Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Hồ sâu xanh thẳm

Hồ sâu xanh thẳm
Cuối tháng 5, lòng hồ chứa nước thủy điện Sông Kôn 2 (huyện Đông Giang) xanh ngắt. Trời nắng cháy, dọc bờ hồ những cần thủ xếp hàng dài ngồi câu cá. Mặt hồ gợn sóng lăn tăn theo những cơn gió ngang qua. Đất làng giờ đã nằm im dưới vực sâu của lòng hồ thủy điện xanh trong, biêng biếc…
Thôn Bút Tưa thuở nào, giờ đã chìm dưới 
hồ sâu thăm thẳm. Ảnh: BHƠRIU QUÂN
1. Chàng trai trẻ Alăng Lem ở thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang) -  chủ ghe duy nhất đưa đón khách và người dân địa phương thăm hồ hay lên rẫy còn lại phía bên kia hồ, hối chúng tôi nhanh lên ghe để kịp đón chuyến khách tiếp theo. Chiếc ghe nhỏ, dài chưa tới năm thước mà chở gần chục người bồng bềnh theo từng cơn sóng thót tim, nín thở giữa lòng hồ mênh mông sóng nước.
Tôi vịn chặt be ghe, nhìn áo phao được anh Lem trang bị chưa đến năm cái đã phai màu theo nắng cháy mà không ít lo lắng cho những số phận trôi nổi trên con hồ này. Lem trấn an, và kể mỗi ngày anh đi hơn 20 lượt đón đưa người qua lại, chủ yếu người dân đi rẫy, kiểm lâm tuần tra giữ rừng Bạch Mã, thỉnh thoảng có đoàn khách đi thăm lòng hồ. Thu nhập cũng tạm đủ để Lem lo cơm áo cho gia đình và tu sửa chiếc ghe có giá hơn 15 triệu đồng.
Lòng hồ chứa nước ngập rộng các xã Sông Kôn, Zơ Ngây và A Ting (huyện Đông Giang), chôn vùi sâu những đường xưa lối cũ, đất làng cổ thuở nào. Chiếc ghe phành phạch chạy đều, lướt nhanh trên mặt nước, loay loáy hai bờ cây rừng xanh tươi mơn mởn, thỉnh thoảng lại bắt gặp người chèo lốp xe qua bờ câu cá và lên rẫy, những dấu chân trâu, bò in sâu đôi bờ do những chủ hộ có trại dựng sát mép hồ thả rong, bơi lội.
Theo dòng chảy lớn nhất đổ về hồ, chúng tôi ngược đầu nguồn sông Kôn (người dân nơi đây gọi là sông R’lang) để khám phá những điều mới và tìm xem còn dấu tích nào của nơi chốn quê xưa sót lại ở vùng lòng hồ thủy điện Sông Kôn. Những cây gáo vàng thẳng đứng hai bên bờ vẫn còn đây, đóng mốc làng xưa nửa chìm nửa nổi, cây trái sum sê. Tôi chạnh nhớ về một thời nơi đây đã có cuộc sống ấm no, vui tươi, đoàn kết dân tộc, nơi chưa bị đồng tiền cám dỗ mua chuộc làm mất niềm tin trong sáng trong nếp sống cộng đồng làng.
Con đường mưu sinh duy nhất của người dân làng 
Bút Tưa chỉ có chiếc ghe chèo tay hơn 2 giờ lênh đênh 
trên mặt hồ đưa họ đến được với rẫy nương. 
Ảnh: BHƠRIU QUÂN
2. Vừa chỉnh ghe rẽ hướng phải, Alăng Lem chỉ tay về phía có nhánh sông nhỏ hợp lưu vào hồ lớn vừa nói, làng cũ Bút Tưa đó, nơi xa nhất của xã Đha Rêy cũ và cũng là nơi biết quý trọng văn hóa làng, ít bị tác động bởi đời sống hiện đại.
Tôi nhìn về hướng Lem chỉ và lòng bùi ngùi về một thời dấu chân tôi lẫm chẫm cùng mẹ ở làng. Quê ngoại. Đó nghe như một điều tốt đẹp tưởng trường tồn. Mẹ tôi vốn người làng Bút Tưa, con út trong bốn chị em gái. Ông ngoại tôi bị mù mắt nhưng vẫn biết làm mọi việc trong nhà. Hồi tôi mới lên 5 hay 6 tuổi, thường được mẹ dẫn về thăm quê ngoại và ở lại vài ngày để mẹ giúp mọi người lên rẫy tuốt lúa.
Làng Bút Tưa ngày ấy nằm trên đất đồi nhỏ được bao bọc bởi dòng suối H’jiang. Làng có hai lối cổng ra vào, còn lại được rào kín bằng những thân cây to cao hơn hai mét vòng quanh làng.
Nhà cửa dựng bên trong hàng rào, sát hàng rào là chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Ở giữa có gươl, mỗi khi có khách đến được người làng bố trí ở lại, hát lý thâu đêm. Tôi cũng có lần được cùng các anh chị lớn tuổi tập “thương nhau” kéo ngủ chung ở gươl, nghe điệu ba boóch trai gái tỏ tình.
Mỗi sớm mai, các chàng trai cô gái thức dạy chạy về nhà mình mang gùi ra cổng làng dùng ống tre hứng nước, rửa mặt, nói cười rôm rả khắp suối mát H’jiang, có cặp mến nhau thì ngượng ngùng mỗi khi chạm mặt ban ngày.
Xung quanh làng là đất sản xuất chung, trồng sắn, bắp xanh tốt mơn mởn, nuôi sống bao thế hệ. Nếp sống của làng duy trì theo trật tự mang tính tâm linh của làng bởi một người có uy tín nhất. Mọi việc chung đều do một già làng đứng ra điều hành, giao việc cụ thể, ấn định ngày mùa vào rừng, kiêng kỵ trong làng, cúng bái tạ ơn thần Dàng… Trai gái kết thân được định kỹ rõ ràng, theo đúng nghi lễ, tục cưới đồng thuận, của cải sung túc bàn chuyện qua lại…
Tôi chưa lội hết đất rừng của làng Bút Tưa ngày ấy, nhưng được mẹ dẫn theo cùng lên rẫy đứng đồi cao nhìn bao la mọi nơi. Đất nơi đây rất rộng, nằm dưới chân núi Mang (đồi hai anh em), nhiều loài sinh vật cảnh quý hiếm tồn tại và ngày nay thuộc vùng quản lý rừng Bạch Mã. Muốn đến làng phải lội bộ qua nhiều khe suối, đoạn sông nguy hiểm, đường vào quanh co nhưng ít dốc.
Làng nằm biệt lập xa đường chính hơn 5km nên rất ít người qua lại với làng, thỉnh thoảng mỗi tháng có một người mang muối, mì chính đến đổi với gà, heo trong làng. Thời đó làng ít dùng đến tiền để trao đổi mua bán, mảnh đất đã cho họ đầy đủ ấm no từ chính núi rừng họ đang sinh sống, nuôi nấng bao thế hệ.       
3. Phành phạch chiếc ghe chậm dòng lướt sóng. Tôi lia máy ảnh ghi lại những rẻo đất làng Bút Tưa xưa cũ còn lô nhô lác đác vài cây mít, ổi bám trụ giữa dòng nước hồ mênh mông. Tất cả chìm sâu dưới đáy nước, nằm im vĩnh hằng bởi hồ sâu xanh thẳm. Tôi tìm lại nơi tuổi thơ ngày nào đã ở nơi đây, tìm mãi không còn. Những con đường dẫn về làng, hàng rào thân quen, mái gươl mùa lễ, con người mộc mạc, chất phác đều vắng bóng, trả lại cho tôi chỉ còn mặt hồ gợn sóng...
Ông Coor Le - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn ngồi chung ghe kể: “Dưới lòng hồ này là đất sản xuất chủ yếu của bà con các xã Sông Kôn, Zơ Ngây và A Ting, nhưng khi ngập nước thì nhiều hộ dân đã không còn đất, một số hộ mua lại đất người khác hoặc lấn chiếm rừng già để sản xuất, xã phải họp tuyên truyền thường xuyên để người dân không phá rừng. Cái nghèo đói vẫn bám theo những hộ dân dù họ từng được đền bù nhà đất trước đây, trở thành gánh nặng cho địa phương sau này”.
Sau khi thu hồi lại đất, đền bù theo quy định, nhiều hộ dân ở làng Bút Tưa đổi đời nhanh chóng. Nếu như ngày xưa ở làng cũ dùng lửa chiếu sáng, dùng chiếu thay mền, dùng tre làm phên, lợp nhà… thì họ đã có điện sáng quanh năm, giường chiếu đủ đầy, tường gạch, mái lợp tôn, ngói… vui sướng trăm bề.
Có lần ngồi hàn huyên với anh Alăng Thừa, người tự đập bỏ nhà xây kiên cố ra đất mới ở làng Bút Tưa. Ông bảo dù có tiền xây nhà ở nơi mới nhưng đất sản xuất thì vẫn phải về làng cũ. Nơi ở mới không ký ức, nên ông vẫn nhớ làng cũ, muốn sống lại như thời ở làng cũ, không bon chen, không kiếm tìm những điều không có, mà ở đó, đất rộng, phì nhiêu, nước sông cá nhiều, mùa rẫy lúa thóc đầy kho, ăn no quanh năm lúc nào cũng có. Ngước nhìn mái nhà đầy loang lổ, nét mặt anh không giấu được sự tiếc nuối về mảnh đất xưa giờ đã chìm sâu trong hồ thủy điện mãi sau…
Đầu nguồn sông lớn đổ về hồ thủy điện mặt nước trong xanh, chảy róc rách, len lỏi qua từng bậc ghềnh thác chảy dài, đôi ghe nhỏ được cột dây chặt vào tảng đá. Chủ của chúng chỉ dùng tay chèo vượt hơn 2 giờ qua mặt hồ mới đến được đầu nguồn để bắt cá, soi ếch rừng cải thiện đời sống. Đất mất, người ta chỉ còn nương tựa vào rừng, vào những dòng suối đầu nguồn để mưu sinh theo tháng ngày bởi lòng hồ đã lấy đi cái của họ từng có.
Xế chiều. Nắng chiếu mặt hồ tỏa sáng hai bờ, nhưng mặt hồ thì sáng mà đáy hồ thì tối đen… Alăng Lem nổ máy, chạy ghe về lại đất bờ.
31/5/2020
BHƠRIU QUÂN
Theo http://baoquangnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...