Mùa xuân trong dòng chảy thi ca Việt
Từ xưa đến này, trong bốn mùa của năm, mùa xuân có lẽ vẫn là
mùa được thi ca nghệ thuật ưu ái hơn cả, trở thành nguồn đề tài bất tận cho những
người nghệ sĩ ở mọi quốc gia, dân tộc.
So với mùa hè và mùa đông, thời tiết của mùa xuân thân thiện
hơn, không quá nóng không quá lạnh mà vừa đủ ấm áp. So với mùa thu, mùa xuân gắn
với nhiều lạc quan và hy vọng hơn bởi mùa thu đẹp nhưng thường đi cùng nỗi buồn
man mác bâng khuâng, mà người ta không thể bước tới tương lai bằng nỗi man mác ấy.
Trong dòng chảy thi ca Việt, mùa xuân đã đi vào vô vàn các tác phẩm thơ và nhạc
của những nghệ sĩ tài danh, từ truyền thống đến hiện đại, trở thành một dòng chảy
dạt dào với nhiều cung bậc cảm xúc, phong phú về nội dung biểu đạt.
1. Đầu tiên xin nói về mùa xuân trong ca dao. Vẻ đẹp của
mùa xuân trong ca dao truyền thống gắn với lao động sản xuất, gắn với vẻ đẹp của
thiên nhiên, của đất trời: Mùa xuân phơi phới vườn hồng/ Ta về đập đất, ta trồng
lấy cây, Xuân về cúc lại nở hoa/ Trên cành chim sáo hát ca rộn ràng. Và người
xưa cũng ý thức rất rõ về việc phải hưởng thụ mùa xuân, hưởng thụ tuổi trẻ bởi
cái quãng đẹp nhất của đời người ấy không bao giờ trở lại lần thứ hai: Chơi
xuân cho hết xuân đi/ Cái già xồng xộc nó thì theo sau. Mà đã chơi xuân thì bao
giờ cũng phải có đủ nam đủ nữ, phải có tình yêu lứa đôi thì mùa xuân mới thêm đắm
say rạo rực nồng nàn: Có nam có nữ mới nên xuân, Ăn chơi cho hết tháng hai/ Cho
làng đóng đám cho trai dọn đình/ Trong thì chiêng chống rập rình/ Ngoài thì trai
gái tự tình cùng nhau. Mùa xuân cũng chính là mùa của hàng trăm các lễ hội nổi
tiếng trên khắp đất nước, riêng ở miền Bắc đã có thể kể đến hội Lim, hội Gióng,
hội Khám, hội Dâu, hội Hương Tích, hội Phủ Giầy, hội chùa Thày, hội làng La, hội
chùa Láng, hội chùa Hương, giỗ tổ đền Hùng… Và hầu hết các lễ hội nói trên đều
đi vào ca dao, trở thành những câu ca vô cùng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt
của người Việt: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba, Hội
nào vui bằng hội chùa Thày/ Vui thì vui thật chẳng tày rã La, Ai ơi mùng Chín
tháng Tư/ Không đi hội Gióng cũng hư một đời, Ngày xuân con én xôn xao/ Nam
thanh nữ tú ra vào chùa Hương.
2. Sang thời trung đại, vẻ đẹp của mùa xuân đều in dấu
trong thơ của những danh gia. Từ thế kỷ XI, Mãn Giác thiền sư qua bài kệ nổi tiếng
Cáo tật thị chúng đã nói với chúng ta những quy luật của mùa xuân, của đất trời
cùng sự đề cao giá trị tinh thần trong tư duy, trong suy nghĩ nội tại, nhấn mạnh
vào niềm tin tưởng ở sự sống, ở tương lai: Xuân qua trăm hoa rụng/ Xuân tới
trăm hoa cười… Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành
mai. Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV cũng có khá nhiều câu thơ, bài thơ về mùa xuân, thể
hiện niềm lạc quan yêu đời, ung dung tự tại. Con người sống chan hòa cùng cảnh
sắc thiên nhiên của mùa xuân dù xuân đang dâng tràn hay “xuân đã muộn”: Cỏ xanh
như khói bến xuân tươi/Lại có mưa xuân nước vỗ trời (Bến đò xuân đầu trại),
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn/ Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan (Cuối xuân tức sự).
Liền ngay sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ XVI cũng có những vần thơ
về mùa xuân trong sự tận hưởng cuộc sống theo lẽ tự nhiên nhi nhiên: Thu ăn
măng trúc đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao (Nhàn). Đại thi hào Nguyễn Du
trong Truyện Kiều cũng có những câu thơ tả vẻ đẹp trong ngần, tinh khôi, đầy ắp
sức sống của mùa xuân: Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài
bông hoa/ Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh/ Gần xa
nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hành du xuân. Cũng trong Truyện Kiều, chữ
“xuân” còn được dùng để miêu tả về vẻ đẹp của những người phụ nữ: Làn thu
thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh, Bóng hồng nhác thấy nẻo
xa/ Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai. Dĩ nhiên không chỉ có niềm vui, mùa xuân
còn gắn cả với những nỗi buồn, nỗi cô đơn lẻ loi của một khát khao hạnh phúc
còn dang dở như trong thơ Hồ Xuân Hương: Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/ Mảnh
tình san sẻ tí con con (Tự tình 2), Chơi xuân có biết xuân chăng tá/ Cọc nhổ đi
rồi lỗ bỏ không (Đánh đu).
3. Phong trào Thơ Mới 1932-1945, đỉnh cao của thơ ca Việt
Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX có rất nhiều thi phẩm độc đáo, xuất sắc về mùa
xuân, nhưng tựu trung lại có thể chia làm hai khuynh hướng: mùa xuân gắn với nỗi
buồn và mùa xuân gắn với niềm vui. Nỗi buồn giống như một thứ mỹ cảm bao phủ
bàng bạc khắp Thơ Mới bởi nó ngầm chứa tâm trạng của tầng lớp tri thức trong
hoàn cảnh nước nhà còn mất độc lập tự do, chưa thể tìm thấy hay xác định rõ
ràng một con đường tương lai cho mình. Chế Lan Viên đang ở trong tuổi xuân mà
viết những câu thơ từ chối mùa xuân, chán ghét mùa xuân: Tôi có chờ đâu có đợi
đâu/ Đem chi xuân đến gợi thêm sầu/ Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không
ngoài nghĩa khổ đau/ Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá
vàng/ Với của hoa tươi muôn cánh rã/ Về đây đem chắn nẻo xuân sang (Xuân). Hàn
Mặc Tử thì viết bài lục bát Sầu xuân gồm 12 câu mà có đến 14 chữ xuân, chữ xuân
nào cũng buồn bã lạnh lùng hoang vắng trống trải. Bi kịch của con người được đẩy
cao đến độ, khi đã trốn vào hạnh phúc của ân ái, của tình yêu đôi lứa mà vẫn
không thoát khỏi nỗi buồn: Thề xuân dù chẳng vuông tròn/ Khóa buồng xuân lại vẫn
còn sầu xuân. Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính cũng thật buồn với nỗi ly biệt quê
hương, xa nhà nhớ chị và tấm thân phiêu bạt giang hồ: Bốn bể vẫn chưa yên sóng
gió/ Xuân này em chị vẫn tha hương/ Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ/ Son sắt say
hoài rượu viễn phương/ Em đi non nước xa khơi quá/ Mỗi độ xuân về bao nhớ
thương (Xuân vẫn tha hương). Nhưng cũng chính những thi sĩ trên lại có những vần
thơ khác về mùa xuân tươi vui, trong trẻo: Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi
mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý.
Bóng xuân sang (Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử), Đây cả mùa xuân đã đến rồi/ Từng
nhà mở cửa đón vui tươi/Từng cô em bé so màu áo/ Đôi má hồng lên, nhí nhảnh cười
(Thơ xuân – Nguyễn Bính). Nhưng say đắm tươi vui rạo rực nồng nàn với mùa xuân
nhiều hơn cả trong phong trào Thơ Mới phải kể đến Xuân Diệu, người từng được mệnh
danh là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới, hoàng tử thơ tình: Xuân đang
đến nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết là đời
tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng nhưng lượng đời cứ chật… Hỡi xuân hồng ta muốn cắn
vào ngươi! (Vội vàng), Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi xuân đã đến lâu
rồi (Nguyên đán), Tình không tuổi và xuân không ngày tháng (Xuân không mùa).
4. Cách mạng Tháng 8 thắng lợi, cả đất nước chuyển mình
bước sang trang sử mới. Mùa xuân trong thi ca từ nay dứt hẳn vẻ buồn bã u uẩn,
chỉ còn lại niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Mùa xuân trở thành biểu tượng tươi
đẹp trong một loạt ca từ của những ca khúc kháng chiến xuyên suốt từ thời kỳ chống
Pháp sang thời kỳ chống Mỹ: Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng. Một mùa
xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi (Đảng cho ta một mùa xuân - nhạc và lời:
Phạm Tuyên), Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai (Bài ca hy vọng - nhạc
và lời: Văn Ký), Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời (Biết
ơn chị Võ Thị Sáu - nhạc và lời: Nguyễn Đức Toàn), Đất nước hòa bình hạnh phúc
ta như mùa xuân (Tình ca Tây Bắc - nhạc: Bùi Đức Hạnh, thơ: Cầm Giang), Vì độc
lập tự do, quyết giành ấm no giành lấy những mùa xuân (Bác vẫn cùng chúng cháu
hành quân - nhạc và lời: Huy Thục), Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam (Người
con gái sông La - nhạc: Doãn Nho, lời: Phương Thúy), Tổ quốc bay lên bát ngát
mùa xuân (Dáng đứng Việt Nam - nhạc: Nguyễn Chí Vũ, thơ: Lê Anh Xuân). Đại thắng
mùa xuân năm 1975 thống nhất hai miền là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Văn Cao viết
nên tuyệt phẩm Mùa xuân đầu tiên với những ca từ giàu chất thơ, gây xúc động
lòng người: Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên… Bước sang thời bình, mùa xuân càng nở rộ
hơn nữa trong nhiều sáng tác của các nhạc sĩ, thi sĩ. Mùa xuân gắn với sự chuyển
mình của cả dân tộc, cùng nhau xây dựng đất nước quê hương trong thời kỳ mới,
mùa xuân gắn với tình yêu đôi lứa, gắn với sự cống hiến góp sức của từng con
người. Có thể kể đến vô vàn những ca khúc mùa xuân sau 1975, trong đó nhiều ca
khúc được phổ từ những bài thơ: Mùa xuân bên cửa sổ (nhạc: Xuân Hồng, thơ: Song
Hảo), Mùa xuân nho nhỏ (nhạc: Trần Hoàn, thơ: Thanh Hải), Mùa xuân làng lúa
làng hoa (nhạc và lời: Ngọc Khuê), Tình ca mùa xuân (nhạc: Trần Hoàn, thơ: Nguyễn
Loan), Hơi thở mùa xuân, Lắng nghe mùa xuân về (nhạc và lời: Dương Thụ), Lời tỏ
tình của mùa xuân (nhạc và lời: Thanh Tùng)…
Trong một bài viết nhỏ, khó mà có thể kể hết, phân tích cho hết
những tác phẩm về mùa xuân trong dòng chảy vĩ đại của nguồn thi ca dân tộc. Cuộc
đời mỗi con người có thể được đón nhiều mùa xuân, nhưng mùa xuân đẹp nhất chính
là mùa xuân ở trong tâm hồn người. Khi có niềm tin và tình yêu thì cũng có
nghĩa là mùa xuân sẽ còn mãi mãi, mùa xuân luôn vẫy gọi ta phía trước như trong
câu thơ mà thi sĩ Bùi Giáng đã viết cách đây hơn nửa thể kỷ: Xin chào nhau giữa
con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau (Chào nguyên xuân).
17/4/2019
Đỗ Anh Vũ
Theo http://daidoanket.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét