I. TRỜI - NGƯỜI ỨNG NHAU
Đạo theo tự nhiên
Nguyên văn là đạo pháp tự nhiên. Câu nói này của Lão Tử,
đề cao quy luật khách quan tự nhiên. Muốn dưỡng sinh kéo dài tuổi thọ, nên tuân
theo quy luật biến hóa âm dương của giới tự nhiên, và có sự đề phòng với sự thất
thường của khí hậu.
Sinh mạng bắt nguồn của tự nhiên
Khi đất xông lên, khí trời giáng xuống, âm dương hòa quyện,
trời đất giao nhau, lại thêm sấm chớp lôi đình giáo mưa mù mịt, bốn mùa không
ngừng chuyển vận, nhật nguyệt soi rọi ánh trời. Thế là trăm hình ngàn vẻ của
sinh vật nảy nở sinh sôi.
Chế ngự tự nhiên mà sử dụng nó
Thế giới tự nhiên có những quy luật vận hành nhất định, không
phụ thuộc vào cá nhân nào. Dùng lý luận để thích ứng với nó thì sẽ được may mắn
yên lành, đem lẽ loạn để đối xử với nó thì phải chuốc tai họa. Sinh trưởng, tiết
kiệm theo lẽ tự nhiên thì tự nhiên không gây nghèo khó cho người. Đạo dưỡng
sinh đầy đủ, hoạt động kịp thời thì tự nhiên không gây bệnh tật cho người. Được
như thế thì dù vất vả cũng không đói khát bần cùng, nóng lạnh không khiến được
người lo sợ, yêu quái cũng không đẩy được người vào tai nạn.
Ngược lại, nếu vườn rộng bỏ hoang, sinh hoạt xa xỉ, trời chẳng
thể nào cho giàu có được. Ăn mặc thiếu thốn, làm việc lười nhác, chẳng giữ thân
mình, trời chẳng thể nào cho khỏe mạnh được. Hành động trái ngược, làm việc hồ
đồ, trời chẳng thể giúp cho thành tựu tốt. Nếu vậy, dù chẳng cảm mạo hàn nhiệt,
vẫn nảy trăm bệnh. Dù yêu quái chẳng trêu, vẫn chịu nạn tai. Khi đó không thể
do trời, mà bởi những gì mình làm chẳng đáng.
Vì thế, cần nhận rõ chức phận riêng của trời, của người, xử
lý hoàn hảo quan hệ giữa con người với tự nhiên. Người làm được thế, gọi là bậc
chí nhân.
Cứ mải ngưỡng mộ trời cao vĩ đại, thà rằng cứ coi trời cũng
là một dạng vật chất như mọi sự vật khác mà khống chế nó còn hơn. Cứ mãi phục
tùng lẽ trời mà ca ngợi nó, thà rằng nắm chắc quy luật của nó để lợi dụng còn
hơn. Cứ ngóng suông bốn mùa quanh năm, chờ trời ban ân huệ, thà thuận theo bốn tiết,
nhân đó mà chế ngự nó, khiến nó phục vụ cho đời sống nhân sinh còn hơn. Cứ ỷ vào
muôn vật sinh sôi, thà phát huy trí thông minh con người làm cho sự vật ngày một
phồn vinh ưu việt…
Cho nên, bỏ phí sức người mà chỉ trông chờ vào trời là trái
quy luật tự nhiên, quy luật của trời.
Chỉ có nhận thức thấu đáo: sống chết thọ yểu không do trời định,
mà ở tại người, thì đạo dưỡng sinh mới được coi trọng, con người mới nỗ lực rèn
luyện, đua tranh với năm tháng trôi vèo.
II. HOÀN CẢNH SINH SỐNG
Vị trí địa lý ảnh hưởng tới sinh lý, bệnh lý
Hoàng Đế nói:
– Thầy thuốc trị bệnh, cùng bệnh mà cách chữa khác nhau, kết
quả cùng đỡ cả, là tại sao vậy?
Kỳ Bá trả lời:
– Hoàn cảnh địa lý đã khiến như vậy. Vùng phương đông khí hậu
ôn hòa như ngày xuân, là nơi phát đạt nghề cá, muối. Vì ở gần biển, nên dân cư
thích ăn cá và khẩu vị khá mặn, đó là thói quen địa phương, và họ cũng thấy
ngon miệng. Nhưng ăn cá nhiều sẽ khiến khí tà nóng ứ trệ trong đường ruột, dạ
dày; ăn nhiều muối sẽ làm tổn thương máu. Vì thế, dân ở đó màu da hay đen, bắp
thịt lỏng, hay phát mụn nhọt. Để trị liệu, thích hợp nhất là dùng kim châm đá.
Có thể nói, đây là phép chữa được truyền từ phương Đông tới.
Vùng phương tây là nơi có các loại vàng ngọc. Dải sa mạc này
có khí hậu như mùa thu. Phần lớn địa hình dựa vào lưng núi, nhiều gió cát, tính
chất thủy thổ rất mạnh. Về đời sống của dân cư, họ không mặc tơ lông mà hay
dùng vải thô và chiếu cỏ. Về ăn uống, họ ăn nhiều thực phẩm tươi ngon, nhưng
làm cơ thể béo phì lên. Dù khí tà bên ngoài khó ngấm vào người ở đây, nhưng nội
tạng thì dễ phát sinh bệnh tật. Cách trị liệu, nên uống vào người các loại thuốc.
Có thể nói, cách trị bệnh uống thuốc là từ phương tây tới.
Vùng phương bắc có khí tượng mùa đông. Địa thế cao, dân cư sống
trên các ngọn núi, môi trường đầy gió lạnh nước băng. Con người thích tùy thời
dã ngoại, ăn nhiều thịt bò, dê, uống sữa; thành ra nội tạng dễ chịu lạnh, hay
phát sinh loại bệnh đầy trướng. Về trị liệu, phải dùng cách châm cứu. Có thể
nói, cách chữa bệnh bằng châm cứu là từ phương bắc tới.
Vùng phương nam, khí hậu như mùa hè, khi muôn vật lớn lên, là
nơi thịnh dương. Địa thế hạ dốc, thủy thổ ẩm thấp, rất nhiều sương mù. Người
dân hay thích ăn thực phẩm có vị chua và mềm nát, cho nên là da rất săn và có
màu hồng đỏ, hay nảy sinh chứng co rút tê thấp. Về cách trị liệu, nên dùng phép
châm nhẹ. Có lẽ cách chữa bệnh này đến từ phương nam là vì vậy.
Vùng trung ương, địa thế bằng phẳng, ẩm nhiều, là nơi có sản
vật phong phú nhất. Thức ăn của dân cư ở đây cực kỳ phong phú, mà không hề gây
cảm giác mệt mỏi, chán ngán, vì thế con người hay mắc các loại bệnh suy nhược,
hàn nhiệt. Cách trị liệu nên bằng ấn nắn.
Bậc thầy thuốc cao minh biết cách tổng hợp mọi phương pháp trị
liệu để chữa các bệnh. Vì vậy, dù cách chữa không giống nhau tật bệnh đều dần
khỏi.
Đó là do hiểu rõ bệnh tình, nắm chắc đầu mối phương pháp đó
thôi.
Địa lý, khí hậu và thọ yểu
Hoàng Đế hỏi:
– Thiên khí không đủ ở phương tây bắc, phương bắc lạnh,
phương tây mát. Địa khí không đầy ở phương đông nam, phương nam nóng, phương
đông ấm. Điều đó có quan hệ gì tới sự thọ yểu của con người.
Kỳ Bá đáp”
– Vùng được tinh khí âm bao phủ, cơ bắp săn chắc, nên người sống
lâu. Vùng mà tinh khí dương giáng xuống, cơ bắp nở ra, nên người yểu thọ.
Hoàng Đế bảo:
– Giảng rất hay, nhưng cùng một khí hậu, mà sinh - hóa, thọ - yểu
khác nhau, là tại làm sao?
– Là vì địa thế cao thấp khác nhau dẫn tới. Nơi cao thì lạnh
nhiều, âm khí bao trùm. Nơi thấp thì nóng nhiều, dương khí ngự trị. Nơi dương
khí thịnh, bốn mùa sớm đến. Nơi âm khí thịnh, bốn mùa đến muộn.
Hoàng Đế nói:
– Thế thì có quan hệ gì tới sự thọ yểu của con người?
– Nơi địa thế cao thì lạnh lẽo, khiến nguyên khí vững chắc,
người thường sống lâu. Địa thế thấp thì nóng bức, khiến nguyên khí tản mác, người
thường yểu mạng. Vì địa thế, đất đai khác nhau, thọ yểu cũng khác nhau. Sự khác
nhau ấy ít, thì độ so le tuổi thọ nhỏ. Sự khác nhau ấy nhiều, thì độ so le tuổi
thọ lớn. Vì vậy, dưỡng sinh, trị bệnh cần hiểu tỏ đạo trời và địa lý, cần rành
rẽ âm dương vào nhau, khí hậu trước sau, sau mới chú trọng thân thể và tinh
khí.
Hoàn cảnh địa lý ảnh hưởng tới sức khỏe và tính cách
Địa hình từ đông sang tây là vĩ (chiều ngang), từ nam tới bắc
là kinh (chiều dọc). Núi tích đức, sông tích hình, nơi cao thì sống, nơi thấp
thì chết. Gò đống là giống đực, khe hang là giống cái… Khí núi sinh nhiều trai,
khí đầm sinh nhiều gái, chướng khí dễ câm, phong khí dễ điếc. Khí rừng dễ khiến
tay chân nặng nề, khí mộc dễ khiến lưng gù, bờ thấp khí dễ khiến phù thũng, khí
đá thêm nhiều sức, khí hiểm dễ sinh bệnh lậu. Nóng hay yểu thọ, lạnh thường sống
lâu, khí hang hay nhiệt, khí gò hay cuồng, khí đồng bãi hay nhân đức, khí lăng
mộ hay tham lam, đất tơi nhiều lợi, đất rắn chậm trễ. Nước trong, âm nhỏ; nước
đục, âm thô; nước xiết nhẹ người, nước chậm nặng thân.
Đây là một đoạn trong sách Hoài Nam tử của Lưu An, dù luận
đoán không chính xác hoàn hảo, nhưng mối quan hệ những hoàn cảnh và sự thọ yểu
của con người đã được khoa học hiện đại khẳng định. Trên thế giới, có không ít
khu vực trường thọ, thôn trường thọ. Khu tự trị dân tộc Bamayao thuộc Trung Hoa
là một làng quê nổi tiếng về trường thọ. Ở đó, non xanh nước biếc, khí hậu ôn
hòa, không gian trong trẻo, không ô nhiễm, không náo nhiệt, rất phù hợp cho cuộc
sống con người.
Và cũng đúng như sách Hoài Nam tử trình bày, ở một số địa
phương, hay mắc chứng bệnh như bệnh khắc sơn, bệnh chân voi, bệnh bướu cổ…
Chọn đất đẹp mà ở
Nơi rừng núi xa xôi, dù môi trường sinh sống là rất tốt,
nhưng sống một mình ở đó sẽ không ít bất tiện. Nếu rủ nhiều người cùng ở, lại
sinh ra huyên náo. Vì vậy, nên chọn nơi gần gũi cả với người, và với cảnh vật,
lưng tựa non xanh, mắt trông nước biếc, khí hậu cao ráo, đất đai phì nhiêu, nước
suối trong lành. Đất ở không cầu quá rộng, rộng quá thì vất vả sức người phải
kiến tạo cửa nhà. Nếu có thể chọn được cuộc đất lý tưởng, hai bên sẽ có đồi gò
nhấp nhô trải suốt. Không phải là cầu kỳ, nhưng nếu hoàn cảnh sống phù hợp, việc
an cư sẽ thoải mái, không nhọc công kỳ vọng xa xôi.
Chọn đất dày nước sâu mà ở
Sách xưa dạy: đất dày nước sâu, ở không lo bệnh. Đất cần vững
chắc,, tươi nhuận, rõ sắc vàng; nước cần ngọt lành, trong lắng. Phòng ở lâu dài
cần kín đáo, không có khe hở để gió lùa vào, nếu gió lùa ở lâu sẽ có hại cho
thân thể. Gió là khí của trời đất, có khả năng sinh thành muôn vật, những cũng
làm tổn thương con người. Mới đầu lùa vào giữa các bắp thịt, sau tiến tới cơ bắp,
rồi lặn vào kinh mạch, đến tận phủ tạng, truyền biến khắp thân, bệnh mà đến vậy
càng nguy. Cho nên, người xưa bảo: tránh gió như tránh tên bắn.
Phòng ở tương xứng với thân phận
Nhà ở cũng như áo mặc, không thể thiếu đối với con người. Y
phục tinh tế nên mát mẻ ngày hạ, ấm áp ngày đông, nhà ở cũng nên như vậy. Nhà
cao lầu lớn, trong thì hùng tráng, nhưng chỉ hợp mùa hạ, không tiện ngày đông.
Vào nhà quyền quý, dù không lạnh mà run, một phần do uy thế gây ra, những cũng
bởi không gian rộng lớn đến lạnh lẽo thâm nghiêm, chủ nhà mặc áo da, còn người
đến khó mà có nổi lụa tơ để khoác.
Đến một nhà khác, tường thấp ngang vai, rộng đủ che chân, dù
rất thanh bạch nhưng phù hợp để ở mà không thích hợp đón khách. Nhà ở xây thấp
nhỏ, người ngoài sẽ phàn nàn bởi cảm giác chật hẹp bức bối.
Xây dựng nhà ở và cấm kỵ
Chọn nơi cư trú, nên coi đất đai sông núi làm đầu, xét núi
sông có thể mở mang về nơi rộng lớn… Nếu địa lý không đẹp, dù kiến trúc cao
sang thế nào, rốt cuộc cũng chẳng trọn vẹn tốt lành được cả. Vì vậy thế đất của
nhà ở là quan trọng hàng đầu. Nên chọn đất bằng phẳng, thoáng đãng; sảnh đường
và các phòng nên phân biệt rõ ràng. Nếu các phòng hai bên có thể dựa vào đất
núi là đẹp nhất, lại có lối thông tới mọi phương thì thật đẹp. Nhưng rất tránh
ánh nước phản xạ vào cửa nhà.
Chú ý, nhà không nên đối diện với núi nhô ra, không nên gần
chùa đền, miếu mạo, hầm lò, quan nha; không dựng trên đất mà cỏ cây không sống
được; không xây trên nền cũ doanh trại, chiến trường; không đặt chính nơi dòng
nước chảy…
Đây là những điểm mà sách Dương trạch thập thư trình
bày, có những điểm khá là khoa học. Xét tận cùng những quan điểm này, có thể thấy,
dựng nhà nên chọn nơi không khí trong trẻo, non nước thanh tịnh; không khí
thoáng, chất nước lành, đương nhiên sức khỏe sẽ tốt. Môi trường yên tĩnh, cảnh
quan tươi đẹp, tâm lý con người sẽ thanh thản dịu êm. Nhà cửa cao ráo, tiện cho
mặt trời chiếu rọi, không khí lưu thông, độ ẩm nhất định không quá nồm, sức khỏe
càng thêm tiến triển.
Kết cấu nhà ở và dưỡng sinh
Thế nào gọi là an cư? An cư, không phải là ở nhà lộng lẫy,
chăn ấm nệm êm. An cư là khi ngồi, hướng về phía nam, khi nằm, quay về phía bắc,
sáng tối vừa đủ. Nhà không nên cao, cao thì dương thịnh, sáng quá. Nhà không
nên thấp, thấp thì âm thịnh, tối nhiều. Sáng quá thì phách tổn thương, tối quá
thì hồn hao hại. Người ta hồn dương phách âm, nếu sáng tối không vừa, sẽ sinh bệnh
tật. Nhà ở còn cần điều hòa sáng tối như thế, huống gì là khí trong trời đất.
Dương quá thịnh thì tổn hại cơ bắp, âm quá đà thì xâm hại thể phách, nên cần thận
trọng đề phòng.
Đạo sĩ thời xưa bảo rằng: nơi nhà ta ở, bốn bên đều có
cửa, gió tới thì đóng, gió dừng thì mở. Nơi chỗ ta ngồi, truớc rèm buông, sau
bình phong; quá sáng thì hạ rèm, để hài hòa ánh sáng bên trong; quá
tối thì cuốn rèm, để lưu thông ánh sáng bên ngoài. Trong thì yên tâm, ngoài thì
yên mắt, tâm mắt đều yên, thì thân sẽ yên. Sáng tối còn như thế, huống gì là tư
lự quá nhiều chuyện, ham muốn quá nhiều tình, làm sao mà an tâm cho được. Thành
ra, an cư mới chỉ xếp hàng thứ mà thôi.
III. KHÍ HẬU CÁC TIẾT
Bốn mùa và dưỡng sinh
Ba tháng xuân, gọi là nảy nở, trời đất cùng sinh, muôn vật bừng
lên, ngủ khuya dậy sớm, rảo bước trên sân, tóc buông áo xõa, ý chí nảy sinh,
sinh mà không chết, cho mà không đoạt, thưởng mà không phạt, là đạo dưỡng sinh.
Làm trái thì hại gan, đến hạ sẽ lạnh nhiều, tuổi thọ giảm ngắn.
Ba tháng hạ, gọi là thịnh vượng, trời đất khí hòa, muôn vật rộ
tươi, ngủ khuya dậy sớm, suốt ngày chẳng chán, chí chằng giận hờn, dương khí
trào dâng, như tình yêu vậy. Làm trái thì hại tâm, đến thu sẽ sốt rét.
Ba tháng thu, gọi là thong thả, khí trời thanh thản, khí đất
sáng tươi, ngủ sớm dậy sớm, tỉnh cùng gà gáy. Chí đà yên tĩnh, tránh hại xác
xơ. Chí giữ bên trong, để phế thanh tịnh. Làm trái thì hại phế, đông sẽ đào thải.
Ba tháng đông, gọi là khép giấu, nước băng đất nứt, không nhiều
khí dương, ngủ sớm dậy muộn, đợi ánh mặt trời, chí như quỳ nép, như có ý riêng,
nếu được vừa ý, trừ lạnh sẽ ấm. Làm trái thì hại thận, xuân đến sẽ rã rời.
Tám gió và bệnh tật:
Hoàng Đế hỏi:
– Trời có 8 gió, kinh mạch 5 gió, là gì vậy?
Kỳ Bá đáp:
– Đó là 8 loại khí hậu bất thường gây bệnh. Nó xâm nhập vào
kinh mạch, làm tổn thương 5 tạng mà gây ra bệnh tật.
Gió đông sinh vào mùa xuân, bệnh thường sinh ở gan mà biểu hiện
ở cổ gáy. Gió nam sinh vào mùa hạ, bệnh thường nảy ở tâm mà biểu hiện trong lồng
ngực. Gió tây sinh vào mùa thu, bệnh thường nẩy ở phế mà biểu hiện ở lưng,
mông. Trung ương thuộc thổ, bệnh thường sinh ở tỳ mà biểu hiện ở sống lưng.
Bệnh tật thường gặp bốn mùa
Khí hậu mùa xuân, bệnh thường ở đầu. Khí hậu mùa hạ, bệnh thường
ở tạng. Khí hậu mùa thu, bệnh thường ở lưng, vai. Khí hậu mùa đông, bệnh thường
ở tay chân.
Mùa xuân hay ngạt mũi, chảy máu mũi. Giữa hè (tháng 5) hay mắc
bệnh trong ngực, đầu hè (tháng 4) hay suy nhược tỳ. Mùa thu hay mắc sốt rét,
mùa đông hay tê bại.
Vì vậy, mùa đông đừng nhiễu loạn gân cốt sẽ giữ gìn được
dương khí. Mùa xuân không bị bệnh mũi thì cũng chẳng lo bệnh ở cổ gáy…
Tinh khí là cội rễ của cơ thể. Cho nên, mùa đông khéo bảo dưỡng
tinh khí thì xuân tới không dễ nảy ôn dịch. Mùa hạ nên cho ra mồ hôi, nếu không
ra được mồ hôi thì thu tới sẽ mắc sốt rét.
Quả là, âm có trong dương, dương có trong âm. Từ ban mai tới
giữa trưa, dương khí trong tự nhiên là chính dương. Giữa trưa đến hoàng hôn,
dương khí ấy là âm trong dương. Từ hoàng hôn đến gà gáy, âm khí trong tự nhiên
là chính âm. Từ gà gáy đến ban mai, âm khí ấy là dương trong âm. Khí âm dương
trong trời đất là như thế, khí âm dương trong thân người cũng vậy.
Ăn - mặc - ngủ - làm, thuận theo thời khí
Người giỏi dưỡng sinh không thể phạm vào cấm kỵ của âm dương,
không làm sai lỡ sự hài hòa của năm tháng.
Trong 1 ngày, điều cấm kỵ là: bữa tối không ăn quá no.
Trong 1 tháng, điều cấm kỵ là: buổi tối không uống rượu say. Trong 1 năm,
điều cấm kỵ là: đêm tối không đi ra ngoài. Suốt cuộc đời, điều cấm kỵ
là: đêm tối không đốt đuốc làm chuyện giao hợp, đêm khuya chính là khi giữ
khí.
Khí, vào tiết đông chí khởi lên từ huyệt dũng tuyền (ở gan
bàn chân), tháng 11 lan đến đầu gối, tháng 12 đến mông, tháng giêng đến eo
lưng, tức là làm thành 3 dương.
Tháng 2 lan đến cánh tay, tháng 3 đến cổ gáy, tháng 4 đến đỉnh
đầu, chỉ dùng khí thuần dương, khí âm còn để đó. Vì thế, tháng 4, tháng 10
không nên giao hợp, để tránh tháng âm mà chỉ dùng khí thuần dương.
Mỗi khi đến ngày đông chí, dưới chân tường phía bắc mọc dày cỏ
nhưng nằm rạp xuống, đó là tiếp thu nguyên khí. Cứ sau ngày 1 tháng 8, nên để
nhỏ lửa hơ ấm chân, đừng để bàn chân lạnh giá không sức sống. Cần luôn giữ khí
tồn tại ở dưới, đừng để khí thất thoát lên trên.
Mùa đông giá rét chưa tan, trang phục nên dày dưới mỏng trên.
Nuôi dương thu âm là nối trường sinh, nuôi âm thu dương là tai họa phá nhà. Cho
nên mùa đông, khí trời đất khép, khí huyết ẩn náu, người không thể lao lực quá
độ để ra mồ hôi, khiến dương khí thất thoát, tổn hại sức khỏe.
Mùa xuân nên đi ngủ hơi muộn, trở dậy hơi sớm. Mùa hạ và thu
nên ngủ muộn hẳn, dậy sớm hẳn. Mùa đông nên ngủ sớm, dậy muộn. Tất cả đều có
ích cho sức khỏe. Nhưng dù là dậy sớm, cũng đừng dậy trước tiếng gà. Dù dậy muộn,
cũng đừng dậy sau mặt trời lên.
Mùa đông có khí nóng đột ngột, mùa hạ có khí lạnh bất ngờ, đều
nêu chú ý tránh xấu.
Con người nên tùy thời chú ý điều chỉnh hơi thở, để thân thể
nóng lạnh cân bằng, tránh mọi bệnh tật.
Phép dưỡng sinh hằng ngày
Tháng giêng, khí thận dễ mắc bệnh, nên giảm ăn mặn, tăng vị
cay, sớm dậy, đêm nằm để trợ giúp thân hình và tâm thần.
Tháng 2 là tháng giữa xuân, chính khí gặp dịp, nên tiết chế
rượu, bảo toàn chân tính.
Tháng 3, nên giảm ngọt tăng cay, bổ tinh ích khí, đề phòng
gió tây.
Tháng 4, nên tăng chua giảm đắng, tránh gió tây, gió bắc, nên
tắm rửa, xõa tóc.
Tháng 5, nên ngủ dậy sớm, nên tắm gội.
Tháng 6, chớ ngâm tay chân vào nước lạnh, nên trai giới, tắm
gội.
Tháng 7, tính tình nên yên ổn, tăng mặn giảm cay.
Tháng 8, kiêng đi xa
Tháng 9, nên trai giới, tắm gội
Tháng 10, kiêng đi xa
Tháng 11, tránh gió độc
Tháng 12, chớ đội sương móc
Phòng trị phong hàn
Phong hàn ngấm vào người đều nhân lúc cơ thể hư nhược. Khi mệt
mỏi, sau khi giao hợp, trong tâm lo buồn, đều cần tránh gió. Nếu không tránh,
khí tà ắt sẽ theo vào.
Khi người mắc phong hàn, có thể dùng khăn lông nhúng nước cực
nóng, vắt khô, dồn sức xoa lên lưng, ngực, làm nhiều lần. Rồi nướng gừng, cắt
lát, lại xoa. Xoa xong lấy dầu cao bôi lên, dù là cao gì cũng đều dùng được, lập
tức sẽ đỡ.
Trần Tụng Bình kể: trước đây tôi rất hay bị trúng gió,
thử khám tây y, họ bảo, trúng gió có 3 loại: ở đầu, ở cổ gáy và ngực, ở bụng.
Trúng gió ở đầu là nhẹ nhất, chỉ cần dùng tinh bạc hà hoặc dầu bạc hà và rượu
long não xoa hai huyệt thái dương và sống mũi, là sẽ đỡ. Trúng gió ở cổ gáy và
lồng ngực, sau khi xoa thuốc lại lấy khăn bông đắp vào cho ra mồ hôi, sẽ dễ đỡ.
Trúng gió ở bụng là nặng nhất, trước hết nên uống thuốc cho nôn mửa ra để giải
phóng ứ đọng, sau mới dùng thuốc khác.
Nếu trúng gió, cấm mọi chất tanh béo và nên giảm ăn; tốt
nhất là nhịn ăn 1-2 ngày, uống nhiều nước, canh, tránh gió không ra ngoài, sẽ
mau thuyên giảm.
Nếu trúng gió mà chảy nước mũi, nên ngâm khăn bông vào nước
sôi, vắt khô nhẹ, để lên lỗ mũi để khí nóng vào trong mũi, các chân trong mũi sẽ
dần được nở ra, trong ngoài thông suốt. Làm nhiều lần như thế, nước mũi trong sẽ
ngừng.
Nếu trúng gió mà đau đầu, có thể mua chút rượu nóng, bỏ vào
ít bột, nhào và gói vào vải, nặn như hình đồng tiền, dán lên 2 huyệt thái
dương. Đợi khi bột tơi ra, lửa trong đầu sẽ tiêu tán, sẽ hết cơn đau.
Vệ sinh 4 mùa
Mùa đông lạnh chớ để khăn áo mỏng, mùa hạ nóng nên thay y phục
nhiều lần.
Mùa đông nên thêm quần áo, đừng để bệnh nảy rồi mới uống thuốc.
Ngạn ngữ dưỡng sinh về trang phục 4 mùa
+ Dễ mặc dễ cởi, tốt hơn uống thuốc
Thường có câu, gió mưa nào biết được trời, sự biến hóa của
khí hậu tự nhiên dù có quy luật nhất định như cũng khó mà lường được. Con người
nên căn cứ vào thời tiết mà thay đổi trang phục, hơn nữa, nên theo sát khí hậu
hàng ngày mà thêm bớt khăn áo, để dù gió độc cũng chằng hại thân.
+ Xuân đừng giảm áo, thu đừng thêm khăn.
Đầu xuân thường thoắt nóng thoắt lạnh, nếu sớm bỏ khăn áo e sẽ
cảm lạnh. Mùa thu nếu sớm ăn mặc ấm, sợ sẽ giảm sức chịu hàn.
V. HOẠT ĐỘNG HÀNG NGÀY
Ăn ngủ ít nói: khi ăn không nên nói chuyện, khi ngủ
không nên chuyện trò. Nói chuyện trong lúc ăn, không lợi cho việc ăn ít nuốt chậm,
làm trở ngại tiêu hóa. Chuyện trò lúc ngủ, tầng mặt đại não hưng phấn, sẽ ảnh
hưởng nhất định tới sự êm đềm của giấc ngủ.
Đi đứng tự nhiên
Nằm ngủ không thẳng cứng, ở nhà đừng trang trọng. Nằm ngủ nên
nằm nghiêng mình, co thân, có lợi cho mạch máu lưu thông. Nằm ngửa như người chết,
sẽ không thoải mái, khó đi vào giấc ngủ, là điều người dưỡng sinh không nên
làm. Khi ở tại nhà, chớ phải nghiêm trang cứng nhắc làm gì, nên tự do tự tại,
thanh thản thoải mái, vui sẽ vô cùng.
Thêm nữa, dù tự nhiên, nhưng ghế không ngăn ngắn, không nên
ngồi.
Ăn đừng quá no
Ăn quá no, đường ruột, dạ dày nặng nề. Ở không nên nhàn nhã
quá, khiến tay chân thừa thãi sinh ra mệt mỏi uể oải. Cả hai đều không có lợi
cho dưỡng sinh.
Sinh hoạt ngày tháng
Đến tuổi già lão, tâm lực suy mỏi, tinh thần hao tổn, mọi việc
ngại làm, đều do gân cốt vậy. Tất cả chỉ trông vào con cháu phụng dưỡng, hết
lòng chăm nom, tránh tai họa khó ngờ. Đối với hoạt động hàng ngày, nên rất chú
ý, tự tạo niềm vui, tăng thêm hưng phấn. Phòng ở giữ gìn thanh bạch trang nhã,
mùa hạ nên thoáng đãng, ngày đông nên ấm kín. Giường ngủ đừng quá cao rộng để dễ
lên xuống và không tràn gió độc. Chăn đệm dày thêm một chút, êm ái nhưng bằng
phẳng, 3 mặt có rèm buông tránh gió dữ. Gối đầu bằng bông đậm màu, khâu kín,
trong chứa cúc hoa, hình thấp mà dài. Thấp để vai đừng nhô cao đón gió, dài để
đầu không rơi khỏi gối khi trở mình. Ghế ngồi nên hơi thấp, khi ngồi hai chân
nên chạm đất để dễ đứng lên. Hai bên ghế ngồi nên có kệ để tay, trước ghế nên đặt
bàn trà. Vì người già hay mệt, ngồi lâu hay thiêm thiếp, hai bên nên có giá đỡ,
tránh thương tích. Y phục đừng nên rộng dài, dài thì dễ dẫm chân vào mà ngã, rộng
thì không ôm lấy thân mình. Người già xương cốt yếu lạnh, gió độc qua khe hở nhập
vào gây bệnh; nếu áo mặc vừa thân, người luôn ấm áp, tự nhiên khí huyết
lưu thông, chân tay nhanh nhẹn. Dù khi mùa hạ nóng bức, cũng đừng phơi trần
thân thể, đầu thường quấn khăn mềm; phía sau gáy khăn thấp xuống khoảng gần
cổ áo, để gìn giữ cơ bắp. Người già bắp thịt gầy suy, khoảng cách giữa các bắp
thịt rộng ra, nếu gió lạnh ngấm vào sẽ gây bệnh nặng, nên cực kỳ cẩn trọng.
Cách để tốn ít sức
Phép dưỡng sinh, nên để thân thể làm việc vừa phải, chớ quá mỏi
mệt. Ví như nước chảy thì trong, nước đọng thì vẩn vậy. Người theo dưỡng sinh,
muốn máu lưu thông như nước chảy. Ngồi chớ để quá mỏi, làm chớ để quá mệt, hoạt
động liên tục rồi nên giảm bớt, đó là cách tốn ít sức.
Tay chân nên thỉnh thoảng co duỗi, hai tay kéo phải, kéo trái
như dương cung. Đầu nên nghiêng phải nghiêng trái, lưng nên xoay trước xoay
sau, khi cúi khi ngửa. Hai tay vỗ vào nhau, rồi xoa lên mắt như gạt lệ. Hoặc
xoa tay vào nhau cho nóng, rồi lướt khắp mặt như rửa mặt. Làm như nhàn rỗi, vài
chục lần rồi ngừng. Mỗi ngày làm nhiều bận, thân thể sẽ thanh thoát, mắt sẽ
sáng láng, gân cốt huyết mạch lưu thông, ăn uống dễ tiêu.
Thân mình có gì không vui, phải giải tỏa ngay.
Người xưa có nhiều cách làm phiền phức lắm. Nay giới thiệu
cách này không lệ thời tiết, không kể số lần, lúc rỗi là làm, hiệu quả lại thoải
mái.
10 điều thiết yếu của dưỡng sinh:
1. Thường xoa mặt, để dung nhan tươi sáng. Đạo gia gọi là tu
thần đình (sửa sang cho bộ mặt của tinh thần).
2. Thường day mắt, khi yên tĩnh hãy nhắm mắt, dùng mặt sau của
hai ngón tay cái xoa vào nhau, rồi day mắt để trừ hỏa, khiến mắt không mắc tật.
3. Thường búng tai để tai không mắc bệnh.
4. Thường gõ răng
5. Lưng thường giữ ấm, vì liên quan đến phế, tránh khỏi phong
hàn.
6. Ngực thường che, lồng ngực là nơi chứa tâm, rất cần bảo vệ.
7. Eo lưng nên xoa: ăn xong nên đi bộ chầm chậm, tay
xoa lưng bụng để dễ tiêu.
8. Chân thường xoa: xoa bàn chân vào nhau, vào tay để
thông huyệt dũng tuyền (ở lòng bàn chân), có thể trừ phong thấp, làm bước chân
mạnh mẽ.
9. Thường nuốt nước bọt: để nước bọt tiết ra đầy miệng
rồi nuốt đi, có thể thông trăm huyệt.
10. Ngủ thường co người: ngửa mặt thẳng người đi ngủ, e
sẽ thất thoát tinh khí vì thế, khi ngủ nên co mình.
10 kiêng kỵ của dưỡng sinh:
1, Kiêng dậy sớm để trần tóc, buổi sáng nhiều gió sương, dễ bị
hàn tà ngấm vào não.
2. Kiêng phòng tối nhiều lạnh, không có ánh mặt trời chiếu
vào, âm khí làm tổn thương thân thể.
3. Kỵ ngồi lâu nơi ẩm thấp, hơi nước làm độc hại nội thân.
4. Kiêng mặc áo ẩm lạnh, sẽ làm cơ thể ngấm lạnh, thấm qua
lưng vào phế.
5. Kiêng mặc áo phơi khô còn nóng, có nhiều nóng độc sẽ ngấm
vào thân.
6. Kiêng ngồi trước quạt khi ra mồ hôi. Mồ hôi thoát ra cùng
lúc các lỗ chân lông nở ra, quạt sẽ đưa gió độc ngấm vào làm thân thể tổn
thương.
7. Kiêng để đèn đuốc rọi sáng khi ngủ làm tâm thần không yên.
8. Kiêng giao hợp vào giờ tý (lúc nửa đêm) khi ấy dương khí mới
sinh sẽ đột nhiên bị diệt.
9. Kiêng tháng hè rảy nước lạnh vào chiếu. Mùa đông hỏa nóng ám
vào áo, nước lạnh ngấm ẩm, hỏa nóng chịu độc. Dù thích được một lúc nhưng lâu dần
ắt sinh bệnh.
10. Kiêng xem biểu diễn trong thời gian lâu, nhìn lâu nghe
lâu sẽ thương tổn tinh thần.
Mười tám tổn thương:
1. Nhìn lâu hại tinh: mắt nhờ có máu mà nhìn được, tinh
do máu hóa ra, cho nên nhìn lâu hại tinh.
2. Nghe lâu hại thần: thần náu ở thận, thận thông với
tai, cho nên nghe lâu hại thần.
3. Nằm lâu hại khí: nằm lâu, miệng há khí tan; miệng ngậm,
khí tắc, cho nên hại khí.
4. Ngồi lâu hại mạch: mạch nên được vận động, ngồi lâu
sẽ không thoải mái, cho nên hại mạch.
5. Đứng lâu hại xương: đứng lâu xương khô đi, cho nên hại.
6. Đi lâu hại gân: bước đi phải dùng sức gân, cho nên hại.
7. Phát giận hại can: can thuộc mộc, giận như gió giữ
lay động cho nên can tổn thương. Can lại sinh máu, can tổn thương thì máu không
tốt, tâm và gân sẽ yếu đi.
8. Suy nghĩ hại tỳ: khi suy tư, tỳ phải vận động, thái
quá sẽ mệt, cho nên hại.
9. Quá lo hại tâm: tâm thuộc hỏa, vị chủ về đắng, quá
lo thì đắng càng nhiều, cho nên hại tâm.
10. Quá buồn hại phế: phế thuộc kim, chủ về thanh âm,
buồn khổ lâu ngày thì tiếng câm lặng, cho nên hại phế.
11. Quá no hại vị (dạ dày): quá no sẽ khó tiêu hóa, cho
nên hại.
12. Quá sợ hại thận: thận thuộc thủy, chủ về phương bắc,
màu đen ; khi quá sợ mặt sẽ xám đen, cho nên hại.
13. Cười nhiều hại lưng: khi cười, thận chuyển lay kéo
theo cả eo lưng, cho nên hại.
14. Nhổ nhiều hại nước bọt: nước bọt là chất dịch ở mạng,
lan tỏa sẽ tươi nhuận, thấm vào trăm mạch. Nhỏ bọt đi thì tổn thất, cho nên hại.
Sách Điểm huấn còn nói: "nước bọt không nhổ ra, mà còn nên
nuốt vào, để giữ tinh khí của con người và làm cho nó tự tỏa sáng".
15. Ra nhiều mồ hôi hại dương: dương khí theo mồ hôi
thoát ra ngoài cơ thể, cho nên hại.
16. Nhiều nước mắt hại máu: máu ẩn trong can, khóc nhiều
thì can tổn, mắt khô, cho nên hại.
17. Nói nhiều hại nước dịch: nói nhiều thì miệng khô lưỡi
rộp, cho nên hại.
18. Giao hợp nhiều hại tủy: dương vật trong cơ thể
thông với trăm mạch, khi lửa dục nổi lên, máu tủy toàn thân đổ về mệnh môn, hóa
làm tinh mà tiết ra. Nếu không biết tiết dục, xương tủy sẽ khô kiệt, chân dương
không biết dựa vào đâu, như cá mất nước, ắt sẽ chết.
Dưỡng sinh nhàn nhã:
Âm thanh nước chảy có thể dưỡng tai. Lúa xanh cỏ biếc có thể
dưỡng mắt. Xem sách giảng lý có thể dưỡng tâm. Chơi đàn đọc chữ có thể dưỡng lý
tưởng.
Ngao du sơn thủy, có thể dưỡng chân. Ngồi yên hít thở, có thể
dưỡng gân cốt.
Bí quyết sống lâu không già:
Người ta trong sinh hoạt hàng ngày, hành động nên theo quy luật,
nằm ngồi nên hợp thời nghi. Làm trái ngược là vi phạm đạo trường sinh đó.Những
lời này ai cũng biết cả, cũng có thể nói ra; nhưng trong hoạt động nằm ngồi
cụ thể, đều có những quy tắc nhất định, thuận theo thì có thể sống lâu, làm
trái sẽ gây nên yểu mạng. Điều này thì không phải ai cũng giác ngộ được.
Nói về tuổi thọ, có người hay nhắc tới rùa và hạc, thường gọi
rùa ngàn tuổi, hạc ngàn năm. Nhưng nguyên nhân trường thọ của chúng thì mấy ai
biết được. Rùa là động vật biết bò, có mai. Hạc là loại chim biết bay. Rùa hay
chậm chạp, có vẻ rất nặng nề; khi dừng hoạt động, toàn thân sụp xuống, lặng lẽ
điềm đạm; ngoại vật có xâm phạm tới thì cũng nhẫn nhục chịu đựng, không giận dữ
phản ứng. Rùa là tượng trưng cho khí huyết thanh tĩnh, tinh thần yên ninh.
Chính vì thế nên rùa sống lâu. Con người sau khi lao động vất vả, khi nghỉ ngơi
cũng nên học theo lối nằm sụp xuống của rùa, không nghĩ lung tung, dù ngoại vật
khiêu khích cũng không tỏ thái độ, để cho tâm thần an thái, chí khí trong lắng
chuyên nhất, rồi sẽ sống lâu như rùa.
Hạc là loại chim sống nơi núi sâu rừng thẳm, ăn hoa hút quả,
hưởng không khí tươi mới trong lành. Đó là nguyên nhân hạc sống lâu. Khi bay
lên, trước hết hạc nâng chân, cụp móng, ngửng đầu nhìn lên, hướng về phía trước.
Khi chân đã rời đất, hạc mới xòe móng. Vì hạc nâng chân cụp móng nên định được
tâm mà ổn bước chân; vì hạc ngẩng đầu nhìn lên, cúi đầu nhìn xuống nên nắm
vững khí mà cân bằng mặt.
Cho nên hãy ghi nhớ: Ngồi như rùa, đi như hạc.
Tác giả của bí quyết này là Lý Khánh Viễn, người đời Thanh,
quê ở Vân Nam, sau sống ở Tứ Xuyên. Theo ghi chép, Lý Khánh Viễn sinh năm 1679
(Khang Hy 18), mất năm 1935, hưởng thọ 256 tuổi. Phép dưỡng sinh này của ông là
thực tiễn bản thân, rất đáng để tâm.
Cách ngồi trong dưỡng sinh
Ngày hạ nóng bức, ngồi lâu nơi hai đầu nhà thông nhau, sẽ nhiễm
gió lạnh.
Ngồi lâu nơi chật hẹp, lại càng nguy hại hơn. Khi ngồi đừng
chọn nơi quá sáng, quá sáng sẽ tổn thương hồn. Khi ngồi đừng chọn nơi quá tối,
quá tối sẽ tổn thương phách. Đặc biệt tránh nơi ẩm thấp gió dữ.
Ngồi nên chọn chỗ thích hợp. Thích hợp gồm cả ý an toàn nữa.
Có câu "nhà đầy ngàn vàng, đừng ngồi bên hiên". Đó là lời nói của văn
học gia trứ danh thời Tây Hán là Tư Mã Tương Như khi dâng sớ lên Hán Vũ đế. Có
lần, theo vua đến Trùng Dương săn bắn, thấy vua thường mạo hiểm thân mình, luôn
ruổi ngựa truy đuổi dã thú, có khi một người một ngựa đấu cùng gấu lớn. Tư Mã
Tương Như bèn dâng sớ xin vua chú ý đến an toàn của bản thân. Người nhiều tiền
của, lo là ngói từ mái nhà rớt xuống làm bị thương, nên không ngồi dưới hiên
nhà. Ý để nói: người sáng suốt nhìn xa từ khi chưa nảy mầm họa, bậc trí giả
tránh nguy từ khi chưa hình thành nguy. Họa thường ẩn giấu nhưng phát ra rất đột
ngột.
Thực ra, tự trân trọng mình không chỉ riêng dành cho bậc giàu
sang mà bất kỳ ai theo dưỡng sinh đều nên theo cả.
Tư thế ngồi nên ngay ngắn, lưng vươn thẳng, nét mặt đoan
chính, hai tay khép trước ngực. Đừng ngồi co gối duỗi chân, thân mình đừng
nghiêng phải hoặc trái. Ngồi vững như núi, mới được lâu dài.
Cách đứng trong dưỡng sinh
Cách đứng có 2 loại: Đứng lâu và đứng tạm thời. Đứng tạm
thời thì không nên dựa, đứng lâu lại cần tìm nơi tựa mình. Đứng sừng sững thẳng
đứng chỉ có thể trong một thời gian nào đó; nếu hàng ngày cứ đứng như thế,
gân cốt không có chỗ tựa vào, bàn chân sẽ bằng như dao cắt, mạch máu sẽ ngưng đọng
gây bệnh. Hoặc dựa ghế dài mà đứng, hoặc tựa kệ đá mà đứng, hoặc chống gậy
trúc, hoặc tựa lan can, không lo không nghĩ, thật chẳng còn gì thú vị hơn.
Du lịch với dưỡng sinh
Nhớ buổi xa nhà, mẹ cha dặn kỹ: qua cầu nên xuống ngựa,
xuống sông chớ tranh thuyền, ngủ đêm mưa hãy tránh, gà gáy dậy hết đêm. Nếu
theo lời như thế, lối đi chẳng ưu phiền.
3 bí quyết khi nằm ngủ
Một là trát. Trát là gì? khiến tai mắt mũi miêng, tay
chân, ngưng lại như trát vữa vậy - phép này dù nằm hay ngồi đầu tiên hãy thông
suốt thân thể cho thư thái, khí huyết điều hòa; sau đó mau chóng nghiêm
giữ thân mình, dù một sợi tóc cũng không lay động. Kiềm chế bên ngoài, bảo
dưỡng bên trong, là một bí quyết.
Hai là khóa. Khóa là gì? Là giữ im miệng đó. Khí trong thân
thể phần nhiều thoát ra miệng. Cho nên khóa chặt miệng, không để một chút khí
nào lọt qua. Còn khí qua mũi thì không thể dứt, đó là càng thêm vi diệu.
Ba là chải. Chải là gì? Chải là dùng lược chải tóc.
Trát và khóa kiềm chế bên ngoài, từ ngoài vào trong, Khí trong thân thể, nếu
không được bảo dưỡng thì điên cuồng vọng động, thậm chí ứ đọng không thông. Đã
kiềm chế không để khí tiêu tán ra ngoài, thì phải điều chỉnh để khí không phát
ngược, dần dần xuống đan điền, rồi chầm chậm xuống huyệt dũng tuyền. Từ trên xuống
dưới, như chải tóc vậy.
Ánh mặt trời với dưỡng sinh
Sáng sớm ăn nhẹ xong, gặp lúc trời quang gió lặng, tại cửa sổ
phía nam, quay lưng lại mặt trời mà ngồi. Như thế sống lưng được sưởi ấm nhè nhẹ,
khiến toàn thân thoải mái. Ánh mặt trời là tinh hoa của thái dương, là dương
khí làm thân thể cường tráng, rất bổ ích cho người. Từ trưa trở đi dương khí dần
phát triển, ánh mặt trời giảm ấm, rất không nên ngồi lâu.
Yên giấc ngủ
Ít ngủ thì tuổi già nhiều bệnh tật. Khi nằm thì thần ngụ ở mắt,
khi ngủ thì thần ngụ ở tâm. Cho nên thanh tâm là cần thiết. Trước hết nên ở yên
tĩnh dưỡng, khi đi vào giấc ngủ thì tắt bỏ mọi suy tư, làm cho nó dần dần ít
đi, dần dần mất hết, tự nhiên sẽ thanh thản đi vào giấc ngủ. Nếu suốt ngày phiền
não, lửa bảy tình bừng bừng, trăn trở trước sau, muốn nhất thời diệt đi thì sao
mà được?
Nhà dưỡng sinh bảo rằng: trước hãy ngủ tâm, sau hãy ngủ
mắt, Kỵ nhất là tâm cứ muốn ngủ, thì càng khó ngủ. Cứ để cho tâm thoải
mái thì sẽ đi vào giấc ngủ.
Sáng sớm trở dậy
Người già thường tỉnh giấc khi trời chưa sáng. Khi phủ tạng
có chỗ không yên, xương cốt đau mỏi, đều bộc lộ vào sáng sớm cả. Mặt trời chưa
ló đã tỉnh giấc, nên trở mình nhiều lần, đợi khi ánh dương ghé song cửa hãy từ
từ trở dậy. Thận trọng đừng vội ra ngoài, mà nên mở toang cánh cửa.
Nằm ban ngày - ngồi buổi đêm
Sau giờ ngọ, ngồi lâu hơi mệt, không thể nằm là ngủ ngay. Nên
nằm yên trên gối, hoặc thức hoặc ngủ, tùy tính tự nhiên. Muốn dậy là dậy ngay,
đừng lưu luyến nữa.
Buổi đêm, trời chưa rạng đã tỉnh, đêm đương tàn đã thức, đó
là chuyện hàng ngày của người già. Khi hoàng hôn nếu đi nằm ngay, e càng khó ngủ.
Nên ngồi một lát, khi ngồi nên điều tiết hơi để định khí, khép tai nhắm mắt,
tiêu trừ nghĩ loạn. Theo Tào Đình Luyện, sách Khanh Thương Tử nói rằng:
thể hợp ở tâm, tâm hợp ở khí, khí hợp ở thần, thần hợp ở không. Đêm ngồi như vậy
là bí quyết kỳ diệu của giấc ngủ yên lành đó.
Mỗi đêm, khi buồn ngủ, đi quanh nhà ngàn bước, rồi mới nằm.
Cách này trái với cách ngồi đêm, ý là đi bộ thì thân mệt, thân mệt thì óc nghỉ,
động quá thì trở về tĩnh, xét ra cũng có lý.
Ra khỏi cửa
Người xưa cho rằng có 4 điều không nên ra ngoài, là:
gió lớn, mưa to, nóng quá, lạnh quá. Tào Đình Luyện còn nhấn mạnh, không chỉ
không nên ra ngoài, mà ở nhà còn nên tĩnh dưỡng nơi phòng kín. Nếu gặp tiết
xuân, thu đẹp, chống gậy tiêu dao, thật là hứng thú vô cùng. Ngẫu nhiên dạo cảnh
gần gần, nước trà, hoa quả nên mang theo, phòng khi có ý muốn bất ngờ. Xuân thu
ấm lạnh không lường, đi chơi nơi gần, nên cầm theo ác khoác. Thời tiết thoắt
đó thoắt đây, nếu không chuẩn bị, chợt nóng không sao, chợt lạnh dễ gây thành bệnh.
Sách vở: phòng đọc và bàn ghế
Học không vì già mà bỏ, đọc sách chính là dưỡng nhàn. Phòng đọc
nên quay hướng nam, đón ánh mặt trời. Trước cửa phòng sách thu, đông nên buông
rèm dày, xuân hạ nên rủ rèm mỏng, để tránh gió dữ lùa vào. Khi trời ấm áp nên
nâng rèm cuốn màn, để ánh mặt trời sưởi ấm. Ban mai mỗi sớm, trong phòng nên mở
tung các cửa.
Bàn là để bày sách vở, đặt bút nghiên; bàn ghế ngồi suốt
ngày, rộng dài tùy ý. Nhưng để tiện dụng, nên có 2-3 ngăn xếp các đồ văn phòng
lặt vặt. Ngăn kéo đừng sâu quá, chỉ xấp xỉ 2 tấc là vừa. Nhưng nếu ngăn kéo ở
hai bên, giữa là khoảng trống thì nông sâu thế nào cũng được.
Phòng ngủ và đồ vật
Phòng ngủ của người già nên thiên về phương đông, nơi tràn
sinh khí. Nên có phòng riêng, nằm riêng, an tĩnh thì tâm thần yên ổn. Giấc ngủ
yên lành, cốt yếu là ở chiếc giường. Giường nên rộng rãi, mùa hạ nóng bức để
không khí khỏi ngột ngạt. Giường thấp thì nằm xuống hay ngồi dậy đều tiện lợi.
Mùa hạ nên chuyển giường ra giữa phòng, bốn mặt trống không, để tiêu nóng bức.
Màn buông nên xứng với giường, về mùa hạ nên dùng loại voan mỏng
nhẹ. Màn buông mùa hạ cốt để chống muỗi. Về mùa đông, màn nên buông thấp hẹp để
giữ khí ấm.
Gối là để đầu được yên. Gối thấp quá thì đầu ngửa ra, dương
khí không tới, có thể khiến đầu váng mắt hoa. Gối cao quá thì đầu gục xuống,
không chuyển động được. Khi nằm nghiêng, gối cao bằng vai là tốt nhất, khi nằm
ngửa cũng sẽ ngủ yên.
Chăn nên dùng loại có vỏ bằng lụa không quá mềm, còn ruột bằng
sợi bông, dày mỏng khác nhau, tùy tiết trời mà đắp. Đệm là loại lót bên dưới để
cơ thể nằm lên. Người già xương gầy sức yếu, nên nằm đệm dày, nên chuẩn bị nhiều,
nếu lạnh dần thì tăng thêm đệm. Ánh mặt trời rất có lợi cho cơ thể, lại làm bay
đi nấm mốc, đệm nằm lâu độ 2-3 ngày nên đêm phơi ánh mặt trời, nhiều lần càng tốt.
Bốn vị dưỡng sinh hàng ngày
Theo Tô Thức trong Đông Pha chí lâm, đó là vô sự, ngủ sớm,
rảo bộ, ăn khi đói.
Số là, một ngày, có người họ Trương tìm đến xin phương pháp
dưỡng sinh hàng ngày, còn cầm theo cả giấy bút, xin Tô Thức viết ra cho. Nhớ tới
một phương pháp từ thời Chiến Quốc, bản thân làm theo rất công hiệu, Tô Thức
bèn viết ra bài ấy. Người họ Trương mãn nguyện quay về. Xem kỹ ra, phương pháp
bốn vị này thật là kỳ diệu.
Thứ nhất, vô sự còn hơn của quý. Không có việc gì phiền nhiễu,
nên hình thể không vất vả, tâm cũng không lo nghĩ. Thân và tâm đều thư thái,
cho nên quý vậy.
Thứ hai, ngủ sớm còn hơn là giàu. Con người qua tuổi trung
niên, không nên qua đêm, hãy sớm đi ngủ, một giấc ngon lành, cho nên giàu vậy.
Thứ ba, đi bộ yên ổn còn hơn đi xe. Không vướng bận việc gì,
mỗi ngày ngủ sớm, động ít tĩnh nhiều. Dù là có lợi cho dưỡng sinh phần nào,
nhưng cũng có phần bất lợi cho máu lưu thông. Vì vậy, rảo bộ còn hơn đi xe, là
cách tốt để điều hòa động trong tĩnh.
Thứ tư, ăn khi đói còn hơn ăn thịt. Khi đói thì ăn rau còn thấy
ngon hơn đặc sản. Khi no thừa, dù gan rồng trước mặt cũng đành thôi.
Lời răn dưỡng thọ
Cười và buồn: cười một chút, trẻ ra một chút. Buồn một
chút, già thêm một chút.
Tranh và nhường: tranh một chút, gầy đi một chút. Nhường
một chút, béo thêm một chút.
4 điều nên: tóc nên chải nhiều, tay nên xoa mặt, răng
nên gõ nhiều, nước bọt nên nuốt.
Dậy sớm: xuân hạ nên dậy sớm, thu đông tùy giấc nồng.
Nhưng dậy muộn cũng đừng sau khi mặt trời lên, dậy sớm cũng đừng trước lúc gà
báo sáng.
Tửu sắc: ngàn ngày uống thuốc, chẳng bằng ngủ riêng một
đêm. Uống một đấu rượu chẳng bằng ăn một bát cháo.
Răn nóng giận để dưỡng tính, ít tư lự để dưỡng thần, kiệm lợi
nói để dưỡng khí, giảm nghĩ riêng để dưỡng tâm.
Động tĩnh cân bằng
Con người không thể luôn động, cũng không thể luôn tĩnh. Luôn
động thì dương khí tiết, âm khí tổn. Luôn tĩnh thì âm khí tiết, dương khí tổn.
Âm dương mà thiên lệch về một phía thì thương hại rất lớn.
Giấc ngủ
Vương An Thạch có thơ rằng:
Hoa trúc êm song trưa mộng dài
Trong này ngoài ấy tạm chia hai
Núi Hoa ẩn sĩ như trong thấy
Chẳng kiếm thuốc tiên chỉ ngủ dài
Giấc ngủ có hai phép: giữ và thả. Phép giữ là nghĩ suốt tới đỉnh
đầu, lặng nín hơi nhiều lần, đưa lại về đan điền, khiến tâm thần sa xuống,
không ruổi rong chia rẽ, không lâu sau sẽ đi vào giấc ngủ. Phép thả là mặc cho
tâm thần ngao du nơi hư không, cũng có thể mau chóng đi vào giấc ngủ. Kỵ nhất
là trong lòng càng muốn mau ngủ thì giấc ngủ càng khó tới.
Khi ngủ co gối nằm nghiêng, có ích cho khí lực hơn là nằm ngửa
duỗi thẳng.
Áo mặc
Trang phục dày mỏng nên vừa phải, mùa hạ nóng bức không thể cởi
trần, mùa đông giá rét không nên mặc quá nhiều. Mùa hạ nên mặc áo mỏng, mùa lạnh
chớ mặc bông quá dày, khi lạnh tăng hãy thêm áo. Như thế tránh được chợt nóng,
chợt lạnh. Cho nên khi lạnh thì giảm nhiệt, giảm thì không hại ấm; khi ấm thì
thêm lạnh, thêm thì không hại hàn. Nóng lạnh bất thời tự mình cởi ra mặc vào, sẽ
tổn thương hàn nhiệt.
Từ bụng xuống ống chân nên luôn ấm, từ ngực lên đầu nên luôn
mát. Mát mà không giá, ấm mà không táo.
Áo thấm mồ hôi, nên thay luôn đi, áo còn nóng hơi trời, không
nên lấy mặc. Hàn - nhiệt bình hòa, hình - thần điềm tĩnh, bệnh giảm không sinh,
tuổi thọ lâu dài.
Dưỡng sinh nên thích hợp mà thôi
Phép dưỡng sinh, nhổ đừng có xa, đi đừng có vội, nghe đừng
quá thính, nhìn đừng quá rõ, ngồi đừng quá lâu, đứng chớ quá mệt. Lạnh hãy mặc
áo, nóng hãy cởi ra, đói rồi hãy ăn, khát rồi hãy uống. Đừng để quá vất, đừng để
quá nhàn, đừng để quá nóng sinh lạnh, đừng uống rượu hứng gió, đừng tắm nhiều lần.
Mùa đông đừng cầu quá ấm, mùa hạ đừng cầu quá mát. Mưa to gió lớn, quá nóng quá
lạnh chớ có xông pha.
Một bí quyết dưỡng sinh diệu kỳ, đó là “hòa là quý”.
Ngủ là thần dược trị trăm bệnh
Con người được sinh ra, thời gian hoạt động một nửa, thời
gian nghỉ ngơi một nửa. Hoạt động vào ban ngày, nghỉ ngơi vào ban đêm. Nếu ban
ngày vất vả mà đêm không nghỉ, ngày nối ngày sẽ suy nhược, cái chết chẳng bao
sau. Người hiểu phép dưỡng sinh cũng theo thời, lo nghĩ một nửa, yên tĩnh một nửa,
lo nghĩ thì đi đứng, yên tĩnh thì ngủ. Bí quyết dưỡng sinh, nên gìn giữ giấc ngủ
làm đầu. Ngủ là dưỡng tinh dưỡng khí, kiện tỳ ích vị, cứng xương mạnh gân.
Người không bệnh tật gì mà vất vả về đêm, chồng chất nhiều
đêm sẽ không ngủ được, sức mắt suy giảm, tinh khí tiêu điều; dù chưa phát bệnh
nhưng chính là bệnh đang thành hình đó. Người đau bệnh lâu ngày không ngủ được,
bệnh ngày một tăng. Rõ ràng, ngủ không chỉ là giấc ngủ, mà là thuốc đó. Người bệnh
nặng mà chợt được một giấc ngủ say thì khi tỉnh dậy sẽ thấy người hưng phấn.
25 điều cấm kỵ trong dưỡng sinh:
1. Cấm không xuất tinh, tránh yểu thọ
2. Cấm không ăn nhiều, tránh mạch đóng
3. Cấm không thở mạnh, tránh bàng quang động mạnh.
4. Cấm không nằm lâu, tránh tinh khí suy
5. Cấm không quá lạnh, tránh tổn thương cơ bắp
6. Cấm không nhìn lâu, tránh hoa loạn mắt
7. Cấm không nói lâu, tránh khô khát lưỡi
8. Cấm không ngồi lâu, tránh khí ngược.
9. Cấm không ăn quá nóng, tránh tổn thương 5 khí.
10. Cấm không khạc nhổ, tránh mất nước dịch béo bổ
11. Cấm không mừng giận, tránh tinh thần không vui
12. Cầm không ngủ nhiều, tránh tâm thần tản mác.
13. Cấm không ăn quá lạnh, tránh bệnh đầy ứ.
14. Cấm không xì nước mũi, tránh vội vã
15. Cấm không quá mừng, tránh tinh thần bốc đồng
16. Cấm không nhìn xa, tránh làm mệt thần kinh
17. Cấm không nghe lâu, tránh làm sự thông minh bế tắc
18. Cấm không ăn sống, tránh hại đường ruột và dạ dày
19. Cấm không to tiếng, nói vội, tránh kinh động hồn phách
20. Cấm không đi xa, tránh vất vả gân cốt
21. Cấm không nghĩ lâu, tranh ý chí hoảng hốt
22. Cấm không say rượu, tránh tổn thương sinh khí
23. Cấm không khóc lóc, tránh làm tinh thần đau buồn
24. Cấm không dùng nhiều 5 vị, tránh tổn thương ruột và dạ
dày.
25. Cấm không cưỡi ngựa lâu, tránh tổn thương gân mạch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét