Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Trôi đi những tháng ngày

Trôi đi những tháng ngày
Thế giới là một hài kịch đối với những kẻ suy nghĩ, 
một bi kịch đối với những kẻ cảm nhận.
Horace Walpole

Ở lứa tuổi hai mươi người ta ít chóng quên hơn, người ta rơi lệ mà không biết hổ thẹn, và người ta âu yếm soi gương để được ngắm bóng mình đang khóc.
Francoise Sagan
Hài kịch là bi kịch xảy đến cho kẻ khác.
Angela Carter
Tuổi thơ dại thường dễ cảm, dễ buồn. Ðó là hạnh phúc, ơn riêng của Trời, việc chi mà hổ thẹn.
PhạmVăn Hạnh (Giọt sương hoa)
Văn học Việt hải ngoại không thiếu Việt Nam. Mà thiếu thế giới.
Phạm Thị Hoài (Gốc)
Tự do đến tân hình thức
Tôi có hai kỷ niệm, một vui, một buồn, với ông Nguyễn Du. Buồn, thời tiểu học, khi bị quì và ăn trứng vịt, vì không thuộc bài "Kiều đi thanh minh". Vui, thời trung học, vì đứng đầu khi thi ám đọc với đoạn "lầu xanh mới rủ trướng đào" do mình lựa chọn, trong lúc cả lớp chỉ ê a "trăm năm trong cõi người ta" trả nợ cho thầy.
Khi tới nước ta để cai trị, ngoài các công sở, dinh thự (như dinh toàn quyền, thành lính, tòa án, tòa bố, kho bạc, bưu điện, nhà tù, nhà thờ, nhà thương, rạp hát, trường học, v.v... (người Pháp cũng có xây thêm một cái nhà chứa. Trước, là để phục vụ các viên chức độc thân và lính săng đá. Sau, họ cho dân ta chơi ké. Nhưng họ không đặt tên.
Ngưng Bích là một cái tên khá xinh cho một cái nhà thổ. Không biết đã do ai đặt cho. Tú Bà? Thanh Tâm Tài Nhân? Nguyễn Du? Nếu do Tú Bà thì điều đó chứng tỏ mụ ta không thể là một người hoàn toàn độc ác. Bởi mụ cũng có tâm hồn thi sĩ như ai. Hay ngược lại. Ðiều này chứng tỏ rằng các nhà thơ, nghĩa là những người mang tâm hồn thi sĩ, cũng có thể là những kẻ thâm độc trăm phần. Xin để bạn đọc tự tìm lấy một ví dụ.
Tôi làm các bài thơ đầu tiên bằng tiếng Pháp, hơn chục bài, trong năm thi tú tài toàn phần. Sau được một người bạn mang về Pháp in cho vài chục cuốn. Tôi chọn tựa Rainbow cho tuyển tập này, nhại tên nhà thơ Rimbaud tôi yêu thích. Tất nhiên chúng chẳng có tí gì là Rimbaud cả, mà nặc mùi Prévert, Bécaud. Xong tú tài tôi thi vào sư phạm ban Pháp ngữ. Ra Ðại học Sư phạm Sài Gòn khóa đầu (1961) tôi được bổ về Chu Văn An. CVA (trường Bưởi ở Hà Nội) lúc đó đã dọn về ngôi trường mới xây tại ngã sáu Chợ Lớn, ở góc đường Triệu Ðà-Minh Mạng. Từ ngày đi dạy tôi bỏ làm thơ. Nhưng tôi ham đọc và năng theo dõi thơ tiếng Việt hơn, nhờ một sự gặp gỡ tình cờ lúc tôi còn học sư phạm. Một buổi chiều, rời thư viện, tôi thả bộ theo đường Tự Do rồi rẽ xuống Lê Lợi. Tôi ghé lại một sạp báo kế bên nhà sách Khai Trí. Trên một tờ báo, không nhớ là báo gì, tôi thấy có trích dẫn đoạn thơ sau:
Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai
Nếu đời không còn những buổi mai
Anh trở dậy
Ðọc thơ Nguyễn Du
Những câu lục bát buồn rưng rưng cuối đường
của một ngày
Chợt anh muốn viết tặng em
Nhưng không thể được
Em làm con tin của một thế giới
Ðó là đoạn đầu một bài thơ Thanh Tâm Tuyền. Ðoạn hai tôi chỉ nhớ mấy câu:
Sự vắng mặt của em và bãi biển mùa đông
Em đi không nón không áo choàng
Mưa rơi tầm tã...
Bài thơ tiếng Việt này khiến tôi giật mình. Lúc đó tôi đã ớn thơ cũ, thơ mới, chỉ đọc thơ ngoại thôi. Tôi thích bài này, phần, có lẽ vì đoạn cuối gợi nhớ Barbara của Prévert. Bài thơ này không hiểu sao ít thấy trích dẫn, sau này tôi để tâm tìm lại mà không được. Sau khi khám phá Thanh Tâm Tuyền, tôi được biết thêm một số các nhà thơ khác trên các tờ Văn Nghệ, Thế Kỷ 20, Sáng Tạo. Tôi chỉ đọc thơ trên các tạp san này. Vì không thích văn xuôi nên tôi xé các trang thơ ra, sau mang đến tiệm nhờ đóng lại thành một tập riêng, lấy tên Thơ Tự Do.
Ðầu năm 1970, các nhà giáo ở tuổi động viên được lệnh nhập ngũ. Ở quân trường tôi gặp lại Hoàng Ngọc Biên, một bạn thân từ trung học và đồng hành trong việc đọc tiểu thuyết mới. Mấy năm cuối thập niên 50 và đầu 60, ở Sài Gòn, chắc chỉ có hai đứa tôi là đệ tử của NR. Biên thích Butor, tôi thích Simon. Biên học Ðại học Sư phạm Ðà Lạt, được bổ về Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho. Dạy được vài năm Biên xin chuyển ngành đổi về Nha học liệu. Tại quân trường tôi cũng có gặp Nguyễn Xuân Hoàng nhờ Biên giới thiệu.
Sau chín tuần ở quân trường, chúng tôi được biệt phái về nhiệm sở cũ. Một hôm Hoàng Ngọc Biên ghé chơi nhà có dắt theo một ông đeo kiếng cận dày, hay mỉm cười pha trò. Ông này là nhà thơ Diễm Châu, giáo sư Anh ngữ trường sư phạm Thủ Ðức, vừa tu nghiệp bên Mỹ mới về. Sinh tại Hải Phòng, anh DC là nhà văn, nhà thơ, dịch gỉa văn và thơ tài hoa. Khi còn ở miền nam Việt Nam trước 1975, anh đã dịch một số tác phẩm của Ferreira de Castro, Akutagawa Ryunosuke, Kenzaburo Oe, Vladimir Dudintsev, Edward Albee, Friedrich Dürrenmatt, Slawomir Mrozek, Jorge Amado... Sang Pháp định cư với gia đình tại Strasbourg (miền Alsace-Lorraine gần biên giới Ðức) từ năm 1984, DC đã gặp được một tri kỷ: nhà thơ Roland Reutenauer. Nhà thơ Rê-nan và nhà thơ Viêt Nam hiện có một chung một gia trang rất xinh (www.reutenauer.nom.fr). Một bài ngắn DC làm ở Lộ Trấn:
... đập nát một viên ngói cũ
cũng chỉ thấy một mảnh trời xám màu chì
mưa như chân nhện chấp chới trên lối đi
một con thuyền giấy bềnh bồng trên dòng lũ!
(THUYỀN GIẤY, 12.97)
Nhà tôi khi đó ở trong một đường cụt bên hông sứ quán Tây Ðức trên đường Võ Tánh, không mấy xa khu đại học trên đại lộ Cộng Hòa, cũng có trường Pétrus Ký, và Nha học liệu trên khu đất trống phía sau ngôi trường này, cạnh sân bóng đá. Xế ngõ nhà tôi lại có một tiệm bánh nhỏ nên HNB và DC thường ghé chơi với vài chiếc croissants hay pâtés chauds, khoảng chín mười giờ sáng lúc tôi vừa thức dậy (tôi thích dậy trưa). Tôi đóng góp cà phê và chúng tôi ăn bánh nóng, nhâm nhi chất nước đen thơm (thường là cà phê bột mua ở chợ trời trên các lề đường bày bán đồ PX Mỹ) và bàn chuyện thời sự... văn nghệ.
Anh DC lúc đó là tổng thư ký tờ Trình Bầy và nhật báo Làm Dân (do nhà văn Thế Nguyên chủ bút), và biên tập viên các tạp chí Văn mới, Hành trình, Ðất Nước, Ðứng dậy, tuần báo Công giáo và Dân tộc. DC lái chiếc xe máy Yamaha dame. HNB thì tôi không nhớ, có thể là một chiếc Suzuki. Nhờ DC tôi mới biết các bài điểm sách với chú thích tỉ mỉ (các tài liệu dẫn chứng có ghi số trang, tên sách, thư viện) của Borges, là chuyện... phịa. Nhà văn Á-căn-đình có tính lười, thay vì "viết" cả một cuốn truyện tốn thì giờ vô ích cho người viết lẫn người đọc, ông chỉ "điểm sách" thôi, một trò chơi văn chương chữ nghĩa siêu việt. Những mê cung, mê đạo, những mặt gương đối diện phản chiếu những hình ảnh nhân lên bất tận trong không gian, của Borges, đã ảnh hưởng sâu xa và trở thành đề tài chính trong tiểu thuyết A. Robbe-Grillet. Anh DC rất trân trọng văn thơ của các tác giả anh dịch, có khi lại quá kỹ lưỡng nên không dám xê dịch một cái dấu phẩy, nhưng anh cũng là một "editor" tài giỏi (trường hợp tôi). Thế Nguyên muốn quy tụ những cây bút cỏi mở (liberal) để trình bày những vấn đề quốc gia và quốc tế. Thái độ minh bạch của Trình Bầy khiến tờ báo bị tịch thu nhiều lần. Tôi thích không khí và tinh thần Trình Bầy nên làm đại một bài thơ tiếng Việt chơi. Ðó là bài Bây giờ trên quê hương chúng ta, đăng trên TB số 3 (1.9.1970). Bài thơ tiếng Việt đầu tay này chịu ảnh hưởng hai bài America và Zone của Ginsberg, Apollinaire. Tôi muốn tránh dùng các mỹ từ, ẩn dụ bóng bẩy, chỉ sử dụng ngôn ngữ đời thường:
bây giờ trên quê hương chúng ta có những người đại hàn
những người thái những người úc những người mỹ
những người phi luật tân những người tân tây lan
bây giờ trên quê hương chúng ta có những người mặc quần
áo hippie
có những người khoe jeans levis váy ngắn
có những người ngồi nhà hàng máy lạnh maxim's
bây giờ trên quê hương chúng ta có những người cựu chiến binh
có những người lính cụt tay cụt chân
có những người con gái bán bar có những người đàn bà bỏ quê
hương xứ sở để theo chồng
có những đứa trẻ hút thuốc salem có những đứa trẻ không biết
nói cám ơn có những đứa trẻ chửi đụ má
có những đứa trẻ
những con chó đói lang thang
bây giờ trên quê hương chúng ta có những tờ playboy
có những bà già sáu lăm tuổi hừng đông đi bán bánh mì
có những đứa con trai chết trận có những người không tật
nguyền ăn xin những thằng mù
ca hát
có những người không hèn mạt
có những người điên
bây giờ trên quê hương chúng ta có những trái bom
bây giờ trên quê hương chúng ta có những đồng bào đói và
những con chuột mập
có những tiếng súng nổ trong buổi sớm mai
có những tiếng súng nổ trong giờ giới nghiêm
có những người xê dịch bằng xe lam
có những người tậu nhà lầu
có xa lộ cho đồng minh chuyển quân
có xa lộ cho người ta hôn nhau
có xa lộ cho người ta vồ nhau
có xa lộ cho người ta hiếp dâm
có xa lộ cho người ta bắn giết cướp giật
có xa lộ có xa lộ cho người ta được sống được chết thêm
mỗi ngày
bây giờ trên quê hương chúng ta có những tờ báo ra
buổi chiều bị tịch thu
có những dãy chợ trời dài có những đồ phế thải
có những đống rác thật to
bây giờ trên quê hương chúng ta có những thiếu niên bán dâm
bây giờ trên quê hương chúng ta có những thiếu nữ lỡ thời
bây giờ trên quê hương chúng ta có những tờ bạc gỉa
có những tổ chức buôn lậu hongkong saigon namvang manille
có những vũ nữ sexy
có những điếu thuốc cần sa
có những hộp đêm sang trọng
có những nhà tắm hơi đấm bóp mát xa
bây giờ trên quê hương chúng ta có khói lựu đạn cay sặc sụa
bây giờ trên quê hương chúng ta có những điệu hát buồn bã
có những tối truyền hình cải lương thằng tư ngồi bên con tám
có những tiếng than có những tiếng thở có những tiếng rên la và
có những tiếng cười buốt giá
bây giờ trên queâ hương chúng ta có những cửa sổ khép kín
bây giờ trên quê hương chúng ta có những chiếc lá vàng bay
bây giờ trên quê hương chúng ta có một mặt trời đen
bây giờ trên quê hương chúng ta có một bầu trời đỏ
bây giờ trên quê hương chúng ta có những đám mây mù
bây giờ trên quê hương chúng ta có một cơn gió rét
bây giờ trên quê hương chúng ta có một bãi tha ma
bây giờ trên quê hương chúng ta có những ngày tháng trôi qua
(BÂY GIỜ TRÊN QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA, 1970, có sủa chữa thêm)
Ðó là thời tôi cảm nhận cuộc đời. TB số 5 ra ngày 1.10.70 có đăng một bài thơ của Yuli Daniel do tôi dịch qua bản tiếng Anh của Adrian Mitchell, bài thơ dịch đầu tiên của tôi, được ban biên tập giới thiệu như sau:
"Cuối năm 1965, Yuli Daniel, một thi sĩ khiêm dịch gỉa từng xuất hiện nhiều lần trên Tạp chí Văn nghệ Novy Mir của Liên-sô, đã bị bắt giữ cùng với Andrei Siniavsky, vì đã cho xuất bản một số các tác phẩm của mình ở nước ngoài. Tháng Hai 1966, Tòa án Liên-sô đã kết án Siniavsky 7 năm cấm cố và Yuli Daniel 5 năm về tội 'tuyên truyền và gây rối chống Sô-viết'. Vụ án này đã khiến nhiều nhà văn trên thế giới lên tiếng than phiền, và đặc biệt nhà văn Cộng sản Pháp Louis Aragon đã bất bình tuyên bố: 'Tước đoạt tự do của các nhà văn đó vì một cuốn tiểu thuyết hay một cái truyện ngắn là... tạo ra một tiền lệ có hại cho quyền lợi xã hội chủ nghĩa...' Trung tuần tháng 9 vừa qua có tin Yuli Daniel đã được nhà cầm quyền Liên-sô phóng thích. Tuy nhiên, Larissa Daniel, vợ của Yuli hiện vẫn còn bị giam giữ tại Tây-bá-lợi-Á vì đã phản kháng việc giam giữ các nhà văn. Bài thơ sau của Daniel xuất hiện trên tờ Samizdat, một tờ báo lưu hành tại Mạc-tư-khoa."
BẢN ÁN
Anh sẽ không được nghĩ những ý nghĩ của riêng anh
Không được nhớ nhà, không được bác bỏ khẩu phần đã định
Anh là thấu kính, một tờ giấy trống không
Anh bị quăng xuống dòng nước này như cái lưới.
Nỗi buồn anh phải thấm hút mọi nỗi buồn trái nghịch
Nhà tù sẽ tăng thêm tuổi tác cho anh
Và dầu mệt mỏi, anh vẫn phải đeo gánh nặng này
Những nét đặc thù của một cảnh trí xa lạ miền bắc.
Ước chi sự nhức nhối của vết thương anh
Nhắc anh tới những què cụt của người khác.
Ðắm trong định mệnh của nhân loại
Ðịnh mệnh anh từ đây là khắc khoải lo âu.
Mỗi một ngày anh phải xóa đi đường phân cách
Giữa cái "mọi người" rất nặng và "cái tôi" thật nhẹ
Mỗi ngày anh phải chết cho những kẻ
Mà cái chết đã âm thầm.
Nước mặn sẽ là thức uống của anh
Bánh mì sẽ đắng hơn, anh sẽ chẳng còn mơ những giấc mơ
Bao lâu anh còn nhìn thấy những khuôn mặt vây quanh này
Bao lâu những người tù phát lưu còn mang đồng phục đen.
Tôi có chấp nhận bản án của tôi không ư? Dạ, thưa có.
Trình Bầy Xuân Tân Hợi gộp chung hai số 12 và 13 (15.1 & 1.2.72) có đăng Tiểu thuyết, truyện ngắn đầu tiên của tôi, viết theo "tiểu thuyết mới". Tất nhiên còn vụng về, nhưng chắc vẫn đọc được, vì lối kể chuyện vòng vo và miêu tả tỉ mỉ, để tránh né cái việc quan trọng, là án mạng và hiếp dâm một cô gái. Tờ Việt có đăng lại truyện này trên số 7, đầu năm 2001, với chủ đề "Cộng hòa văn chương thế kỷ 21" để bổ túc cho Tiểu thuyết 2, đăng trên số 6, giữa năm 2000, với chủ đề "Văn chương Việt Nam bước vào thế kỷ 21". Với Tiểu thuyết 2 tôi muốn áp dụng dòng chảy ý thức, độc thoại nội tâm, thử nghiệm câu chữ bất tận. Cho vui. Nhưng hình như lối viết này cũng đã ảnh hưởng tới một, hai người rồi. Sau số Xuân Tân Hợi của TB, tôi tiếp tục đóng góp thơ mình, thơ dịch, và các bài tùy bút, đăng trong mục Nhật ký tập thể, cho tới ngày TB đình bản.
Những bài thơ dịch và hai bài thơ ngắn của tôi được TB in chung thành một tập nho nhỏ với tựa đề Thơ (Tuyển tập thơ thế giới, 1971), gồm một số thơ của các nhà thơ Paul Éluard, LeRoi Jones, Pablo Neruda, Hsu Chih Mo (Từ Chí Ma), Yuli Daniel, G. Apollinaire, Gregory Corso, Octavio Paz, René Char, Langston Hughes, Ai Ts'ing (Ngaœi Thanh), Georges Brassens, Vasko Popa, Tsuboi Shigeji, A.Ginsberg, David Diop. Bìa Hoàng Ngọc Biên. Tựa Diễm Châu. Xin trích dẫn lời tựa: "Cái bập bẹ của những câu thần chú áp đặt sự hiện diện của con người sơ khai trước những sức mạnh biểu lộ thiên nhiên, cái nhịp nhàng rắn chắc của tiếng hò đẩy tới và ca ngợi những lao tác của tập thể sản xuất, cái thì thầm của một thế kỷ chợt tỉnh dậy thấy mình lạc mất anh em và chính bản thân... đều chảy ra từ sự kỳ diệu của khí cụ ngôn ngữ, từ sự ngỡ ngàng trước đời sống đổi mới từng giây, và từ sự ý thức về khả năng bất tuyệt củacon người tự vượt mình dầu bị cột chặt vào không gian, thời gian và đoàn thể. Ðó, cái nguồn vạm vỡ của Thơ, khát vọng thăng hoa xinh đẹp nhất của loài người."
Ðây là tập thơ duy nhất của Tủ sách Thơ Trình Bày ở Sài Gòn trước tháng Tư 75.
Ra hải ngoại, khi liên lạc được với nhau, thỉnh thoảng tôi có đóng góp cho các tờ Nhịp Cầu, Thuỷ Triều (Ðức), Tập san Văn Hóa Việt Nam (New York, họa sĩ Nguyễn Quỳnh chủ biên) Thế Kỷ 20 (bộ mới), Hợp Lưu (Mỹ), rồi Tạp chí Thơ (Mỹ) và Việt (Úc). Khoảng giữa thập niên 80, anh Diễm Châu ở Strasbourg cũng rục rịch lo việc hồi sinh Tủ sách Thơ Trình Bầy, do anh chủ nhiệm, với ban biên tập: Hoàng Ngọc Biên, Diễm Châu, Nguyễn Ðăng Thường. Tập thơ của tôi lại được tái bản để làm tác phẩm khai trương. Từ đó tới nay TB hải ngoại đã có được 70 đầu sách (có thể sẽ lên tới 100) với các nhà thơ Việt Nam và thế giới, in ấn công phu, trình bày trang nhã, mỹ thuật, tất cả đều do một tay anh DC với một budget tí hon. Công lao của anh đã được sứ quán Ru-ma-ni vinh danh với Giải thưởng Quốc tế Lucian Blaga (1885-1961) về Dịch thuật năm 2000 "xét vì những gì ông đã làm cho thơ Ru-ma-ni". TB nay cũng có thêm một Tủ sách Tư Liệu Thơ, in khổ A4 xếp gập lại làm ba theo chiều ngang, như lá sớ hay người đẹp cổ dài rất đài các.
Khoảng cuối thập niên 80 tôi quen anh Ðỗ Kh. Tôi có gửi tặng anh Nguyễn Xuân Hoàng tập Văn xuôi của chuyến xe lửa xuyên Tây-bá-lợi-á và của cô bé Jehanne de France của B. Cendrars do tôi dịch và TB in. Anh Ðỗ Kh. cũng có dịch tập thơ này được phân nửa rồi. Anh tới tòa soạn Thế Kỷ 20 ở Nam California thăm anh NXH lúc đó đang làm tổng thư ký. Thấy tập thơ của tôi trên bàn viết, tác giả Ði tây và Cây gậy làm mưa rất ngạc nhiên. Anh hỏI NXH về tôi và xin địa chỉ để biên thư. Nhờ vậy chúng tôi mới biết nhau. Sau đó anh Khiêm có gửi cho tôi đọc bản dịch Ðoản khúc để mùa xuân đến vội, một bài thơ dài của Jean Ristat do anh chuyển ngữ.
JR là một nhà thơ Pháp. Ông là người đồng tính và còn trẻ khi bài thơ xuất hiện vào năm 1978, được nhà thơ cộng sản Louis Aragon để ý. Ông Aragon là một người đồng tính lén lút, đã kết hôn với nhà văn Elsa Triolet. Bài thơ Les yeux d'Elsa (Ðôi mắt Elsa) của ông là một tuyệt tác làm theo thể thơ cổ điển mười hai âm. Lúc đó Elsa Triolet đã qua đời, Aragon đã trọng tuổi. Ông mời Ristat về ở chung để làm thư ký riêng cho ông, rồi dần dà ông giao luôn việc điều hành tài sản cho Ristat. Về hình thức, có thể coi Ðoản khúc như một bài tân hình thức. Xin chép lại nguyên văn phần chú thích của dịch giả:
"Ode pour hâter la venue du printemps của Jean Ristat xuất hiện trên tờ La Nouvelle Critique lúc bài thơ được làm ra vào mùa đông 1977-78 và được đăng thành nhiều kỳ. Là tập san dành cho trí thức cuả Ðảng Cộng Sản Pháp, lúc đó La Nouvelle Critique tích cực góp phần vào việc "đổi mới" Ðảng theo chiều hướng đưa ra trong Ðại Hội thứ 22 hồi đầu năm. Ðại Hội này khước từ thuyết "chuyên chính vô sản", đưa ra khẩu hiệu "Xã Hội Chủ Nghĩa Với Bộ Mặt Nhân Bản" và tập trung vào tương lai chấp chính bằng lá phiếu. Sau 20 năm liên tục cầm quyền của phái hữu, nền Ðệ Ngũ Cộng Hòa dường như không còn đáp được những mong mỏi của cử tri. Tháng Ba 1977, liên minh phe tả (gồm Ðảng Xã Hội, Cộng Sản và Cấp Tiến-Radical Cánh Tả) tập họp lại trong "Chương Trình Chung" vừa mới chiếm được đa số phiếu trên cả nước trong kỳ bầu cử các hội đồng thị xã.
Vào cùng lúc, ở bờ bắc của Ðịa Trung Hải, cái phong trào được gọi là "Âu Cộng" rục rịch thành hình. "Âu" ở đây mang nghĩ là "Tây Âu", để (nhè nhẹ) phân biệt với nền Xã Hội Chủ Nghĩa hiện thực đang cai trị ở Ðông Âu. Các Ðảng Cộng Sản Ý, Bồ Ðào Nha, Hy Lạp cũng như trường hợp Pháp đều tìm cách đứng xa ra những giáo điều điển hình (lúc đó vẫn còn) được Liên Xô tiêu biểu. Mười năm sau sự thất bại (chính trị) của cuộc biến động xã hội mùa xuân 1968 của thanh niên và công nhân Âu Châu, đây là lần đầu phong trào lao động gần gũi nhất với một cơ hội nắm quyền bằng lá phiếu. Nếu không kể những năm đầu sau Ðệ Nhị Thế Chiến, chưa bao giờ Ðảng Cộng Sản Pháp lại được cử tri tín nhiệm đến thế, với 22% số phiếu.
Người ta nôn nao đợi kết quả quyết định của cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp trong mùa xuân sắp tới, mùa xuân 1978. Cơ hội này, cơ hội để thay đổi đã không đến. Ngay trước dịp tuyển cử quốc hội, liên minh phe tả của "Chương Trình Chung" tan vỡ. Ðảng Cộng Sản trở về con đường riêng rẽ quen thuộc của những thập niên trước, của những năm 30 chẳng hạn, khi mà Aragon kêu gọi "Nã súng vào những con gấu thông thái Dân Chủ Xã Hội" trong bài "Tuyến Ðỏ ở cái thời của chiến thuật chính thức "Giai cấp chọi giai cấp". Sau đó cả phong trào "Âu Cộng" đó đây cũng tàn lụi, cuộc kết hợp trắc trở giữa Xã Hội/ Dân Chủ Xã Hội và Cộng Sản Cải Cách/ Cộng Sản Ðổi Mới để cùng chấp chính ở Tây Âu bị đình chỉ. Ðó là bối cảnh chính trị của bài thơ.
"Ode... ngoài ra, dĩ nhiên, còn là một bài thơ tình.
"Khi đường phố Âu Châu năm 1968 nhất loạt dậy tiếng hò làm loạn, phết phấn màu lên trật tự cũ màu xám, thì tự do luyến ái được đặt ra hàng đầu trong những đòi hỏi về tự do xã hội. Tự do luyến ái, đã tự do thì bất kể phải khác tính hay là (như ở đây) đồng tính. Khi bài thơ này ra đời, thì Liên Xô (và ở nhiều nơi chẳng dính dáng gì đến những đồng chí của Ristat) đồng tính luyến ái vẫn được chính thức coi là một căn bệnh tâm thần (cùng hàng với bệnh chống đối chế độ chẳng hạn), cần phải giật điện cho chừa trong những nhà thương điên.
Về hình thức, bài thơ cứ mỗi câu mười hai âm tiết lại xuống hàng, bất kể đang ở đầu hay giữa của một chữ Pháp, lại vốn là một ngôn ngữ đa âm. Nguyên tác không có dấu chấm, phẩy. Các tên gọi, địa danh đều không viết hoa. Chữ hoa chỉ được dùng ở mỗi đầu câu. Ngoài ra, tác gỉa còn viết hoa mỗi lần dùng từ "Ô" (Hỡi, tiếng Pháp) mặc dù ở giữa câu. Phụ bản là một tấm ảnh của Etham Russell chụp Mick Jagger (ca sĩ của ban Rolling Stones) có Ristat dán thêm vào các hàng chữ:
"Như là chính giọng
của
Byron".
Ode pour hâter la venue du printemps được nhà Gallimard xuất bản vào cùng năm 1978 trong tập NRF."
Dưới đây là đoản khúc 18:
Em bé hỏi tôi có yêu
Em không này em hãy nhìn đôi bàn
Tay tôi trầy trụa như một
Mặt gương tình yêu đã biến tôi thành
Một kẻ tật nguyền và trong
Paris tôi đi khập khiễng cùng với
Ðĩ trò chuyện đường saint de
Nis cô ta tên marie
Thérèse trong một quán rượu hoa kỳ
Có sâm banh sùi bọt chaœy
Cô ta bảo tôi chán bọn đàn ông
Chúng nó chỉ biết có khoái
Lạc ích kỷ cứ nghe lời tôi đi
Thật ra thì chính một người
Ðàn bà mới là người bị đóng đanh
Trên thập giá
(ÐOẢN KHÚC ÐỂ MÙA XUÂN ÐẾN VỘI)
Ðọc xong bản dịch tôi thích quá. Tôi cho rằng với bản dịch này anh Ðỗ Kh. đã cách tân thơ lục bát dù không cố tình. Tôi bèn thử nghiệm, bắt chước vắt dòng, nhưng thay vì lục bát tôi chọn thể thơ bảy chữ, làm bài Những nụ hồng của máu (đăng trên Thế Kỷ 20 số 27, tháng 7.1991). Trong bài này ngoài "ngôn ngữ hè phố" tôi thử đưa vào hình ảnh một con bé "punk", một thứ Thị Nở của thơ:
Hỡi em không là con bé tuổi
15 noel olivier
Tóc vàng sóng mũi dọc dừa của
Chàng thi sĩ lãng mạn yểu mệnh
Tội nghiệp cho em tôi chỉ có
Một cái miệng cười nhạt nhẽo vô
Duyên và một mái tóc xơ dừa
Cứng ngắt đen thui những cành gai
Nhọn đâm vào ngực tôi đau những
Nụ hồng của máu...
Ngoài các thử nghiệm về thơ chụp bắt, thơ thị giác, lúc đó tôi chỉ ý thức lờ mờ về tân hình thức, cho tới khi anh Khế Iêm rủ rê làm "Cuộc chuyển đổi thế kỷ". Vài nhà phê bình đã tinh mắt nhận thấy có sự tương đồng giữa nhạc Rap Mỹ và nhạc tân hình thức Việt: "Thì từ xưa người ta đã vẫn nói rằng trong thơ có nhạc. Thứ nhạc trong thơ tân hình thức có lẽ là nhạc Ráp. Nó dồn dập như sóng, hết lớp này đến lớp khác và chập trùng miên man như biển khơi hết đề tài này đến đề tài khác, hết sự kiện này đến sự kiện khác, quá khứ, tương lai, hiện tại xoắn xuýt quện vào nhau trong một cấu trúc tự do, phóng khoáng đến tưởng như rất lỏng lẻo dễ dãi." (Nguyễn Hoài Phương, TC Thơ số mùa Xuân 2001).
Ðộc giả có thể coi nhà thơ Khế Iêm như là mặt nghiêm chỉnh của Tân hình thức Việt mà tôi là cái mặt hài, trong lúc đầu. Tôi vẫn gọi nủa kính nửa đùa anh KI là ông "giáo trưởng". Nếu một trường phái mới, chỉ đạo mạo bê ba toàn lý thuyết, diễn từ về canh tân, cách mạng lùng tùng xà, thì độc giả sẽ kính nhi viễn chi. Nhưng nếu chỉ diễu cợt bông đùa mãi thì rốt cuộc chẳng còn ai cười nổi. Bởi dưới bề ngoài có vẻ hời hợt nông cạn, cái cười thường rất ngạo nghễ tàn bạo, tách rời tình cảm của đám đông, nếu không khéo tay có thể gây khó chịu, dị ứng. Tuy nhiên, văn chương nghệ thuật trước tiên (và cuối cùng) không phải để tôn thờ, học hỏi, viết tiểu luận này nọ, mà để đọc, để ngắm, để thưởng thức và để... chế diễu. Như Duchamp đã trêu hoa hậu Mona Lisa.
Tất nhiên tân hình thức Việt không thể y chang tân hình thức Mỹ. Mà hình thức mới cũng chỉ là dụng cụ thôi. Vì còn phần nội dung nữa, dù hình thức và nội dung như bóng với hình, không thể tách đôi. Tuy có một số luật lệ (không bắt buộc), nhưng các nhà thơ tân hình thức Việt cũng đã tùy tiện uốn nắn hình thức cho hợp với nội dung, cung cách từng cá nhân. Nếu, vì cần phải lặp lại một số chữ để thay thế cho vần (không dồi dào trong tân hình thức Việt), mà ai nấy cũng cần phảii lặp lại các cụm từ thì sẽ đưa đến sự máy móc, nhàm chán. Nhân tiện, cũng xin đưa ra một ví dụ về sự lặp lại trong thơ mới, rất ngộ. Không biết ai đã sáng chế ra câu thơ "nói lắp" khiến cả bọn đã... "cà lăm". Hy vọng TTKh là nhà thơ đầu tiên đã nói lắp với "Từng mùa thu chết, mùa thu chết". Và đây "bọn" cà lăm: "Mơ khách đường xa, khách đường xa", "Như bông trăng nở, bông trăng nở (Hàn Mặc Tử); "Những câu tâm sự, câu tâm sự" (Nguyễn Bính), "Không nên qua đấy, nên qua đấy" (Nguyễn Bính); "Chao ôi binh lửa! Ôi binh lửa" (Trần Huyền Trân); "Một con người mộng, con người mộng" (Bích Khê); "Ðây mùa thu tới, mùa thu tới" (Xuân Diệu). Một sáng chế tuyệt vời, cốt để diễn tả nỗi buồn tê tái và thời gian lê thê, cuối cùng đã trở thành sự lấp chữ khi cạn ý hết lời, với những "chiều mưa/ chiều mưa; đồi thông/ đồi thông" v.v...
Thi sĩ như một thiên tài độc đáo tạo một "cỡi thơ" riêng, là một quan niệm đã lỗi thời. Truyện Kiều là cả một bộ sưu tập những hình ảnh "thi vị" sẵn có của thơ chữ Hán. Cendrars khi sáng chế thơ chụp bắt (lấy một đoạn văn của người khác và biến chúng thành thơ của mình) là để chứng minh rằng, một, văn xuôi phi thi (của Gustave Le Rouge) cũng có thể là thơ, hai, là để tránh ẩn dụ, trữ tình, tách thơ ra khỏi những trường phái, chủ nghĩa, ra ngoài những mục tiêu long trọng về cái đẹp tuyệt mỹ, vĩnh hằng. Dĩ nhiên, tân hình thức Việt không là một trường phái, chủ nghĩa hiểu theo nghĩa cũ, chỉ là sự cách tân để giải phóng thơ (và người thơ). "Công việc cuả chúng ta, chẳng phải cách mạng hay phủ nhận ai, mà để cứu chính chúng ta và thơ khỏi bị chìm xuống giống như tiểu thuyết hay hội họa VN bây giờ." (Khế Iêm)
Gọi buồn ngất ngây
Mưa và tình yêu là đề tài chủ yếu trong tân nhạc, nhất là trong các tình khúc Trịnh Công Sơn. Tất nhiên mưa buồn và tình buồn. Cuộc tình đau thương cần cơn mưa rỉ rả như cá cần nước. Thời lãng mạng, thơ "tình dang dở" cũng chưa đến đỗi u buồn như vậy. Câu hỏi tôi muốn đặt ra đây, là trong các tình khúc "ướt át" ấy, ai đã ảnh hưởng tới ai? Cảnh hay người? Nói cách khác, mưa đã mang nỗi buồn đến cho người, hay tại người sầu nên cảnh có vui đâu bao giờ? Bởi tác giả một bài ca vẫn có thể không cần tới bối cảnh chiều mưa hay đêm mưa để kể một câu chuyện tình không may, như bài Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn, dù có "chạnh nhớ câu thề, tim tái tê" nhưng với nhịp điệu nhanh, và nỗi buồn nhẹ, nghe vui tai hơn.
Ý thức về chiến tranh và đau khổ đổ vỡ, ở TCS, chỉ đưa đến sự buồn nản, bức bối giận hờn, phủ nhận hiện tại và nguyền rủa thế hệ đương thời là "một bọn lai căng, một lũ bội tình", để quay về với dĩ vãng xa vời quê hương thần thoại "nòi giống của chim, nòi giống của tiên", rồi thái độ phản chiến một chiều, thiết tha kêu gọi hòa bình với bất cứ giá nào. Thử hỏi: với thời gian, có chủng tộc nào, có văn hóa nào mà chẳng lai căng đâu, trừ những bộ lạc ít người có cơ nguy tàn tạ? Vì quá yêu tô phở mà bảo nó là "món ăn dân giã cổ truyền của dân tộc" (theo một trang báo điện tử) thì có hơi... hùng biện quá không? Phải chăng huyền thoại Long Quân/ Âu Cơ (người hay rồng lấy tiên đẻ trứng) đã khẳng định sự lai căng của dân tộc Việt ngay từ đầu? Dùng nhạc phản chiến Mỹ để chống sự vọng ngoại là lấy độc trị độc, nhất rồi còn gì bằng. Dễ thương hơn cả, là các cụ đồ thế kỷ 20 ria mép mũ bê rê nghệ sĩ Paris cuối thế kỷ19 nhưng lại đề cao tính dân tộc... Mít.
Với TCS (vin vào các bài đầu vì tôi chưa nghe các bài sau 75, nhưng chắc cũng không có đổi mới), tình yêu là thiên đường đã mất, vĩnh viễn ngoài tầm tay. Yêu (và tình yêu) là đau khổ, là nhớ nhung gọi tên nhau suốt đời, thế thôi. Nhạc sĩ rất thích thần thoại, huyền thoại, thiên thu, thiên đường và hay kể lể, điểm danh, gọi tên: gọi mưa, gọi nắng, gọi buồn, gọi bốn mùa. Giọng blues nức nở, mà nhạc TCS thường được/ hay tự so sánh với, đã khởi đi từ những bài "lao ca" (work-songs) trên những đồn điền bông vải và những bài "đạo ca" (negro spirituals) trong những căn chòi nô lệ, do người da đen sáng tác hát cho người da đen nghe, trước khi trở thành món hàng tiêu thụ cho giai cấp thống trị và được sáp nhập vào văn hóa Mỹ. Tiếng nhạc não nề TCS thì ngược lại, đã tới từ một căn gác ấm mưa, là món hàng tiêu thụ ngay từ lúc đầu, phục vụ một thiểu số dư thời giờ, thừa tiền của, sinh viên học sinh trốn quân dịch như tác gỉa, vài ông tướng tá vợ đẹp, và khách hàng của những quán nhạc tửu điếm đèn mờ. Tóm tắt: những ca khúc của một trí thức cho dân trí thức. Nhạc tình, dù mang chung một nội dung đau khổ, bỗng chốc bị tách đôi: sến và sang.
Cô nữ sinh ca sĩ hát nhạc TCS được gán cho cái sứ mệnh thiêng liêng tạo hào quang mới: hát là "để tang" cho những người đã chết, chứ không để cho người sống mua vui (hay chuốc sầu), để lãnh tiền (và được nổi tiếng) như một ca nhi chuyên nghiệp, mặc dù chẳng mấy chốc cô ta cũng đã trở thành một ca sĩ chuyên. Thay thế cho hành động, viết nhạc, hát nhạc, nghe nhạc là "yêu nước", là "đánh giặc" bằng "phản chiến": nhạc TCS đến đúng lúc hợp thời, đã (và đang) thỏa mãn được sự tự ti (da vàng, tủi nhục, thương thân) và sự tự tôn (yêu quê hương, thương nòi giống) của một số người. Bài hát trở thành bài kinh và được trân trọng nghe một một bài kinh: Kinh tình yêu, Kinh chiến tranh, Kinh quê hương. Ðây là ca khúc "hiện đại", "nghiêm túc", "thi vị", "gia bảo" của giống nòi cần trân trọng cất giữ, nhưng chỉ dành riêng cho giới "thức giả", những kẻ "trăn trở", "thao thức", có "tâm hồn", mời các nàng Sến đi chỗ khác chọi. Ðây là loại nhạc tinh hoa, đỉnh cao chói lòa của Nhạc Việt, như Truyện Kiều là cao điểm vòi vọi của Thơ Việt. Do vậy một ca sĩ "sến" hay một ca sĩ "bán cổ điển", nếu hát được, nếu đệm được thêm một, hai bài TCS trong băng nhạc, CD của mình, thì sẽ "sang", sẽ "mới". Mỗi thính giả nhạc TCS do vậy cũng là một tín đồ trung thành. Cộng vào, nhờ sự phát triển bất ngờ của khoa học kỹ thuật, sự phụng thờ (cult) đã dễ dàng hơn và phổ cập hơn với những miếu đền net. Dưới thời Ðệ Nhị Cộng Hòa (áp bức) TCS viết nhạc phản chiến, thao thức trong giấc mộng hòa bình. Dưới chế độ Chủ Nghĩa Xã Hội (tự do) TCS viết nhạc thiền, mê mải trong lời kinh tiếng kệ. Hợp lý! A, một ca khúc thiền. Nó như mọi khúc ca khác hay nó thiêng liêng hơn? Nó thiền ở lời ca hay tiếng nhạc? Ta phải đón tiếp, phải nghe nó thế nào? Tới rạp, tới quán, vào chùa, hay tại gia? Có thể nghe lúc làm việc, làm tình, hay ăn uống được chứ? Nghe đứng, ngồi, nằm? Vặn to, nhỏ? Âm thanh chìm, nổi? Phải tắm rửa, tẩm nước hoa cho thể xác tâm hồn hoàn toàn tinh khiết trước khi nhập? Bài thiền có khiến ta quên chuyện trần tục hay lại xui ta mơ mộng viễn vông? Thiền thuộc về lý trí hay tình cảm?
Tất nhiên tiếng khóc, cuối cùng, phải trở thành tiếng ca. Tiếng ca là cái đỉnh của tiếng nấc. Tiếng khóc cần được thăng hoa bằng tiếng ca, như cuộc đời cần được thăng hoa (không có nghĩa là "vỗ đẹp") bằng văn chương, nghệ thuật. Ðiều khiến cho tôi áy náy, là nhạc mới, tuy có thể đã bắt đầu (vì nghệ sĩ luôn luôn phải khởi đi từ những đề tài quen thuộc) với những Thiên Thai, Trương Chi, Ai xuôi vạn lý, Chinh phụ ca, Buồn tàn thu, Ðêm đông, nhưng cuối thập niên 40 đầu 50, cũng có những ca khúc vui tươi yêu đời, như Xuân và Tuổi trẻ, Hè về (dù lấy lại đề tài thơ cổ "ai xuôi con cuốc gọi vào hè", nhưng là một thứ Summertime của Việt Nam)... nhưng dần dà bị loại nhạc tình đau khổ lấn lướt đến mức "tuyệt chủng", có thể không còn ai sáng tác, hát hò nữa. Nhạc Việt trở thành đồng dạng, tiếp tục anh anh em em, lải nhải chuyện trai gái thất tình, dù đã có bình mới/ bối cảnh mới như email, internet: "chiều hôm qua lang thang trên đường" của ngày xưa trở thành "chờ email lãng du một mình" hay "lang thang internet", dù nhạc có "kích động" hơn. Ðau khổ vì tình trở thành mục tiêu chính cuả giới trẻ (ít nhất là trong ca khúc), họ ve vuốt niềm đau, họ hạnh phúc trong nỗi khổ. Ðau khổ, nhất là đau khổ cả đời, là chuyện nghiêm trọng, chuyện người lớn, đau khổ khiến ta thêm nặng ký, có chiều sâu, có bề dầy, được nể kính. Với TCS, có lẽ sự buồn bã, hay "vấn đề", là do yếm thế và lãng mạn trái mùa, sự mong mỏi quá nhiều ở cuộc đời, dù biết nó chỉ là "kiếp nặng" của "gió cát phù du", nếu nói vậy mà không nghịch lý. Như con đà điểu chôn đầu dưới cát, TCS đã lẩn trốn sự thật phũ phàng, vùi đầu chúi mũi vào lời ca tiếng nhạc với sự tự hào, tự mãn rằng mình tinh khiết như đóa sen trong đầm. Một giả thuyết: có thể vì là con cháu xa đời của chúa Trịnh ở đất Bắc lưu lạc vào miền trong, nên dù yêu Huế tha thiết và tuy sống ở Sài Gòn lâu dài, nhưng tâm hồn TCS vẫn hướng về... Hà Nội? Hoài cổ như một bà huyện, viễn mơ như một tên vẹm, TCS đã không dám sống trong hiện tại. Buồn thay.
Bởi người nông dân không nhìn cuộc đời, không nhìn mưa như thế. Dưới con mắt nhà nông, mưa là hạnh phúc, mưa là niềm vui, mưa là nguồn sống. Mưa mang lại no ấm cho gia đình: "Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy bát cơm đầy/ Lấy rơm đun bếp." Trẻ con cũng thích tắm mưa. Mưa, nắng là những hiện tượng thiên nhiên, cần thiết. Ca dao: "Ơn trời mưa nắng phải thì". Gilbert Bécaud cũng có một ca khúc tương tự: Khi mùa mưa mùa mưa tới em ơi/ Chúng mình sẽ giàu có nhất trần đời/ Cây lá sẽ òa ca vì vui sướng/ Dâng cho ta trên những nhánh cành xanh/ Những hoa quả thơm lành nhất dương thế... (Nguyên tác: "Le jour où la pluie viendra/ Nous serons, toi et moi/ les plus riches du monde/ Les arbres pleuront de joie/ Offriront dans leurs bras/ Les plus beaux fruits du monde..."). Gene Kelly thì che dù vũ thiết hài ca hát dưới mưa vì anh ta mới si tình, trong cuốn phim ca vũ nhạc bất hủ Singin' in the Rain. Cố nhiên cũng có những cơn mưa gây lũ lụt (nghĩa là không buồn bã mà đáng sợ), nhưng đó là một chuyện khác hoặc là chuyện về... miền trung với một cô Thái.
Thật ra, ông giời hay ông thiên [tai] chẳng hề đếm xỉa tới con người. Chính con người đã tự chế ngự thiên nhiên để sinh tồn. Từ các truyền thuyết, huyền thoại diễn giải những hiện tượng thiên nhiên (Sơn Tinh Thủy Tinh, Ngưu Lang Chức Nữ), sự thần thánh hóa dần dà trở thành nhân cách hóa tùy tiện. Cũng cùng một cơn mưa lớn/ mưa dai, với ông nhạc này thì nó là người chia sẻ: "Hạt mưa, mưa yêu áo rách, yêu đôi sát nách, mưa ngưng không đành" (Phạm Duy). Nhưng với ông nhạc kia thì nó là kẻ gây rối: "Mưa vẫn mưa bay cho đời biển động" (Trịnh Công Sơn). Ðể tránh dùng ẩn dụ, nhân cách hóa, A. Robbe-Grillet chỉ khách quan mô tả tỉ mỉ sự vật. Nói tóm lại, với thơ và nhạc lãng mạn (tiếp tục trầm mình trong hồ lệ Ngưu Lang Chức Nữ), mưa là nước mắt - Buồn đêm mưa của Huy Cận và Giọt mưa thu của Ðặng Thế Phong đã mở đường chăng? - mưa là nguyên do của sự cô đơn buồn bã, đau khổ vô cớ ("Ðêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng rung thêm lạnh nỗi hàn bao la/ Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn/ Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi.../ Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...", HC; "Chắc gì vui, mưa còn rơi, bao kiếp sầu ta nguôi...", ÐTP). Ðỉnh cao của thơ ca Việt phải luôn luôn là những ẩn dụ thê lương như "từng phiến băng hồn trên hai tay xuôi" với "nước mắt mùa thu khóc cho cuộc tình", hay những câu hỏi ngớ ngẩn kiểu "vầng trăng ai xẻ làm đôi" và "biết bao năm nữa, trời, vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu"? A, nếu dân chúng châu Phi mà có được ngần ấy mưa thì họ sẽ hạnh phúc biết là dường nào!
Trịnh Công Sơn có thể là một nhà soạn nhạc hay, nhưng ông ta là một anh thầy bói dở. Ông ta đứng trong quá khứ để ước đoán tương lai một cách ngây ngô, rồ dại. Với ông ta, hậu vận của đất nước là sự hồi sinh một quá khứ Giao Chỉ thuần túy và lý tưởng hóa tối đa. Ở đấy, người ta chỉ thấy tuổi thơ hiền lành, dễ thương, thả diều, hát đồng dao, được tô hồng đến độ buồn nôn. Lũ trẻ bụi đời, bạc phước, đầu đường xó chợ thì chẳng bao giờ có mặt. "Người già co ro, em bé lõa lồ" trong nhạc TCS tựa như "trẻ mồ côi không nhà" và "lão ngồi bên cửa sổ/ trông nắng nhạt chiều thu/ còng lưng đan chiếc rổ/ mai bán lấy vài xu" trong thơ Tố Hữu, là những chứng cớ trưng ra để kết án một chế độ, một thời đại, hơn là những thực tế luôn luôn có mặt trong xã hội Việt Nam dù tiền chiến, đang chiến, hay hậu chiến. Trong nỗi buồn chiến tranh có thật, người ta vẫn bắt gặp ở TCS những dư ảnh lạ lùng hay sáo mòn như "một ngày mùa đông, một người Việt Nam, đi lên đầu non (?), súng nổ thật gần" và "lòng hoa bướm say". Bạn đọc hãy kiếm bài Giấc mơ mong tìm thấy gần đây của Vũ Quốc Việt (về những đứa trẻ lang thang, do Cẩm Ly và một ban hợp ca thiếu nhi trình diễn) nghe thử xem. Theo gu tôi thì bài này có nội dung nhân ái và nhịp điệu mới mẻ hấp dẫn hơn. Gia tài của mẹ để lại cho TCS, như đã kể trên, là "một bọn lai căng" và "một lũ bội tình". TCS (và vài người khác) đã ra công biến chế nó thành những "giọt lệ cho ngàn sau", những giọt châu quí báu để hâm nóng mãi "dòng máu lạnh trong tim", để "ru em muộn phiền, ru em bạc lòng", "ngàn năm ngàn năm". May thay.
Ngày nay nhạc Rap đã thay thế các bài Blues. Giới trẻ da đen ở các khu phố "ghetto" của New York, Los Angeles, Detroit... không còn than thân trách phận nữa. Ca Tuổi đá buồn theo nhịp nhanh hơn cũng không thể biến nó thành một bài Rap, như một ban hợp ca trẻ ở Mỹ đã làm. Vì Rap không mộng mơ, ủy mị, có nội dung phản kháng đầy âm thanh và cuồng nộ, và hay dung tục. Tuy nhiên, mặc dù với sự thành công vĩ đại từ hơn hai thập kỷ nay, Rap cũng chưa thay đổi được bộ mặt xã hội bao nhiêu. Nhưng có vẫn hơn không.
Cười dù ra nước mắt?
Phải chăng Truyện Kiều, thơ mới, chủ nghĩa hiện thực tả chân xã hội, nhạc tình, đã xóa nụ cười dân gian? Có ai đau khổ, cô đơn hơn Hồ Xuân Hương? Có ai nghèo khó, bất lực hơn Trần Tế Xương? Nhưng sao họ vẫn giữ được nụ cười nhỉ, dù có khi cười ra nước mắt? Và cái ông thơ của núi Tản sông Ðà nữa. Có phải hài hước là một cách chống trả lại định mệnh khắt khe? Hài hước, nếu không là liều thuốc bổ, thì cũng là viên thuốc... xổ? Xin đừng tưởng tôi lúc nào cũng ham khoe lợi nhé. Nếu cần, tôi vẫn có thể "cry a river", hoặc "khóc cả một đại dương". Nhưng sẽ không đầm đầm châu sa cho một "đóa hoa vô thường" tưởng tượng, hay vì một "mùa thu Hà Nội" tái tê.
Một lần nữa xin cảm tạ quý độc giả.
28.10.2002
Nguyễn Đăng Thường
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...