Cây dừa trong ca cổ, thơ ca
Quê hương xứ Dừa không chỉ được biểu hiện bằng thực tiễn nông
nghiệp cây dừa có diện tích lớn, năng suất cao… với những sản phẩm công nghiệp
của dừa từ các công ty, xí nghiệp, nhà xưởng…; mà còn được biểu hiện ở một bình
diện cao hơn là văn hóa xứ Dừa đã được hình thành trong công chúng Nam Bộ. Văn
hóa xứ Dừa được thể hiện rõ nét qua thơ ca dân gian được giới bình dân sáng
tác, lưu truyền trong suốt chiều dài của quá trình cây dừa định cư và gắn bó với
quê hương Bến Tre. Văn hóa xứ Dừa còn được nhiều tác giả, soạn giả tên tuổi
trong và ngoài tỉnh Bến Tre sáng tác, ghi nhận qua thơ ca, ca cổ trong thời
gian gần đây. Đó chính là những biểu hiện của quê hương, con người Nam Bộ; một
phần di sản văn hóa phi vật thể mà chúng ta cần biết trân trọng gìn giữ.
1.
Trên đất Bắc, những lũy tre nghiêng mình trong nắng sớm chiều hôm bao bọc quanh
làng và che chở dân tình là biểu tượng của làng văn hóa Bắc Bộ. Với miền Trung,
những hàng phi lao nhẫn nại kiên cường ngày đêm chắn gió biển cho dân vững tin
vào cuộc sống cũng là hình tượng đẹp của làng văn hóa Trung Bộ; Ở phương Nam,
những vườn dừa xanh mướt trái sum sê, góp phần che nắng mưa, nâng đở cuộc sống
còn nhiều khó khăn của người dân cũng là biểu hiện đẹp của nền văn minh miệt vườn.
Quả vậy, người Nam Bộ nào xa xứ, nếu có lúc chạnh lòng nghĩ về quê hương, họ
không thể không nhớ đến những hàng dừa trước ngõ, dọc đôi bờ sông rạch, kinh
mương... Dừa mặc nhiên đi vào tâm thức người dân Nam Bộ như những gì thân
thương và thiết yếu nhất; như những người bạn tâm đầu ý hợp không thể thiếu
trong những cuộc trò chuyện, tâm giao; như không khí để thở cần cho con người cả
khi làm việc lẫn trong giấc ngủ; như cơm áo, gạo tiền mà người dân Bến Tre
không thể thiếu trong cuộc mưu sinh… Tất cả đã đi vào ca cổ, thơ ca như ghi nhận
thành tích của dừa và lòng biết ơn, tự hào của người với dừa trong cuộc sống.
2. Dừa tạo bóng mát, làm nên sự thơ mộng cho làng quê. Dừa che chở con người
trong những lúc lao động, đấu tranh khó nhọc, gian khổ. Dừa mang lại dòng nước
ngọt lịm, tinh khiết giúp người bệnh chóng khỏe, người khỏe thêm mạnh hơn. Dừa
mang lại quá nhiều lợi ích kinh tế giúp nhà nhà thoát nghèo, sung túc, quê
hương đi lên trong ấm no, thịnh vượng. Và hơn hết là sự thủy chung gắn bó lâu đời
của dừa với người từ khi cha ông đến khai hoang mở đất. Cứ thế, cũng bằng ấy thời
gian, dừa đi vào thơ ca của con người thật nhẹ nhàng và ân tình sâu lắng...
Trong lao động, dừa đã âm thầm từng bước giải tỏa những khó khăn, nặng nhọc cho
người. Dừa không chỉ mang lại thu nhập mà còn giải quyết hầu hết mọi nhu cầu
sinh hoạt đời sống... Trong cuộc sống, dừa cũng là nguyên cớ để con người bộc lộ
những suy tư, tình cảm. Có dừa con người có niềm tự hào sở hữu, con người có được
những suy nghĩ khoán đạt và tươi vui, con người có được những suy tư hóm hỉnh,
yêu đời… Trong chiến tranh, dừa biểu hiện cho quê hương Nam Bộ kiên cường, bất
khuất. Dừa là những cánh rừng “che dân quân”, nhưng lại “vây quân địch”; dừa oai
hùng lấy thân chắn bom, đỡ đạn; lại nhẹ nhàng phủ nắp hầm ngụy trang; dừa che
kín nhà vườn và chở che cho từng thân phận bằng thân và tàu lá của mình...
Trong thời bình, dừa mang lại cho quê hương Nam Bộ thơ mộng, trù phú. Dừa làm dịu
mát cái nắng ban trưa khắc nghiệt; dừa xuất hiện ở hai đầu cánh võng ru giấc ngủ
ban trưa; dừa tô điểm cho thôn quê những mái ngói xinh xắn; dừa tạo không gian
cho tình yêu phát triển…
2.1. Trong lao động, dừa đã âm thầm từng bước giải tỏa
những khó khăn, nặng nhọc cho người Với Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng,
cây dừa là biểu tượng, là người bạn thân thiết của người dân xứ này. Dừa hiện hữu
trong mỗi bữa cơm, mỗi góc nhà, mỗi dịp lễ hội... Vỏ, lá dừa khô một thời dành
chụm lửa, đốt đuốc soi đường. Nước dừa tươi để kho thịt, kho cá; còn cơm dừa
già cho nước cốt dừa để kho cá, tép và nấu canh, nấu chè, nấu kiểm. Thân dừa
làm cột nhà, làm cầu qua sông. Con cái lớn lên, ôm trái dừa nhảy ùm xuống sông
mà học bơi, học lội. Gốc dừa mát mẻ là nơi hò hẹn yêu thương của trai gái trong
làng; hoa dừa để điểm tô thêm ngày cưới, cho ong đi bông lấy mật. Người dân Nam
Bộ coi dừa như “người yêu thương” gắn bó mà gần gũi xiết bao. Soạn giả Minh Lời
đã từng ca ngợi vẻ đẹp yên bình, trù phú của làng quê Nam Bộ bằng những lời ca
du dương, sâu lắng:
“Theo năm tháng, bên hàng dừa xanh, dưới mái lều tranh
Đồng
quê thảnh thơi yên tịnh
Cây lành trái đơm, cảnh đẹp hoa thơm
Hữu tình trăng
sáng gió đưa
Sông quê bến đợi đò xưa
Quê hương vẫn đẹp xứ dừa thơ mộng
Phong cảnh
đồng quê lòng tôi mến chuộng ơi miền quê ngoại” [1]. Dừa gắn bó với đời sống
bình yên của người dân, trước hết, chính là ở các công dụng mà nó mang lại. Trịnh
Hoài Đức viết trong “Gia Định Thành Thông Chí” như sau: “Cây dừa ở đất nước ngọt,
mặn đều thích nghi cả, quả già, non đều ăn được. Cơm quả già dùng nấu dầu xức
tóc, chiên đồ ăn và dùng thắp đèn, thứ nào cũng thích hợp… Vỏ xơ dừa đánh thành
dây thừng dùng cho thuyền bè. Sọ dừa chạm trổ thành chén, dĩa, ve, bình, cưa ra
làm muỗng, gáo. Có thứ sọ dừa nhỏ như trứng gà, mà hơi dẹp dùng làm bình đựng
thuốc súng và muỗng nhỏ để uống nước rất đẹp, được người đời ưa chuộng...”.[2]
Những công dụng của dừa còn được người dân Nam Bộ lưu truyền nhau bằng những
câu ca, lời thơ mượt mà, thú vị.
Nào là “nước hoa, dầu dừa”:
“Không chồng, son
phấn qua loa,
Có chồng, em trang điểm nước hoa dầu dừa.”[3]
Hay:
“Mài dừa dưới
ánh trăng vàng,
Ép dầu mà chải tóc nàng tóc anh.”[4]
Nào là các dụng cụ sinh hoạt
từ dừa:
“Lành làm gáo, vỡ làm muôi.”[5]
Và cả một tuổi thơ ăm ắp với các trò
chơi dựng chòi, bơi lội… với sự giúp sức của dừa:
“Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm.
Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông.
Ta lặn xuống, nghe vang xa tiếng sấm,
Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong.
Ôi đâu rồi những trò chơi tuổi trẻ,
Những
tàu chuối bẹ dừa, những mảnh chòi nhỏ bé,
Những vết chân thơ ấu buổi đầu tiên,
Mấy tấm mo cau là mấy chiếc thuyền.”[6]
Dừa nhiều công dụng, vì thế dừa cũng
chính là một đặc sản mà người dân Nam Bộ - đặc biệt là người dân Bến Tre - luôn
rất tự hào khi nhắc đến. Chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên khi 2/3 câu ca dao,
dân ca viết về cây dừa là để ca ngợi dừa Bến Tre:
“Hòa Quý với tổng Hòa Thinh
Dừa
khô thổ sản nổi danh Nam Kỳ.”[7]
(Hai tổng đều thuộc Cù Lao Anh Hóa, Bến Tre)
“Quê em ba dải cù lao
Có dừa ăn trái có cau ăn trầu.”[8]
“Quýt đường, vú sữa ngổn
ngang,
Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri ”[9]
(Tên một con rạch dài 9km, hình
dáng như một vòng cung, bắt đầu từ xã Tiên Thủy, chảy ngang qua chợ Sóc Sãi rồi
đổ ra sông Hàm Luông.)
“Bến Tre dừa ngọt sông dài
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi
danh.”[10]
Hay:
“Bến Tre dừa xanh bát ngát
Đường đi Ba Vát gió mát tận
xương.”[11]
Hoặc:
“Thấy dừa thì nhớ Bến Tre.
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười.”[12]
Trong bài “Đêm xứ Dừa nghe Dạ cổ hoài lang”, tác giả Lê Hồng Chinh đã viết: “Dấu
chân người năm xưa đi mở đất. Nơi phút giây dừng chân trông về quê cũ. Mọc lên
cây Dừa năm tháng vươn cao. Những thân Dừa in trên trời cao. Dáng hiên ngang
vung gươm giữ cõi. Bóng Dừa nghiêng soi trên sông nước. Dáng vọng phu chung thủy
trước sau. Nhưng ngọn Dừa đêm nay vươn lên trời sao. Viết vào trăng bài ca dạ cổ.
Khúc hát thân thương từ những ngày gian khổ. Gửi lại cho đời dịu ngọt hôm nay.
Câu hát thương đời lặn lội tìm nhau. Năm tháng nở hoa cùng cây Dừa Châu thổ. Bến
Tre ơi! Đêm nay xa rồi nhớ… Dạ cổ hoài lang tha thiết dưới bóng Dừa!”.[13] Tác
giả đã cho ta thấy một “văn hóa Dừa” từ thủa hồng hoang, khi ông cha ta “mang
gươm đi mở cõi”, dấu chân khai hoang đến đâu, dừa ngay hàng thẳng lối đến đó. Dừa
giữ đất khỏi sự xói mòn của tự nhiên, lại cùng cha ông giữ cõi khỏi sự xâm lăng
của ngoại xâm. Trải qua bao thế hệ, bao thăng trầm, dừa vẫn hiên ngang sừng sững
và vẫn âm thầm dâng hiến cho đời:
"Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi
Mà lá tươi
xanh mãi đến giờ
Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm
khua…” [14]
2.2. Trong cuộc sống, dừa cũng là nguyên cớ để con người bộc lộ những
suy tư, tình cảm
Nói đến quê hương cây dừa, thật thiếu sót nếu không đề cập đến
mảng tình yêu đôi lứa. Trai thanh nữ tú hẹn hò, hờn dỗi... đều có sự làm chứng
của dừa. Thậm chí, dừa đôi khi còn đóng vai trò là “sứ giả tình yêu” chứng giám
thêm cho sự chân thành, thẳng thắn, như cô gái hờn trách chàng trai, nào em có
đòi hỏi thách cưới gì cao sang, mà anh cứ lần lữa khiến lỡ làng duyên em:
“Dừa
Bến Tre ba đồng một trái,
Chuối Bến Tre một nải đồng ba.
Ai biểu anh đến rồi lại
đi ra,
Để em thương nhớ, em chờ em đợi, nước mắt sa vắn dài.”[15]
Câu ca dao
trên khiến ta liên tưởng đến câu:
“Ba đồng một mớ trầu cay.
Sao anh không hỏi những
ngày còn không...”,
biểu hiện cho tình cảm của người con gái Á Đông thật là ý
nhị. Những cũng có đôi khi lại là sự lo âu người yêu “tham vàng bỏ ngãi”, mà
quên mất công của chàng trai xứ Dừa chăm sóc cho vườn dừa nhà em:
“Trồng dừa ra
đọt chặt tàu
Sợ em đổi dạ tham giàu bỏ anh.”[16]
Thế rồi, đôi khi chàng trai
chân chất ấy cũng ngẩn ngơ khi bị đẩy vào tình huống bị “hớt tay trên”, khiến
anh phải buông câu trách cứ “thẳng ruột ngựa” đúng chất Nam Bộ:
“Em đi lên xuống
cầu dừa,
Lấy ai có chửa đổ thừa cho anh.”[17]
Nhưng sau phút giây giận sự trót
dại của người yêu, chàng trai ấy vẫn dành cho cô tình cảm chân thành tha thiết.
Mọi sự suy tính biện minh, người dân đều dựa vào đời dừa mà luận suy tình cảm
trái tim: “Kìa vườn dừa cây cao cây thấp
Gió quặt quà cành lá xác xơ
Thương em
anh vẫn đợi chờ”.[18]
Thế thì, còn lý do gì để cô gái từ chối mối chân tình ấy
nhỉ? Nhưng tỏ sự ưng thuận, cô đã nhờ cây dừa nói hộ một cách khéo léo:
“Ăn dừa
ngồi gốc cây dừa,
Cho em ngồi với, cho vừa một đôi.”[19]
Lại cũng có cô yêu phải
anh chàng có tật “đi ngang về tắt”, thì cô chọn giải pháp giải quyết thẳng thừng,
dù anh “giận thì giận mà thương thì thương”:
“Trời mưa lộp bộp lá dừa
Bợp anh
ba bợp cho anh chừa đi đêm.”[20]
Rồi cô từ chối:
“Gió đưa gió đẩy lá dừa,
Muốn
ai thì muốn nhưng chừa em ra.”[21]
Nói thì nói nặng nề thế, để anh bỏ tật mà
thôi, chứ lòng cô vẫn luôn chung thủy yêu anh. Yêu nên mới vì anh mà buồn khổ
thế này:
“Dừa xanh trên bến Sông Cầu
Dừa bao nhiêu trái, dạ em sầu bấy
nhiêu.”[22]
Trong văn hóa dân gian Nam Bộ, hình ảnh cây dừa còn xuất hiện trong
những câu ca nói lên kinh nghiệm sống, cũng như lời khuyên răn của người đi trước
đối với người đi sau. Hãy nghe người mẹ dặn con gái không được mải hẹn hò mà
quên giờ giấc về nhà, mà sự sớm/muộn lại được đánh giá bằng bóng trăng đổ xuống
bóng dừa: “Trăng lên khuất bóng cây dừa,
Làm thân con gái phải chừa đi
đêm.”[23]
Hoặc:
“Muốn trong bậu uống nước dừa
Muốn nên cơ nghiệp, bậu chừa lang
vân.”[24]
Và:
“Dừa tơ bẹ dún tốt tàng,
Giàu sang có chỗ, điếm đàng có nơi.”[25]
Trong kinh nghiệm sản xuất, các cụ còn dặn con cháu:
“Đất thiếu trồng dừa,
Đất
thừa trồng cau.”[26]
Hay:
“Dừa giao lá, cá giao đuôi.”[27]
Hai câu trên nói lên
kinh nghiệm trồng dừa và tính kinh tế của cây dừa. Trồng dừa phải bảo đảm mật độ
giữa các cây cách nhau một tàng lá, không được trồng quá dày. Ngoài ra, dừa là
một loại cây mang lại thu nhập, vì thế nếu đã dư giả thì trồng cau làm kiểng
chơi cho vui, còn nếu chưa giàu thì nên trồng dừa để tăng thu nhập.
2.3. Trong
chiến tranh, dừa biểu hiện cho quê hương Nam Bộ kiên cường, bất khuất
Ngày nay,
du khách đến Bến Tre thăm các khu di tích chiến tranh, tiếp chuyện với các cựu
chiến binh, sẽ được nghe nhân chứng sống kể về những chiến công gian khó mà hào
hùng của cha ông họ nơi xứ Dừa. Đặc biệt, trong câu chuyện của họ nhất định sẽ
không thể thiếu hình ảnh cây dừa. Những thân dừa làm hầm tránh bom đạn cho dân
quân, làm hầm chông ngăn bước tiến của giặc. Hàng ngàn, hàng vạn cây dừa hiên
ngang đứng bên nhau, tạo thành những rừng cây bạt ngàn xanh ngút mắt, như cánh
dù xanh khổng lồ giương lên bầu trời để ngăn chặn tầm ngắm của quân thù những
lúc chống càn hoặc những buổi biểu tình đòi quyền sống, dân sinh. Dừa được các
anh du kích cài lên ba lô, vừa làm cành lá ngụy trang lại vừa là ô che nắng...
Dừa đi qua hai cuộc chiến tranh, như người mẹ che chở cho đàn con, sẵn sàng lấy
thân mình hứng làn tên mũi đạn. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã từng xúc động thốt lên:
“Ôi thân dừa đã hai lần máu chảy,
Biết bao đau thương biết mấy oán hờn.”[28]
Thân dừa chi chít những vết thương, nhưng dừa vẫn vươn lên cao vút, vẫn xanh
tươi và dâng hiến cho người những dòng nước ngọt lành, tựa như quê hương hiền
hòa, chân thật; nhưng khi cần thì dừa cũng biểu hiện sự bất khuất, trung kiên của
“những con người làm nên Đồng Khởi… của những cây dừa để lại cho ta bóng
quê”[29]. Qua câu chuyện kể của các cựu chiến binh xứ Dừa, với sự hỗ trợ đắc lực
của dừa, dân quân Bến Tre đã sáng tạo ra rất nhiều cách đánh giặc: các cây dừa
cao được ngụy trang thành các đài quan sát địch. Thân dừa được vót nhọn, cắm
sâu xuống đáy sông để ngăn tàu giặc hoặc cắm thành các hầm chông trên đường đi
của giặc để tiêu diệt chúng:
“Ai xui thằng giặc đi càn,
Vô sâu ong đốt, ra đàng
gặp chông.”[30]
Ngoài ra, thân dừa còn được sử dụng làm các cọc chống đỡ cho hầm
tránh bom đạn; là nơi dán ápphích, truyền đơn. Nhiều chỗ áp-phích mới dán đã bị
địch lột bỏ, quân ta đã nghĩ ra cách khắc chữ lên thân dừa, dưới gốc lại cài
mìn. Quân giặc toan tính tiếp cận chỉ có từ chết đến bị thương. Dừa góp công
vào cách mạng âm thầm mà hiên ngang, hiệu quả:
“Dừa bị thương dừa không cúi xuống
Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời
Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại đứng lên
thân dựng pháo đài.”[31]
Trong chiến dịch đánh sập cầu Bình Chánh nhằm ngăn bước
tiến của địch, ông Lư Hội - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre, trong
bài viết “Cây dừa Bến Tre” ( Festival Dừa Bến Tre lần III - 2012) kể lại dấu ấn
chiến công của dừa rất rõ: “Sau đồng khởi 1960, lực lượng vũ trang nhân dân huyện
Giồng Trôm sử dụng nhiều thân cây dừa dài hơn 10 mét kết thành “bè thần”, chờ
nước rút mạnh thả trôi sông đánh sập cầu Bình Chánh, cắt đứt huyết mạch giao
thông trên tỉnh lộ 26 nối liền Thị xã Bến Tre đến huyện Giồng Trôm- Ba Tri (nay
là tỉnh lộ 885), ngăn và làm chậm bước tiến của quân thù từ thị xã Bến Tre đến
các tiểu vùng 1, vùng 2 của huyện Giồng Trôm và huyện Ba Tri.”[32]. Quả là:
“Ta
nhắc đến Bến Tre từ mùa xuân ấy
Đội nắp hầm đứng dậy phá vành đai
Con sông nhỏ
cũng làm nên dây trói giặc
Súng bập dừa ta nắm chặt trong tay.”[33]
Trong chiến
tranh, cần nhiều những người con đáp lời sông núi, lên đường chiến đấu. Trong
ca cổ, dừa cũng có mặt trong các buổi tiễn đưa:
“Hàng dừa nghiêng nghiêng soi
bóng bên hàng kinh xanh.
Tiễn đưa anh lên đường.
Tòng quân giữ yên quê
nhà.”[34]
Ở những buổi chia tay, hành trang họ mang theo đầy ắp hình bóng quê
nhà, như mẹ già và hàng dừa trước ngõ:
“Bấy giờ là mùa mưa.
Bông dừa rơi lưa
thưa.
Ong ruồi xây tổ mật.
Ôi buổi chiều Lương Hòa.
Con đường đi trước mặt.”[35].
Lá dừa cũng được sử dụng là đuốc soi đường. Ngọn đuốc ấy đi vào thơ ca như một
biểu tượng của niềm tin tất thắng, của tương lai tươi sáng:
“Một lần nào đó
trong mơ,
Gặp người cầm đuốc lá dừa dẫn đi.”[36]
Biểu tượng “đuốc lá dừa” không
lạ với bất cứ người dân nào ở Bến Tre. Đó là ngọn đèn lý tưởng giúp người vượt
qua đêm tối, tránh được nỗi sợ đêm đen; nhất là khi có gió mưa thì không ngọn
đèn nào có thể thay thế. Lê Anh Xuân cũng đã từng khắc họa hình ảnh cô giáo
làng dẫn đường cho bộ đội trong đêm khuya bằng “đuốc lá dừa” và khi bị giặc sát
hại, thì hình ảnh của cô trở thành ngọn đuốc của lòng yêu nước, một ngọn đuốc
không bao giờ tắt:
“Bộ đội qua làng đêm mưa ướt,
Đuốc lá dừa thắp sáng bến đò
khuya...
Có ánh sáng của em soi trên những trang thơ,
Ánh đuốc của quê hương -
ánh đuốc lá dừa.”[37]
2.4. Trong thời bình, dừa mang lại cho quê hương Nam Bộ sự
thơ mộng, trù phú Trong sinh hoạt, người dân Bến Tre không ai không thuộc đôi
câu thơ, ca ngợi cuộc sống trù phú, thơ mộng của quê hương cây trái với các
nông sản nổi danh, với những cây trồng thẳng lối:
“Sum sê xoài biếc, cam vàng
Dừa
nghiêng cau thẳng hàng hàng nắng soi.”[38]
Cao hơn cả trong tình cảm con người
đó là tình yêu quê hương xứ sở. Những người con Nam Bộ khi nhắc nhớ làng quê,
không thể không nhắc đến dừa. Bởi dừa đã làm cho quê hương ngày thêm thơ mộng,
trù phú, đến mức không thể không bộc lộ bằng tình cảm quý mến bằng những cách
nói “thậm xưng”: “Tôi ngỡ lối về cung tiên”, “nàng tiên xứ dừa”…
“Về đây...
quên hết nắng mưa bụi đời.
Khi yêu, yêu lắm dừa ơi!
Cả trời, cả đất, cả người Bến
Tre.
Bóng dừa râm mát lối quê
Người ơi! Tôi ngỡ lối về cung tiên.
Gái làng đi họp
chợ phiên
Phất phơ tà áo, nàng tiên xứ dừa.”
Một đoạn khác cũng của nhà thơ
Kiên Giang Hà Huy Hà:
Bến Tre gái đẹp, trai hiền.
Dừa xanh nước bạc, cỏ miền
quê hương.
Ban trưa ghé quán bên đường
Uống no bóng mát mà thương xứ dừa.
Ngắm
bông sen nở giữa hồ
Người ơi! Tôi ngỡ gái thơ mỉm cười.
Bến Tre hỡi! Bến Tre
ơi!
Tôi yêu cả xứ, cả người Bến Tre.”[39]
Ngay cả đối với khách viếng thăm xứ Dừa,
khi về lòng cũng vấn vương bao tình:
“Thôi từ biệt nhé Bến Tre
Vườn dừa, mương
nước, hàng tre, cánh đồng ....
Tàu đi xa đảo dừa xanh
Tiếc mình chưa được làm
dân Mỏ Cày
Vinh quang thay mảnh đất này
Đã đứng lên giữa những ngày đau thương
Ta về ta nhớ Hàm Luông.”[40]
Từ bối cảnh vườn dừa trước ngõ nhà em qua bài ca cổ
“Cây dừa trước ngõ”, dù để bộc lộ tình cảm nhớ thương đôi lứa, trong cảm nhận của
người con trai không thể thiếu hình ảnh cây dừa, biểu hiện cho sự thơ mộng, đầm
ấm của quê hương. Thương người anh thương thêm cây dừa trước ngõ. Nhớ người anh
nhớ cả quê hương xứ Dừa thơ mộng, thân thương: “Nhìn cây dừa trước ngõ, mà nhớ
thương Anh. Thương ơi là thương, biết mấy cho vừa. Thương cho mối tình, mình
đôi… ngã. Thương yêu chưa tròn… đà lìa xa. Lòng em thiết tha... Anh quên mối
tình, mình âu yếm…, hẹn hò ngày… xưa... Không em ơi, dầu kẻ chân mây, người nơi
góc biến, dù tháng năm dài, anh nhớ mãi chuyện tình mình âu yếm, lời hẹn hò xưa
không quên được… bao… giờ. Thân ở miền xa, lòng gởi quê nhà. Chắc chiều chiều
em còn tựa cây Dừa trước ngõ, đưa mắt đợi chờ những lúc hẹn hò xưa…”[41]
Trong
những bài bản vắn, cũng có nhiều bài ca nói lên niềm tự hào quê hương Nam Bộ
thơ mộng, trù phú. Đặc biệt là những bài ca ca ngợi quê hương xứ Dừa Bến Tre với
những lời ca hết sức cô đọng, nhưng chứa đựng một tình cảm yêu thương thủy
chung sâu sắc của người con sinh trưởng nơi quê hương xứ Dừa Bến Tre: “Xứ Dừa -
ba dãy cù (lao). Có (tên) gọi Bến Tre quê (nhà). Người (ơi) mỗi lúc đi (xa).
Nghe sâu (nặng) thiết tha nghĩa (tình).”. Hay ở một bài khác: “Sông (dài) biển
rộng soi (hình). Rặng (Dừa) bến nước Hàm (Luông). Đò ghe xuôi (ngược) ngân vang
câu (hò). Về (đến) bến phà Rạch (Miễu). Nhìn (thấy) sóng nước xôn (xao). Lòng
(thấy) vui sướng nôn (nao). Ơi quê (mẹ) Bến Tre dạt (dào).”[42]
3. Việc quảng bá
văn hóa xứ Dừa, một mặt cần mô hình “du lịch xanh” để du khách được tiếp cận với
xứ Dừa, được nằm võng mắc giữa vườn dừa; được uống nước dừa và thưởng thức những
món ăn chế biến từ dừa; được ngồi trên xuồng đi dọc các con kênh xanh mát bóng
dừa mà nghe ca vọng cổ, nghe câu hát, câu hò, điệu lý nói về quê hương xứ Dừa.
Nhưng mặt khác, việc sưu tầm văn chương dân gian và tuyển chọn những bài thơ, bản
vắn, câu ca vọng cổ có chủ đề, hình ảnh cây dừa cũng là cách vừa giúp cho du
khách tiếp cận loại hình văn hóa Nam Bộ đặc thù, vừa giúp người dân địa phương
và du khách thêm yêu mến quê hương xứ Dừa, một quê hương vốn có bề dày truyền
thống văn hóa - lịch sử đáng tự hào.
Hoàng Thị Ánh Tuyết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét