Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Tôi kéo xe 1 - Tam Lang

Tôi kéo xe 1 - Tam Lang
Thay lời giới thiệu
Thiên phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang, do nhà Mai Lĩnh xuất bản từ năm 1935, đến nay đọc lại, vẫn thấy còn nguyên giá trị.
Gần một thế kỷ đã trôi qua, xã hội đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, với biết bao máu lệ của lịch sử, các thể tài sáng tác văn chương, báo chí đã biến đổi không ngừng với rất nhiều những hình thức mới, đầy tính cách mạng, tân kỳ... Nhất là kỹ nghệ làm báo, làm truyền hình, truyền thông mạng... đã có những thay đổi căn bản, những biến chuyển mà kể cả những người làm nghề nhà báo, phóng viên cũng khó mà hình dung hết được. Vậy mà bất chấp những thay đổi tưởng như bãi biển nương dâu ấy, thiên phóng sự mỏng mảnh, giản dị Tôi kéo xe của Tam Lang, ngay giờ đây, vẫn là một mẫu mực trong nghề, vẫn khiến người ta phải suy ngẫm...
Vì xét kỹ ra, các nhà báo bây giờ, dẫu viết có khéo léo, mất công thế nào, cũng vẫn không qua nổi một điều: sự chân thực. Mà sự “chân thực” ấy, hiện tại ai cũng biết cũng rõ, dẫu đôi khi nó sờ sờ ra đấy, người viết báo nhìn thấy được, cảm thấy được đã khó, nhưng có đủ dũng khí mà đề cập đến nó, vạch rõ chân tướng nó còn khó gấp mười. Cái thách thức căn bản về nghề ấy, người viết Tôi kéo xe đã vượt qua không mấy khó khăn. Tam Lang Vũ Đình Chí, khi quyết định cởi áo ký giả, mặc áo cu li, để hóa thân thành một người kéo xe, một kẻ ngựa-người, quả thực đã thâm nhập hoàn toàn vào cái vai ấy, nghề ấy, để mô tả chi tiết một bức tranh thực tế sống động, và không phải là không rộng lớn về xã hội đang sống với những sự thực chua chát, những mánh khóe, lọc lừa đen bạc, những đểu giả và nhẫn tâm của xã hội, dưới đáy hoặc không, nhiều đĩ điếm và cũng lắm trưởng giả. Cứ như chúng ta thấy, rất nhiều ký giả hiện nay, khi nhập vai viết về tệ nạn xã hội, cái kỹ năng cũng vẫn chẳng vượt hơn tác giả Tôi kéo xe là bao, và với mức độ thiếu đầu tư cho một đề tài của các tờ báo hiện tại, thì kể cả một bài báo gọi là dài kỳ nào đó, cũng khó mà so sánh được với sự rốt ráo, thấu đáo, trọn vẹn của Tôi kéo xe của nhà báo họ Vũ cách đây non thế kỷ. Ấy là không bàn đến các thể loại phóng sự “tôi đi tôi đến tôi thấy” theo kiểu chuồn chuồn đạp nước.
Nhưng cái giá trị trước nhất của Tôi kéo xe, phải nói đến, chính là văn phong của nó. Tiếng Việt và lối viết của Tam Lang quả thật vẫn khá trơn tru, hiện đại, rất khác với những trang viết ở cùng thời mà ta thấy hiện đã ít nhiều khó đọc bởi từ vựng cũ kỹ và diễn đạt lạc hậu. Là một phóng sự báo chí, nhưng Tôi kéo xe đã có những câu văn cá nhân hóa đặc sắc: “Ăn đã chẳng có gì béo bổ, ở cũng ở chui ở rúc, lại còn dãi gió dầm mưa, phơi sương phơi nắng, đến đá cũng phải ốm, đừng nói là người. Nhưng giời đã đày vào kiếp ấy, cũng chẳng chống lại được với giời! Biết giữ được phần nào, hãy cứ hay phần ấy”. Ai đọc cũng thấy được đây là triết lý của một anh cu li kéo xe, gốc gác đồ nho vậy!
Rồi những lối hạ bút không kiêng dè như đá tạc:
“Người để người kéo người là loài người ôm chung một cái nhục”.
Những đúc kết thẳng băng, không khoan nhượng, mà đau xót, của người kéo xe:
“Ồ đời này, thằng nào coi rẻ đồng tiền là thằng ngu. Thiên hạ nó đã lấy lực đồng tiền sai khiến mình thì mình có chịu cho nó sai, cũng phải nhổ vào mặt nó mà lấy đồng tiền của nó”.
Cùng cái nhạy cảm hài hước của một người viết mà có lẽ cũng ít ký giả có được khi hành nghề.
“Tôi thấy tôi như một thằng trần truồng đi ra phố, đang kéo một chiếc xe bò trên có dựng tấm bảng đề rõ tên họ mình và cả tên họ những người thân thuộc của mình...”
Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ khi Tôi kéo xe ra đời, chiếc xe kéo đã biến mất từ lâu, xích lô vẫn còn nhưng chỉ là dấu tích ở những đô thị mà xe ôm và taxi đang là phương tiện đi lại phổ biến. Thế thời đã khác, phương tiện cũng khác. Thế nhưng, ai dám bảo rằng, cái cảnh tượng sinh hoạt với đầy đủ sắc màu xanh đỏ tím vàng đen trước kia của Tôi kéo xe, hiện giờ, đã không còn đen tím vàng xanh đỏ?
Trác Phong
Hà Nội, 7.2014
Lời tác giả
Năm 1932, viết thiên phóng sự Tôi kéo xe cho đăng trên Hà Thành Ngọ Báo và năm 1935 tự bỏ tiền ra in thành sách thiên phóng sự đó, tôi chân thành có hai ước vọng: chế độ “cai xe” sẽ không còn nữa; chiếc xe hai bánh “người kéo người” sẽ được chiếc xe 3 bánh “người đạp người” thay thế, để người phu xe không còn bị “cai xe” bóc lột, đồng thời lấy lại được phẩm cách con người khi họ không còn tự ti mặc cảm thấy xã hội coi khinh coi rẻ họ như thân trâu ngựa.
Hơn 10 năm sau khi tập phóng sự Tôi kéo xe xuất bản, trên toàn quốc không còn bóng dáng chiếc xe kéo nào nữa; và hơn 30 mươi năm sau, với chính sách phu xe có chiếc xe mua trả góp thành của tư hữu để làm phương tiện sinh kế, chế độ “cai xe” tuy chưa mất hẳn nhưng cũng bớt phần hà khắc đối với một sô phu xe không có tiền mua xe trả góp để hành nghề.
Từ ngày ấy đến ngày nay, tính đã được ngót nửa thế kỷ, tôi thấy đạt được một phần ước vọng đó, nhưng lại là một phần nhỏ nhoi, chẳng thấm tháp gì.
Tôi có những cảm nghĩ ấy vào một buổi tối cách đây không lâu, khi không còn phương tiện xê dịch nào khác bằng cách thuê xe xích lô đạp từ quãng nhà thương Cơ Đốc Phú Nhuận về khu nhà thờ Cầu Kho, trong câu chuyện tán mảnh suốt dọc đường xe qua, người phu xe đã hỏi tôi - khách ngồi xe -: “Bác có Khoái... chơi gái không? Tôi dẫn bác đi. Chỉ hai ghim thôi! Có mắc mỏ gì. Đẹp, lại trẻ...”
Để quảng cáo cho “món hàng” này, người ấy còn nói nhiều, giọng khó nghe, vì là tiếng của người xứ Nghệ.
Thấy tôi không bắt chuyện nữa, người ấy cũng không nói nữa, ngoài câu nói sau chót: “Bác trả thêm chục đồng nữa chứ!” khi đã hết cuốc xe.
Tôi kể câu chuyện trên để trả lời chung những bạn đã bảo tôi khi biết tập Tôi kéo xe sắp được tái bản: “... Bây giờ làm gì còn có xe kéo nữa! Mụ Cai Đen đã chết từ tám hoảnh, nên để cho mụ yên mồ yên mả, còn khai quật lên làm gì!”
Dù những nhân vật được mô tả trong thiên phóng sự Tôi kéo xeđã là những xác chết thối tha, người ta cũng còn thấy vẫn phải khai quật cả lên nếu người ta cùng chung quan niệm với Vũ Ngọc Phan, nhà phê bình văn học đã ghi lại trong bộ sách Nhà văn hiện đại câu này: “... không có lối văn nào giúp ích cho việc cải cách, cho nhà đương chức, nhà pháp luật và nhà xã hội học bằng các thiên phóng sự”.
Lần này, cho tái bản tập Tôi kéo xe, tôi còn hoài bão một ngày nào đó ước vọng của tôi được thành đạt cả.
Từ 2 bánh không bàn đạp biến thành 3 bánh có bàn đạp, chiếc xe đã thay đổi nhưng tâm hồn người phu xe vẫn chưa được gột rửa, khi nghề “làm xe” còn nuôi sống được người đeo đẳng nó, thì tập phóng sự này chưa đến nỗi là loại sách thuộc “đồ bỏ” đáng liệng vào sọt giấy để Sở Vệ sinh thành phố cho xe rác hốt đi.
Sài Gòn, ngày 20-7-1969
Tam Lang
Chú thích:
[1] Viết cho bản in lần thứ hai năm 1969.
Chương I
Người đội lên đầu tôi chiếc nón phu xe kéo
Ông Bùi Xuân Học - chủ nhiệm Ngọ Báo - một hôm, vỗ vào vai tôi mà bảo:
- Anh có ngòi bút viết văn tả chân khéo, bây giờ đang là mùa các bạn đồng nghiệp của anh đi khắp bốn phương điều tra, phỏng vấn: Albert Londres sang Thượng Hải, Maurice Dekobra đi Hoa Kỳ, Geo London tới miền cương giới Tô-Nga, Louis-Charles Royer đến thành Leningrad Xô Viết..., mà anh thì chỉ lúi húi ở xó nhà với ba bài văn sầu cảm, sao không ném bút đi xem người cho sáng thêm con mắt, có hơn không?
Tôi nghĩ câu nói nửa đùa nửa thật của bạn mà thẹn, thẹn rồi mà buồn, buồn rồi lại nghĩ:
“Thằng em họ mình muốn sang làm ăn bên Cao Mên, xin căn cước đã ba hôm nay mà chưa được chữ; Thượng Hải, Nhiêu Do đều xa hơn Cao Mên cả, mình đi làm sao được, mà đi để làm gì bây giờ?
Phỏng vấn với điều tra, hai việc ấy, không phải chỉ có cái tài viết văn tả chân mà làm nổi.
Xỏ vào hai chân đôi hia đi bảy dặm, đeo lên vai một túi khôn với một túi bạc, cầm trong tay một cái gậy của kẻ vong gia, rồi hãy bàn đến những chuyện đường xa ấy”.
Cái xa chẳng được làm thì mình làm cái gần vậy.
Bắt chước Marise Choisy đổi lấy bộ áo con đòi vào ở thổ, tôi cũng mượn bộ quần áo nâu của một bạn áo ngắn, khoác vào mình rồi mạnh bạo đi làm xe.
Thế là ông Bùi Xuân Học, bạn tôi, một buổi trưa nắng gắt mùa hè, đã đội lên đầu tôi chiếc nón lá phu xe kéo.
Chương II
Lần thứ nhất giáp mặt cai T.
Ông cho nhà cháu xin chiếc xe.
- Mày ở đâu, tên là gì?
Xoạc rộng cái mồm đầy hai hàm răng cáu bựa như những múi na, anh cai T. [1] nới một lỗ khuy chiếc thắt lưng da to - to ngang chiếc dây lưng đeo cát tút (cartouche) của người đi săn - tráo tợn hỏi như nhổ vào mặt người anh ta coi là lạ.
- Bẩm, cháu ở Thái Nguyên, tên là Tý.
- Thẻ đâu đưa đây xem.
Tôi lấy trong túi chiếc áo nâu cộc, đưa ra một mảnh giấy vàng có triện sứ với dấu in tay, cái mảnh giấy gấp làm tư đã bám ghét với mồ hôi lại rách sờn cả bốn cạnh.
- Mày có quen biết ai ở đây không?
- Thưa ông, cháu ở mạn ngược mới về, không có ai quen biết.
- Thế mày đến đây, thì ai đưa đến?
- Bẩm, xuống bến ô tô, cháu hỏi một người xe cháu gặp. Bác ta trỏ cho cháu đến đây.
- Mày đã “làm xe” lần nào chưa?
- Bẩm, chúng cháu chưa làm bao giờ cả.
Cai T. bỏ thẻ vào chiếc ví ở tấm dây lưng da, quay gọi một người áo cánh nòng nọc quần cháo lòng, bảo đem ra cái đệm với hai chiếc khăn xe, rồi rút ở túi chiếc ngòi chì, đứng viết vào cuốn sổ tay nhỏ hơn bàn tay ếch:
- Từ bây giờ đến ba giờ sáng, phải đem đủ sáu hào thuế về nộp; kéo xe phải đi bên tay phải; gặp ô tô, xe điện thì tránh; đúng giờ phải đem xe về trả, nghe không?
Anh ta lại ném cho tôi một bộ quần áo xanh cũ, rồi trỏ chiếc xe thứ nhất đỗ nối đuôi một dãy bên hè đường:
- Xe số 102 đấy, cái thứ nhất ấy, nghe không? Đấy, ra mà nhận.
Trong một mảnh sân xây tường kín nhưng cửa ra vào thông thống, tôi cũng theo mấy ông bạn cùng nghề mới, vắt qua vai bộ quần áo vải xanh nẹp trắng, cúi đầu vào tường rồi khom lưng xuống, lò cò một chân mà... thay quần.
Cái ngượng rồi nó cũng qua đi, mà ở đây thì nó qua rất nhanh, không đầy trong một chớp mắt.
Nhập vào đội quân quần nẹp trắng, tôi chỉ còn việc cuộn tròn bộ quần nâu cũ lại, ôm lấy chiếc đệm xe với hai mảnh xà vệt, rồi quơ lấy chiếc nón son hắc ín, bước ra khỏi cửa nhà cai xe.
Sau khi đã rung càng, thăm díp, soát đủ áo tơi cánh gà, tôi nắn xem hai bánh cao su thấy hãy còn non hơi quá. Vơ lấy chiếc bàn bơm quẳng gần đó, tôi tháo đầu van ở bánh rồi vít vào ống dây cao su. Chân giẫm lên mảnh ván gỗ cho “bàn bơm” khỏi nhích đi, hai tay nắm chặt lấy tay bơm, tôi cắm cổ rút lên dập xuống một thôi dài, thở hơi hồng hộc như bò để lấy hơi vào ruột lốp.
Chú thích:
[1] Xin các bạn đọc cho phép chúng tôi giấu những địa chỉ và tên người để chúng tôi có thể tỏ được rằng: viết những trang ký sự này, chúng tôi không có ý khen hoặc chỉ trích ai, mục đích chỉ muốn phác họa một bức tranh tả cái cảnh sinh hoạt khổ sờ của một hạng người trong xã hội. (Lời soạn giả)
Chương III
Lúc cầm hai cái tay gỗ, bước...
Đưa tay áo gạt ngang những giọt mồ hôi kéo ròng trên trán, tôi ngửi thấy một mùi chuồng ngựa - mà nói như kiểu người ta hay nói, thì là mùi mồ hôi sà vằn. Mùi ấy ở tay chiếc áo xanh tôi vừa mặc, bốc lên; cái mùi mồ hôi của hàng trăm người nó đã ăn chết vào những sợi vải kinh niên thỉnh thoảng mới được giũ giặt một lần, mà có giặt, chắc cũng chỉ là ngã qua vào thùng nước.
Cầm hai cái tay gỗ, ta quen gọi là hai càng xe, tôi bước đi theo bóng chiếc khung chữ nhật. Hai bàn chân rát như phải bỏng, mà con đường nhựa lúc ấy, cứ con mắt người ngồi xe trông xuống thì mát lạnh như đá vì nó vừa được thấy bóng chiếc xe ô-tô đỏ tưới đường.
Bước một, tôi tạt ra đường Bờ Sông.
Cái cảm giác thứ nhất của tôi? Không phải tôi, ai biết?
Nó thật buồn cười lắm!
Tôi thấy tôi như một thằng trần truồng đi ra phố, đang kéo một chiếc xe bò trên có dựng tấm bảng đề rõ tên họ mình và cả tên họ những người thân thuộc của mình. Rồi hai lá nhĩ tai thốt nhiên như rung động vang lên, rồi trên cái xe bò tôi tưởng tượng như tôi đang kéo ở sau lưng, lại thêm có mấy thằng ngồi đánh trống và gõ thanh la như chiếc xe của rạp hát Quảng Lạc đi cổ động.
Phố Bờ Sông, những buổi chiều đổ lửa mùa hè nó có đông đúc gì đâu, mà sao bữa ấy tôi thấy như đông người qua lại lắm. Đông như ngày hội Cát tó vào những giờ súng thần công nổ dồn hai mươd mốt phát, đông như ngày hội đình chiến có cuộc đua xe kéo mà trăm nghìn con mắt đang đổ dồn cả vào một thằng lành nghề người ngựa sắp giựt cái giải nhất hai đồng.
Cái can đảm lúc ở nhà bỏ giày bước chân ra, tôi cố giữ cứng được đến lúc này rồi đành bỏ cho nó đổ sụp ở trong đầu xuống.
Từ đầu đến chân tôi vẫn nóng mà người tôi thấy lạnh, cái lạnh của một anh chàng đang cơn sốt phải lôi vào cởi hết quần áo cho người ta giội nước trong một buồng tắm nhà thương.
Bấy giờ, thật chẳng có người đi đường nào nhìn tôi cả mà tôi cứ nghĩ nhiều người vẫn lỗ mắt nhìn. Thật ra, họ chẳng thèm biết tôi là ai mà tôi cứ nghĩ họ biết rõ tôi, rõ cả họ lẫn tên, lại rõ cả chỗ tôi ở nữa!
- Mình đi điều tra! - Tôi, bụng bảo dạ.
Nhưng bảo thì bảo, đã đi rồi, cái can đảm chẳng còn trở lại nữa; thế là tôi cứ cúi mặt xuống, nghe những tiếng thanh la, não bạt mà đi...
Chương IV
Tám cái lợi trong một chiếc nón lá
Chán, thẹn, vừa ghê lạnh vừa nóng đầu, tôi không còn sức đi, cũng như không còn can đảm nữa.
Nghĩ mãi mới nhớ ra con đường vắng nhất, tôi lôi xe đến phố Hàng Chuối, định gác càng lên bờ hè nằm nghỉ, chờ cho thật tối, vác xe về quẳng trả lại cai xe.
- Ka-ao chu-u!
Tiếng gọi ấy, lúc đó đối với tôi nó chẳng có nghĩa gì tuy tôi nhìn rõ ở đầu phố Hàng Vôi có một người đầm đang giơ tay vẫy gọi nhưng tôi vẫn làm bộ như không nghe tiếng, cứ lẳng lặng kéo xe bước tắt đi, mặc xác cả cái anh chàng nhanh mồm thét vào tai tôi mà bảo:
- Kìa xe, người ta gọi.
Vừa lúc ấy, ở đường bên cạnh nhà Băng, có hai chiếc xe cùng đổ xô lại.
Thấy mấy ông đồng nghiệp tranh nhau làm ngựa, tôi thật không còn can đảm há hốc miệng mà cười.
Ghé vào túp lều bán nước của bà lão phố Hàng Chuối, tôi làm một trinh nước chè tươi. Nước vừa vào khỏi cổ đã toát ngay ra lỗ chân lông rồi, tôi cởi áo, phanh ngực ra, cầm một vạt mà... phẩy.
- Bỏ nón ra mà quạt có làm sao, để làm gì trên đầu ấy!
Chẳng để ai đáp, cũng chẳng chờ ai hỏi, một anh phu xe khác cũng ngồi hàng nước với tôi lúc ấy, nói ba hoa về chuyện cái nón, một thôi dài:
-... Cái nón cu li xe có ba đồng xu mà dùng được nhiều việc hơn cái ô trắng đồng hai. Nó là lá mà nó tốt bằng mười vải ấy chứ lại! Mùa nắng thì chụp lên đầu, có gió thì che diêm để hút thuốc lào, mỏi thì lót xuống đít mà ngồi, khát không có hàng nước thì hứng nước máy. Lại còn lúc ngồi ngủ ở xe thì úp lên mặt cho khỏi ruồi nó bu lại; lúc nóng thì làm quạt, quạt; quần áo không kịp về nhà giặt, giặt ở đường, vắt áo thật ráo nước rồi tãi lên đầu vừa đi vừa phơi; mà túng nữa lại còn làm cả cái rổ đựng đồ mua chợ cho mẹ đĩ.
Bốn giờ rưỡi chiều.
Bỏ mặc anh chàng vui chuyện, tôi đánh xe sang vỉa hè bên kia.
Gác hai càng xe lên bờ, tôi úp nón lên lòng, nằm dựa lưng vào sân xe, mơ màng nghĩ...
Trên cành cây, tiếng xé vải của những con ve kêu hạ.
Qua mấy chùm lá xanh cợt nhau với gió, nắng xế chiều hè như ném giỡn những đồng tiền vàng đỏ ối trên chiếc nón sơn đen, đỏ lòm hai chữ: P.V.
Chương V
Cái “cuốc” từ Đồn Thủy lên Yên Phụ
Phía sau chiếc xe bị xô mạnh, tôi cũng văng mình đi. Ngẩng nhìn lên, ánh cây đèn giữa phố đã rọi sáng xuống vỉa hè một con đường vắng tanh vắng ngắt.
Trước mắt tôi lù lù một người đứng.
Chẳng kịp để tôi dụi mắt, người ấy đã nhảy lên xe, gieo mạnh đít xuống đệm, rồi nện gót giày xuống sân xe, mà thét:
- A lê! Đi mao leen!
Tôi tất tả chụp nón vào đầu, nâng cao càng gỗ hi hoay quay xe ra đường. Tại sao tôi lại chịu, kéo người? Thật lúc đó, chính tôi, tôi cũng không biết.
Máu trong người tôi, bấy giờ hình như luân chuyển hăng lắm. Cắm cổ đưa hai khuỷu tay lên khỏi lưng như hai chiếc càng châu chấu rồi xoạc chân bước bước thứ nhất, tôi tưởng chừng như có thể nuốt nổi được một lúc mấy dặm đường.
Nhưng sự thật nó khác hẳn với bụng nghĩ của mình.
Chạy đến bước thứ ba, tôi đã thấy như mất hết thịt ở hai gót chân, chỉ còn trơ có cái xương nhói buốt. Người tôi, vốn mập. Cái bụng bấy giờ, tôi thấy như chảy xệ thêm ra mà đưa lủng lẳng như bụng lợn dưới cái khung xương sườn.
- Mao leen! A lê, mao leen!
Mỗi cái gót giày nện vào sân xe như đánh thẳng lên gáy tôi cho gục xuống. Chân tôi, ngày thường vẫn đi chữ bát, lúc ấy hình như đi vòng kiềng. Ruột thì như vặn từ dưới rốn đưa lên, cố thì nóng như cái ống gang, đưa hơi lửa ra không kịp.
Ì ạch mãi, rồi tôi cũng tha được ông khách của tôi đến đầu Cầu Đất... Miệng thở, mũi thở, rồi đến cả tai cũng thở, mồ hôi thì toát ra như mồ hôi chõ, tôi thấy tôi không phải là người nữa, chỉ là một cái... nồi sốt de.
Từ Cột Đồng Hồ trở đi, bước chân tôi chạy đã thuần, nhưng miệng tôi vẫn há hốc ra mà thở;
cũng như hai bánh cao su tuy vẫn quay vòng trên con đường nhựa mà chiếc xe thì cứ bập bềnh như muốn đưa tôi lên khỏi mặt đất, hay dúi tôi ngã khuỵu xuống rãnh hè.
Ai chẳng bảo tôi đã khiến nổi hai tay xe. Tôi thì tôi bảo: làm thân người phu xe tay là tự nguyện cúi đầu dưới quyền sai khiến của hai cánh tay gỗ!
Dãy đèn điện đường Bờ Sông, mọi tối, tôi trông chẳng sáng là bao, mà đêm ấy như đèn pha ô tô cả. Bóng trăm rưởi nến sáng như bóng ba trăm nến, chiếu hết những đường chỉ áo cho đến những sợi lông của cập giò.
Dọc đường, những tiếng ồn ào, huyên náo, tôi nghe thấy hết mà không nghe thấy gì; mỗi lần có chiếc ô-tô tung bụi vút qua, tôi lại thấy khách qua đường, trong đó có cả người quen, đang chỉ trỏ tôi mà phỉ nhổ. Ngang dọc, quanh tôi có không biết bao nhiêu xe! Xe ấy kéo những ai? Người quen biết tôi cả! Rồi một sức mạnh như vít ngang lấy cổ. Mặt tôi cúi sấp xuống. Chân tôi chạy rảo đi.
- Ếp!
Người qua đường không tránh, có lẽ vì tôi kêu nhỏ tiếng quá, chớ không phải người ta lơ đễnh không nghe.
- Mù! Chạy thế à?
Một đầu càng xe tôi kéo đã thích vào vai anh ta, anh ta còn bị người Cai Tây ngồi trên xe tôi sừng sộ.
Qua gầm cầu, qua bến ô-tô, qua nhà Máy nước nóng... qua nhà Thuốc lá cũ.
Miệng tôi thử lửa, cằm tôi đổ tong tỏng những dòng mồ hôi xuống như chiếc ống máng cụt đổ nước hôm trời mưa.
- Tôôi! Assez!
Lại một cái gót giày nữa đánh mạnh xuống sân xe.
Tôi ghé đỗ trước một tòa nhà ngoài hiên có một người đàn bà An Nam quần trắng sơ mi đen, nằm duỗi dài trên ghế.
Hất chiếc áo xanh tụt xuống nửa lưng, cầm nón quạt, tôi ngồi phịch xuống vỉa hè, ngay chỗ xe đỗ. Giá lúc đó người bồi không mang đồng hào con ra trả, tôi cũng quên bẵng cái việc: còn phải đợi khách cho tiền xe.
- Bác vào nói hộ ông ấy cho thêm chứ. Một cuốc từ Đồn Thủy về!
Người bồi chưa bước vào, một cái mũi lõ thô lố hai mắt đã thò ra:
- Qué qu’il y a? Qué qu’il y a? - Dồn mấy tiếng.
- Lúc điếc bẩy-dề ăng-co.
- Dix sous et encore pas content?
Tôi đứng lên, chìa đồng hào người bồi vừa trao tay xong:
- Me-sừ bẩy-dề moa ăng-co, me-sừ a-lê loong tắng.
Ông khách tôi sừng sộ nhảy ra:
- Tu veux encore des cadouilles? Sale vache!
Miệng nói, tay anh ta cởi chiếc thắt lưng da đóng đai ngoài bụng, nhấp nhoáng một chiếc khóa đồng.
Lúc ấy tôi mới nhận biết ông khách của tôi là một ông Cai mắt xanh, tóc quăn. Nghe người ta chửi vào mặt đã xong, tôi còn muốn được thêm một trận đòn, phải cứ làm ra mặt bướng:
- Bẩy-dề ăng-co, moa ba con-nét.
Quả nhiên tôi không đỡ kịp một quả đấm, vùng chạy kêu ầm lên:
- Ối ông Đội xếp! Ối Cập tên!(capitaine = quan ba)
Phố vắng, mà người đổ ra xem đông.
Tôi nghe rõ một tiếng đàn bà:
- Ói, còn chuyện gì, lại cu li xe vòi tiền, bị nó đánh!
Đội xếp, Cập tên, rồi cũng không ông nào đến! Hàng phố, rồi họ cũng mặc!
Cho cả đến cái bà cóc xê quần trắng cũng vẫn ung dung nằm duỗi dài trên ghế như thường.
Tôi quay lại, cầm hai càng xe lên.
Một ông quần nẹp trắng ngồi bó gối bên chiếc xe dưới gốc đèn nói một câu bâng quơ:
- Lạ gì các “bố Vườn rau” [1] còn không biết!
Chú thích:
[1] Dãy nhà ở mé ngoài phố Trúc Lạc, bên trên trường học Yên Phụ cũ, làm cạnh một vườn trồng rau, là chỗ có đông cai Tây, đội Tây ở. Những người Tây ấy, bọn phu xe quen gọi là Tây Vườn Rau.
Chương VI
Nhớ đến ông già ba năm trước
Gió hồ Trúc Bạch hây hây quạt mát.
Đường Cổ Ngư tấp nập những xe nhà gọng đồng sáng nhoáng, những torpédo với limousine của các khách thừa lương.
Được tắm gội bằng luồng gió mát, người họ chắc nhẹ như chiếc lông hồng.
Cùng ngọn gió hồ, cùng cảnh mặt nước gọn trăng mà tôi thì thấy như bứt rứt.
Cái đấm bị ở vai, không đau bằng xương sườn, xương gáy với xương ống chân mỏi rức. Rức xương lại chưa bằng rức óc. Mà lúc ấy thì tôi mỏi rức cả óc lẫn xương.
Cái óc bảo cái xương: “Mày cũng như tao, đang đau rức”, rồi lại bảo cái mắt: “Chúng mày hãy trông trên đường”.
Trên đường có cái gì?
Một anh chàng béo như con trâu trương với bốn đứa con - thiếu chị vợ để họp thành cả một gia đình - cùng ngồi trên chiếc xe, một người kéo đi bước một.
Đổi địa vị, bây giờ cho người này ngồi lên, người kia bước xuống. Kéo được ba bước, người kia rồi phải trỏ vào mặt người này mà nghiên hai hàm răng thật chặt:
- Chúng mày tàn nhẫn lắm, quân bất lương!
Những buổi tối mùa hè người ta thường nghe những tiếng:
- Mày đánh xe kéo mợ đi chơi mát!
- Mười lăm xu một giờ, có đi không?
Rồi, ngang dọc, khắp đường, người ta thấy những gái đã năm con còn phấn đắp như trát, ngồi lấy bộ cho đẹp trên những chiếc xe sơn đỏ, sơn đen; thằng xe thì kéo bở hơi tai, ống chân phải bó xà cạp để tỏ cho người biết bà chủ nó là nhà sang trọng. Lại những thằng vai so đầu mướt, to lớn như ông Hộ pháp, nằm sóng sượt trên những chiếc xe đi giờ, miệng phì phào hơi thuốc Ăng-lê, hai mắt như mắt Long thần, hết nhìn ngang lại nhìn dọc...
- Mười lăm xu một giờ, có đi không?
- Mày kéo mợ đi chơi mát!
Mười lăm xu một giờ. Ba đồng một tháng. Bát mồ hôi pha máu của người, họ đánh giá không được một đồng kẽm. Thật quân bất lương!
Ngồi nghĩ ngợi lan man sau khi đã mặc bộ quần áo phu xe, nghe người ta mắng chửi, chịu người ta đánh đòn, tôi lại sực nhớ đến một ông già tôi gặp khoảng ba năm trước.
- Kéo xe đôi, - Bạn tôi với tôi - ông già chạy chậm.
Bạn tôi gắt:
- Chạy nhanh lên chứ, khéo khỉ lắm!
Ông già vừa thở vừa đáp:
- Các thầy có kéo xe như tôi, các thầy mới biết.
Bạn tôi nhảy xuống xe toan đánh thằng xe hỗn, nếu tôi không tốt can.
Chuyện ấy, đã ba năm.
Bây giờ, chắc ông già ấy đã chết.
Mà làm cái nghề này, sống lâu làm sao được? Chạy suốt ngày. Ăn không đủ. Tấm thân lại dầm mưa dãi nắng...
Người ta nói:
- Quả ở xứ nóng, quả chín sớm.
Tôi bảo:
- Người làm cu li xe kéo, người chết non!
Chương VII
Một đồng hào trong nẹp gấu quần
Tôi cũng trả xe cùng phố anh, nhưng anh có đủ thuế không?
- Kéo từ trưa được bảy hào, giả thuế sáu hào, tôi chỉ còn thừa có một hào bạc.
- Được, bây giờ cũng đã đến hai giờ sáng. Thủng thỉnh, chúng mình về cũng vừa. Anh theo tôi, tôi trỏ chỗ cho mà ăn, ăn xong, ta cùng về chỗ trọ.
Càng xe quắp nách, sóng đôi với người bạn mới, tôi cũng bước một, theo đi. Đường vắng canh khuya, tôi chẳng quên hỏi bạn những câu chuyện nhỏ:
- Một hào chỉ, cả ăn lẫn trọ thì làm thế nào cho đủ?
- Anh có nghiện rượu không?
- Tôi không uống bao giờ cả.
- Bảy xu cơm, hai xu trọ, cả thảy chín xu. Thêm một trinh bát nước chè tươi, anh còn thừa một trinh lẻ. Mà quên, còn diêm thuốc chưa kể.
- Không, tôi không hút được thuốc lào.
- Như thế thì lo gì nữa!
Đồng hồ trong phố đánh hai giờ sáng. Chúng tôi về đến chỗ trả xe.
Qua mảnh sân con vào đến hiên trong, dưới ánh sáng lù mù một ngọn đèn Hoa Kỳ, tôi lại thấy mặt thằng cha bận áo nòng nọc buổi trưa, chừng là người phụ việc cho cai xe ở đó.
Người cai không có đấy, nhưng trên chiếc ghế vải anh ta ngồi lúc trước, tôi thấy có một người đàn bà. Mụ này cởi trần, người to lớn, đang rũ tóc quạt phành phạch như người quạt hỏa lò. Dưới mảnh yếm rộng không hơn chiếc mù soa, thỗn thện cặp vú sọ dừa to như hai chiếc ấm giỏ.
Cạnh đấy, trên một tấm giường gỗ trần, mấy thằng vén đùi nằm xen vào nhau, ngủ như chết giả.
Tiếng ngáy, tiếng mê sảng lẫn với mấy tiếng ho.
Tôi lấy trong túi áo, đưa sáu hào ra.
- Xe 102 phải không?
Thằng cha bận áo nòng nọc, mặt gân guốc mà đầu bò, vừa hỏi vừa giở sổ.
- Phải, bác giả lại thẻ cho tôi.
- Xe có thiếu gì không?
- Đủ cả.
- Hãy đợi đấy để còn ra soát lại đã.
Cùng lúc đó, một người phu xe khác bước vào:
- Bác làm phúc, hôm nay cháu thiếu mất hai hầu.
- Phúc với đức gì, không đủ thuế thì gán áo.
- Bác để cho đến mai, cháu kéo...
Không đợi người này nói hết, mụ đàn bà the thé nói vào:
- Mai mấy kia gì, áo nó đâu, bắt lấy!
- Cháu chỉ còn có một cái quần... Xe ế, nhỡ phải một hôm, bà trông lại...
Lần này thằng áo nòng nọc không nói, cúi rút chiếc càng bắt ốc trong gậm, sấn lại đánh vào lưng người kia ba cái luôn tay.
- Ôi giời ôi!
- Mày thiếu thuế còn bướng có phải không?
- Nó nỏ mồm, đánh bỏ mẹ nó đi cho bà... quai thêm cho nó mấy cái.
Mụ đàn bà búi tóc ngược, sấn sổ đứng dậy. Túm đầu người kia dìm xuống, mụ vừa tát vừa lên gối, chửi rủa một hồi.
Trên bục, mấy người nọ - chừng là phu xe cả - vẫn ngủ say.
Một thằng tỉnh ngủ hơn, ngóc cổ lên nhìn, rồi lại nằm ngủ lại.
- Mày nắn lưng nó cho bà.
Bỏ chiếc càng bắt ốc xe, thằng áo nòng nọc lần người khốn nạn ấy từ đầu xuống đến gối.
Lúc này, người ấy run lên như cầy sấy, thì vừa lúc thằng kia vừa nắn đến hai gấu quần:
- Nó giấu đồng hào trong này, có gớm không!
Vừa nói, thằng áo nòng nọc vừa giơ lên một đồng hào con, rồi thoi vào mặt người ấy một quả đấm:
- Cái gì đây? Tiên sư đồ ăn cắp!
Mụ đàn bà lại vít đầu người ấy xuống:
- Bà đánh cho mày biết, từ rày thì chừa những thói ăn gian.
Nhận trên mình chừng hơn chục chiếc càng, người khốn nạn kia ngoắt tay ôm lấy lưng, rồi gục xuống. Máu ở lỗ mũi anh ta ồng ộc đổ ra như hai vòi nước, đọng thành vũng trên gạch sân.
Tôi rùng mình....
Quay lưng lại, tôi bảo với thằng áo nòng nọc:
- Người ta thiếu có hai hào bạc!
Chương VIII
Tôi nếm món xáo bò lần thứ nhất
Chừng ba giờ sáng.
Chui vào một hàng cơm tối mà thấp như cái hang chuột, tôi với người bạn dọc đường lúc nãy cùng ghé ngồi xuống một tấm ghế dọc kê sát một chiếc bàn. Cái bàn mộc cáu ghét với mỡ đã lâu năm, trên có một ống đũa tre rỉ nước ròng ròng, hai cái vỏ cút rượu ti con, với một cái vịt đã cụt nửa vòi, chừng là vịt nước mắm.
Tôi thở trong một bầu không khí đầy những mùi hôi tanh nồng nặc. Cái mùi ấy gọi là mùi thớt cũng chỉ hơi đúng vì ngoài những hơi mỡ ôi, cá ươn, thịt thiu, hành sống và trăm thức đồ ăn khác, nếu phân chất kỹ, còn có cả mùi cứt gián với mùi mồ hôi kinh niên.
Con bé nhà hàng bưng đến cho tôi hai chiếc bát đàn úp một, trong có ba xu cơm.
Tôi lật chiếc bát úp, lấy đôi đũa tre trong ống sẻ đôi chỗ cơm, vừa được đầy hai bát.
Trước mặt tôi, một bát canh xáo bò bốc khói lên ngùn ngụt. Nóng sốt như thế mà tôi đoán chừng nó chẳng ngon lành gì cho lắm, vì trong bát canh đục ngầu như nước cống, mấy khoanh lòng bò lều bều nổi như những xác chết đuối dưới mấy đám hành răm. Cạnh đấy, một đĩa lòng giá trông cũng chẳng ngon gì hơn.
Ít tiền, làm gì được miếng ngon! Hai xu xáo lòng! Hai xu lòng giá!
Cầm bát cơm, chan nước xáo, và... tôi thấy dạ dày tôi nó đi một mạch từ bụng lên đến cổ. Có lẽ món ruột già nhà hàng làm không kỹ, nên và xong một miếng, tôi tưởng như tôi đã nuốt phải cả một bãi phân bò.
Ngồi đối diện, bạn tôi vẫn chén rượu khè khà:
- Anh không uống được rượu thì ăn đi.
Cầm bát canh húp soàn soạt rầm nhà, anh ta tấm tắc khen:
- Món xáo bò ngon quá!
Tôi đành ngồi chống đũa.
Xáo ấy, lòng ấy, lại thêm cơm thổi bẳng thứ gạo hẩm đã hết cả nhựa, nước mắm thì là thứ nước hàng pha với muối mặn ăn cho đỡ tốn, tôi dù có cố nuốt, rồi cũng đến phải trả hết ra.
Ngồi chờ bạn, tôi nhìn đến gác mâng-giê để ngay ngoài nhà. Trong tấm lưới sắt thưa, một chậu thịt - thịt bạc nhạc đẽo ở xương ra - còn nằm chờ bỏ vào nồi để làm món giả cầy bán sáng.
Ba con cá diếc nhỏ bằng hai ngón tay chéo, chẳng biết rán từ năm nào mà đét lại như những con mắm nướng. Chừng nó ngã qua vào chảo mỡ cạn, rồi nhảy lên đĩa nằm chờ mãi đó mà chưa gặp được ông khách hàng. Một khúc dồi lợn buộc trên sợi dây lạt, lòng thòng như một quan tiền. Mấy bìa đậu phụ rán tự hôm kia đã sắp đổi màu vàng ra màu đất.
Bên cửa vào, trên một mảnh ván bám vào tường xếp hàng dài một dãy những chai rượu ti lớn. Trong nhà, một rổ bát ướt rườn rượt đút dưới gậm một chiếc bục, trên có manh chiếu bẩn gài chiếc màn sô cháo lòng.
Đồ ăn, thức đựng, màn, chiếu, tất cả chừng ấy cái đều như phơi dưới ánh sáng hai cây đèn búp măng. Hai chiếc thông phong buồn tình làm việc thâu đêm, thở khói lên ngụt ngụt.
Tôi nghĩ: trong cái hoàn cảnh này, còn có người cầm nổi được bát cơm mà nuốt, lại nuốt trôi một cách ngon miệng, mà nào đồ ăn thức uống có phải ngon lành? Toàn những cái đầu thừa đuôi thẹo mới đến hàng cơm: trứng ung, thịt ôi, cá ươn, gà toi... chó ốm! Đó là chưa kể những món thịt súp ở các hàng cơm Tây họ đã ninh lấy nước, hay những món khoai thừa họ đã bỏ vào nồi nước gạo rồi lại được cái bàn tay của những đứa tham lợi mò lên.
Tôi thấy tôi lợm lòng.
Ngẩng nhìn lên thì bạn tôi vẫn còn sì sụp với bát canh, mà lần này, mặt đã đỏ như vang, coi bộ khoan khoái lắm!
Ăn để sống?
Sống để ăn?
Chương IX
Trong chiếc hũ, một đêm...
Ngọn đèn xe đu dưới tay bạn tôi như một con đom đóm vật vờ. Trèo qua một con đê cao chừng năm thước ta, chúng tôi đi xuống một cái vực sâu, tối om như một cái mả.
Dãy đèn điện đường Đồn Thủy, không còn trông thấy nữa. Bị dải đê dài che lấp, nó tỏa ra trên đầu chúng tôi một vầng phớt sáng, buồn ghê...
Theo bước chân bạn, tôi cũng bước một, lần đi. Trời không sao. Quanh mình tôi vang rầm những tiếng chẫu chuộc, ĩnh ương, giun, dế.
Bãi Cơ Xá Nam đó!
Cái tổ của một bọn người nghèo khổ. Cái sọt rách chứa đầy rác rưởi dưới chân những dinh thự nguy nga!
Không một ánh sáng. Không một vết xe. Ánh sáng văn minh rọi đến đây đã bị cái tường đất ngăn đi.
Bánh xe tiến hóa lăn đến đây cũng bị dải đê dài cản lại.
Thế mà có một giống đã vượt qua, vào nổi!
Con ma thuốc phiện nó chắp trên lưng hai cái cánh màu hung đỏ đồi mồi. Cô ả phù dung, cái tên đẹp, người ta thường quen gọi.
Thì đêm ấy, tôi đã thấy ả phù dung nằm đấy, trong một gian nhà lá vách xiêu cột vẹo, chật như cái hũ, chứa đến chục người.
Tôi khom lưng xuống, chui qua một khung cửa cao không hơn một thước tây. Bạn tôi trỏ tôi cho anh Tư S., người nằm cạnh cái khay đèn, rồi vừa cởi chiếc áo xanh mặc ngoài vừa nói:
- Đây, người này muốn ngủ đỗ ở đây.
Tôi gật đầu chào, đưa hai đồng xu vừa móc ra khỏi túi.
Người nằm bên khay đèn ngóc cổ giơ tay đỡ lấy, nín thinh, lạnh lẽo, không buồn nói lấy nửa lời.
Anh ta chừng 40 tuổi, xanh mà gầy. Hai mắt trũng sâu, hai cánh tay như ống sậy. Mảnh quần nâu vén lên quá gối để phô ra hai cẳng chân cũng chẳng béo gì hơn hai cánh tay.
Chẳng được một tiếng mời, tôi cũng cứ ghé vào chiếc giường giát anh ta nằm hút thuốc phiện, mà ngồi.
Thử hết một hơi khói dài, người ấy ngồi lên, đưa hai đầu gối lên khỏi mang tai, tháo cái lọ ở chiếc xe ra, phanh ngực, vén tay áo lên đến vai, nạo xái.
Góc đàng này, trên một tấm chiếu manh, mấy người khác, toàn đàn ông, người mặc áo, người cởi trần, đang châu đầu quanh một ngọn đèn bốc khói. Rầm rầm những tiếng: rút! Lật! Bất! Mẹ nó, cha mày.
Họ quây quần nhau đánh bất, đánh đố mười.
Phu xe bóc lột phu xe; gà què ăn quẩn cối!
Một mụ đàn bà ôm con nằm trên chiếc võng khuất trong bóng tối, chốc chốc lại ngoái cổ ra, dài mồm mà hỏi:
- Anh Cá gỗ được, haaay aiii?
Người bạn xe kéo của tôi, lúc ấy cũng đã sa vào đám rút bất rồi. Còn lại một mình với anh Tư, thừa dịp, tôi tỉ tê, hỏi:
- Một ngày, ông hút hết bao nhiêu cả thảy?
Lắp xong chiếc lọ, anh ta ngẩng lên nhìn tôi:
- Bác này, dễ mới đến đây có lẫn này?
- Phải, hôm nay tôi mới đến đây vì có bác xe vừa rồi đưa lại.
- Tôi trông bác như người đã ở Hà Nội lâu thì phải.
- Không, tôi mới ở Thái xuôi được vài buổi nay.
Với chiếc điếu cày dựng ở chân chõng, anh Tư cầm rít một hơi dài. Chẳng để thì giờ cho anh ta xét đoán tôi, tôi lại hỏi:
- Một ngày, ông hút hết bao nhiêu cả thảy?
Nghiêng mình nằm xuống, anh Tư mời tôi cùng nằm chơi. Xọc mũi tiêm vào viên xái hơ lên đèn, anh Tư vừa xọc tiêm vừa nói:
- Hai hào một bữa, một ngày tôi chỉ hút một bữa về đêm thôi. Thuốc ngang hút được nhiều mà bèn xái.
- Hút như thế này thì ông đánh đến xái mấy?
- Xái ba, cũng có khi cả xái tư, chứ xái xảm thì hại mà sức tôi cũng không kéo nổi.
- Hai hào, mỗi tháng ông cũng mất đến sáu, bảy đồng vào đấy.
- Không đến, xái tôi còn nấu lại, mỗi tháng cũng đỡ được vài đồng cân.
- Hút thế này, chắc ông phải nghỉ làm đêm?
- Không, tôi chỉ mua lại xe, kéo đêm. Ban ngày nắng nôi, vất vả lắm.
- Kéo đêm thì còn lúc nào hút được?
- Hai giờ sáng đem xe trả. Tôi cũng vừa về đây trước bác được một lúc. Hút từ giờ đến sáng. Ăn xong, ngủ đến năm giờ chiều, dậy ăn bữa nữa rồi đi làm.
- Tiền thuế, tiền hút, lại tiền ăn; kéo có bảy, tám tiếng đồng hồ, ông kiếm đủ làm sao được?
Tôi hỏi chuyện, anh ta thì vừa hút vừa đáp. Cái vẻ lạnh lẽo lúc này đã mất hẳn. Nghe tôi hỏi câu ấy, anh ta chỉ cười mà không trả lời.
Thấy tôi không hỏi nữa, anh Tư đưa mắt sang bên tôi. Cạnh ngọn đèn thuốc phiện, có lẽ tôi đã lộ một vài phần chân tướng rồi vì lần này, tôi nghe rõ anh ta hỏi:
- Tôi trông người bác không đến nỗi làm cái nghề này thì phải. Bác ra làm xe đã được mấy hôm nay?
Chẳng sợ bị anh ta lột mặt nạ, tôi cứ điềm nhiên, làm ra bộ thật thà, trả lời:
- Phải? Người tôi như thế này, ai bảo tôi đến nỗi phải long đong, vất vả. Ở trên Thái, nhà tôi trước cũng có. Thủa bé, được cha mẹ nuông, tôi chẳng học hành gì cả. Nhớn lên, chơi bời vung phí, rượu chè thuốc xái, cửa nhà sa sút, cha mẹ giận mà từ. Về Hà Nội, tôi định kiếm một nghề. Nhưng chữ nghĩa không có, dở ông dở thằng, chẳng kiếm được nghề gì. Đói, đầu gối phải bò. Người ta bảo tôi đi làm xe. Tôi nghĩ dở dang như tôi, cũng chẳng còn nghề nào khác.
Đám rút bất đã tan. Trời đã gần về sáng.
Trên mấy chiếc giường tre ọp ẹp, hơn mười người xe sát phạt nhau lúc nãy cũng đã nằm lăn ra như chết, làm mồi cho đám muỗi cỏ nó bu lại đầy mình.
Bên chiếc khay đèn khốn nạn, nằm tiêm thuốc cho anh Tư hút, tôi đã thành ra một bạn thân của anh.
Qua những tiếng trẻ khóc, những tiếng ngáy ran của lũ chết giả ở giường bên, chúng tôi vẫn nhỏ to câu tâm sự.
Suốt đêm ấy, tôi không ngủ.
Nhân thấy hỏi về bước đời hơn mười năm trời làm nghề xe kéo, vui chuyện, anh Tư cũng kể cho tôi nghe:
‘‘Đã mười hai năm nay, bấy giờ..’’
Chương X
Cái năm hai mươi tám của anh Tư
Đã mười hai năm nay, bấy giờ tôi cũng như bác bây giờ, bỏ cửa bỏ nhà, đi vã bộ từ Thái Bình lên đây mất ba hôm, định bụng tìm lấy một nghề mà làm để lần hồi cho qua bữa.
«Bỏ cửa bỏ nhà! - Thật ra thì nhà cửa nhà tôi bấy giờ bị người ta cướp mất cả rồi, còn đâu nữa!
‘‘Thầy tôi xưa làm ông đồ dạy chúng tôi học chữ nho ở ngay Tân Đệ. Sau vì phạm vào tội khắc con dấu giả, bị nhà nước bắt đày đi ở Sơn La rồi chết ở trên đó. Tôi, con một, nhà còn có mẹ. Mẹ tôi thương thầy tôi quá, tuổi đã già mà đêm nào cũng khóc lóc, sau cả hai mắt đến lòa. Bấy giờ nhà cửa còn vật gì, tôi đem bán lao bành cờ hiệu cả đi để lấy tiền chữa chạy cho mẹ.
‘‘Tiền hết mà mẹ tôi, mù vẫn hoàn mù.
‘‘Năm ấy, thật tôi điêu đứng quá, trên đẫu còn được có một nếp nhà. Tạng con nhà học trò trói chẳng nổi con gà, còn biết làm gì nuôi mẹ. Học trò của thầy tôi, bấy giờ cũng tan nát mỗi người một ngả. Cùng kế, tôi lên tỉnh, lĩnh một chiếc xe về kéo lần hồi cho qua.
‘‘Kéo xe ở các phủ huyện, bấy giờ không như bây giờ. Đi làm xe mà vẫn mặc áo thâm dài vắt vạt lên gài vào thắt lưng, đầu lại chít khăn, đội nón sơn tử tế. Xe mình lĩnh, người ta cũng cho mình trả tiền dần rồi lấy hẳn về. Hồi ấy, ở nhà quê, người nào có được một cái xe kéo cũng không khác người có một chiếc đò. Chở đò thế nào thì kéo xe cũng thế, làm ăn tuy vất vả nhưng chẳng ai cười chê, nhất mình lại là con nhà học trò, gặp bước đường cùng, ai người ta cũng rõ.
‘‘Hai năm kéo xe nuôi mẹ, tôi dành ra số tiền góp, cũng lĩnh được hẳn chiếc xe về. Thấy mẹ già được ấm no, tôi cũng chẳng quản gì vất vả.
‘‘Nhưng, thật là cái số, bác ạ. Một hôm lính Đoan về khám rượu, chẳng biết thế nào lại bắt được thúng cơm bã ở sau vườn nhà. Thế là tôi bị bắt luôn đi, mà lớp nhà lá ba gian với chiếc xe cũng bị tịch ký cả.
‘‘Tình cảnh mẹ tôi bấy giờ thế nào, lúc đi rồi, tôi không được rõ.
‘‘Bị giam ở lao tỉnh mất ba tháng, lúc được tha về nhà thăm mẹ thì nhà đã người khác ở, mà mẹ cũng đã chết từ bao giờ.
‘‘Hỏi bà cụ hàng nước ở ngay bến thì bà kể cho nghe: nhà tôi, chức dịch trong làng rao bán, ông Lý Cựu đã mua; còn mẹ tôi thấy tôi vướng vào cảnh tội tù, mới xa tôi được năm, sáu hôm thì chết. Làng xóm thương tình, mua cho cỗ ván gạo tống táng, còn họ hàng thì lảng xa hết, lại tiếng bấc tiếng chì.
‘‘Tôi hỏi thăm đến chỗ chôn mẹ, rồi ngay hôm ấy, gạt nước mắt, xách khăn gói ra đi, bấy giờ bốn bể không nhà, còn biết cậy vào ai mà ăn, trông vào đâu mà ở.
Ừ Tân Đệ lên Nam, ngủ vạ ngủ vật ở ngoài đường một đêm, tảng sáng hôm sau, tôi lại đổ bộ lên Phủ Lý. Ngủ Phủ Lý một đêm ở nhà trọ, tiền ăn không có, tôi phải lạy van nhà hàng xin gán áo lại mới được người ta buông tha cho đi.
‘‘Nghĩ chuyện trước, tôi còn xấu hổ đến bây giờ. Khốn nạn, chỉ vì ba bát cơm hẩm với mấy ngọn rau muống không đáng năm xu mà người ta chửi bới đến tiên tổ nhà mình, lại bắt cái áo thâm dài bán rẻ cũng còn được dăm hào chỉ.
‘‘Tôi nghĩ thương thân, muốn khóc mà không còn nước mắt nữa.
‘‘Hai mươi tám tuổi đầu!...”
... Không thấy anh Tư nói nữa, tôi ngừng tiêm lại, trông theo. Trong cặp mắt sâu hoắm như hai cái lỗ đáo ở chiếc đầu lâu, anh ta để roi xuống mấy giọt nước mắt khô khan như pha lẫn máu.
Tôi cũng lặng thinh không nói, lại lăn tròn điếu xái trên ngọn lửa lạnh lẽo chiếc đèn dầu.
Anh Tư thì ngồi lên, xỉ mũi vào chiếc khăn tay nâu, uống xong hớp nước lại ghé nằm, chờ hút điếu xái bao tôi đang xoe vào nhĩ lọ.
Hà Nội, Juin, 1932
Tam Lang
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách 15 Tháng Hai, 2023 Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang n...