những điều như thế...
- Nhưng, anh thấy đấy, anh có trả lời được đâu. Mà từ lâu em đã biết tỏng bụng dạ anh, biết anh nghĩ gì về em rồi.
- Em gái nhõng nhẽo của anh, tính nết em kỳ thật đấy.
- Mọi sự chỉ vì anh...
- Thì anh có làm gì em đâu, hả người ngọc? Anh chẳng bao giờ muốn em buồn cả!
- Thế anh trả lời em đi: sau khi em chết anh có đi lấy vợ khác không nào?
- Lạy thánh Ala!
- Ái chà, thấy chưa! Em biết rồi mà... Anh vừa mới tự thú đấy nhé!...
- Tự thú? Tự thú cái gì kia chứ?
- Anh chả vừa nói cái câu "Lạy thánh Ala" là gì?
- Thì anh nói đấy... Nhưng làm sao nào?
- Em chết rồi tất nhiên anh không lấy ai được nữa... Bọn đàn bà nó ghê tởm anh, anh chả căm ghét cuộc sống gia đình là gì... Tưởng em không biết đấy hả! Em chết rồi dù anh có sống đến nghìn tuổi anh cũng không lấy được vợ... Nhưng chả lẽ anh ghê tởm cuộc sống gia đình là tại em à?
- Nàng tiên của anh, tại sao em lại cứ kiếm chuyện thế nhỉ? Ngay cả trong ý nghĩ, anh cũng chẳng bao giờ có những chuyện ấy... Em lau nước mắt đi, bình tâm mà nghe anh đây... Em chẳng thương em tí nào mà cứ làm mình làm mẩy vô ích... Em quả là không hiểu những lời anh nói...
- À à à! Nghĩa là anh không định nói những điều như thế chứ gì?
- Phải ạ!
- Nghĩa là nếu em chết anh sẽ tục huyền chứ gì?
- Trời ơi là trời, tôi biết nói thế nào đây... Có thể...
- Anh cứ nói toạc ra xem nào...
- Bây giờ anh không thể đoán chắc điều gì... Nhưng có thể anh sẽ lấy vợ cũng nên!
- Tất nhiên là lấy vợ rồi... Làm như em không biết bụng dạ anh ấy!
- Trời đất ơi! Thánh Ala ơi! Cầu trời cho tôi được bình tĩnh. Em làm anh rối cả ruột, em yêu ạ, chính anh cũng không biết anh nói gì nữa...
- Lấy vợ, đằng nào rồi anh cũng lấy vợ...
- Anh nói thế làm vui lòng em đấy thôi...
- Làm vui lòng em?! Đầu tiên anh bảo không lấy, rồi sau lại bảo có lấy. Như thế mà bảo làm vui lòng em!
- Thánh Ala ơi! Con phải làm thế nào đây... Xin Thánh rủ lòng ân ưu. Thôi, nín đi em... lúc anh bảo anh không lấy vợ thì em cáu. Đến lúc anh bảo anh có lấy vợ em cũng lại cáu. Thế em lệnh cho anh nói gì có phải hơn không?
- Thôi, em đã đoán từ lâu là anh chán em rồi.
- Thiên thần của anh, tại sao em lại quyết đoán rằng anh đã chán em.
- Thì anh bảo rằng anh không biết sau này có lấy vợ hay không chứ gì?
- Vâng, thì tôi có nói!
- Thế là thế nào? Tức là anh bảo em rằng: Thôi cô có chết thì chết mau lên, cho tôi còn liệu! Thế mà anh lại còn chối phắt đi được!
- Thôi thôi... Tôi im. Tôi không nói một lời nào nữa. Tôi xin rút lui mọi ý kiến. Tôi chỉ xin cô đừng khóc nữa, tôi van cô. Chúng ta ngồi im nhé. Thôi, nín đi, em yêu của anh!
- Ôi! Tôi khó thở quá, tôi ngất đây... Tôi chết đây!
Hội cứu vớt gia đình
Khoảng nay mai ở Mỹ sẽ phải xuất bản một cuốn sách mà tôi cam đoan là sẽ bán hết ngay lập tức. Tác giả của nó vốn là người tôi quen biết từ lâu. Trong những lần gặp nhau... hay qua thư từ, ông đã kể cho tôi nghe nhiều về nội dung cuốn sách. Cách đây chừng hai tháng, ông còn gởi cho tôi cả tập bản thảo đánh máy để tôi xem và cho ý kiến. Tôi đã trả lời ông rằng, tác phẩm của ông tất nhiên sẽ rất được hâm mộ, và được dịch sang tất cả thứ tiếng. Bởi cái chính là trong toàn bộ cuốn sách không hề có một chút gì gọi là bịa đặt của tác giả, mà hoàn toàn là những sự việc và tư liệu có thật. Tác giả chỉ thay đổi đi một số tên người, vì câu chuyện có liên quan đến nhiều nhân vật tai to mặt lớn thuộc giới kinh doanh và chính trị của Mỹ.
Nếu các bạn muốn biết, thì đây, tôi xin tóm tắt lại nội dung cuốn sách:
Cách đây mấy năm, 6 thanh niên ở bang California có lập ra một cái hội bí mật. Họ muốn làm giàu, nhưng tất nhiên là phải nhanh chóng, chắc chắn và ít nguy hiểm. Vì thế họ bèn nghĩ ra cách bắt cóc vợ các nhà triệu phú và tỉ phú để đòi một khoản tiền chuộc kếch sù. Không, họ hoàn toàn không phải hạng côn đồ hay du đãng gì, mà đều là những thanh niên tử tế hẳn hoi cả! Ba người thì tốt nghiệp đại học tổng hợp ra, người thứ bốn thì hãy còn là sinh viên, người thứ năm làm nghề bán hàng, còn người thứ sáu làm nhân viên thư ký. Không những thế, họ lại còn tốt bụng và nhân đạo lắm: tuy chẳng ai bảo ai, nhưng cái ý định bắt cóc trẻ con là cả bọn không ai bàn đến! Họ chỉ bắt cóc người lớn thôi!
Nhưng họ hiểu rằng muốn bắt đầu một sự nghiệp gì cũng vậy, trước hết, hội phải có một số vốn. Vì thế họ quyết định ai có bao nhiêu tiền thì đem góp hết vào cho hội. Tuy vậy, họ vẫn phải đi vay thêm, vì biết trước là sẽ rất phải tốn kém với các vị khách hàng tương lai của mình. Với lại, chỉ ở những nước lạc hậu người ta mới có thể đi ăn trộm nhà băng hay bắt cóc người mà không cần có tiền bạc gì cả. Chứ ở một nước văn minh và giàu có như nước Mỹ mà không có tiền, thì đừng hòng làm được trò trống gì.
Theo kế hoạch của họ, người đầu tiên bị bắt cóc là vợ một ông trùm tài chính, giám đốc nhà băng ở San Francisco. Họ đến bắt bà này, đưa về một biệt thự tại một vùng thôn quê hẻo lánh, rồi cho công bố trên báo chí, đài phát thanh và vô tuyến truyền hình rằng, trong thời hạn ba ngày, nếu nhà triệu phú nọ không nộp đủ 80000 đôla tiền chuộc, thì vợ ông ta sẽ bị giết. Báo chí, phát thanh và vô tuyến truyền hình tất nhiên đã loan báo ngay điều kiện đó. Nhưng vì chuyện bắt cóc người bây giờ xảy ra như cơm bữa, nên tin ấy cũng chẳng làm ai sửng sốt hay thương cảm nữa. Thời hạn ấn định đã hết, mà nhà triệu phú vẫn im hơi lặng tiếng. Mấy anh chàng đi bắt người đâm ra khó xử: món hàng bán không trôi, quăng đi không được, mà giữ lại thì cũng dở. Vì tiền nuôi mụ quá tốn kém. Không những thế, mụ lại là một người đàn bà kênh kiệu đỏng đảnh hết chỗ nói. Mụ đòi hỏi đủ mọi thứ: nào gương lược, phấn sáp, nào son, thuốc móng tay, nào thuốc xoa bóp, thuốc ngủ... Thần kinh của mụ đúng là không bình thường. Bây giờ, tự nhiên thả mụ ra thì không được. Chỉ có cách là phải giết đi. Nhưng giết thì đúng là mấy chàng thanh niên này không có gan. Mà thả mụ ra bây giờ thì mọi chuyện sẽ vỡ lở và cảnh sát sẽ đến tóm cổ họ ngay. Chồng mụ thì vẫn cứ lặng thinh, không thấy đem tiền đến chuộc.
Họ bằng quyết định phải đến gặp người chồng để điều đình. Sau khi suy nghĩ một lát, người chồng nói với họ: "Các ông đòi nhiều tiền quá. Bà ấy không đáng giá như thế đâu!" Họ bằng lòng hạ giá xuống còn 50000 đôla "Không! Bà ấy vẫn không đáng giá đến thế!" Bọn người bắt cóc bảo ông ta: "Thôi được, giá cuối cùng là 40000". "Giá như các ông bắt vợ tôi cách đây 20 năm lúc tôi vừa cưới bà ấy thì tôi sẵn sàng chấp thuận ngay." "Thôi, 30000. không kém một xu". Người chồng vẫn chỉ nhìn họ lắc đầu. Giá 80000 hạ dần xuống còn 20000, rồi 15000... Nhà triệu phú vẫn lặng thinh. Những người đi điều đình nhắc cho ông ta nhớ rằng, vừa năm ngoái, ông còn dám bỏ ra 15000 cho "Hội bảo vệ những con mèo không nhà cửa". Nhưng nhà triệu phú giải thích rằng, thứ nhất, là vì ông rất thích mèo, thứ hai, là vị hội ấy là một hội đứng đắn và hoàn toàn hợp pháp, nên số tiền có thể góp dần hàng năm, và chuyển từ số lãi nhà băng sang. Còn như mấy cái hội bất hợp pháp thì phải bỏ tiền túi ra mà đóng.
Mấy chàng thanh niên lại quyết định giảm số tiền xuống còn 10000 đôla, và cố gắng giải thích cho người chồng hiểu rằng, rút cuộc, họ chỉ yêu cầu ông bù lại cho họ khoản tiền đã mất mà thôi: Họ đã phải tốn kém vào vợ ông gần hết số vốn của họ... Người chồng không nói gì, chỉ buông một tiếng than và mời họ uống whisky.
Ra về tay không, các thành viên của tổ chức bí mật bàn định lại tình hình và quyết định hành động táo bạo hơn. Họ thả người vợ ra, nhưng ngay đêm hôm đó, bắt cóc người chồng và tuyên bố số tiền chuộc vẫn như cũ, nghĩa là 80000 đôla. Nhưng thời hạn chuộc đã hết, mà kết quả vẫn như lần trước. Vợ nhà triệu phú tỏ ra còn cứng rắn hơn cả chồng. Bà ta tuyên bố nhất định không chịu trả một xu nào! Những người bắt cóc đe dọa la nếu vậy, chồng bà ta sẽ bị giết. "Tôi không có quyền can thiệp vào kế hoạch riêng của các ông." Bà ta trả lời như vậy bằng một giọng buồn rầu, nhưng mắt thì ánh lên tia hy vọng.
Trở về biệt thự, những người bắt cóc báo cho nhà triệu phú biết ông ta được tự do và muốn đi đâu thì đi. Nhưng ông này lại không chịu đi và bảo với họ: "Tôi muốn sống ở biệt thự này, hay thậm chí ở tù cũng được, miễn sao thoát được mụ đàn bà ấy."
Cáu tiết, sáu chàng thanh niên xúm lại, túm lấy ông ta đẩy ra cửa. Nhà triệu phú hết sức chống cự và van vỉ:
"Tôi sẽ cho các ông 10000, 10000! Nhưng xin các ông cho tôi ở lại đây!" Nghe thấy thế, trong đầu những người sáng lập ra tổ chức bí mật bỗng nảy ra một ý nghĩ tuyệt diệu. Họ bằng lòng cho nhà triệu phú được ở lại đại bản doanh của hội, nhưng bắt ông ta phải nộp đủ 80000 đôla! Nhà triệu phú bằng lòng. Không những thế, ông ta còn thú thật với mấy chàng thanh niên tố bụng rằng, giá như tuần trước, họ đến nhà ông để khuyên ông đừng chuộc vợ về, mà nên thoát khỏi bà ta thì hơn, thì chắc chắn ông sẽ chẳng đắn đo gì mà trả ngay cho họ đủ số tiền như thế.
Ngay tối hôm đó, những hội viên của hội lại đến thăm người vợ có chồng bị bắt cóc. Họ dọa bà ta rằng nếu bà ta không chịu trả 80000 đôla, thì họ sẽ thả đức ông chồng của bà ta ra ngay lập tức. Quả nhiên họ lại được ngay một món tiền nữa. Của đáng tội, mấy hôm trước họ đã phải chịu đựng cái tính khí bất thường của người đàn bà này.
Cái ý định đặt tên hội là "Hội cứu vớt gia đình" nảy sinh ra chính là từ đó, và hoạt động của sáu chàng thanh niên thông minh ở bang California ngày càng phát triển. Hội của họ dần dần có chi nhánh ở tất cả các bang khác, rồi sau bắt đầu có cả cổ phiếu riêng để bán. Đồng thời, cái tên "Hội cứu vớt gia đình" cũng dần dần được thay thế bằng những tên khác nghe kêu hơn và lịch sự hơn, như "Hội tình nguyện", "Hội từ thiện"... tuy rằng hoạt động của nó vẫn là bất hợp pháp, vì hội và khách hàng, tuy không ai bảo ai, nhưng cả hai đều muốn giữ bí mật tuyệt đối việc làm của mình. Hơn nữa, làm như thế họ còn đỡ được khoản thuế. Hoạt động của Hội cứu vớt gia đình cho đến ngày nay vẫn ngày càng phát đạt: trong khi phục vụ cho các ông chồng và các bà vợ, nó lấy được tiền của cả hai.
Cuối cùng, tác giả cuốn sách còn cho biết thêm một chi tiết đặc biệt của các vị khách đàn ông (kể cả các nhà kinh doanh lẫn các nhà chính trị) là trong khi sẵn sàng trả rất nhiều tiền thuê người bắt cóc vợ mình, thì đồng thời họ cũng tình nguyện bỏ ra những số tiền rất lớn để chuộc lại các cô thư ký bị bắt cóc. Điều này nói chung cũng dễ hiểu: việc mất đi những nhân viên có kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng ngay và trước hết đến công việc...
Giá không có ruồi!
Lúc lên 10 tuổi, nó bảo:
- Úi dà! Nếu tôi cũng có cặp sách như những đứa khác, cũng có đồ chơi, có những quyển tranh đẹp như chúng, thì xem tôi học giỏi không nào!... Đây tôi lại chẳng có gì cả! Thế thì làm sao mà học giỏi được!
Đến năm 13, nó cũng có đủ sách, vở, bút, cặp và đồ chơi như những đứa trẻ khác. Nhưng nó học vẫn không được. Nó lại than phiền:
- Quần áo đẹp thì không có! Nhà cửa thì chật chội, cả mấy bố, mẹ và anh chị em tôi phải ở chung một buồng. Thế thì học làm sao được! Giá tôi được một cái buồng, một cái tủ sách và bàn học riêng xem! Tôi không học giỏi bằng mấy chúng nó ấy à!
Năm 18 tuổi, người ta dành cho hắn một cái buồng riêng.
- Học giỏi thế quái nào được, nếu đến tuổi tôi mà trong túi chẳng có nổi lấy 10 lia! Muốn mua sách vở nhưng lại không có tiền.
Năm 20 tuổi, trong túi hắn lúc nào cũng đã có ít nhất 10 lia, có khi còn nhiều hơn.
- Ôi! Mong sao học chóng xong để ra đi làm! Tốt nghiệp đại học rồi tôi sẽ làm việc cật lực cho mà xem!... Tôi sẽ bắt đầu viết truyện... à không! Viết hẳn tiểu thuyết ấy chứ! Chao ôi! Ước gì tôi chóng được ra trường.
Năm 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, hắn than thở:
- Tôi không tìm được việc gì hợp ý nguyện cả, vì đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh bởi chuyện sắp phải tòng ngũ. Chỉ mong sao cái thời hạn tại ngũ chóng qua đi. Lúc ấy tôi sẽ làm việc ngày đêm để cướp lại thời gian! Thế nào tôi cũng phải viết một tác phẩm thật vĩ đại, để mọi người phải nhắc đến tên tôi!... Chà, cái chuyện tòng ngũ tai ác này!...
Đến năm 26, hắn hết hạn phục vụ trong quân đội.
- Tôi vẫn chưa thể nào bắt tay vào làm việc một cách thật sự được. Vì cứ quanh quẩn lo hai bữa ăn đã hết ngày rồi. Khi nào người ta chưa có được một công việc đàng hoàng và một khoản thu nhập cố định, thì chưa thể nói gì đến chuyện sáng tác!
Năm 28 tuổi, khi đã có công ăn việc làm tử tế, hắn kêu:
- Điều kiện thiếu thốn thế thì sáng tác thế quái cho được! ít ra là phải có hai buồng và có máy thu thanh! Lúc nào làm việc mệt, mở máy ra nghe nhạc cho đỡ mệt, sau đó lại tiếp tục làm việc. Như thế tinh thần mới sảng khoái, làm việc mới có hiệu quả được chứ! Ôi! Giá tôi có một chiếc máy thu thanh thì hay biết chừng nào?
Năm 29 tuổi, hắn tậu được một căn nhà hai buồng và sắm được một cái máy thu thanh. Nhưng tác phẩm mà hắn dự định từ bao nhiêu năm nay vẫn đứng nguyên tại chỗ.
- Chao ôi là cô đơn! - hắn thở dài - Sự cô đơn làm cho lòng tôi trống trải như một bãi sa mạc! Thử hỏi như thế làm sao tôi có thể tìm ra cảm hứng sáng tác được! Ôi! Phải có một tia nắng nào sưởi ấm được lòng ta! Phải có một ngôi sao nào đem lại cho ta nguồn vui và nguồn sức mạnh! Phải có một người nào mà vì nó ta sẵn sàng làm việc quên ăn quên ngủ chứ!... Ai là người có thể làm thần tượng cho ta, có thể làm mục đích của đời ta? Ôi, tình yêu của ta! Người ở đâu?
Đến năm 30 hắn gặp được nàng. Hắn yêu nàng và cũng được nàng yêu lại. Cuộc sống của hắn bắt đầu tràn đầy ý nghĩa. Nhưng cuốn tiểu thuyết mà hắn ấp ủ từ hồi còn niên thiếu vẫn chẳng nhích thêm được một đồng nào.
- Yêu đúng là một hạnh phúc tuyệt vời! - hắn suy nghĩ - nhưng nếu cứ yêu mãi mà không cưới thì vẫn chưa thể an tâm làm việc được. Ta phải cưới thôi. Có lấy vợ rồi thì cuộc sống mới ổn định, mới có thể hoàn toàn yên tâm lao vào sự nghiệp. Chà, mong sao ta sớm cưới được nàng! Bấy giờ ta thề sẽ lao đầu vào sáng tác, không bỏ phí lấy một' cho mà xem!
Năm 32 tuổi hắn cưới vợ. Cuộc sống vợ chồng của hắn hạnh phúc lắm! Nhưng không hiểu sao hắn vẫn không thể bắt tay vào cái sự nghiệp cả đời của hắn được. ấy là vì hắn lại tìm thấy những lý do thật là xác đáng - bây giờ trên vai hắn có cả một gánh nặng gia đình. Quanh năm suốt tháng hắn phải lo chạy vạy kiếm miếng ăn. Thế thì thì giờ đâu để hắn ngồi sáng tác nữa?
Năm 36 tuổi hắn được tăng lương. Nhưng ta hãy nghe hắn nói:
- Đã đành là mình có nhà riêng đấy! Nhưng nhà cửa chật chội quá! Trẻ con lại suốt ngày nô đùa ầm ĩ, không sao làm việc được. Giá mình kiếm được ngôi nhà độ bốn, năm buồng thì tuyệt quá! Lúc ấy mình sẽ làm việc phải biết nhé! Phải xắn tay áo lên mà làm mới được!
Năm 38 tuổi hắn dọn đến ở một biệt thự năm buồng. Song tác phẩm của hắn vẫn không tiến thêm được một tý nào. Hắn vẫn chưa thể làm việc được. Nhưng phải đâu là lỗi tại hắn?
- Làm sao mà có thể sáng tác trong một ngôi nhà ở ngay giữa khu phố đông đúc ồn ào như thế?! Các người có giỏi thì sáng tác xem nào! Không! Mình cần có một nơi yên tĩnh, nếu dọn được đến một nơi yên tĩnh thì nhất định thế nào mình cũng làm việc được, mà làm ra trò chứ không phải đùa!
Năm 40 tuổi hắn dọn đến một khu phố tĩnh mịch. Ngôi nhà của hắn thật rộng rãi và thoáng mát. Từ cửa sổ nhìn ra phong cảnh đẹp tuyệt trần. Bây giờ chắc hắn phải bắt tay vào sáng tác thực sự được rồi chứ gì nữa? Vẫn chưa à? Tại sao vậy?
- Chà! - hắn than phiền - Sáng tác gì được khi mà trong nhà không có những đồ vật đẹp! Không có những bức tranh quý, không có những bộ xalông êm, không có một cái bàn viết cho ra trò, không có những tấm thảm mịn! Muốn sáng tác thì mắt phải được nhìn những đồ đạc xinh đẹp, tai phải được nghe những điệu nhạc du dương chứ!
Than ôi! Không biết có ngày nào mình thực hiện được cái mơ ước ấy không?... Được thế, mình thề sẽ dốc hết sức ra mà làm việc, cho thiên hạ biết tay!...
Năm 42 tuổi hắn có được tất cả những thứ hắn mơ ước: những đồ đạc quý giá và tiện nghi đầy đủ. Nhưng chẳng hiểu sao hắn không tài nào tập trung tư tưởng vào công việc được. Tác phẩm của hắn vẫn không nhích thêm được chút nào.
- Trời ơi! - hắn bảo thế - Các người có hiểu đâu hoàn cảnh của tôi! Các người cứ nhìn bên ngoài nên tưởng tôi sung sướng, mãn nguyện lắm, không còn điều gì phải phàn nàn nữa... Mà kể ra tôi cũng mãn nguyện thật, vì tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh, không lúc nào thiếu cả, lại được vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng nữa. Đồ đạc trong nhà thì toàn loại quý và tiện nghi đầy đủ, thì giờ lại nhiều nữa này... Thế nhưng... phải mỗi cái tội là... ruồi! Ruồi nhiều quá! Ruồi không còn làm ăn gì được nữa! Nó cứ bâu vào người, cứ vo ve bên tai nghe sốt cả ruột, tư tưởng không sao tập trung được! Ban ngày không chợp mắt nổi vì ruồi, thành ra ban đêm không còn sức để thức mà sáng tác nữa. Giá không có ruồi thì tôi làm việc phải biết nhé! Cứ gọi là làm như điên ấy chứ không nói chuyện!... Tôi thề như vậy! Nhưng... cái lũ ruồi khốn kiếp!... Tôi không biết làm thế nào với chúng cả. Đóng cửa lại thì nóng! Mà che rèm thì mất đẹp.
Các người bảo tôi làm việc về mùa đông ư? Nhưng có thực là mùa đông không có ruồi không? Trời ơi! Không hiểu ai sinh ra giống ruồi làm gì không biết? Tôi chịu không hiểu nổi.
Năm nay hắn mới 42 tuổi. Vì thế chúng ta vẫn chưa hết hy vọng. Một ngày kia, khi giống ruồi bị tiêu diệt hết trên thế gian này, như điều hắn mơ ước, thì chắc chắn thế nào hắn cũng sẽ làm việc không ngơi tay để tạo ra cho thế giới cái tác phẩm vĩ đại của hắn. Đấy, rồi các bạn xem!
Nhỏ và đẹp
Tôi bắt được một cuốn sổ tay dưới gầm bàn trong nhà. Nhưng hỏi người nhà thì không ai nhận. Ai cũng bảo: "Không phải của tôi!" Cuốn sổ xinh xắn, bọc bìa xanh, có hàng chữ nổi mạ bạc trông rất đẹp. Tôi mở ra xem là của ai. Vừa đọc trang đầu tôi đã thấy kinh ngạc. ở đó có ghi tên, địa chỉ, số điện thoại của một ông to, ông rất to. Lật trang sau cũng lại thấy ghi lần lượt tên, địa chỉ, số điện thoại của ba nhân vật khác cũng rất có danh tiếng. Cứ thế tôi giở hết trang này đến trang khác và nỗi kinh ngạc của tôi mỗi lúc một tăng.
Các bạn cứ nghĩ xem: trong nước có bao nhiêu nhà hoạt động chính trị tai to mặt lớn, bao nhiêu quan chức có thế lực, thì địa chỉ của tất cả các vị này đều được ghi vào sổ. Người kém vế nhất trong số đó cũng là một tổng giám đốc. Tôi lại còn để ý thấy thêm một điều này nữa: các nhà hoạt động chính trị có tên trong sổ đều là những người hiện đang cầm quyền. Ai ở vào địa vị tôi mà chẳng phải ngạc nhiên? Đối với tôi, cuốn sổ ghi địa chỉ những người có thế lực thật chẳng khác gì một trái bom nổ chậm. Đúng là có kẻ nào thù hằn đã ném nó vào nhà tôi. Tôi chưa hình dung được cuốn sổ ghi địa chỉ những nhân vật tiếng tăm này có thể gây cho tôi điều gì rủi ro. Nhưng có điều không nghi ngờ gì nữa là nó được ném vào gầm bàn tôi với một ý đồ xấu xa. Tôi hoảng sợ vô cùng. Rất có thể, sắp có người bấm chuông gọi cửa ngay bây giờ, rồi bọn cảnh sát mặc thường phục sẽ ập vào nhà tôi và bảo: "Đưa quyển sổ đây!" Còn tôi thì sẽ run như cầy sấy, hỏi laị: "Quyển sổ nào ạ?" Họ sẽ lục soát căn phòng tôi và tìm thấy ngay cuốn sổ dưới gầm bàn, như thể chính tay họ đã đặt vào đấy vậy.
Tôi biết chắc mọi việc sẽ xảy ra đúng như thế. Đứa khốn kiếp nào ném quyển sổ vào nhà tôi, hắn đã đi báo cảnh sát! Rõ ràng la tôi đã sa vào cái bẫy hết sức nham hiểm rồi!
Bọn cảnh sát vớ được cuốn sổ sẽ hỏi ngay: "Nào, nói đi! Anh ghi địa chỉ tất cả những quan chức lớn nhỏ vào đây để làm gì? Anh muốn lập hồ sơ theo dõi lý lịch cá nhân của họ à? Anh sửa soạn tống tiền họ chăng? Hay anh định mưu sát?"
Lạy chúa! Lúc ấy tôi biết trả lời họ ra sao? Mà dù tôi có phân trần, thanh minh thế nào chăng nữa, chắc đâu họ đã tin tôi?
Thôi, tôi phải đem đốt ngay cuốn sổ rồi tung đám tan ra cho gió cuốn đi thôi!
Nhưng không biết đứa khốn nạn nào đã giăng bẫy đưa tôi vào tròng mới được cơ chứ? Tối hôm qua tôi có ba người bạn đến chơi. Trong bọn họ thì một người là giảng viên trường đại học, một người làm việc ở thư viện trường tổng hợp, còn người nữa là giáo viên văn học...
Tôi đang đút cuốn sổ vào lò sưởi nhà tắm để chuẩn bị đốt thì có chuông gọi cửa. Anh bạn Halit của tôi đến.
Tôi quen anh đã 20 năm nay, anh làm việc ở thư viện trường đại học tổng hợp, và là một trong ba người đã ngồi chơi ở nhà tôi tối hôm qua. Halit cũng đang hoảng hốt như tôi. Anh hỏi tôi:
- Sao trông anh tái nhợt đi thế?
Tôi cũng hỏi lại anh:
- Này, nhưng cậu cũng làm sao vậy?
- Lạy chúa, anh có thấy cuốn sổ tay tôi đánh rơi ở đây hôm qua không?
Tôi đưa cho anh quyển sổ:
- Quyển này phải không?
Anh nắm lấy tay tôi, reo lên:
- Giời đất ơi, đúng rồi! Thế mà tôi cứ tưởng đánh mất ở đâu, lo không thể tả được!
Tôi dẫn anh vào phòng làm việc.
- Còn tôi thì cũng được một mẻ hết hồn - tôi thú nhận - Cậu hãy nói thật cho tôi biết, cậu ghi từng ấy địa chỉ của những người có tai mắt để làm gì vậy?
Đến lượt anh ngạc nhiên:
- Ô hay! Thế chả nhẽ anh chưa có quyển sổ ghi địa chỉ những người tên tuổi à?
- Chưa!
- Lạy Chúa, thế thì anh phải lập tức ghi ngay đi, rồi nhét nó vào túi ấy! Anh muốn biết tôi viết những địa chỉ ấy vào sổ để làm gì phải không? Đây này, tôi sẽ nói cho anh nghe. Anh chắc biết tôi vốn thích sưu tầm bút máy, một số bút thì tôi mua, còn một số thì người ta cho, trong túi tôi có được đến mươi, 15 chiếc. Một hôm, tôi đến khách sạn thăm một nhà thơ Đức mới sang. Anh ta biết tôi thích chơi bút máy nên tặng tôi một chiếc. Vừa ra khỏi khách sạn là tôi rẽ ngay vào một góc phố và không nhịn được "Ta phải xem cái bút thế nào đã!" - tôi tự nhủ. Chắc anh biết trong túi tôi lúc nào cũng có chiếc kính lúp. Tôi lấy kính ra soi cái ngòi và thấy nó có vẻ hơi thô. Tôi viết thử vào cuốn sổ mấy chữ tình cờ hiện trong óc: "Nhỏ và đẹp". Thường tôi vẫn mang theo một tờ giấy ráp mịn hạt để mài ngòi bút. Cái ngòi này nếu về nhà tôi mài thêm tí nữa thì nét sẽ nhỏ và đẹp hơn. Tôi cầm lấy kính định xem lại cái ngòi một lần nữa, thì bỗng có ai nắm lấy hai vai:
- Anh đang làm gì vậy?
- Tôi ấy à? Tôi đang xem chiếc bút máy chứ có làm gì đâu!
- Thế đấy! Nghĩa là xem bút máy hả? Vậy chứ anh làm nghề ngỗng gì?
- Tôi ở trường đại học... - tôi không kịp nói hết câu.
- Ái chà, nghĩa là giáo sư cơ đấy! Thưa ngài giáo sư, rất hân hạnh!... Chà!...
Một người trong bọn họ thụi cho tôi một quả vào sườn bên trái khiến tôi loạng choạng.
- Thôi, alê, đi!
- Các ông xem lại cho. Chắc có sự hiểu nhầm gì đây!
- Đi!
Tôi lại bị quả đấm nữa vào sườn bên phải và đành phải bước. Biết làm sao được!
Chúng tôi đi về bóp. Tôi bị đẩy vào một căn phòng. Nhưng chờ mãi mà không thấy ai đến. Lát sau có một tay bước vào:
- Ngồi xuống đất ấy! - lão ta nói.
- Tôi không ngồi thế được! - tôi đáp.
- Cái gì? Không ngồi thế được hả? ái chà, ra cái điều ta đây giáo sư cơ đấy! Ghê chưa? Thôi, có gì trong túi bỏ hết ra đây!
Tôi đặt lên bàn tất cả mọi thứ trong người: 14 chiếc bút máy, hai quyển sách, cuốn sổ tay, hai tờ giấy ráp mịn hạt. Lão ta chỉ vào những chiếc bút:
- Đây là cái gì?
- Bút máy.
- Ra thế!... nghĩa là bút máy đấy! ái chà, giáo sư mà lại! Oai quá nhỉ?
Tôi không sao nói xen được một câu để giải thích cho lão ta hiểu rằng tôi không phải là giáo sư, mà chỉ là một nhân viên trông thư viện ở trường đại học thôi! Lão ta cầm lấy chiếc kính lúp:
- Còn đây là cái gì?
- Kính lúp!
- Ra kính lúp đấy! Chà, giáo sư! Chà!...
Thêm ba người nữa đến. Họ cũng xúm vào xem đồ vật của tôi. Một người cầm tờ giấy ráp lên hỏi:
- Cái gì thế này?
- Giấy ráp.
- Giấy ráp gì mà lạ thế? Nhẵn như không ấy! Anh định bịp ai vậy hả?
- Đây là loại giấy ráp mịn hạt!
- Ra thế! Giấy ráp mịn hạt cơ đấy! Chà, giáo sư! Này, giáo sư này!
Vừa nói, lão ta vừa nện vào vai tôi một cái. Xem chừng sự việc đâm ra lôi thôi.
- Thưa các ông - tôi nói - chắc có sự hiểu lầm thế nào đây. Tôi không rõ tại sao các ông lại đưa tôi về đây, chứ tôi thì cả trường đại học ai cũng biết, nhà báo nào tôi cũng quen. Tôi không làm gì đáng để các ông đối xử như vậy.
Một tay đang giở cuốn sổ của tôi ra xem, quát:
- Im ngay!
Bỗng mắt hắn chợt sáng lên:
- Thế còn cái này là cái gì?
Hắn chỉ vào mấy chữ "Nhỏ và đẹp" tôi viết trong quyển sổ để thử chiếc bút máy người ta vừa cho.
- "Nhỏ và đẹp" - tôi nói.
- "Nhỏ và đẹp"? Hay nhỉ!
- Vâng, "nhỏ và đẹp"!
- Thế là cái gì?
- Chẳng là cái gì cả!
- Chẳng là cái gì thì anh viết vào đây làm gì?
- Để tôi thử ngòi bút...
- Thế đấy! Được, nhưng sao anh không viết chữ gì khác mà lại chọn đúng chữ "nhỏ và đẹp"?
Quả tình nào tôi có nghĩ gì đến chuyện ấy.
- Tôi không biết - tôi nói - tự nhiên tôi nghĩ ra mấy chữ ấy, thế là tôi viết luôn vào...
- Thế đấy! "Nhỏ và đẹp"! Chà, giáo sư đấy! Chà... Chúng tôi sẽ cho anh biết thế nào là "nhỏ và đẹp"! Các ông nghe thấy hắn bảo gì chưa? Hắn bảo tự nhiên hắn nghĩ ra đấy! Thế sao tự nhiên anh không nghĩ ra chữ khác?
Một người trong bọn họ bước lại chỗ cô thư ký đánh máy. Họ bắt đầu lập biên bản. Tôi sợ vã mồ hôi. Biết đâu những chữ "nhỏ và đẹp" tôi tình cờ viết ra lại là mật mã của một tổ chức gián điệp thì nguy to! 14 chiếc bút máy, cuốn sổ tay, chiếc kính lúp, hai quyển sách, tờ giấy ráp mịn, "nhỏ và đẹp"! Ai mà chẳng phải nghi ngờ! Tôi bối rối không còn biết làm gì nữa. Trong lúc đang lập biên bản, một tay vẫn tiếp tục giở cuốn sổ của tôi ra xem. Bỗng hắn dừng lại ở một trang, sau đó đưa trang này cho cả bọn xem. Họ thì thầm gì với nhau một lúc, rồi tình thế bỗng nhiên thay đổi hẳn. Người vừa xem cuốn sổ của tôi đã chỉ cho cả bọn xem một chỗ ghi trong sổ.
- Xin lỗi ngài - lão ta quay lại hỏi tôi - người này đối với ngài là thế nào ạ?
- Đấy là bạn học cũ của tôi - tôi đáp - Chúng tôi gặp nhau hôm kia. Anh ta đưa tôi đi ăn hiệu, cho tôi địa chỉ và tôi ghi vào đây.
Những điều tôi nói hoàn toàn đúng sự thật. Quả tình tôi có gặp một người bạn xa nhau đã lâu. Tôi cũng không biết rằng anh ta là một tổng giám đốc.
Gã cảnh sát vẫn đang cầm cuốn sổ của tôi bỗng nở một nụ cười, xum xoe bảo:
- Chết chửa! Thế ra ông tổng giám đốc là bạn thân của ngài?
- Đúng thế... Hồi còn đi học chúng tôi thường trêu chọc anh ấy.
- Thật hân hạnh quá! ấy kìa, sao ngài không ngồi xuống? Ghế đây ạ! Xin mời ngài!
Sau đó, gã quay lại bọn kia:
- Ai bảo các anh dẫn ngài về đây hả?
Rồi quay lại phía tôi:
- Xin mời ngài!
Chúng tôi bước vào một căn phòng bày biện sang trọng, tôi đi trước, bọn họ theo sau. Họ mời tôi ngồi vào chiếc ghế bành. một tay nói:
- Hôm nay nóng quá. Ngài dùng một chút nước giải khát nhé?
- Ấy chết, xin các ông chớ bận tâm làm gì!
Tuy vậy nước giải khát vẫn được mang ra. Chúng tôi chỉ còn lại hai người trong phòng. Bọn kia kéo nhau ra ngoài cả.
Người đang tiếp chuyện hỏi tôi:
- Thưa ngài, ngài đến thăm chúng tôi có việc gì không? Ngài có cần gì không ạ?
Thánh Ala ơi! Thế là thế nào nhỉ? Tôi có cần gì không à? Chả nhẽ không phải chính họ đã vừa tóm cổ tôi mà lôi về đây hay sao?
Nhưng bây giờ, giữa lúc họ đang đối xử lịch sự với mình như thế, mà lại đi bảo rằng mình bị lôi cổ đến và bị đánh thượng cẳng tay hạ cẳng chân, thì xem ra không tiện.
Vì thế nên tôi đáp:
- Tôi đến... chẳng qua để hỏi thăm sức khỏe các ông thôi!
- Ôi, thật quý hoá! Chúng tôi rất đội ơn ngài! Chúc ngài cũng được khoẻ mạng! Thật quả là vinh dự cho chúng tôi. Lạy Chúa! Được ngài đến thăm!
Tình thế không ngờ lại xoay chuyển một cách tốt đẹp như vậy. Nhưng dù sao, tôi nghĩ cũng phải chuồn ngay, kẻo nhỡ đâu sự việc trở nên rắc rối.
- Các ông cho phép tôi về! - tôi nói.
Lão ta đứng lên tiễn tôi ra tận cửa. Tôi bước thật nhanh để mau mau thoát khỏi chốn này, không dám nghĩ đến chuyện đòi lại bút máy, cuốn sổ và chiếc kính, vì sợ phải nhắc đến chuyện hiểu lầm vừa xảy ra. Thôi! Chả cần!
- Thưa ngài!... thưa giáo sư! Ngài còn quên đồ đạc!
Một tên trong bọn bỗng chạy theo tôi, gọi. Hắn mang bút máy, tờ giấy ráp, cuốn sổ và kính lúp lại cho tôi.
- Thưa giáo sư, ngài là bạn của ông tổng giám đốc thật đấy ạ? - hắn hỏi.
- Đúng thế - tôi đáp - Nhưng sao ông lại hỏi vậy?
- À, chả là dạo này đang có "mốt" như thế.
Ai thấy người sang cũng muốn quàng làm họ cả. Ngài hiểu chứ ạ? Để lúc nào có việc cần thì bảo: "Đây là bạn tôi!" và thế là thoát. Mà chúng tôi thì làm sao biết được kẻ ấy có đúng là bạn thật hay không? Nhưng ngài thì đúng là bạn thật chứ ạ?
- Đúng, tôi là bạn thật.
Hắn chìa cho tôi mâu giấy.
- Thưa ngài, tôi đã viết lai lịch của tôi ra đây. Là để phòng xa như vậy. Nếu ngài có dịp gặp ông tổng giám đốc thì... e hèm...
Kể đến đây, Halit bảo tôi:
- Từ hôm ấy, cứ biết được địa chỉ của ai trong số những bậc tai mắt của ta là tôi ghi ngay vào sổ. Đến lúc tưởng mất quyển sổ, tôi lo quá anh ạ! Có những địa chỉ này chẳng khác gì được bảo hiểm tài sản và tính mạng vậy. Anh cũng nên có một quyển sổ như thế mới được. Nhưng cần nhớ một điều là hễ có ai về hưu do sức khẻo hay bị cách chức thì phải lập tức xóa ngay tên khỏi sổ, nếu không thì có khi mang vạ vào thân đấy!... Thế thật anh không biết gì về những quyển sổ ghi địa chỉ những bậc có thế lực trên cõi đời này à?
- Không!
- Vậy thì hỏng to rồi người anh em ạ! Bây giờ ai cũng phải giữ cái của này trong túi áo để phòng khi bất trắc thì giở ra. Vì có ai biết được điều gì sẽ xảy ra với mình lúc bước chân ra khỏi cửa? Ngày xưa thì có những tấm bùa hộ mệnh hay câu thần chú giúp người ta thoát khỏi ốm đau, tai họa. Bây giờ thì có sổ ghi địa chỉ thay cho những thứ ấy. Mà lại hiệu nghiệm hơn nhiều!...
Những người thích đùa
Tại nhà Đavút Xêiuva, chủ hãng buôn các đồ nhập khẩu có tổ chức một bữa cơm khách. Trong số những người được mời có giám đốc nhà băng "Labát" cùng người vợ trẻ và cô em vợ to béo cảu ông ta; nhà chính kháchh Khanda Iátma, một trong những nhân vật "bảo thủ hạng nhất của chúng ta, cùng đức phu nhân không có con của mình; nhà đại điền chủ kiêm thu tô Mêđêni cùng cô thư ký có đôi mắt hạt nhãn là nàng Ipêch; nhà buôn Hátgi Ôxman Barua, một thương gia cỡ lớn của tỉnh Ađăng chúng tôi, cùng cô nhân tình là nàng Phưxtưca.
Từ chiếc máy thu thanh, tân khách bỗng nghe thấy giọng một phát thanh viên nói:
- Thưa quý vị thính giả! Đến đây chúng tôi xin tạm ngừng chương trình nhạc cổ điển Thổ Nhĩ Kỳ tối nay. Bây giờ mới quý vị nghe buổi phát hành thường kỳ "Những phát minh mới" Thuyết trình buổi này là một chuyên gia nổi tiếng, kỹ sư Mếchki Makinétgi.
Bà vợ trẻ của ngài giám đốc nhà băng Labát nhăn mặt:
- Sao tôi ghét giọng cái thằng cha này thế!
Nhà buôn Ôxman năn nỉ:
- Van bà! Xin bà cho phép chúng tôi được nghe cái mục này. Tuần trước anh ta đã nói về cách làm bông bằng giấy đấy.
Trên máy thu thanh, kỹ sư Mếchki Makinétgi bắt đầu câu chuyện:
"Thưa quý vị! Trong lúc chúng tôi bắt đầu buổi phát thanh hàng tuần "Những phát minh mới" này, thì tại thành phố Nguyên tử ở bên Mỹ người ta cũng bắt đầu khánh thành một nhà máy nguyên tử mới, hoạt động theo chương trình "Nguyên tử phục vụ con người". Từ nhà máy này, những tia sáng nguyên tử sẽ được phát đi khắp thế giới. Phát minh mới về năng lượng nguyên tử này sẽ là một sự kiện kỳ diệu làm chấn động toàn nhân loại. Khi tia sáng nguyên tử chiếu vào các tấm gương soi ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, thì lập tức tất cả những hình ảnh đã được soi vào gương, kể từ lúc nó được chế tạo đến nay, sẽ lần lượt tái hiện trên mặt gương.
Chẳng hạn, nếu ở nhà quý vị có một tấm gương mà quý vị đã dùng từ 20 năm nay, thì khi gặp tia sáng nguyên tử này chiếu vào, hình ảnh của tất cả những người đã soi vào gương từ 20 năm nay sẽ nối tiếp nhau xuất hiện lại trên mặt gương.
Các cuộc phát thí nghiệm tới nay đã hoàn tất và đã cho những kết quả mỹ mãn. Như vậy, nhờ phát minh mới này, quý vị có thể được sống lại tuổi thơ, được nhìn lại tuổi thiếu niên hay ôn lại những kỷ niệm thời yêu đương của mình.
Từ sau 9h sáng mai, xin quý vị nhớ đứng ra trước gương!"
Bà vợ trẻ của viên giám đốc nhà băng Labát vỗ tay:
- Trời ơi! Tuyệt quá! ở nhà tôi có chiếc gương tôi đã soi từ hồi bé. Vậy là ngày mai tôi sẽ được xem lại cả một quãng đời của tôi.
Khách khứa rời phòng ăn sang phòng khách, tụm lại thành từng nhóm, bắt đầu bàn tán sôi nổi về cái phát minh mới kỳ diệu.
Khanda Iátma, nhà chính khách bảo thủ hạng nhất, ghé vào tai nhà thu tô Mêđêni thì thầm:
- Ông bạn ạ! Thế thì cái phát minh mới này quả là kỳ diệu! Nó sẽ giúp ta nhớ lại nhiều sự kiện đã quên. Có một lần ở đồn cảnh sát tôi bị người ta nện cho một trận nhừ tử, ông tha lỗi cho cách nói hơi thô tục của tôi... Lúc chuồn được khỏi đó, tôi lập tức đến ngay phòng giám định y khoa để xin giấy chứng nhận là bị đánh, rồi mang ra tòa kiện. Nhưng các ông ở tòa chẳng thèm xem xét kẻ nào đã đánh tôi, mà rồi không hiểu thế nào họ lại kết luận là chính tôi đánh tôi mới tức chứ!
Nhà thu tô bảo:
- Nhưng mà bác Khanda ạ. Chuyện ấy có liên quan gì với chuyện cái gương này?
- Ấy chết! Liên quan quá đi chứ lại! Vì lúc tôi bị đánh, tôi nhìn thấy trên đường có treo một cái gương. Bây giờ thì mọi việc sẽ được khám phá ra hết.
- Ừ phải - Mêđêni hưởng ứng - Còn tôi thì nhờ những chiếc gương thần kỳ này tôi sẽ phải vớ được ít nhất là 4, 5 vạn bạc.
- Làm thế nào mà vớ được?
- Có gì đâu! ở nhà tôi có một cái tủ gương. Và chuyện tôi một dạo dan díu với con gái lão Kaliavi là cô ả Antưguyn thì chắc bác đã biết rồi.
- Chuyện ấy thì ai mà chả biết!
- Lão bố nhất định không chịu gả con gái cho tôi, còn cô ả thì cũng quên phắt ngay những tình cảm của mình. Nhưng giờ thì không xong với tôi đâu! Lão ta sẽ phải gả con gái cho tôi và tôi sẽ trở thành triệu phú cho mà coi!
- Nhưng ông định làm cách nào mới được chứ?
- Tôi và cô ả Antưguyn đã từng ân ái với nhau bao nhiêu lần ở nhà tôi, ngay trước cái tủ gương ấy. Sáng mai tất cả những cảnh yêu đương ấy sẽ diễn lại trong gương. Tôi sẽ mang cái gương đó cho lão Kaliavi xem, ông hiểu chưa? Thế là lão ta sẽ phải gả con gái cho tôi, bằng không thì phải chuộc lại cái gương ấy.
- Thế lão ta không chịu thì sao?
- Thì càng hay! Tôi sẽ mang cái gương ấy cho mọi người xem. Hay không kém gì xem hát ấy chứ! Và tôi sẽ thu được ối tiền! Hoan hô những cái gương kỳ diệu!
Vợ nhà buôn hàng nhập khâu to nhỏ với ả nhân tình của ngài Hátgi Ôxman là Phưxtưca:
- Tôi vẫn không sao quên chàng được!
- Chị bảo ai? Kaplan ấy à?
- Ừ, Kaplan ấy! Thế mà chàng thật chóng thay lòng đổi dạ. Nhưng thôi, ngày mai tôi sẽ đứng ra trước gương để được sống lại những giây phút êm đềm với chàng.
- Tôi cũng phải trả thù lão già nhà tôi mới được! Tôi sẽ đưa gương cho hắn xem, để hắn thấy rằng hồi tôi mới quen hắn, tôi còn trẻ và xinh đẹp như thế nào! Thế mà bây giờ, chắc chị biết đấy, hắn ta đã chán tôi rồi. Tất cả bọn đàn ông đều thế cả!
Khách khứa ai nấy đều sung sướng khi bàn tán về cái phát minh mới.
Cô nàng Phưxtưca luôn mồm nói:
- Ước gì chóng đến ngày mai nhỉ!
Cô em vợ béo nục nịch của viên giám đốc nhà băng phụ hoạ thêm:
- Vâng, ước gì chóng đến ngày mai! Em thấy sốt ruột quá! Trời ơi, những kỷ niệm thời quá khứ của em! Tuổi thanh xuân của em!
Người thì mơ ước được gặp lại trong gương hình ảnh người mẹ đã khuất của mình, người thì muốn được thấy lại thời thơ ấu.
Bỗng ngoài cửa có tiếng chuông, rồi một vị khách mới bước vào. Đó là Sakháp Giênabétđia, một bác sĩ phụ khoa nổi tiếng. Mặt ông ta tái nhợt như người chết.
- Có chuyện gì vậy, bác sĩ? Anh bị ốm hay sao thế? - vị chủ nhà hỏi.
Viên bác sĩ lắp bắp:
- Các vị không nghe nói gì cả à? Các vị không biết tin gì hay sao?
- Tin gì cơ, anh Sakháp? Có tin không hay à?
- Đài phát thanh vừa nói xong mà! Ngày mai, nhờ việc phát minh ra tia sáng nguyên tử nên tất cả các gương sẽ hiện lại toàn bộ những hình ảnh từ trước đến nay! Thế mà các vị không hay biết gì cả hay sao?
Mọi người bật cười ngạc nhiên:
- Thế thì tuyệt quá chứ sao, hả bác sĩ?
Bác sĩ Sakháp kêu lên một cách chán ngán:
- Trời ơi! Té ra các vị mất trí cả rồi!
Đoạn ông kéo phái nam giới sang một phía.
- Cái phát minh mới này đúng là giết tôi. Trong phòng mổ của tôi, trước bàn mổ, chắc các vị cũng biết đấy, có một tấm gương lớn.
- Thế thì sao?
- Thế thì chết tôi chứ còn sao nữa! Các vị còn chưa hiểu hay sao? Tất cả những vụ phá thai, nạo thai và còn nhiều chuyện khác nữa sáng mai thế là vỡ lở hết cả...
Đám các ông lo lắng nhìn nhau.
- Ừ nhỉ, bỏ mẹ thật!
- Thế mà mình không nghĩ ra!
- Nếu thế thì ê mặt quá nhỉ!
- Thậm chí phải nói đó là tội ác mà bọn mình đã... ấy chết, xin lỗi, nghĩa là tôi không có ý nói thế...
Nghe các ông xì xào to nhỏ, đám các bà cũng đâm nhốn nháo. Bà vợ ông Đavút Xôinva rên rỉ:
- Hạnh phúc gia đình tôi, cuộc sống êm ấm 20 năm nay của vợ chồng tôi thế là hết! Ngày mai chồng tôi sẽ biết hết mọi chuyện. Đầu tiên là chuyện với một tài xế của ông ấy, rồi sau là với một tài xế khác... Tất cả sẽ diễn ra trước gương...
Cô nàng Phưxtưca than thở:
- Thì ai mà ngờ được có ngày những cái gương kia lại làm vỡ lở mọi chuyện...
- Còn tôi thì sáng nào cũng lục túi, lấy cắp tiền trong ví ông ấy... Sáng nào cũng thế... Lúc ông ấy còn đang ngủ... Đến bây giờ ông ấy vẫn chưa hay biết gì. Nhưng ngày mai thì thôi... ông ấy sẽ biết hết.
Ngài Hátgi Ôxman cứ lẩm bẩm một mình:
- Lẽ ra mình không nên dan díu với con hầu gái ấy. Mẹ kiếp! Đúng là ma dẫn lối quỷ đưa đường!...
Những tiếng kêu "trời" vang lên mỗi lúc một to. Sau đó không khí trong phòng lại im lìm như chết.
Bỗng giọng nói ồm ồm của bác sĩ Sakháp phát tan bầu không khí im lặng:
- Thưa các vị, chả lẽ các vị vẫn chưa tin rằng cái phát minh mới này, cái thứ gương kỳ diệu này sẽ làm tan vỡ hạnh phúc của chúng ta hay sao?
- Không, không... Đúng là những cái gương này sẽ giết tất cả bọn ta!
Viên bác sĩ nói tiếp, dằn từng chữ:
- Thế là rõ rồi! Những chiếc gương bị tia sáng nguyên tử chiếu vào sẽ phá vỡ hết trật tự xã hội.
Khắp phòng lại nhao nhao cả lên:
- Đúng thế! Nhưng chúng ta biết làm gì được!?
- Đối phó cách nào bây giờ?
- Có cách gì cứu vãn được không nhỉ?
Ông bác sĩ tuyên bố:
- Chỉ có một cách thôi, là phải đập vỡ hết các tâm gương đi!
Ngài Mêđêni đế thêm:
- Thế chưa chắc, phải nghiền vụn chúng ra mới được!
Cô thư ký có đôi mắt hạt nhãn, có giọng nói thỏ thẻ, cũng lên tiếng:
- Phải cho vào cối mà giã thành bột ấy!
Rồi khách khứa giải tán ai về nhà nấy.
Suốt đêm hôm đó trong thành phố đâu đâu cũng vang lên tiếng kính vỡ. Người ta thi nhau bỏ gương vào cối mà giã.
Sáng ra những người phu hốt rác sửng sốt trước một cảnh tượng chưa từng thấy: khắp nơi chà nào cũng ngổn ngang những đống gương vỡ, phố xá thì tràn ngập bụi kính.
Đúng 9h sáng, giọng người phát thanh viên vang lên trong tiếng nhạc:
"Xin quý vị lưu ý: Loại gương soi tốt nhất thế giới là gương mang nhãn hiệu "Kỳ diệu". Dùng gương này quý vị có thể nhìn thấy ảnh của mình chỉ những lúc nào quý vị soi vào nó mà thôi! Xin quý vị nhớ cho nhãn hiệu của nó là "kỳ diệu"... Gương "kỳ diệu"..."
Trong vòng một ngày chủ hãng gương "Kỳ diệu" đã trở thành triệu phú!
Cơn ác mộng
Đài phát thanh Xtămbun đã chấm dứt chương trình phát thanh. Nghĩa là lại hết một ngày cũ bắt đầu một ngày mới. Đêm nay tôi có bao nhiêu việc phải làm: phải viết xong hai truyện ngắn, một bài châm biếm và trả lời thư yêu cầu của một tạp chí. Những thứ này sáng mai là họ lấy. Ngoài ra còn phải đọc ba tạp chí do nhà bưu điện đưa đến và một cuốn sách mỏng nữa. Nhưng cuối cùng tôi chỉ viết xong có mỗi một truyện ngắn. Vì hôm nay tôi thấy trong người mệt mỏi quá.
Tôi đã sắp sẵn một xếp giấy để viết truyện ngắn thứ hai, nhưng ý tưởng bay đi đâu hết cả. Tôi giở lại cuốn sổ tay, hy vọng có thể tìm ra một ý nào đó trong những mẫu ghi chép cũ, nhưng cũng chẳng ăn thua. Không có ý nào có thể phát triển thành truyện ngắn được.
Tôi bỗng cảm thấy đói. Cái bệnh tôi nó như vậy. Nghĩa là cứ khi nào không viết lách gì được, là y như lại nghĩ đến chuyện ăn uống hay một chuyện linh tinh gì đó. Tôi leo lên gác. Trong nhà im lặng như tờ. Mọi người đã ngủ cả. Tôi mò xuống bếp. Cơm canh đã nguội ngắt. Ai mà đi hâm được?... Cuối cùng tôi kiếm được đĩa cá sácđin, mấy quả cà chua, một ít mỡ và dăm miếng dưa.
Sau đó tôi lại quay về bàn làm việc, ngồi bóp trán suy nghĩ. "Mình buồn ngủ hay sao thế này?" Tôi nghĩ vậy, rồi dần dần thiếp đi thật. Tôi lại còn nằm mơ nữa. Tôi mơ thấy hình như tôi lạc đến một nước nào xa lạ. Tôi không biết đích xác đó là nước nào. Tôi bước vào một gian phòng rộng mênh mông. Không hiểu các bạn thế nào, chứ tôi thì tôi tin rằng những cái gì thấy trong mơ thì không bao giờ có trong thực cả.
Xung quanh chiếc bàn dài kê ở giữa phòng có nhiều người đang ngồi. Tôi đến đây với một trọng trách. Tôi không biết chính xác tôi đang ở đâu và người ta đang làm gì ở đây, nhưng không dám hỏi, vì sợ người ta cười, bảo tôi là anh ngố, không biết cả chỗ mình đang ở là chỗ nào nữa! Vì thế tôi cứ phải xem mọi vậy xung quanh mà cố tự phán đoán lấy. Có lẽ tôi đang ở Châu Mỹ, nhưng có thể tôi đang ở Châu Âu cũng nên...
Người ta đang hội đàm. Đại biểu nước tôi chỉ có độc mình tôi. Trông người nào cũng bệ vệ.
- Rất hân hạnh được đón tiếp ngài! - Một vị đại biểu nói với tôi.
- Cám ơn các vị! - tôi đáp.
- Ngài sẽ cho chúng tôi được biết tình hình đất nước ngài chứ?
Tôi run quá, nhưng rồi cũng tự động viên: "Có gì mà run! Đây chỉ là mơ thôi mà!" Nhưng mơ thì mơ, chứ nhỡ ra...
- Vâng. Tôi sẵn sàng kể cho các vị nghe tất cả những gì tôi biết.
- Nước ngài đang ở tình trạng chậm tiến có phải không? - người ta hỏi.
Tôi bỗng thấy ngột thở. Lạy thánh Ala! Tôi biết trả lời với họ thế nào bây giờ? Nếu tôi bảo: "Vâng. Tôi ở nước chậm tiến đến!" thì có nghĩa là tôi tự thóa mạ nước tôi trước mặt các quan khách quốc tế. Và theo luật hình, như thế tôi sẽ bị khép vào tội khinh quốc thể. Nhưng nếu bảo: "Không phải. Sao lại chậm tiến? Nước tôi tiến ghê gớm ấy chứ lại!" thì hóa ra tôi nói dối! Nhưng thôi. Thà nói dối còn hơn bị kết tội khinh quốc thể. Nói dối thì chẳng bị tội gì cả.
Tôi bèn hét lên:
- Ai bảo các ngài thế? Đó là điều bịa đặt và xuyên tạc, thưa các vị! Xin các vị chớ quên rằng chúng tôi có rất nhiều kẻ thù. Chúng luôn luôn tìm cách tuyên truyền nói xấu chúng tôi.
Mọi người há hốc mồm kinh ngạc.
- Nghĩa là chúng tôi đã nhận được một thông tin không chính xác?... Một người nào đó nói, nhấn mạnh từng chữ.
- Vâng, tất nhiên rồi!
- Chúng tôi hiểu. Các ngài là dân tộc rất tự trọng, nên khi người ta gọi các ngài là "chậm tiến" thì các ngài tức giận. Nếu vậy, chúng tôi sẽ không dùng cái tên ấy nữa, mà sẽ thay bằng mấy chữ "chậm phát triển". Như vậy chắc ngài thấy ổn chứ?
- Không! Như thế cũng không được! Chúng tôi không phải là những người chậm phát triển, mà trái lại, chúng tôi là những người rất, rất chi là phát triển!!
Một lần nữa, mọi người lại sửng sốt, quay sang xì xào với nhau.
- Thế hiện nay ở nước ngài còn nhiều thành phố chưa có điện không?
Nếu tôi bảo còn, thì rõ ràng tôi tự bôi nhọ nước tôi. Chà! Quỷ bắt tất cả các người đi!
- Không! ở nước chúng tôi, từ các thành phố lớn cho đến các làng mạc xa xôi hẻo lảnh, nơi nào cũng có điện hết!
- Hoan hô!... Hoan hô!... Tuyệt thật!
- Nhưng nghe nói giá điện bên nước ngài đắt lắm thì phải? Bao nhiêu tiền 1 kw nhỉ?
- Cái gì? Điện ấy à? Điện bên chúng tôi đắt ấy à? Nhưng bên nước tôi điện có mất tiền đâu!... Không mất tí nào cả! Lại còn mất tiền điện nữa có mà chết!
- Tuyệt quá nhỉ!... Trứ danh thật!...
Tôi hả hê lắm: tôi đã khéo giới thiệu nước tôi với quan khách quốc tế. Ước gì báo chí đăng lại những lời phát biểu của tôi để đồng bào tôi thấy được tôi đã biết cách tuyên truyền có lợi cho đất nước như thế nào!
- Người ta đồn rằng tiền nhà bên nước ngài rất cao. Nhà cửa thì khan hiếm... Một người dân trung lưu phải mất đến nửa số thu nhập vào tiền nhà. Phải thế không?
Một tiếng nói bên trong thúc giục tôi: "Nói đi! Nói hết sự thật đi!" Tôi bảo nó: "Tôi sợ lắm! Mọi người sẽ phản đối tôi". Giọng nói vẫn năn nỉ: "Sợ gì! Đây chỉ là mơ thôi mà! Họ có thấy giấc mơ của anh đâu. Họ có biết đâu những điều anh nói! Cứ nói hết sự thật đi."
Mồ hôi tôi vã ra như tắm. Tôi lấy khăn lau trán, rồi cười lớn:
- Hahaha!... Té ra các vị hình dung nước tôi như vậy đấy! Tôi không thể phát biểu gì thêm về chuyện này. Chỉ cần chúc cho cái bọn độc mồm độc miệng chết quách đi cho rồi! Dân nước tôi không hề biết thế nào là nhà cửa khó khăn cả! Các vị nghe rõ chưa? Cũng như ở tất cả các nước văn minh, chúng tôi được sống trong những ngôi nhà rất đẹp, tiện nghi đầy đủ, mà chỉ mất có 10% thu nhập thôi!
- Thế còn các công chức?
- Các công chức thì được phân nhà tùy theo số người trong gia đình. Nói chung là họ được ở rất rộng rãi, và tiền nhà phải trả rất ít, đến mức gần như là được cho không.
- Nghe nói bên nước ngài, những người chủ nhà không cho các gia đình có con thuê nhà có phải không?
- Hahaha! Láo toét! Ai nói với các vị thế? Bên chúng tôi người thuê nhà thậm chí không biết mặt mũi chủ nhà là ai cả. Chỉ biết mỗi cái gọi là Hội đồng nhà cửa thuộc Tòa thị chính thôi! Khi nào cần nhà, người ta chỉ việc đến đó mà nó đại khái như: "Tôi cần một căn nhà năm buồng. Nhà tắm có lát gạch men xanh, chứ màu hồng thì không thích hợp. Vì màu hồng ảnh hưởng đến thần kinh vợ tôi.
- Chà! Nước thế mới gọi là nước chứ! - các đại biểu trầm trồ thán phục - Hoan hô! Hoan hô nước ngài!
Tôi được thể càng ra sức khoe khoang tâng bốc nước tôi.
- Nhưng nghe đâu đời sống bên nước ngài khó khăn lắm thì phải. Những người lương thấp sống rất thiếu thốn. Ngay tầng lớp trung lưu cũng thế?
- Lại còn có chuyện thế nữa kia đấy! Thưa các vị, các vị nhớ cho rằng dân nước tôi mà sống khó khăn thiếu thốn, thì đó chỉ là theo giọng lưỡi của báo chí nước ngoài mà thôi. Đồng bào chúng tôi rất nhân đạo, nên hết sức thông cảm với những người nghèo khổ. Dân nước tôi không hề biết đến những khó khăn về đời sống, và nói chung là họ không biết đến bất cứ khó khăn gì! Cầu thánh Ala cho đồng bào tôi đừng bao giờ biết đến những chuyện đó! Còn tầng lớp trung lưu ở nước tôi sống rất hạnh phúc. Họ có nhờ tôi chuyển đến các vị lơi chào đặc biệt. Họ còn dặn tôi khi đến đây phải cải chính các tin đồn nhảm mà các vị nghe phải.
- Thế còn các vấn đề như nạn thất nghiệp, điều kiện lao động vất vả và lương công nhật thấp kém thì sao?
- Trời ơi các vị! - tôi kêu lên - Các vị muốn tin ai? Tôi hay những lời đồn nhảm nhí linh tinh?
- Tất nhiên chúng tôi tin ngài.
- Nếu vậy các vị hãy nghe đây: Trước hết tôi xin nói về công nhân: Công nhân bên nước chúng tôi sống rất sung sướng, các vị có hiểu không? Tôi không biết có nước nào công nhân được hưởng lương cao như công nhân nước tôi không? Tôi chắc là không! Không có nước nào cả! Lương công nhân nước tôi cao đến nỗi họ không biết tiêu gì cho hết. Tôi xin tiết lộ với các vị một điều bí mật: nếu người công nhân của chúng tôi tích lại số tiền thừa của mình, thì chỉ trong một tháng anh ta có thể xây được cả một nhà máy! Nhưng anh ta cần nhà máy làm quái gì? Cái gì anh ta cũng có đủ rồi.
- Chà! Chà!... Thế mới gọi là nước chứ!
Ôi! Giá hãng thông tin quốc gia biết được chuyện tôi ca tụng nước tôi và đưa tin cho tất cả mọi người biết về giấc mơ này của tôi thì hay biết chừng nào!
- Thế vấn đề giáo dục ở bên ngài ra sao? Người ta bảo 80% dân số nước ngài còn mù chữ có đúng không?
- Bậy! ở nước tôi ai cũng biết đọc biết viết hết! Mà còn biết nhiều đến nỗi người ta chán không muốn đọc muốn viết nữa. Tôi đố cá vị tìm thấy ở nước tôi một người nào mù chữ đấy! Các giáo sư, nhà báo, nhà văn của chúng tôi hoặc là làm nghề viết, hoặc làm nghề đọc. Số người làm được cả hai nghề tuy không nhiều lắm, nhưng văn sĩ và độc giả ở bên tôi cứ gọi là vô thiên lủng! Trường học ở nước tôi nhiều đến nỗi muốn làm đường sá mới thì phải phá bớt trường đi mới có chỗ mà làm. Còn giáo viên thì không đếm xiết được! Đi đâu cũng gặp toàn giáo viên là giáo viên!
- Thế sao bảo các ngài phải xin nước ngoài viện trợ cho các tấm lều bạt để làm lớp học?
- Haha! Đó là chúng tôi nói đùa thế thôi! Vì không muốn để các nước khác biết sự hùng mạnh của chúng tôi, nên chúng tôi phải vờ làm ra vẻ thiếu trường học.
- Tôi thấy hình như không phải thế! - Một vị đại biểu đứng phắt dậy - Tôi có đọc báo của các ngài. Trong những bài châm biếm của ngài, tôi thấy ngài luôn luôn kêu về nạn thiếu trường sở và thiếu giáo viên.
Tôi cười lớn:
- Hahaha! Thế mà các ngài cũng tin là thật ư? Tôi viết thế chẳng qua cốt tạo ra cái chuyện trái ngược mà thôi! Vì dân nước tôi rất thích những chuyện ngược đời. Nếu viết rằng mọi chuyện đều tốt đẹp cả thì họ lại không thích. Vì thế muốn tạo ra những chuyện trái ngược, tôi phải viết rằng ở nước tôi thiếu trường học vân vân... Có thế họ mới mua báo. Nhưng đó là cách tuyên truyền trong nước thôi, còn tuyên truyền ra nước ngoài thì lại khác...
- Nghe nói bên nước ngài đường sá mở mang cũng chậm lắm thì phải. Những con đường hiện có thì rất tồi!
Tôi đã ngán ba hoa lắm rồi, nên đứng dậy bảo:
- Thôi đủ rồi, tôi phải đi đây!
- Đi đâu? Ngài không thể đi đâu cả, vì ngài đang nằm mơ kia mà!
Nghĩa là họ cũng biết đây là một giấc mơ!
- Thôi, các ngài buông ra để tôi đi!
- Nhưng ngài định đi đâu?
- Về nước tôi chứ còn đi đâu?
Tôi định tiến ra cửa, nhưng bị mọi người chặn lại, dồn vào góc phòng.
- Buông tôi ra! - tôi hét lên.
- Ngài đang nằm mơ, ngài không thể đi đâu cả.
Các bạn đã từng gặp những cơn ác mộng nên chắc biết: trong cơn mộng mị, lúc sợ quá, bạn định bỏ chạy, nhưng chân bỗng ríu lại, muốn thét thật to lên, nhưng tiếng tự nhiên mất hẳn. Lúc này chính tôi cũng đang ở trong tình trạng như thế. Tôi muốn bỏ chạy mà chân không sao cử động nổi.
- Chúng tôi muốn hỏi ngày một câu nữa - Một người khác đứng dậy bảo - ở nước các ngài có tự do hay không?
Sợ quá, tự nhiên tôi nói không thành tiếng nữa.
- Hừm... hừm... hừm... - tôi cứ ú a ú ớ. Tiếng nói bị tắt trong họng.
- Ngài nói đi chứ! ở nước ngài có tự do hay không?
Tôi tự khích lệ: "Có quái gì mà sợ! Dù sao đây cũng chỉ là mơ thôi. Ta chẳng sợ ai hết." Nhưng sao tôi vẫn thấy run quá. Giọng nói bên trong lại thì thầm giục tôi: "Đúng rồi! Đây chỉ là giấc mơ thôi!"
- Nói đi! Nói đi! Có tự do ở nước ngài hay không? - mọi người lại nhao nhao giục tôi.
Cuối cùng tôi cũng lấy lại được tiếng nói. Tôi lắp ba lắp bắp:
- Có!... Có nhiều... Nhiều lắm!....
- Mọi thứ tự do đều có chứ?
- Các ngài muốn hỏi những thứ tự do gì?
- Tự do báo chí chẳng hạn!
- Ồ, cái đó tất nhiên là có rồi! Tự do gì chúng tôi cũng có hết! Chúng tôi có đủ các thứ tự do. Cả tự do báo chí nữa! Muốn bao nhiêu cũng có. Nhưng thôi, các ngài cho tôi đi đi!
- Nghĩa là ở nước ngài có đủ các thứ tự do?
- Tôi đã trả lời rồi mà: Có đủ hết!
- Tốt lắm! Nhưng nghe nói luật báo chí cũ ở nước ngài vẫn còn có hiệu lực. Thế thì đó là cái tự do gì?
Đến phải biến thành hơi nước thì mới thoát khỏi tay họ được! Trong giấc mơ, người ta thường hay bay. Tôi giang hai tay như đôi cánh định bay, nhưng bị cái gì như cục chì giữ chân lại, không sao rời khỏi mặt đất được. Chắc tại tôi ăn no quá nên nặng bụng, chứ không thì tôi đã bay bổng như chim rồi!
- Thế nào? Có đúng là luật báo chí cũ vẫn còn hiệu lực không? Ngài trả lời đi!
- Ừ, đúng là vẫn còn cái luật ấy đấy! Nhưng việc gì đến các ông nào! Cái luật ấy còn, nhưng chúng tôi không áp dụng... Cũng như chúng tôi vẫn còn giữ những khẩu đại bác mà Phatích đã dùng chiếm lại Xtămbun, nhưng chúng không bắn được nữa. Thế thì sao? Chả lẽ cũng phải phá đi à? Sở dĩ chúng tôi cố ý không thay luật báo chí phản dân chủ cũ, chẳng qua là muốn để nhắc nhở mọi người rằng họ đã từng phải sống một thời kỳ nghẹt thở như thế đấy! Nhưng bây giờ chúng tôi đã có tự do báo chí và nhiều thứ tự do khác nữa. Tự do ở nước chúng tôi nhiều đến mức người ta không biết dùng chúng làm gì nữa!
Thế còn tình hình kinh tế? Nghe nói ngân sách của các ngài bị thiếu hụt nhiều phải không? Xin ngài cho biết ý kiến về vấn đề này.
Tôi lại bắt đầu vã mồ hôi. Biết trả lời thế nào bây giờ đây, lạy thánh Ala?
- Chả lẽ tôi cứ mơ mãi, không bao giờ tỉnh lại hay sao? - tôi kêu lên tuyệt vọng.
- Nếu ngài không nói thật thì không bao giờ ngài tỉnh lại được đâu!
Nhưng nói thật thì tôi lại bị mang tội nói xấu Tổ quốc mất! Ôi, sao mà khó xử thế này hả trời!
- Tình hình kinh tế nước tôi không đến nỗi tồi tệ như các vị tưởng đâu. ý tôi muốn nói là nó... rất... tốt đẹp, rất rực rỡ. Rực rỡ đến nỗi có thể làm người ta lóa mắt!... Còn ngân sách thì lúc nào cũng rất thăng bằng.
Tôi còn định nói nhiều nữa, nhưng bị mọi người ngắt lời.
- Thôi được rồi! - Một vị ngồi dự nói - Chúng tôi mời ngài đến đây cốt để ngài cho biết rõ sự thật, để nếu thấy cần thiết, thì tổ chức quốc tế sẽ giúp đỡ các ngài, chẳng hạn ưng cấp vốn, hoặc cho ngài vay tiền... Nhưng vì tất cả mọi thứ ở nước ngài đều tốt đẹp cả, nên chúng tôi thấy không cần phải giúp đỡ gì nữa. Thôi xin chúc ngài mọi điều may mắn. Tạm biệt ngài.
Đến lúc này tôi mới chợt tỉnh và hiểu ra rằng hoá ra người ta phái tôi đến đây là để xin viện trợ của nước ngoài.
- Tốt quá! Nhưng sao các ngài không cho tôi biết trước? Nếu biết trước, có phải tôi đã tuyên truyền nước tôi theo cách khác rồi không?
- Thôi xin chào ngài!
Tôi khóc nức lên vì đau xót. Thì các bạn cứ nghĩ xem. Giá tôi dám nói hết sự thật, thì có phải nước tôi đã nhận được trợ giúp của các nước rồi không? Thế nhưng tôi lại sợ nếu nói thật thì sẽ bị kết tội nói xấu quốc gia. Thế là tôi đã bỏ lỡ một dịp may hiếm có!
Tiếng khóc làm tôi bừng tỉnh. Trời vẫn chưa sáng.
Tôi bật đèn lên. Đúng là trong mơ tôi đã khóc thật. Tôi lau những giọt nước mắt, rồi ngồi ghi ngay lại cơn ác mộng này.
Chả lẽ đêm cứ tối mãi và trời không bao giờ sáng được hay sao?
Những người thích đùa
Chiếc ô tô buýt chật ních người. Nhưng giữa đám người chen chúc ấy vẫn nổi bật lên một vị khách mà thoáng trông cũng biết ngay là đi nhầm xe. Chỗ của ông ta lẽ ra là trong xe cấp cứu mới phải. Vì tay trái ông ta bị buộc treo lên vai bằng một dây vải trắng, đầu thì băng bó chằng chịt, một mắt thì sưng húp lên, còn mắt kia thì thâm tím khắp xung quanh. một tay bám lấy thanh vịn, ông khách vừa có xoay xở tìm cách đứng cho thuận tiện, vừa rên rỉ luôn miệng. Thấy vậy, một hành khách đang ngồi tỏ ý thương hại, đứng dậy nhường chỗ cho ông ta.
- Cám ơn ông! - ông khách mình đầy thương tích rên rỉ nói.
- Ủa! Bác Xenman đấy à? Thế mà tôi không nhận ra! - người khách vừa đứng dậy nhường chỗ kêu lên - Bác bị làm sao thế này? Đứa nào đánh bác hay sao mà mặt mày thâm tím hết cả lên thế kia?
- Bác Xaraphettin đấy à? Chào bác! Chà, bác hỏi làm gì cho tôi thêm buồn... Cái thân hình tôi nó thế này đã hai tháng nay rồi...
- Rõ khổ! Thế nhưng bác làm sao vậy?
- Lạy Chúa! Xin người thương xót con! Con hoàn toàn kiệt sức mất rồi...
- Thế các đốc tờ bảo thế nào ạ? Bác bị bệnh gì vậy?
- Ôi dào! Đốc tờ mà làm quái gì! Đốc tờ cũng chả chữa được bệnh của tôi... Lạy thánh Ala! Sao người lại bắt con chịu cái cực hình như thế này! Mà lại không bắt các kẻ thù của con phải chịu!... Ôi, khắp người tôi đau như dần, đến chân tay cũng không cử động nổi nữa!
- Nhưng dù sao bác cũng phải đi bệnh viện cho đốc tờ họ khám xem thế nào chứ!
- Bệnh viện gì! Đến nhà thương điên thì có! Chẳng giấu gì bác, tôi bị mắc một cái bệnh truyền nhiễm!...
Nghe nói thế, Xaraphettin bỗng lùi hẳn người lại.
- Chết! Thế sao bác còn đi ra phố làm gì?
- Chao ôi! Nói thì dễ đấy, nhưng nào có ngồi nhà được cho cam! Tôi bị lây cái bệnh thằng con tôi mất rồi...
- Thế cậu nhà cũng bị ạ?
- Nó còn bị nặng bằng mấy tôi ấy chứ! Bệnh của nó đã thành mãn tính rồi. Tôi bây giờ cũng vậy. Có mỗi cái trường phổ thông mà nó không làm sao tốt nghiệp được! Năm lớp 9 đã bị đúp rồi, lên lớp 10 cũng lại thế nốt! Mà cũng chỉ tại cái trò bóng bánh chết tiệt! Đã bao nhiêu lần tôi lạy van nó, bảo: "Mày quăng ngay cái trò bóng bánh khốn nạn ấy đi cho tao!" Nhưng nó lại trả lời tôi: "Con không quăng được!". Nó tự hủy hoại cái thân xác nó thật là ghê gớm. Đến nỗi tôi với mẹ nó không còn dám nghĩ đến chuyện mong cho nó học giỏi nữa, mà chỉ lo làm sao cứu vãn lấy tính mạng của nó mà thôi! Mỗi lần đi đá bóng về trong nó cứ như vừa đi đánh giặc vậy! Đội ơn thánh Ala! Bây giờ nó đã bị gãy chân trái rồi, nên không đá bóng được nữa. Thấy nó bị gãy chân, tôi sung sướng quá, vì không thế thì thể nào có ngày nó cũng bị người ta đánh chết. Ôi, xin Chúa hãy tha thứ cho chúng con! Tôi và mẹ nó thường bảo: "Thôi cho nó gãy chân cũng được! Chỉ cốt sao nó thoát khỏi cái bệnh truyền nhiễm ấy mà còn sống là mày rồi!" Nhưng từ khi bị gãy chân, nó lại quay sang mê xem đá bóng quá thể! Hôm nào có đá bóng thì có trời mà giữ được nó ở nhà! Đá ở đâu nó cũng mò đi xem cho bằng được. Đá ở Ăngcara là nó nhảy đi Ăngcara, đá ở Iđơmia là nó tếch đi Iđơmia! Nhưng cái chuyện nó cứ đi đi về về như con thoi ấy cũng chưa hẳn là nhục! Nhục nhất là mỗi lần đi về trông nó lại phờ phạc không còn ra hồn người nữa! Chân đứng không vững, giọng thì khản đặc lại! Có đến hàng bao nhiêu lần tôi bảo nó, là đừng có la hét như điên ấy cho nó khản tiếng ra. Nhưng nó bảo tôi: "Bố chỉ được cái ngồi nhà mà nói! Bố cứ thử ra sân mà không la hét xem nào!"... Có hôm nó đi xem về thế nào mà đầu vỡ toác ra, còn hôm khác thì mũi bị giập nát và mắt thì sưng húp lên. Giá bảo nó còn đá bóng như hồi xưa mà bị như thế thì khả dĩ còn hiểu được, chứ đằng này nó chỉ xem người ta đá thôi cơ mà!... Nhưng nó lại cãi: "Ai đi xem mà chẳng phải đánh nhau! Bố cứ thử ra đấy mà ngồi im xem nào!" Có lần chúng tôi phải đến bốt cảnh sát để nhận nó về. Những người đi xem đá bóng đánh nhau dữ quá, cảnh sát phải giải tất cả về bốt. Có đến hai lần chúng tôi phải khiêng nó từ xe cấp cứu xuống!
"Trời ơi! Sao con không thương xót lấy cái thân con một chút, mà lại đi hủy hoại nó thế hở con?", tôi nói với nó như vậy. Nhưng nó bảo rằng tuy cũng biết thế, nhưng nó không làm thế nào được! Nghe nó trả lời như vậy mà tôi thấy điên tiết! Tôi bèn bảo nó: "Thôi được! Hôm nào mày dẫn tao đi với mày để tao xem cái trò bóng bánh của mày nó như thế nào?"
Và thế là tôi đi với nó đến sân vận động Mitkhatpasa. Trận đấu bắt đầu. Lẽ cố nhiên, lúc bắt đầu tôi chưa cổ vũ cho đội nào cả. Đội nào thắng hay thua đối với tôi cũng thế cả thôi. Tôi cứ ngồi quan sát khán giả và cười một mình. Bất ngờ, có một quả sút vào lưới y như một mũi tên. Cú sút thật là tuyệt vời! Chính mắt tôi được nhìn thấy! Nhưng lão trọng tài ăn gian không cho tính điểm. Tôi tức không chịu được. Thấy mọi người "ê" trọng tài, tôi cũng bắt chước "ê!... ê!..." rõ to. Bỗng tôi nghe thấy có ai bảo trọng tài không cho ăn quả ấy là đúng. "Không đúng! - tôi cãi lại - Quả ấy sút rất đẹp! Nhưng trọng tài ăn gian! Đúng là lão ta ăn đút lót rồi!" Gã kia bảo tôi: "Đồ con lợn! Mày có biết có những cú sút như thế nào không hả?" Tôi bảo hắn rằng bố hắn là đồ con lợn thì có! Vì mới đi xem lần đầu, nên tôi đâu có biết tính tình của cái dân ham mê đá bóng. Thế là chưa kịp nói hết câu, tôi đã bị hắn thoi cho một quả bằng trời giáng, ngã quay ra đất. May mà có những người ngồi bên cạnh can được, chứ không thì tôi đã no đòn với thằng cha ấy rồi! Còn ông con tôi thấy tôi bị đánh cũng chả thèm để ý gì cả, cứ mải xem và luôn mồm kêu: "Xem kìa! Sắp tung lưới nữa đây này!"
Kể từ lúc đó, cái đội mà tôi bị ăn đòn vì nó, bỗng trở thành cái đội yêu mến của tôi. Bây giờ mỗi khi bóng đến chân các cầu thủ đội này là tôi không ngồi im được nữa. Tay tôi bắt đầu vung lên, như chuẩn bị đánh nhau vậy. Còn chân thì đá tứ tung không còn biết vào đâu nữa. Giá lúc này bóng mà rơi vào chân tôi, thì có lẽ nó phải bắt tít lên tận mặt trăng chứ chả chơi! Vung vẩy chân thế nào, tôi đá bốp một cái vào giữa lưng cái ông ngồi trước. "ấy chết, xin lỗi bác!" Tôi vội nói, nhưng ông ta đáp lại với cái giọng của một người hiểu biết: "Không hề gì! Chuyện ấy là thường!". Một lúc sau thì chính tôi lại bị một cú đá vào lưng nảy đom đóm mắt. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng ở trên sân vận động thì không cái gì là không thể xảy ra được!
Những cú đấm, cú đá cú huých từ bốn phía cứ thế thỉnh thoảng lại giáng vào đầu, vào lưng. Nhưng cũng chẳng ai thèm để ý làm gì! ấy là lúc mọi người đã ham xem quá mất rồi! Bóng ở tít tận ngoài sân cỏ, mà mình ngồi đây, cứ anh bên cạnh mà sút thật lực. Mà lạ cái lúc ấy cũng chẳng ai thấy đau cả. Sau đó... bác Xaraphettin ạ, đội của tôi lại sút tung lưới một quả nữa, nhưng thằng cha trọng tài lại không cho ăn. Lần này thì tôi không còn nhịn được nữa. "Đuổi cổ trọng tài ra sân!" Tôi gào lên như điên, không còn biết gì đến xung quanh nữa! Chân tay tôi run cả lên. Bên cạnh tôi là một ông bán nước chanh. Tôi cứ vớ lấy những chai nước của ông ta mà ném vào lão trọng tài. May mà đó là những chai nước chanh, chứ không phải lựu đạn!... Chẳng ai còn buồn nhìn ra sân cỏ nữa, người nào cũng quay sang choảng nhau loạn xạ. Tôi túm được cổ một thằng bé và cứ thế bóp làm nó suýt nghẹt thở. Thatạ đúng vô tình mình có thể trở thành kẻ giết người là vì thế! Khốn nạn cho thằng bé, nó cứ gào lên, bảo rằng cũng ủng hộ cái đội của tôi. Tôi vừa buông thằng b ra thì có một thằng cha cao lêu đêu bỗng vật ngửa tôi ra mà đè lấy đè để. Tôi kêu to gọi thằng con tôi, nhưng cái thằng giời đánh còn đang mải nện nhau với lão trọng tài ở trên sân. Tôi gọi cảnh sát, nhưng cảnh sát cũng đang choảng nhau. Cả khán giả lẫn cầu thủ cũng đang đám đá nhau túi bụi. Thôi được, để tôi hỏi cái thằng cha đang đè lên người tôi xem hắn cổ vũ cho đội nào? Té ra hắn cũng cổ vũ cho đội của tôi! Phải khó khăn lắm tôi mới thoát khỏi đôi chân gọng kìm của hắn, vì hắn ghì tôi chặt quá, sợ để tôi thoát ra thì không tìm được ai để đánh.
Mãi một lúc sau, mọi người mới trở về trật tự, và trận đấu mới lại tiếp tục được. Để cổ vũ các đấu thủ, bây giờ, bắt chước mọi người, tôi cũng bắt hét to: "Hoan hô! Hoan hô!" Hét được một lúc thì giọng tôi khản đặc lại. Tôi bèn quay sang gõ vào cái hộp sắt tây của ông ngồi đằng trước. Ông này mang cái hộp đi cũng là để cổ vũ các cầu thủ. Nhưng đến khi trên sân hai cầu thủ bỗng xông vào nhau đấm đá túi bụi, thì cảnh tượng mới thật là hỗn loạn. Tôi bị một thằng cha nào đó tung bổng lên cao. Thú thật, chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể bay cao đến thế! Sau đó... sau đó thế nào thì tôi không hay biết gì nữa! Chỉ biết lúc tỉnh lại thì đã thấy mình đang nằm trong nhà thương.
- Thế là suốt từ hôm đó bác vẫn chưa bình phục được? -Xaraphettin hỏi.
- Vâng, vì đến chủ nhật sau tôi lại đến sân vận động. Chả là đội của tôi chơi mà! Làm sao mà ngồi nhà được! Nói thì dễ đấy, nhưng hôm ấy cứ thử ngồi nhà xem có được không? Có mà lấy dây thừng trói chân anh lại, thì anh vẫn cứ chuồn đi được! Ôi, sao mà người tôi đau thế này!...
Bỗng từ cánh tay băng bó của Xenman có một vật gì rơi ra.
- À, cái hộp sắt tây đấy mà! Để tôi gõ vào nó khi nào không thể gào được nữa - Xenman cắt nghĩa cho tôi, khi tôi nhặt chiếc hộp đưa cho bác ta.
Ô tô dừng lại, Xenman đứng dậy, rên rỉ nói:
- Thôi chào bác, bác Xaraphettin!
- Không dám, chào bác! Bây giờ bác đến khám đốc tờ chứ?
- Ấy chết! Trận hôm nay mà bỏ thế nào được! Chà! Lạy Chúa! Chỉ mong sao cho tôi đừng đến muộn!.
Anh lính Mêmét làng Êmét
Năm 1937 tôi hãy còn là một thiến niên hiên ngang oai hùng lắm. một ngày kia, tôi phải mang theo một số tiền lớn lên đường nhập ngũ. Thôi, thế là vĩnh biệt chuỗi ngày vui vẻ hồn nhiên rong chơi ngoài phố với chiếc áo phanh ngực bay phất phơ theo gió! Tôi phải thay đôi giày ngắn cổ xinh xắn, đánh xi bóng lộn bằng đôi ủng to tướng sực mùi da thô và đeo chiếc dây lưng to bự.
Nhập ngũ được hai tháng, thì bữa kia, đơn vị tôi được tin sẽ có đoàn thanh tra xuống kiểm tra.
- Đích thân ngài Tổng chỉ huy sẽ xuống kiểm tra đấy! - viên chỉ huy đại đội căn dặn các sĩ quan trẻ chúng tôi - Việc đầu tiên của ngài bao giờ cũng là bắt các sĩ quan đọc tên chiến sĩ, còn chiến sĩ thì đọc tên sĩ quan.
Các sĩ quan chúng tôi ai nấy hoảng hốt, triệu tập ngay binh sĩ, bắt họ phải học thuộc những điểm ghi trong giấy khai sinh và họ tên các sĩ quan của mình.
Lần ấy, cũng như mọi năm, ngài Tổng chỉ huy đến rất đúng giờ. Ngài cho dừng xe cạnh một đại đội và hỏi ngay người lính đầu tiên ngài gặp tên tuổi, quê quán anh ta, sau đó ra lệnh cho anh ta kể tên các cấp chỉ huy của mình, từ tiểu đội đến trung đội, đại đội... Anh lính nọ đang kể rất trơn tru, bỗng dưng tắc tị, đứng ngây ra như phỗng. Ngài Tổng chỉ huy giận lắm, nói dằn từng chữ:
- Người lính không thuộc hết tên các sĩ quan của mình thì không thể gọi là người lính!
Nói đoạn, ngài lên xe đi thẳng, không thèm kiểm tra nữa.
Viên sĩ quan quân nhu trung đoàn chúng tôi có kể một câu chuyện như sau:
- Thật đến khổ vì những lần kiểm tra ấy! Hồi tôi còn là trung úy, tôi cũng phải cố tìm cách học thuộc tên các binh sĩ của đại đội tôi. Thậm chí tôi phải đóng một quyển sổ riêng, ghi tên tuổi và đặc điểm của từng người vào đấy để học. Chẳng hạn, Acmét Bôilơ, da ngăm ngăm đen, mũi tẹt. Ali Mectôgly, mắt xanh... Các binh sĩ thì suốt ngày ngồi nhẩm tên các sĩ quan, như tụng kinh vậy. Riêng có anh chàng Mêmét làng Êmét là tôi dạy thế nào anh ta cũng không thuộc được. Anh chàng này là người thôn quê, cả đời chẳng bao giờ ra khỏi làng. Mà tiếng là sống ở làng, hắn cũng ít khi có mặt ở làng lắm. Hắn phải đi chăn súc vật, nên suốt ngày chỉ quanh quẩn trên núi. Mãi đến ngày bị gọi đi lính, hắn mới biết mặt mũi thế nào là tỉnh. Tính tình hắn rất hay. Lúc nào hắn cười, trông chất phác dễ thương lạ. Thế nhưng sức khoẻ hắn thì ít ai bì kịp! Hắn cao 1 thước 9. Khẩu liên thanh nằm trên vai hắn trông cứ nhẹ tênh! Cái gì ở thành phố đối với hắn cũng đều mới lạ, nên cái gì hắn cũng muốn biết. Trí nhớ hắn không nhanh, nhưng được cái đã nhớ, thì chắc như đóng đinh. Hắn có thể nhắm mắt lắp xong khẩu liên thanh trong đúng có 7'. Có lần tôi theo dõi đồng hồ mà! Suốt ngày hắn cứ ôm kè kè khẩu súng, như đứa con gái khư khư con búp bê ấy! Lúc hắn tháo súng ra lau, bàn tay hộ pháp của hắn cầm các bộ phận của súng trông cứ như ta cầm đồ chơi vậy. Các bạn cứ tưởng tượng là bàn tay của hắn to đùng gấp đôi tay tôi!
Thú thực là tôi rất quý Mêmét, một anh chàng rất khá!
Một hôm, có một đô vật nổi tiếng đến chỗ trung đoàn chúng tôi chơi. Anh này trổ tài đấu vật với Mêmét. Vì không có kinh nghiệm đấu, nên Mêmét chỉ tự vệ. Hắn cứ vừa lùi vừa cười như đứa trẻ. Còn anh chàng kia thì cứ nhảy hết bên này sang bên khác, lăm le xông vào chực chộp lấy hắn. Nhưng anh ta cứ nhảy như con choi choi thế suốt một tiếng đồng hồ mà không tài nào quật ngã được Mêmét. Cuối cùng trận đấu phải coi như hòa.
Đã trót kể về Mêmét, nên tôi phải tiếp tục câu chuyện. Vậy là tôi không tài nào làm cho Mêmét nhớ được tên các sĩ quan chỉ huy. Hắn cứ lẫn lộn hết cả! Chỉ huy quân đoàn hay chỉ huy trung đoàn, đại uý hay đại tướng, hắn không làm sao phân biệt được!
- Này chú em, chú ý đây này!... Ta bắt đầu từ binh nhất nhé! Anh ta tên là gì? - tôi hỏi Mêmét. Hắn chớp chớp mắt trông rất tội, cố nghĩ, rồi kêu lên:
- Mếchmét Ali!
- Không phải! Mếchmét Ali là trung sĩ chứ!
- Thưa ngài chỉ huy, tôi không thể nào nhớ được! - hắn nói nghe rất thương hại.
- Thôi được, cố gắng lên một chút, chú em ạ! Bắt đầu lại từ đầu nhé!...
Tôi với Mêmét đánh vật với nhau như thế suốt hai tháng trời mà rốt cuộc vẫn không ăn thua gì cả. Sau tôi phải bắt hắn mỗi ngày học thuộc cho tôi một tên thôi. Chẳng hạn, hôm nay học thuộc tên của vị chỉ huy tiểu đoàn, mai thì tên vị chủ huy trung đoàn... Nhưng chỉ được hai hôm, đến ngày thứ ba thì hắn lại nhầm hết cả! Tôi bắt đầu cáu. Còn hắn, tuy to xác, nhưng những lúc ấy e thẹn như con gái, cứ cúi gầm xuống đất, mặt đỏ bừng.
- Tôi chả biết làm thế nào cả, thưa ngài chỉ huy! - hắn bối rối nói khẽ.
Mà hôm ấy lại đúng hôm trước ngày kiểm tra mới nguy chứ!
- Liệu đấy, Mêmét ạ! Không khéo vì anh mà tôi và cấp trên của tôi bị ngài Tổng chỉ huy sạc cho một trận cũng nên! Tôi không hiểu anh ra giống người gì nữa! Cái đầu anh hình như không phải là đầu, mà là cái rây bột thì đúng hơn. Đổ cái gì vào là lọt đi hết! Vô phúc anh bị ngài Tổng chỉ huy gọi lên thì lúc ấy anh mới biết!
Lúc này tôi đã cáu thực sự.
Sáng hôm sau, đại đội tập hợp rất sớm. Tôi lo đến nỗi không dám nhìn về phía Mêmét nữa. Ô tô của ngài Tổng chỉ huy đã đến rồi! Tôi thấy cửa ô tô mở ra. Vị chỉ huy trung đoàn đứng nghiêm chào, rồi bắt đầu báo cáo. Sau đó lại đứng nghiêm chào... Ngài Tổng chỉ huy bắt đầu đi dọc theo hàng lính. Bỗng ngài dừng lại đúng ngay trước mặt anh Mêmét làng Êmét. Tim tôi như ngừng đập! Tai hoạ sắp giáng xuống đầu tôi rồi đây! Tôi cảm thấy như cả đôi ủng, lẫn chiếc dây lưng và chiếc đai kiếm đều xiết chặt lấy người. Tôi liếc mắt về phía Mêmét. Hình như hắn không có vẻ sợ hãi chút nào. Ngài Tổng chỉ huy nhìn thẳng vào mắt hắn và bảo:
- Anh hãy nhắc lại nội dung bản khai của anh!
- Tôi, Hátxan Mêmét, sinh năm... làng Êmét, quân đoàn 5, Sư đoàn... Trung đoàn... Tiểu đoàn 3, đại đội 2, trung đội 1, tiểu đội 1.
Tôi thầm khấn thánh Ala cho ngài Tổng chỉ huy chóng chuyển sang người khác.
- Tên binh nhất của anh là gì?
- Aili Iuxúp!
- Trung sĩ của anh là ai?
- Ôxman Hưdưa!
- Còn hạ sĩ?
- Haxan Guyntêkin!
- Còn sĩ quan trung đội?
- Huyxên!
- Chỉ huy đại đội?
- Đại uý Mếchmét!...
Anh chàng Mếchmét của tôi hình như quá xúc động. Hắn cứ tuôn ra một tràng hết tên này đến tên khác. Ngài Tổng chỉ huy chưa kịp hỏi, hắn đã trả lời rồi.
- Chỉ huy tiểu đoàn là ai?
- Ngài Ôxman!
- Còn chỉ huy trung đoàn?
Mêmét Êmét trả lời ngay lập tức, không chút ngấp ngứ. Ngài Tổng chỉ huy có vẻ bằng lòng anh lính nhanh nhảu lắm. Ngài nói với hắn:
- Cám ơn!
Đoạn ngài quay sang viên chỉ huy trung đoàn bảo:
- Ông hãy tiếp tục kiểm tra lấy!
Rồi lên ô tô, phóng đi thẳng.
Sau khi có hiệu lệnh giải tán, tôi chạy ngay đến chỗ Mêmét.
- Này, Mêmét! Sao chú mày to gan thế hả?
Mêmét cúi đầu, mặt đỏ dừ:
- Thế nào, chú mày trả lời đi chứ!
- Thưa trung uý, tôi có lỗi! Nhưng biết làm thế nào ạ? Tên ngài chỉ huy sư đoàn và ngài Tổng chỉ huy thì tôi nhớ kỹ lắm, nhưng các ngài chỉ huy khác thì chỉ nhớ được tên người nào là nói bừa tên ấy...
- Chà, chú em Mêmét ạ! Thế mà chú mày không luống cuống thì giỏi thật!
- Thưa trung úy, đâu có ạ! Lúc ấy tôi lú lẫn hết cả. Ngay trung uý là người quen mà đứng trước trung úy, nhiều lúc tôi còn không nói được câu gì, nữa là đứng trước Quan lớn Tổng chỉ huy! Hồn vía tôi bay đi đâu mất cả, thế là tôi cứ trả lời bừa tăng tít... Xin Thánh Ala thứ tội cho con! May mà quan lớn chẳng biết ai vào ai cả!,
Lỗi là tại anh!
Khi anh bị mất việc, cuộc sống của anh bắt đầu gặp khó khăn ngay. Nhưng phải giải thích cho những ông bạn ưa tò mò biết nguyên nhân tại sao anh mất việc, mới thật khó khăn hơn nhiều!
Không! Lần này nhất định tôi sẽ chẳng hở cho ai biết chuyện gì đã xảy ra với tôi cả. Mọi lần, có chuyện gì không may là tôi cứ hay đi kể lể với những người quen, vì hy vọng biết đâu có người có thế giúp đỡ tôi! Nhưng cũng có khi chỉ vì muốn cho khuây khỏa nỗi buồn. Nhưng khốn nỗi, cứ mỗi lần như thế, tôi lại bị họ lục vấn đủ điều, cố tìm cho bằng được nguyên nhân nỗi bất hạnh của tôi, để rồi cuối cùng, chẳng biết thế nào, chính tôi lại bị xem là kẻ có tội trong mọi chuyện không may ấy!
Đấy - họ bảo tôi - Giá anh không làm như thế, như thế... thì đời nào ông chủ lại đuổi. Mà một khi anh đã cả gan làm những chuyện như vậy, thì lỗi là tại anh rồi còn quái gì! Chính anh có lỗi thôi! Cuối cùng, bao giờ họ cũng kết án tôi như vậy, và vẻ hài lòng hiện rõ ra mặt.
Hôm ấy, tôi đang vừa đi ngoài phố vừa miên man suy nghĩ về chuyện làm ăn, thì bất thình lình có người đập mạnh vào vai. Tôi ngoảnh lại thì hoá ra ông bạn Ôxman Kêman. Anh ta vui vẻ đi bên cạnh tôi. Chợt nhìn thấy bộ măt buồn rầu thiểu não của tôi anh cụp ngay mắt xuống thay đổi hẳn vẻ mặt và bảo:
- Tôi hiểu!... - anh ta nói một cách ấp úng.
Nghĩa là anh ta đã biết chuyện tôi bị đuổi khỏi chỗ làm. Nếu vậy thì không thoát được rồi! Thế nào anh ta cũng lại sắp tra khảo tôi, tìm cách chứng minh cho tôi biết rằng chính tôi là kẻ có lỗi đấy cho mà xem!
Cái vẻ mặt buồn rầu giả tạo thật chẳng ăn khớp một tý nào với cái ánh mắt long lanh, vui sướng mà anh ta không che giấu nổi. Tôi cố làm ra vẻ không hiểu cái câu "Tôi hiểu" của anh ta và hỏi:
- Anh làm sao thế? Hay có chuyện gì không vui?
- Không, tôi chẳng làm sao cả! Nhưng tôi nghe nói là anh lại vừa bị mất việc thì phải! - anh ta đáp.
- Cũng không sao! - tôi cố làm ra vẻ thản nhiên, vì không muốn tiếp tục cái đề tài này.
- Sao lại không sao? - anh ta đứng ngay giữa phố, mồm cứ bô bô kêu "Trời ơi", rồi đề nghị tôi - Thôi, chúng mình vào tiệm làm một cách cà phê đi, rồi cậu kể cho nghe xem đầu đuôi thế nào nào?
- Có gì đâu mà kể! - tôi đáp.
- Sao lại có gì đâu! Chà, xem cậu bắt đầu giống ai rồi nào? Thôi ta đi đi! Cậu cứ kể cho mình nghe, rồi tự khắc cậu sẽ thấy khuây khoả ngay thôi mà!
- Anh cứ làm như có thể thay đổi được cái gì không bằng!
- Cậu làm mình giận đấy!... Chả lẽ mình không phải là bạn cậu hay sao?
Thế là tôi đành vào quán với anh.
- Nào, bây giờ thì cậu kể cho mình nghe xem có chuyện gì xảy ra đi! - Anh ta nói, khi chúng tôi bắt đầu nhấm nháp ngụm cà phê.
- Lão chủ vừa đuổi tôi...
- Vì sao?
- Thì tôi biết được là vì sao! Anh đi mà hỏi lão ta ấy!
- Cậu có hay đi làm muộn không? - cuộc hỏi cung bắt đầu.
- Không! Bao giờ tôi cũng đến rất đúng giờ.
- Có bao giờ cậu không hoàn thành công việc không?
- Không bao giờ! Ông ta còn nói là rất hài lòng về tôi cơ mà!
- Hay là... công việc làm ăn của ông chủ cậu gặp khó khăn chăng? - anh ta cứ đoán lần đoán mò như người chơi ô chữ vậy.
- Trái lại, công việc của ông ta rất chạy.
Anh ta lại tỳ tay vào má, ra chiều ngẫm nghĩ.
- Thế có lần nào cậu cãi lại ông ấy không?
- Không! Ai mà dám cãi lại ông ấy!
Sốt ruột, Kêman bắt đầu nhấm nhấm móng tay.
- Thôi đúng rồi! Chắc cậu đòi tăng lương phải không?
- Đâu có!...
- Hay là... cậu có nói câu gì về ông ta, chẳng hạn có ý chê trách ông ta?...
- Ồ, không đời nào!
Tôi bị hỏi vặn một hồi nữa bằng những câu đại loại như thế.
- Chà! Chà!... Thế thì vì cái quái gì mà cậu bị đuổi được nhỉ? Hay là... có khi nào cậu nhìn ông ta chằm chằm như cậu đang nhìn mình bây giờ không?
- Tôi không hiểu. Nhưng... có thể là có...
- Thôi thế thì đích rồi! Tớ đã bảo mà! Nhất định là phải có lý do mà lại, chứ không đời nào tự dưng người ta lại đuổi cậu cả! Chính lỗi tại cậu chứ không phải tại ai hết! Cậu cứ nhìn người ta chằm chằm như muốn ăn sống nuốt tươi thế thì ai mà chịu được! Nói thật chứ... Lỗi là tại cậu thôi!
Nói xong câu ấy, anh ta thấy trong người nhẹ nhõm hẳn.
Tôi khẽ buông một tiếng "Thôi, chào anh!" rồi bước ra khỏi tiệm. Thậm chí ngay cả lúc bị đuổi khỏi chỗ làm tôi cũng không thấy buồn như lúc này.
Tôi đi về phía bến ô tô.
- Thế nào, chả lẽ điều bọn mình nghe nói là đúng hay sao?
Đó là câu đầu tiên tôi nghe được khi vừa bước chân lên ô tô. Một anh bạn quen ngồi sau tôi hỏi.
- Đúng đấy! - tôi đáp.
- Thật đáng tiếc! Nhưng vì sao thế?
- Tôi không biết.
Như người cảnh sát đang suy nghĩ trước một vụ án bí ẩn, anh ta lẩm bẩm:
- Lạ thật! Lạ thật!... Không có cớ gì, lẽ nào người ta lại đuổi... Nhất định là phải có lý do...
- Nhưng dù sao...
- Hay là cậu bị kẻ nào tố giác?
- Tôi không cho là như vậy.
- Hay là ông ta tìm được người thạo việc hơn cậu?
- Nhưng lúc nào ông ta cũng nói là rất hài lòng về công việc của tôi kia mà!
- Hay có thể ông ta tìm được người bằng lòng làm với số lương ít hơn chăng?
- Tìm đâu ra được người như thế!
- Thế sao ông ta lại đuổi cậu nhỉ? à, hay là cậu không biết cách ăn nói với ông ta?
- Biết cách thế nào? Thì tôi vẫn nói chuyện với ông ta một cách bình thường thôi...
- Trời ơi! Thế thì rõ rồi!
- Anh bảo rõ cái gì?
- Rõ nguyên nhân chứ gì còn nữa. Với ông chủ mà anh lại ăn nói một cách bình thường là không được, anh hiểu chưa? Anh không thưa bẩm với ông ta, thế là ông ta giận chứ có gì đâu!
- Ồ, đâu có!... một tháng tôi mới gặp ông ta có một lần. Mà khi gặp tôi cũng có được nói chuyện với ông ta đâu!
- Thế lại càng không được!... Cậu cứ lăm le định tìm cách nói chuyện với ông ấy thì ông ấy ghét là phải chứ còn gì nữa! Lỗi là tại cậu thôi!
Nói xong câu ấy, anh ta cũng thấy hể hả lắm.
Ô tô vừa đến bến đỗ đầu tiên là tôi bước xuống ngay. Tôi cảm thấy tức giận đến nỗi tôi thấy nhất định phải tìm một người nào đó để thổ lộ can tràng. Tôi bèn quyết định đến nhà một người bạn cũ.
- Tôi bị đuổi khỏi chỗ làm rồi! - vừa bước chân đến cửa tôi vội nói ngay như vậy - Nhưng tớ van cậu đừng có hỏi thăm gì hết và đừng có ý định tìm hiểu nguyên nhân!
Nhưng nghe nói thế, anh ta lại càng tò mò.
- Thế nghĩa là có nguyên nhân rất quan trọng chứ gì?
- Tớ đã xin cậu đừng có hỏi mà!...
- Thế nhưng ngày lễ tết cậu có thường đến nhà ông chủ không?
Tôi chẳng bao giờ bước chân đến nhà ông chủ, nhưng cố tình muốn làm cho anh bạn rối trí, nên tôi đáp:
- Tất nhiên rồi, cứ mỗi dịp tết, dịp lễ hay bất cứ dịp gì là tôi...
- Thôi rõ rồi... cậu đến nhiều như thế chả trách...
- Đâu! Tớ có đến nhiều đâu!...
Rồi anh ta lại bắt đầu đặt cho tôi những câu hỏi như mọi người.
- Tớ hỏi thật nhé, thế cậu có làm điều gì để ông ta cáu không?
- Không! Trái lại ông ta rất thích tớ...
- Thế thì vì cái quái gì được nhỉ? Tớ chịu không thể hiểu nổi!
Tôi lại bắt đầu thấy mất bình tĩnh, và để kìm xúc động, tôi đi đi lại lại trong phòng.
- Đôi giày của cậu kêu quá! - đột nhiên anh bạn tôi thốt lên.
- Ừ! Nó kêu lắm! - tôi thừa nhận.
- Từ bao giờ thế?
- Từ lúc mới mua cơ! Đi đã năm tháng nay rồi mà nó vẫn còn kêu.
- Thế đi làm cậu cũng đi đôi giày này phải không?
- Ừ!
- Biết ngay mà! Biết ngay mà! Tớ đã bảo là không bao giờ người ta lại đuổi người một cách vô cớ mà!
- Cậu đã đoán được lý do người ta đuổi tớ rồi à? - tôi hỏi.
Sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái, anh ta bắt đầu giảng giải:
- Đôi giày của cậu kêu suốt từ sáng đến tối như thế thì ai mà chịu được cơ chứ? Ông chủ cậu cáu là phải! Chính lỗi là tại cậu thôi, người anh em ạ!
- Đúng! Lỗi tại tôi! - tôi điên tiết hét lên - Tại tôi! Tại tôi! Nhưng tôi đến nhà cậu vào cái ngày đáng buồn này đâu phải để nghe những lời như thế!
Nói đoạn tôi đóng sầm cửa, bỏ ra về.
Buổi chiều, ngồi trên phà đi Cađưkây, tôi vẫn bị ám ảnh bởi chuyện đó.
- Anh nghĩ gì mà đăm chiêu vậy? - Một người lạ mặt bỗng hỏi tôi - Anh cóc huyện gì buồn chăng?
- Không! Không có chuyện gì cả - tôi đáp.
- Nhưng trông anh có vẻ không vui. Có gì anh cứ kể cho tôi nghe, may ra tôi có thể giúp gì chăng?
- Tôi bị ông chủ cho thôi việc!
- Nhưng tại sao?
- Tôi không biết!
- Chắc anh phải có lỗi gì đó!
- Phải! Vì đôi giày của tôi nó kêu cót két nên ông ta cáu!
- Ồ! Anh nói đùa thế chứ! Lẽ nào vì thế mà người ta đuổi anh! Phải là lý do khác chứ!
- Tôi cứ hay nhìn chằm chằm vào ông ta, vì thế ông ta bực!
- Lại còn thế nữa!
- Vì tôi ít chịu nói chuyện với ông ta!
- Cũng vô lý!
Tôi nhìn thẳng vào mặt anh chàng không quen biết mà phá lên cười.
- Thôi đúng rồi! Chắc anh đã nhìn ông chủ và cười một cách nhạo báng như thế phải không?
- Đúng! Tôi đã cười như thế đấy! Và ông chủ đã đuổi tôi. Nghĩa là lỗi tại tôi. Anh hiểu rồi chứ? Và bây giờ chắc anh hài lòng rồi chứ?
Nói đoạn tôi bỏ đi thẳng.
Trải qua một ngày đầy bực dọc, tôi trở về nhà. Ăn cơm tối xong thì anh bạn Ibrahim của tôi đến chơi. Trông anh thật rầu rĩ! Cách đây mươi hôm anh cũng vừa bị đuổi khỏi chỗ làm.
- Thế nào? Làm sao đằng ấy bị đuổi đấy? - tôi hỏi.
- Tớ không biết, còn đằng ấy thì tại sao?
- Tớ cũng cóc biết!
- Tất nhiên là phải có lý do thôi!
- Và không phải vô cớ người ta đuổi mình đâu! Chắc cậu hay nghỉ làm chứ gì? Thế cậu không trình giấy chứng nhận ốm à?
Chúng tôi bắt đầu tra khảo nhau. Trong lúc nói chuyện, Ibrahim chốc chốc lại hắc hơi và ho, cứ phải lấy khăn ra lau mũi luôn.
- Ibrahim này! Hình như cậu bị sổ mũi phải không? - Tôi hỏi
- Mình bao giờ chả thế! Viêm mũi mãn tính mà!
Lập tức tôi đứng phắt dậy, dang hai tay ra kêu lên:
- Thế thì rõ rồi! Cậu bị đuổi là đúng rồi! - tôi nói - Thôi đừng đổ lỗi cho người khác nữa! Lỗi là tại cậu thôi.
Ibrahim nhìn tôi, vẻ bối rối.
- Cậu lúc nào cũng sổ mũi thế thì làm sao mà ông chủ chịu được! Thế nên tất nhiên là cậu phải bị đuổi thôi! Đúng không nào?
Nói xong, tôi cảm thấy thật hài lòng. Thậm chí sung sướng nữa là đằng khác! Tưởng như tôi vừa nhận được việc làm mới vậy!.
Nghĩa vụ đối với Tổ quốc
Cả trại giam xôn xao về cái tin ấy.
- Này, các đằng ấy đã biết tin gì chưa? Ichxan Vadêlin đang ở đây đấy!
- Làm gì có chuyện!
- Tớ nói điêu tớ làm con chó!
- Hắn đã "đoạn" từ lâu rồi kia mà!
- Lại còn mở tiệm cà phê đàng hoàng nữa chứ?
- Cóc tin được! Cậu nói láo!
- Tớ nói láo tớ chết! Người ta mới giải hắn về hồi chiều, bằng tàu chở thư mà! Giải từ Aiđiliê về. Chính tớ nhìn thấy hắn ở dưới sân. Hắn tắm ở nhà tắm xong bị dẫn về biệt khám.
- Thế đấy! Đã tưởng dứt được rồi, thế nào mà bỗng dưng lại bị tóm gáy điệu về ở với cánh ta không biết?
- Nhưng Ichxan Vadêlin là ai vậy?
- Các chú mày còn nhóc con nên không biết hắn. Hồi hắn còn làm ăn, các chú mày hãy còn bú tí mẹ! Tao quen hắn từ hồi ở Mactreckhan kia! Hồi ấy trại giam này chưa có. Mới có trại Mactreckhan thôi! Bọn ta được ngồi ở đó.
- Hồi ấy phải nói hắn nhanh thật!
Ichxan phải nằm ở biệt khám hai tuần, rồi được chuyển sang khu hai. Đó là khu giam các phạm nhân đặc ân, những kẻ tái phạm cũ biết rõ hắn.
- Chào người anh em!
Một người vừa đun xong trà trên một cái hỏa lò. Ichxan Vadêlin sỗ sàng quăng tờ giấy 100 xuống khay. Người ta lại bắt đầu đun một ấm trà ngon nữa.
Người ngồi trước mặt Ichxan Vadêlin là Nuri - bị kết án 60 năm tù về tội tham ô. Nuri mặc một chiếc áo choàng màu mận chín trông hết sức sang trọng. Ichxan Vadêlin - chạc 50 tuổi - chỉ chuyện trò với mỗi mình, dường như không nhìn thấy ai xung quanh nữa.
- Thế đầu đuôi làm sao hả Ichxan?
- Tôi kể ra chỉ sợ anh không tin, cho tôi là nói phét. Vì chính tôi cũng thấy chuyện này thật khó tin. Ai chứ tôi thì, chắc anh biết đấy, đã như chim bị đạn rồi! Lạy chúa! Năm nay tôi đã 50 tuổi đầu, tóc đã bạc, vậy mà chưa bao giờ tôi bị một vố cay như thế này. Mà lần này tôi bị lại là do tôi tận tâm phục vụ cho tổ quốc, do tôi làm nghĩa vụ công dân của mình mới tức chứ!
Chắc anh biết đấy, lâu nay tôi vẫn có một tiệm cà phê riêng. Một hôm, có hai tay của Sở Cẩm đến nhà tôi bảo:
- Mời ông đi theo chúng tôi về Sở!
Các tay mật thám cũ tay nào tôi cũng nhẵn mặt cả. Nhưng hai tay này là lính mới, nên tôi không biết. "Được! Đi thì đi!" tôi nghĩ bụng thế, "mình chẳng làm gì nên tội thì sợ đếch gì!"; đến Sở, tôi thấy Haiđa đã ngồi chờ ở đó... Haiđa làm ở Sở Cẩm từ hồi tôi còn làm ăn. Bây giờ ông ta đã lên chức Chánh Cẩm. Haiđa có một mắt hơi lé, trông lúc nào cũng có vẻ lờ đờ, nên được mọi người tặng cho biệt hiệu là Lé. Haiđa Lé dữ hơn cọp.
- Bẩm quan cho gọi em có việc gì đây ạ? - tôi hỏi Haiđa Lé.
- Ngồi xuống đây đã Ichxan! - Haiđa Lé đáp và chỉ vào chiếc ghế. Tôi đoán ngay là ông ta cần đối tôi. Vì tính ai chứ tính Haiđa Lé tôi biết rõ lắm. Tôi mà có tội tình gì thì ông ta đã nhảy xổ vào tôi mà bóp cổ cho thấy ông bà vải rồi, chứ chả mời mọc tử tế như thế.
- Thưa Haiđa - tôi nói - em đã đoạn tuyệt hẳn nghề cũ rồi! Sau cái lần cuối vớ được một mẻ bẫm, em đã thanh toán sòng phẳng các món, và còn dư một ít thì mở tiệm cà phê để làm ăn sinh sống. Bây giờ quan muốn gọi em có việc gì vậy ạ?
Haiđa nghe tôi nói rồi bảo:
- Đúng. Các khoản cũ coi như đã thanh toán xong. Hôm nay ta cho gọi anh đến đây là muốn anh thực hiện nghĩa vụ công dân của anh đối với tổ quốc.
Tôi nghĩ bụng: không biết nghĩa vụ đối với tổ quốc là nghĩa vụ gì? Chắc chỉ có chuyện đi lính thôi! A! Ra người ta muốn bắt tôi đi lính!
- Bẩm quan! - tôi nói - em xin thưa với quen là em đã hoàn thành nghĩa vụ công dân rồi ạ! Em đã phục vụ trong hải quân đúng 6 năm chẵn, không kém một ngày. ấy là chưa kể em còn nằm mấy tháng trong hầm nhà thờ Đivankhan ở Caxưmpasa. Bây giờ em đã ngoài 50 rồi, quan còn muốn gì ở em nữa ạ?
Haiđa Lé sai mang cho tôi tách cà phê và rút thuốc lá mời. Tôi lại nghĩ ngay: chắc ông ta muốn mình làm chỉ điểm đây!
- Thưa ông anh, nếu ông anh có ý định gì khác thì xin ông anh cứ nói thẳng. Nếu giúp được, em sẵn sàng ngày... Còn cái tiệm cà phê của em thì ông anh cứ coi là của ông anh!
- Anh nghĩ nhầm rồi, Ichxan ạ! - Haiđa Lé đáp - Không ai định bắt anh đi lính! Nhưng tổ quốc muốn giao cho anh một nhiệm vụ khác. Anh phải cứu lấy danh dự cho quốc gia, cho chính phủ! Chính phủ rất cần đến sự giúp đỡ của anh.
- Ấy chết! Sao ông lại giễu em thế! Có đâu một quốc gia hùng mạnh như nước ta mà lại cần đến sự giúp đỡ của một tên trộm già như em!
- Chuyện gì mà không thể có! - Haiđa Lé đáp - Việc quốc gia nó phức tạp lắm, nên đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của mỗi người công dân. Và bây giờ đến lượt nó đòi hỏi sự giúp đỡ của anh.
- Thôi được! Nếu ông anh đã nói là nghĩa vụ quốc gia thì em đâu dám từ chối. Ông anh có bảo chết em cũng xin chết ngay...
Đến đây Haiđa Lé mới nói thật cho tôi biết rõ sự thể.
Hóa ra là có một đoàn khách quốc tế sang thăm nước ta. Đoàn rất đông người. Có đủ cả người Mỹ, người Đức, người Đan Mạch, người Pháp. Có cả thương gia, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư... Họ muốn đến tìm hiểu tình hình để viện trợ kinh tế cho ta. Nhưng đến chỗ nào họ cũng thấy tình trạng hết sức bí bét. Nghe nói tình hình lâm nghiệp họ phát ớn, tìm hiểu tình hình y tế họ thấy ngán ngẩm. Đến xem các nhà máy họ lại càng kinh. Tóm lại là đi đến đâu ta cũng ngượng chính mặt với họ đến đấy. Vì thế chính phủ ta mới quyết định bằng bất cứ giá nào phải làm cho họ kinh ngạc một phen.
- Bởi vậy, Ichxan ạ! Bây giờ là trách nhiệm của anh đối với tổ quốc. Anh phải cố mà làm tròn nó!
Tôi đoán chắc chính phủ ta không có cách gì làm cho các quan khách quốc tế hài lòng, nên quyết định chứng tỏ cho họ thấy trình độ chống nạn trộm cắp của ta cao đến mức nào. Tôi bảo:
- Thưa Haiđa, em hiểu, xin Haiđa tin rằng chắc chắn em sẽ cho họ biết trình độ ăn cắp của ta rất cao, chứ không như các nghề khác!
- Anh đoán gần đúng - Haiđa xác nhận - Chúng ta phải cho họ biết cảnh sát của chúng ta mạnh như thế nào, và biết cách làm việc ra sao.
- Thế thì em thấy hơi khó... - tôi thở dài.
- Tất nhiên là khó rồi! Có thế mới gọi anh đến...
Anh là một tên móc túi chuyên nghiệp, đã từng nhiều lần vào tù ra tội. Anh rất sành sõi cái việc này. Vậy anh hãy thi hành nghĩa vụ công dân của mình.
- Xin ông anh cho em biết rõ hơn là em phải làm gì ạ? - tôi yêu cầu ông ta.
Haiđa Lé giảng giải cho tôi biết nhiệm vụ. Người ta sẽ chỉ cho tôi cái khách sạn có đoàn quốc tế ở. Nhiệm vụ của tôi là phải vét nhẵn túi các vị trong đoàn, không để sót một thứ gì. Tất nhiên các quan khách sẽ thi nhau kêu trời và chạy đến báo cảnh sát. ở sở cảnh sát người ta sẽ bảo họ: "Xin các vị yên trí! Cảnh sát của chúng tôi làm việc rất cừ! Chỉ 5' nữa chúng tôi sẽ tóm hết những tên ăn trộm!" Còn tôi thì ngay sau đó đem tất cả những thứ lấy được về nạp cho Sở. Thế là những người bị mất cắp sẽ nhận được nguyên vẹn tài sản của họ.
"Đây! Xin mời các vị nhận lại đồ vật của mình!" Cảnh sát của ta sẽ giơ tay chào và bảo họ như vậy. Các vị khách ngốc nghếch kia tất nhiên sẽ phải nghĩ: "Chà! Thế mới gọi là làm việc chứ!"
- Em không làm được đâu, Haiđa ạ! - tôi từ chối - Bây giờ em thấy không đang tâm...
- Sao vậy? - Haiđa Lé hỏi.
- Thứ nhất là vì em bỏ nghề đã lâu, bây giờ chân tay ngượng nghịu sợ không làm nổi...
- Không lo! Anh vẫn làm được thôi!
- Thứ hai, bấy lâu nay em đã giữ được mình không nhúng tay vào chuyện ấy...
- Giữ mãi rồi cũng có ngày không giữ được đâu! Cũng như đôi giày mới ấy rồi cũng có lúc nó phải nhúng bùn.
- Tụi trẻ bây giờ có nhiều đứa bợm lắm! Ông anh giao cho chúng nó việc này có lẽ tốt hơn.
- Nhưng lũ ôn con ấy chúng lưu manh lắm! Xoáy thì chúng xoáy được đấy. Nhưng xoáy xong chúng nó biến thì có mà thánh tìm!... Lúc ấy thật là bẽ mặt với các vị khách quốc tế. Vì thế chúng ta mới cần một tên trộm thật thà như anh.
- Đội ơn ông anh đã có lòng tin em. Nhưng quả thật em không làm được đâu ạ!
- Tùy đấy, Ichxan ạ! Có điều nếu anh không chịu làm, ta buộc phải đóng cửa tiệm cà phê của anh lại. Ta còn lạ quái gì cái tiệm của anh! Nó vừa là sòng bạc, vừa là ổ thuốc phiện lậu...
Thế là tôi đành phải nhận lời.
- Thôi được em xin làm - tôi nói - nhưng làm nghĩa vụ cho tổ quốc thì em cũng được cái gì chứ ạ? Chả lẽ em lại làm không công?
Haiđa Lé nổi cáu quát:
- Người ta nghĩ đến nghĩa vụ công dân, mà anh thì lo chuyện lợi lộc. Thật không biết xấu hổ!
- Xin ông anh bớt giận! - tôi nói - ông anh làm việc cho cảnh sát, tức là cũng làm nghĩa vụ công dân, thì ông anh được lương. Ngay cả các ngài nghị viên có lẽ cũng chả ngài nào muốn làm nghĩa vụ công không cho chính phủ. Tình bạn đi đằng tình bạn, còn công việc đi đằng công việc chứ ạ! Việc nào nó phải đi việc nấy. Nghĩa vụ là một chuyện, còn quyền lợi lại là chuyện khác chứ ạ! Tiền bạc có hại gì đến nghĩa vụ đâu!
- Thôi được. Ta thỏa thuận thế này vậy nhé! - Haiđa Lé dấu dịu - ta cho anh muốn làm gì ở cái tiệm cà phê của anh thì làm. Có điều anh phải nhớ là "moi" được cái gì của khách, anh phải đem nộp cho ta ngay, rõ chưa?
- Dạ, rõ ạ!
Cầu chúa Ala phù hộ cho anh! Ta đặt mọi hy vọng vào anh đấy! Nếu anh moi được ví của ngài trưởng đoàn thì càng đáng khen. Thôi, cho anh đi! Chúc anh may mắn!
Ừ, thì tôi đi! Gì chứ cái chuyện xoáy vặt đối với tôi ngon hơn óc chó!
Tôi đến khách sạn và bắt đầu ngồi chờ.
Chờ đến tối thì thấy các vị khách bắt đầu kéo nhau về. Tôi giở tập ảnh ra xem lại. Đích thị ông trưởng đoàn đang đi cùng bà vợ kia rồi! Tôi đứng lên, đi sát hẳn vào người ông ta lần chỗ để ví, rồi bất ngờ hích nhẹ vào ngực ông ta một cái. Thế là xong! Êm như ru! Té ra tôi vẫn chưa quên nghề...
Sau đó tôi chạy ngay đến nhà vệ sinh công cộng ở quảng trường Tacxim, mở ví ra xem. trong ví toàn giấy bạc mới tinh! Thề có thánh Ala chứng giám, tôi đã kìm được lòng tham, không lấy một tờ nào. Có bao nhiêu tôi mang nguyên về Sở.
- Anh biến đi đâu thế? - vừa thấy mặt tôi từ ngoài cửa, Haiđa Lé đã quát hỏi ngay. Nhưng khi tôi chìa chiếc ví ra thì ông ta sướng đến nỗi hôn luôn tôi một cái vào trán.
- Cừ lắm! Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ - ông ta khen tôi - ông trưởng đoàn vừa đến báo cho ta biết là bị mất cắp. Trông ông ta rất buồn. "Xin ngài cứ yên trí!" ta bảo với ông ta như vậy, "chậm nhất là ngày mai chúng tôi sẽ tìm lại cho ngài chiếc ví. Cảnh sát của chúng tôi làm việc rất giỏi!"
- Em đã hoàn thành nghĩa vụ đối với tổ quốc rồi, bây giờ xin chào ông anh! Chúc ông anh mọi sự tốt đẹp! - tôi nói với Haiđa thế, nhưng ông ta bảo:
- Khoan đã! Mới một lần thế thì ít quá! Chú em phải lần lượt moi túi tất cả các ông khách ấy cho ta!
- Nhưng em chỉ sợ làm mãi quen tay, đến lúc muốn thôi không được.
Nhưng Haiđa chẳng thèm nghe tôi.
Tôi lại bắt đầu đi moi các đại biểu khác. Có một ông rất khù khờ, bị tôi moi nhẵn cả túi quần túi áo, lấy hết cả ví, cả chìa khoá buồng, khăn mùi soa, bật lửa, hộp thuốc lá, thậm chí cả ghim cài ve áo, mà vẫn chẳng hay biết gì hết. Không khéo bị lột cả quần ngủ mà ông ta vẫn không biết gì cũng nên!... "Hay ta thử cắt hết cúc áo của hắn ta xem sao?" Tôi nghĩ bụng như vậy, rồi cắt thật, không để lại một cái nào. Sau đó tôi đem ngay tất cả về Sở, bày ra trước mặt Haiđa.
- Giỏi lắm, Ichxan ạ! - ông ta bảo - Anh làm việc khá lắm!
Tôi bảo ông ta:
- Ông anh ạ! Em đã định lột truồng hắn ra, nhưng sau nghĩ thương hại...
Tóm lại là suốt 15 ngày tôi cứ đi moi hết vị này đến vị khác trong đoàn... Tôi làm việc như một nhà phẫu thuật lành nghề. Nói thật chứ, giá tôi có lấy mất một lá phổi của những anh chàng đù đờ này thì có lẽ họ cũng hay biết gì.
Haiđa nghe tôi kể thì cứ ôm bụng mà cười.
Một hôm, tôi moi được nhẵn ví đầm của một bà và đem đến cho Haiđa Lé. Nhưng không thấy bà này đến báo cảnh sát gì cả. Thấy vậy một viên cảnh sát biết tiếng nước ngoài bèn gọi điện về khách sạn:
- Các ngài có bị mất gì không?
- Không - người ta trả lời.
- Các ngài cứ soát kỹ lại tất cả các ví xách và túi quần túi áo xem!
Một lát sau bỗng có tiếng chuông.
- Có một bà của chúng tôi bị mất sạch các thứ trong túi sắc.
- Bà đó có một chiếc khăn tay màu hồng phải không ạ?
- Phải rồi! Sao các ông biết?
- Cảnh sát của chúng tôi cái gì cũng biết hết!
Cảnh sát của chúng tôi cứ thế đấy: họ báo cho người mất trộm biết anh ta bị mất trộm, và tên trộm đã bị bắt!...
Trước khi đoàn về nước, một phóng viên nhà báo hỏi vị trưởng đoàn:
- Ở nước chúng tôi ngài thích nhất cái gì ạ?
Vị trưởng đoàn là một người có học thức, ông ta im lặng không đáp.
Một nhà báo khác nói:
- Cảnh sát của các ông rất mạnh!
Bấy giờ vị trưởng đoàn mới trả lời như thế này:
- Đoàn chúng tôi có 9 người cả thảy. Chúng tôi ở Xtămbun có 15 hôm, mà mỗi người trong đoàn chúng tôi đã bị mất cắp 9, 10 lần!... Cảnh sát của các ông cũng có thể là mạnh, nhưng những tên trộm của các ông còn mạnh hơn nhiều!
Lập tức sáng hôm sau những lời phát biểu này được đăng ngay trên các báo: ngài trưởng đoàn tuyên bố rằng nạn trộm cắp ở Thỗ Nhĩ Kỳ hết sức phát triển!
Nhưng thế thì việc gì đến tôi kia chứ? Tại sao mấy ông cảnh sát lại nổi cáu và hạ lệnh tống giam tôi? Hay tôi đã thực hiện vượt mức yêu cầu của họ?
Tôi bảo họ:
- Nhưng chính các ông bảo tôi phải đi ăn cắp để thực hiện nghĩa vụ đối với tổ quốc cơ mà! Tôi sẽ đưa chuyện này ra tòa. Tôi sẽ kể hết với mọi người cho mà xem! - tôi dọa Haiđa Lé.
- Nếu anh làm như thế, ta sẽ đổ cho anh là thủ phạm của tất cả các vụ trộm chưa tìm ra. Những vụ như thế ta có hàng trăm. Anh tin ta đi! Ta sẽ có cách làm cho anh phải nhận và ký vào biên bản hỏi cung. Anh sẽ phải chịu 1000 năm tù là ít!
Cuối cùng trước tòa tôi đành phải câm như hến và người ta kết án tôi hai năm tù. Ichxan Vadêlin kết thúc câu chuyện của mình.
- Hai năm cũng chả mấy! Ngoảnh đi ngoảnh lại là hết ngay thôi! - Một người ngồi nghe chuyện lên tiếng an ủi.
Ichxan Vadêlin bảo:
- Đã đành thế rồi. Nhưng tuổi tôi đâu còn ít ỏi gì để mà ngồi tù. May phước là chỉ bị có hai năm! Làm nghĩa vụ của tổ quốc sướng thế đấy! Hoan hô nước ta!.
Diễn văn trong lễ khánh thành
Từ cửa sổ toa tàu một bàn tay thò ra ngoài chỉ trỏ. Tít xa, tận cuối một thung lũng dài ẩn mình dưới làn sương xanh, một ống khói nhà máy nhô lên cao vút. Tàu càng đi xa ống khói càng thu nhỏ lại, chẳng mấy chốc đã biến thành một cây bút chì bằng ngón tay út dựng đứng trước thợ.
Đến lúc bấy giờ người chỉ tay vào cái tăm ống khói tít xa kia mới nói rằng chính ông là người đã đọc diễn văn khánh thành cho cái nhà máy đó.
- Thế hóa ra đấy là nhà mày? - Một người cùng toa hỏi.
- Chứ sao?
- Thế nó là nhà máy gì?
- Máy gì thì hỏi làm gì?
- Dám hỏi, ngài đọc diễn văn khánh thành mà lại không biết là làm sao?
- Có thể ngài quên - Một hành khách khác đáp thay.
- Không, quên là thế nào, hồi ấy tôi có biết đâu - người ấy nói.
- Thế sao, nhà máy không chạy à?
- Có lẽ bây giờ chạy rồi. Nhưng cái hôm làm lễ khánh thành, lúc tôi đọc diễn văn thì người ta hì hục mãi mà máy không nổ.
- Chắc lúc ấy ngài là giám đốc? - hành khách thứ ba tò mò hỏi.
- Cái ông này! Tôi chẳng là gì cả - người đó đáp.
- Thì hẳn ngài phải là một nhân vật quốc gia?
- Chẳng cuốc ra, cuốc vào gì sất, ông bạn thân mến ạ!
- Thế tại sao hôm ấy lại chính ngài được đọc diễn văn khánh thành mà cho đến bây giờ ngài vẫn không biết nó là nhà máy gì?
- Hoàn toàn ngẫu nhiên. Các ông biết không, từ nhỏ lưỡi tôi đã dẻo lắm. Đừng nghĩ rằng tôi bốc phét. Quả thực là tôi nắm được nghệ thuật diễn thuyết. Tất nhiên nghệ thuật này không lộ ra trong những câu chuyện hàng ngày, chẳng hạn như câu chuyện của chúng ta bây giờ, nhưng hễ cứ đứng trước một đám đông là thằng diễn giả trong người tôi lại đứng dậy. Nhờ thánh Ala phù hộ... Tôi mà đã đứng nói trước quảng đại dân chúng thì đố có ai ngắt lời tôi được. Anh bạn thân mến ạ, lúc ấy đầu óc tôi minh mẫn lạ thường, đến mức có thể nói nửa ngày không hết ấy cứu! Muốn thế phải có tài ứng biến, ông bạn quý mến ạ. Vậy tài hùng biện là gì? Tài ấy là: hễ mở mồm là nói không ngừng, không vấp, cứ nói liền, nói miết. Nói cái gì à? Cái đó không cần biết. Đầu cuối có tuỳ ứng được với nhau hay không, chuyện ấy cũng không có nghĩa lý gì hết. Khó nhất là bắt đầu nói. Nếu bạn cảm thấy chủ ngữ một đằng, vị ngữ một nẻo thì cái chính là đừng có luống cuống, ngược lại phải kéo cho câu dài ra, cho phức tạp thêm, thế là người nghe lẫn lộn ngược xuôi và cuối cùng chết ngợp. Diễn văn xong người ta sẽ bình: "Người này nói giỏi quá" và sẽ hoan hô nhiệt liệt.
Bạn ạ, tôi đã từng đọc những bài diễn văn như thế và lần nào cũng được mọi người bao vây, hết lời chúc tụng. Người thì ôm ghì lấy tôi, kẻ thì hôn tay cúi đầu. Sau mỗi buổi như thế tôi thường tự hỏi: "Ta đã nói gì vậy?" Thật kỳ lạ là tôi không thể nhớ ra được. Tôi đã thế mà người nghe cũng thế. Nếu muốn biết một người nói có hay không thì đầu tiên phải tìm hỏi diễn giả: "Ngài nói gì vậy?", rồi sau hãy hỏi đến người nghe: "Ông ấy nói gì thế?" Đến khi vỡ lẽ là cả hai đều không biết gì, nhưng người nghe vẫn bình phẩm: "Diễn giả thật lôi cuốn", ấy là bải văn được liệt hạng nhất đấy.
Hồi còn đi học tôi là thằng chúa lười. Hơn nữa tôi hoàn toàn mít đặc về số học và hình học, thế mà chưa bao giờ tôi bị đúp cả. Tất cả đều nhờ tài thuyết pháp của tôi. Năm nào cũng thế, cứ đến giờ học cuối cùng là tôi lại đứng lên nói với thầy giáo: "Thưa thầy kính mến, thầy cho phép con thay mặt anh em được thưa với thầy đôi câu". Thầy mới nói: "Miễn thưa bẩm, con cứ nói đi", và thế là thầy sa lưới tôi ngay. Tôi mở đầu rằng: "Nhân vì năm học vừa hết, đội ơn thầy cho phép, con xin bộc bạch những cảm tình của bạn bè con, bẩm thầy...!" Rồi, không để cho thầy tôi kịp lấy sức mà bàng hoàng, tôi không ngậm miệng lại giây nào, cứ thế mà tuôn ra tràng giang đại hải: "Thầy ơi! Suốt một năm qua thầy đã... dậy chúng con... trên con đường khoa học sáng lạn... khơi mào đầu óc chúng con... mầm mống rực rỡ..."
Rồi đó tôi phát ra tất cả những gì chợt đến trong đầu. Toàn bộ nghệ thuật là không được vấp váp. Không được để người nghe kịp nghĩ: "Nó nói gì vậy?"
Cứ nói và nói, không được dừng lại.
Lúc tôi mới nói thầy giáo không hiểu, sau thầy bị rơi vào tình trạng quên lú, rồi những nếp nhăn trên trán thầy dãn ra đôi chút, cuối cùng thầy nhăn mũi, mắt thầy đờ đẫn không chớp và hai bàn tay run lên. Còn tôi vẫn cứ nổ liên hồi không nghỉ. Giá các bạn được nghe tôi nói lúc ấy nhỉ! Chắc cũng phải đổ nước mắt. Thầy tôi lau mũi, cổ họng giật giật. Cuối cùng không giữ được nữa, nước mắt thầy tôi ròng ròng. Tôi thì cứ nói, còn thầy thì cứ khóc. Thỉnh thoảng tôi lại ném một cái nhìn lên thầy tôi. Lúc nào nhìn thầy sắp chết xỉu tôi mới dừng chút ít. Lúc đó thầy tỏ vẻ muốn nói lại đôi lời. Nhưng mấy lần thầy tôi không noi ra được. Thầy hỉ mũi, thở dài nặng nhọc, lau mắt rồi nói: "Các con của tôi ơi, thầy thật bội phần cảm kích và xúc động đến nỗi thầy không sao nói ra được những tình cảm của thầy..." và, đang nói dở câu, thầy tôi bỏ lớp chạy ù ra ngoài. Còn chúng tôi thì cười theo ầm ĩ.
Thầy dạy môn hoá của chúng tôi được gọi là thầy Nidam - số không. Nhiều trường đã biết danh thầy. Thầy có một câu nổi tiếng: điểm 10 là điểm của thánh Ala vĩ đại, điểm 9 là điểm của riêng tôi, điểm 8 là điểm của trò nào chăm chỉ nhất. Tuy vậy cũng chẳng ai đạt được điểm 8 của thầy cả. một hôm vào cuối năm học, thầy Nidam - số không vừa vào lớp, tôi liền đứng dậy diễn thuyết. Giá lúc ấy tôi không ngước mắt nhìn lên thì thầy tôi đã ngã dập đầu xuống đất. Các bạn tôi xốc nách thầy mãi mới vực được vào phòng hội đồng. Ông bác sĩ đến hỏi: "Sao thế này hả ngài Nidam?" Nhưng nước mắt đã cản lời thầy Nidam - số không lại. Các thầy giáo khác đổ riệt tội cho bài diễn văn hàng năm của tôi.
Tuy thế tôi đã được thầy Nidam cho đến điểm 10. Đến kỳ thi, tôi vừa vào lớp thầy đã khóc nức lên mà rằng: "Dẫn nó ra đi, dẫn ra đi!" Thầy không hỏi tôi một câu, cũng không nín khóc, cứ thế mà hạ điểm 10 xuống. Từ đó đã bao năm trôi qua, thầy Nidam-số không đã về hưu từ lâu, thế mà đến nay hễ gặp tôi ở đâu là thầy không cầm nổi đôi hàng lệ. Thậm chí thấy tôi từ xa thầy đã nức nức lên rồi.
Nói chung đối với các thầy giáo không nên nhìn vào hình thức. Một thầy cau có nhất thường lại là mềm yếu nhất.
Thế là nhờ diễn văn tôi đã tốt nghiệp trung học. Ra làm viên chức tôi được bổ đến một tỉnh xa. Tôi đã đi ngang đi dọc khắp thành Anatôli. Thực ra tôi chẳng làm một công vụ viên chức nào cả, nhưng bao giờ thượng cấp cũng dành cho tôi những nhận xét tốt đẹp. Còn về lương bổng tôi cũng cứ nhảy hai bậc mỗi kỳ. Bạn ạ, tất, tất cả những cái đó đều ở tài diễn thuyết của tôi mà ra. Không tuần lễ nào không có một vài cuộc họp.
Khi thì một thượng quan trút linh hồn về trời và người ta phải tổ chức điếu phúng, khi thì đón rước xếp mới và người ta phải chiêu đãi mừng ngày nhậm chức. Người đến, người đi thấy đều phải có diễn văn của tôi. Vào lễ truy điệu chỉ cần tôi khai giọng: "Thưa các bạn đồng nghiệp quý mến, hôm nay chúng ta phải sống những giờ phút đau thương nhất và nặng nề nhất trong cuộc đời mình..." thì mọi người ngồi dưới đã bắt đầu nức nở. Nếu lễ truy điệu làm ở khách sạn thì đến cả những anh hầu bàn, thậm chí những bác đầu bếp cũng sụt sùi nước mắt.
Cuộc đời tôi cứ trôi đi như thế đó, các tôn huynh ạ.
Một lần, cách đây bốn năm tôi đi nghỉ phép. Chả là tôi có một người bạn từ hồi để chỏm tên là Hami. Tôi đi nghỉ ở Xtămbun và trên ô tô buýt tôi gặp cái chàng Hami ấy. Chúng tôi ôm ghì lấy nhau mà hôn. Bao nhiêu năm không gặp còn gì. Chắc các bạn còn nhớ, lúc nãy tôi vừa kể rằng những bài diễn văn của tôi đã làm rơi nước mắt từ thầy giáo cho đến thượng cấp. "Này, cậu về chơi với mình một ngày nhé - Hami đột nhiên bảo - Ngày mai bọn mình làm lễ khánh thành nhà máy."
Tôi nhận lời. Cái quãng tôi vừa chỉ tay ấy là nơi chúng tôi rời ô tô buýt. Đêm ấy tôi ngủ nhà Hami. Hôm sau chúng tôi đến nhà máy. Nhà máy thế nào, các bạn đừng có hỏi vội! Cả một sân toàn là cừu, bò, lạc đà và trâu.
- Sao nhà máy lại nuôi cừu nhỉ?
Bữa ấy chính tôi cũng thắc mắc.
Hami bảo tôi rằng súc vật dùng vào tiệc khao. Bầy cừu được tắm sạch, lông được nhuộm phẩm hồng, sừng được sơn son, rồi được sắp vào hàng lối ngay ngắn. Như thường lệ, sau lễ khánh thành, lúc nhà máy bắt đầu hoạt động là lập tức đàn súc vật bị chọc tiết.
Băng khánh thành vẫn căng. Bàn tiệc đã chuẩn bị. Mọi thứ đã xong, mọi nhẽ đã ổn định. Khách lần lượt đến từ sáng. Nhà máy nằm giữa một khu đất lớn, thêm à chả mấy chốc khu đất đã thành một biển người đông nghìn nghịt. Đến trưa thì ô tô đã đậu một hàng dài. Bạn Hami của chúng ta bước lên diễn đàn. Vì không có tài nói nên bạn ấy ấp úng mấy chỗ, cuối cùng mới được một câu: "Bây giờ quan trên tôn kính của chúng ta, người mang hạnh phúc về đây, sẽ khởi động cho toàn nhà máy". Ai cũng nghĩ quan trên sẽ bấm một cái nút, nói cách khác, sẽ phát một tín hiệu và trước mắt mọi người cả nhà máy sẽ hoạt động. Vị quan đó bước lên một cái bục cao, lấy ngón tay ấn một cái nút, xong lại ấn lần nữa, rồi lại ấn lần thứ 3. Lúc ông ta vừa vươn tay về phía cái nút thì ở phía sau người ta đã đè nghiến những con vật xuống đất và kề dao vào cổ.
Vị quan cứ ấn mãi cái nút mà nhà máy vẫn bất động. Bực mình vì vị quan mãi không làm xong cái nhiệm vụ cỏn con đó, Hami đứng lên tự tay nhất mạnh chiếc nút.
Kết quả vẫn vậy. Trong đám đông đã có người cười rúc rích, nhiều người lộ vẻ chán nản ra mặt. Ala, lạy thánh Ala!
Bối rối, Hami chạy xuống chỗ tôi. Mặt anh ta tái nhợt, đôi mắt hoảng hốt. "Cứu mình với! - anh ấy van lơn - Mình sẵn sàng hôn tay hôn chân cậu, cậu bảo gì mình cũng xin vâng. Hỏi ai giúp được mình bây giờ thì chỉ còn cậu. Cậu lên diễn đàn và nói một lời đi! Cậu hiểu không, chúng mình đã chuẩn bị xong để khởi động nhà máy, chỉ còn quên cái dây cua roa bánh đà nữa thôi. Bây giờ chúng mình đi mắc dây, còn cậu lên nói cho khoảng 10'. Phi cậu không ai làm nổi. Mình van cậu lên nói đi, nói gì cũng được, gọi là trấn an ấy mà.
Tôi còn biết làm gì khác được? Tình bằng hữu thôi thúc. Tôi đành lên bục.
"Kính thưa các vị quí khách - tôi mở đầu như vậy. Nhưng thậm chí tôi đã biết tên nhà máy là gì đâu. Hôm qua lúc đêm khuya về nhà Hami, Hami có đem chuyện nhà máy ra kể nhưng quả thật là tôi đã quên mất, lúc ấy mệt quá, buồn ngủ rũ mắt. Thế là chân tôi thì đứng trên bục, còn mắt tôi thì đảo quanh nhà máy, cố tìm hiểu xem chức năng của nó là gì. Thế nhưng tôi không sao đoán ra được. Giá phỏng tôi biết là nó sản xuất ô tô hay là sản xuất đường mật thì tôi có thể nói suốt ngày đêm. Đằng này tôi cứ nhìn quanh mà không thấy Hami đâu cả. Phát điên lên. Nhưng biết làm sao, tôi bèn nói:
"Kính thưa các vị quý khách, đại quý khách! Tất cả chúng tôi... đều có... cái vinh hạnh... được chào đón... các vị. Các vị đã chẳng quản.. muôn dặm đường xa... trăm điều mỏi mệt... để đến đây... chia vui. Nhưng thế chưa đủ! Và... lát nữa đây, thưa các vị, trước mắt các vị... nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động, nhà máy đứng đầu cả nước..."
Trên bàn có một cái bình. Tôi cầm lên rót nước ra cốc, đồng thời ngoảnh vội vè phía người đứng sau lưng tôi bảo: "Tìm ngay Hami và bảo anh ấy rằng, dù mắc cua roa hay làm cái khỉ gió gì đi nữa thì cũng phải nhanh lên đấy" Người ấy trả lời khẽ: "Cua roa mắc rồi mà máy vẫn không chạy. Hóa ra là quên bánh xe răng trục chính. Bây giờ còn đi tìm."
Tôi lập tức giảng giải cho đám quần chúng biết thế nào nghĩa là "nhà máy". Tiếng "nhà máy" bắt nguồn từ đâu mà vào trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ta.
- Thế nhưng chính ngài có biết không? - Một người cùng phòng trên tàu hỏi.
- Bạn vàng của tôi ơi, quả thật tôi cũng không có ý niệm gì cả. Tôi không biết mà thính giả của tôi cũng không biết.
Rồi tôi nói nhà máy xuất hiện ra làm sao, tôi giải thích rằng chữ "nhà máy" bắt nguồn từ tiếng Latinh, tôi kể về lịch sử phát triển các nhà máy, tôi thông báo địa điểm xuất hiện nhà máy đầu tiên. Có một lúc tôi thoáng nhìn thấy Hami. Anh ta ra dấu van lơn: "Cậu cứu mình nhé, cứ nói dài vào". - "Thưa các vị tôn khách - tôi lại nói tiếp - Lát nữa nhà máy hoạt động các vị sẽ thấy nhà máy này không giống một nhà máy nào khác. So với những nhà máy tương tự trên thế giới thì nhà máy này xếp hạng nhất...".
Tôi nhìn đồng hồ, từ lúc tôi nói mới có 5'. Tôi lại nhấc cái bình nước: "Máy móc lại làm sao thế? - tôi vội hỏi người đứng phía sau - Đến bây giờ vẫn chưa lắp được bánh răng à?" - Dạ, lắp rồi nhưng máy vẫn không chuyển. Ngài Hami bảo gửi lời cám ơn ngài và xin ngài nói dài thêm chút nữa. Tìm mãi hoá ra anh em thợ quên lắp cái nồi hơi nhỏ. Bây giờ sắp xong rồi ạ".
Nửa tiếng sau: "Hỏi bây giờ đất nước ta cần cái gì nhất? Các vị hãy thử trả lời câu hỏi ấy xem!" Tôi đưa mắt nhìn những gương mặt đang hướng về tôi: "Tất nhiên, các vị đều biết rằng đất nước ta cần nhất là nhà máy. Vì sao lại cần nhà máy? Vì rằng nhà máy có nồi hơi, có trục truyền động, có mô tơ, có máy cái, nhà máy có ông giám đốc, có người gác cổng, có nhân viên, có căn tin, có ống nước. Và nếu thiếu một chi tiết đi thì nhà máy không tài nào vận hành được. Sau khi chúng tôi đã giảng giải cho các vị rõ về cái chân lý đó... chúng tôi xin phép một lần nữa được nói rằng: "Xin nhiệt liêt hoan nghênh các bậc khách đại tôn đại quý!" Còn bây giờ, nếu được các vị cho phép, tôi xin kể đôi điều về các nhà máy. Trước hết phải hiểu nhà máy là gì? Nhà máy nghĩa là nhà máy. Chừng nào chúng ta chưa thấm nhuần cái chân lý đó chúng ta sẽ không bao giờ khởi động được nó. Hoặc giả..."
Vừa lúc đó có người đặt trước mặt tôi một mảnh giấy. Tôi đọc lượt. Thì ra là của Hami. "Cậu cứu mình với. Nhân danh những gì thiêng liêng nhất, cậu phải nói nữa. Cái ống khói lẽ ra phải ở nóc lò thì thợ lại lắp nhầm vào cửa sổ phòng ông giám đốc. Bây giờ đang đục một lỗ mới. Đừng có ngừng lời đấy, kẻo mà chết mình."
Tôi nhìn thính giả: "Mới nhận được một bức điện - tôi bảo họ - Nhân dịp khánh thành nhà máy này, các nước láng giềng anh em gửi lời chúc mừng ta và đặt hàng trước."
Nước trong bình đã cạn. Mặt trời đã lặn. Chiều xuống. Bóng tôi buông màn. Còn tôi cứ nói, có lúc tôi được biết một điều đáng kinh ngạc là máy móc đã xong mà chỉ còn quên thuê thợ điều khiển. "Ngài nói thêm chút nữa cứu chúng tôi với - người đứng sau lưng tôi van vỉ - chúng tôi đã cho người đi gọi thợ rồi."
Nhưng đến đây sức chịu đựng của tôi đã kiệt.
Tôi túm lấy vai người ấy lôi ra trước micrô "Thưa quý vị - tôi nói - Bây giờ nhà chuyên gia này sẽ kể vắn tắt vài lời về nhà máy chúng ta..."
Tôi nhảy đại xuống chạy ù về nhà. Đến nơi tôi lên ô tô chuồn thẳng. Thế là tôi cũng chẳng hay cái nhà máy có chạy được không. Còn Hami thì tôi chả gặp đâu cả. Nghe nói năm ngoái anh ta dẫn đầu một đoàn đi thăm Châu Âu.
Aziz Nesin
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách 15 Tháng Hai, 2023 Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang n...