Chế Lan Viên nhà thơ, nhà báo, nhà văn
"Xưa làm thơ, tôi hít hương trên ngọn cây,
giờ làm
báo tôi phải nếm cả rễ cây dưới đất"
(Chế Lan Viên).
Chế Lan Viên, anh là ai?
Là một trong những nhà thơ hàng đầu nước Việt Nam thế kỷ XX.
Nhận định ấy từ lâu đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người, chẳng có gì phải
bàn.
Qua hai thập niên đầu thế kỷ XXI, lại có thêm nhiều nhà
nghiên cứu, phê bình văn học trong nước hoặc sống tại nước ngoài, nghiên cứu
sinh tiến sĩ quan tâm tìm hiểu, và hầu như đều không tiếc lời ca ngợi thơ Chế
Lan Viên. Vậy là anh đã vượt qua cái nghiệt ngã của thời gian, ta có thể yên
tâm loại nốt ba từ “thế kỷ XX”.
Chế Lan Viên là một trong số những nhà thơ hàng đầu của Việt
Nam từ xưa tới nay.
Chế Lan Viên, anh là ai?
Là một nhà viết văn xuôi với phong cách độc đáo, nhiều người
từng khen bút ký triết luận Chế Lan Viên.
Tôi nghĩ không phải lúc nào Chế Lan Viên cũng có chủ ý luận
bàn triết học, và không riêng các thể loại văn chương như tùy bút, tiểu luận, tạp
văn…, cả đến những bài phóng sự làm theo đơn đặt hàng của các báo, hay khi cần
phải trả lời phỏng vấn một chủ đề thời sự, tức là công việc báo chí trăm phần
trăm, cách diễn đạt của anh dù nóng hổi thời cuộc vẫn bàng bạc ít nhiều suy tưởng
khiến người đọc liên tưởng đến những chuyện xa vời.
Từ trái sang: các nhà thơ Nông Quốc Chấn,
Chế Lan Viên, Tế
Hanh, Hoàng Trung Thông.
Phong cách văn xuôi của Chế dựa trên hai nền tảng: cái gen di
truyền đã trở thành truyền thống, và nghị lực không ngừng vươn tới cái đẹp hơn,
hay hơn. Cái nền trước tạo môi trường, cái nền sau bồi bổ và nâng cao; nhìn từ
góc độ khác, có thể nói đó là số thành của quá trình đọc, học, suy ngẫm, thực
hành không ngưng nghỉ.
Chất triết luận trong văn Chế Lan Viên bàng bạc ở mọi thể loại
là kết tinh của đầu óc sáng tạo, khát khao hiểu biết, thường xuyên bồi bổ tri
thức của mình, từ đó tìm cho mình một lối đi riêng khi cần giải lòng với công
chúng - từ những sự kiện trọng đại đến những việc nhỏ trong cuộc sống ngày thường,
“các vụ cãi nhau trong gia đình và ở Quốc hội Mỹ, những vụ nổ ngoài đường và vụ
nổ trên mặt trời” (CLV, 1988), nhờ vậy tạo cho mình một văn phong khó lẫn với
ai.
Đối với Chế Lan Viên, đọc là học. “Đọc để thấy cái yếu của
mình”. Từ những ngày xông xáo ở chiến trường đến những đêm thui thủi trong bệnh
viện nước ngoài, nơi “anh sợ đêm khuya lòng ở một mình”, Chế Lan Viên không ngừng
đọc sách và suy ngẫm.
Anh có lần tâm sự với tôi qua một bức thư viết năm 1957 từ bệnh
viện ấy: “... Để khỏi phí thì giờ, Hoan vẫn ghi vẫn học... Pablo Neruda
càng đọc càng thích... Nếu Neruda phản ánh sự đấu tranh bên ngoài thì (Paul)
Eluard nói lên sự đấu tranh bên trong... Đỗ Phủ tính nhân văn, tính hiện thực
cao độ... Hoan đọc sách, nhưng cố gắng không để cho sách vở che lấp cuộc sống.
Hoan đọc và suy nghĩ thêm (về những điều vừa đọc). Hiện thực nếu chỉ nhờ bằng
con mắt và lỗ tai, voir (thấy) mà không savoir (biết), thì
rồi viết ra cũng sẽ bôi hồng hay tô đen thôi... Hoan không thích những nhà văn
viết ra tác phẩm như con kiến bò lên cột nhà mà leo; cố nhiên là Hoan cũng
không thích những con kiến không bò, giơ chân lên mà hỏi là chân thứ mấy… Hoan
thích những nhà văn luôn đặt vấn đề về cuộc sống, về nghệ thuật, luôn luôn tự hỏi
mình và trả lời mình, hỏi giúp người khác và trả lời giúp người khác...”.
Chế Lan Viên, anh là ai?
Có phải là nhà văn thuộc trường phái tượng trưng, siêu hình…?
Có và không.
Chất triết học siêu hình trong văn xuôi Chế Lan Viên thể hiện
ở một số bài, không phải tất cả, trong tập Vàng sao (Nhà xuất bản Tân
Việt, 1942), và đặc biệt tại bài Con kiến (Tạp chí Sáng tạo, Liên Khu
IV, 1948).
Tập Vàng sao, mà tác giả ghi là “Tạp văn 1937-1942” chỉ có
tám bài, dày chừng 50 trang sách, trong đó có bài là những kỷ niệm đẹp về tuổi
thiếu niên. Gần đến Giao thừa, cha anh - “người già quá rồi” - chờ con trai ra
cùng cha làm lễ dâng sao giải hạn, đón mừng năm mới, và mẹ anh, “mẹ sầu đau
ngiêng xuống bên mình”, đánh thức con dậy.
Sợ con trai cứ thế chạy luôn ra sân đã thắp sáng hai mươi tám
cây nến, mẹ “một lần nữa ngọt ngào: Thau rửa mặt đã có đây rồi, rửa muối lại
cho sáng mắt. Nước súc miệng cũng múc sẵn cho con kia. Rồi mẹ đưa cho con mấy
chiếc quần áo mới. Đường ủi (là) quá thẳng khiến tôi ngập ngừng tự hỏi, mình sẽ
mở ra sao?”. Sau những kỷ niệm ấy, chàng trai 17 tuổi băn khoăn: “Ai thử giảng
cho tôi vì sao giữa buổi ngọt ngào mùa xuân đi đến kia, vẫn có những ánh sao
rơi... Muôn vàn ý buồn tuôn theo suối sáng muôn sao”.
Từ trái: Họa sĩ Văn Bình, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà báo
Phan
Quang, nhà thơ Gia Ninh (Ảnh chụp tháng 10/1949
tại Đô Lương, Nghệ An trước khi
nhà thơ Chế Lan Viên
và nhà báo Phan Quang lần lượt lên đường
vào chiến trường
Bình Trị Thiên).
Đọc bức thư anh gửi tôi năm 1957, tôi trầm ngâm tự hỏi: “Con
kiến” nào vậy? Phải chăng đó là con kiến mà mùa hè năm 1948, khi tôi vừa từ
vùng địch hậu Bình Trị Thiên ra Thanh Hóa rồi đến nhận việc tại báo Cứu quốc,
Chế Lan Viên đưa số tạp chí vừa mới in xong, mở sẵn trang có đăng bài “Con kiến”
của anh, bảo tôi đọc.
Tôi đọc cẩn thận bài ấy, nhưng không hiểu anh muốn nói gì và
hoàn toàn không thích, cứ lẳng lặng đưa trả lại anh số tạp chí. Phải chăng đó
chính là “con kiến giơ chân lên mà hỏi” nhà thơ sẽ nhắc tới mười năm sau, trong
bức thư gửi bạn?
Chế Lan Viên sinh ra trong một gia đình đậm cuộc sống tâm
linh như phần đông các gia đình người Việt Nam ta thời trước, coi việc thờ cúng
tổ tiên, lễ bái thần linh là nhu cầu và nghĩa vụ tại cuộc đời trần thế.
Tuổi thiếu niên cậu Hoan trôi qua trong một gia đình sùng đạo
Phật, đêm đêm thân phụ anh ngồi trước bàn thờ nguyện cầu Đức Phật tổ Như lai,
tiếp đó thân mẫu anh xong công việc nội trợ trong ngày lại đến bàn thờ gõ mõ tụng
kinh, tụng thuộc lòng vì bà không biết đọc. Đến dịp Tết cổ truyền, gia đình anh
lại lập đàn “dâng sao giải hạn”. Thế nhưng suốt cả năm, ngày lại ngày, đều đặn
hơn, uy nghi hơn, hùng tráng hơn, vào lúc sáng tinh mơ và trước khi mọi người
đi ngủ, lại dõng dạc ngân vang tiếng chuông nhà thờ Thiên chúa giáo ở gần đâu đấy,
nhắc con chiên đọc kinh cầu xin Đức Chúa Trời và Mẹ Đồng Trinh xá tội.
Khi chàng trai lớn lên, đêm đêm một mình dạo bước trong thành
Bình Định, mơ hồ nhìn ngắm các Tháp Chăm xa xa, chàng lại gặp nàng Chiêm nương
đôi mắt mở to trên tòa tháp cổ:
Chiêm nương ơi…
Nhìn chi em chân trời xa vời vợi
Nhớ chi em sầu hận nước Chàm ta.
(CLV, Điêu tàn, 1937)
Môi trường tâm linh ấy khiến chàng trai phải thốt lên: “Thích
Ca! Jésus! Khổng Khâu! Lão Tử! Tôi đều thành tâm cúi đầu trước uy linh huyền diệu
của các Ngài” (CLV, Vàng sao, 1942).
Mặt khác, trong khoảng thời gian chưa tới tám năm, từ sau
thành công của “Điêu tàn” năm 1937 đến trước ngày Cách mạng tháng Tám 1945
thành công, nhất là những ngày anh rời Quy Nhơn vào Sài Gòn làm báo hay ra Hà Nội
học thêm, nhà thơ gặp và say mê các trường phái tượng trưng, siêu hình, đa đa (dadaisme)
cùng bao nhiêu thứ isme khác nối chân nhau xuất hiện như thời trang,
đến người Pháp chỉ một thời gian sau đó cũng chẳng mấy ai buồn nhớ đến.
Dù vậy cả tam - tứ giáo Đông phương cũng như các học thuyết
tượng trưng, siêu thực siêu hình Tây phương vẫn không giải tỏa được nỗi niềm của
chàng trai:
“Từ trước khi cách mạng đến, tôi đã đi về xứ sở siêu hình.
Khá xa.”
Tuy nhiên điều đó chỉ đậm nét một thời gian.
Nhìn lại cả sự nghiệp văn xuôi của anh, tập Vàng sao chỉ
dày có hơn 50 trang sách, nếu cộng thêm bài Con kiến nữa thì văn xuôi
triết luận được anh công bố trước sau cũng chỉ vào khoảng 60-70 trang sách là
cùng, so với gần 3000 trang văn xuôi trong Chế Lan Viên toàn tập [1]!.
Chừng ấy thôi ẫn là sức cản nặng nề, khiến cuộc đời và sự
nghiệp của anh từng
Đi nhanh mà về chậm
Biết bao là nhiêu khê
(CLV, 1961)
Chế Lan Viên không phải là con người quá nặng cuộc sống tâm
linh, anh luôn chê trách hủ tục mê tín dị đoan, căm ghét những kẻ lợi dụng tôn
giáo làm những điều không đẹp. Tâm tư của anh thể hiện qua thơ, những dòng thơ
dưới dạng phác thảo, những ý thơ vọt tự đáy lòng.
Ngày 21-12-1985, Hội Nhà văn tổ chức lễ tiễn đưa nhà thơ Xuân
Diệu về cõi vô cùng. Xúc động trước lời than của Hà Xuân Trường bên quan tài
Xuân Diệu: “…Mái tóc anh vốn ưa gội gió trời, vầng trán anh ưa va đập với bầu
trời của trăm quê vạn nẻo, sao bây giờ anh lại dừng bước? Một cây lớn nằm xuống,
cả khoảng trời trống vắng. Diệu ơi! Anh còn nghe không anh, anh có thấy không
anh?”, Chế Lan Viên cũng thốt lên nhưng chỉ mình nói với mình:
Diệu đi trước rồi chúng mình đi tiếp
Diệu nằm trong thơ chứ đâu ở quan tài
(CLV, 1985)
Nhà văn Vũ Thị Thường người bạn đời của Chế Lan Viên có dịp kể
lại qua một bức thư gửi kẻ viết bài này hai câu chuyện: “Chuyện thứ nhất: năm
1979, cậu ruột tôi mất, chúng tôi tới viếng. Khi nhà sư bắt đầu gõ mõ tụng
kinh, mọi người ngồi xuống kính cẩn chắp tay cúi đầu, tôi cũng định ngồi xuống
theo thì anh ấy níu tay tôi cản lại, chứng tôi cứ đứng như thế hơn nửa giờ mỏi
nhừ cả chân, sau này nhớ lại, tôi vẫn thấy mình lúc ấy đúng là "quá tả".
Mà anh ấy lại rất yêu quý cậu tôi chứ có không đâu! Chuyện thứ hai: vào những
năm cuối 1980, mỗi khi ra Hà Nội họp về, nhà tôi thường chán ngán kể những chuyện
mê tín cầu cúng lăng nhăng, mà những năm ấy thì đã thấm gì so với những chuyện
“nhân danh tâm linh buôn thần bán thánh” bây giờ!”.
Họ giết tôn giáo mà lại tạo ra thần linh
Hay giết thần linh và tạo ra tôn giáo
Lâu lâu lại đổi thần linh
Như người ta đổi tiền
Hay đổi nhân tình, cà vạt…
(CLV, 1988)
Đến những ngày cuối cùng chuẩn bị đi xa, anh tâm sự:
Tôi thu dọn người mình như người sắp về quê cũ
Chả cần gì thêm
Chừng này đã đủ
Chừng này thương, chừng này giận dữ
Chừng này hoa, chừng này bão tố
Đi bình yên…
Nam mô A-di-đà Thượng đế Amen!
(CLV, 1988)
Nhưng đấy là thơ, đâu có phải là văn xuôi triết luận!
Chế Lan Viên, anh là ai?
Là một nhà báo năng động, gắn bó gần cả đời cầm bút với cái
nghề “hèn mọn mà lại cao cả, cái nghề cũ và là nghề chính của tôi trong thời
kỳ chống Pháp” (CLV, 1988). Anh là người thầy dẫn dắt kẻ viết bài này bước vào
nghề báo, “cái nghề bạc bẽo mà chúng tôi rất trung thành”, lại là làm báo hằng
ngày, “vất vả như nuôi con mọn, nó khóc, nó quấy, nó đòi ăn”.
Anh dạy tôi, ít lâu sau khi hòa bình vừa lập lại trên một nửa
nước, cần say mê với nghề báo nhưng phải biết hài hòa tác động qua lại giữa báo
và văn; nên hăng hái đi thực tế tại các địa phương xa, chớ có tự nhốt mình
trong Hà Nội dù đất Hà thành có quyến rũ đến mấy.
Hồi ấy tôi đang thời “tím ngát tuổi hai mươi”, nuôi nhiều ảo
mộng văn chương lắm, đã có lúc nghĩ tới chuyện chia tay chàng báo về với nàng
văn, anh chia sẻ với bạn qua bức thư viết dưới dạng tâm tình với chính anh:
“... Hoan sợ nghề báo như nước lụt ngập hết cả công việc sáng tác, nhưng nếu
nó là một mức nước ngấm chân cây lúa, giữ ta trong những nhiệm vụ lớn, giúp ta
gần với phong trào, vui buồn đau khổ chung thì nó chẳng hại mà có ích cho nghề
văn...” (CLV, 1957).
Nhiều năm sau, trả lời thư bạn đọc báo Văn Nghệ, tác giả “Ánh
sáng và phù sa” qua bút hiệu Chàng Văn, khái quát: “Bài báo khác bài văn. Cách
làm việc của nhà báo cũng khác nhà văn. Nhưng nhà báo đồng thời có thể là nhà
văn, hơn thế, nhà văn nên làm cả một nhà báo” (CLV, 1962).
Bút tích nhà thơ Chế Lan Viên.
Về cuối đời, khi sức khoẻ giảm sút nhiều và ý thức rõ quỹ thời
gian của mình chẳng còn được bao nhiêu, Chế Lan Viên tranh thủ làm việc quá sức,
anh viết nhiều chính luận nghiên cứu sâu về Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Tố Hữu, Đoàn
Giỏi…, bận rộn với việc trả lời phỏng vấn của báo chí, nhưng vẫn không quên người
bạn và học trò từ bốn mươi năm trước.
Khi tôi chạm mốc “lên lão” tuổi sáu mươi và anh chỉ cũng còn
hai năm nữa thôi là “xưa nay hiếm”, anh đã tự mình lựa chọn, biên tập làm từ A
đến Z Tuyển tập “Người và Đất” (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1998), kỷ niệm 40 năm cầm
bút của Phan Quang. Viết xong mấy Lời mở sách, anh gửi cho tôi xem, kèm bức thư
riêng chỉ cho tôi thấy những non yếu của mình. Anh dẫn lời của Babel: “Tôi giết
tính từ như giết rệp!”.
Trời! Tôi đã sáu mươi tuổi, đi nhiều, đọc cũng khoẻ, tranh thủ
đọc mọi thứ, đọc bất cứ lúc nào, vậy mà chưa hề nghe tiếng Babel. Babel, ông là
ai? Thì ra đó là một cây bút từng nổi tiếng một thời tại Nga và Ukraine khi kẻ
này chưa chào đời, đến lúc tôi lớn lên thì do những xung đột nội bộ tại Liên
Xô, ông đã bị xử tử mất rồi! [2],
từ bấy trong văn học Xô viết chẳng mấy ai nhắc đến Babel, trừ một vài nước
phương Tây!
Chế Lan Viên từng khái quát mối quan hệ giữa báo và thơ: “Xưa
làm thơ, tôi hít hương trên ngọn cây, giờ làm báo tôi phải nếm cả rễ cây dưới đất.
Và chính nhờ cái nghề báo khô khan thời chống Pháp mà sang thời chống Mỹ tôi
làm thơ lại được, hơn thế, còn làm khá dạt dào”.
Chế Lan Viên, anh là ai?
Là một trong số các sứ giả văn hóa của nước Việt Nam đương đại
sau mấy cuộc chiến tranh, khi đối phương tìm đủ cách nói xấu chế độ, con người
và đời sống tinh thần ở nước ta. Chế Lan Viên nhiều lần được cử “đi sứ” tham dự
các hội nghị quốc tế quan trọng.
Sứ giả là người mang chuông đi đấm nước người, sứ giả cũng có
thể chỉ ngồi ở Việt Nam nhưng bạn bè quốc tế đến đây ai muốn hiểu sâu đất nước
này vẫn cố tìm gặp, dù chỉ để trò chuyện một vài tiếng đồng hồ. Xuân Thủy, Nguyễn
Khắc Viện, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoàng Tùng, Trần Bạch Đằng, Hữu Ngọc...,
còn những ai nữa, nhờ các bạn mách cho!
Một lần tôi nhận được bức thư ngắn, chữ viết vội nguệch ngoạc
của Chế báo tin anh sắp đi dự một Hội thảo quốc tế tại Ấn Độ, mà visa chưa làm,
diễn văn chưa viết, áo quần chưa mượn nhưng sẽ tạt qua nhà thăm tôi một lát.
Anh dặn chớ có báo với ai rằng anh đang có mặt tại Hà Nội để bạn bè khỏi trách
sao ông Chế chưa đến chơi với mình, đợi sau khi họp xong trở về sẽ gặp nhau tha
hồ trò chuyện. Sở dĩ anh ghé nhà thăm là để tặng tôi cuốn sách mới ra, và tranh
thủ “tìm hiểu một ít thông tin” về quan điểm chính thức của nước ta đối với một
số vấn đề thời sự nhạy cảm, để yên tâm hơn khi trò chuyện với bạn hữu bốn
phương trời - hồi ấy tôi làm việc trong lĩnh vực thông tin, đối ngoại.
Tại Lễ truy điệu anh tổ chức tại Hà Nội cùng lúc với Lễ tiễn
đưa anh về cõi vô cùng ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau điếu văn của nhà văn Nguyễn
Đình Thi, nhà thơ Tố Hữu đọc bài thơ ngắn anh vừa làm, nhà cách mạng lão thành
Nguyễn Minh Vỹ (Tôn thất Minh Vỹ) nói tiếp mấy lời vĩnh biệt.
Ông gọi Chế Lan Viên là “cậu Hoan”, học trò học thêm tiếng
Pháp với “thầy Vỹ” tại Quy Nhơn ngày nào, thời thầy vừa ra khỏi nhà tù tù và
trò đang học trung học. Thầy Vỹ cùng cậu Hoan và mấy nhà thơ nổi tiếng khác, tất
cả đều lớn tuổi hơn tác giả “Điêu tàn”, lập “Thái Dương văn đoàn”, xuất bản
giai phẩm.
Nguyễn Minh Vỹ kể: Trong một chuyến ông cùng Chế Lan Viên và
một số nhà trí thức tên tuổi nước ta ra nước ngoài, Đoàn do nhà văn hóa, Bộ trưởng
Hoàng Minh Giám làm Trưởng đoàn và thầy Vỹ, Phó Trướng ban Tuyên huấn Trung
ương làm Phó, nhưng khi gặp triết gia Jean Paul Sartre, ngôi sao sáng của nước
Pháp thế kỷ XX, mọi người cứ để mặc cho “cậu Hoan” một mình đối thoại với nhà
văn hóa nổi tiếng lừng lẫy khắp trời Tây.
Jean Paul Sartre từng nhiệt thành ủng hộ và đấu tranh vì cuộc
chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Một lần gặp đoàn đại biểu ta sang
thăm Pháp, ông ôm hôn các bạn Việt Nam hỏi: “Sao các anh không gọi tôi là đồng
chí?”.
Vậy mà sau Tháng 4 năm 1975, khi nước Việt Nam thống nhất phải
đối đầu muôn vàn khó khăn thời hậu chiến trong bối cảnh bị Mỹ phong tỏa ngặt
nghèo, bậc triết gia uyên bác chắc là chịu tác động của lối tuyên truyền chống
phá Việt Nam, dường như đâm ra hoài nghi con đường nước ta đi, đã thế còn bi
quan trước thế cuộc toàn cầu. Ông có một câu gây tranh cãi quốc tế: “Địa ngục
là những kẻ khác” (L’enfer, c’est les autres).
Trong bối cảnh đó Hội nghị quốc tế các nhà văn họp năm 1964 tại
thủ đô đất nước Hoa hồng Bungari trao đổi về chủ đề “Văn chương tuyệt vọng hay
hy vọng”, Chế Lan Viên thay mặt Đoàn Nhà văn ta có bài phát biểu tại phiên họp
kết thúc Hội nghị.
Bước lên diễn đàn anh vào đề luôn, không thưa gửi rào đón:
“Văn chương tuyệt vọng hay hy vọng?
Đặt ra một câu hỏi như thế để thảo luận, tức là chúng ta đã
nhìn thấy câu trả lời. Hàng triệu năm nay, nhân loại tồn tại được là nhờ hy vọng,
nhờ không tuyệt vọng. Thần thoại châu Âu kể chuyện con phượng hoàng bị đốt ra
tro, liền sống lại từ đống tro tàn ấy. Ở nước Việt Nam tôi, phép lạ không tiến
hành với con chim siêu thực mà với một con vật thật xoàng xỉnh là con gà (...)
Và anh đọc tiếp qua bản dịch tiếng Pháp toàn văn bài dân ca
quen thuộc của quê hương Quảng Trị, từ câu mở đầu da diết: “Tháng giêng, tháng
hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn/ Đi vay đi dạm” đến lời kết
thúc nhẹ tênh: “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
“Thưa các bạn, bài hát tôi nghe từ ngày còn nhỏ ấy, bài thơ
không tuyệt vọng mà hy vọng đến cùng ấy đã giúp chúng tôi rất nhiều trong những
lúc gặp khó khăn. Trong cuộc đời riêng của mỗi chúng ta, trong cuộc sống của
các dân tộc, trong cuộc sống của cả hành tinh này nữa, làm sao không có những
quả trứng mang số phận ấy? Những quả trứng này ung, chúng ta vứt bỏ. Những quả
khác luộc lên còn tốt, ta dùng...”.
Đến đây mới thấy cái tài làm sứ giả của Chế Lan Viên: “... Những
quả khác ấp lên nở. Nhưng không nở ra gà mà ra con phượng đấy. Lạ chưa! Đấy là
trường hợp của nước Bungari nơi chúng ta đang họp. Năm trăm năm bị ách Thổ Nhĩ
Kỳ, đất nước ấy lại hồi sinh. Đó là nước Campuchia láng giềng và anh em cùng
bán đảo với chúng tôi...
Địa ngục không phải là người khác,
Địa ngục chính là Bom”.
Chế Lan Viên, anh là ai?
Là một con người hết lòng vì bạn hữu, đặc biệt với lớp nhà
thơ trẻ hơn anh về tuổi đời. Anh có đủ tài thừa lực chia sẻ với bạn bè về kinh
nghiệm làm thơ, viết văn, làm báo xuất phát từ cái nền tri thức uyên thâm do
thường xuyên chịu khó lắng nghe, học hỏi, cập nhật những gì liên quan đến văn
hóa như đã nói ở trên, cộng với tài trình bày, biện luận cuốn hút ít ai sánh bằng,
tất cả bắt nguồn từ cái tâm trong sáng.
Bài thơ “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi” của
Chế gồm 14 khúc, mỗi khúc bốn câu, được anh trình bày trực tiếp qua làn sóng
Đài Tiếng nói Việt Nam với bạn nghe đài cả nước, bản thảo cuối cùng - chứ không
phải sơ thảo - 76 câu thơ ấy được tác giả chép đi sửa lại, móc lên ngoặc xuống
kín một tập giấy có kẻ hàng ngang vốn dành cho học sinh, dày đúng 80 trang!
Đầu năm 1967, trước khi lên đường vào chiến trường, hai nhà
thơ Bùi Minh Quốc và Trần Phương Trà đến thăm Chế Lan Viên. Anh dành cả buổi
sáng chuyện trò với hai bạn. Điều làm anh băn khoăn nhất lú này là tập thơ “Hoa
ngày thường, chim báo bão” đang in, chưa có sách để kịp tặng bạn trước khi các
bạn lên đường.
Nhà thơ Trần Phương Trà (Trần Nguyên Vấn) kể lại: Đến ngày
anh đã vác ba lô lên vai, sắp sửa khởi hành thì nhận được được tập thơ ấy cùng
nét bút của tác giả: “Thân tặng Trần Nguyên Vấn. Sách chưa kịp có bìa. Vấn
chịu khó tưởng tượng ra cái bìa vậy. Chúc Vấn lên đường an toàn, khoẻ mạnh, viết
nhiều...”. Thì ra Chế Lan Viên đã đến tận nhà in xin nhận trước mấy tập sách
chưa đóng bìa, mang lên Ủy ban Thống nhất Trung ương nói khó, nhờ chuyển đến
tay hai anh bạn trẻ cách sao cho kịp trước ngày hai bạn lên đường!
Chế Lan Viên, anh là ai?
Trong cuộc sống ngày thường, khi Chế Lan Viên còn tại thế, dường
như có những người không ưa anh lắm, theo tôi một phần do anh có “máu nghệ sĩ”,
thích ai thì thích hơi quá đi một chút, không ưa ai thì nặng lời quá một bậc, mỗi
lần tranh luận lời lẽ anh tuôn ra cứ sắc như dao chẳng chút nể vì ai, do đó dễ
làm phật lòng người đối thoại. Anh là người nhạy cảm, dễ xúc động trước những
chuyện đời thường, cáu giận đấy và ứa nước mắt ra đấy, về bản chất là một người
nhân hậu.
Thái độ của Chế Lan Viên đối với Phạm Duy là một thí dụ. Cuối
năm 1949, nhà thơ và nhạc sĩ từ vùng tự do Liên khu IV vào chiến trường Bình Trị
Thiên. Bốn mươi năm sau, tại một buổi chuyện trò thân mật nhân gặp lại nhiều bạn
cũ và bạn mới tại thành phố Huế, có mặt những người vốn “ở bên này” cùng một số
“ở phía kia”, Chế Lan Viên cảm thán:
“Vật đổi sao dời. Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Hàn
Mặc Tử) . Chẳng còn bụi trúc nào bên con đường Huế xưa! Dù bay đi bốn phương trời,
lá rụng về cội...
“Tất cả về cội, không mất mát gì ư? Có chứ. Một Phạm Duy!
Chúng ta tiếc lắm. Nhưng chúng ta làm sao được! Anh bỏ chúng ta chứ chúng ta
đâu có bỏ anh. Năm 1979, tôi (CLV) đang ở thủ đô Bruxelles nước Bỉ. Đêm ấy cách
chỗ tôi 800 mét, Đoàn (ca sĩ) của Duy biểu diễn và chửi chúng ta. Tôi chỉ biết
nhắn Duy (đôi câu)...
“Vâng, chỉ có trường hợp anh Phạm Duy là không cần cội vậy
thôi. Chứ hình như hầu hết lá rụng đều về cội cả, và mọc lên thành cội nữa.
Nhưng ngay đến anh Duy, chúng tôi vẫn cứ mong chờ. Một người có tài năng như
anh, không thể không về với cội!” (CLV, 1987).
Như chúng ta đều biết, cuối cùng nhạc sĩ Phạm Duy trở về với
cội, sống những ngày cuối đời ở cội, để vĩnh viễn đi xa từ cội.
Chế Lan Viên, anh là ai?
Là một người rất Việt Nam! Anh có đủ mọi đức tính và nhược điểm,
những thói quen và nếp sinh hoạt có cái chưa hay lắm của số đông người Việt
chúng ta, anh sống an nhiên trong thanh đạm, vì mình và vì người, kiên cường và
nhân hậu.
Thời kháng chiến chống Pháp, để qua mùa đông rét buốt bất thường
năm 1948 tại vùng núi tỉnh Thanh, ban ngày anh lấy mấy tờ báo nhét vào giữa chiếc
áo trấn thủ và áo sơ mi mặc trên người, ban đêm anh nghỉ trên cái giường tre có
lót một tệp báo dày dưới chiếc chiếu. Tôi ghé sang chơi, anh cười dí dỏm:
“Chúng ta làm báo, ngày đêm không rời tờ báo, ngày ôm xấp báo trong người, đêm
ngủ với báo trên giường”.
Sang thời chống Mỹ, cứu nước:
Ở đây ta xếp hàng
Người trước
Người sau
Chúng ta nối đuôi nhau
Mua thịt
Trời thủ đô rất biếc
Phi cơ ta đang đuổi giặc trên đầu
(CLV, 1984)
Đến khi đất nước liền một dải, mọi người dân phải gồng mình
lên vượt qua những khó khăn do chiến tranh để lại, gia đình anh sống thanh bạch.
Tôi đi công tác lên Tây Nguyên được bà con cho chai mật ong rừng mang về thành
phố biếu anh, Chế vui ra mặt, thế nhưng khi có người ngỏ ý muốn tặng một chỉ
vàng, anh kiên quyết khước từ…
Chế Lan Viên là một người như thế, một người Việt Nam rất người,
với nội hàm phong phú nhất.
Chú thích:
1. Chưa tính những bài đơn thuần chí nhưng xuất sắc, chưa được
đưa vào toàn tập này, Nxb. Văn học, 2002- 2009.
2. Tên gọi đầy đủ là Isaac Emmanuilovich Babel (1894-1940),
nhà báo, nhà viết kịch, dịch giả văn học, nhà sử học, người gốc Do Thái, viết
tiếng Nga.
Hà Nội, 2020
Phan Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét