Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Bước đến Cầu Ngang... thấp thoáng buồn

Bước đến Cầu Ngang... thấp thoáng buồn!
Trong quá khứ, Khu du lịch (KDL) Cầu Ngang (Thuận An) nổi tiếng cả trong và ngoài nước với những vườn cây ăn trái trĩu quả, sông nước hữu tình, vui lòng khách đến, được lòng khách đi. Nhưng giờ, đến Cầu Ngang chỉ thêm tiếc cho thời huy hoàng của quá khứ, chạnh lòng với những nhà vườn ở đây.
Dừng chân đứng lại rồi... chạy luôn
Trong vai một khách du lịch từ xa đến, chúng tôi thẳng tiến Cầu Ngang tìm những phút giây thư giãn thoải mái bên rặng dừa, lối măng cụt, gốc sầu riêng nhà vườn. Nhác thấy bóng dáng biển số xe ngoại tỉnh, từ ngay đầu Cầu Ngang đã có vài “cò” vây lấy: “Anh vô ấp Hưng Thọ à? Anh tìm ai? Anh đi du lịch sinh thái thì tui dẫn vô, giá rẻ lại thoải mái lắm!”. Do có chủ đích từ trước nên chúng tôi theo một tay “cò” chạy vào ấp Hưng Thọ. Vượt qua Cầu Ngang, rẽ trái đi được non nửa km thì đến một nhà vườn nằm sâu trong hẻm nhỏ.
KDL Cầu Ngang bây giờ chỉ còn là hoài niệm 
của những ngày tháng huy hoàng quá khứ
Khác với tưởng tượng của chúng tôi, chủ vườn không mời chào đon đả, không rót nước mời khách lại chẳng hỏi han gì, chỉ việc mở cửa cho khách và “cò” vào rồi... đi vô nhà. Ngồi chưa kịp ấm chỗ đã có một “cò” khác trong số mà chúng tôi vừa gặp lúc nãy ở lối vào Cầu Ngang xách một giỏ măng cụt, chôm chôm, bòn bon đi vào, lại có cả dĩa để bày trái cây, thuốc hút... rất nhanh và gọn. “Vô vườn tưởng hái trái trong vườn ăn tại chỗ, sao lại xách trái cây ở ngoài vào” - tôi thắc mắc thì nhận được câu trả lời: “Ôi dào, giờ đâu có vườn nào còn trái cây. Trái cây ở Cầu Ngang này giờ phải mua... từ nơi khác cả!”. Chưa hết giật mình vì kiểu làm du lịch sinh thái của Cầu Ngang bây giờ, chúng tôi lại phải dựng hết tóc gáy khi nghe hai “cò” hét giá. Bòn bon 50 ngàn đồng/ kg thay vì 30 ngàn đồng như thị trường. Chôm chôm ở đây cũng lên đến 35 ngàn đồng/ kg, măng cụt 70 ngàn đồng. Khủng khiếp hơn, nếu khách có nhu cầu kêu làm một con gà nấu cháo ăn tại nhà vườn, giá lên đến... 1 triệu đồng.
Anh Định, người ở ấp Hưng Thọ cho biết “cò” là một nỗi đau nhức nhối của các chủ vườn cây ăn trái Cầu Ngang. Trong nhiều năm qua, họ không trồng một cây nào, không có một trái cây nào nhưng vẫn ung dung sống bám vào các nhà vườn. Nạn “cò” du lịch Cầu Ngang kéo dài trong nhiều năm gây phản cảm không biết bao nhiêu khách du lịch. Không ít khách rơi vào các tay “cò” này lúc vào hớn hở, đi ra tức giận vì lối làm ăn không giống ai. Chính vì cách làm ăn này mà giờ du lịch cầu Ngang rất thưa thớt khách. Chủ yếu là các em học sinh quanh vùng hoặc một số mối khách quen của các vườn cây trái năm xưa đến chơi trực tiếp không qua tay “cò”. Còn nói chuyện “Hữu xạ tự nhiên hương” như xưa thì gần như không có một ai vì sợ đi chơi mà đầu ong ong lên vì nghe hét giá trên trời.
Vườn xưa cây trái giờ đâu hết!?
“Hết rồi chú ơi! Giờ cả cái ấp Hưng Thọ không vườn nào còn cây trái sum suê như trước nữa đâu. Vì thế nên bọn tui muốn lắm mà không vực dậy được Du lịch cầu Ngang như hồi xưa nữa” - anh Võ Anh Dũng, cán bộ nông nghiệp xã Hưng Định cho biết. Bán tín bán nghi, tôi quyết lội bộ vào tận trong các nhà vườn của ấp Hưng Thọ xem thực hư thế nào. Quả nhiên, đến vườn nào, nhà nào cũng thấy tiêu điều, xơ xác, không còn đâu là vẻ trù phú khi xưa.
Anh Dũng cho hay, trong ấp Hưng Thọ bây giờ còn trồng 5 loại cây ăn quả chủ lực là măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon và mít Tố Nữ. Trong số này, măng cụt và mít Tố Nữ là hai loại tạo nên đặc sản và “thương hiệu” cho Du lịch Cầu Ngang. Dẫu thế, giờ có đi bói cả ấp đố mà tìm ra được chục ký măng cụt ăn được. Anh Phước, chủ KDL Ba Tâm vạch từng khóm lá cây măng cụt cho tôi xem rồi tiếc rẻ: “Cây măng cụt nhà tui hơn 200 năm tuổi. Hồi xưa tốt tươi lắm, mỗi vụ cho hàng trăm kg quả. Quả nào cũng no tròn, mỏng da lại ngọt lịm. Ấy vậy mà giờ quả nào cũng chỉ khoảng 2 ngón tay, vỏ lại dày chát. Giờ để cây, kê bàn ghế cho khách ngồi thôi chứ nói thiệt măng cụt đó cho con nít nó không thèm ăn huống chi là khách du lịch”.
Có thể nói, chưa bao giờ măng cụt ở Hưng Thọ lại xác xơ như bây giờ. Cây măng cụt vốn tốt tươi bao đời vẫn thế, giờ đẹt lại, cái lá cũng chỉ bé bằng 1/3 so với xưa. Vườn nhà anh Phước rộng 5.000m2, thời cực thịnh chỉ cần thu hoạch trong vòng 2 tháng đã đủ nuôi sống cả gia đình hơn chục miệng ăn. Ấy vậy mà bây giờ cây trái đìu hiu, lèo tèo. Không chỉ có măng cụt mà tất cả các loại cây trái khác cũng đều bị ảnh hưởng. Mít Tố Nữ không còn ngọt và thơm nữa. Sầu riêng cũng chỉ lẻ tẻ vài trái...
Ai ơi có hiểu rõ ngọn nguồn...
Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều cán bộ quản lý và nhiều người có trách nhiệm vẫn cứ hay cho rằng KDL Cầu Ngang “chết” là vì không cạnh tranh nổi với các KDL khác đang mọc lên như nấm. Đó dường như chỉ là một phần khách quan thôi! Căn nguyên vấn đề không nằm ở đó.
Thời cực thịnh, Du lịch Cầu Ngang cây trái sum suê, dập dìu khách đến, nghìn nghịt khách đi. Cây trái ở đây không chỉ sống nhờ đất mà còn sống nhờ nguồn nước phù sa dồi dào của sông Búng. Nhờ nguồn nước tự nhiên ấy mà bao đời cây măng cụt và mít Tố Nữ cứ trồng lên, đến tuổi là lại trĩu quả. Thế nhưng từ khi Khu công nghiệp Việt Hương ra đời cùng với sự hình thành đông đúc của Khu dân cư Thuận Giao, sông Búng giờ đây đang oằn mình gánh lấy những dòng nước xanh thẫm, có mùi hôi, tắm sông có thể gây ngứa. Điều nguy hiểm hơn là độc tố của dòng sông đã dần dần xuyên thấm vào đất và giết dần các vườn cây trái ở Cầu Ngang. Mới đây, trong 2 ngày 22 và 23-5, trên sông Búng cá chết nổi trắng xóa, thậm chí cá nhỏ trong các mương dẫn nước cũng không sống sót nổi.
Ông Đỗ Văn Công, 82 tuổi, nhà ở số 16B khu phố Thạnh Quý, trị trấn An Thạnh khóc ròng vì vườn cây ăn trái hơn 60 gốc măng cụt giờ giữa mùa mà không có trái nào để ăn cho đỡ ghiền: “Tui sống đến chừng này tuổi chưa thấy bao giờ nhà vườn ở đây thê thảm đến thế. Hồi xưa chiến tranh bom đạn cày xới, tàn phá đến đâu thì cây trái vẫn tươi tốt, sum suê chứ đâu như bây giờ. Giờ thì hết rồi!”. Thực tế là trong nhiều năm qua, xã Hưng Định cũng đã từng bước hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp, thay đổi cơ cấu cây trồng để phục hồi các vườn cây nhưng cải tạo đến đâu thì cây cối èo uột, chết dần chết mòn đến đó vì nước sông ô nhiễm.
Nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân quan trọng
khiến cây ăn trái Cầu Ngang không còn nữa
Khi cây trái không còn thì Du lịch Cầu Ngang chỉ còn là cái xác rỗng của quá khứ. Diện tích nhà vườn vẫn còn, cây cối vẫn xanh ngát giả tạo nhưng hoạt động thì giờ mạnh ai nấy làm, nhỏ vặt và lẻ tẻ. Điều đáng buồn hơn là trong những năm tháng cực thịnh, KDL nổi tiếng ấy còn có cả một Ban quản lý rất hoành tráng đặt trụ sở rất hợp lý trong Nhà hàng 90 Cầu Ngang ăn nên làm ra, nhà vườn cũng được Ban quản lý này hợp đồng, dắt khách vào tận nơi vui chơi, nghỉ dưỡng. Dẫu thế, từ ngày Công ty Cổ phần Du lịch Bình Dương dẹp Nhà hàng 90 Cầu Ngang thì coi như Du lịch Cầu Ngang đã bị cắt đứt sợi dây hy vọng cuối cùng. Người dân ở đây chỉ nghe đâu mơ hồ rằng nhà hàng này sẽ được xây dựng lại hoành tráng, Công ty Cổ phần Du lịch Bình Dương đang có kế hoạch lớn để phục hồi Du lịch Cầu Ngang nhưng thực tế là đến đâu và khi nào thì... chỉ mới nghe nói mà thôi.
Quá khứ huy hoàng xưa để tiếc! Xưa Du lịch Cầu Ngang có 31 hộ nhà vườn tham gia, đội ghe xuồng đón khách 31 chiếc. Giờ nơi đây còn 4 hộ hoạt động cầm chừng duy trì và chỉ còn mỗi 2 chiếc ghe chuyên đi chở... cát, đất độ nhật. Xưa Cầu Ngang có hơn 20 sạp trái cây, giờ chỉ còn mỗi một sạp nhỏ của bà cụ thất thập với dăm ký bòn bon, vài quả măng cụt, dăm bó rau muống ngự ở bên kia cầu. Xưa, nhà nhà làm du lịch, khách đến chen lấn không có lối đi, giờ vườn cây không trái. Giờ, thanh niên đi làm công nhân, trung niên nhận hàng mộc, hàng may... gia công về nhà làm kiếm cơm còn người già thì quanh quẩn trong vườn, ngoài ngõ phụ con cháu.
Bế tắc cả một KDL. Xót làm sao!.
28/5/2010
Khánh Vinh
Theo http://baobinhduong.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...