Tạp chí Văn từ lòng đất
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975 như vết nước
mắt loang dài của miền Trung ngắn dần đi khi dân chúng di tản
vào Nam kiệt sức đến không còn nước mắt khóc cho những xác người ven
đường. Khóc cho nhà cửa vườn tược bỏ lại bị thiêu cháy, cho ruộng nương hoang
tàn, cho trâu bò lạc lõng bơ vơ như thân phận của chính mình giữa dòng người chạy
loạn.
Gia đình tôi như số đông dân Quy Nhơn chạy vào đến Tuy Hòa, rồi
ráng qua được đèo Cả vào đến Nha Trang, lê lết thêm một quãng nữa đến Cam Ranh
là hết sức. Chân phồng lên vì dộp. Mi mắt phồng lên vì mất ngủ, chúng tôi như
những bóng ma của chiến tranh mang trong óc trí não phồng lên vì lo lắng. Chiến
tranh có quy luật của loạn lạc. Chiến tranh Việt Nam có quy luật
riêng: Dân không chạy ngược lên phía Bắc mà luôn chạy vào Nam.
Xuôi Nam, là tìm đường sống, là tìm tự do, dù trên danh nghĩa được giải
phóng.
Gia đình tôi cũng vậy. Chạy tất tả bờ bụi, ngay sau khi vỡ mặt
trận. Mỗi ngày các chuyến xe đò và quân xa dồn dập đổ dồn về bến xe chính thị
xã thải những con người lầm than, màn trời chiếu đất. Dân đất Quảng liều chết
vượt đèo Hải Vân vô cho được Quy Nhơn. Hải Vân như rặng núi thiên nhiên chống đỡ,
biết có ngăn được nguy biến cho chúng tôi? Ba tôi ở Phòng Thông tin về thất thần,
tin Đà Nẵng mất như quả bom nổ giữa nhà. Thế là hết, Đà Nẵng, thành phố lớn nhất
miền Trung sụp đổ, là vỡ mặt trận. Tuổi mười hai tôi hiểu: Tam Kỳ, Quảng
Ngãi, Đức Phổ liên tiếp vỡ mặt trận. Đức Phổ là đã sát Tam Quan, Hoài
Nhơn, Bồng Sơn. Là đã vào đến Bình Định. Dân Quy Nhơn chỉ còn biết chạy. Gồng
gánh, bồng bế nhau chạy theo đoàn người lam lũ mà mới hôm qua chúng tôi hãy còn
sót thương, gói ghém thức ăn giúp đỡ khi họ lây lất nằm ngồi trên vỉa hè thị
xã. Giờ chúng tôi thành họ, bỏ nhà cửa nhập vào cái đuôi rồng rắn dài ngoằn thậm
thược bò trườn về phía Nam. Phía Nam… thật xa như biển Thái Bình vỗ
sóng. Phía Nam… ở cuối chân trời còn trong xanh như giấc mơ tuổi thơ.
Phía Nam mang hình ảnh nhu mì thanh bình của những đồng ruộng miền
Tây, của lộng lẫy Sàigòn làm tuổi thơ tôi nô nức.
Vâng, tôi hãy còn nhỏ, còn là cô bé đệ thất hóng chuyện người lớn, lo âu theo nỗi lo cha mẹ, sợ hãi theo nỗi sợ hãi của các anh chị, học lóm các danh từ quân sự từ miệng chú bác. Tuổi thơ chiến tranh trong Nam không hực lửa dữ dội như tuổi thơ miền Bắc mà êm đềm dịu lành như miền Nam, tuy chiến tranh xảy ra ở đây, nhưng những người lính Cộng hòa bảo vệ chúng tôi được yên bình. Đến tháng 4/1975, tôi sống trong sự an lành bấp bênh này.
Vâng, tôi hãy còn nhỏ, còn là cô bé đệ thất hóng chuyện người lớn, lo âu theo nỗi lo cha mẹ, sợ hãi theo nỗi sợ hãi của các anh chị, học lóm các danh từ quân sự từ miệng chú bác. Tuổi thơ chiến tranh trong Nam không hực lửa dữ dội như tuổi thơ miền Bắc mà êm đềm dịu lành như miền Nam, tuy chiến tranh xảy ra ở đây, nhưng những người lính Cộng hòa bảo vệ chúng tôi được yên bình. Đến tháng 4/1975, tôi sống trong sự an lành bấp bênh này.
Qua khỏi Nha Trang, gia đình tôi vào tạm trú trong cư xá Cam
Ranh. Dừng lại vì đuối sức. Để thở. Để hô hấp. Để kịp nhìn quanh xác định vị
trí thân phận gia đình mình giữa dòng loạn lạc, là điều cha mẹ đánh liều, vì
các con hết sức, vì không biết làm gì khác. Cả nhà đã đuối. Tôi kiệt sức. Tôi
muốn lả. Tôi uống ca nước mưa trong cư xá tìm vị nước mưa của quê hương mát lịm
ngọt ngào.
Buổi chiều hôm ấy thật căng thẳng. Tôi còn nhớ tin quân
giải phóng bị chận ở đèo M’Drak không cho xuống Khánh Dương tràn xuống miền
duyên hải làm cả khu cư xá hân hoan, lên tinh thần. Rồi vụt đến tin lính
mình tan hàng. Tôi chưa biết tan hàng là gì, nhưng nhìn gương mặt
người lớn âu lo chùng xuống, tôi biết tin không lành. Ba mẹ tôi bằng mọi cách
muốn con mình phải sống.
Sống, nên mấy chị em tôi đóng cửa ở trong nhà như ba mẹ dặn.
Cả hai đi đâu chúng tôi không được quyền biết, chuyện người lớn, chiến tranh là
của người lớn, nhưng chính chúng tôi đang cùng sống chiến tranh với họ. Thỉnh
thoảng tôi len lén nhìn qua khe cửa. Cư xá vẫn náo động, nhưng tôi muốn nhìn ra
bên ngoài, qua vách tường thấp trông ra mặt hè phố. Chị tôi la, mở cửa sổ cho
chị, chị ngộp thở quá. Nhà gì mà kín mít. Được phép, tôi mở toang cửa sổ. Cảnh
tượng ập đến như phim chiến tranh. Tôi gọi chị ra xem. Tôi la: Chị ơi,
lính của mình vứt binh phục đầy đường rồi, họ quăng giày bốt trên vỉa hè… Chị
lao tới, chị cũng sửng sờ, những người lính oai hùng hôm qua, những người lính
điển trai sạm nắng, đàn ông tính và hiên ngang làm những thiếu nữ như chị mơ ước…
Tôi giật thót, khi nghe tiếng gõ cửa. Ba tôi trong khung cửa,
ba trở về với một người lính trẻ thất thần, hối hả tháo binh phục, gần như muốn
lột da anh để không ai biết da anh từng rằn ri lúc trước. Anh tháo hối hả áo trận,
áo thun xanh lục bên trong, vứt thẻ bài tiếp tục lấp lánh trong góc tối rồi anh
vội vã xin chúng tôi bộ quần áo. Anh còn trẻ lắm, chắc vừa xong tú tài. Tôi ngắm
anh xương xương, tóc ngắn, da ngăm nhưng còn tươi nét thị thành, anh không phải
là nông dân, mà phải xuất thân thành phố. Tôi luýnh quýnh lấy đồ dân sự đưa cho
anh.

Tần ngần một lúc, anh đưa cho tôi. Tôi nhìn được vẻ ngậm ngùi
trên gương mặt anh, hãy còn bơ phờ và cháy nắng. Bụi đất, thuốc súng, vết đạn bạn
anh trúng thương như hãy còn nguyên trên trán anh. Trán của một người lính mang
5 quyển tạp chí Văn trong ba lô mà tôi không hiểu quan trọng đến mức
nào khiến anh không vứt suốt đoạn đường lui binh, khiến anh chấp nhận mang ít đạn
dược, lương khô để dành chỗ cho bộ English for today của Lê Bá Kông
và 5 tập nguyệt san Văn.
Tôi hỏi: Đi lính mà mang theo sách văn chương chi vậy
anh?
Anh nói: Đọc cho đỡ buồn để nhấc mình ra khỏi chiến tranh.
Rồi anh kể, anh mơ ước sẽ đi học tiếp. Anh học năm thứ nhất
Văn khoa Sàigòn trước khi bị động viên. Anh muốn trở về trường cũ, hy vọng phía
chiến thắng xem phía thua trận là anh em, cho phép anh sống bình thường, ước mơ
bình thường, tốt nghiệp Văn khoa đi dạy một trường trung học tỉnh lỵ nào đó, đạm
bạc mà yên ổn với cuộc đời. Anh không thích chiến tranh, anh không muốn đánh
nhau hoài, thua trận nhưng cũng là dịp tốt chấm dứt nội chiến. Anh đưa tay vuốt
tóc tôi, bàn tay có những đốt chai của người lính mà tôi cảm được khi lướt qua
trán mình, lớp da tay sần có thể vì khuân đạn, vì phải đào công sự, chạm vào da
làm tôi hơi giật mình. Da của một người đàn ông lạ, tôi nghĩ. Da của một bàn
tay ham đọc sách văn chương, tôi cũng nghĩ. Chúng tôi tiễn anh ra cửa, bóng anh
vụng về trong đồ dân sự cố đi bình thản nhưng bước chân như chạy trốn người
lính là chính anh vừa ban nãy, còn đồ trận, giờ anh đã bỏ lại và muốn thoát
bóng cũ.
Ngày ấy, tôi còn rất nhỏ. Tháng 4/1975 tôi chưa là thiếu nữ,
tôi chỉ cảm thấy vô cùng thương tâm, lòng như lửa đốt vì lo lắng khi nghĩ đến
người thân. Các anh con bác tôi cũng đi lính, những ngày này, các anh tôi lầm
than đang trôi dạt nơi nào.
Rồi thời gian qua như bão sa mạc. Gió tốc tan hoang chỉ còn lại
đất, tất cả biến mất khi chúng tôi trở về. Trong cơn bão, tủ sách của gia đình
tôi bị đốt sạch, ba nói người ta sẽ vào nhà lục soát và kết án tàn dư chế độ
cũ, ai giữ sách là phạm pháp. Ba sợ. Mẹ sợ. Cô chú, thím, bác, dì, dượng sợ.
Không ai dám giữ, dám giấu hay cất hộ. Tôi và các chị lén ba, giấu những tập
sách mà mình yêu thích nhất trong một hòm gỗ dưới chân cầu thang tầng 2, những
quyển sách mà người lính đã tặng tôi cũng để lại không nỡ đốt đi. Ánh mắt anh
như còn trên bìa sách. Ánh mắt lấp lánh hy vọng anh có thể theo học Văn khoa tiếp
tục phảng phất trên trang giấy ố vàng. Thời gian làm những Tạp chí Văn ấy
đã trở thành “di sản” của văn chương Miền Nam. Chính tôi cũng không ngờ tới,
và có lẽ anh cũng không ngờ đến. Tôi đã giữ, đã đọc, đã “nhấc mình lên” khỏi cuộc
chiến như anh dặn. Bằng văn chương.
Cách đây mấy năm, khi đọc trên online Tạp chí Văn ở
Hoa Kỳ của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, thấy trên danh mục thiếu những tập năm
1969, tôi nhớ ngày xưa người lính đã cho tôi mấy cuốn nên lôi ra, sách đã ố màu
và mối ăn lỗ chỗ. Tôi khẽ khàng lật từng trang sách vì giấy đã mục nát. Tôi cảm
giác kỳ lạ là chính anh cũng đang cùng tôi lật khẽ khàng từng trang sách cũ. Lật
từng chữ cũ, với sự hoài niệm của một thời đã mất.
Tôi lật từng trang.
Văn số 140, ra ngày 15 tháng 10 năm 1969, gồm 128 trang. Số đặc
biệt về Yasunari Kawabata là một nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản được giải Nobel
văn chương năm 1968. Hình bìa là bức ảnh nhà văn mặc áo kimono đen với gương mặc
thiền tông, do Văn Thanh trình bày. Bài nhận định Yasunari Kawabata cuộc đời
và sự nghiệp của Vũ Thư Thanh viết từ Tokyo, tháng 7 năm 1969. Yasunari
Kawabata dưới nhãn quang Tây phương của Chu sĩ Hạnh viết từ Melbourne,
tháng 3 năm 69. Tiếp theo giới thiệu 5 tiểu thuyết tiêu biểu của
Kawabata: Cô đào miền Izu, Tiếng núi rền, Ngàn cánh hạc do Vũ Thư
Thanh dịch từ nguyên tác, riêng truyện Thủy Nguyệt do Chu Sĩ Hạnh dịch
từ bản tiếng Anh, Nốt ruồi do Mai Dzam dịch. Văn khi ấy,
như thế đã cập nhật văn học thế giới rất nhanh vào miền Nam. Miền Nam,
cảnh cửa văn chương mở ra thế giới của toàn Việt Nam. Tháng 4/1975 đã đóng
lại phũ phàng.
Bên cạnh đó, Văn số 140 năm 1969 đăng tiếp truyện
dài nhiều kỳ Khu rừng hực lửa của Nguyễn Xuân Hoàng. Mục Tin
văn… do Thư Trung và các bạn đảm trách: đưa tin Mường Mán cây bút trẻ của
Văn vừa ra chiến trường; Lê Bá Lãng thì được biệt phái trở về nghề gõ đầu trẻ;
giới thiệu tập sách mới nhất của Nguyễn Mạnh Côn “Hòa bình… nghĩ gì? làm gì?”, tựa
mà về sau Phan Nhật Nam lấy lại trong một chương của bi ký Tù
binh và Hòa bình; rồi Hội Bút Việt cử phái đoàn tham dự hội nghị Văn Bút Quốc tế,
ở Pháp. Tin ngoài nước: giới thiệu giải thưởng văn hóa ở Đại Hàn, Genève vừa tổ
chức cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ XXII giữa các nhà văn hóa, để thảo luận về đề
tài “Tự do và trật tự xã hội”.
Tiếp theo mục Thư tòa soạn loan báo trước chủ đề của
những số báo sắp tới, cuối cùng Hộp thư bạn đọc Tòa soạn Văn giới thiệu
những tác phẩm mới do các tác giả và nhà xuất bản gửi tặng.
Bờ sông lá mục của Phan Lạc Tiếp, là một tập bút ký chiến
tranh, trình bày cuộc chiến Nam Bắc hiện tại qua cái nhìn của một người đi biển.
Nhật ký quân trường của Trần Châu Hồ, viết trong những
ngày ở lại quân trường không đi nghỉ phép của nhà giáo Trần Châu Hồ khi thực tập
quân sự tại TTHL Quang Trung.
Vực xoáy của Bàng Bá Lân, tập truyện dị thường gồm 10 đoản
thiên, dịch từ nhiều tác giả Âu Mỹ nổi danh.
Những giọt đắng của Võ Hồng gồm 7 đoàn thiên, Bìa của
Đinh Cường.
Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh của Erich Maria Remarque,
Phạm Trọng Khôi dịch từ bản tiếng Pháp Rien de nouveau à l’Ouest, viết về
tâm trạng phản chiến của binh sĩ Đức trong Thế chiến Thứ Nhất, đã được chuyển
thành phim và dịch sang nhiều thứ tiếng. Bìa do Đinh Cường vẽ.
Văn chương tranh đấu miền Nam của Nguyễn Văn Sâm, khảo
sát 24 tác giả quan trọng của văn chương nam bộ thời kỳ 1945-1950, là một công
trình nghiêm túc và đáng tán thưởng.
Thơ Lữ Quỳnh, thi phẩm đầu tay gồm khoảng 30 bài. In Thạch bản,
trình bày trang nhã, phổ biến hạn chế trong vòng thân hữu.

Quyển Tạp chí Văn hơn 30 năm trời đã lưu giữ tâm hồn
bao con người, như một thước phim quay chậm, từng con chữ, từng con chữ hiện
lên những cuộc đời. Số phận những nhà văn Miền Nam này đã ra sao sau
biến cố tháng 4/1975, họ còn sống hay đã chết…, với tôi tạp chí Văn như
một nấm mồ bí ẩn.
Nhưng chính những trang sách ẩn chứa bao điều bí ẩn đã giúp
tôi thoát khỏi nỗi buồn trong những năm dài cay nghiệt của cuộc đời. Văn chương
tự do giúp tôi “nhấc mình” lên khỏi thực tế u buồn của xã hội thực tại. Tôi nhấc
tôi lên bằng văn chương quá vãng của miền Nam, nhấc tôi lên khỏi cuộc đời
thăng trầm trăm nỗi lo toan. Mà vây quanh là khẩu hiệu. Khẩu hiểu trên tranh cổ
động không giúp nhấc mình mà nhấn mình xuống vì phải làm theo chỉ thị, theo khẩu
hiệu, mà mình không muốn, vẫn phải làm. Làm tối mặt. Tối mắt. Để về nhà buồn bã
là đã không sống thật với mình. Tạp chí Văn khi ấy tôi lưu giữ trong
nhà rất lạ, không giống những tập san văn nghệ bày bán trên sạp báo bên ngoài,
cũng không giống báo văn nghệ hội nhà văn, là một cái gì khác.
Văn chương tự do cho mình cuộc đời khác, sống cùng nhân vật,
đem mình bay đến những miền đất lạ và tuy trong khoảnh khắc, nhưng cuộc đời bỗng
hạnh phúc biết bao.
Bây giờ tôi đã hiểu vì sao ngày trước, người lính miền Nam ra
chiến trường vẫn mang theo trong hành trang Tạp chí Văn cất trong ba
lô của mình, như lời anh nói, giúp anh “nhấc mình ra khỏi chiến tranh”. Ra khỏi
sắt thép, lửa và tham vọng. Trong văn miền Nam không có thép, nên anh
tìm bình an trong Tạp chí Văn Sài Gòn ngày ấy.
Tôi cũng vậy, tôi cũng muốn tìm bình an trong văn chương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét