Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Lập đông 1

Lập đông 1
"… Ngày này khoả lấp ngày khác, mỗi ngày qua đi với công việc chưa hoàn tất, những cái phải làm, những nơi phải đến, những người phải thăm, những lời phải nói, mỗi cá nhân tự nó là cái gì chưa hoàn tất, không thể hoàn tất, không thể hoàn tất ngay khi nó vừa được sinh ra..." 
William Saroyan 
(One Day In the Afternoon Of the World) 
Đôi dòng tiểu sử 
Trùng Dương tên thật là Nguyễn Thị Thái, sinh ngày 15-4-1944 tại Sơn Tây. Sống ở Hải Phòng từ 1947, đến 1954 theo gia đình di cư vào Nam. Khởi sự vào đại học từ 1962 qua các phân khoa Luật, Kiến trúc. Nhập tịch làng văn từ 1965. Đã cộng tác với các báo Bách khoa, Văn, Dân chủ, Đời, Thần phong, Sóng thần, các đài VTVN, THVH, v.v... Hiện sống tại Sài Gòn. 
Tác phẩm văn xuôi: Vừa đi vừa ngước nhìn (Khai Trí, 1966); Mưa không ướt đất (Văn, 1967); Cơn hồng thủy và bông hoa quỳ (Trình Bày, 1968); Chung cư (Tân Văn, 1971); Một cuộc tình (Tân văn, 1972); Thành trì cuối cùng (Đại Ngà, 1972); v.v... 
Tác phẩm dịch: Ngàn cánh hạc (dịch Kawabata Yasunari, Trình Bày, 1969); Người đàn bà trong cồn cát (dịch Kobo Abé, An Tiêm, 1971); v.v... 
Lập đông 
1. Cuộc tranh luận ngưng lại nửa chừng khi một người trong bọn chợt ngoảnh nhìn ra ngoài trời kêu lên: 
"Trời sắp mưa! May quá..." 
Không ai hiểu tại sao chữ "may quá" lại được thốt ra. Cũng chẳng ai buồn tìm hiểu. Họ cùng im lặng và ngước nhìn trời. Từng cụm mây đen vần vũ, như một đàn quân hung bạo lùa gió đập vào những tia nắng quái buổi chiều. Một vài người trong bọn đứng dậy cáo từ nói chạy đi có việc. Những người còn lại ngồi đợi cơn mưa tới, có lẽ vì họ cũng chẳng biết đi đâu, làm gì. 
Những buổi chiều như nhau. Ngần ấy khuôn mặt vây quanh một chiếc bàn nhắc lại những tin tức xảy ra trong ngày mà ai cũng đã đọc qua hay nghe thấy, biết được. Ngần ấy vấn đề đưa ra không lối thoát. Thời tiết đôi khi cũng thay đổi phần nào câu chuyện bằng vào những hồi tưởng, những mơ ước về một đôi chuyến đi xa vẫn hoài mộng chưa thực hiện được (với ý nghĩ: miễn là ra khỏi thành phố này). Như buổi chiều hôm nay với cơn mưa gọi mùa đông trở về trong trí tưởng. 
"Thèm làm một chuyến đi xa ghê. Hôm nào phải tổ chức đi một tuần cả bọn chứ?" 
"Một tuần ít quá. Nửa tháng mới đủ". 
"Thì cứ đi, nửa chừng, người nào muốn về cứ việc lẳng lặng về, người nào muốn ở lại thì ở lại". 
"Đi vài ngày thì cũng phải thu xếp công việc cả tuần trước…" 
"Đi thì phải đi có đôi, chứ đi một mình hay mấy thằng với nhau, chán bỏ mẹ!" 
"Mỗi kỳ lập đông mình đều có một kỷ niệm, không biết kỳ này có gì đây?" 
"Lập đông! Miền Nam làm quái gì có tiết lập đông mà đòi!" 
"Thì cứ tạm cho là như vậy đi. Chết ai chưa? Sao khó vậy?" 
"Người ta thường ở một chỗ và nghĩ và thèm về một chỗ khác…" 
"Lập đông! Nhớ những ngày lập đông ở ngoài kia chi lạ…" 
Nàng cảm thấy ngột ngạt. Ngột ngạt bởi nhiều cái một lúc. Bởi không khí đầy khói thuốc và tiếng người trong quán được vây phủ bằng những khung cửa kính. Bởi những điều đã được nhắc đi lặp lại nhiều lần. Bởi những khuôn mặt thân yêu mà quá quen thuộc. Bởi một thứ tình yêu câm nín đến mơ hồ. Bởi cuộc sống nặng nề đôi khi, ngờm ngợp đôi khi, huyền bí đôi khi… Bởi những linh hồn uất nghẹn hờn tủi theo gió vật mình vào cây cối bên ngoài khung cửa kính nhìn bọn người sống như những hình nhân đã chết song đầy đủ yên ấm bên trong, dù cùng chung những uất nghẹn hờn tủi mang mang. Bởi sự tù hẹp nơi đây. Bởi những chân trời, những bờ bến lạ bên ngoài những đường biên giới. Bởi những chốn đã biết. Bởi những nơi đã cảm thấy mà chưa được đặt chân, chưa được khám phá. Bởi sự giới hạn của kiếp người và sự không cùng của cuộc sống. 
Nàng vừa cảm thấy trống rỗng, vừa cảm thấy ứ đầy. 
Nàng dời bàn đứng dậy như người sống trong cơn mộng du, như kẻ vừa nhấp ly rượu mạnh; dù sự tỉnh táo đến trong suốt. 
Trời sắp mưa, đi đâu bây giờ? 
Nàng cười lắc đầu, cáo từ, không giải thích. 
Gió thổi tung mái tóc quện vào mặt, vào cổ nàng. Gió thổi tung những tà áo quện người vào ống chân nàng. Nàng không tỏ ra một cố gắng chống trả giữ gìn mà buông dài thả lỏng thân thể tâm hồn trong không gian. Nàng thầm nghĩ nếu mình cứ tiếp tục như thế này liệu mình có được bay bổng như mây, hay ít ra được như cành lá khô bay lả tả vì bị cuốn hút trong hơi gió? Dường như mình đã cười, mà không thấy phải cố gắng vận dụng đến những bắp thịt ở trên mặt. Dường như mình đã bước mà không phải cố gắng vận dụng đến lớp thần kinh trên óc sai khiến cho bắp thịt dưới chân làm việc. 
Một chiếc lá khô lìa cành… 

2. Người mẹ mở cửa thấy nàng, kêu lên: 
"Đi đâu mà ướt nhẹp thế này? Sao không trú ở đâu đợi ngớt mưa rồi hãy về? Lại cảm cho mà xem". 
Nàng lấy khăn tắm rồi vào phòng tắm, sau khi nở một nụ cười cho mẹ an lòng. 
Tôi muốn bé lại năm, mười tuổi, hay hơn thế nữa, dù tôi vẫn không ngớt yêu hiện tại đau thương, với những bạn bè, người yêu, bế tắc, mâu thuẫn, say sưa, tỉnh táo, khát vọng, sự tù túng, ngột ngạt và ý nghĩ về những bờ bến lạ. Để sự săn sóc của mẹ trọn vẹn. Để tôi không cảm thấy sự săn sóc hiện tại của mẹ là vô ích, bởi cái đối tượng săn sóc là tôi chẳng đáng gì, chẳng đáng gì với những điên rồ, vô lý, mâu thuẫn, mơ hồ. Như cành lá khô mà, tôi đã giả đóng vai trong cơn mưa buổi chiều vừa qua. 
Con đã dầm mình trong mưa và nghe tiếng cười tưởng tượng như muốn phá vỡ thân thể mình, mẹ ạ. Phải thấy rằng mình muốn vỡ tung đến nơi, mới thấy được sức chịu đựng đồng nhất của những chất đã cấu tạo nên thân thể mình – Ôi cái thân thể tội nghiệp mà lì lợm của tôi ơi, ôi mẹ ơi, người đã ban cho con một thân thể, người đã cho thức ăn cho cái thân thể đó phát triển nảy nở đến cái mức tối đa của nó. Con đã quên cái ơn đó trong bao lâu rồi nhỉ? 
Mãi đến buổi chiều hôm nay, đứng giữa trời mưa, con chợt nhận ra điều đó. Do đâu, con đã tự hỏi. 
Dường như con đã nhìn thấy một cánh lá khô rời cành, đảo lộn nhiều vòng trong gió bị mưa quất rạp nhiều phen, và cuối cùng thì cánh lá đặt mình nằm yên dưới gốc cây, kẹt trong một đám rễ khiến những dòng nước không cuốn trôi nó đi được nữa, và gió cũng không có cách nào nhấc bổng nó lên được nữa. Con bắt gặp mình suy nghĩ… Rễ cây đã đem nhựa sống cho lá, lá phát triển đến khi khô héo rụng xuống cội. Và con thấy rằng phải trở về, phải trở về. Dường như con đã nhớ một lần mẹ đã nói với con với một giọng hết sức bình thản, đầy vẻ chờ đợi: Mẹ sống giỏi lắm là năm bảy năm nữa mà thôi… Con mơ hồ, lúc đó, thấy một cái gì cựa mình thức giấc trong con. Cho đến khi dầm mình trong cơn mưa chiều nay, con hiểu cái đó là cái gì rồi. Đó là sự chết chờ đợi ở ngưỡng cửa cuộc đời mà lâu nay tuổi trẻ đã làm con quên đi mất, mà những băn khoăn tìm kiếm đã làm con xao lãng đi mất; cũng như những lúc con đã tự hủy hoại thân thể mình bằng yêu đương, suy nghĩ, nổi loạn, bằng thuốc lá, rượu, cà-phê, thức đêm, bằng những dự tính trời biển để rồi đối mặt với thực tế ngạo mạn, bằng sự hờ hững đối với thân xác đã nhiều lần được mẹ chăm lo, bú mớm, chải chuốt, vuốt ve. 
Người mẹ ngạc nhiên thấy người con gái, trong bộ đồ ngủ, đến ngồi bên chân mình, dúi tóc vào đầu gối mình, tựa như ngày nó còn bé tí teo, và cất tiếng hỏi mình những câu mà ngày xưa mình vẫn thường hỏi nó. 
Mẹ cần gì, mẹ? Mẹ muốn gì, mẹ? Mẹ có ao ước gì không mẹ? 
Không, mẹ chẳng cần gì nữa. Không, mẹ chẳng muốn gì nữa. Và mẹ chẳng còn ao ước gì nữa. Chỉ có cơn bệnh tê thấp làm mẹ khổ sở. Chẳng người già nào tránh khỏi. Mẹ chấp nhận như thế… 
Chỉ có vậy thôi sao, mẹ? 
… Còn con, con đã tự tạo lấy cuộc sống của con, con đứng vậy, nhưng làm sao mẹ biết được con có được sung sướng trong cái thế đứng mà con thường nói là ích kỷ, là không ràng buộc, là mơ hồ với những lúc con bỗng trở nên xa vắng buồn bã… 
Mẹ đã thấy hết mọi sự rồi đó. Con muốn khóc… 
Tại sao? 
Con không biết được. Có thể vì những điều mẹ vừa nói. Có thể vì nỗi xúc động khi con ngồi bên chân mẹ đây mà tưởng như hai mươi mấy năm đã qua, mọi sự không thay đổi là bao – có lẽ vì đã thay đổi quá nhiều… Con bỗng thấy mình như nhỏ lại, như trở nên mỏng manh tựa một đứa hài nhi. 
Chính đó cũng là điều mà mẹ mơ ước: tất cả các con nhỏ lại, trở thành những đứa hài nhi, dù cho mẹ có vất vả chăm lo cho tất cả trở lại, cũng được, mà mẹ còn vui sướng là đằng khác. Vì ít ra, ít ra, khi các con còn nhỏ, mẹ còn biết được các con mẹ muốn gì, cần gì, sữa và tình thương, lúc nào mẹ cũng sẵn… Bây giờ có nhiều cái các con cần mà mẹ không sẵn, không có, không biết tìm đâu ra… Con đã khóc rồi đó… 
Vâng lúc nãy, khi con dầm mình dưới mưa, con đã muốn khóc vùi. Nhưng con đã không khóc được… Bây giờ, con khóc được, và con cũng chẳng thấy cần phải ngăn giọt lệ của mình lại nữa. 
Lại đây, con gái mẹ, lại đây. Ít ra lúc này, mẹ thấy mình cần thiết đối với con. Lòng mẹ đây, con hãy gục vào và khóc cho hết nước mắt, cho vơi phiền muộn… 
3. Cuộc tranh luận ngừng lại nửa chừng. Họ chờ một cơn mưa. Nhưng cơn mưa chiều hôm trước không trở lại. Và tiết lập đông trở về trong trí tưởng của họ, của nàng, với cơn nắng làm se môi của ngày. 
Mặt trời tháng Tư
Trời lúc này nóng quá, mỡ anh có chảy ra không?
Tiếng cười bật ra từ chiếc miệng hầu như bị mất hút giữa khuôn mặt nhiều thịt. Cả thân thể người đàn ông rung lên tưởng như phát ra tiếng chuông kêu leng keng - tiếng chuông cà-rem của những người đi bán dạo giữa trời nắng.
Vậy mình vào trong phòng tôi nói chuyện. Có máy lạnh.
Ồ, tôi ghét máy lạnh. Thật ra trước hết vì tôi ghét sự bít bùng của nó. Tôi không than phiền trời nóng. Tôi chỉ nhận xét. Tôi thích nó là đàng khác. Tôi muốn nói thật ra chưa có năm nào tôi ý thức là trời nóng bằng năm nay…
Người con gái muốn nói khác: Thực ra chưa có năm nào tôi ý thức là tôi thèm muốn bằng mùa nóng năm nay - thèm muốn một thân thể đàn ông trẻ, rắn chắc, đầy sinh lực và bền bỉ, nhất là bền bỉ.
Nàng kìm giữ lại kịp câu nói. Chẳng ích gì khi nói với người đàn ông ngồi trước mặt về điều đó. Chỉ khơi dậy cuộc tranh luận mà nàng không thú vị gì khi cặp mắt gã nhìn nàng say đắm. Nàng không ưa cái thân thể mập mạp của gã. Nàng sẽ chết mất, nàng thầm nhủ. Nhưng mỗi lần thấy muốn tâm sự, nàng thường đến gặp gã. Nàng thường gọi đùa gã là nhà phân tâm học và tự nhận mình là một bệnh nhân mắc bệnh tâm trí. Dầu sao gã cũng hơn nàng trên mười tuổi. Dầu sao gã cũng là đàn ông, gã bảo thế. Tôi mê tất cả mọi cái ở cô. Nhưng nàng, nàng chỉ muốn gã đóng trọn vẹn vai trò nhà phân tâm học. Điều đó có vẻ tàn nhẫn. Nhưng không phải chính gã yêu cầu được gặp nàng, nói chuyện với nàng đấy ư? Không phải chính gã bảo mỗi lần gặp nàng gã cảm thấy tươi mát thoải mái hẳn lên đấy ư?
Cô biết nhiệt độ hôm nay bao nhiêu không?
Ồ, lại những con số. Người xứ các anh lúc nào cũng chỉ nói đến con số. Tôi không ngạc nhiên khi mỗi buổi sáng đều có mục tin tức khí tượng trên đài phát thanh và truyền hình ở xứ anh. Tôi cũng không ngạc nhiên ở mỗi tòa nhà cao, mỗi góc phố ở xứ anh đều có một cái đồng hồ ghi nhiệt độ trong ngày và giờ giấc. Các anh bị con số tỏa vây. Các anh có biết rằng các anh đã tri thức sự nóng lạnh hơn là cảm thấy bằng xúc giác không? Tôi có cảm tưởng đôi khi các anh lạnh không vì cảm giác các anh bảo thế mà vì những con số bảo các anh như thế, và như vậy nữa với sức nóng. Tôi cóc cần đến con số. Và đôi khi, tôi thích cảm thấy lạnh hoặc nóng hơn cả những con số của các anh bảo tôi.
Nhưng cô bạn nhỏ của tôi ơi, cô cũng phải thông cảm cho xứ tôi, ở đó, thời tiết thay đổi bất thường, cô đã sống hẳn biết, mới ấm áp đấy mà đã trở lạnh rồi tuyết rơi lúc nào… và ngược lại. Còn ở đây thời tiết giống nhau quanh năm…
Tôi không nghĩ như vậy. Thời tiết ở đây cũng có thay đổi đấy chứ, sao không? Có một sự thay đổi thời tiết từ mười bốn, mười lăm năm nay… Nói theo tâm tình người xứ tôi thì có sự thay đổi thời tiết vì sự hiện diện của những người di cư, của chiến tranh, của bom đạn, của biến cố… Sao không nhỉ?
Tuy nhiên nàng vẫn nghe một cái gì ngậm ngùi tiếc nuối thế nào về một miền quê hương xa xôi có mùa xuân mưa phơi phới, có mùa hè đi tắm hồ sen và lăn mình trong đám cánh sen mẹ tước bỏ lấy nhụy ướp trà, có mùa thu gió hiu hắt và có tiết lập đông lục tìm áo năm trước mặc để thấy mình lớn hơn một chút với tấm áo ngắn cũn cỡn. Hơn mười năm sống trong thành phố nhiệt đới này, sức nóng của nắng lửa vờn phủ lấy da thịt con gái dậy thì rồi đàn bà, cái sức nóng ấy như tiếp thêm sinh lực cho những khát vọng sôi sục bên trong. Những ngày cũ lùi xa, thật xa, cùng với cô bé tóc thắt bím suốt ngày chỉ nhảy lò cò, chơi nhảy dây và đọc những chuyện thần thoại cổ tích. Cả những ảnh chụp ngày xưa cũng chẳng được lưu giữ để đôi khi giúp cho trí nhớ trôi về thuở ấu thời trong cái quê hương bốn mùa. Như những câu chuyện thần thoại thường được nghĩ đến, mơ về, hơn là có thể kể ra.
Dầu vậy cái nhìn của gã vẫn làm nàng hơi khó chịu. Nhưng nàng vẫn đến đây. Dường như trong sâu xa của tiềm thức, mỗi lần đến gặp gã, nàng tưởng như xa lánh được phần nào những người bạn đồng hương, đồng mối lo âu, đồng sự mệt mỏi. Nàng thường nói thẳng những gì nàng nghĩ với gã, những điều làm nàng đau đớn ray rứt và cả những tuyệt vọng tin tưởng - những điều đôi khi làm các bạn nàng nghĩ là nàng đang cố gắng một cách vô ích. Họ dường như yêu mến sự buông xuôi, thích thú với sự chán nản. Nàng thì nàng mơ hồ thấy còn có một cái gì khác kia.
"Tại sao cô ngồi thừ ra thế?"
"Tôi suy nghĩ".
"Cô suy nghĩ gì vậy?"
Nàng chợt bật cười: "Về câu chuyện thời tiết vừa rồi giữa anh và tôi. Làm như anh và tôi vừa quen nhau không bằng".

Họ cùng bật cười. Nàng lại có cảm tưởng có người bán cà-rem dạo đâu đó quanh đây. Leng keng. Leng keng. Những buổi trưa nồng nực với giấc ngủ đứt quãng, tiếng leng keng nghe dường như một tiếng gọi có phần nào tức tưởi. Nàng thường thức giấc và nằm nghe trong im lặng với một thèm khát thoát ra từ một giấc mơ nào đó, người ướt đẫm mồ hôi và hơi nóng hoả lò đổ xuống từ mái nhà, từ chiếc quạt điện, từ dưới tấm nệm cao-su nàng nằm tỏa vây lấy nàng như người xứ gã bị tỏa vây bởi những con số tiện nghi, những máy móc, những xa lộ mà một khi bước vào bắt buộc phải đi đến cuối đường không thể bỏ cuộc…
Gã con trai chỉ hơn nàng một tuổi. Nàng không ngạc nhiên về điều đó. Nhưng nàng ngạc nhiên vì cái cảm tưởng mình còn quá trẻ cách đây bốn, năm năm bây giờ vẫn còn ám ảnh nàng. Chợt thấy mình đã sống qua một phần tư thế kỷ – nghe cũng nhiều đấy chứ. Nhưng nàng tự cảm thấy một niềm kiêu hãnh ngầm về tuổi trẻ của mình. Nàng yêu nó. Lạ kỳ là đôi khi nàng thấy rõ ràng đó là một báu vật. Như biển cả. Như trời cao. Như gió lộng. Như mặt trời. Như trăng sao. Như cây cỏ.
Nàng nhớ đã gặp gã trong một phòng trà vào một ngày cuối năm. Giữa sự bít bùng vì hơi người, vì tiếng nhạc, vì khói thuốc, vì dĩ vãng của nàng, của người đàn ông nàng đi chung tối hôm ấy. Gã là bạn của người đàn ông ấy. Những trao đổi không có gì đặc sắc. Gã có vẻ thoải mái làm một kẻ cô độc. Nhiều lúc nàng cũng thích như vậy.
Rồi đột ngột vào một buổi sáng tháng Tư - tại sao lại là tháng Tư nhỉ? - gã đến tìm nàng. Gã bảo tôi đọc bài người ta phỏng vấn bà – gã gọi bà, một cách xưng hô thông thường giữa những người bạn trẻ, thay vì gọi tên, gọi em, gọi chị, gọi cô thôi ấy mà – trên báo. À, cái cuộc phỏng vấn mắc dịch ấy, nhưng cũng thú vị lắm đấy chứ. Người ta phỏng vấn tôi như người ta có thể phỏng vấn bất cứ ai, việc đó người ta đã làm, về quan niệm đối với cái liên hệ giữa những đàn ông và người đàn bà.
Tôi đọc bài đó do một sự tình cờ, bà biết không. Tôi ghét đọc sách báo lắm. Thật đấy. Nhưng điều đó không ngăn cản việc tôi đến tìm bà, thay vì có thể viết thư. Vì viết thư tôi cũng ghét lắm.
Vậy ông yêu cái gì? - Nàng cũng xưng hô như gã, một cách giản dị, thay vì gọi anh, gọi tên (thực ra nàng quên khuấy tên gã), vậy thôi mà - Nghề đi thả bom thiên hạ của anh, chắc?
Nói thế cũng được. Mỗi người phải có một việc làm. Điều cần là yêu cái việc làm đó. Đam mê nó - như bà vẫn thích dùng chữ đó. Đam mê. Và hồn nhiên - dường như đó cũng là một chữ nữa mà bà hay dùng.
Chính nàng đưa ra đề nghị đi chơi buổi tối. Gã đến trước giờ hẹn năm phút. Bên trong cửa kính văn phòng nàng thấy gã đi xe qua rồi vòng trở lại và đậu xe đợi nàng. Nàng thu xếp vật dụng rồi ra gặp gã. Nàng nghĩ trong đầu trông gã có vẻ một sinh viên hơn là một phi công. Và nàng chợt thấy kỳ cục vì cái việc gã đến tìm nàng chỉ vì cái quan niệm sinh lý mà nàng trả lời trên báo trong một cuộc phỏng vấn tập thể. Liệu có người đàn ông nào khác tìm đến những người đã trả lời khác nàng (những câu trả lời chẳng hạn như: "Câu hỏi gì mà kỳ cục?!"; "Tôi chẳng bao giờ nghĩ về chuyện đó hết!"; "Cần phải có hôn nhân như một cái bỏ bao bọc chuyện đó, nếu không nó chỉ là một cái tội lỗi, ghê tởm!"; "Giêsu Ma lạy Chúa tôi! Tại sao ông có thể đặt một câu hỏi như vậy với một người tu hành như tôi?!"; "Nam mô A di đà Phật. Tôi chỉ nghĩ đến việc diệt dục!"; v.v.)?
Anh đến sớm năm phút.
Tôi thường đến sớm hơn giờ hẹn vì bị ảnh hưởng ông già tôi. Mỗi lần mời khách đến nhà, ông bắt chúng tôi phải xong xuôi mọi thứ từ nửa giờ trước. Riết rồi quen.
Tôi không bị ảnh hưởng gia đình, nhưng thường khi cũng đúng giờ. Nàng nói. Tôi ghét bị thúc hối, ghét sự vội vã.
Họ đi ra một quán ăn ngoài xa lộ. Trời cao. Gió lộng. Sao lấp lánh. Và trời vẫn cao, gió vẫn lộng, sao vẫn lấp lánh, khi gã và nàng nằm dài trên bãi cỏ trước cửa nhà của cha mẹ gã. Nhưng dường như trời cao hơn, gió lộng hơn, sao lấp lánh hơn khi nàng vừa từ khung trời hẹp, gió nóng, sao mờ vì khói xe của thành phố, thoát ra đây. Cũng vẫn nụ hôn nàng trao đổi với những người con trai khác. Cũng vẫn niềm rạo rực cơ thể ấy bên dưới những vuốt ve. Nàng ngạc nhiên về chính vẻ không ngạc nhiên gì của mình, về cái liên hệ thật xa lạ và thật thân thiết đó. Nàng cũng ngạc nhiên về cái cảm giác bao giờ cũng sẵn sàng sống dậy và được gọi tên, được lặp lại nhiều lần. Và nàng ngạc nhiên về sự giống nhau của thân thể những người đàn ông đã đến với nàng. Nàng chỉ không chịu được sự hung bạo quá đáng, và ngược lại, sự vụng về, sự thiếu tế nhị quá đáng. Thế thôi.
Nửa đêm nàng thức giấc. Căn phòng bít bùng, tối đặc. Nàng chợt hiểu nàng không đang nằm trong căn phòng quen thuộc mọi hôm. Nàng hiểu nàng đang nằm bên cạnh gã phi công trẻ. Tiếng thở đều đặn của gã hòa với tiếng u u của chiếc máy lạnh gắn ngay phía trên chỗ nàng nằm. Vậy mà mồ hôi vẫn ra ướt hết tóc nàng. Da thịt nàng sâm sấp nóng. Nàng thấy nhớ căn phòng ở nhà, với những đêm chợt thức giấc nhận thấy căn phòng được chiếu sáng lờ mờ bởi ngọn đèn đường rọi qua song cửa sổ mở rộng để đón khí mát ban đêm, hoặc một đôi khi để lọt ánh trăng màu ngà quái dị gợi một cuộc viễn mơ…
Buổi sáng gã phi công đưa nàng về thật sớm. Đường phố ngập những người vội vã tất tả vẻ mặt còn ngái ngủ. Nàng bật cười thầm với ý nghĩ mình đang đóng vai người vợ được chồng đưa đi làm trước khi về đi bay. Nàng nghĩ đến những buổi sáng nhàn tản bên bờ một bãi biển hay dưới một ngọn đồi thông nào đó. Rồi nàng lại thấy mình chìm đi giữa những tiếng động cơ nóng nảy. Phía trước gã phi công chợt văng tục vì một ông già luýnh quýnh giữa đường không biết tránh xe bên nào. Gã có vẻ mệt. Tối hôm qua gã kể cho nàng nghe câu chuyện một gã phi công bạn gã đã bỏ mình trong một chuyến bay vì đêm trước làm ái tình hơi nhiều. Nàng bảo tôi cũng đã nghe chuyện đó. Tôi nghĩ cái thành phố chúng ta đang sống khá nhỏ để một người có thể nghe kể nhiều lần về một đề tài. Đôi khi sự quen thuộc đó thật dễ thương. Đôi khi đó là một ám ảnh. Dù sao mình đã sống ở đây. Nàng bỏ lửng câu nói. Thực ra gã hôn nàng để nàng đừng nói nữa. Khi gã ngưng hôn nàng, nàng cười nhỏ trong ngực gã khi xô nhẹ gã ra. Tôi đâu muốn anh chết trong chuyến bay ngày mai. Gã phì lên cười coi như chuyện đó không thể xảy ra với mình. Buổi sáng gã kêu mệt dù họ đã hạn chế đến mức tối đa. Gã bảo đêm qua lúc bà thức tôi biết chớ nhưng tôi không chiều bà được, tôi xin lỗi. Nàng cười nhẹ, thực ra đêm qua khi thức giấc tôi hơi ngạc nhiên vì thấy mình nằm bên cạnh bạn. Tôi muốn xác định cái thực tại đó, vậy thôi.
Con hẻm nhỏ ngập nắng bụi và người. Những người đàn ông đàn bà trẻ con lao xao đứng thành vòng tròn xung quanh ngôi nhà lầu hai tầng. Một vài nhân viên cảnh sát đứng phía trước giữ trật tự. Một trong những nhân viên cảnh sát tay cầm một khúc gỗ sơn loang lổ bị mọt ăn một đầu có lẽ vừa rút ra từ một hàng rào cũ nào đó sẵn sàng phang mạnh kẻ nào tò mò muốn đến sát trước cửa căn nhà đang bị vây kín. Những khuôn mặt vừa tới vòng ngoài ngơ ngác không biết chuyện gì đã xảy ra. Nét hãi hùng lẫn tò mò hằn trên nét mặt những người vòng trong.
Căn nhà hai tầng ở sát bên căn nhà đối diện với nhà nàng. Không thể đưa xe vào nhà, nàng đem xe đến gửi trước cửa căn nhà trong ngõ có gã con trai mỗi lúc nàng đi qua trước nhà đều ngó nàng chằm chặp. Gã có vẻ một sinh viên với cặp kính trắng dày cộm và thường mặc pi-da-ma đứng ở cửa. Lần đầu tiên, từ ngày nàng đến ngụ tại xóm này nàng hỏi gã chuyện gì đã xảy ra. Gã đáp trong miệng như chính gã cũng không hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra. Dường như có người vừa bị giết chết. Nàng hỏi ai giết ai. Gã lắc đầu. Người đàn bà có lẽ là mẹ gã cũng không hiểu gì hơn. Nàng nghe tiếng lao xao của mấy đứa nhỏ mình trần sạm đen vì nắng chạy tới chạy lui miệng kêu máu đó máu đó. Nàng rẽ đám đông chạy về nhà, băng qua khoảng trống trước căn nhà hai tầng bị gác trước cửa vương vãi vài miếng vải bị rách màu đỏ. Những tiếng bàn tán không rõ rệt. Mặc cho trời nắng nẩy đom đóm mắt, bọn người hiếu kỳ tới bu quanh mỗi lúc một đông. Bụi mù quấn lấy những thân thể nhễ nhại mồ hôi và hơi người. Chiếc xe Honda của người chị buổi trưa đi làm ghé nhà ăn cơm được đem vào bên trong hàng rào. Đẩy được cánh cửa hàng rào sắp bải ra vì bị sử dụng nhiều, nàng vào nhà đụng mặt với những khuôn mặt thân nhân bàng hoàng. Chị người làm kêu lớn đóng cửa lại mau, đóng cửa lại mau. Như thể kẻ sát nhân còn lẩn quất đâu đây có thể lọt vào nhà không bằng.
Bữa cơm trưa nguội ngắt tẻ nhạt với tiếng ồn ào bàn tán phía trước. Nàng uể oải ăn. Chị người làm đi ra phía trước nghe ngóng rồi trở vào nhà ngồi bệt xuống bên cơi trầu.
Thằng đó hay thiệt. Nó vào nhà vặn bích-cớp thiệt lớn rồi giết hai người. Cái nhà bà Tàu mập mạp trước bán bánh cuốn ngoài chợ đó. Chết rồi. Thấy mà ghê. Sợ thiệt.
Chị ta nhét miếng trầu vào miệng nhai rắc rắc, con mắt còn lại nhướng lên ngóng ra ngoài, con mắt chột dường như cũng cố mở lớn hơn dù đã bị díp chặt lại, do một cơn bệnh đậu mùa từ hồi chị ta còn nhỏ.
"Nhưng mà ai giết mới được chớ?"
"Thằng bận đồ lính".
"Bắt được không?"
"Đâu bắt được".
"Sao bảo hai người bị giết?"
"Thì hai người. Với con cháu gái nữa".
"Bao lớn?"
"Mười hai, mười ba tuổi gì đó. Hai dì cháu vẫn ngồi chơi trước nhà mỗi buổi chiều đó".
"Đâu nhớ mặt. Bị giết bằng gì?"
"Súng".
"Bộ không ai nghe có tiếng nổ sao?"
"Ai mà để ý. Nó để bích-cớp lớn quá xá cỡ. Bà ấy còn rót nước cho nó uống nữa cơ mà. Chắc quen. Cái cốc giấy còn liệng ngoài kia".
"Mà sao giết mới được chớ?"
"Ai biết được".
"Giết hồi nào?"
"Hồi mười hai giờ hay gì đó".
Những câu trao đổi đứt quãng không gợi nổi hình ảnh người đàn bà Tàu và đứa cháu gái vẫn ngồi hóng mát trước cửa nhà mỗi buổi chiều.
"Chị vặn giùm cái quạt cái. Sao tắt đi vậy?"
"Tắt hồi nào đâu hay. Chắc mất điện".
"Tủ lạnh còn chạy mà. Nóng quá. Họ còn tụ họp trước nhà làm chi vậy?"
Chị người làm cắm quạt xong lại bỏ ra cửa ngóng.
Ăn cơm xong, nàng ra trước cửa đứng nhìn đám đông bên ngoài hàng rào. Nàng nghĩ đến chiếc xe gửi trước nhà gã sinh viên. Nàng thấy cần phải đem gửi nhà một người quen gần đó hơn là bỏ trước cửa nhà đó. Nàng vào nhà lấy chìa khóa, mở cửa hàng rào băng qua đám đông lóng ngóng trước nhà người đàn bà Tàu. Nàng vẫn không hiểu bọn người tụ họp trước cửa nhà người đàn bà Tàu để làm gì. Dường như xác của hai người đã được đem vào nhà thương theo lời chị người làm rồi mà.
Nàng lên lầu nằm. Căn gác nóng hầm hập. Chiếc quạt của cô em gái nhờ mua trong P.X. để lại cũng không đủ xua hết hơi nóng. Chị người làm bỏ bát đĩa chưa rửa lên ban-công đứng nhìn xuống cho rõ. Nàng nằm mắt rảo hoảnh. Bỗng dưng hình ảnh người đàn bà một buổi trưa cách đây mấy hôm đứng nhìn cột khói đen lùi lũi từ phía sau ngôi nhà đối diện nhà họ bốc lên, miệng van cho gió đừng thổi cột khói đó về phía nhà họ, hình ảnh đó hiện ra trong đầu nàng. Chị người làm trở vào nhà nói ghê thiệt, nó lại biết cả vặn bích-cớp thiệt lớn để đừng ai nghe tiếng súng. Kinh khủng quá.
Trời nóng người ta dễ nổi khùng. Nàng nói. Chuyện đó thật giản dị. Vụ án mạng thứ ba trong cái tháng này. Nàng nói câu sau này như thể nhẩm tính một mình.
Nàng chợt ngạc nhiên khi bắt gặp mình suy nghĩ về sức nóng. Nàng biết trời cũng sắp mưa rồi mà.
Có tiếng xe lùi vào hẻm và tiếng ồn ào dữ dội bên dưới.
Nàng rời giường nằm ra ban-công nhìn xuống. Bọn người bị đẩy dạt về một phía, cửa phía sau xe cứu thương được mở ra để lộ một chiếc hòm sắt đen rỉ sét. Cánh cửa chiếc hòm bằng sắt cuối cùng được mở ra và một chiếc băng-ca bằng sắt được hạ xuống có hai người khiêng vào trong nhà người đàn bà Tàu. Trên ban-công nhà người đàn bà Tàu, một bên cánh mành mành bị gió hất lên để lộ một khoảng ban-công có mền gối bừa bãi và một chiếc đèn lồng bị gió đung đưa. Một lát, chiếc băng-ca bằng sắt được khiêng ra, trên đặt xác cô bé mặc áo hoa quần đen, đầu tóc bết rối, trên bụng đắp một miếng vải đen ướt, máu chảy dài dường như đã khô trên cánh tay, trên má, trên chân. Cánh cửa xe cứu thương được khép lại. Người tài xế vội vã chạy lên phía trước mở cửa xe. Chiếc mành mành trên ban-công nhà người đàn bà Tàu một bên cánh vẫn bị mắc vào sợi dây và gió vẫn đung đưa chiếc đèn lồng treo lủng lẳng giữa khoảng ban-công hẹp.
Nàng trở vào nhà ngồi vào bàn viết. Vài tờ giấy bị vo tròn vất trên sàn gác. Chị người làm khép cửa lại, hai tay khoanh tròn vai co lại như người bị lạnh, mồ hôi lấm tấm hai bên thái dương.
Gã phi công đến tìm nàng khi tiếng kèn đám nổi lên từng chặp ở căn nhà người đàn bà Tàu. Lúc ấy nàng vừa bỏ dở cuộc đi chơi nhạt nhẽo với mấy người cùng sở mà nàng tưởng có thể tìm được một cuộc vui cho một buổi tối quá nóng nực ở nhà.
"Bà sắp đi đâu hả?"
"Không, vừa đi về".
Họ đứng nói chuyện ngoài cửa nhà nàng. Nàng kể về vụ án mạng mà chính nàng cũng chẳng hiểu nguyên do ra sao. Gã ghé mắt nhìn sang ngôi nhà có đám tang. Gã không hỏi gì cả. Dường như gã cũng chẳng mấy ngạc nhiên. Nàng đề nghị đi uống cái gì.
Buổi tối hôm nay chắc là khó ngủ. Tiếng kèn đám. Rồi có thể nửa đêm, khi người viếng vãn, họ sẽ mở kèn hát cho người chết nghe lần cuối cùng.
Khi gã chở nàng qua những phố, nàng bảo tưởng không gặp lại ông nữa và tôi muốn đinh ninh là không gặp nữa.
"Bà sợ cái gì?"
"Một sự đi sâu vào. Những ray rứt nhớ mong do thói quen. Đại khái thế".
Quán nước nằm tại một bến xe mà cách đây năm năm, nếu nàng không nhầm, đột nhiên có những lần nàng thấy cấp bách phải rời khỏi thành phố tù ngạt này, để đi đến một cái tỉnh có đồi cao và thông reo, để rồi trở về với một tâm hồn thơ thới và bình tĩnh hơn và nàng đã ra đây, mua vé, leo lên xe, buông xuôi mình cho một cuộc hành trình không mục đích.
Bây giờ đôi khi tôi thấy sự cấp bách muốn rời thành phố trong ít hôm thường thường lại bị những níu kéo này khác, phải thu xếp cái này, phải sắp đặt cái kia, xong xuôi, cái ý muốn đi nguội mất. Mình đã qua cái tuổi muốn gì phải làm ngay không cần suy nghĩ đắn đo về những hậu quả.
Họ ngồi trong quán một lát. Gã phi công gọi người tính tiền và nói phải rời khỏi đây, tôi bắt đầu thấy ngột. Nàng đi theo gã không băn khoăn. Vẫn khu bến xe ngưng hoạt động. Nàng trỏ tay ra phía sau lưng dãy nhà lầu bên kia đường bảo hôm nọ ở đây có xảy ra hoả hoạn. Gã đáp thế à rồi đạp xe cho máy nổ.
Hôm xảy ra án mạng gần nhà thoạt về tôi tưởng có hoả hoạn. Nàng hớt hải thật tình, lúc đó.
Gã im lặng lái xe. Nàng vòng tay ôm lấy người gã, khép hai cánh tay lại, ngả đầu trên lưng gã nghe gió lùa qua mái tóc bắt đầu mọc dài. Mình nhất định nuôi tóc dài dù trời có nóng, nhất định không nghe lời dụ dỗ của mấy cô thợ uốn tóc ngại gội những mái tóc dài để cắt tóc nữa. Nàng vẫn thích có mái tóc dài. Nàng cũng muốn thử xem sức chịu đựng sự nóng nực của nàng tới đâu. Bàn tay trái của gã vỗ vỗ trên phần cánh tay đặt ngang bụng gã của nàng.
Vẫn căn nhà đó, nhưng lần này gã đưa nàng lên căn phòng trên lầu của ông anh. Cánh cửa sổ mở ra không đủ thu hút gió vào.
Sau đó họ nằm dài theo dõi vở tuồng cải lương trên ti-vi. Gã kép hát vừa nói vừa ca cải lương lẫn tân nhạc. Cô đào đóng chung với gã thỉnh thoảng cúi mặt xuống cười vụng. Ánh sáng của màn ảnh truyền hình dọi trên khuôn mặt còn trẻ thơ của gã. Một lát, gã quay về phía nàng. Họ dường như không có gì nhiều để nói với nhau, nhưng họ không cảm thấy gượng gạo. Cuối cùng, nàng chợt cười nhỏ. Gã bảo:
"Thực tình tôi muốn giữ bà lại đêm nay".
Rồi gã bỗng thở ra:
"Nhiều lúc mình mong có một căn nhà nhỏ của mình mà không được. Tôi muốn nằm với bà và sáng dậy mình đưa nhau đi ăn sáng".
"Nhưng cứ sáng nào ông rảnh thì tôi lại bận. Vả lại mình không có một không gian riêng cho mình".
Nàng ngưng nói, chợt cười nhẹ, và tiếp:
"Ngày xưa khi mình còn đi học, không có tiền thì lại đầy dẫy nhà cửa cho thuê với một giá vừa phải. Bây giờ mình đi làm, có tiền, lại không kiếm ra được căn phòng hay căn nhà nào cả".
Khi họ rời khỏi căn phòng của ông anh gã, nàng đứng ngoài hành lang đợi gã khóa cửa. Gió mơn man má nàng khi nàng thò đầu ra khỏi khung cửa sổ nhìn những ngọn đèn viền con đường bên dưới. Gã chợt hỏi bà có giận tôi không? Nàng thoáng ngạc nhiên.
Lúc đưa nàng về, gã giải thích:
"Thay vì tôi hỏi bà có thấy sung sướng hoặc thay vì tôi xin lỗi bà nếu tôi vụng về làm bà mất thú, thì tôi hỏi bà có giận không. Vậy thôi".
Nàng chợt hiểu… Nàng cười trên lưng gã. Gió thổi làm khô những sợi tóc bết mồ hôi của nàng. Nàng thầm nhủ mai phải đi gội đầu. Mỗi sáng thức dậy nàng đều phải hong tóc mình trước quạt và nhất là sau giấc ngủ buổi trưa. Dầu sao nàng cũng thấy thoải mái. Tuy nhiên nếu đừng có cái ý tưởng ngại ông anh của gã về nhà bất ngờ, và nếu họ có thể ở bên nhau để sáng mai dậy đưa nhau đi ăn sáng, có lẽ thú vị hơn.
Khi nàng về đến nhà, những người đến viếng đám tang người đàn bà Tàu và cô cháu gái thưa dần. Người đàn ông mất vợ ngồi ủ rũ bên nhóm nhạc công im lặng. Nàng không biết là lúc đêm về người ta có vặn kèn hát cho người chết nghe lần cuối hay không. Nàng ngủ thiếp đi vì mệt. Và hơi nóng tháng Tư phủ lấy thân thể bừng bừng sức sống của nàng, như tiếp thêm sinh lực. Những đêm những ngày như thế này, nàng chỉ muốn không phải mặc quần áo gì cả - nếu nàng có một không gian riêng cho mình.
Đám tang người đàn bà Tàu và cô cháu gái được cử hành ngay ngày hôm sau. Miếng vải nhựa được căng lên che nắng hôm trước được gỡ xuống. Căn nhà người đàn bà Tàu thường xuyên đóng cửa như che giấu niềm đau đớn của những người còn lại. Nàng cũng chẳng buồn hỏi xem ở nhà có cử người sang viếng quan tài người chết và chia buồn với thân nhân người chết không. Câu chuyện án mạng cũng nhạt dần trên miệng chị người làm. Và đêm đến, chị ta lại ngủ ngon lành lại. Nàng vẫn chưa hình dung ra khuôn mặt người đàn bà Tàu vẫn chiều chiều bắc ghế ngồi chơi ngoài cửa. Dường như sức nóng đã làm tan nhòa hình ảnh bà ta trong trí nhớ nàng. Nàng không cố gắng nhưng một cách không tự kềm chế, nàng hình dung thấy bà ta ở mỗi người đàn bà Tàu mập mạp có giọng nói tiếng Việt lơ lớ mà nàng tình cờ gặp trên phố trong tiệm ăn chẳng hạn.
Nàng cảm thấy uể oải. Mặc dù nóng nàng vẫn thường ngủ li bì, nhất là về sáng. Gã đã đến quá tự nhiên khiến nàng nghĩ nếu gã không đến nữa cũng vậy thôi. Nàng không ân hận vì đã thành thật trong những lời những cử chỉ trao đổi với gã. Có lẽ nàng sẽ tìm thêm việc để làm. Có lẽ nàng sẽ vẫn tiếp tục nhận lời đi với những người bạn trai cũ để vui, để trút đi sức sống chảy cuồng nhiệt trong cơ thể, để đợi cho qua tháng Tư này, để đợi mùa mưa đến dù chẳng biết để làm gì cả. Đôi khi nàng thầm hỏi nếu mùa mưa đến thì sao? Mọi người có vẻ mong mưa. Chị người làm, mẹ nàng, bà chị, cô em gái. Một buổi trưa thức giấc, sờ không còn một giọt nước trong tủ lạnh, không còn một giọt nước uống trong bất cứ món đồ đựng nước nào, nàng gắt gỏng cau có. Cơn khát như xé cổ họng, nàng hỏi mẹ có còn giọt nước mưa nào.
Bà cụ cười khan đáp làm quái gì còn giọt nào. Và bà lẩm bẩm phải sắp sẵn phi chứa nước mưa. Bà ngóng trời. Bà chỉ thích uống nước mưa thôi. Còn chị người làm mong mưa vì khỏi phải canh lấy nước mỗi ngày từ nhà bên cạnh. Bà chị, cô em hy vọng mưa sẽ bớt nực nội hơn. Còn nàng, nàng cảm thấy mình đợi mà không mong. Dường như nàng thích thú một cách hơi cuồng bạo cái sức nóng đang tỏa vây lấy nàng, đang tiếp thêm sinh lực cho nàng. Nàng đồng tình với nó. Nàng kêu trời nóng như khi khát uống nước vậy thôi. Nhưng nàng không thù ghét tên đồng lõa đó được.

Vậy mà nàng lại mong mưa khi nằm với gã trong căn lều bỏ hoang ở cuối ngôi vườn xơ xác cỏ cháy trong căn biệt thự của bố mẹ gã. Nàng bảo thế và gã cười lớn:
"Tôi biết bà sẽ nói vậy".
"Vì mưa sẽ phong tỏa chúng mình với xung quanh, với những người trong gia đình anh có thể tình cờ xuống đây".
Thực tình trước đó nàng không cảm thấy muốn làm gì cả. Nhưng nàng muốn ngồi gần gã nói chuyện với gã. Vả lại, nàng cảm thấy mỗi lần gần gã xong, trở về nhà tắm rửa rồi nàng chỉ muốn đi ngủ. Công việc chất đống. Những cuốn sách chưa kịp rọc ra đọc. Gã đề nghị đưa nàng về khi hai người ở quán nước. Nàng chợt giận gã. Có lẽ nàng buồn nhiều hơn, gã gặng hỏi. Nàng thẳng thắn đáp tôi có cảm tưởng cuộc sống dường như nghèo nàn vì ngoài chuyện đó ra người ta không biết làm gì với nhau nữa. Thực tình nàng có cảm tưởng như vậy. Và nàng khăng khăng đòi về. Gã dừng xe lại và bảo nếu bà thực tình muốn về tôi đưa bà về, phần tôi tôi muốn đưa bà đến một nơi có gió có cây và nói chuyện với bà. Nàng không đáp. Nàng không thể nói nàng muốn về trong khi thực sự nàng không muốn về. Và họ đến nhà bố mẹ gã, căn nhà gã đã lớn lên và hiện cũng đang sống ở đó mỗi khi được về thành phố.
Nàng thấy mình ngồi thật lâu nơi hàng hiên nhìn ra chiếc hồ cạn nước rêu bám đầy và vườn cây nghiêng ngã khô cỏ cháy. Gã từ phòng khách bước ra sau một cuộc đối thoại qua máy điện thoại với một người nào đó ở đầu dây bên kia, và đến ngồi xuống chiếc ghế mây bên nàng. Gã hỏi nàng có nghe cuộc đối thoại vừa rồi. Nàng đáp:
"Anh nói gần như thét lên, sao không nghe. Về một cuộc xem mắt vợ tương lai phải không?"
Gã cười vô tình. Nàng hỏi bao giờ thì cưới. Gã bảo nhưng thằng đó nó có bằng lòng đâu mà cưới. Chả là bà cụ tôi muốn làm mai cho nó. Bây giờ mẹ nó gọi lại để bảo bà cụ thôi vì nó không muốn lấy vợ nữa.
"Hắn bao nhiêu tuổi?"
"Ba mươi hay trên ba mươi gì đó. Hắn mới ở ngoại quốc về để đi lính".
Nàng cũng chẳng buồn kể cho gã nghe là nàng đã hiểu lầm vì tưởng gã đi hỏi vợ. Nàng nghĩ những chuyện mai mối dường như xa lạ với nàng. Ở mỗi người con gái đều ôm cái ước vọng có được một đám cưới linh đình. Nàng bận tâm với chính nàng hơn là một thứ đám cưới cho người ta nhìn vào như vậy. Và nàng nghĩ đến vấn đề chính là hạnh phúc, là sự cảm mến, sự thông cảm và kính phục do cá nhân hai người trong cuộc, hơn là do những hình thức đồ sộ mà xã hội đòi hỏi bắt buộc phải có. Nàng nghĩ như thế trong khi nhận ra gã đã gài lộn một chiếc khuy làm hai vạt áo lệch hẳn đi mười phân. Nàng bảo gã anh cài lệch một cái khuy. Gã nhìn xuống áo mình và thong thả cởi khuy ra cài lại. Có lẽ gã đã mặc như vậy khi đến tìm nàng và không để ý khi vào tiệm nước. Sao bây giờ nàng mới nhận ra? Có lẽ lúc nãy áo gã nhét trong quần. Gã cài khuy lại và chợt nhận ra chiếc khuy dưới cũng bị sút mất từ hồi nào. Có lẽ gã bắt đầu cài khuy từ dưới lên trên nên không để ý là thừa một cái khuyết trên cùng. Nàng muốn bảo gã đi kiếm kim chỉ và khuy để nàng khâu lại cho gã. Nhưng gã đã kéo tay nàng đứng lên rủ đi thăm đàn gà của gã.
"Anh mà cũng nuôi gà? Buồn cười nhỉ".
"Không, tôi bỏ vốn và người ta nuôi hộ".
"Gà Mỹ hay Việt?"
"Mỹ".
Nàng định nói từ hôm gà Mỹ được nuôi nhiều đến nay tôi mất thú ăn thịt gà và đớp trứng ốp-la mỗi sáng. Nhưng nàng thấy mình im lặng theo gã đi ra xem gà. Nàng không thấy thú chuyện gà, như nàng vẫn lơ đãng mỗi khi nghe các bạn tranh luận về xì phé, mạt chược hay cá ngựa. Nàng rời tay gã đi về phía hồ nước cạn giữa vườn. Nàng bảo cỏ cháy cả, phí quá.
Ngày xưa khi bọn Mỹ chưa sang đây thì cỏ còn xanh tươi, cây còn um tùm ngay cả trong mùa nắng.
"Họ dùng thuốc khai quang ngay cả ở đây sao?"
"Không phải vậy. Tại công nhân bỏ đi cả, không có ai coi sóc nữa".
Gã trỏ túp lều lợp tôn ở cuối vườn bảo: Tháp ngà của tôi đó.
Nàng đợi gã nói tiếp. Nhưng gã im lặng đi về phía đó. Túp lều thấp, vách ván tơi tả, ngăn làm hai, một bên chứa đồ phế thải gồm giường ghế tủ, một bên có vách và cửa che phía trước, tất cả đã tơi tả. Bên trong có một chiếc đi-văng khá sạch và những thùng giấy, rương cũ chồng chất trên một chiếc xe trẻ con han rỉ cũ kỹ đầy bụi. Gã lục lọi trong một chiếc thùng giấy lôi ra một bộ đồ bay trong có lót thêm một lần vải dày, giơ lên ngắm rồi lại bỏ vào thùng. Nàng ngồi xuống đi-văng lật xem cuốn Thế giới tự do vất trên đó. Gã đến ngồi xuống đối diện nàng đầu cúi xuống để trán mình đụng vào vầng trán lòa xòa tóc của nàng. Nàng không ngẩng lên, hỏi trên trang giấy đầy hình ảnh:
"Tại sao anh lại làm hòa?"
"Tại không muốn để mất một cách vô lý như vậy".
Nàng đẩy cuốn Thế giới tự do sang một bên, ôm lấy đầu gối gã và gục vào đó. "Tôi nhớ hôm mới gặp lại anh lần thứ hai nhưng kể như là lần thứ nhất, anh bảo: Mình thường sợ mất nên thường cả khi chưa có đã lo mất. Tôi cũng vậy".
Gã đáp nhỏ như nàng nói:
"Nhưng lần này tôi không muốn mất, dù chưa biết đã có hay chưa có thật sự. Tôi không muốn để mất vì biết sẽ khó kiếm lại một vật tương tự như vậy".
Một lát nàng hỏi:
"Bao giờ anh đi?"
"Mai. Chưa biết sáng hay chiều. Phải chi bà có xe hơi để thỉnh thoảng lên thăm tôi. Cách đây có ba mươi cây số thôi mà".
Nàng cười nhẹ:
"Vài năm nữa hoạ may. Bây giờ một cái phòng riêng cũng không có được nữa là xe hơi. Dầu sao…"
Nàng bỏ lửng câu nói. Một lát nàng hỏi trong khi gã ôm nàng vào lòng, đầu nàng đặt trên vai gã và mắt nàng chợt nhìn chiếc xe đẩy của trẻ con dưới đống thùng giấy và rương cũ:
"Ngày xưa anh ngồi trên cái xe này đấy à?"
Gã bật cười khi quay lại nhìn thấy cái xe.
"Ồ, không đâu".
"Tôi đùa". Nàng nói vội.
Và nàng nói sang chuyện khác sau vài phút im lặng:
"Mình vẫn chưa đi ăn sáng với nhau được. Đêm nọ ở bên nhau thì sáng sớm hôm sau anh lại phải đi sớm".
Bỗng dưng nàng có cảm tưởng gã sắp đi xa, không phải chỉ đến một cái nơi cách chỗ nàng ở có ba mươi cây số mà là một nơi xa lắm. Xa lắm, nàng thì thầm.
Sau khi gần gã, nàng nằm im nhìn ánh nắng buổi chiều sơn vàng trên những chiếc lá vú sữa ở sát bờ giậu xuyên qua song gỗ sát mái lều. Gã biết nàng không được đầy đủ như mấy lần trước. Gã nói xin lỗi. Nàng mỉm cười. Và nàng khép đôi mắt lại. Trong khoảnh khắc ấy nàng thấy mình mong mỏi thật sự một cơn mưa sẽ ập xuống, không phải để trời bớt nóng - điều này nàng không thấy là cần thiết chút nào - cũng không phải để có nước mưa uống, mà để cho họ, gã và nàng, được phong tỏa trong túp lều thô sơ hoang phế này, như trong câu chuyện về một thuở hồng hoang nào đó xa xưa, thật xa xưa.
Giáng sinh bên kia sông
1. Buổi tối, như mọi hôm, sau bữa cơm tối tại một tiệm ăn quen có thể ký bông mỗi tháng tính tiền luôn thể, hắn đến nhà thủy tạ bên này sông gọi một ly cà-phê. Trong khi ngồi trầm ngâm bên chiếc phin cà-phê đang nhỏ những giọt màu đen sánh như một thứ máu khô đặc quánh xuống lòng chiếc ly bằng thủy tinh, với khuôn mặt nặng nề và đôi mắt nhìn như ẩn giấu cả một trời u uất, hắn hướng về trại lính Mỹ chiếm cứ như một chốn bất khả xâm phạm tuyệt đối bên kia sông mà nghe một đau nhức không nguôi từ một vết thương sâu kín. Hắn muốn vươn mình đến một sự nhức nhối có tính cách trọng đại hơn: như coi cái mảnh đất bên kia sông là một trong những vết lở lói của thân thể đất Mẹ. Hắn tự lừa dối mình mà không xong. Hình ảnh người đàn bà mà hắn đã ấp ủ vẫn cứ lởn vởn đâu đây. Cái gì trong cái vết lở lói bên kia sông đã lôi cuốn nàng rời xa hắn? Hắn không muốn nghĩ đến nữa. Hắn muốn phóng đại niềm đau nhức của mình thành một nỗi thao thức lớn lao mà chẳng riêng gì hắn phải mang, mà cha hắn đã mang, mà rồi em, con hắn sẽ mang và không chừng sẽ đến lượt cháu của hắn nữa (làm sao biết được khi chính tai hắn đã nghe cha, ông hắn, hồi hắn còn nhỏ, đã thốt lên: "Biết đâu thế hệ nó sẽ khá hơn thế hệ mình?" Ý họ ám chỉ thế hệ hắn. Và bây giờ đến lượt hắn, hắn nhìn bầy con, hay lũ nhỏ đồng tuổi với chúng, tuy chưa nói lên một câu tương tự, nhưng đã ngầm nhủ thầm như vậy).
Có tiếng đàn bà cười. Hắn hơi quay đầu để thấy một cặp vừa bước vào quán qua chiếc cầu hẹp, dài độ năm thước. Hắn không cần nhìn rõ mặt họ, nhưng tiếng cười của họ, nhất là của người đàn bà, làm hắn rớt từ niềm thao thức bao la vĩ đại vô vị lợi xuống một nỗi đau thương tầm thường, một cách lố bịch. Hắn nhận rõ nỗi đơn độc của mình. Một con đàn bà bỏ đi, điều đó có nghĩa gì? Nhưng hắn bắt buộc phải nhìn vào thực tại và thấy là điều đó không hẳn là không có nghĩa gì. Quả nó có nghĩa gì thật. Hắn tự thấy mình phải dứt khoát: không nên hoán vị sự việc và mặc cho nó những mũ mão ngoài tầm vóc của nó. Thử không hoán vị, thì đã sao? Và hắn nghiền ngẫm nỗi cô đơn của mình, như nghiền ngẫm vị đắng của chất cà-phê không bỏ đường.

Quán vắng. Ngoài hắn và hai người khác vừa bước vào, kỳ dư chỉ có mấy người bồi đứng ở khung cửa sổ sát mé sông đang tán gẫu với nhau. Trời mưa và mùa đông lạnh, không mấy ai muốn ra khỏi nhà, nhất là từ ngày thành phố tràn ngập những người lính Mỹ và Đại Hàn, và càng tràn ngập hơn nữa món đồ do bọn người này bán ra đủ cho dân chúng lập nên một khu chợ trời ngay trung tâm thành phố, tạo nên một khung cảnh buôn bán sầm uất và ấn tượng về một sự phồn thịnh giả tạo.
"Trời mưa hoài, liệu tụi nó có dám dựng cây giáng sinh không, há?"
Một người bồi vừa ngáp, vừa nói. Người kia đáp lơ đãng:
"Có gì mà không dám".
"Nghe đâu ngày mai tụi nó sẽ trồng cây giáng sinh đó. Nghe nói dường như lớn lắm. Có lẽ cũng bằng cây thông thiệt chứ chẳng chơi".
"Cao bằng cây thông thiệt, hay cao hơn, điều đó có nghĩa gì khi mà tụi nó dám đổ cả triệu đô-la bom vào những chỗ chỉ đáng nghi ngờ là có địch quân đồn cứ thôi!"
Người lên tiếng trước tiên có vẻ bực dọc:
"Cái thằng cha này! Người ta đương nói chuyện đàng goàng, khi không lôi chuyện khác vô chi dzậy? Đụng mở miệng là lên giọng bi goan không hà! Đách thèm nói chuyện với nữa!"
"Không nói đến thì thôi. Đách cần!"
Và họ im lặng sau đó. Hắn mừng là họ không thèm nói chuyện với nhau nữa.
Hắn lần trong túi áo vét lá thư của người bạn từ Sài Gòn vừa gửi ra. Những nét chữ hơi buông lơi, nhỏ nhắn và gọn gàng, nhưng cũng không thiếu phần chịu đựng lì lợm của một thứ tâm tình dịu dàng mà quyết liệt của người bạn mà hắn yêu hơn bất cứ người nào khác hẳn đã từng quen biết, đến độ, hắn, với ba mươi mấy tuổi đầu, đã gần như hờn lẫy khi nghe tin bạn sắp cưới vợ. Nhưng hắn kín đáo che giấu niềm tuyệt vọng – tại sao niềm tuyệt vọng ấy? – một cách khéo léo. Hắn không quen để lộ tâm tình cùng phản ứng, nhất là đối với bạn trai, mặc dù dễ dàng mềm yếu khi gục trên ngực một người đàn bà (song đó là chuyện khác). "Tại sao, tôi hỏi thật, anh lấy vợ?". Dạo đó, bạn hắn chưa làm lễ cưới. Hắn trọng bạn, gần như tôn kính, ở tuổi tác, sự hiểu biết, tính chịu đựng, sự từng trải, mặc dù họ chỉ xê xích nhau một hai tuổi. "Tôi tưởng anh không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy vợ, hay nói chuyện, tưởng thường nhìn cuộc đời như không có bọn đàn bà. Dù điểm đó anh khác tôi, thú thật, song chính vì vậy mà tôi trọng anh hơn bất cứ thằng cha nào khác mà tôi quen biết từ trước đến nay". Người bạn chỉ cười, cái nụ cười vừa bộc tuệch vừa bí ẩn. Hắn nghĩ: nếu không phải là người hắn trọng và thương, hắn đã nhảy vào đè ngửa thẳng cho cái cười nửa hiền lành, nửa ngạo mạn, với cái vẻ khoan dung và ôn hòa của một ẩn sĩ đã đạt đến… đạo, nhưng có thể bất chợt, khép lại đầy vẻ đanh thép, cương quyết và sẵn sàng đương đầu. Rồi người đàn bà được giới thiệu với hắn. Một người đàn bà trẻ với nhiều trẻ thơ tính và cũng nhiều tình yêu cho bạn hắn, song dường như (làm sao có thể được ở nàng?) chẳng hiểu bạn hắn chút gì ngoài cái nhãn hiệu mà bạn hắn được một số người trong thiên hạ mặc cho: nhà văn. Dường như nàng hãnh diện về điều đó. Chưa kể cái lý tưởng chính trị – lý tưởng gì? - mà bạn hắn ôm ấp. Một hôm, hắn không ngăn được sự ngu xuẩn khi thốt lên: "Chị không hiểu được anh ấy đâu. Tốt hơn, chị đừng lấy anh ấy. Chị sẽ chỉ làm ngăn trở anh ấy mà thôi". Lẽ cố nhiên, đó là một điều không nên nói thẳng như vậy với một người đàn bà đang yêu và muốn lấy người mình yêu. Người đàn bà đã giận hắn đến thâm tím cả ruột gan. Người bạn biết chuyện, chỉ cười, như bao giờ. Dù sao, việc người bạn lấy vợ lại cũng là một dịp làm hắn phục bạn hơn, dù hận. Hắn tự nghĩ: có lẽ mình ích kỷ. Mình bị ruồng rẫy bởi một con đàn bà. Trong khi bạn mình được một người đàn bà yêu thương và mến phục mà hắn dành cho người bạn… Có thể nói, hắn gần như tôn sùng người bạn, tựa như một tín đồ sùng đạo đến độ không bao giờ có thể thấy rằng Thượng Đế của mình vô lý khi làm một điều trái quấy hết. Hẳn là phải có lý do. Cái lý do khiến cho bạn hắn lấy vợ, hắn có thể thông cảm được, dầu sao đi nữa. Ít ra, hắn khoái chí nghĩ, bạn mình còn là người.
Dường như hắn đã cười thành tiếng trong bụng. Hắn cúi xuống trang giấy tựa như có hơi hướm của người bạn thân yêu và đọc lướt qua:
"Siêu thân,
Lâu lắm không viết thư cho mày (bạn hắn mặc nhiên xưng hô "mày, tao" với hắn như thể từ chối vai trò "làm anh" mà hắn phong tặng cho, để chỉ coi hắn như một người bạn) vì lười. Mày biết đấy, như đã bao lần tao nói với mày, công việc ở đây nó lặt vặt, nó tạp nhạp, nó ù lì, khiến mình ù lì theo - chỉ tiếc sự ù lì không đủ để cho mình trở thành một thứ cây cỏ vô tri thức thôi, điều mà tao thành thật muốn trở thành! Vì vậy, tao không thể kể với mày một cái gì nữa cả. Khi mình ở lưng chừng thì có cái quái gì đâu để mà kể. Có lẽ tao mòn mỏi thật rồi. Thậm chí cũng chẳng đủ thời giờ, dù vẫn dư thời giờ, tìm hiểu tại sao sự mòn mỏi ấy.
"Nhận được thư tao, chắc mày ngạc nhiên lắm? Có việc nhờ mày: lo giùm cho người cầm giấy này một chỗ ở. Chỉ có vậy. Ráng lo cho tốt đẹp, rồi về Sài Gòn ăn Tết, đánh bạc, nghe không! Mong mày.
Thân,
Thiên"
Trưa hôm qua, khi hắn vừa đi ăn cơm về, có thư ký trao lại hắn lá thư và nói là do một người con gái mặc áo dài nâu, người nhỏ nhắn, mang lại. Và cô thư ký nói thêm, sau một phút im lặng: "Cô ta đẹp lắm. Trông hay lắm, thưa ông". Tự nhiên, hắn nghe xôn xao trong lòng. Những hàng chữ gửi gấm của người bạn có vẻ gì khác thường: chưa bao giờ người bạn tỏ vẻ ân cần và săn sóc như vậy về một người nào, nhất là người đó lại là một người đàn bà. Hắn khoái trá khi ý nghĩ chợt dẫn hắn đi xa hơn. Trong một lúc, hắn sực nhớ ra điều gì. Hắn hỏi cô thư ký bao giờ cô ta trở lại. Cô thư ký nói cô ta chỉ nói là mai hay mốt, chẳng dặn giờ nào. "Người cầm giấy này", hẳn là cô gái đó chứ còn ai khác nữa! Cô thư ký nói thêm: "Dường như cô ta bảo cô ta đi Hội An". Hắn lẩm nhẩm: "Hội An à?".
"Phải, Hội An nè. Mình đã tới Hội An rồi, các bạn".
Một người trong bọn trả lời. Chiếc xe rẽ vào một con phố hẹp, hai bên là những ngôi nhà nhỏ, mái lợp ngói âm dương, hay ngói hình vòng cung, với một dáng dấp cổ điển, dường như bị quên lãng. Hè đường hẹp không đầy một thước. Mặt đường còn lát gạch, nửa xanh vì rêu, nửa đỏ vì bị chà xát đi lại nhiều. Có nhiều hòn gạch lõm hẳn xuống như mặt một cái đĩa, nước mưa còn đọng trong đó. Một người nào đó trong bọn nói:
"Đây là phố chính của Hội An".
Nàng nhìn lên một cái bảng hiệu của một cửa tiệm và thấy hàng chữ "Đường Cường Để".
"Nghe nói ở đây có chùa Cầu nổi tiếng? Nằm ở đâu vậy?"
"Trên con đường này".
Nàng nghĩ: Lát nữa phải đến đó xem. Đến hội An mà bỏ lỡ không đi xem chùa Cầu là một cái… tội. Nàng đã thấy chán ở một chỗ. Nàng muốn đi đây đó. Nàng bày tỏ ý định đó với một đôi người bạn thân, lúc rối loạn như thế này, không nên đi làm gì, nhất là lại đi chỉ vì thích, và theo họ, không ở đâu bằng ở thủ đô. Nàng đáp: Chính vì thế mà nàng muốn đi. Có nhiều cái nàng muốn thấy, muốn xem, muốn cảm. Để làm gì, chính nàng cũng không biết. Chỉ biết rằng, nếu phải chôn chân mãi một chỗ thì nàng sẽ cuồng điên lên mất. Mỗi ngày với bấy nhiêu hình ảnh phố xá; với bấy nhiêu những con đường giờ ấy là giờ kẹt xe, bụi bay mờ mắt cả tâm trí làm con người cáu bẳn hay nhẫn nhịn đến vô hồn; với bấy nhiêu khuôn mặt bạn hữu tâm tình quen thuộc (mặc dù biết vậy mà vẫn chẳng thể đóng cửa nằm im trong nhà vùi đầu vào sách vở đôi khi bỗng mất hết mọi vẻ hào quang mầu nhiệm của chúng - sao không có lúc như vậy chứ; dù sách vở vẫn là người bạn thân yêu nhất của nàng? Và dù đó là một người tình duyên dáng đáng yêu, sao không khỏi có lúc thấy chán mứa và mơ tưởng đến những chân trời khác?). Nàng thấy mình phải đi. Có người khuyên ra biển hay lên cao nguyên. Đà Lạt chẳng hạn. Nàng cười: Tiền đâu ra để đi đến những chỗ đó. Vả lại, tôi muốn thấy, muốn nhìn chứ đâu muốn nghỉ ngơi. Nàng nhận một công việc mà bình thường, nếu không vì nhu cầu đi, chắc nàng đã chẳng nhận. Từ đó, nàng quen thêm được bốn người đồng hành: hai thiếu nữ, hai thanh niên. Ngay từ khi biết sẽ đi chung với họ, nàng đã thấy họ không thuộc loại người có thể thông cảm với mình. Ngân thì phóng túng nhưng hời hợt. Hạnh thì khó khăn, khép kín. Kiệm cộc cằn, nhỏ nhen, quá trung thành với cấp trên và là trưởng nhóm. Thuần giản dị, hiểu biết và có thứ tinh thần dễ hòa hợp, thích nghi của một hướng đạo sinh. Biết là khó thích nghi với những người đồng hành này, nhưng nàng cũng muốn thử xem sức chịu đựng của mình đến đâu đối với họ. Dầu sao, nàng cũng chỉ sống với họ trong một khoảng thời gian nào đó. Nàng ghét phải giữ miếng trong vấn đề giao thiệp, nhưng nàng tự nhủ là sẽ cố gắng đến mức tối đa để tránh nói ra những điều không cần thiết.
Cuối cùng, nhóm năm người đi đến quyết định thuê hai phòng của khách sạn. Ba người con gái sẽ ở một phòng. Phòng bên kia dành cho hai người con trai.
Khách sạn gồm một tiệm ăn dưới nhà và nhiều phòng cho thuê trên lầu. Chủ nhân là người có lối phát âm miền Bắc. Và lối phục sức của người vợ thì không lẫn vào đâu được với chiếc quần đen, áo cánh trắng ngắn cũn cỡn xẻ bên sườn để lộ một khoảng da thịt trắng ngần và đặc biệt là vành khăn quấn trên đầu để thò chiếc đuôi gà ngoe nguẩy. Nàng tự hỏi hai vợ chồng này từ Bắc vào đây lập nghiệp từ hồi nào. Nàng thường hay thắc mắc về những điều không cần thiết như vậy, trong khi các bạn mải miết dùng cơm trưa, dường như ngay cả những người mặc quần áo đen máu bê bết vất bên vệ đường cho dân chúng xem và chính họ cũng đã dừng lại để nhìn với cái nhìn gớm ghiếc tởm lợm, cũng đã bị xoá nhòa trong đầu óc họ. Hạnh ăn uống dè dặt, nhỏ nhẹ và dường như thiếu thoải mái khi ngồi chung bàn với bọn đàn ông con trai giữa một khung cảnh xô bồ của lữ quán. Ngân tỏ ra bình thản hơn. Kiệm ngồm ngoàm vội vã và nhai nuốt. Thuần thong thả, tự tin. Nàng tự hỏi, còn mình ra sao? Dường như nàng bắt đầu mong cho công tác sớm chấm dứt. Nàng thấy nhớ cái thành phố đã bỏ đi và những người bạn nơi đó. Và nữa, đã gần hết thời gian công tác, nàng chưa gặp được một cái gì gọi là phiêu lưu cả, ngoài những hình ảnh bắt gặp bên lề một lộ trình đã được hoạch định từ trước.
Siêu là một người ra sao? Bỗng nhiên nàng nghĩ về gã đàn ông chưa biết mặt này. Nhưng nàng đã tin tưởng rằng có thể ngồi nói chuyện với Siêu về những điều không cần thiết, hay tâm sự vụn cũng thế, có lẽ là vì, theo lời giới thiệu của Thiên thì Siêu là một trong những người bạn thân của anh. Có lẽ nàng tin tưởng ở tư cách bạn thân của Siêu đối với Thiên. Từ hai tuần lễ nay, không được nói về những điều không-cần-thiết với một người nào, nàng cũng cảm thấy nhơ nhớ và thiêu thiếu. Những điều không-cần-thiết, nàng thì thầm. Quả chúng vẫn có cái gì quyến rũ hơn là những lộ trình đã được hoạch định kỹ lưỡng, những chỉ thị đã được nhu cầu, những phản ứng đã được dự đoán, v.v.

Ăn cơm trưa xong, Thuần bảo:
"Bây giờ mình nghỉ trưa. Buổi chiều hôm nay tạm ngưng công tác, để hoạch định chương trình làm việc tại đây. Sáng mai mình sẽ làm hết nội trong buổi sáng để sau bữa cơm trưa kịp đáp xe trở về Đà Nẵng. Cậu nghĩ sao Kiệm?"
Thuần mặc dù không đóng vai trưởng nhóm, nhưng luôn luôn đưa ra đề nghị. Kiệm gần như chỉ kiểm duyệt qua những đề nghị của Thuần, góp ý kiến sơ sơ và chịu trách nhiệm với Sài Gòn. Bọn con gái thường tin tưởng ở Thuần nhiều hơn và dè dặt đối với Kiệm. Hắn có thể báo cáo về Sài Gòn bất cứ cái gì để tỏ ra một người đắc lực, có tinh thần trách nhiệm. Nàng đã bắt đầu thấy chán nhìn khuôn mặt quắt queo sẵn sàng quạu quọ nhăn nhúm về bất cứ chuyện gì, và quạu quọ nhăm nhúm ngay cả lúc bình thường không có chuyện gì của hắn. Cũng một phần vì hắn quyết định sẽ báo cáo về thái độ chểnh mảng và cẩu thả của nàng. Nàng cười thầm và cảm thấy bất cần. Ngay từ bây giờ, nàng nghĩ, nếu không vì số tiền công tác phí Sài Gòn ứng trước mà nàng khó có thể đền bù lại cho đủ, nàng đã tung hê tất cả để về Đà Nẵng tìm gặp Siêu và nói những chuyện không-cần-thiết với không một sự hoạch định, dự tính hay đoán trước. J’en ai marre, vraiment, j’en ai marre. Nàng nghĩ thầm trong đầu.
Trời mưa xối xả khi nàng đứng nép dưới mái hiên để vẽ phác ngôi chùa Cầu.
Nàng bật cười thầm khi thấy chùa Cầu chỉ nhỏ bằng cái am, với bốn góc là bốn bàn thờ của con khỉ, và ở giữa là lối đi lát gỗ ngang hình vòng cung cho người ta đi lại ngang qua một con lạch nhỏ. Dù vậy, đứng xa nhìn cái mái lợp ngói âm dương với phần trang trí cổ xưa (rồng, mặt trời), trong cái kiến trúc nhỏ bé đó tựa như một cổng thành thu nhỏ lại, nàng thấy thanh thản gần như hạnh phúc. Nàng nhớ mình đã đứng trước chùa Cầu và hỏi thăm một người qua đường xem chùa Cầu nằm ở đâu.
Những trẻ em và người lớn hiếu kỳ bu quanh chỗ nàng đứng xem nàng đưa những nét vẽ phác và bình phẩm một cách hồn nhiên, ngây thơ hoặc im lặng. Nàng tiếc là mình không có một cái giá vẽ, một khung vải hay giấy lớn, với những tuýp màu để có thể cung hiến cho những người hiếu kỳ kia một bức tranh đầy đủ hơn. Nàng mỉm cười xin lỗi họ trước khi đóng cuốn tập lại, sau khi đã phác họa xong cái kiến trúc khiêm tốn kia. Một em bé hỏi nàng:
"Chừng nào cô vẽ nữa?"
Nàng cười, đáp:
"Tôi chỉ ghi qua hình ảnh của chùa Cầu. Tôi hy vọng có dịp trở lại đây với giá vẽ và màu".
Một đứa khác hỏi:
"Bao giờ, cô?"
"Tôi không thể nói trước được".
Nàng cười thay lời chào và tất tả đi về phía chùa Cầu. Vẽ vời quả là một việc không cần thiết, nhưng nàng thấy thích nó hơn là làm những việc đã được chỉ định, tính toán kỹ lưỡng. Nàng nghĩ: Hẳn là những kẻ thấy nàng vẽ lại chùa Cầu sẽ hãnh diện vì nơi họ ở có một cái gì đáng vẽ, và họ hãnh diện vì cái kiến trúc khiêm tốn mà có lẽ vì quen, họ đã không để ý đến. Nàng cảm thấy mình đã có ích được chút đỉnh. Bức vẽ phác, có thể sẽ chẳng để làm gì, nhưng nó làm nàng sung sướng, dù trong khoảnh khắc, về cái ảo tưởng là đã nắm được trong tay một hình ảnh mà nàng đã xúc động khi thấy nó.
Bà cụ già bán hương ngồi trong chùa Cầu, trên một phiến gỗ, nhích lại gần chỗ nàng đang đứng ngó quanh trong khoảng không gian hẹp xây trên lạch nước, nói, âm thanh khó nghe vì hai hàm răng đã rụng cả:
"Con cho già xem cái hình chút được hông?"
Nàng dần hiểu ra và vui vẻ mở tập vở ra đưa cho bà cụ xem. Bà cụ chăm chú nhìn bức vẽ phác một lát với hai mắt kèm nhèm, nhận xét:
"Ngộ quá héng! Con vẽ mần chi rứa?"
Nàng cười ôn tồn:
"Con thấy đẹp thì vẽ vậy thôi, bác".
Bà cụ trao tả tập vở, nói:
"Già bán hương ở chùa Cầu này đã lâu, chẳng bao giờ nhìn thấy nó ra sao hết. Bây giờ thấy nó nhỏ lại, coi cũng ngộ chứ".
Khi nàng trở về phòng, vừa vặn đến giờ đi ăn cơm tối. Trời đã ngớt mưa, Hạnh và Ngân nhìn hai ống quần ướt sũng của nàng, cùng hỏi:
"Bà đi đâu vậy? Làm tụi này tưởng bà đi lạc rồi chớ?"
Nàng quăng cuốn vở lên bàn, đi lại chiếc va-li nhỏ lục tìm một bộ đồ khô, đáp:
"Tôi đi lăng quăng thăm phố quận và vẽ phác vài cảnh".
Ngân hỏi:
"Để làm chi vậy?"
Ba người xuống phòng ăn. Bọn con trai đã đợi sẵn ngoài cửa, báo cho biết tiệm không còn thức ăn gì, vì họ xuống ăn trễ quá. Thuần vẫn có vẻ thong thả. Kiệm thì vẫn cau có như bao giờ. Nàng thích thú vì cái nếp sống ở đây: nhỏ bé và thân thiết như một cái gia đình, sau bảy giờ tối, kể như đi tìm một bữa cơm tiệm thật khó. Người ta nấu nướng cầm chừng vì số thực khách hiếm hoi. Họ phải vào một tiệm mì thưởng thức món mì Quảng thay cơm. Sau đó, họ trở về khách sạn: quận lỵ buổi tối khép mình đi ngủ thật sớm. Bọn người đồng hành với nàng không biết làm gì hơn, rủ nhau đánh xì trong phòng bọn con gái. Nàng mượn chìa khóa phòng bọn con trai mang theo một cuốn sách. Khi nằm một mình trong phòng, nàng bắt gặp mình suy nghĩ về thành phố nơi đó nàng đã sống tuổi nhỏ và rồi dậy thì, về những người bạn của mỗi một giai đoạn sống, về mối băn khoăn một dạo đi tìm cho mình một cá tính – hay đúng hơn, tìm xem thực sự chỗ đứng của mình ở đâu, ra sao, để không còn vấp phải những lúc hụt hơi chạy theo biết bao nhiêu cái quyến rũ của cuộc sống mang mang. Bây giờ, nằm đây, nàng biết được gì về mình? Nàng tưởng rằng nhiều lắm. Nhưng đó vẫn chỉ là một chậu nước đục: phải đợi cho nó lắng xuống để có thể nhìn thấu suốt tất cả. Có một điều rõ rệt nhất, mà nàng có thể thấy được: nàng chán ngắt cái lộ trình được vạch sẵn này; nàng muốn trở về cái thế giới của một kẻ đi dạo không mục đích, nói và nghĩ những điều không-cần-thiết, có thể về một buổi mai chan hòa nắng ấm, có thể về một thảm cỏ hiền hòa, có thể về một đóa hoa sắp nở, về một khu rừng, một thửa ruộng, một tiếng chim kêu, một bãi biển, một đoạn văn hay ho đã đọc được, một bức tranh và nhiều nữa, hay gần hơn, về một đêm Giáng sinh thuở nhỏ đi lễ với người nhà và bị lạc… Đó, tất cả những điều không cần thiết bởi nó chẳng giúp ích gì cho ai và cũng chẳng làm hại ai, ngoài việc nó đem lại cho nàng đôi phút giây khoái lạc mơ hồ, nhẹ nhàng, tựa như chiếc lông chim vu vơ bay trong không gian và nhẹ nhàng rơi xuống thảm cỏ tâm hồn nàng.
2. Người đàn ông đón nàng bằng cái cười gần như trẻ thơ ẩn giữa hàm râu quai nón gọn gàng chứng tỏ một chăm sóc cẩn thận khiến nàng tò mò nhìn ngắm. Dường như tia nhìn của nàng làm những sợi râu của hắn nhột nhạt và hắn đưa tay xoa xoa chúng như một thói quen nghịch ngợm:
"Để râu trông già quá, hỉ?"
Hắn nói xong cười sực sực làm cả thân hình rung lên, rồi hắn nghiêm ngay nét mặt lại, vẫn xoa xoa bàn tay trên những sợi râu, nói:
"Mấy hôm nay, tôi trông bà quá. Hôm qua có việc đi về Quảng Nam, tôi có tạt qua Hội An đi vơ vẩn hy vọng gặp bà với cái áo dài màu nâu".
"Nếu gặp, làm sao anh nhận ra tôi được?"
Nàng nghịch ngợm hỏi.
"Tự nhiên, tôi nghĩ là tôi sẽ nhận ra được. Chỉ tại không gặp đó thôi".
Hắn nói xong rồi lại bật cười sực sực. Nàng thu hai tay vào áo lên nói một câu không cần thiết:
"Trời lạnh quá. Mưa, lạnh và khung cảnh ở đây làm tôi nhớ đến miền Bắc. Lâu lắm rồi mới lại sống lại một Giáng sinh có tiết trời lạnh như thế này. Thực tình thì tôi nhớ rất ít về nơi tôi đã sinh ra".
Nàng cảm thấy dường như hai người đã quen biết nhau từ lâu.
"Chưa bao giờ anh Thiên gửi cho tôi một lá thư với lời gửi gấm cẩn thận như hôm nay, khiến tôi trông đợi một cách khá hiếu kỳ".
"Anh với Thiên quen thân lắm?"
"Tôi coi anh ấy như anh ruột. Nếu không, việc anh ấy lấy vợ đã không làm tôi thất vọng".
"Thất vọng?"
"Chứ sao!"
Hắn nói xong, lại cười sực sực, đôi mắt chớp nhiều lần. Nàng chợt nhận ra người đàn ông đối diện có cặp mắt buồn và hơi long lanh. Cặp mắt ấy với miệng cười trẻ thơ dường như trái ngược với hàm râu quai nón. Có lẽ vì vậy mà hắn để râu? Cũng có thể để râu như hắn là một cái mốt, hoặc để râu để có dịp có một cái để chăm sóc, như người đàn bà có đôi má, có làn da để chăm sóc vậy thôi. Bỗng dưng nàng nghĩ: hắn chính là một bí ẩn trong những cái bí ẩn mà nàng chưa biết hết được của Thiên. Dầu sao nàng cảm thấy thoải mái khi ngồi với hắn, bỏ lại phía sau những người bạn đồng hành tẻ nhạt, đầy thận trọng và giữ gìn.
"Đêm Giáng sinh vừa qua bà làm gì?"
"Nằm đọc sách trong một phòng khách sạn ở Hội An và nghĩ về thành phố với bạn bè bỏ lại phía sau. Còn anh?"
"Nghe nhạc Giáng sinh và tự hỏi cái người cầm giấy của mình ra sao và liệu có trở lại. Tôi đã lo sẵn cho bà một cái phòng".
Nàng cười mơ hồ. Trông nàng có cái vẻ của một con mèo: lơ mơ và bí ẩn. Nàng không muốn cho hắn biết rằng thực ra nàng đã trở lại Đà Nẵng từ hai hôm trước, bằng một chuyến máy bay dân sự Mỹ do một gã thanh niên làm quen được tại Hội An điều đình xin giùm. Trúc, dường như đó là tên gã, có cái vẻ của một tên ăn chơi lọc lõi và có cái kiêu căng kiểu cách hợm mình của một gã làm sở Mỹ. Dù vậy, gã tỏ ra phóng túng làm nàng thấy dễ thở. Nàng cảm thấy không có gì trở ngại khi nhận lời gã mời đi ăn với một nhóm bạn bè nữa của gã. Nhưng đến lúc mọi người đề nghị đi nhảy thì nàng yêu cầu gã đưa ra bãi biển. Gã nhìn nàng, dường như cái đề nghị của nàng có vẻ kỳ cục. Trời mưa. Đường tối và đầy những ổ gà sũng nước. Có cái gì quyến rũ ở một bãi biển ngập nước và tối mù ấy mà em đòi ra? Gã gọi nàng là "em" ngọt sớt. Nàng không thích như vậy, nhưng nàng không phản đối. Chẳng có gì cả. Tôi muốn nghe tiếng sóng trong đêm. Nàng đáp. Ở đây có hai bãi biển: một, nay đã thuộc về bọn Mỹ; còn một thì không mấy an ninh về buổi tối. Dầu sao, em đã muốn thì tôi đưa đi, dù tôi nói trước là chẳng có gì để nhìn cả với màn đêm và trời mưa như thế này.
Quả là chẳng có gì để nhìn cả. Chỉ có tiếng mưa rơi và tiếng sóng mơ hồ. Và ở ngoài xa khơi có những ngọn đèn điện viền quanh những khung các con tàu đậu im lìm. Em có biết một trong những con tàu kia là tàu chở xác người chết, hắn vừa nói vừa chỉ tay về phía những ngọn điện ngoài khơi, tất cả các người Mỹ chết trận đều được đưa về đó, một bọn người chuyên môn làm cái việc mổ bụng tử thi moi hết ruột gan vất xuống biển và sau đó, tử thi được ướp bằng những chất hóa học, đóng hòm gửi về cho thân nhân ở bên Mỹ. Nàng cảm thấy tội nghiệp cho những thân nhân của người đã chết: đã nhận một cái xác không hồn lại không cả ruột gan. Nếu tôi chết, tôi ưng được vất toàn thân xuống biển…
Gã thanh niên bắt đầu chán sự vắng vẻ và cô tịch nơi bãi biển và câu chuyện về các tử thi do chính gã gợi ra. Gã muốn trở lại thành phố uống rượu và nhảy nhót với các bạn. Gã cảm thấy đứa con gái này bỗng nhiên ngẫm về các tử thi dù với vẻ đùa cợt bình thản hơi cay đắng. Dù sao, gã cũng chợt nhận thấy một con chim đơn độc tìm mồi trên bãi biển dưới trời mưa. Gã chỉ cho nàng xem, để rồi ân hận vì đã chỉ cho nàng xem con vật nhỏ. Bởi sau đó, gã lại thấy nàng bận rộn thương vay cho con chim nhỏ đơn độc giữa đêm mưa. Gã nói thôi đi về. Nàng không phản đối, để mặc gã đưa mình trở lại thành phố gói mình trong cái lạnh của đêm Giáng sinh. Gã bắt đầu chán người đồng hành thường bị lôi cuốn bởi những cái chẳng đáng gì xung quanh, trong lúc ngồi bên cạnh gã. Nàng hiểu điều đó nên buổi sáng hôm sau, khi gã còn đang ngủ, nàng bỏ đi thật sớm, với ý nghĩ về những người chết không-còn-hồn-không-còn-cả-ruột-gan và về con chim nhỏ lóng ngóng trên bãi biển trong đêm mưa tìm mồi – nó tìm gì? Một khúc ruột gan nào đó chăng? Tự nhiên nàng nghĩ con chim là một thứ oan hồn hiện hình, đi tìm lại khúc ruột, miếng gan đã mất tự kiếp nào… Bây giờ nàng ngồi đây, trước mặt hắn, chợt bắt gặp mình chú ý về đôi mắt buồn và nụ cười trẻ thơ ẩn giữa chòm râu quai nón, về âm thanh giọng cười sực sực của hắn, về vẻ bí ẩn của người bạn của hắn. Và nàng bắt gặp một thích thú mơ hồ.
"Anh có tin là có một loài chim vốn là hiện thân của một oan hồn, chuyên luẩn quẩn ở những chỗ có người chết với hy vọng tìm lại một khúc ruột, một miếng gan đã mất tự kiếp nào…"
Hắn bật cười sực sực.
"Không, thật mà. Tôi đã trông thấy nó đêm qua, trên bãi biển trong cơn mưa, giữa trời đêm".
Hắn nhìn người đối diện, đột nhiên thôi cười, tia mắt như có lửa. Nàng chợt cười ngất:
"Nó biết rằng tìm kiếm vô ích, nhưng nó đã được sinh ra với số phận như vậy: bị kết án chung thân tìm kiếm. Giống tôi, giống Thiên, và có thể, giống cả anh nữa…"
Hắn cười, nhưng không còn phát âm sực sực nữa. Hắn cười bằng nụ cười của một tấm ảnh chụp. Và nàng chợt im lặng, miệng méo xệch bất động, vẻ bất động của một tấm ảnh chụp. Nàng thầm nghĩ: cũng như Chúa mỗi năm ra đời một lần, chẳng phải cũng ẩn chứa trong cái sự ra đời đó một thái độ tìm kiếm đó sao? Nếu không, Người đã không ra đời, mỗi năm một lần như vậy. Đứa trẻ sơ sinh ấy chỉ sống một tuổi, rồi vội vàng đầu thai lại, để được sinh ra thêm một lần nữa, để thấy rằng mỗi kiếp của mình, cái điều tìm kiếm dường như xa vời hơn, và rồi xa vời hơn…
Tiếng cười của nàng làm hai người hầu bàn chợt ngưng câu chuyện, quay lại nhìn hai người khách, rồi lại tiếp tục ngóng sang bên kia sông, nói tiếp câu chuyện đứt rời:
"Trông nó như một cột ánh sáng muôn màu khổng lồ thật. Trông cũng đẹp mắt thật. Tiệm mình không có cây giáng sinh, nhìn nhờ cây giáng sinh bên kia sông, cũng đỡ lắm chớ. Này, nghe đâu tụi nó đưa cả một cái si-núc lên Đà Lạt chặt cây thông lớn nhất trên đó chở về đây lận đó".
"Úi dào, tụi nó có chặt tất cả những cây thông ở Đà Lạt chở về đây cũng còn được, nữa là…"
"Dám!"
"Sao không ạ?! Tụi nó dám bỏ cả tỉ đô la…"
"Thôi thôi, tôi xin ông đừng lỡ dại cái điệp khúc ấy nữa. Chán quá rồi".
"Đách muốn nghe thì đừng gợi chuyện với người ta, có được không?"
Hắn vẫn nhìn người đối diện với cái nhìn bất động của một bức ảnh chụp, ngỡ ngàng, như cái vẻ ngỡ ngàng của nàng khi chợt thấy cây giáng sinh bên kia sông.
 Trùng Dương 
Theo http://www.talawas.org/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em a...