Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Hồn cẩm hương - Tập thơ hay về rừng

Hồn cẩm hương - Tập thơ hay về rừng
Trong tập trường ca “Rừng cổ tích” đoạt giải Nhất cuộc vận động viết của Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2010 - 2014, Đặng Bá Tiến đã viết về rừng bị tàn phá, bị thu hẹp như một biểu hiện của phản kháng, của căm giận, của đau đớn.
Người đọc anh cũng đọc như đồng hành, đồng tình cảnh, đồng tâm trí, cùng anh giận dữ, lo âu, cùng đau buồn, cùng anh tố cáo. Đặng Bá Tiến được giải Nhất lần đó vì anh đã dùng thơ làm nhiệm vụ của trái tim. Người thi thơ đã thắng trong thơ nhưng rừng thì chưa thắng trong cuộc bảo vệ rừng. Tập thơ “Hồn cẩm hương” (NXB Hội Nhà văn ấn hành) là cuộc chiến tiếp tục của người viết Đặng Bá Tiến.
Trước tiếng kêu cứu khẩn thiết của đại ngàn kỳ vĩ Tây Nguyên, người thơ không còn cần tố cáo hay lên án nữa. Mọi người đã rõ. Rừng đã mất nhiều lắm. Ở đây, trong phần thứ nhất của tập thơ, phần “Nỗi rừng” đã thấy tràn ngập nỗi tiếc thương, hoài niệm. Ngót hai mươi bài thơ trùng điệp những câu hỏi cảm thán Còn đâu, Đâu rồi hoặc Tôi mơ, Tôi nhớ... Nhớ mà không còn thấy nữa, chỉ thấy trong hoài niệm, trong giấc mơ xa - giấc mơ thì xa nỗi cơ cực lại quá gần. Đặng Bá Tiến tựa vào hiện thực xót đau đương diễn ra với rừng, với bà con các dân tộc Tây Nguyên, với những tên người cụ thể Ma Kông, Ma Té..., những tên đất cụ thể Bản Đôn, Ea Súp, Sê-rê-pốc... để cất lên tiếng than của rừng, của sông núi, của con người. Anh nghe được tiếng khóc trầm âm vang của chiêng, anh thấy nước mắt trên mặt tượng nhà mồ. Anh nghe tiếng kêu đêm con bìm bịp mất tổ tiếng như máu chuyển trong trời đất. Sáng ra tìm tới chỗ tiếng kêu đêm qua: Chim mẹ tàn hơi nằm rã cánh/Máu từ tiếng khóc vẫn còn rơi.
Nỗi rừng trong thơ Đặng Bá Tiến là nỗi đau, nỗi mất, nỗi thảm họa bi thương, là tiếng báo động trong trời đất. Mất rừng là mất hết. Nỗi mất lớn nhất là mất đi bản sắc văn hóa đặc hiệu và phong phú của Tây Nguyên.  Chi tiết anh dẫn ra chân thực và đầy tính thơ. Hình ảnh những cánh rừng bị tàn phá, những con sông cạn dòng, mạch sống buôn làng bị hủy diệt... đã thành những ấn tượng kinh hoàng, nhức nhối, căm hận, có tính cấp báo. Lời cấp báo hốt hoảng, khẩn thiết như tiếng kêu cứu cháy. Bên cạnh đó là hình ảnh đắm đuối thơ mộng của rừng thuở nguyên sơ. Nguyên sơ cây lá và thanh khiết hồn người. Chủ đề cứu rừng, đến tập thơ này, vẫn là chủ đề nổi trội của Đặng Bá Tiến (phần I - Nỗi rừng). Nổi trội về ý tưởng, tình cảm. Nổi trội cả về hình thức thể hiện. Vào bài, nhà thơ vào ngay thân phận một người con tiêu biểu của rừng, ông già Ma-Kông. Động tác bóp chân, hình ảnh cụ thể và có sức khái quát cho cả đời người gian lao, ngang dọc với rừng:
Ma Kông ngồi
bóp gối đầu sàn
bóp vạn dặm đời
trong hai ống xương đang khô tủy
Sau hình ảnh người là âm thanh, tiếng tù và trầm bổng âm âm u u bay vào mịt mù xa thẳm. Một hoài niệm quá khứ, đau buồn mê mê tỉnh tỉnh. Dĩ vãng rừng hiện ra đẹp rực rỡ. Sắc hoa, phấn nhụy, mật ngọt, tiếng ong bay và đuôi công xòe múa. Đẹp, tươi, kỳ ảo như trong xứ sở thần tiên. Đoạn kết là câu hỏi của lòng người, đã nhuốm màu vô vọng, hỏi vào trời đất. Đặng Bá Tiến đã nhập hồn những cánh rừng đang bị tàn phá. Tác giả đau trong máu thịt mình nỗi hấp hối của rừng. Ý thơ sâu, lời thơ mạnh:      
Rừng đã bỏ sông
sông biết sống với ai
sông khô héo thác cũng đành ngắc ngoải
giờ trên sông là bầy quạ đói
vỗ đôi cánh đen ngòm tìm xác cá khô
Hơi thở rừng Tây Nguyên hầm hập trong câu thơ Đặng Bá Tiến. Có tiếng của tâm linh, của tập tục văn hóa, của cách nói cách nghĩ Tây Nguyên. Đặng Bá Tiến có những cơn say, anh đắm vào Tây Nguyên, hòa tan tâm hồn mình chếnh choáng chất liệu cao nguyên miền Trung. Thơ rất thơ đến quên cả vần điệu (Khúc xuân chép ở bản Đôn). Đây là quan sát, hay nhận thức, hay trạng thái thường trực một tâm hồn khát nhớ thần thái rừng xa cũ:
Bây giờ ngồi bên sông
không còn nghe sóng hát
… không còn nghe gió đẩy khúc liêu trai
chòng chành tình duyên trên độc mộc
Và hoảng hốt với những gì đang diễn ra:
Đêm tháng ba tôi nằm mơ thấy sông đang bị cháy
nước sôi lên, đá vỡ ứa máu hồng
- Sê- rê-pốc ơi
- Sê- rê- pốc ơi
Tôi gào gọi tên sông trong nước mắt ròng ròng...
Phần II của tập thơ - “Nỗi đời” - là những đề tài khác nhưng vẫn chất tâm hồn ấy. Khi mê đắm reo ca, khi tỉnh thức phê phán. Ngay cả khi anh thiên vị, ngoảnh lại níu kéo dĩ vãng như một người hoài cổ, thì tình cảm chân thành của anh vẫn làm ta cảm động. Anh thở hắt ra với cái tác động ma quái của đồng tiền: Chợ nay còn những má hồng/nhưng tình bạc trắng như đồng tiền trao. Anh chia sẻ nỗi nhớ nghề của người lao động, một ông lão đan tre nứa trong thời đồ nhựa thịnh hành: ta đan/ khỏi phí một đời của ta/ dẫu không nuôi nổi thân già/ thì nuôi mơ ước/ nghề ta mãi còn. Đặng Bá Tiến nay đã vào tuổi ham nghĩ ngợi thế thái nhân tình, câu thơ đằm nhiều chiêm nghiệm. Nhiều khi anh có lý nhưng cũng có khi chưa thuyết phục lắm. Có điều, mỗi khi đụng đến cây đến rừng, dù đang ở đề tài nào, câu thơ Đặng Bá Tiến cũng nghẹn ngào đắm đuối. Phải chăng đấy là quê hương cảm xúc của hồn anh?.
27/8/2017
Vũ Quần Phương
Theo http://baodaklak.vn/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...