Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Nỗi nhớ “Thức với mưa”

Nỗi nhớ “Thức với mưa”
Người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật bằng sự rung cảm của trái tim và tâm hồn đầy cảm xúc. Tấm lòng của họ luôn rộng mở đón nhận những âm vang của cuộc sống, vươn tới sự đồng cảm. Và tình cảm của họ là một trong những động lực thúc đẩy cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.
Tập thơ “Thức với mưa” là một trong những cảm xúc của nhà thơ Đoàn Ngọc Minh nhằm biểu hiện tình cảm của bản thân trước cuộc sống. Đấy là nỗi nhớ về những kỷ niệm, về các mối quan hệ, về tình cảm gia đình. Nhà thơ bộc lộ nỗi nhớ trong tâm hồn với những điều sâu kín, và thơ như người bạn tâm giao đồng điệu để nhà thơ bộc lộ mình, bộc lộ tâm hồn:
“Thi nhân ơi Giọt thời/ gian Bảng lảng.../ Chỉ giọt tình/ Giăng mắc/ Chốn bể xa...”. (Gọi)
Thơ là một thể loại văn học nằm trong phương thức trữ tình, nhưng bản chất của thơ rất đa dạng với nhiều sắc thái phong phú. Nhà thơ Đoàn Ngọc Minh dùng thơ bộc lộ cảm xúc theo từng cung bậc và đề tài cũng đa dạng, đó là những cái rất cụ thể: “Đất”, “Gió”, “Sương thu”, “Núi quê”, “Nắng”, và thời gian, không gian cũng được đưa vào trong thơ như “Đêm”, “Xuân”, “Mùa lá”. Thơ của bà tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống.
“Núi thật cao rừng cũng thật mênh mông/ Câu hát tồ dung con trai con gái/ Gió thổi bạt ánh chiều xa ngái/ Cái lạnh se duyên iu ấp lứa đôi ”. (Về Nguyên Bình)
Nhưng cảm xúc chủ đạo của tập thơ “Thức với mưa” là gam màu bâng khuâng buồn. Nhân vật trữ tình trong thơ có thể thấy rõ đấy là một người phụ nữ đang cô đơn:
“Vàng đã nhuộm thu câu hát nhớ thương Trăng/ quạnh quẽ ôm bầu trời quạnh quẽ/ Heo may gọi bầy chim về đâu thế?/ Cánh buồm nào rong ruổi cuối trời xa?”. (Tự khúc)
Hay đó là tâm trạng người vợ xa chồng:
“Hai chiếc lá mong manh/ Bên nhau bên đời rộng/ Chợt lá anh khẽ khàng/ Lặn sâu vào trăng khuyết”. (Mùa lá)

Thơ bà lấy điểm tựa ở sự bộc lộ thế giới nội cảm của nhà thơ trước cuộc đời, những tình cảm gia đình sâu sắc, những cảm giác về cuộc sống lứa đôi, hay về tình cha mẹ với con... Tất cả với nhiều sắc thái cảm nhận và rung động tinh vi thuộc về cuộc sống bên trong của nhà thơ.
“Con thả vào giữa mênh mông/ Câu thơ xác xao sương lạnh/ Hình như màu mây mỏng mảnh/ Cõng mẹ trở về với con”. (Mẹ)
Thơ là những rung động và cảm xúc của con người trước cuộc sống được bộc lộ một cách chân tình rất tự nhiên. Tuy nhiên bằng năng lực của mình, nhà thơ phải dùng cảm xúc thăng hoa thành nghệ thuật để tạo nên những vần thơ. Vậy nên trí tưởng tượng bay bổng trong thơ Đoàn Ngọc Minh phải là một năng lực trong tư duy thơ, một động lực hỗ trợ cho sức sáng tạo đầy tính nghệ thuật. Và nỗi nhớ để lại trong lòng người đọc là cảm xúc luôn gắn với hình ảnh mưa. Mưa trong hình ảnh một cô gái: “Mưa bất chợt trắng dòng Hương Giang/ Ta nâng hạt buồn nở tràn phố cổ”. (Mưa Huế); hay “Rừng mướt giữa mai hồng lặng gió/ Em - sợi mưa thoắt đến thoắt bay”. (Để rồi). Mưa thể hiện tâm trạng: “Mặc gió hú canh thâu/ Mặc mưa nguồn gào thét”. (Núi quê). Mượn hình ảnh mưa để tả tình: “Cơn mưa vô tình trút xuống/ Rối bời vạt cỏ bên non” (Gió).
Nỗi buồn gợi rất hình ảnh, từ cảm nhận bằng thị giác, màu mưa là gì rất khó đoán định nhưng trong tâm sự của người phụ nữ đang cô đơn, màu của mưa như người đàn bà không có chồng. Từ màu sắc gợi hình ảnh liên tưởng màu mưa, có lẽ hình ảnh những hạt bong bóng của mưa rơi xuống gợi cảm giác như mái tóc đàn bà buông trễ nải, hững hờ bởi thiếu người quan tâm. Và từ ngoại hình đã có sự liên tưởng đến tâm trạng người đàn bà đang trầm tư. Những liên tưởng trữ tình mềm mại và rất nên thơ, vừa có hình ảnh linh hoạt vừa có tình ý kín đáo. Nỗi nhớ thường đo bằng cảm xúc nhưng ở đây mưa như chất xúc tác tạo nên một trạng thái vô hình đã nâng cảm xúc thành cảm giác:
“Hai mươi năm/ Một phần ba cuộc đời/ Cô ở thật xa/ Mưa miền Đông rung đất Nát lá/ Mưa chan vào con buốt giá Đi tìm cô”. (Tìm cô)

Cảm giác của một người con đi tìm người thân đã mất nhưng không thấy tạo nên từ nỗi đau tâm hồn và mưa là cái cớ để đo cảm giác “mưa chan vào con buốt giá”. Vừa trực tiếp với những cảm xúc suy nghĩ cụ thể, vừa gián tiếp thông qua liên tưởng và tưởng tượng phong phú, thơ Đoàn Ngọc Minh khá đa dạng về bút pháp, tác giả sử dụng khá linh hoạt thể thơ tự do: “U... u gió/ đầu nguồn núi thức/ con nước thẫn thờ/ cuối nguồn ai mờ” (Gió); hay: “Màu mưa/ cho ta giấc nồng/ cho ta thổn thức/ cho ta day dứt/ cho ta miền say!” (Màu mưa). Tuy nhiên có thể khẳng định, những bài thơ với câu thơ 7 chữ, 8 chữ của bà có chiều sâu về triết lý và tạo được những rung cảm trong lòng người đọc:
“Mưa vẫn chiều mưa Huế mang mang/ Ta xa lạ dưới hàng cây so đũa/ Nghe mưa qua nhớ núi quê thật lạ/ Huế chạnh lòng níu bước kẻ tình si”. (Mưa Huế)
Thơ vừa theo cảm nghĩ vừa bằng sự rung động của ngôn từ giàu nhạc điệu, đối tượng biểu hiện trong thơ thể hiện khả năng sáng tạo của tác giả:
“Con gái Dao Tiền môi thắm như son/ Cõng củi trên lưng lội khe về bản/ Cái lạnh đá núi cho em dày dạn/ Mắt long lanh màu nắng cuối đông”. (Về Nguyên Bình)
Trong 56 bài thơ của tập “Thức với mưa” có bài Chuông gió được tác giả sáng tác theo thể thơ lục bát. Với đề tài lạ, có lẽ cách thể hiện một thể loại thơ “hoài cổ” là sự táo bạo trong sáng tác của tác giả:
“Ngỡ mình ta kẻ cô đơn/ Thì kia Chuông Gió trút buồn vào đêm/ Ta như một kẻ say mềm/ Bước cao bước thấp giữa thềm mưa giăng/ Chuông Gió ai oán tình tang/ Ta lặng câm với lang thang nỗi mình/ Hỏi cát, cát chỉ lặng thinh/ Hỏi biển, biển chỉ rập rình sóng đưa/ Trời cao lấp lóa sao thưa/ Mòn đêm gió trở cơn mưa rũ tình/Chắp tay xin đấng vô minh/ Cho ta gom một chữ tình được chăng?”
Mượn vật để tả tình, đối tượng miêu tả không được đặc tả mà là sự so sánh làm nổi nên vấn đề. Chuông gió vang trước cảnh vật không phải thể hiện niềm hạnh phúc mà là nỗi thán ca cô đơn. Người hòa vào vật giữa không gian mênh mông và thời gian đằng đẵng thể hiện khát vọng được yêu. Bài thơ hay về nhạc điệu, ngôn ngữ giàu hình ảnh và có sự so sánh. Nên chỉ có nhà thơ đã trải nghiệm cuộc sống và sáng tạo bằng tâm hồn giàu cảm xúc thì mới có những tác phẩm giá trị như vậy.
Tập thơ “Thức với mưa” của nhà thơ Đoàn Ngọc Minh có thể thấy được những thành công với sáng tạo nghệ thuật, tạo được cảm tình đối với độc giả. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có một số hạn chế nhất định của tập thơ bởi trong một số bài thiên về phương thức tự sự. Điều đó làm cho độc giả cảm thấy giọng thơ khô, có phần sa vào lối kể chuyện. Trong tập thơ “Thức với mưa” tác giả sáng tác nhiều bài thơ theo thể tự do với cách dùng câu ngắn, trong một số trường hợp sẽ tạo nên đặc điểm độc đáo trong thơ, nhưng đôi khi nhiều bài thơ sử dụng câu ngắt nhịp 3 - 4, 3 - 3, 4 - 4 tạo sự hụt hẫng vì câu sau liên kết với câu trước thành câu thơ 7 - 8 sẽ hay hơn nhiều. Một điểm nữa là trong thơ của tác giả Đoàn Ngọc Minh có đề cập đến đề tài và hình ảnh miền núi với những cô gái miền sơn cước, những nét văn hóa dân tộc nhưng ngôn ngữ thể hiện lại quá hiện đại nên ít lưu giữ được những bản sắc dân tộc.
Trong sáng tạo nghệ thuật, dù nhà thơ có thể hiện những điều cao siêu hay miêu tả tạo vật bình thường của cuộc sống thì cũng đem lại sự hấp dẫn về giá trị nghệ thuật. Đó chính là những vần thơ chứa đựng cảm xúc và tâm hồn của người nghệ sĩ. Nhắc đến “Thức với mưa”, độc giả sẽ nhớ đến tác giả Đoàn Ngọc Minh. Đó chính là phần thưởng lớn nhất mà người nghệ sĩ mong chờ và đón nhận với niềm hạnh phúc lớn.  
Tiến Quyết
Theo http://www.baocaobang.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...