Góp thêm sắc hương
Cây xanh lá tươi hoa là nhờ đất. Màu xanh của lá, sắc thắm của
hoa cũng góp phần làm cho đất mẹ thêm rực rỡ, lung linh muôn hồng ngàn tía và
ngào ngạt hương thơm.
Mảnh đất châu thổ sông Hồng, trong đó có Hưng Yên tuy hình
thành từ 6000 - 5000 năm về trước nhưng cách đây 3000 năm mới có người đến khai
phá, dựng làng lập ấp, làm cho đất đã mỡ màu lại màu mỡ thêm lên. Và cũng từ
đó, sắc màu và hương thơm của mảnh vườn văn học Hưng Yên mới thực sự phát lộ,
tỏa sáng. Mãi đến tháng 10 năm Tân Mão - 1831, mảnh đất quê nhà mới chính thức
được khai sinh.
Trong khu vườn ấy, ngay từ buổi khai mở, bộ phận văn học dân
gian luôn “xanh biếc” bờ giậu tầm xuân, nhẹ thoảng hương cau, hương trầu quấn
quýt đỏ thắm môi ai. Tất cả như một tấm thảm nhung làm nền cho những luống hoa
muôn sắc của văn học viết nở rộ. Thế kỷ trước nối tiếp thế kỷ sau, mùa nào thức
ấy, cánh đồng văn học dân tộc luôn có những cây bút sung sức của khu vườn văn
chương Hưng Yên góp thêm bao hoa thơm, trái ngọt. Xin nêu vài thí dụ về những
đoá hoa như thế. Đó là Thuật hoài độc nhất vô nhị của vị tướng tài Phạm Ngũ
Lão, người quen cầm gươm hơn cầm bút. Bài thơ đã góp phần lay thức, cổ vũ bao
thế hệ người Việt trong trường kỳ dựng nước và giữ nước bằng hình ảnh hoành tráng,
đậm màu sử thi, không là của riêng thời đại Đông A hào hùng mà là của chung dân
tộc. Những câu thơ “hào mại, phóng khoáng” (Phan Huy Chú) trong Giới Hiên thi tập
của Nguyễn Trung Ngạn không những làm rạng danh cho mảnh đất Thiên Thi (Ân Thi)
mà còn chứa bao lẽ xuất xử của nền văn học nho giáo: “Dâu già lá rụng tằm vừa
chín,/ Lúa sớm bông thơm cua béo ghê” (Quy hứng). Tiếng thơ chải chuốt, óng mượt
của nữ sĩ - dịch giả họ Đoàn, tác giả của Truyền kỳ tân phả như tiếng độc huyền
làm rung động lòng người muốn đòi quyền sống mà sau này Thơ Mới và văn chương Tự
lực văn đoàn tiếp nối đồng loạt, rầm rộ lên tiếng đòi cái tôi phải được giải
phóng. Trong vườn văn thời trung đại chỉ có hai, ba chủng loại hoa là cùng và
màu sắc của chúng na ná giống nhau. Thơ một bài của Phạm Ngũ Lão, thơ một tập của
Giới Hiên, văn thơ của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khắc Trạch, Chu Mạnh Trinh,... vẫn
là loại văn chương chở đạo, nói chí, khuôn bó theo kiểu hàn lâm cử tử, chưa thực
sự giải phóng cá tính sáng tạo của người cầm bút.
Phải chờ đến những năm đầu thế kỷ XX, nhất là từ năm 1932 trở
đi, cánh đồng văn học Việt Nam, trong đó có mảnh vườn văn thơ Hưng Yên mới thực
sự khởi sắc. Tính từ năm 1923 - cái mốc thời gian cuốn tiểu thuyết Tố Tâm của
Song An Hoàng Ngọc Phách ra mắt bạn đọc, sau đó 9 năm - năm 1932, trên tờ Phụ nữ
tân văn số 122 (ngày 10/3/1932), Phan Khôi giới thiệu bài thơ Tình già dọn đường
cho cuộc tranh luận Thơ Mới - thơ cũ đến nay nền văn học hiện đại của nước nhà
vừa tròn 85 năm tuổi. Nhất là sau một loạt những bài thơ thành công của Lưu Trọng
Lư, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... được giới thiệu trên sách báo thì nền văn học
hiện đại đã thực sự cuốn hút bạn đọc. Mảnh vườn văn học Hưng Yên cũng phát lộc
qua 85 mùa xuân nhưng cây trong vườn không già cỗi, trái lại rất trẻ trung, đa
dạng về chủng loại, phong phú về sắc màu và xanh tươi mơn mởn làm sum suê thêm
sắc thái sáng tạo cá nhân của nền văn học hiện đại.
Giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng Tháng Tám
1945, những người con Hưng Yên góp màu xanh cho cánh đồng văn học nước nhà là
những ai? Văn thơ có Huy Thông (1916-1988), Tương Phố (1896-1973), Trần Huyền
Trân (1913-1989), Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Vũ Trọng Phụng (1912-1939), kịch
bản sân khấu có Nguyễn Đình Nghị (1883-1954), trên địa hạt nghiên cứu có Dương
Quảng Hàm (1898-1946), Dương Bá Trạc (1884-1944), Dương Tụ Quán (1901-1969)...
Huy Thông, một chàng trai trẻ đem nỗi buồn thương nhớ của
mình phả vào Yêu đương (1933), Anh Nga (1934), Tần Ngọc (1937). Có lúc, nhà thơ
lại cất lên những lời tráng ca như trong Tiếng địch sông Ô (1935) mà Hoài Thanh
cho là “Chưa bao giờ thơ ca Việt Nam có những lời hùng tráng như thế trong tác
phẩm”(Thi nhân Việt Nam). Tương Phố-Đỗ Thị Đàm lại cống hiến Giọt lệ thu của
chính mình cho nền quốc văn mới bằng lối viết văn xuôi giầu chất thơ, đọc lên
như hát, hát bằng nỗi sầu bi, ảo não chắt ra từ gan ruột người vợ khóc chồng.
Trần Huyền Trân, “một người đi đổi gió” lại say tìm thi hứng trong cảnh đồng
quê, trong những mảnh đời buồn bã và trong tình mẫu tử để góp thêm tiếng nói của
riêng mình cho phong trào Thơ Mới. Ba gương mặt, ba phong cách sáng tạo đã làm
cho bộ phận văn chương lãng mạn đầu thế kỷ XX thêm đa dạng.
Văn chương hiện thực, nhất là hiện thực phê phán ở Hưng Yên
đã góp gió bằng hai cây đại thụ là Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng. Nguyễn
Công Hoan là người thành công trong việc xây dựng và phát triển thể tài truyện
ngắn hiện đại, nhất là truyện ngắn trào phúng ở nước ta. Ông cũng là người góp
phần dọn dẹp những câu văn biền ngẫu, dài dòng, luộm thuộm, ước lệ, sáo rỗng xuất
hiện nhan nhản trên sách báo đương thời, thay vào đó một thứ ngôn ngữ đời sống
của người bình dân trong sáng, giản dị, mới mẻ và phong phú. Và chính Nguyễn
Công Hoan, ngay từ khi cầm bút, nhất là sự thành công của các tác phẩm Kép Tư Bền
và Bước đường cùng đã cho người đọc biết thêm về lối văn tả chân và nhận thức
được chủ nghĩa hiện thực là con đường sáng tạo văn chương chủ đạo của ông. Cũng
theo con đường của chủ nghĩa hiện thực, với điểm nhìn (point of view) cuộc đời
là những thứ “vô nghĩa lí”,”ông vua phóng sự Bắc Kỳ” đã đẩy thủ pháp giễu nhại
trong tác phẩm của mình như một đặc điểm nổi bật, độc đáo trong thi pháp của tiểu
thuyết Vũ Trọng Phụng mà đỉnh cao là Số đỏ.
Trước đây, giới nghiên cứu văn học đánh giá trên dòng sông
văn chương hiện thực phê phán Việt Nam có bốn con thuyền lớn (Ngô Tất Tố, Nguyến
Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao) thì Hưng Yên có hai, đó là Nguyễn Công
Hoan và Vũ Trọng Phụng. Sau này, bình tĩnh và định giá lại văn nghiệp của những
nhà văn tiêu biểu theo xu hướng này có hai người nổi trội (Vũ Trọng Phụng và
Nam Cao) thì Hưng Yên có một là Vũ Trọng Phụng. Đó là chưa kể đến những sáng
tác ban đầu của Học Phi như Xung đột (1939), Đắm tàu (1940), Dòng dõi (tiểu
thuyết, 1941).
Về kịch bản sân khấu, Nguyễn Đình Nghị là người thành
công trong việc đưa chèo sân đình - một loại hình nghệ thuật tổng hợp gồm thơ
ca, nhạc, múa và trò diễn - ra thành phố và cải biên thành chèo cải lương, mở
hướng đi về sau cho chèo hiện đại. Hơn 60 kịch bản chèo của ông được dàn dựng
đã làm sống lại nghệ thuật chèo nước nhà trước cơn lốc xâm lấn của các ngành
nghệ thuật khác và nhất là trước sự tàn phá của nền kinh tế thị trường thời thực
dân thuộc địa nhằm vực dậy nghệ thuật chèo để nó sống mãi cùng dân tộc trong đại
gia đình văn học - nghệ thuật Việt Nam.
Lý luận, phê bình và nghiên cứu văn học là lĩnh vực còn khá mới
mẻ đối với người đọc Việt Nam. Viết sách nghiên cứu, khảo cứu văn học thì có
nhiều như Hán tự văn học khảo (1924) của Đỗ Hữu Dương, Việt Nam văn
học cổ sử của Nguyễn Đổng Chi (1929), Việt Nam văn học sử trích yếu của Nghiêm
Toản, Việt Nam văn học toàn thư của Hoàng Trọng Miên,...nhưng trên lĩnh vực
sách giáo khoa thì Dương Quảng Hàm là người thành công hơn cả. Trong các công
trình của ông như Quốc văn trích diễm (1927), Leccons d’histore d’An Nam (1927),
Việt văn giáo khoa thư (1940), Việt Nam văn học sử yếu (1941) (2) Việt Nam thi
văn hợp tuyển (1942)... thì Việt Nam văn học sử yếu là bộ sách văn học sử đầu
tiên bằng quốc văn có giá trị nhiều mặt, nhất là việc ông đưa ra một định hướng
đúng trong nghiên cứu và xây dựng phác đồ lịch sử 4000 năm văn học dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám thành công làm sụp đổ thiết chế chính trị
của chủ nghĩa thực dân - phong kiến ở nước ta, đồng thời mở ra một thời kỳ mới
cho văn học nước nhà. Văn học trước đây được xem là thứ hàng xa xỉ, mua vui thì
nay nó được coi là vũ khí cách mạng góp phần phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến
quốc, xây đời sống mới và giải phóng con người. Với phong trào văn nghệ sĩ đi
thực tế công nông binh, nhiều nhà văn, nhà thơ về các địa phương và tham gia
quân đội. Nhà văn Nguyễn Công Hoan đầu quân đi kháng chiến. Lớp thanh niên học
sinh như Xuân Thiêm, Đào Vũ... vừa được tham gia hoạt động cách mạng, được cầm
súng đánh giặc vừa được nghề văn. Hoà bình lập lại, miền Bắc thực hiện kết hoạch
3 năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, sau đó là kế hoạch 5
năm lần thứ nhất xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, rồi cả nước tiến
hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc. Tất cả
những sự kiện đó của đất nước là đề tài lớn cho người cầm bút, trong đó có những
nhà văn Hưng Yên. Nguyễn Công Hoan viết Nông dân với địa chủ (1955), Tranh tối
tranh sáng (1956), Hỗn canh hỗn cư (1961), Đống rác cũ (1963). Học Phi, Đào Vũ,
Lê Lựu, Lê Bầu,...có những truyện ngắn đăng trên Văn nghệ và Văn nghệ quân đội.
Hà Minh Tuân sau Trong lòng Hà Nội (1957) và Hai trận tuyến (1960) cho ra mắt
tiểu thuyết Vào đời (1963) làm chấn động dư luận. Những tác phẩm của những cây
bút Hưng Yên trong những năm từ 1954 - 1975 tuy chưa gây được ấn tượng mạnh
trong lòng độc giả nhưng cũng làm cho vườn văn chương ngày ấy thêm phong phú.
Văn xuôi hiện thực XHCN nước nhà trước 1975 đã phần nào phản
ánh được những mảng hiện thực đời sống quan trọng của đất nước. Đến nay, một số
tác phẩm ở trong tình trạng bị lãng quên. Như một số nhà văn khác, ngoài việc
nhận thức mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, Đào Vũ đã
nhận ra mâu thuẫn mới xuất hiện trong nội bộ nhân dân trên con đường “hợp tác
hoá”. Từ điểm nhìn ấy, ông đã thành công ở bộ tiểu thuyết hai tập Cái sân gạch
viết về nông thôn miền Bắc thời kỳ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp những năm 60
thế kỷ trước. Tuy Cái sân gạch (tập 1 - 1959) và Vụ lúa chiêm (tập 2 - 1960)
không hoàn toàn đồng nhất với đạo đức học hay chính trị học nhưng nhiều năm,
tác phẩm này đã có mặt trong sách giáo khoa. Những hình tượng của nó như lão
Am, cô Chấm, anh Trà... còn in đậm trong ký ức nhiều thế hệ học sinh các nhà
trường. Đó là chưa kể tới những tiểu thuyết Con đường mòn ấy (1971), tiểu thuyết
bộ ba: Lưu lạc, Dải lụa, Hoa lửa (1973) sau này của ông. Nguyễn Thị Như Trang,
sau khi công bố hai tập truyện ngắn Màu tím hoa mua (1969), Ở thành phố bờ biển
(1972) lại liên tiếp in các tập Hoa cỏ đắng (1976), Cây thông non (1979), Đứa
con bị ruồng bỏ (1995), Chuyện thời con gái (1999), Biệt thự có giàn hoa tím
(2001)... như một cây bút sung sức không ngừng không nghỉ. Dương Thị Xuân Quý
tình nguyện đi chiến trường khu V sống và viết, chiến đấu và hi sinh như một
người chiến sĩ. Trước khi ngã xuống, chị kịp để lại cho nền văn chương “thôi lỗ”
của dân tộc hai tác phẩm Chỗ đứng (1968) và Hoa rừng (1970).
Những năm sau giải phóng miền Nam, Đỗ Hữu Tấn lại phát hiện
ra mâu thuẫn mới ở nông thôn Hưng Yên. Không phải là mâu thuẫn giữa tiên tiến -
lạc hậu, giữa làm ăn lớn với làm ăn nhỏ lẻ mà là mâu thuẫn về đất đai ở thời kỳ
giải phóng sức lao động chuẩn bị cho đổi mới và hội nhập. Tác phẩm Cuộc chiến
vùng ao của ông miêu tả cuộc chiến giữa những người cùng hệ huyết văn hoá ở một
làng quê Hưng Yên như bao làng quê khác vùng đồng bằng Bắc Bộ. Họ vừa buông
súng đánh giặc về làng lại cầm gạch, cầm gậy để tiến hành một cuộc chiến tranh
giành đất. Mâu thuẫn này bắt nguồn từ cung cách làm ăn không minh bạch của những
cán bộ quan liêu thời bao cấp đang cầm cân nảy mực ở nông thôn.
Từ đề tài giao thông mở đường cho xe ta ra tiền tuyến
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thể hiện qua hai cuốn tiểu thuyết Mặt đường
phía Tây (1977) và Hoa lục bình (1989) trong một số truyện ngắn gần đây và nhất
là tiểu thuyết Chuyện của làng, Lí Kim Lân lại chuyển hướng đề tài. Anh trăn trở
về số phận con người ở nông thôn trong và sau hai lần kháng chiến, về nhân tình
thế thái trước cơn lốc kinh tế thị trường. Truyện ngắn Tình chó của anh bắt người
đọc phải suy nghĩ và tỏ thái độ sống khi Lý Kim Lân đặt lên bàn cân so sánh
tình chó với tình người. Một nhân vật trong truyện ngắn khác của anh, truyện Ước
mơ cuối đời, lại có ước nguyện nhỏ nhoi, đơn giản là xin con cái cho mình ba
thước đất để có nấm mồ như bao người đi trước. Ước nguyện đó là hiện thực hay
là một cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức cần được quan tâm.
Các nhà văn như Lê Bầu, Lê Lựu, Nguyễn Phúc Lai, Đặng Văn
Nhưng, Nguyễn Gia Nùng, Đàm Quang May, Nguyễn Mạnh Hoàn, Nguyễn Cao, Quý Nghi,
Đặng Vương Hưng, Việt Tâm, Hoàng Thế Sinh, Đỗ Thị Ánh Tuyết, Phạm Đình Trọng,
Lê Hường, Lương Minh Hinh...là những cây bút vượt trội về vốn sống, về sự khéo
léo trong giọng điệu trần thuật nhưng nhìn chung vẫn nằm trong khuôn mẫu của hệ
thống thi pháp truyện ngắn truyền thống. Các cây bút trên đều cố gắng thể hiện
tính toàn năng, toàn trí trong hệ đề tài và tư tưởng chủ đề, cố gắng phản ánh
cuộc đời, số phận nhân vật sao cho đạt độ điển hình của chủ nghĩa hiện thực và
chủ nghĩa hiện thực XHCN.
Sau năm 1975, trước nguy cơ văn học lạc hậu, xa lạ với cuộc sống,
nhu cầu đổi mới cách nghĩ, cách viết của các nhà văn càng trở nên cấp thiết,
trong đó có các cây bút người Hưng Yên. Lê Lựu trưởng thành từ trong quân ngũ,
viết nhiều về người lính nhưng anh lại luôn suy nghĩ, tìm tòi một thế giới nghệ
thuật cho riêng mình, không phải từ đề tài quen thuộc, từ nhãn quan chính trị
mà từ góc độ văn hoá. Thời xa vắng là cuốn tiểu thuyết mà trong đó Lê Lựu đặt vấn
đề cho mỗi chúng ta hãy nhận chân giá trị về cái đúng - sai, cái thiện - ác, về
nhân cách tự do của mỗi cá thể trong tương quan giữa cá nhân với cộng đồng.
Hình tượng Giang Minh Sài bị khuôn thước giáo điều của chủ nghĩa tập thể đè bẹp,
khiến anh ta phải chịu bi kịch khá nặng nề là một thành công cho sự nhận thức mới
mẻ ấy.
Chu Lai từng cầm súng chiến đấu ở chiến trường ác liệt - mặt
trận vành đai ngoại vi thành phố Sài Gòn trong những năm đánh Mĩ, thế nhưng bây
giờ, trong Ăn mày dĩ vãng, anh mới có dịp nhìn lại chiến tranh. Cảm nhận chiến
tranh của Chu Lai là cảm nhận về sự khổ đau, sự hi sinh mất mát của con người
do chiến tranh mang đến, là cảm nhận về bi kịch số phận cá nhân đã từng tham
gia chiến tranh chống Mỹ. Chu Lai vẫn thầm cảm ơn Quân đội đã rèn luyện mình
khi anh viết Con tôi đi lính. Phùng Văn Khai một cây bút truyện ngắn trẻ, đang
sung sức và được đào tạo cơ bản lại tập trung thể hiện về số phận con người của
một thời lầm lẫn. Đó là người lính trong và sau chiến tranh - những người đi
qua trận mạc, để lại tuổi trẻ và tình yêu thiết tha, say đắm ngoài chiến trường
(Cúc tần sông). Khi về làng, họ bị những thói đời đen bạc xô đẩy, sống như những
cái bóng vật vờ trong nghèo túng (Người đàn ông có bàn tay cụt ngón). Truyện của
Phùng Văn Khai thường đảo lộn không gian, bắt người đọc liên tưởng đa chiều,
liên tưởng đến mức sao nhãng chi tiết nhằm mục đích để người đọc cùng sáng tạo
với tác giả.
Khác với những lát cắt cuộc đời còn đang rỉ máu trong
truyện của Phùng Văn Khai, Huệ Minh cho người đọc thấy được sự hoàn hảo, nhân bản
trong những mảnh vỡ cuộc đời khi chị viết về đề tài tình yêu. Tình yêu (hay chất
libido), dưới ngòi bút của chị không hoàn toàn là nhục cảm, trái lại là sự
thăng hoa của tâm hồn người. Tình yêu có khi chỉ là sự “thích ứng và dung hoà”
(Và mùa đông đã qua), là “những mảnh vỡ hoàn hảo”, là sắc màu - “một màu trống
vắng”, “một màu trắng”- một khoảng trống vô tận (Màu của thời gian) trước mắt mỗi
người. Mặc dù tình yêu bị tan vỡ đấy nhưng dư vị của nó vẫn đủ sức mạnh lay thức
lương tâm, cảm hoá con người. Huệ Minh có một ngòi bút biến hoá khi viết về đề
tài tình yêu. Đàm Huy Đông tỏ rõ biệt tài và bản lĩnh khi khám phá và miêu tả
những nhân vật lứa tuổi hoa học trò: tinh nghịch, thông minh, hồn nhiên và đã
biết “bồn chồn” khi nhận được thư bạn gái (Thời hoa đỏ). Nguyễn Mạnh Hoàn thấy
truyện ngắn quá chật chội nên chuyển sang ngôi nhà tiểu thuyết Người tốt! Ai cần!
sáng sủa hơn và cũng dễ vẫy vùng hơn. Những bông hoa đổi mới văn xuôi của các
cây bút Hưng Yên chưa nhiều, chưa quyết liệt chứ không phải hoàn toàn không có.
Ký văn học Hưng Yên không đến nỗi nghèo nàn, mỗi người một vẻ,
đa dạng như chính sự đa dạng của cuộc sống. Nếu tập hợp lại những bút ký văn học
của Học Phi, Xuân Thiêm, Hữu Ước, Nguyễn Phúc Lai, Trần Phức, Phạm Minh Hoàng
(bút danh A Ma Minh), Lưu Tuấn Kiệt, Nguyễn Quang Hiệp, Đào Quang Lâm (bút danh
Phú Quang),...sẽ được một tuyển tập ký đồ sộ. Hồi ký của nhà văn Học Phi và nhà
thơ Xuân Thiêm, với tư cách chứng nhân lịch sử cho người đọc thấy được không
khí “xông lên phá trời” của nhân dân Hưng Yên trong cao trào tổng khởi nghĩa
Tháng Tám 1945. Hữu Ước có điều kiện thuận lợi riêng nên ký của anh bao quát đời
sống khá rộng, suốt chiều dài đất Việt, sang cả bầu trời Âu Mỹ.
Vì thế, những chi tiết, sự kiện trong bút ký của Hữu Ước luôn được
toả sáng bởi những nhận xét tinh tế, sâu sắc, có tính thời đại và hiện đại. Nhà
văn Nguyễn Phúc Lai bám sát người và việc trên địa bàn Hải Hưng và Hưng Yên nên
dấu ấn địa phương trong ký của anh khá rõ. Ngòi bút viết ký Phúc Lai phóng
khoáng, lưu loát, pha giọng văn truyện ngắn nên giầu tính trữ tình. Ngòi bút ấy
đã đi và viết là phải tìm đến ngọn nguồn lạch sông (Trước mộ cụ Nguyễn Phi
Khanh, Tiết thanh minh đi tìm mộ cụ Tán Thuật). Mảng ký về đề tài nhà trường nhằm
tôn vinh những điển hình cá nhân, đơn vị tiên tiến, những con người tất cả vì học
sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người, không cây bút nào vượt qua Trường ít
người biết (2003) của Trần Phức. Nguyễn Quang Hiệp mới vào nghề viết, đã trụ vững
và thành công ở thể ký. Văn bút ký Nguyễn Quang Hiệp cụ thể, gân guốc, sắc nhọn
và dũng cảm, nhất là những bài ký phê phán hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống
hiện nay. Vì thế, có người đọc ký của anh thấy trong đó có cái gì gờn gợn, e ngại,
có người lại thấy anh như là hiệp sĩ của chính mình. Hoạ sĩ Phạm Minh Hoàng
không có ý định đến với nghệ thuật bằng thể tài bút ký và truyện ngắn. Với bút
danh A Ma Minh, anh viết ký trong tâm thức thấy lạ mà viết (Thịt chuột ký sự,
Chuyện thường ngày), thấy thương mà cầm bút (Mưa đá băng giá nhà nông) nên Phạm
Minh Hoàng thường thể hiện ý tưởng chủ đề trên mỗi trang viết. Hơn nữa, trong
bút ký, phóng sự của anh, vốn từ ngữ dân dã, mà các nhà văn thường gọi là ngôn
ngữ đời sống khá dồi dào. Đọc A Ma Minh, ta thấy sinh động hẳn lên.
Thơ Hưng Yên trong 85 năm qua tuy đã được đổi mới một lần
trong những năm 30, 40 của thế kỷ trước, nhưng với hôm nay vẫn là mảng thơ hiền
lành, chậm cải tiến. Trước đây, các nhà thơ Hưng Yên thường viết theo xu hướng
lấy cái tôi trữ tình công dân làm chủ đạo, giai đoạn gần đây chuyển sang trữ
tình đời tư, nhưng không phải là cái tôi của thời Thơ Mới. Nhà thơ Xuân Thiêm đến
với thơ như một cái duyên không hẹn trước. Ông làm thủ bút báo Bãi Sậy, vào bộ
đội chiến đấu và làm báo ở Đại đoàn Đồng Bằng rồi làm thơ. Ông luôn dành tình
thơ chân thành, giản dị, đằm thắm cho cuộc đời, cho người hậu phương, cho người
thân, cho đồng chí, đồng đội thân yêu:
Đồng đội đầu xuân tìm gặp mặt,
Nhớ thương mừng tủi nói sao cùng,
Mỗi năm lại vắng thêm vài đứa,
Chẳng đủ đội hình để hát chung”.
Thế nhưng, trong trường ca Xuôi dòng Nậm Na, nhà thơ lại sử dụng
những lời thơ đậm chất sử thi để viết về gương hy sinh anh dũng của người chiến
sĩ. Vì thế, có người nhận xét: “Xuân Thiêm là người đã dùng thơ dựng bia đồng đội”.
Người thơ đất Việt Hòa, Khoái Châu - nhà thơ Vân Long, đã có
58 năm cầm bút làm thơ. Là nhà thơ xuất hiện và trưởng thành sau những năm
kháng chiến chống Pháp, kể từ tập thơ đầu tay, tập Tia nắng (1962) đến nay, Vân
Long đã giới thiệu với bạn đọc tròn 10 tập thơ. Ban đầu Vân Long gắn bó sớm với
âm nhạc, giữa đường lại kết duyên với thơ. Ông cảm nhận thế giới, cuộc đời bằng
cảm nhận tinh tế của người thẩm nhạc, thưởng hoạ, bằng nhịp điệu cung đàn trái
tim để sáng tác. Đây là cảm nhận về mùa thu của Vân Long: “Mùa thu, thu đến từng
hơi thở/ Thu đến từng thi tứ chín cây” (Thu cảm), “Nắng như sánh hơn/ Lá cây
trong hơn” và “Mùa thu vầng trán trầm tư” (Vào thu). Vì say đắm, tinh tế như thế
nên thơ Vân Long luôn có những nốt nhạc thần diệu - những nhãn tự - góp phần
làm lung linh hình ảnh thơ. Bài thơ nhờ nó thêm dư ba trong lòng người đọc.
Dọc đê sông Hồng lên tổng Mễ, quê hương của nhà thơ
Nguyễn Thị Hồng Ngát, người tự nhận mình là “con bé dở hơi/ Mẹ sinh tôi chẳng
chọn nơi chọn thời”. Chị đi làm diễn viên, rồi làm nhà biên kịch nhưng kết
duyên với thơ. Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát trong trẻo, “êm đềm như những buổi chiều
dắt bò lên đê”, tươi mát như đứng trước màu “xanh mỡ màng ngút mắt những triền
ngô/ Bông hoa dại nở vàng trên lối vắng/ Tiếng diều sáo vi vu trên miền quê
tĩnh lặng/ Hoa táo thơm ngào ngạt khắp vùng” (Tâm sự một dòng sông). Chị làm
thơ về làng quê nơi mình sinh ra (Mễ Sở, Văn Giang), về quê chồng (Nghi Trung,
Nghi Lộc, Nghệ An), về Hà Nội vào thu, về tuyết, về dòng sông... và về biển (Biển,
Biển đêm, Biển lặng...). Có phải hình tượng biển trong thơ chị biến hoá là hình
ảnh cuộc đời, là cuộc sống, là tình yêu và hạnh phúc? Với chị, “Biển yêu đời
điên cuồng rộng lượng/ Muốn xô bờ nhưng lại sợ bờ đau”(Biển). Khi “ngỡ ngàng bỗng
gặp/ Một vùng biển lặng đến nôn nao” thì Nguyễn Thị Hồng Ngát nhận ra hạnh phúc
là sự êm đềm, trong mát:
Biển thì xanh, bờ cát thì dài,
Gió lay gọi - hàng dương vi vút hát...
Vẳng đâu đây chuông nhà thờ dìu dặt
Em muốn thành muối mặn để hòa tan.
(Biển
lặng)
Khác với Nguyễn Thị Hồng Ngát, thơ Đoàn Thị Lam Luyến giầu nữ
tính, nhẹ nhàng, tình cảm, tràn đầy yêu thương. Thơ chị là cả sự đón đợi hạnh
phúc “Khi em chờ mỏi mắt rồi/ Anh còn ở mãi phương trời nào đây” (Nhớ Hồ Xuân
Hương). Chị khát khao muốn “Gửi tình yêu vào đất/ Được hoa trái đầy cành/ Gửi
lên trời cao rộng/ Sẽ được ngọn gió xanh” (Gửi tình yêu). Tuy giọng thơ đa cảm
đa đoan nhưng thơ chị không thiếu vắng những câu thơ tràn đầy sức sống lạc
quan, yêu đời và nhất là những câu thơ tình mẹ. Chị làm thơ dặn con gái:
Nhà nghèo xin giữ nếp nghèo,
Cành cao xin chớ có trèo, sẩy chân (...)
Người hay cử chỉ ân cần,
Ngọt ngon đầu lưỡi kẻo dân lọc lừa.
Cuộc đời mẹ lắm bàn thua
Chỉ mong con có nước cờ chắc tay.
(Dặn
con gái)
Thiên chức của người đàn bà, của người làm vợ, làm mẹ thật lạ.
Khát khao cháy bỏng đấy mà vẫn chu toàn trong đam mê, cẩn trọng trong cuộc sống.
Thơ Nguyễn Thị Hương cũng vậy, đằm thắm, dịu ngọt và đam mê:
Sông hiền như em vậy
lặng yên trôi bên trời
dẫu trải ngàn mưa nắng
ru lời yêu trên môi.
(Sông)
Chị vui với niềm vui của con khi đưa con đến trường: “Vậy thì
con hãy đeo chiếc cặp này lên vai/ chỉ hơi sờn tí thôi chiếc cặp chứa đựng tiếng
ve mùa hè năm ngoái/ một chú dế/ mấy cọng cỏ gà/ quả chuối con tô vàng ươm/ nỗi
sợ hãi bài toán điểm kém ...”. Và cũng đầy trách nhiệm của người mẹ khi chị thủ
thỉ dạy con hãy biết san sẻ cho các bạn bị mất nhà cửa trong cơn bão Chan Chu:
Con hãy “để chiếc cặp mới của con đến với bạn nhỏ miền Trung sau cơn bão Chan
Chu” (Đưa con đến tựu trường).
Hơn bốn mươi nhà thơ sinh ra từ Xứ Nhãn, tình thơ mỗi người một
vẻ, cách thức làm thơ thể hiện trên vần điệu, câu chữ, hình tượng lại không giống
nhau. Cùng làm thơ lục bát nhưng Đàm Đức Lợi khác Hoàng Ngọc Lập, Hoàng Ngọc Lập
khác Nguyễn Trọng Hoàn và Nguyễn Kim Bang. Thơ lục bát của hầu hết các nhà thơ
đều khác với ca dao của Đồng Bằng. Hoàng Ngọc Lập qua thơ lục bát để tìm hồn
quê trong bóng quê, nghĩa là anh nhận diện văn hoá truyền thống qua những dấu
xưa, cách nói xưa “nhặt lên giọt nắng, giọt mưa cuối đời” (Hồn làng). Đàm Đức Lợi
có cái si mê riêng của người thơ trong ca dao truyền thống, nâng ca dao thành
thơ lục bát hiện đại. Nguyễn Kim Bang lại đam mê đi tìm “cái vụng về, chân quê”
để thơ lục bát của mình có một hơi thở riêng. Nguyễn Trọng Hoàn chọn khoảnh khắc
của tình thơ “Một mình/ Với những hẹn hò năm xưa” (Hoàng hôn vô cớ) để đào sâu
cõi vô thức, gom nhặt những biến thái tình cảm chuyển bài thơ từ truyền thống
sang hiện đại.
Dù cho mỗi người mỗi vẻ nhưng thơ Hưng Yên vẫn có thể xếp
thành ba nhóm: nhóm thơ có giọng điệu sang sảng của người thuyết giáo, ngợi ca:
“Cờ đỏ vẫy gọi tôi vào khát vọng/ Đặt lên đôi vai bổn phận làm người” (Bài thơ
ba mươi năm); Nhóm thơ đi sâu vào cái tôi trữ tình cá nhân nhưng khác cái tôi
thời kỳ Thơ Mới, bộc bạch thái độ, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc sống thời
công nghiệp hoá, trong đó có niềm vui, nỗi buồn, nhất là nỗi buồn sau chiến
tranh, nỗi buồn thực tại, buồn về nhân sinh, về những ảo tưởng không thành, về
sự cô đơn trong cảm quan thời đại và nhu cầu đổi mới nghệ thuật thơ; Và cuối
cùng là nhóm thơ muốn thoát ly khỏi những cái gì già cỗi, cũ kỹ, sáo mòn trong
thơ nhưng đang trên đường thể nghiệm.
Mảng thơ từ trữ tình công dân sang trữ tình đời tư cũng vô
cùng đa dạng. Các nhà thơ: Nguyễn Trác, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Khắc Hào, Lý Thị
Trung, Ngô Hoàng Anh, Hoàng Thế Dân, Phạm Dụng, Nguyễn Thành, Ngọc Mài, Phan
Chu Bình, Lương Sơn, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Thành Tuấn, Lưu Tuấn Kiệt, Nguyễn
Trường Sinh, Đào Quang Điền, Vũ Ân Thi, Phạm Ngọc Động, Khương Thị Mến, Vũ Lập,
Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Hoàng Việt Cường, Mai Xuân Sổ, Đỗ Tề Tặng... mỗi người
có một duyên thơ riêng. Hình tượng trong thơ Ngô Hoàng Anh là những hình ảnh
thân thuộc như đầm sen, đường làng, ruộng lúa, làng chim... nên giọng thơ anh đằm
thắm, ngọt ngào. Hoàng Thế Dân say đắm nhưng vẫn tỉnh táo mỗi khi anh xúc cảm
tìm về cội nguồn. Nguyễn Thành có những bài thơ thành công về cảnh làng lên phố.
Anh bâng khuâng, luyến tiếc khi “người quê ra tỉnh” “hoá dân kẻ chợ còn đâu nét
làng” (Ngồi buồn giữa chợ) nhưng khi chuyển giọng sang thơ triết luận thì không
mấy thành công. Lương Sơn cho thơ mình tìm về ngày xưa để nối dài cảm xúc mà khẳng
định một nét nào đó của văn hoá thuần Việt. Ngọc Mài cặm cụi ghi lại biên niên
sử làng trong cảm xúc của một hồn thơ cường tráng. Thơ Phạm Dụng mượn Lời quê
hương mộc mạc, chân thành đến không ngờ để bộc bạch tâm tình với những gì thuộc
không gian xưa, phố xưa, trường xưa, lối quê xưa để buông những tình thơ bồi hồi
“ngẩn ngơ áo tím”, những câu thơ “xao xuyến phút giây ngập ngừng ước hẹn” một
cách trẻ trung, say đắm mà chừng mực tươi xanh. Cùng viết về làng quê, Đỗ Tề Tặng
có Hương cỏ mật, Mai Xuân Sổ có Mùa mong, Nguyễn Cao có Dáng quê như sự tỏ bày
tình cảm của mình với làng quê yêu dấu. Đọc Làng Cao (2005) của Nguyễn Văn
Thích cứ thấy bàng bạc, bứt rứt sự giằng xé nội tâm: “Nửa tim nguội lạnh đâu rồi/
Nửa còn phơi giữa nắng trời ban mai” (Nửa) để tự khẳng định mình “Muốn được làm
con sóng/ Tìm lại điều đánh rơi” (Tìm lại điều đánh rơi). Vân vân và vân vân.
Mảng thơ viết cho thiếu nhi có ba cây bút tiêu biểu là Lê Hồng
Thiện, Nguyễn Khắc Hào và Nguyễn Tiến Bình. Lê Hồng Thiện được ví như Phạm Hổ của
Hưng Yên vì anh có tới 10 tập thơ làm quà tặng riêng cho các em
và ngòi bút anh chỉ viết cho thiếu nhi mà thôi. Đó là các tập Trăng
của mỗi người (1988), Gió và gương (1993), Trứng treo trứng nằm (1994), Quà của
biển (1997), Áo của cây (1997), Hạt sương mắc võng (1999), Nụ hôn của bé
(2000), Nắng trong vườn (2002) Mùa thu con ve cánh diều (2005), Chung riêng cây
trái (2008). Thơ Lê Hồng Thiện giầu liên tưởng, liên tưởng giữa đồ vật với môi
trường, hoàn cảnh, liên tưởng hình dáng giữa hai đồ vật, giữa sắc màu cùng loại
hình, giữa hành vi con người với hành động loài vật, liên tưởng giữa một hiện
tượng đời sống với hiện tượng tự nhiên... Vì thế thơ Lê Hồng Thiên luôn chiếm
được cảm tình của bạn đọc nhỏ tuổi. Ngoài làm thơ trữ tình, Nguyễn Khắc Hào còn
quan tâm tới đề tài thiếu nhi. Tập thơ Đêm bé nằm mơ (2002) của anh được viết
theo lối trò chuyện tâm tình, nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên như mặt
trời, mặt trăng, hạt mưa, ngọn gió, các vật dùng quanh bé như quạt trần, cái ô,
cái bút, con dế, con ve, tất nhiên là làm bật dậy ước mơ cho bé qua sự so sánh,
nhân hoá và tưởng tượng. Thơ Nguyễn Tiến Bình dành cho các em là một thế giới Rộn
ràng cảnh vật (2000) và đầy ắp Tiếng chim (1995). Thơ anh dung dị, chân thành
mang đến cho các em tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước và lòng yêu thương
con người.
Đổi mới thơ ca là yêu cầu tự thân không chỉ của thơ ca hiện đại,
mà còn là yêu cầu của chính nhà thơ và nhu cầu bạn đọc. Mỗi nhà thơ đổi mới
theo cách riêng của mình. Nguyễn Thị Hồng Ngát đổi mới bằng tìm xúc cảm mới,
tinh tế hơn qua những hình ảnh thơ. Hồng Thanh Quang triết luận trên câu chữ giữa
cái hữu hình và cái vô hình, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa “cái chết bất ngờ”
và “niềm vui sống sót” trong Đêm cuối cùng của chiến tranh để rút ra một điều về
hạnh phúc “còn được tới đêm này/ anh chỉ muốn/ lặng lẽ/ nhớ về/ em”. Đó là cách
diễn đạt mới của thơ anh. Nguyến Thành Tuấn ngoài việc đưa cái gân guốc trong
ngôn ngữ đời thường vào thơ và sử dụng nó dưới dạng ẩn dụ và lập tứ theo cảm
xúc sóng đôi, anh còn vận dụng lối diễn đạt thơ theo dòng ý thức. Và ở một số
bài anh đã thành công. Lưu Tuấn Kiệt gia tăng chất ảo hoá và bài trí dòng thơ.
Thơ Lưu Tuấn Kiệt thường biến cái thực cuộc đời thành đường băng để cái kỳ ảo
(le fantastique), tưởng tượng trong thơ cất cánh. Cái kỳ ảo trong Chiếu đồng,
Quả chuông xanh, Kèn đồng tuy không hoàn toàn thoát li hiện thực nhưng nó vẫn
tuân theo quy luật của trí tưởng tượng và góp phần đẩy chất lượng bài thơ lên một
tầm cao mới. Phạm Ngọc Động gây bất ngờ cho người đọc trong việc chọn ngôn từ đầy
ẩn ức lidibo, nhưng so với Vi Thuỳ Linh thì thơ Phạm Ngọc Động vẫn là loại thơ
chăn yên gối ấm, hiền lành của vườn thơ Hưng Yên. Đàm Huy Đông, Khúc Hồng Thiện,
Khương Thị Mến đem đến cho thơ sức trẻ, xúc cảm hồn nhiên, tươi mới, thoát hẳn
sự sáo mòn, công thức của ngôn từ và hình tượng.
Nhìn chung, phần đông các tác giả thơ Hưng Yên vẫn đi lên từ
ngôn ngữ và cách thức làm thơ truyền thống. Họ đang cố gắng tìm một dấu ấn
“thương hiệu” riêng cho thơ mình. Có người tìm được, có người đang vật vã định
hình phong cách (style) sáng tạo.
Cây xanh kịch bản văn học của Hưng Yên phải kể đến kịch bản của
các tác giả Học Phi, Trần Huyền Trân, Hữu Ước và một số tác giả không chuyên
như Vũ Hồng Đức, Văn Sử, Vũ Hoàn... cũng đủ sức che nắng cho hai đoàn văn công
chuyên nghiệp. Những vở kịch như Chị Hoà (1955), Một đảng viên (1960), Ni cô
Đàm Vân (1976) của Học Phi một thời là những kịch bản đắt khách cho sân khấu Miền
Bắc. Kịch của Trần Huyền Trân được nhiều đoàn văn công dàn dựng. Kịch nói hiện
đại phải kể đến Hữu Ước, một người được bạn bè văn nghệ hiện nay gọi đùa là
“Lưu Quang Vũ của Hưng Yên”. Trong những năm gần đây, anh viết một loạt kịch bản
văn học như Vòng xoáy, Vòng đời, Vòng vây cô đơn, Quả báo, Khoảnh khắc mong
manh, Người đàn bà uống rượu, Tiếng chuông chùa, Sếp rởm... Phần lớn các vở kịch
của Hữu Ước được đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng, khi công diễn được dư luận
đánh giá cao. Ngoài ra có thể kể tới Làng Liêu Xá ở xa (1985), Hãy chiều quý
Lan Hương (1986) của Nguyễn Phúc Lai được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng;
Chính trường và tình yêu, kịch bản 5 hồi, của Đỗ Hữu Tấn đăng tải nhiều kỳ trên
Tạp chí Phố Hiến; Những người bạn học, kịch bản phim truyền hình của Đàm Quang
May do Xưởng phim truyền hình trung ương bấm máy và trình chiếu.
Trong mảnh vườn văn học Hưng Yên, nhóm phê bình và nghiên cứu
văn học chưa phải là luống hoa đặc sắc. Đất tốt nhưng hạt giống chưa bén đất
chăng? Có cổ thụ vươn bóng đại ngàn nhưng cây non sau đó vẫn còn èo ợt? Có phải
là sự mất cân đối trong gieo trồng hạt giống văn chương cho mùa sau? Một trong
những cây đại thụ trên lĩnh vực nghiên cứu văn hoá, âm nhạc dân gian là Gs TSKH
Tô Ngọc Thanh, người Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang. Các công trình khoa học và
nghiên cứu của ông được tập hợp trong Ghi chép về văn hoá và âm nhạc (Nxb Khoa
học xã hội, HN, 2007) như một tập đại thành về văn hóa và âm nhạc dân gian. Ông
xứng đáng là con chim đầu đàn, là người có công tổ chức và góp phần thúc đẩy
ngành folklore học ở Việt Nam phát triển. Sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá, văn
nghệ dân gian những năm gần đây tuy được khởi động nhưng vẫn ở dạng đơn lẻ. Các
bài viết của Phạm Xuân Thiêm, Vũ Tiến Kỳ, Vũ Hồng Đức, Dương Thị Cẩm, Hoàng Mạnh
Thắng, Nguyễn Đức Can, Lê Xuân Tê, Nguyễn Thành Tuấn, Bùi Thị Phấn, Đào Quang
Lâm được tập hợp trong cuốn Văn hóa văn nghệ dân gian Hưng Yên, đôi nét phác thảo
(Nxb Hội nhà văn, 2005) thấy thiếu hẳn một sự đầu tư có bài bản cho những công
trình liên hoàn và chuyên sâu.
Một trong những nhà nghiên cứu phê bình văn học ở phía Nam
người Hưng Yên là Gs Trần Hữu Tá. Thế nhưng, người Hưng Yên mấy ai
biết đến, ngoài người đọc chuyên ngành. Cây bút gắn bó với Hội Văn học-Nghệ thuật
Hưng Yên, chuyên viết phê bình, nghiên cứu có thành tựu lại không phải người
Hưng Yên chính gốc. Đó là nhà văn Đinh Quang Tốn, người đã làm sang cho Hội Văn
học Nghệ thuật Hải Hưng và Hội Văn học - Nghệ thuật Hưng Yên bằng hai đầu sách
phê bình và tiểu luận: Cánh diều và mặt đất (1995), Tản mạn và chính kiễn văn
chương (1997). Các tập sách xuất bản gần đây như Ba phong cách trào phúng trong
văn học Việt Nam (1930-1945) Nguyễn Công Hoan Vũ Trọng Phụng Nam Cao (2000) của
Ts Trần Văn Hiếu, Thời kỳ sáng tác thứ nhất (1920-1930) của Chủ tịch Hồ Chí
Minh (2001) của tác giả Vũ Tiến Kỳ, Thi pháp thơ Hữu Thỉnh (2005) của Nguyễn
Nguyên Tản và Góp phần tìm hiểu một số tác giả tác phẩm văn học hiện đại Việt
Nam của Nguyễn Đức Can (2008) tuy là những chuyên luận văn chương nhưng vẫn đậm
tính chất hàn lâm hơn là sự phóng bút của cá tính sáng tạo. Các nhà văn, nhà
thơ như Vân Long, Nguyễn Trọng Hoàn, Hồng Thanh Quang, các nhà văn như Nguyễn
Gia Nùng, Phùng Văn Khai... đôi khi cũng viết phê bình và dựng chân dung văn học
nhưng chỉ là dạng cảm nhận văn chương tức thời chưa phải nhà phê bình chuyên
nghiệp. Lý luận phê bình Hưng Yên thiếu hẳn những nhà lập thuyết và phê bình sắc
sảo.
Đem cả diện mạo 85 năm văn học hiện đại Hưng Yên thu vào một
cuốn sách, cuốn Hợp tuyển văn học hiện đại Hưng Yên, dù sách dày tới gần nghìn
trang vẫn là chưa đủ và sẽ còn thiếu sót. Nhưng đó là hoa, là quả do đất mẹ
Hưng Yên nuôi dưỡng, vun trồng và thực sự góp phần làm đẹp cánh đồng văn học hiện
đại Việt Nam.
16/9/2010
Vũ Tiến Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét