Ký ức mùa hoa xoan
Giản dị như chính cái tên nó vậy, hoa xoan sẽ chẳng thấy gì
khi một mình riêng lẻ bởi chúng nhỏ nhoi và mong manh quá! Vậy mà đến hẹn lại
lên, khi những giọt mưa xuân dịu nhẹ rơi xuống, đánh thức những chùm hoa nhỏ
xòe ra, từng vạt xoan nở rộ, cánh trắng muốt nhỏ li ti, nổi bật trên nền nhụy
tím biếc… bỗng chợt thấy xốn xang trong lòng. Bây giờ người ta đã chẳng còn thấy
nhiều những rặng xoan như thế. Lâu dần, những chùm hoa tím biếc dìu dịu tỏa
hương chỉ còn trong ký ức.
Còn nhớ, ngày trước làng tôi trồng nhiều xoan lắm. Từ cổng
làng tới cổng chòm (cổng đi vào mỗi xóm, ngõ) đều có một hàng xoan, cây to cây
nhỏ chẳng đều nhau nhưng xếp thành một hàng thẳng tắp như duyệt binh vậy. Thường
thì chẳng ai để ý đến chúng, chỉ đến khi mùa hoa xoan nở, ngôi làng bỗng thoát
ra khỏi vẻ cũ kỹ, trầm mặc vốn có của nó. Dưới màu nâu trầm của những mái ngói,
vạt xoan nở tím một góc làng, mỗi khi cơn gió lùa qua, những bông hoa xoan bắt
đầu rơi rơi… hoa rắc lối người đi, hoa vương lên mái tóc. Trong khi người lớn bắt
đầu khó chịu bởi mùi hương hăng hắc của nó cũng như việc hiện diện của hoa xoan
là lời mời gọi hấp dẫn cho lũ muỗi kéo về thì lũ trẻ lại thích thú ra mặt. Mặc
cho bố mẹ ngăn cấm không cho chơi hoa xoan nhưng chúng tôi vẫn cứ
chơi. Có lẽ do bận bịu với việc đồng áng và lo chạy ăn từng bữa nên bố mẹ cũng
chẳng có nhiều thời gian để ý chúng tôi làm gì sau lời dặn dò ấy.
Trẻ con chúng tôi thời ấy chẳng bao giờ có đồ chơi gì. Con
trai thì chặt tre chơi khăng đánh đáo, quá lắm hái trộm quả bưởi làm bóng rủ
nhau ra bãi ven sông hò hét chán chê rồi nhảy ùm xuống tắm sông. Con gái chơi
chuyền bằng củ khoai tây, que chuyền cũng từ những chiếc đũa cũ cong queo đã bị
bỏ sau những bữa ăn, đồ chơi nấu ăn cũng tận dụng bởi những chiếc bát mẻ… Tuổi
thơ chúng tôi trôi qua êm đềm như vậy và nhớ nhất vẫn là những khi thi đua nhặt
hoa xoan. Khi gom hoa thành đống to, chúng tôi ngồi xúm lại khi thì xếp hình, xếp
tên rồi lại tỉ mẩn lấy dây chỉ xâu hoa thành từng chuỗi rồi quàng vào cổ, đội
lên đầu. Khi ấy, chẳng đứa nào tranh cãi nhau bao giờ. Chúng tôi đều tưởng mình
là những chàng hoàng tử, nàng công chúa trong chuyện cổ tích vậy.
Trẻ con thời nào cũng hồn nhiên là vậy, chị em tôi cũng thế!
Mùa hoa xoan khi mà lũ trẻ con hí hửng với giấc mơ cổ tích của mình thì chẳng đứa
nào biết đến nỗi lo của các bậc phụ huynh nhà nông. Mùa hoa xoan thường trùng với
mùa giáp hạt. Không phải là Xuân-Hạ-Thu-Đông, có thời hạn, mùa giáp hạt có thể
là một, hai hay nhiều tháng hơn thế và nó hiện diện trong mỗi bữa cơm, gian bếp
từng gia đình. Khi ấy trong bồ, trong chum mỗi nhà thóc gạo đã vơi cạn mà ngoài
đồng lúa mới bắt đầu vào hạt. Và ngô, khoai, sắn được nhiều nhà thay thế trong
mỗi bữa cơm. Nhà đông người bữa cơm đạm bạc với bát canh, đĩa cà mà khi nào
cũng hết veo. Có bữa, khi mẹ dọn cơm mấy chị em trố mắt nhìn nồi cơm có khoanh
trắng, khoang lấm tấm vàng. Mẹ xới cho mỗi đứa bát cơm trắng, còn mình ăn bát cơm
vàng. Thấy các con thắc mắc: Cơm gì mà có hạt vàng hả mẹ? Mẹ bảo: Mẹ ăn cơm với
trứng đấy! 3 đứa lóc nhóc vội bỏ bát cơm trắng đòi ăn cơm trứng theo mẹ. Mẹ
không nói gì chỉ lẳng lặng ra ngoài chùi nước mắt. Mấy chị em hùi hụi ngồi ăn,
nhận ra phần mẹ là bát cơm độn ngô đỏ cứng quèo…
Bây giờ chẳng mấy ai xây nhà gỗ nữa, rặng xoan cứ bị chặt dần,
đường bê tông mở rộng hơn ra và chẳng còn nhà nào phải ăn cơm độn mỗi mùa giáp
hạt. Vậy mà, cứ mỗi dịp giao mùa dưới lớp mưa xuân nhè nhẹ, tôi vẫn mong được
nhìn thấy những vạt hoa xoan tím biếc cùng những câu chuyện năm nào… để sống tốt
cho hơn trong hôm nay và ngày mai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét