Tôi kéo xe 2 - Tam Lang
Ngựa tìm đường cũ
Như thế, ông ở Phủ Lý đi, trong lưng chắc chỉ còn chiếc thẻ?
- Một chiếc thẻ cũ, ngay hôm đến Hà Nội đã phải đưa cho cai
xe giữ. Mà may còn chiếc thẻ, không thì đã chết đói bấy giờ.
... Thoạt tiên, ông cũng đi làm xe?
- Chẳng làm xe còn làm gì! Hơn trước được cái làm xe cao su,
lại được đổi bộ quần áo nâu lấy bộ quần áo lơ lành lặn.
‘‘Bấy giờ thuế xe còn nhẹ: hai hào rưỡi, ba hào một buổi từ bốn
giờ sáng đến một giờ chiều; bốn hào, bốn hào rưỡi từ một giờ chiều suốt đến ba
giờ sáng.
‘‘Gặp được khách luôn, kể kiếm ăn cũng dễ, nhưng phải cái vất
vả lắm, khó nhọc hơn ở Thái Bình. Chịu chạy vần vật suốt ngày, có tiền ăn, lại
có được năm ba xu hay hào bạc để dành riêng; còn không gặp khách hay ngại nhọc
mà đủng đỉnh không chịu làm thì cũng có hôm phải bỏ tiền riêng bù vào tiền thuế,
không có cai nó cũng lột quần lột áo, hôm nào mình có tiền trả đủ, nó mới cho
chuộc về”.
... Cai xe là những người nhà của chủ xe hay người đi làm
thuê?
- “Chẳng người nhà hay làm thuê gì cả, họ chỉ được cái du
côn, đầu bò đứng xin nhận với chủ xe cho thuê xe rồi ăn vào lưng cánh
cu li, chứ họ, ít khi được chủ xe chi cho công xá.
‘‘Như bây giờ, suốt ngày đêm, họ lấy của cu li đồng mốt bạc
thuế, buổi ngày năm hào, buổi tối sáu hào, mà mỗi chiếc xe, họ chỉ nộp thuế cho
chủ xe có bảy hào, còn bốn hào thừa, họ đút túi cả. Chủ xe cũng biết thế, cu li
xe cũng biết thế, nhưng vẫn phải cần đến họ vì chủ xe không thể ngày nào cũng
đi lùng bắt những cu li thiếu thuế, mà cu li thì không đủ tin để chủ xe có thể
giao thẳng xe cho.
‘‘Trước đã có hiệu tự chủ xe đứng lấy cho thuê, sau bị cu li
trốn thuế nhiều, bỏ xe ở đường không kéo xe về; đi lùng bắt thì mất thì giờ, lại
không du côn như cai xe nên cu li họ không sợ. Sau, thấy mất mát nhiều,
chủ xe lại phải dùng đến cai xe, chịu để họ đứng nhận cho”.
... Cu li thiếu thuế, cai xe cũng phải trả bù cho chủ ư?
- “Sao lại không phải trả, nhưng có mấy khi cai xe nó chịu
thiệt bao giờ. Giờ trả xe, nó giở sổ, thấy cái nào hơi chậm về là phóng xe
lết (xe đạp) đi lùng khắp phố, gặp anh nào còn chàng màng là nó túm đánh
cho bỏ mẹ, rồi lại nắn lưng ngay giữa phố, vét cho đủ thuế mới thúc về. Vô phúc
anh nào còn thiếu độ dăm ba xu; nó cứ quả đấm mà thoi, bất cứ vào mặt, vào ngực,
vào sườn, hay vào mạng mỡ, rồi nhảy lên xe lết, kèm về cho đến tận nhà.
‘‘Người ta đã có câu ví: ác như những quân cai xe!
‘‘Chẳng ác mà chúng nó chỉ thượng sỉ hạ đạn, trông vào
bát mồ hôi nước mắt của người ta mà cũng có của tậu ruộng tậu nhà; có thằng lập
nổi dinh cơ, nuôi tám, chín vợ trong nhà, bố mẹ chết, ma chay to hơn ma Tổng đốc.
‘‘Thật chúng nó tàn nhẫn. Ăn cướp cơm chim, sống bám vào những
người khố rách. Những thằng thế mà giời vẫn cho mát mặt, chẳng bù với mình, đầu
tắt mặt tối, ngày nắng đêm sương...”
... Để mặc anh Tư chửi bới cho hả giận, tôi vắt tay lên trán,
mơ màng nằm nghĩ một mình.
Ngoài trời, ngàn dâu đã xanh ngắt bên sông...
Câu chuyện trong túp lều tranh suốt một đêm trường cũng đã
tàn theo với ngọn đèn nha phiến.
Chương XII
Ông kéo xe trong mười hai năm giời mà sống được thì tôi chắc tôi có làm
nghề này cũng không đến nỗi chết. Hôm nay còn mệt lắm mà tiền ăn cũng chưa cần
phải kiếm, tôi muốn nghỉ một buổi ở nhà với ông. Đây, lúc ở Thái xuôi, trừ tiền
ô tô, quà bánh, còn thừa hai đồng. Tôi muốn hút chơi vài điếu cho lại người, tiền
đây, ông bảo ai đi mua thuốc.
Tôi đưa ra cho anh Tư một tờ giấy bạc.
Đỡ lấy tiền, anh ta vắt chiếc khăn mặt nâu lên vai, co ro từ
trên giường bước xuống, tay vơ ở khay đèn chiếc hến, miệng cất giọng nói khàn
khàn:
- Bác ở nhà sửa lại bấc đèn, để tôi phải đi mua lấy mới được
thứ thuốc tốt.
... Ngang hay hộp?
- Ngang nhưng bền lắm, xái tư còn con ong.
... Nhân thể, ông xem còn dầu không?
- Phải, mà tí nữa quên, bác với cho tôi cái lọ ở chân chõng.
Nửa giờ sau, anh ta đem về một lọ dầu, một hến thuốc với một
gói đến hai chục chiếc kẹo bột.
- Phiện say mà hãm cái này thì phải biết! Bác xem tích nước
còn nóng không.
Tôi cầm ấm tích, mở chiếc nắp sắt tây - cái nắp hộp sữa bột
Nestlé - dốc ra, chỉ còn được vài giọt nước đỏ lòm.
- Hết rồi à? Để tôi đi đun. Bác đổ chỗ nước vừa rót vào, cốt
còn đặc chán!
Anh ta bệ chiếc hỏa lò cụt với mấy thanh đóm nứa để ngay lên
trên chõng. Nửa tươi, lửa khó bén, khói om.
Tôi rót dầu vào chiếc phao sắt tây gỉ, rồi đánh lửa châm đèn.
Lắp lọ, bắt thử đầu xe trên vành môi thâm, anh ta khen cái vấu của
anh ta tuy xấu mã nhưng kín mà nhiều cao lắm.
Bây giờ, tôi với anh Tư cùng vén đùi, nằm tréo kheo mỗi người
một bên khay đèn thuốc phiện.
Trên lửa đèn, que thuốc nở như quả táo nướng; bên hến thuốc,
câu chuyện của anh Tư cũng nở như gạo rang.
- Làm nghề xe kéo, suốt ngày vất vả, ăn uống cũng lật đật, chỉ
có lúc nằm bên bàn đèn thuốc phiện là được nhàn.
Rồi anh ta nheo má lại mà cười:
- Cũng là kéo xe sao kéo xe lọ thì khoan khoái nhẹ
nhàng, mà kéo xe người thì ê chề, trầy trật!
Anh ta ra ý hả lắm. Tiêm xong điếu thuốc mời anh ta lấy trước,
tôi làm bộ dớ dan, phàn nàn:
... Tôi mới kéo có một buổi hôm qua mà khắp mình đau như dần.
Đâu xương đầu cốt như sai khóp bong gân, nhất là hai bụng chân, đến bây giờ vẫn
còn nhức buốt.
- Mới đi kéo lần đầu, ai giữ khỏi đau được. Nhưng biết cách
kéo, biết xoa bóp, cũng đỡ được nhiều.
... Thế làm như thế nào? Ông bảo cho tôi theo.
- Bác cứ yên tâm, ở đây với tôi không bao lâu là bác thạo.
... Mình mẩy tôi bây giờ nhức nhối lắm, ông bảo làm thế nào
thì đỡ đau!
- Bác cứ tiêm nốt điêu ấy đi nào! Tôi đã có cách, không phải
bảo.
Hút luôn một chập chừng mươi điếu, anh Tư đứng dậy, đi ra
sau.
Lúc lên, anh ta cầm cái mảnh nồi, trong có một chất gì như bã
nâu, xâm xấp nước. Đặt mảnh nồi lên hỏa lò, anh ta cầm que đóm lửa hơ hơ dưới
đít. Chất kia bốc hơi, xông lên một mùi khang khảng, khai mà hắc như mùi cặn nước
tiểu pha lẫn với hồng hoàng.
Đổ cái bã ấy vào một mảnh vải bẩn, anh ta đưa cho tôi, bảo cầm
túm lại, xát mạnh vào những chỗ đau và hai ống chân.
Tôi cũng theo như thế mà làm, vừa xát vừa hỏi dò môn thuốc.
- Chỉ trong nửa giờ đồng hồ, rồi bác thấy mình mẩy dãn dần ra
hết. Thứ thuốc bóp ấy, ai làm cũng được. Đẽo ít vỏ cây gạo giã nhỏ ra, đổ nước
tiểu vào rồi đem sao lên. Mỏi gân mỏi cốt hay bị đánh đòn, cứ đem xoa là khỏi tất!
... Chỉ thế thôi?
- Nếu uống được nước lá tre thì càng hay. Bứt ít lá tre nõn
đem phơi. Thấy lá đã hơi héo rồi thì rửa sạch cho vào cấp siêu sắc lên, uống lấy
độ vài bát.
Vặn mình bẻ khục rồi, tôi lại ghé đầu, nằm xuống.
- “Kéo xe cũng là một nghề. Đã đành cầm đến cái tay gỗ thì ai
cũng kéo, ai cũng đi, nhưng phải kéo làm sao, đi làm sao cho đỡ vất vả.
‘‘Tôi chắc bác chạy một cuốc xong, thế nào bác cũng phải thở
dốc một hồi, lúc mới buông hai chiếc tay xe ra. Thế là không biết kéo rồi, người
kéo thạo tuy cũng thở, nhưng không phải thở dốc ra như thế.
«Làm cái nghề chạy quanh năm suốt ngày này, người đã
không thể nhớn lên được, cứ cọc dần đi, nếu không biết chạy mà lần nào cũng thở
hồng hộc như bò thì phổi mình phải yếu dần đi, rồi đến mắc ho mắc suyễn. Ăn đã
chẳng có gì béo bổ, ở cũng ở chui ở rúc, lại còn dãi gió dẫm mưa, phơi sương
phơi nắng, đến đá cũng phải ốm, đừng nói là người. Nhưng giời đã đày vào kiếp ấy,
cũng chẳng chống lại được với giời! Biết giữ được phần nào, hãy cứ hay phần ấy”.
Nói đến đấy, chẳng biết cảm động thế nào mà anh Tư nhỏm dậy,
cầm tích nước, tu thẳng một hơi.
Bây giờ thì anh ta ngồi, nhón chiếc kẹo bỏ vào mồm, nhai rau
ráu rồi lại nói:
- “Cầm hai chiếc tay xe lên, phải liệu xem khách ngồi chiêu
nào, định trước cho cân rồi hãy chạy. Người ta ngồi ngả vào đệm dựa, thì phải cầm
dài; ngồi giữa đệm thì cầm giữa càng; ngồi tì đệm tai(hai cái đệm con để tựa
khuỷu tay) thì cầm ngắn. Trước khi chạy phải dún càng xe lấy mực rồi hãy bước.
Cầm tay xe, không nên cầm tay dài tay ngắn vì lúc chạy ngoắt đường này sang đường
khác, đà xe đang mạnh, mình giữ không vững, xe phải lật nghiêng. Không nên ăn
no, phải thắt chặt dây lưng; thắt lưng không chặt thì ruột vặn từ rốn đưa lên;
ngon miệng ăn no thì bụng xóc. Lúc chạy phải mím môi lại, chỉ được thở bẳng
mũi, đừng thở bằng miệng. Cầm hơi như thế, sức bao giờ cũng mạnh, hễ há hốc
luôn miệng mà thở là thấy mệt liền. Giữ như thế cho đến lúc thật tức hơi thì há
mồm thở phào ra một cái thật mạnh rồi lại phải mím miệng lại liền; lấy hơi vào,
phải thở luôn bằng mũi.
‘‘Xe dừng lại, khách xuống rồi, bấy giờ tha hồ mà thở, nhưng
không nên ngồi nghỉ ngay. Phải bước một mà đi cho chân khỏi chồn, lúc thuận
chân hãy ngồi nghỉ lại. Quạt cho ráo mồ hôi rồi hãy uống nước; uống nước vội đã
chẳng đỡ khát, lại thêm mồ hôi...”
Bài học vỡ lòng ấy, anh Tư giảng giải cho tôi nghe
làm nhiều đoạn, nhiều hồi.
Mỗi điếu thuốc là một cái chấm xuống dòng! Mỗi chiếc kẹo
là một cái chấm phẩy!
Nhưng, nó khô khan làm sao! Suốt năm sáu mươi dòng chữ mà
không có một cái chấm hỏi (?) hay cái chấm tình (!).
Trong chiếc hến, anh Tư đã xếp cho tôi một bài học vỡ
lòng.
Thuộc bài đầu rồi, tôi còn được học thêm nhiều bài khác khó
hơn... trong nhiều chiếc hến khác...
Chương XIII
Thầy tôi mổ bụng!
Hôm ấy, chúng tôi say sưa lắm.
Người ta bảo thuốc phiện nấu bẳng xương khướu - mà có lẽ bằng
xương khướu đốt cháy thật - nên ông chủ trọ của tôi kể hết cho tôi nghe cả những
câu chuyện ruột gan.
Cái nghề cắm cổ mà chạy để kiếm lấy dăm ba xu một ngày ở góc
phố đầu đường, từ hôm ấy, tôi mới biết nó cũng có những mặt trái, mặt phải, những góc
ngạnh mà con mắt người ta không thể trông - nói rõ là những khóe và những
nỗi của nghề, cũng như trong trăm nghìn nghề khác.
Thầy ký rượu pha nước lã vào với nước men; anh chủ thầu bớt
xi măng dùng cát; chị hàng cơm ngâm gạo vào nước vôi để thổi cho lợi bát;
thằng sét-ty cho vay ba mươi phân, bắt khách nợ chỉ được viết vào giấy nhận vay
có mười phân theo như lệ nước... tất cả những cái ấy, các ông gọi là gì?
Bí mật của nhà nghề!
Nghề ký rượu, nghề chủ thầu, nghề hàng cơm, nghề sét-ty...
nghề nào cũng có cái bí mật của nhà nghề thì nghề xe kéo cũng chẳng kém gì, vì
nó cũng có những cái bí mật của nó.
Những cái bí mật ấy, hôm nay tôi đã thò tay lấy được, nó có đủ
hay không thì không rõ, chỉ biết tôi đã lấy được trong túi áo một người đã hơn
mười năm làm cái nghề cầm tay gỗ... - túi áo anh Tư.
Anh Tư thật quả là một anh chàng không biết giữ ngón bí
truyền như mấy ông làm báo, làm quỷ thuật, làm thuốc, vì anh ta chẳng giấu những
cái miếng, cái khóe của nghề.
Thì hôm nay, có bao nhiêu miếng hay, miếng khéo, anh ta đã thả
cả nó ra, thả trong một chiếc hến đựng cao xương khướu.
- Làm nghề xe kéo - Anh ta cất cái giọng nghiêm trang, lại ra
vẻ đạo mạo như một cụ giáo già giảng bài cho học trò - cần phải biết cả bụng của
người ngồi xe...
Đến đây, tôi hãy xin phép các ngài cho tôi ngắt lời anh Tư để
dẫn ý anh ra bẳng một câu văn vẻ:
“Làm nghề xe kéo phải biết cả tâm lý khách ngồi xe”.
- “... Biết được bụng người ta thì lúc người ta xuống xe,
mình có nằn nì xin thêm một hai xu, người ta cũng không nỡ thay những đồng xu bằng
những cái móng giò, cái bạt nhĩ.
‘‘Vào ăn cao lâu, có khi người ta gọi món hàng đồng mà không
dùng đũa, nhưng đi xe thì người ta mặc cả, cò kè, bớt từng đồng xu. Một đồng bạc
có được những trăm đồng xu. Một trăm xu ném vào ngăn kéo anh Khách phệ bụng
không mùi gì, nhưng một xu ném vào cái nón rách người phu xe, nó to không biết
đầu mà kể. Trăm khách đi xe, đến chín mươi chín người như thế. Đồng xu trả thêm
hay trả đắt cho người kéo, thật họ coi nó to hơn cái bánh xe.
‘‘Nghĩ cho kỹ, thì cũng chẳng lạ quái gì.
‘‘Có ai cần lấy sĩ diện với cu li xe. Chỗ cần sĩ diện là các
cửa hàng to, các cao lâu, rạp hát.
‘‘Khách ngồi xe đã coi đồng xu là to thì người kéo xe cũng phải
làm cho nó nhỏ bớt. Làm đồng xu nhỏ bớt, không phải là khinh nó dùng được ít việc,
chính là khép nhỏ con mắt người coi nó là to!
‘‘Muốn bịt mắt người ta thì trước hết phải biết bụng người
ta.
‘‘Bác xem, cái chân tuy chạy, mà cái đầu lúc nào cũng phải
nghĩ.
‘‘Đây, tôi kể bác nghe một thí dụ:
‘‘Một hôm, chừng độ năm giờ chiều, tôi vừa lấy xe đi
thì được kéo ngay một anh công tử. Anh ta diện cật, mình chỉ biết người ta
sộp chứ có biết người ta diện những gì.»
‘‘Từ Hàng Đậu xuống Chợ Hôm, anh ta mà cả có tám xu. Xin một
hào, nhất định không nghe, nhưng chuyến ấy mở hàng, tôi cũng kéo.
‘‘Xe chạy đến đầu Hàng Đào. Trước tôi chừng sáu, bảy bước
chân, một cái xe khác cũng chạy xuôi, trên có một tiểu thư chẳng biết diện những
gì, nhưng trông nửa trên đằng lưng cũng mốt.
‘‘Phố chật mà đông người xe trước chạy cũng không nhanh lắm.
Được dịp ấy, tôi cũng răm rắp bước để nghỉ xác, nghĩ bụng: chẳng vạ gì mà len
lõi, vượt lên.
‘‘Từ lúc ấy, tôi thấy hai díp xe của tôi rung luôn. Tôi đoán
bạo ngay là công tử nóng ruột muốn vượt xe trên nhưng vì phổ hẹp mà đông, không
có lẽ nào thúc được mình, mà giá có thúc để xe vượt lên thì chắc anh ta cũng
ngượng.
‘‘Biết thóp, tôi ếp rầm lên, cố tìm một lối để vượt. Vượt được
xe trước, tôi lại chạy ghìm.
Xe ra khỏi phố Hàng Đào, vào đường Bờ Hồ Hàng Gươm. Đường rộng,
tôi rắp bước cho hai xe chạy đều hàng, nhưng lúc nào tôi cũng giữ cho xe tôi
nhôi lên hơn một đầu ngựa.
‘‘Díp xe bấy giờ êm, không rung như trước nữa. Biết khách
mình đã hả, tôi cứ giữ nước ấy mà chạy đi.
‘‘Qua nhà Dây thép, xe kia đỗ xuống cửa Bô Đa. Tôi chạy chậm
bước hơn đến đầu qua-dê-măng cũ Đờ-Bô, rồi lại bốn cẳng ba chân vượt
chuyến tàu điện cũng chạy xuôi mạn đó.
‘‘Đến phố Chợ Hôm, anh công tử trỏ chỗ xe đỗ rồi đưa cho cả đồng
hào”.
Tôi ngắt lời:
... Cái đó là người ta hảo tâm, biết đâu?
- Khốn nạn, một thằng trước lúc bước lên xe đã cò kè từng đồng
xu thì hảo chết giẫm gì mà hảo!
... Nhưng chuyến ấy, ông chạy nhanh hay chậm cũng thế, vì người
kia có tán mảnh hay bắt chim gì người con gái đâu?
- “Cứ gì phải tán với chim, diện bảnh đi xe, được nhìn gái,
nhất lại được gái nhìn để khoe cái đầu mượt, bộ áo đẹp, đôi giày sang, người lại
bôi nước hoa thơm thì làm gì mà không hả.
‘‘Nhưng cũng tùy người, chứ không phải ai cũng thế. Kéo ông
già thì phải ếp cho nhiều, chạy cho chậm; kéo ông Tây, phải chạy cho khỏe, tối,
có chậm thắp đèn cũng đừng sợ; kéo tiểu thư công tử thì phải chạy cho nghênh
ngang...; nghĩa là cứ tùy mặt khách mà làm: gặp người nhiều chuyện thì phải vừa
chạy vừa tán; gặp kẻ nó khinh mình phu xe phu pháo thì phải câm mồm; thằng ngồi
cho mình kéo không đáng mặt quan, mình cũng cứ tôn nó lên quan; con đàn bà mình
biết mười mươi là gái thập thành, nó đã diện quần áo bảnh lên xe mình thì
mình cũng cứ tôn nó là bà lớn! Chào Tây đen, chẳng biết nó là ai, mình cũng cứ
nói: Mời ông chủ hiệu vải về Hàng Đào; thấy anh Chiệc, chẳng kể là ai,
mình cũng cứ mời: Ông đi xe về Hàng Buồm, Hàng Bồ? Ông chủ hiệu...
‘‘Có mất gì một nhời nói bẻo lẻo. Họ làm gì thây xác họ, miễn
là họ cứ ngồi lên cho mình kéo, lúc hạ tay xe, mình có xin thêm, họ cũng không
tiếc mà mình cũng không phải kèo nhèo...”
Ông thầy tôi còn định dắt tôi đi đến những đâu? Nằm học miên
man, tự tôi, tôi cũng không biết nữa.
Cầm con dao nạo xái, thầy tôi đã mổ bụng từng thằng
mà chính tôi cũng là một thằng trong những thằng bị mổ.
Còn cái gì tức cười hơn thế?
Tôi, các ngài cũng biết, tôi từ xưa vẫn là một kẻ ngồi xe!
Chương XIV
Xe xoay, xe măng ca
Quân cu li cu leo ấy! Nói làm gì!”
Câu nói ấy, ngài thường nghe ở cửa miệng những người sang trọng
- như ngài với tôi chẳng hạn - nói ra. Ngài với tôi, chúng ta cùng nghe rõ mà
chúng ta cùng như không nghe thấy gì, vì đối với những quân cu li, một câu nói ấy,
có ai cho là quá.
Nghĩa là ngài với tôi, ta cùng khinh bỉ họ, khinh bỉ những thằng,
mình ngồi cho chúng nó kéo,những thằng nó cắm đầu cắm cổ kéo mình để kiếm mỗi
cuốc lấy hào bạc hay năm ba xu.
Ngài cũng nghĩ như tôi, tôi cũng nghĩ như ông X., ông X. cũng
nghĩ như ông T.
Trái lại, có một hạng người họ chẳng nghĩ như chúng ta.
- Hạng người ấy?
- Cu li xe kéo.
Chắc ngài đã sắp ghé ngay vào tai tôi mà bảo:
- Một người ngồi cho một người khác kéo, người kéo, họ cho thế
là trái với nhân đạo chứ gì?
Không, tôi hãy xin vứt những lý thuyết về nhân đạo đi. Đây
tôi chỉ nói cái nhân cách của người ngồi xe, cái chân tướng của những người được
ngồi cho người khác kéo.
Trong con mắt bọn cu li xe kéo, những người khách ngồi xe là
những người thế nào?
Đây, ngài hãy nghe anh Tư, ông thầy học của tôi, một hôm đã
giảng cho tôi nghe trong bữa rượu:
- “... Đừng nghĩ người ta bỏ đồng tiền ra bảo mình kéo thì
mình chỉ cứ việc cắm đầu cắm cố cố chạy cho mau. Cái chân chạy đã đành rồi,
nhưng còn cái đầu. Cái đầu nó cũng phải nghĩ như cái mắt nhìn đường, cái tai nghe
còi ô tô báo.
‘‘Có biết như thế mới trông thấy đời người ta cũng có nhiều kẻ
giả danh, giả hiệu trong những bộ mã tốt đẹp, trong những bộ cánh bảnh bao.
‘‘Tôi kể lại bác nghe, hôm ấy, tôi còn nhớ rõ về một buổi chiều,
chiều mùa nực cũng như hôm nay, tôi kéo hai người lên từ Hàng Đào, không mà cả.
‘‘Họ từ trên một chiếc xe khác bước xuống, vẫy xe tôi lại,
truyền bảo một cách ra dáng quá: ‘Đưa đây tao ba hào, xe!’ Thấy hai người quần
áo cũng sang trọng: sa tây, kính trắng, giày dôn, lít-so, tôi cũng yên trí, dốc
ngược vạt áo, móc trong lỗ nẹp áo, lấy ba đồng hào con đưa ra. Tôi hỏi họ đi
đâu thì họ bảo đi xe giờ, mà đi nhiều, lại định giá cho mỗi giờ hai hào rưỡi.
‘‘Cầm tiền của tôi, một người giao cả cho người xe trước, còn
đứng chờ ngay đấy. Tôi thuận, cả hai người cùng lên xe, ngồi.
‘‘Hết phố này qua phổ khác, chạy chán lại gác-đê, gác-đê chán
lại chạy, vần vật đến nỗi mảnh áo đã ướt đẫm như người đem dúng vào chậu mồ
hôi; tôi tuy nhọc nhưng cũng cố dò xem tình ý ra sao, cứ vừa nghe, vừa chạy.
‘‘Có lẽ bấy giờ họ cho tôi như một con vật hay một người Mọi
nên cứ tự do nói chán lại cười. Những câu của họ, nghe sượng cả tai. Đến bọn cu
li bát-tê cũng có người không nỡ mở miệng ra mà nói’’
‘‘ Tôi nghe mãi, nghe mãi, mà bấy giờ đã gần một giờ
sáng rồi. Thì ra họ đi xoay mà không đào đâu được ra tiền trả xe, cứ phải loanh
quanh suốt tối.’’
‘‘Tôi chột dạ, phải đánh bạo, hỏi. Trước, họ còn nói ngọt,
sau đâm bẳn, họ định cà khịa cả với tôi.’’
Bác nghe, họ mở miệng ra nói được câu này: ‘‘Chúng ông bây giờ
hết cả tiền, mày muốn lấy, phải kéo suốt cho đến sáng mai. Bằng lòng không?
Chúng ông xuống!’’
‘‘Thế mình mới thật chết. Hai giờ sáng đã phải trả xe rồi.
Thuế cả thảy mất năm hào hai. Từ chiều đến chập tối, kéo được bốn hào, thì các
ông ấy đã mượn trước mất ba rồi, còn có một. Không kéo nữa cũng không được! Tiền
đâu mà trả thuế cho cai xe, đừng nói đến chuyện ăn uống. Thế là phải cắn răng
kéo luôn cho đến sáng, bụng tính nhẩm nếu họ thương tình trả cho hơi chẽ thì
sáng về, mình cứ tính giờ trả cho cai xe thêm.’’
‘‘Từ lúc ấy, tôi cứ bước một ngoài đường; họ ngồi trên cũng
không thúc chạy như lúc chiều, vì họ có định đi đến chỗ chó nào mà thúc!’’
‘‘Hôm ấy, tôi ra ngõ gặp gái thật! Đi mãi mỏi chân, kéo lên
góc ở đường Cổ Ngư, buồn ngủ rũ ra mà không dám nhắm mắt. Càng ngồi hai mi mắt
nó càng như bị người cầm díp lôi xuống. Sợ chợt ngủ đi, các bố ấy chuồn mất,
tôi lại phải đứng dậy kéo xe đi cho tỉnh, ngảnh trông lại thì hai thằng đã vẹo
cổ đi mà ngủ, một thằng luồn trong cánh tay cái khăn xếp, chừng sợ người ta ăn
cắp mất; một thằng thì quắp vào chân cái can phải gió, vứt đi, chó nó
cũng chẳng thèm!
‘‘Có lúc lộn tiết, muốn tùng bê mẹ nó xe cho hai thằng
ngã chổng kềnh; ừ, mà tức thật, mệt lử cò bợ đếch được nằm, mà từ
trưa, nào đã được một khỉ gió gì vào bụng”.
... Sao không kéo phăng chúng nó ra Cẩm?
- Ra Cẩm để lại chịu thêm mấy cái đá đít! Chúng nó ăn mặc
sang trọng như thế, ông Cẩm nào bảo chúng nó xử quỵt. Người ta cho mình là vu vạ.
Cò mấy Cẩm? Chao!
... Thế đến sáng hôm sau, họ làm thế nào?
- Sáng hôm sau!... Mới bảnh mắt, các bố đã bảo kéo về ngõ Sầm
Công, gác-đê trước cửa tiệm thuốc phiện của một thằng Khách già, rồi
anh áo sa đập cửa vào, lúc ra chỉ còn thấy trần có cái áo dài trắng.
... Nó cằm áo cho người Khách?
- “Nào biết được! Mà không cầm thì còn nạy đâu ra tiền. Thế
mà nó còn màu mỡ riêu cua với mình. Ra cửa, nó cũng vờ vờ rút ví móc
tiền... Nghĩ nó giả được ít nhất cũng hơn một đồng. Đêm vừa vặn mười hào con.
Thế là từ sáu giờ chiều đến sáu giờ sáng, chúng nó trả cho có bảy hào bạc.
‘‘Tôi toan làm rầm lên, thằng kia mới chịu nói thật. Nó dốc
ví, nói không còn hào nào hết, bảo mình hãy đành cầm tạm vậy, hôm nào gặp, nó sẽ
cho thêm.
‘‘Biết làm thế nào? Thôi cũng đành vuốt mồ hôi trán mà cầm.
Năm hào hai thuế, ba hào phụ trả thêm, tất cả chạy đi tám hào hai, thế mà về nộp
cho cai xe, còn bị nó chửi như tát nước vào mặt.
‘‘Về nhà trọ. Thấy giở buổi, anh em xúm vào hỏi, mình toan giấu,
nhưng chưa nói thật thì đã thấy nhao nhao những tiếng:
‘‘Thằng Tư gặp phải vố xe xoay hẳn!
‘‘Đêm qua mày làm xe măng ca phải không?
‘‘Bấy giờ mình mới nói rõ những vố như thế, trong đám anh em
cu li, đã nhiều người bị trước mình. Xe xoay nghĩa là: xe chạy xoay quanh để
xoay tiền. Xe măng ca nghĩa là: xe kéo những thằng chết đường. Những thằng nằm
ngủ sóng sượt trên xe suốt đêm ngoài đường thì có khác gì thằng chết”.
Tôi nghĩ, lại buồn cười thầm chuyện trước.
Tôi có một ông bạn xưa nay vẫn tự xưng là lãng mạn, thường
trong túi không có một đồng kẽm, mà gặp xe là nhảy tràn lên.
Có lúc đáng phải đi bộ một hào xe, sau vì chạy tiền lung tung
mà rồi phải trả đến hàng đồng.
Cái xe kéo ông ta chạy nhông để xoay tiền, ông ta vẫn gọi đùa
là: xe kinh tế!
- Lại một hôm nữa...
Chương XV
Mặt lót của mấy đôi giày mang cá
Lại một hôm nữa. Hôm ấy, mới chập tối, chỉ lác đác mấy hạt mưa nhưng trời
rét quá. Rét tháng Một mà tôi chỉ phong phanh có hai mảnh áo, gió cứ như dao cắt
da.
‘‘Sáu giờ, bảy giờ, tám giờ, hết Hàng Buồm lại Hàng Đào, hết
Hàng Đào đến Bờ Hồ, phố xá vắng tanh, ngóng mãi, chẳng thấy ma nào gọi cả.
‘‘Đi ngoắt ra phố Cầu Gỗ, tôi chợt nghe có tiếng người gắt
nhau dưới một mái hiên khuất bóng, cách xa. Dừng xe lại, tôi đứng lắng tai
nghe. Tiếng ấy chỉ cách tôi chừng chục bước. Tiếng đàn bà rồi lại tiếng đàn
ông, tôi nghe rõ mồn một. Tiếng đàn bà: ‘‘Tôi chẳng đi đâu cả, nhất là cứ
đứng đây đến sáng’’. Tiếng đàn ông: ‘‘Mợ khó tính lắm, đứng để chết rét đây
à?’’ Rồi họ cứ như ném bùn sang ao: ‘‘Cậu sợ rét thì cậu cứ đi đi!’’
‘Thế thì còn nói làm gì. Vào đấy dễ người ta ăn thịt hẳn!’
‘‘Tôi đã nói với cậu, thầy tôi nhiêu người quen biết’.
‘‘Không vào đấy nữa thì đi chỗ khác, đứng đây nhỡ gặp người quen thì sao?’
‘‘Đi, thế cậu bảo tôi đi đâu?’
‘‘Thì cứ đi, kìa cu li xe nó cười cho kia kìa, tôi đã bảo...’’
‘‘Tôi bước ngay lại, ghé luôn xe vào thềm, vừa mở áo tôi vừa
chào: ‘‘Mời thầy cô lên xe, thầy cô đi đầu, tôi kéo’’.
‘‘Bước vội ra xe, người đàn bà lật vạt áo sau chùm lên đầu. Rồi
người đàn ông cũng theo ngay sau, vừa nhảy vội lên xe vừa giục chạy.
‘‘Tôi đóng kín áo tơi lại. Quay càng xe sang tay phải, tôi cứ
thẳng đường chạy ra phố Hàng Gai. Lúc ấy, dễ hai anh chị đã yên trí rồi nên
cũng chẳng thèm bảo kéo đi đâu, cứ mặc kệ cho tôi chạy. Qua Hàng Lờ đến Cửa
Nam, từ vườn hoa Cửa Nam thẳng lên đến dinh ông Bảy, trời mưa
‘‘Dọc đường, trong chiếc xe áo tơi cánh gà sùm sụp, chốc chốc
lại thấy có tiếng khúc khích cười. Tôi chạy chậm từ khoảng khỏi trường con tầy,
càng chạy chậm càng phải ghì hai tay xe đẫy. Một lúc thì thấy có tiếng thở dài
rồi đến tiếng nói: ‘‘Mợ cứ cầm lấy’’.
‘‘Người tôi đã ráo, bấy giờ lại thấy toát mồ hôi.
Đến vườn hoa Hàng Đậu, cô ả đòi xuống, còn anh kia thì giục
kéo về Hàng Hài. Xuống xe, anh ta vứt cho ba hào rồi vào hiệu cao lâu đầu phố ấy.
‘‘Chẳng buồn sửa lại đệm xe, tôi cắp nách hai càng gỗ kéo đi,
hai tay thủ kỹ vào hai túi.
‘‘Cho đến hôm ấy tôi mới tập nhận thế nào là một người con
gái Hà Nội, áo nhung quần tía, ô đầm hoa tai”.
... Ông bảo như thế là hạng con nhà tử tế hay bọn chơi bời?
- Đủ hạng người; mình có đi kéo xe đêm mới biết. Bọn ‘giăng hồ
giăng há’ chẳng kể làm gì vì nghề nghiệp họ là nghề bán thân nuôi miệng. Đến những
đứa con nhà tử tế cũng đâm đốn kiếp; vài giờ dăm ba đồng bạc để cũng được như
các tiểu thư khoe khoang bộ cánh, mua phấn son, hương sáp, áo hàng màu, giày
mang cá, bề ngoài như tiên giáng thế, bề trong dớp dáy chẳng biết đâu là cùng.
‘‘Những đứa ấy, người ta đã lấy hai tiếng cảnh sộp mà gọi
chung.
‘‘Cảnh sộp ở Hà Nội thì bây giờ có đến hàng rừng: hàng
thịt hàng rau, hàng trứng hàng tôm, cô ký mợ tham, con thầy thông, em ông phán.
‘‘Đừng thấy nó rẽ cái đầu ngôi lệch, đi đôi giày gót cao đã
tưởng nó mình tiền mình của lắm. Một xu không dính đít, ngã vào hàng bánh
tráng, chưa biết đến phải lột áo mà đền.
‘‘Họ không khác gì đôi giày mang cá họ lê ở ngoài đường. Dưới
cái mũi nhung dát kính lóng lánh như kim cương, nó còn có cái mặt lót bên trong
nhóp những đất cát mồ hôi nhơ bẩn”.
Ba chén rượu vào, thầy tôi hôm nay giảng học hùng hồn lắm.
Phải! Thầy học tôi, một nhà nho không gặp vận, nửa đời người
ngậm bút lông mèo đen miệng, có thiếu gì chữ nghĩa, thiếu gì văn chương!
- “Tuy thế - Thầy tôi nói tiếp - trong những cảnh khốn nạn ấy,
còn có nhiều câu chuyện đáng đau lòng. Giữa lớp bùn vẩn hôi tanh, nếu biết gạn
lọc ra, người ta còn thấy lẫn cả đôi ba giọt nước mắt.
‘‘Một hôm, như thế này mà đến nỗi tôi phải khóc.
‘‘Tôi khóc thật. Khóc thổn thức. Nghĩ thương người, lại
thương mình.
‘‘Buổi hôm ấy, tôi cũng đi làm đêm. Chập tối, hơn chín giờ, gặp
một người con gái gọi xe ngay ở đầu Hàng Bát. Chị chàng, quần áo cũng bảnh,
nhảy lên xe, không mà cả, bảo kéo thẳng ra Hàng Buồm. Hết cả phố Hàng Buồm, chị
chàng không bảo đỗ, lại bảo kéo ra đường Bờ Sông. Từ Bờ Sông xuống đến Đồn Thủy
thì gặp đám rước đèn nghẽn đường. Kèn trống đèn đuốc đi xong, chị ta bảo ngay
mình kéo theo đám rước.
‘‘Qua nhà hát Tây, Tràng Tiền, Hàng Trống, Bờ Hồ, Hàng Đào,
Chợ Đồng Xuân, Hàng Gà Cửa Đông, dinh ông Sáu Võ, rồi đám rước vào đến cổng tỉnh.
Lính Tây đã giục xe kéo quay lại hàng Giô-giép (Joseph), mà chị chàng thì không
nhất định, bảo cứ từ từ đi buớc một về Hàng Gà Cửa Đông. Để đi bước một chán,
chị ả lại thúc chạy rảo lên. Hết phố Hàng Phèn ra Hàng Bồ rồi chạy loanh quanh
đến một giờ khuya mới thấy bảo kéo lộn về Hàng Bát. Nhưng mới đến đầu ngõ Hàng
Bạc, chỗ rẽ ra Bờ Hồ, đã thấy chị ả bảo đỗ xe cho xuống. Xuống rồi, chị ta bảo
kéo xe không theo vào cái ngõ tối mà hẹp, hai bên chỉ có hai dãy tường”.
... Chắc vào chỗ tối rồi, nó lại chuồn phải không?
- “Nào nó có thèm chuồn cho mình. Nó nắm mình đứng lại rồi nó
chắp tay lạy van: ‘Em lạy bác, bác thương em! Đây, bây giờ bác muốn làm gì em
thì làm! Em thật không có một xu nào cả’’.
‘‘Tôi giằng tay tôi ra, một tay thì nắm chặt lấy vạt áo nó.
Nó vẫn chắp tay van lạy: ‘Đây, em để bác nắn, thật em không còn một xu’.
‘‘Tôi bỏ tay ra, nắn lưng nó, thì chỗ vạt áo bông bay tôi nắm,
đã xoạc ra một mảng to. Sờ cả túi áo cánh trong nó cũng chẳng có gì, chỉ thấy một
hộp mỡ Cô ba đã hôi sì với một tập những giấy bản là giấy bản.
‘‘Tôi tức đến nỗi như người ta bị nghẹn cổ, không nói lên được.
Nó thấy tôi thế, lại sát gần đến, co ngay tay tôi mà để vào lòng. Trong bóng tối,
tôi vùng ra, sờ tai sờ cổ nó xem có hoa hột gì không. Tuyệt nhiên không. Sờ lên
đầu thì đầu nó vấn tóc trần; rút chiếc lược thấy lược đã gãy răng, tôi lại bổ
giả vào đầu nó. Hất cánh tay nó lên xem, tôi cố soát lại một lần nữa. Hai cổ
tay nó không vòng xuyến gì cả, chỉ có một sợi dây hột bột không đáng nửa đồng
xu. Tôi cúi xuống, tốc áo nó lên xem nó mặc quần gì. Cái quần, ối giời ôi, nghĩ
mới ghê! Nó đụp trước đụp sau đến trăm mảnh”.
... Quần vải hay quần lĩnh?
- Lĩnh, lại lĩnh tía cẩn thận, trông bóng lộn lúc nó mới gọi
xe, bước lên.
... Thế sau, ông đành?
- Khám xong quần, tôi sờ luôn đến chân. Thấy chiếc giày mũi
nhọn, tôi đẩy chân nó ra, cằm sát tận mắt xem: chiếc giày mang cá cao gót giả
da trăn, nhưng đã rách bố nó cả hai mép.
... Thế còn cái áo bông bay đấy sao không lột?
- Cái áo à? Bông bay mà bở bùng bục. Có lấy về cũng
chỉ để làm tã lót đít cho con!
... Thế sau, ông làm thế nào?
- “Còn làm gì nữa, mình ném chiếc giày xuống đất, đứng lên
túm lấy toan đánh cho nó vài cái tát, nhưng trông thấy lại thương. Cảnh khổ gặp
nhau. Mình khổ, không ngờ nó lại khổ hơn mình. Nghĩ thế rồi nước mắt tôi cứ chảy
xuống ròng ròng miệng tôi thì nghẹn ngào, cổ tôi như có người ghì bóp.
‘‘Tôi cầm vạt áo lên lau nước mắt. Lúc tôi bỏ tay xuống thì
con bé đã chạy biến đẳng nào mất, chỉ còn lại chiếc xe lù lù sau lưng.
‘‘Có lẽ con bé lúc đi rồi, nó cười thầm mà chửi tôi là thằng
gàn.
‘‘Tôi gàn... mà có lẽ còn gàn hơn vì tôi hối hận sao hôm ấy
tôi lại khám soát nó suốt từ đầu đến chân, tôi, cái thằng đã phải gửi lại chiếc
áo thâm dài ở hàng cơm Hà Nam ngày năm trước”.
Chương XVI
Sau một trận thừa sống, thiếu chết
Nhưng sau nghĩ ra, mình cũng thật khéo thừa nước mắt.
‘‘Cái đời, người ta phải lừa lọc nhau, xử tàn tệ với nhau mới
sống được, thì sự mình ăn hiền, ở lành, thật thà như đếm, nó chỉ là cái trò cười
của một thằng nhà quê ngu ngốc trước đám đông những kẻ thị thành.
‘‘Cái nghề làm xe kéo nó nuôi sống tôi cho đến bây giờ, từ
sau hôm bị mẻ đòn thừa sống thiếu chết ở nhà cai xe, đã đưa tôi vào một đường
đi khúc khuỷu, gồ ghề, con đường bẩn thỉu tối tăm của một phường trâu chó.
‘‘Bấy giờ tôi nghĩ: cái manh áo thâm nhà nho từ ngày còn ở
Thái Bình đã bị chúng nó lột rồi thì tính cách nhà nho mình chẳng vứt đi, còn
giữ làm gì nữa.
‘‘Ăn của chó phải gục đầu với chó. Tuy đã bảy năm giời làm
nghề xe kéo mà từ hôm ấy, tôi mới thật hoàn toàn là một thằng cu li.
‘‘Hôm ấy là hôm nào, rồi đã xảy ra những chuyện gì? Đây, tôi
kể cả lại đây cho mà nghe, nghe rồi mà ngẫm nghĩ.
‘‘Cách đây đã bốn năm, một hôm ở hàng cơm Ba Gà ra, trong túi
tôi còn thừa được những bảy hào với hai xu lẻ. Tôi nhớ rõ vì hôm ấy vừa đếm lại
tiền xong thì có người gọi tôi kéo lên nhà Dây thép Bờ Hồ.
‘Đến nơi, anh ta xuống xe, bảo tôi đỗ gác-đê. Vào
nhà Dây thép được một lát, anh ta lại ra, bảo tôi đưa cho mượn năm hào, nói rẳng
mua tem, chỉ có giấy hai mươi đồng mà ông ký dây thép thì không sẵn có tiền lẻ.
‘‘Tôi móc hà bao, lấy đúng năm hào đưa anh ta.
‘‘Từ lúc ấy, tôi cứ yên trí ngồi chờ. Người ta gọi, tôi bảo
xe tôi gác-đê (garder = chờ), rồi lại thủng thỉnh đến chỗ hàng nước đầu hè
làm hóp chè tươi, xin cái tăm rồi quay lại chỗ sân xe, ngồi xỉa.
‘‘Đợi mãi từ tám giờ sáng cho đến chín giờ, tôi thấy người
này người khác tấp nập vào, ra, còn ông khách của tôi thì càng chờ càng mất
vía. Tôi nóng ruột quá. Thấp thỏm, tôi mon men vào nhà Dây thép thăm dò.
‘‘Tôi không nhận ra được ai vì trong sở bấy giờ đông người,
nên tôi lại ra, lại cứ chỗ cũ mà ngồi, nhưng vẫn cứ thấp thỏm.
‘‘Mười giờ hơn, khách ở trong đã vãn. Tôi lại sục vào tìm lần
nữa thì thằng kia đã biến đâu mất từ lúc nào rồi.
‘‘Trời rét như cắt ruột mà tôi vã cả mồ hôi. Dở khóc dở mếu
bước ra, tôi lồng đi tìm, đi hỏi.
‘‘Thấy thế, người qua đường, cả các anh em cu ly cũng xúm
quanh cả lại. Tôi kể chuyện, thì họ bảo chắc nó chuồn ra cửa đằng vườn ông
Bôn-Be rồi.
‘‘Tôi vẫn chưa tin hẳn, cứ nghĩ bụng: một người áo xa tanh,
khăn lượt xếp, sang trọng như thế, ai nỡ đi lừa mấy hào bạc của một thằng nghèo
khổ đã phải làm cái nghề đi kéo xe tay. Rồi cứ quanh quẩn mãi ở đấy cho đến mười
hai giờ, bấy giờ tôi mới biết mình nghĩ nhầm, mà người ta nói phải.
‘‘Tôi uất ức, kêu khóc rầm đường như một thằng điên dại. Làm
thế nào cho có đủ thuế, mà một giờ rưỡi chiều đã phải đem tiền nộp cho cai xe rồi.
‘‘Từ lúc ấy đến hơn một giờ rưỡi, tôi cũng không kéo được
thêm ai. Đang suy tính không biết nên kéo liều đi hay nên quay xe về thì trước
mặt tôi đã sừng sững cái xe lết của cai Đ. tiến lại.
‘‘Tôi mất cả hồn vía, mắt thì hoa lên, chân tay cũng run lẩy
bẩy. Thằng cai nhảy xuống xe quát hỏi; nó thấy tôi van lạy, chừng đã đoán tôi
thiếu thuế, nên sấn ngay lại túm lấy ngực, lên gối, rồi dìm đầu tôi xuống, đánh
túi bụi một hồi. Đánh rồi, nó lại bắt cởi cả hai lần áo, nắn áo, lại soát cả
lưng tôi. Thấy trong túi có nguyên cái ống thuốc lào với hai hào hai, nó vứt ống
thuốc đi, bỏ chỗ hào vào túi. Khám hết quần, nón, nó lại lật khám đến đệm mui.
Giời rét, nó cũng chẳng trả áo cho tôi mặc vào, da dẻ tôi, những chỗ bị đòn,
tím thâm tím bầm cả lại.
‘‘Nó hầm hầm không nói, bắt tôi cứ ở trần như thế kéo xe đi,
rồi nó nhảy lên xe đạp đi kèm tôi. Dọc đường, nó chửi rủa không còn thiếu gì lời,
vu cho tôi đã chuyển tiền cho người nhà, lại dọa về đánh một trận cho tôi biết
tay, để từ giờ đừng ăn cắp như thế nữa.
‘‘Tôi muốn nói, nhưng cái tức đưa đầy lên đến cổ. Bị rét, bị
đánh, tôi không cần gì cả. Nhưng nó chửi tôi là thằng ăn cắp, tôi ức quá, tôi
có ăn không ăn hỏng của ai bao giờ.
‘‘Quẳng tay xe xuống, tôi sấn lại, đánh cho nó một quả đấm
vào mặt, ngã quay lơ. Nó nghĩ tôi chạy, nên vừa bò dậy, vừa kêu lên, nhưng tôi
vẫn nghiến hai hàm răng, sừng sững đứng nhìn vào mặt nó.
‘‘Chỗ ấy chỉ còn chừng vài chục bước nữa thì về đến nhà. Người
nhà nó thấy tiếng kêu, đổ xô cả ra, nhưng nó cũng đã túm lấy đầu tôi, kéo được
về đến cửa. Tức thì đánh, chứ thân hình tôi thế này, địch lại thế nào được với
nó. Nó thì xương đồng da sắt, tôi, hai tay như hai ống sậy, trói chẳng nổi con
gà.
‘‘Cái trận đòn hội chợ ở nhà nó hôm ấy, tôi nghĩ còn
kinh cho đến bây giờ. Bác có biết nó làm những gì không? Thật tàn nhẫn quá.
‘‘Giam tôi vào một gian buồng hẹp, trói ghì cánh khuỷu tôi lại,
bốn thằng nó chuyên tay nhau đấm đá. Đá chán, chúng nó thay lượt nhau túm tóc lật
ngửa mặt tôi lên mà vả, rồi lại buộc thừng vào chỗ trói cánh khuỷu, giật tôi
lên xà nhà.
‘‘Lúc mới, tôi còn hăng máu, không thấy gì. Sau, tôi thấy như
hai cánh tay tôi lìa hẳn bả vai ra, hai má tôi bị lột mất lần da, mà hai mạn
xương sườn cũng như rời từng cái một.
‘‘Lơ lửng giữa phòng, mặt tôi úp nhìn xuống đất. Dưới chân
tôi, những viên gạch cứ quay như chong chóng. Tôi nhắm nghiền hai mắt. Trong
tai tôi lại thấy vù vù như có tiếng bay của một đàn ong.
‘‘Rồi miệng tôi sùi bọt, mũi thì đổ máu, mắt tôi nảy đóm lên.
Tôi mê man rồi thiếp đi dần, ngất đi lúc nào không biết.

‘‘Trong gian nhà ấy, trông nghiêng trông ngửa, tôi biết tôi
chỉ có một mình. Vừa toan vùng dậy ngồi lên, tôi thấy vướng hai tay, mới biết cổ
tay tôi đã bị sợi dây thừng trói chặt.
‘‘Lợi ráo, cả hai hàm răng cũng khô, miệng tôi đã se cả nước
bọt. Đưa cả hai tay bị trói chụm làm một sờ lên trán, tôi thấy trán tôi nóng lắm.
Tôi sốt. Người tôi nóng như điên lên.
‘‘Một lát, thằng cai lại vào, nó thấy tôi mở mắt thì đứng
trâng tráo đấy mà nhìn. Nhìn chán, nó khạc nhổ vào mặt tôi mà chửi dồn: ‘Mẹ kiếp,
mày đã biết tay bố mày chưa, hay còn bướng!’
‘‘Cổ ráo quá, tôi lạy van mãi, chúng nó cũng không thí cho được
một ngụm nước. Bấy giờ, thật ra, tôi cũng không biết là chiều hay sáng, chỉ thấy
ngoài sân, lấm tấm mưa phùn.
‘‘Một lát, nó sai người cởi trói tôi, rồi ném trả vào mặt cái
áo nâu cánh lấm đầy bùn. Tôi cầm áo đứng lên, chạy ra sân chuồn ra cổng.
‘‘Ôm bộ xương rũ với một đống giẻ rách, tôi lom khom thất thểu
trên đường. Được mấy hạt mưa bay vào mặt, vào lưng, tôi cũng thấy đỡ hẳn được
con sốt nóng.
‘‘Người tôi bấy giờ mỏi mệt lắm. Trông chiếc đồng hồ của một
nhà trong phố, mới biết bấy giờ đã chín giờ sáng, thì ra tôi bị cai xe bắt giam
mất một ngày một đêm. Suốt nửa ngày với một đêm mê man, tôi không được lấy một
hột nước hay hột cơm vào bụng.
‘‘Qua cái máy đầu Hàm Long, tôi vục mồm vào một thùng nước mà
uống, cũng chẳng buồn nghe những câu chửi mắng của con mẹ có chiếc thùng.
‘‘Một trận ấy, tôi về ốm mất mười hai hôm. Vợ tôi, trước còn
đem bán chiếc nồi đồng lấy tiền nuôi thuốc nuôi cơm, sau khánh kiệt trong nhà,
nó phải khóc lóc đem bán cho chị em chiếc quần lĩnh Bưởi may mặc Tết.
‘‘Từ hôm ấy, tôi trông những người chung quanh tôi toàn như
loài rắn loài rết... Thế rồi tôi phạm vào một tội ác [1], rồi tôi làm nghề ma
cô đi dụ gái, rồi tôi nghiện thuốc phiện, rồi tôi ăn nói đểu cáng, vạch quần đứng
đái vào chân ngay giữa phố không thẹn, vừa chạy xe ngoài đường vừa đánh trung
tiện không ngượng..., nói tóm lại, nghĩa là tôi không còn trông thấy ai hết,
cũng như thằng ra đồng đại tiện có ngượng gì với cái Vàng cái Vện đứng chực
quanh”.
Chú thích:
[1] Việc này xảy ra cách đây mươi năm trước, các báo có đăng
mà chính Tư S., người phu xe tôi hỏi chuyện, cũng thuật lại cho tôi nghe rất rõ
ràng, nhưng vì một lẽ riêng, chúng tôi không tiện thuật trong sách. - T.L
Chương XVII
Từ hôm ấy, mắt tôi chỉ trông thấy một vật, là tiền! Ngoài đồng tiền, không
còn cái gì hơn. Nhân, đức, lễ, nghĩa... vứt đi, vứt đi hết.
‘‘Trước đây, có tiền, bác ngồi bệ vệ trên xe, chửi mắng người
ta, bắt người ta kéo bác. Bây giờ hết tiền, bác phải tụt từ trên xe xuống, cắm
đầu cắm cổ kéo cho người khác để nghe những tiếng chửi mắng của người ta.
‘‘Ở đời này, thằng nào coi rẻ đồng tiền là thằng ngu. Thiên hạ
nó đã lấy lực đồng tiền sai khiến mình thì mình có chịu nó sai, cũng phải nhổ
vào mặt nó mà lấy đồng tiền của nó.
‘‘Thế là những việc trước kia tôi cho là khốn nạn, tôi đã
dúng tay làm cả. Làm mà không hối hận.
Mà hối hận cũng không có nghĩa gì.
‘‘Cũng như những nghề của nhiều người khác, cái nghề xe kéo của
tôi nó chỉ là một nghề mượn để che lấp một nghề. Thằng này làm nghề ô tô hàng
để buôn thuốc phiện lậu, thằng kia mở cửa hàng ảnh để buôn giấy
bạc giả, thằng nọ làm thông ngôn ký lục nhưng về phất nghề chứa gá,
thì tôi làm nghề cu li cũng còn đèo thêm một nghề khác nữa: nghề ma cô.
‘‘Buôn bán bằng nước bọt, nghề này nào có mất công phu vốn liếng
gì. Đêm, cầm cái tay xe đón mấy thằng mất dạy mà tán phiệu rồi dắt chúng nó đi,
thế là mình ăn cả vào lưng gái lẫn lưng chúng nó. Mỗi đồng bạc ăn hai hào hoa hồng
về tiền đĩ, dắt được cảnh sộp, còn thêm bổng ngoại ngoài khoản tiền xe. Một
đêm vớ được hai đám là mình đã phè phưỡn say sưa, rượu nốc hàng chai, phiện hút
thả cửa...
‘‘Đã ba bốn năm nay, tôi không mấy khi đi kéo ngày nữa. Kéo
ngày rét mướt, nắng nôi vất vả. Đêm thì không khó nhọc mấy, mà kiếm ăn cũng dễ;
trừ tiền ăn tiêu thuế má, mỗi ngày cũng còn được dăm ba hào, đồng bạc để ra”.
... Sao những người khác không làm theo ông? Cái cách kiếm tiền
như ông nói, xem ra cũng chẳng khó khăn gì.
- Phải, nghe nói thì dễ, nhưng có làm mới biết là khó. Cái
nghề ăn sương ấy nó cũng nhiều cách, nhiều khóe. Không những phải láu
phải bịp, lại còn phải biết nhiều sòng nhiều thổ, chỗ nào có những tay
chơi sộp, chỗ nào có những bò lạc mới ở đâu về. Biết đến chốn đến nơi mười
mươi đấy, lại còn phải biết cách lừa dắt dụ dỗ nó đi. Đứa không nghe, phải dọa
nạt cho nó phải nghe; đứa khát kê [1] phải lấy chuyện kê ra
dử nó.
‘‘Những con gái hàng phố hư thân mất nết, phải khấu bộp nó
thế nào; những bọn buôn thúng bán mẹt, phải thả ngón với chúng nó thế
nào; những con gái nhà quê phải thuốc chúng nó thế nào; mỗi cách một khó.
‘‘Biết được hết những cái khó đó, ít cũng phải là hạng cáo
già, già đời đi làm xe.
‘‘Đây, tôi kể một chuyện năm trước cho bác nghe, bác mới rõ.
‘‘Một người con gái ở phố nọ hay trốn nhà đi với nhân tình đến
một săm kia từ quãng bảy giờ tối đến chín giờ. Vì một lần theo dõi cô
ta từ cửa săm đi, rồi lại kéo cô ta từ giữa phố về nhà, tôi mới dò biết đích cả
tên và chỗ ở. Lần sau, tôi dò luôn tên và nhà người nhân tình cô ta mà cũng làm
theo cách thế. Biết rõ cả hai người rồi, từ đấy cứ buổi tối là tôi dắt xe lảng
vảng qua phố đó. Bắp chợp được nhiều lần họ đi ngang về tắt với nhau
như thế, một hôm, tôi bày kế với cai săm đánh nhựa cô ta. Xếp đặt đâu
đấy rồi, tôi kéo xe đi, lại lảng vảng ở đầu phố cô ta ở. Chập tối, cô ta đi đâu
không rõ, tôi cũng dắt xe theo đi. Vừa ngoắt sang phố khác, tôi đi sát gần ngay
vào bờ hè, gọi tên cô ta ra, rồi cứ làm bộ thân thuộc, nói:
‘‘Thưa cô, cậu Z. đang đợi cô ở săm phố Y. có nhờ cháu đưa thằng
bé kia đến nói với cô. Hôm nay cậu ấy có việc vội, không kịp cho tin trước để
cô biết. Mời cô lên xe, cháu kéo đến’.
‘‘Tôi bịa chuyện ra như thế mà đúng vì mấy lần kéo cho cô ta
hay cậu ta hai xe đi kèm, họ hẹn hò với nhau thế nào, tôi nghe lóng được hết.
Nào những: viết mạo chữ đàn bà, mỗi lúc một khác; giả làm thơ chị em bạn mời đến
nhà chơi; trong thư bất cứ viết bằng giấy gì, bao giờ cũng in dấu cái đầu xe điếu
vào cho khỏi nghi ngờ, mỗi lần thuê riêng một đứa, bất cứ thằng bé hay con bé cầm
thư đến giả làm con sen hay thằng nhỏ, cho người nhà khỏi nghi.
‘‘Lúc mới nghe tôi nói, cô ta còn như lấy làm lạ ra ý ngờ. Lập
tức tôi gọi ngay thằng bé con đang đi hè bên kia, bảo nó đưa thư ra, rồi tôi
nói luôn, không để cô ta hỏi: ‘‘Cháu không dám nói dối, cậu Z. có dặn cháu nếu
cô chưa tin thì cứ nói: cậu ở phố Y. là cô hiểu ngay’.
- “Chính con cai săm, nó mới chừng 11, 12 tuổi. Tôi bảo nó đi
theo xe tôi, hễ tôi bảo làm gì thì làm, mà cô kia có hỏi thì chỉ nói: ‘Cậu Z.
thuê con một hào bảo đưa giấy này đến cho cô; con lạ con không dám lại, cậu ấy
lại bảo con đi theo bác xe này’.
‘‘Cô ta cầm lấy giấy, hỏi nó, nó cũng cứ câu thuộc lòng ấy trả
lời. Đến một gốc đèn sáng, trông trước trông sau không có ai, cô ta giở giấy ra
xem, xem đi xem lại đến ba bốn lần, rồi tần ngần bỏ giấy vào túi.
‘‘Tôi lại nói: ‘Cô lên xe cháu kéo, cậu ấy dặn mời cô đến
ngay’.
‘Ngập ngừng một lúc, cô ta bước lên xe tôi, lại cho thằng
bé con một hào, bảo nó cứ về, rồi giục xe tôi chạy.
‘‘Kéo thẳng vào tận sân săm, tôi đưa cô ta lên gác, gọi bồi.
Thằng bồi mở cửa một phòng đã thắp sẵn đèn điện, lại có hai chai nước chanh, một
chai uống dở, một chai còn nguyên với hai cái cốc trên bàn; ở mắc áo lại có chiếc
áo tây; ở trên lò sưởi, một chiếc quạt điện đương vù vù quạt.
‘‘Thằng bồi săm nhanh miệng vì chủ nó là cai săm đã dặn trước:
nó vừa nói vừa kéo ghế mời cô ta ngồi: ‘Cậu ấy xuống nhà ra sau, mời cô ngồi chờ
đây, tôi xuống gọi’. Cô ta như có ý nghi ngại, sau chừng muốn đỡ ngượng, vờ sờ
sờ trong túi, rồi chắc bấy giờ mới nhớ còn phải trả tiền xe tôi. Đưa cho tôi đồng
ván, cô ta bảo tôi ra ngoài. Tôi cứ ngồi lì ở cửa buồng, nói còn chờ cậu Z. lên
cho thêm tiền theo như lời cậu hẹn.
‘‘Một lúc, một người mặc tây rất bảnh bước vào buồng cô ta.
Thằng ấy chính là thằng cai săm đội lốt công tử. Nó vào, tôi cũng vào theo nó.
Cô ta thấy người lạ, vội đứng lên, hoảng hốt toan chạy ra. Nhưng cái cửa, lúc
vào, thằng cai săm đã vặn đi một vòng khóa. Nó vừa nói vừa cười, nhe hàm răng
trắng nhởn có hai chiếc răng vàng ở cửa.
‘‘Đừng, cô cứ ngồi xuống, chỗ quen biết cả. Cụ Ký với anh
Tham nhà mạnh khỏe chứ? Hôm nọ xuôi Nam tôi cũng gặp cụ bà’. Những câu
nói khấu bộp ấy, chính tôi mớm cho nó vì tôi đi dò hỏi ra nhưng bấy
giờ tôi cứ giả vờ nẳng nặc đòi tiền, như không dính gì vào chuyện ấy cả.
‘‘Làm mặt sộp, cai săm vứt cho tôi đồng bạc, mở cửa, bảo
tôi ra. Rồi nó lại còn bảo tôi hãy đứng lại, hỏi vờ: ‘Mày đã biết rõ nhà cô này
rồi chứ?’ Tôi cũng đáp: ‘Vâng, tôi đã biết rõ’. Nó bảo: ‘Thôi, thế được, cho
phép mày ra’.
‘‘Tôi ra khỏi thằng cai săm đóng cửa lại, rồi chẳng biết chập
tối hôm ấy, nó giở những trò trống gì. Tôi chỉ biết lúc bước ra, tôi nghe
rõ tách tách hai vòng khóa.
‘‘Sáng hôm sau tôi đến hỏi nó, nó nói mọi việc đã cần câu cả.
Rồi tôi với nó tính phân phì, cứ mỗi bận có khách mà gọi được cô kia thì cứ
trừ tiền buồng tiền gái, mỗi đồng bạc, tôi ăn ba, nó ăn ba, còn tiền khách cho
riêng ai, không kể.
‘‘Đụng vào cảnh sộp này phải là những tay sừng
kền cả. Một tháng vài ba món hẩu như thế là mình nê”.
... Nhưng ngộ người con gái ấy nó không đi?
- “Không đi, có mà tù! Cai săm nó vờ làm công tử vài lần rồi
nó mới nói rõ nó ra. Nó đã bộp nó biết cả cha mẹ cửa nhà, hễ không nghe thì nó
dọa rồi nó làm vỡ chuyện. Cái nghề con gái hàng phố, con nhà danh giá, con ông
kia, em ông nọ, lại càng phải giữ. Muốn giữ cho khỏi tai tiếng thì phải nghe
nó. Bước bước này, rồi bước bước nữa. Bước đâu khó, bước thứ hai đã dễ, đến bước
thứ ba... Khôn ba năm, dại một giờ. Có khó gì, chỉ quá trớn tí nữa, rẽ cái đầu
ngôi lệch, đánh bộ răng trắng, kẻ đôi lông mày, gí một nốt ruồi, mặc cái cô
sê là đâm giăng hồ giăng há, có thiên lôi giữ.
‘‘Đấy mới là cảnh con gái hàng phố, còn bắt nhựa bọn
bán tài lồng ộp, bọn trứng ung, thịt ôi ở chợ, mỗi đứa mỗi
cách, mỗi cách một khó, không thể nói ra được cả, còn phải liệu mà tùy.
‘‘Có một cách này nữa kể cũng dễ kiếm xu. Kéo sáng sớm hay
kéo đêm, cứ thấy con nào tử tế phất phơ, mình có ý nghi, là lúc về đến phố, xin
thêm bừa; nó không cho thì làm ầm lên, bảo đi với nhân tình ở nhà này ra, đi với
công tử ở săm kia ra, bắt nọn như thế là các cô ả phải lời thêm xu, sợ mang tiếng bêu với
hàng phố.
‘‘Đã mấy năm nay, ngoài thì mượn tiếng làm xe, mà trong, tôi
chỉ ăn bám vào lưng gái, đĩ. Đứa nào bỏ nhà bỏ cửa, đứa nào bị bắt giam lục
xì cũng thây xác chúng nó; mình chỉ biết có một điều là: Xu! Mà chúng
nó cũng chẳng thiệt thòi gì, đánh đĩ thì kiếm tiền, động đĩ thì chơi ngang, có
bị đội con gái nó tóm được thì đã có nhân tình hay mấy thằng ma cô xé giấy hộ.
Đời bây giờ chỉ tiền, trinh tiết mà làm gì, nhân nghĩa mà làm gì, tiền! Chỉ có
tiền là hơn cả.
‘‘Tôi như người ta, đáng nhẽ bây giờ tôi đã phú quý. Nhưng mắc
cái đâm nghiện vào nên cũng khổ, có hôm không gặp món, phải nuốt cả xái xảm,
xái tro.
‘‘Nhưng khổ cái kiếm ăn về nghề ấy, không nghiện cũng không
làm được trò gì.
‘‘Đây, tôi kể cho mà nghe cái đoạn trường lúc tôi mới mắc
nghiện...”
Chú thích:
[1] Kê nghĩa là tiền. Tiếng lóng của tụi Càn Long.
Chương XVIII
Món canh đen của mẹ cai đen
Quả thật mãi đển hôm ấy tôi mới biết... ra thuốc phiện nó vật người ta
cũng mạnh.
‘‘Buổi tối cắm đầm [1] ở đường La ga Hàng cỏ, tôi
còn đang ngồi nói chuyện dông dài với mấy anh em. Bỗng tôi thấy lạnh toát cả
mình, rồi mồ hôi đổ ra, xương thịt, chân tay thấy nhức buồn như dòi nhúc. Tôi
ngáp. Trước còn ngáp vặt từng cái một, sau ngáp hàng hồi, mỏi cả quai hàm, nước
mắt nước mũi đổ ra, lau xỉ ướt cả hai vạt áo mà không hết.
‘‘Lúc mới, tôi cũng cố ngồi chờ để kiếm lấy một chuyến. Nhưng
ngáp vặt được chừng một chốc thì thấy người bủn rủn, hai con mắt đổ đóm lên.
‘‘Mấy đứa cùng cắm một chỗ với tôi, vẫn tưởng tôi trúng
phong. Sau, có một thằng khác kéo qua, thấy thế chỉ đứng cười, rồi lại còn nói
bông: Thôi, cứ lại lạy sống con mẹ Cai Đen ở Cửa Nam là khỏi hết. Bông
đùa chán, thằng ôn vật ấy mới bảo tôi đói nghiện. Bụng tôi cho nó nói có lẽ
đúng, nhưng tôi vẫn chưa chịu, còn lấy cái bao diêm khoét lỗ, cố kéo cho được một
hơi thuốc lào.
‘‘Điếu thuốc ấy, tôi kéo riết một hơi cũng chẳng thấm vào
đâu, người lại càng lảo đảo. Lúc ấy tôi mới chịu, nhưng mới có bảy xu trong
túi, cũng không biết làm thế nào. Tôi kéo xe đi, cũng chưa định đi đâu. Sau nhớ
chỗ mấy thằng chủ chứa nó vẫn cho tôi hút ghẹ mọi khi, tôi đến ngay nhà thằng
Hai Pháo.
‘‘Lần này không như những bận trước, thằng Pháo bảo tôi muốn
hút phải bỏ ra một hào. Tôi đưa cả bảy xu, nhất định nó không nghe. Tôi chỉ xin
hút xái cũ nó cũng không cho, rồi tắt phụt ngọn đèn đi, thu xếp tiêm móc đút
ngay xuống chiếu.
‘‘Mọi tối tôi đến gọi con em nhà nó đi khách,
nó vẫn mời tôi hút dăm ba điếu. Tôi chối, nó cứ khăng khăng mời nài mà bảo: làm
vài điếu, thức đêm không mệt; hút ít đã nghiện được thế nào.
Tôi nghe nó, hút vào. Quả thật thức đêm có dai, lại không ngại
kéo. Tôi mắc nghiện vì thằng Hai Pháo. Hôm ấy đến xin nó cho hút, vẫn tưởng như
mọi bận, nó cũng mời chào, không ngờ thiếu có ba xu mà nó đuổi tôi như đuổi tà,
tôi làm lợi cho nó nhiều, nó xử tệ với tôi, thật quân đểu.
‘‘Bỏ nhà Hai Pháo, tôi phải kéo đến phố Cửa Nam, hỏi thăm nhà
con mẹ Cai Đen. Mấy anh em cu li ngồi ở hè đường trỏ một cái nhà con, ngoài có
cửa hàng bán nước.
‘‘Nghe thằng ở Hàng Cỏ nói, tôi vẫn chắc nhà ấy có bàn đèn
cho cu li hút. Thì ra không phải, họ chỉ bán nước thuốc cho những người nghiện
ít tiền.
‘‘Tôi hỏi giá rồi bỏ năm xu ra đưa cho mẹ Cai Đen. Bác có biết
nó đưa cho tôi cái gì không? Một chiếc bát đàn trong có một thứ nước đen như nước
gạo rang, nó gọi là nước thuốc.
‘‘Tôi cầm lên nhấp, thấy đắng như bọ nẹt. Nhưng ngửi thấy hơi
thuốc phiện trong bát, tôi đã tỉnh, nên nốc thẳng một hơi. Làm liều thuốc nước ấy
rồi, tôi tráng miệng một trinh chè tươi. Một lúc, quả nhiên thấy thứ nước ấy nó
dẫn đi khắp người, ngấm đến đâu, khỏi đau buồn đến đấy. Rồi người nóng bừng
lên, mình lại trông thấy hai mắt mình đỏ ngầu như mắt chó dại. Bấy giờ tôi như
thằng điên cuồng chỉ muốn cởi trần ra mà chạy, hay đánh đá ai cho đỡ ngứa chân
tay.
‘‘Phải như thế một chốc rồi sức trong mình lại hồi. Đêm ấy
tôi thấy tôi cũng kéo khỏe, thức dai không kém gì những đêm có thuốc hút.
Tuy đúng nghiện nhưng đến hôm sau, ruột gan xót lắm. Người thì khô mà
nóng, giá có đứa nào đánh cái diêm cầm gí, mình tưởng cả người đến cháy bùng
lên.
‘‘Sau, đi lại nhà mẹ Cai Đen nhiều lần tôi mới biết cái nồi
bọngnước của nó nấu mất nhiều công phu lắm. Những giẻ lau khay đèn diện tẩu, những
giẻ quấn chân điện, những mặt tẩu đã vỡ giập vụn ra từng mảnh, những xe tẩu hở
giập người ta đã quẳng đi không hút đem chẻ nhỏ ra như tăm, những hộp đồng hến
thuốc vét chưa sạch lòng..., tất cả chừng ấy thứ, mẹ Cai Đen đem bỏ cả vào một
cái nồi đất tướng, đổ nước ninh lên. Ninh chưa sôi được một lần, nó đã bắc ra,
sợ cạn.
‘‘Tôi còn quên chưa nói, pha vào cái nồi bọng đủ cả
mấy thứ: kim, mộc, thạch, thủy, hỏa ấy, mẹ Cai Đen còn cho thêm một món gia vị:
Xái xảm! Cái xái củ tỉ đen như than, vụn như cám ấy, nó rón năm đầu ngón tay bốc
bỏ vào nồi một cách dè dặt như mấy bà Hàng Bạc làm cỗ bát, bày vậy. Có trông thấy,
rồi ngồi nghĩ mới ghê người. Ngoài những cái trông được, còn bao nhiêu cái mình
không nom thấy như: dầu thắp, nước dãi, mồ hôi.
‘‘Bắc cái nồi bọng ra khỏi bếp rồi, mẹ Cai Đen gạn
nước ra, cầm cái bơ sắt tây hớt hết những váng bẩn đóng trên mặt nước. Cái cặn ở
đáy nồi, nó vét bán làm thuốc ghẻ; vỏ hộp thuốc, nó bán cho hàng đồng nát, cái
nước nấu trăm thức bà dằn ấy nó bán cho cu li nghiện, mỗi bát năm xu.
‘‘Mẹ Cai Đen! Tên ấy, không biết bố mẹ nó hay ai đặt cho. Người
nó đã đen, nó lại bán canh đen, tên nó là Cai Đen thì đúng quá!
‘‘Cu li xe nghiện mà thiếu thuốc hay chưa kịp hút, anh nào
cũng phải đến hàng nó. Nổi con nghiện mà chưa được một bát thì ông vải hiện lên
đấy mà có gọi kéo, cũng không buồn đi”.
... Cu li cu leo như mình mà đã trót mắc nghiện, tôi cứ tưởng
mỗi ngày làm một bát như thế, vừa đỡ tốn, lại vừa đỡ mất ngày giờ.
- Uống vào mà được yên lành thì còn nói làm gì. Lắm đứa đã uống
trừ mà sau chẳng chết về chứng nọ cũng chết về bệnh kia, sợ nhất là bệnh táo rồi
lại đi ra máu. Ăn thứ canh đen ấy vào rồi sau bị bệnh tiện huyết thì
có Trời cứu. Mà lúc đã nghiện nó thì có hút đến hàng lạng một lúc cũng không đủ,
vì hút chỉ bắt được có khói, còn uống lại khác, nó ngấm vào đến tận ruột non ruột
già. Người nghiện nước ấy, lâu dần nước da không sạm mà đen đi, hai mắt trũng
vào, cổ thì ngẳng ra, ăn không được, ngủ không được, đến lúc đi ra máu loãng
như nước vỏ nâu là... về, về với ông bà ông vải. Hút thuốc phiện cũng có hại,
nhưng nó hại ở phổi, lúc giở về già nó chỉ có ho thôi. Cứ trông ngay tôi đây,
nghiện hút đã hơn bốn năm trời, người nom tuy gầy nhưng vẫn khỏe mạnh, nhất là
thức dai, không thức dai, làm nổi thế nào được cái nghề đi đêm về tối...
Anh Tư nói rồi lại hút, rồi lại nói, tuy anh ta phàn nàn nghiện
ngập đâm túng bấn, nhưng vẫn khen thuốc phiện có nhiều công dụng hay.
Những câu khen ngợi ả phù dung, tôi đã nghe nói nhiều lần ở cửa
miệng những người tôi gặp trước anh Tư rồi. Nên từ lúc ấy tôi cũng chẳng buồn để
ý đến những lời anh tán tụng dông dài, cứ để mặc anh ta nói.
Ba ngày ngoài bãi Cơ Xá, tính đến hôm nay, tôi chỉ còn được ở
với anh Tư nửa buổi nữa thôi.
Nhưng chiếc thìa khóa của nghề xe kéo tôi đã nắm được
ở trong tay rồi.
Mà chính anh Tư, người chủ trọ ba hôm của tôi, đã vô tình
đánh rơi chiếc thìa khóa ấy.
Chú thích:
[1] Cắm đầm, cắm tây: tiếng của cu li xe thường nói những lúc
đỗ xe đâm càng vào cửa những nhà Tây để chờ chuyến.
Tôi không thọc gậy
Đây, tôi lại nhắc lại:
Chắc đã có lần ông can bạn:
- Thôi! Dây làm gì với quân cu li xe ấy!
Tôi cũng xin thú thật đã có lần tôi bảo với bạn:
- Quân cu li cu leo ấy, cãi nhau với chúng làm gì cho rồi
hơi!
Tôi với ông, chúng ta cùng chung một óc: khinh bỉ cái hạng
người kéo người.
Thật ra, họ có đáng khinh không? Tôi với ông, tôi muốn hôm
nay chúng ta cùng nghĩ lại.
Bây giờ, phỏng thử có một người hỏi:
- Ở xã hội An Nam mà có hạng người kéo người là lỗi tại ai?
Đấy, mời ông trả lời.
Nếu ông đã cạn suy, tôi dám chắc mười mươi ông phải nói thật
rằng:
- Lỗi tại xã hội.
Xã hội, theo nghĩa hẹp của nó, là hết thảy những người cùng
chung một cỗi rễ, cùng sống chung dưới một chế độ, mà trong đó, gồm có cả ông với
tôi.
Phải, các ông với tôi, nghĩa là hết thảy chúng ta đều có lỗi.
Hạ một người anh em hèn yếu từ cái chỗ thằng người xuống
đến chỗ con ngựa, đưa hai cái tay gỗ cho anh em rồi bảo: “Tao ngồi
lên cho mày kéo” tức là mình bảo anh em: “Mày không phải là người”.
Bị người một giống khinh thị một cách bất công rồi, người phu
xe có cần gì phải tự trọng?
Chúng ta cướp nhân phẩm của anh em mà chúng ta không biết.
Anh em làm những việc không có nhân cách, chúng ta còn khinh trách gì anh em?
Tôi nhiều lần đọc báo thấy đăng những việc: người phu xe nọ bắt
được ngoài đường cái ví bạc đã đem ngay đến bóp trình; người phu xe kia gặp người
đàn bà đẻ đường đã cởi áo ra đùm bọc lấy đứa bé lọt lòng, rồi đỡ người sản phụ
lên xe, kéo về đến nơi đến chốn.
Nhà báo khen: Những tấm lòng vàng trong manh áo rách.
Phu xe, nào phải đâu cái hạng không có tấm lòng vàng?
Người cu li xe này kéo mình, vừa chạy vừa đánh bậy trước mặt
mình; người cu li kia đứng giữa đường thay quần hay vạch quần tiểu tiện trước mặt
mình là tại mình bảo họ: cứ tiểu tiện, cứ trung tiện.
Xã hội thử đem cái nhân phẩm trao trả lại họ, nghĩa là lôi họ
từ chỗ con ngựa lên đến chỗ thằng người, rồi xã hội xem!
Tôi dám nói bạo một câu rằng: từ xưa đến nay bao nhiêu những
chuyện tầm bậy mà những cu li xe kéo đã làm, một phần lớn là lỗi ở bọn trung
lưu thượng lưu trí thức mình. Ngồi lên lưng người ta mà: “Ếp, nhong
nhong!” bảo người ta không đi bằng bốn chân sao được?
Người để người kéo người là loài người ôm chung một cái nhục.
Con ngựa kéo xe vì Trời sinh ra nó bốn cẳng.
Thằng người không làm cái việc của con ngựa vì
Trời cho thằng người có hai chân.
Bởi thế, tôi nói: người để người kéo người là người tự ôm lấy
một cái nhục chung.
Nếu chẳng coi là một cái nhục thì hội Nhân quyền đã chẳng can
thiệp vào câu chuyện xe kéo ở cuộc đấu xảo thuộc địa Vincennes, mà ngót bốn chục
cái đồ “thổ sản của Đông Dương” đã chẳng đến nỗi phải bỏ chỏng gọng
trước con mắt người vạn quốc.
Ngay lúc mới được tin này, lòng cảm động đã bảo tôi biết kính
phục người Pháp, nhất là hội Nhân quyền Pháp.
Chẳng phân biệt màu da với nòi giống, người Pháp đã che cái
nhục cho dân An Nam.
Người thượng quốc còn biết lấy việc người kéo người làm ngượng
mắt, cố bưng cái nhục cho mình.
Còn mình?
Cổ cứ cao, mặt cứ vênh, ngồi xe còn lấy dáng lấy điệu, coi việc
nhục nhằn ấy là thường, không ai chịu để tâm suy xét.
Ông Phi Bằng, viết một bài nói về vấn đề xe kéo, có câu sau
này đăng trong báo Trung Lập:
“Ở đời, người ta hay thận trọng những việc bao la to tát, cần
nhắc từng li từng tí mà hay khinh suất những việc nhỏ nhen, không thèm để ý đến
có biết đâu rằng những việc vụn vặt ấy có ảnh hưởng lớn cho ta, cho xứ sở và cả
đến nòi giống của chúng ta”.
Lại còn câu sau này cũng nói về chuyện xe kéo
đăng trong Pháp Việt tạp chí của ông E. Babut:
“Có nên mong cho nghề ấy mất hẳn?”
Rồi ông Phi Bằng lại viết:
“Nếu muốn bỏ xe kéo đi thì ít nào cũng phải kiếm chỗ làm trước
cho mấy ngàn dần ngựa người kia mới đặng”.
“Khi nước ta được giàu có hơn, chắc người ta không còn thấy
người nào chịu làm cái nghề ấy nữa. Nhưng tiếc rằng chúng ta chưa đến thời kỳ
đó; nghề xe kéo là một nghề kiếm gạo rất cần
ngày nay”. Kiếm gạo!
Hiện nay ở Hà Nội có tới ngàn rưởi người chỉ vì bát gạo mà
làm cái nghề kéo người.
Bất cứ trời rét hay trời nóng, đang mưa như trút nước hay
đang nắng như hun trời, đút đầu qua hai cái càng gỗ, anh em phu xe phải thúc
tay co vó, chạy bở hơi tai, mình mẩy nhễ nhại mồ hôi, áo quần ướt như dúng nước.
Họ khó nhọc như thế để kiếm cái gì? - Năm ba xu, một hào, một cuốc.
Vừa đúng số tiền để mua ít cơm đút miệng, cái thứ cơm thổi bằng gạo hẩm trộn với
ít nước hàng.
Ăn để mà sống, ta không cần nói đến cái ăn!
Nhưng sống nào đã được yên? Họ còn phải nghe những lời thô bỉ
của người ngồi xe chửi rõ vào lỗ tai, chịu những cái dùi khui của các
ông cảnh sát, những cái càng xe bắt ốc của cai xe đánh đập vào mình là khác.
Thế nghĩa là ăn để mà sống, sống để co chân mà chạy, chạy cho
tiêu để lại ăn.
Muốn giảm bớt những nỗi khổ trong cái sống kéo co của
nghề xe kéo, gần đây, đã có ông bàn:
“Lệ đi xe đôi, nên cấm”.
Một ông khác, trông nghề xe kéo ở một mặt khác, muốn cho anh
em cu li lúc nào cũng đắt khách lên tiếng:
“Không nên cấm đi xe đôi”.
Nói chuyện xe kéo, hôm nay còn có tôi.
Tôi thì tôi khác cả hai ông ở chỗ này:
“Nên bỏ đứt nghề xe kéo!”
Nói thế tôi chắc có ông đã sắp lên giọng kẻ cả bảo: cầm gậy
thọc vào bánh xe, anh chàng này khéo chỉ được cái đâm pha, tán hão.
Không, tôi không thọc gậy mà tôi cũng không tán hão!
Đây, tôi xin nói tại sao:
Chương XX
Một lời yêu cầu
Chiều hôm qua, lang thang trong phố, tôi chợt đi đến đầu Hàng Đào.
Một cái màn vải dọc trắng dọc đỏ căng trên bốn chiếc gọng sắt
lừ lừ tiến đến tận trước mặt tôi; tôi nhìn lại thì là chiếc xe đạp hòm ba bánh
đem bán rong đường những đồ giải khát của hiệu Đầu con Gấu.
Từ phía nhà Nhạc hội đi lại, lướt trên đường nhựa, chiếc
xe Đầu Gấu chạy veo veo. Cùng một lúc ấy, chiếc xe đạp hòm ba bánh chở
hàng của nhà ảnh Hương ký cũng vừa đến đầu Hàng Đào, người ngồi trên giơ tay ra
hiệu cho xe Đầu Gấu. Hai xe cùng hãm, hai người cùng đạp cho xe sát đến gần
nhau. Một người xuống xe, bỏ ra ba xu; một người cũng xuống xe, hí hoáy làm một
cốc nước đá bào đưa cho người kia uống. Xong việc mua bán, cả hai người lại ngồi
lên xe, đạp. Cái Hương ký thì đi về mạn Hàng Trống; cái Đầu Gấu ngược
lên phía Hàng Đào.
Đứng trên bờ hè, tôi nhìn hai chiếc xe ấy xa nhau. Rồi cũng
ngay lúc ấy, óc tôi nảy ra một mối nghĩ: người ta có thể đem những thứ xe đạp
này dùng thay cho xe kéo.
Ba chiếc bánh cao su lắp vào một cái gióng bằng sắt,
hai bánh để trước, một bánh để sau. Giữa hai bánh trước, đặt một cái giỏ mây
vào, sau lưng giỏ dựng một cái cần cao để làm cọc chống đỡ lấy cái mui; vành
sau giỏ lắp một cái tay xe cho người ngồi đạp đằng sau cầm lái.
Đấy, phác qua, chỉ có bấy nhiêu cái.
Bấy nhiêu cái khéo đặt cho tiện mưa tiện nắng, nhà đóng xe đã
có thể chế ra được một thứ xe người đạp người.
Tôi chẳng dám nhận công là một nhà sáng kiến, vì thứ xe đạp
người ấy, hiện ở Thượng Hải, người ta đã cho đem chạy khắp các phố rồi.
Người đạp xe cho người, coi nó lịch sự mà có vẻ nhân đạo hơn
vì người đạp cũng được ngồi, không phải co hai chân, cắm cổ cắm đầu mà chạy.
Ông có tiền lại vội việc, ông ngồi lên cho tôi đạp. Tôi không
tiền, tôi đạp hộ cho ông chóng đến chốn đến nơi. Trên chiếc xe ấy, có một cái
trông không trái mắt là: ông ngồi, tôi cũng ngồi. Phải, tôi với ông, chúng ta
cùng là người. Ông ung dung ngồi trước, không mất công khó nhọc, vì ông có tiền
thuê tôi; tôi ngồi sau, vì lấy tiền thuê của ông, tôi phải lên gối xuống gối.
Có phải đổ mồ hôi vì đạp, tôi cũng bằng lòng vì tôi đã tự nguyện làm việc ấy.
Mà bỏ tiền thuê tôi làm việc ấy, ông cũng không có quyền được gọi tôi là người
ngựa vì nghề của tôi là đạp người chứ không phải kéo người.
Bàn chuyện bỏ xe kéo, tôi chắc đã sắp có ông chủ xe ghé vào
tai tôi mà bảo: Anh định để chết ai?
Đối với những người coi đồng tiền hơn ruột thịt ấy, tôi không
dám đáp nửa lời. Đây, tôi chỉ xin nói với những ai có tầm con mắt rộng hơn, những
người có tâm giải quyết các vấn đề xã hội.
Nghề xe kéo sản xuất ở nước ta mới hơn nửa thế kỷ nay. Trước
khi người Pháp sang đây, đường sá chưa tiện giao thông, ta chỉ có cách đi cáng,
đi võng, hai người phải cáng, võng một người. Đến ngày các đường trong xứ
đã mở rộng ra, và sửa lại cho bằng phẳng hơn, cái xe kéo men từ đất tổ nó là nước
Nhật qua Tàu, vượt thang sang đây, rồi khoác cái lốt xe bọ ngựa mà in vết bánh ở
khắp đường, khắp lối. Trong năm mươi năm trời, từ cái hình bọ ngựa, chiếc xe
kéo mới tiến lên được đến chỗ có hai vành bánh cao su bom hơi. Nó tiến chậm như
thế vì nó chưa chạy được trước người, vẫn phải lẽo đẽo theo sau người chạy.
Cuộc tiến bộ của nó, có lẽ chỉ đến được bước ấy, vì
trong vòng mười năm nay, nghề xe kéo không có chút gì thay đổi, chiếc xe cao su
vẫn chỉ là chiếc xe cao su thôi.
Ở thời đại cạnh tranh tiến hóa này, cái gì đã không tiến, là rồi
có ngày phải sa vào vòng đào thải.
Nghề xe kéo, trước sau rồi cũng đến ngày ấy.
Ta nên để nó tự giết nó, hay ta giết trước nó đi cho rồi?
Đối với cái nghề có nhục đến quốc thể, chẳng nên cho nó sống
dằng dai... Giết chết nó đi mà phải giết ngay vì nó sống ngày nào còn để nhục
cho mình ngày ấy.
Bỏ xe kéo người lấy xe đạp người thay
vào, ta vẫn để công việc cho anh em phu xe đâu có đấy. Ngàn rưởi người ở Hà Nội
hàng ngày sống về ngàn rưởi chiếc xe kéo hai bánh, thì ngàn rưởi chiếc xe đạp
ba bánh, hàng ngày cũng vẫn nuôi sống được cả ngàn rưởi người.
Xin ra lệ cấm đi xe đôi, xin bỏ lệ cấm đi xe đôi, các ông hội
viên thành phố Hà Nội, Hải Phòng đừng mất công yêu cầu những việc... loanh
quanh ấy.
Đã làm, các ông hãy làm cho ra việc, việc xin bỏ xe kéo nó chẳng
phải việc... mò trăng đáy nước hay khều sao trên trời.
Nói thế, không phải tôi dám thúc các ông hội viên yêu cầu với
hội đồng thành phố lập tức bỏ xe kéo ngay. Không có chiếc gậy tiên, hội đồng
làm gì có tài mà gõ cho mấy ngàn chiếc xe kéo thay được hình luôn trong một
lúc.
Chúng tôi chỉ xin bàn với các ông một việc: yêu câu với quan
Đốc lý ra lệnh cho Sở Cảnh sát lần lượt đi khám các xưởng chứa xe trong thành
phố xem chiếc nào đã hư hỏng, bắt bóc “số tai” ra, không cho phép sửa chữa nữa;
những xe ấy không được cho thuê chở người, chỉ được phép cho thuê để tải đồ. Chủ
xe nào muốn có thêm xe chở người để kiếm lợi, phải đóng xe mới theo kiểu xe đạp
ba bánh đúng với mẫu của hội đồng thành phố đặt ra; mẫu ấy phải đơn giản để số
tiền chủ xe bỏ ra đóng xe kiểu mới cũng sầm si với số tiền trước đã tiêu dùng
vào việc đóng xe kiểu cũ.
Cách đó cũng chẳng có gì là khó khăn, mới lạ.
Nó cũng như điều lệ đang thi hành ở thành phố: nhà tranh hay
nhà đã cũ nát không được phép sửa chữa, chủ nhà phải phá đi làm nhà mới đúng với
mẫu của Sở Vệ sinh thành phố đã ký nhận cho.
Chỉ làm như thế trong ba năm, tôi dám chắc ở thành phố không
còn tìm đâu được một chiếc xe kéo nữa, mà trong thời gian ấy, anh em phu xe vẫn
ngày ngày kiếm được đủ ăn hai bữa, chủ xe vẫn kiếm được lợi, thành phố cũng vẫn
thu được thuê xe.
Đem vùi dần nghề xe kéo, ta vẫn gây được đất sống
cho anh em phu xe; anh em sống mà không mất nhân phẩm vì nghề, không phải lao lực
vì nghề, hai chân tuy phải làm luôn, nhưng việc làm ấy không phải việc làm của
con trâu, con ngựa.
Một lời yêu cầu không để thiệt cho ai, lại có thể nâng cao được
cả phần hồn và phần xác của một hạng người, lời yêu cầu ấy, có khi nào bị bỏ.
Cái khóa rào ngăn bọn ngựa người, từ trước đến nay vẫn
có một chiếc thìa khóa.
Chiếc tôi bắt được ở nhà Tư S. ngoài bãi Cơ Xá Nam, chính là
chiếc chìa khóa đó.
Nó đã cũ.
Nhưng cũ chưa hẳn là vô dụng nên hôm nay tôi cứ đưa nó cho
các ông hội viên ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét