Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

“Tiếng chó đêm” - Hành trình sáng tạo nghệ thuật của Hữu Tiến

“Tiếng chó đêm” - Hành trình 
sáng tạo nghệ thuật của Hữu Tiến
Tôi gặp Hữu Tiến đã nhiều trong tác phẩm, có lẽ hình ảnh lưu giữ về ông - một nhà văn nông dân miền núi là ấn tượng hơn cả. Một chút mộc mạc, giản dị và chân chất. Tập truyện ngắn “Tiếng chó đêm” của ông ra đời cũng là một hành trình mà nhà văn đã sáng tạo trên con đường nghệ thuật của mình.
Trong “Tiếng chó đêm”, nhiều truyện ngắn của ông không phải một sự “say” đến ngây ngất về sự phá cách trong nghệ thuật hay nội dung. Đó chỉ là những sự vật, hiện tượng của cuộc sống thường ngày được miêu tả trong sáng tác của ông. Một trưởng thôn, một mảnh sống gia đình, tình cảm của đôi vợ chồng, hay có những trí thức lớn lên từ nông thôn và trở về với cuộc sống thường nhật… tất cả được miêu tả thành chuyện. Chuyện bắt đầu từ cái đơn giản và kết thúc cũng rất bình thường. Nhưng điều đáng trân trọng là tác giả đã góp nhặt để đưa lên trang viết phản ánh sự đa dạng muôn mặt của đời sống xã hội.
Từ ông Tậu trong “Bản Quầy có trộm” chỉ đơn giản là tranh chức trưởng thôn bởi ở vị trí “anh trưởng thôn vơ vét được khối thứ”. “Đấy là cái giá chữ ký trưởng thôn. Không biết cấp cao hơn các giá của nó lớn như thế nào ông Tẩu không thể hình dung nổi. Chả trách thời buổi này người ta tìm cách làm quan bằng mọi giá”. Cuộc sống bình yên của người nông dân cũng bị xô đẩy thời kinh tế thị trường. Với cơ chế mở, cuộc sống của người dân đổi thay nhưng bên cạnh đó có những người gục ngã. “Chớm xuân” kể về bi kịch gia đình một nông dân nghèo. Để mưu sinh, Rạng phải chia tay vợ đi vào bãi vàng làm kinh tế. Nhưng anh đã không thoát được sự cám dỗ của đồng tiền và những mưu mô của thế lực ngầm, rồi phải cam chịu “làm thằng đàn ông” cho một ả bán quán.

Để lại nỗi vò võ đợi chờ của mẹ già và người vợ mới cưới. Tương tự như vậy “Đêm trên bản Lũng Vài” bình yên là thế nhưng khi So trở về làng “đem theo cô vợ trẻ, móng chân móng tay lúc nào cũng bôi sơn đỏ chót” và mở hàng quán thì “bản Lũng Vài nhộn nhịp hẳn lên” bởi nạn cờ bạc, trộm cắp. “Ngày về bản” làm sự bùng nổ của một thế hệ “trọc phú” không thể phủ nhận trong xã hội như Lỷ. Lỷ lừa lọc, bất nghĩa, mất nhân cách nhưng thành đạt bởi gặp may. Cũng có thể những chuyện rất đơn giản như “Thư nặc danh” để phản ánh một sự đối lập trong cuộc sống bon chen giữa những người nông dân như Lãm và Quây.
Dẫu chỉ là những mối quan hệ giữa hàng xóm láng giềng, quan hệ đồng nghiệp, tình cảm gia đình… nhưng ông đã miêu tả rõ được nhân tình thế thái, lòng thương cảm, sự đố kỵ, thủ đoạn, tính bon chen, ghen ghét, nghi kỵ. “Quá khứ” và “Tiếng chó đêm” đều là câu chuyện buồn về một đôi vợ chồng không có con. Dẫu cách giải quyết vấn đề khác nhau ở chỗ một người phụ nữ mong có con với người khác thì “vừa được làm mẹ lại vừa giữ được tình cảm vợ chồng”, còn một người phụ nữ tránh mọi sự đe dọa để giữ bình yên hạnh phúc gia đình vì trong tâm họ đã giữ trọn lời thề “Yêu nhau núi cao mấy cũng qua. Yêu nhau nước tràn bờ vẫn tới” nhưng ở trong đó người đọc nhận thấy dẫu ở hoàn cảnh nào, họ vẫn chấp nhận vươn lên trong cuộc sống. Còn “Nhận con nuôi”, hay tạo sự cố “Bản Quầy có trộm” thì đó là hành động của những kẻ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình. Như ở trong “Cánh rừng và ngôi mộ”, câu chuyện chỉ viết về một cá nhân làm Phó Bí thư Huyện đoàn ngăn cản việc phá rừng trồng cây sở, nhưng đã phản ánh về một thời kỳ đầy khó khăn của đất nước.

Sáng tác nghệ thuật của nhà văn Hữu Tiến chính là quá trình tự thử thách và kiểm nghiệm những tư tưởng chủ quan của mình. Khả năng bộc lộ bản chất bên trong của sự vật hiện tượng đồng thời hé mở cho liên tưởng, đoán định. Trong 12 truyện ngắn đều có tuyến nhân vật thiện và ác rõ ràng. Dù có sự thương cảm, sẻ chia với tấm lòng nhân ái và hướng đến cái thiện nhưng đôi khi cái ác vẫn hiện hữu, nhởn nhơ. “Khoảng mờ” của xã hội thực tại tác động mạnh đến ý thức của tác giả. “Cánh rừng và ngôi mộ” là câu chuyện kết có hậu cho một cán bộ lãnh đạo cấp huyện đi lên nhờ thủ đoạn. “Đi trong đêm” dẫu làm lộ mặt của một trạm trưởng kiểm lâm sa đọa, nhưng cuộc sống của anh ta ngày càng phất lên, còn rừng đang bị tàn phá. “Đêm trên bản Lũng Vài” thể hiện rõ ý chí của dân làng muốn xóa bỏ cái xấu nhưng tất cả vẫn ở dự định. Truyện ngắn “Yến” là bi kịch cao nhất của số phận một con người. Nhân vật Yến trên con đường hoàn lương đã phải chấp nhận cái chết để lại một một gia đình có chồng nghiện rượu và con thơ. Nhờ tính biểu hiện mà các chi tiết trong truyện ngắn mang tính chất đa nghĩa, vừa gợi không gian, thời gian vừa gợi tình huống, tính cách và thái độ của nhà văn khiến người đọc phải suy ngẫm: “Trên đời này không có loài ốc nào chê bùn hôi cả” (Bản Quầy có trộm). Sự nhận thức thế giới biến thành quá trình tự ý thức của người đọc. Nhưng ẩn chứa trong đó là một thông điệp. Có thể thông điệp đó mang tính xã hội hay chủ quan của tác giả: “Bằng cấp vô cùng quan trọng, năng lực chỉ là phụ. Bất luận thế nào người có bằng cấp nhất định phải có năng lực. Người không có bằng cấp chắc chắn năng lực yếu” (Cánh rừng và ngôi mộ).
Khám phá và thể hiện đời sống tâm lý của con người cùng những mối quan hệ xã hội đã giúp người đọc liên tưởng tới cuộc sống của chính bản thân mình. Nhiều truyện đi vào đời sống tinh thần người đọc như tấm gương soi, giúp người đọc phát hiện ra chính cuộc sống của mình. Ý nghĩa nhận thức trong tác phẩm còn thể hiện trong chính hoạt động sáng tạo của nhà văn. Tác giả đã khá thành công bởi đề tài nông thôn miền núi, với sự quan sát, trải nghiệm và ngôn ngữ giàu sự ví von. Đặc sắc hơn cả là lối viết tự nhiên, nhiều đoạn đối thoại rất đậm chất dân tộc và phân tích tâm lý nhân vật chi tiết. Cách thắt nút và cởi nút của vấn đề trong một số truyện như “Bản Quầy có trộm”, “Quá khứ”, “Cái rãnh”… hợp lý, tạo sự thoải mái trong giải quyết mâu thuẫn và đạt được sự đồng thuận trong lòng độc giả.
Tuy nhiên, truyện của nhà văn Hữu Tiến dài về dung lượng. Nếu truyện ngắn chỉ đi sâu về một vài chi tiết điển hình và làm nổi rõ vấn đề, bộc lộ tính cách thì nhiều tác phẩm của ông vẫn có tính liệt kê về đời sống nhân vật, những biến cố mà nhân vật trải qua. Do đó, đôi khi truyện vẫn sa vào lối kể, nhiều chi tiết nhân vật bộc lộ cảm xúc vẫn thấy rõ dụng ý của tác giả trong đó. Do dung lượng của truyện ngắn lớn nên nhiều khi các đoạn cao trào hấp dẫn nhưng cách giải quyết vấn đề lại đơn giản và không có chi tiết đắt nên tạo cảm giác “hụt hơi”.
Dẫu xoay quanh chủ đề về người nông dân và những sự việc, hiện tượng liên quan đến chủ đề đó nhưng tác giả đã phản ánh cuộc sống toàn vẹn, sinh động. Bởi những truyện ngắn của Hữu Tiến vẫn có khả năng vươn tới sự khái quát, nắm bắt sự vận động bên trong của đời sống hiện thực. Sự nhạy cảm trước mọi hiện tượng của đời sống nên tác phẩm của ông đã có những sắc thái rất riêng. Có thể khẳng định, hành trình sáng tạo tác phẩm “Tiếng chó đêm” của ông là hành trình một “lão nông chi điền” miệt mài cày trên những trang viết của mình.            
Tiến Quyết
Theo http://www.baocaobang.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...