Trời trở nóng hầm, không chỉ đi ngoài đường mà ngồi trong
nhà cũng nóng. Tiếng quạt máy vù vù cũng chỉ kéo những luồng hơi nóng vào nhà.
Mọi người nháo nhác, ai cũng hy vọng đây là sự trở chứng của trời đất trong cơn
động cựa chuyển mùa. Họ cố chịu chỉ mong một sự thay đổi thời tiết. Những đụn
mây đen xuất hiện cuối chân trời làm người quê nôn nao hy vọng.
Năm tháng ruộng vườn như chảo lửa. Bây giờ rải rác từng vùng bắt
đầu có những cơn mưa trái mùa. Mưa làm vợi đi cái nóng cong người, nhưng
cái quan trọng nó làm cho nỗi lo, sự thắc thỏm về thất bát cũng vơi đi. Trong
lòng người phấn chấn, đây đó đã có những nụ cười. Không khí bề bộn khẩn trương
chuẩn bị một vụ mùa mới. Mưa trái mùa xoay vòng vòng mà vẫn chưa xoay hết lượt.
Cả cái khu rẫy ngã ba Cây Cầy vẫn không có lấy một giọt mưa. Mụ Rạng đứng dạng
chân nhìn quanh quất bốn hướng rồi phán:
- Chiều nay lại vẫn không mưa phía rẫy nhà mình.
Ông Rạng cui cút buộc can xăng bà vợ vừa mua vào xe. Nhìn chồng,
mụ Rạng thở dài. Cả mùa nắng này chi phí tưới lên đến cả trăm triệu vậy mà nỗi
lo tiêu chết vẫn nơm nớp. Trời cứ chuyển vòng quanh mà 2 ha tiêu không có lấy một
giọt. Hai cha con ông Rạng gần như phải ăn, ngủ ngoài rẫy. 3 cái giếng
khoan cũng kiệt. Cái máy xịch xịch được 15 phút là khục khục hắt hơi vì giếng cạn.
Tiêu thiếu nước hạt cứ nhẹ bẩng trên tay. Giá mà có đất nhiều trồng điều như
nhà lão Hiếng bên hàng xóm kia lại trúng. Hôm qua nhìn mụ Hiếng hoa chân múa
tay ngoài chợ mà ấm ức:
- Trông trời khoan mưa, em còn thu vụ điều ra muộn. Mưa là em
chết. Năm ngoái sơ sơ cũng mất mấy chục.
Nói mấy chục là mụ Hiếng muốn nói mấy chục triệu. Mụ Hiếng
đang trúng điều, mụ có quyền ăn, quyền nói. Nhìn cái cách săm soi đi tiệm làm
tóc, làm móng tay. Mụ ta còn toe toe trong đám cưới:
- Ông Hiếng nhà em bận với mấy cái rẫy điều bắt em thay mặt.
Nói rồi còn xin đăng ký hát một bài. Hát xong một bài lại nói sẵn đây cho em
xin bài nữa. Ghét.
Ông Rạng cùng mấy đứa con đi rồi, mụ Rạng loay hoay cào cào mấy
tạ tiêu đang phơi, lau mồ hôi rồi ngó ngó bốn phương trời đất…
Đúng ngọ, trời đang nắng bỗng dưng mây vần vũ. Lộp độp, lộp độp.
Tiếng mưa gõ mái tôn như ném đá vào lòng mụ Hiếng. Phần vì sợ mưa làm hỏng lứa
hoa điều ra muộn, phần thì cả 2, 3 tấn hạt điều đang phơi dọc hai bên đường sợ
không đưa vào kịp, lão chồng chưa thấy về. Tim mụ như có lửa.
- Thằng Tùng, con Tiến mau mau ra phụ mẹ một tay.
Ào ào gió, giông nổ đùng đùng, tiếp sau ào ào mưa. Hạt mưa to
như hạt đậu rơi trúng đầu đau như trúng đá.
Bên kia nhà mụ Rạng tiếng la như la giặc:
- Nhanh lên, nhanh lên.
- Ớ bà con ai rảnh giúp một tay. Nghe tiếng la mụ Hiếng sững
sốt. Ai như tiếng lão Hiếng nhà mình. Sao không về lo bên này mà hò hét bên
kia! Thằng chả e khùng. Đang lom khom cùng hai đứa con dồn các múi tấm
phơi mụ vội thả ra.
- Thằng cha mày không lo cho nhà này mà lo cho hàng xóm kìa.
Tức muốn điên. Thằng con xoay trở buộc các múi tấm phơi:
- Má phụ con đi, chuyện nào ra chuyên đó. Ba về rồi nói với
ba sau…
Gần cả tiếng đồng hồ lăn lộn với mưa, ông Hiếng ướt như chuột
lột. Vừa bước vào nhà mụ Hiếng đã như súng thần công phát hỏa:
- Chuyện nhà không lo lại lo chuyện hàng xóm. Má con tui
không kịp đưa điều vào đang vất lủ khủ ngoài đường kia kìa, giữa sân còn để
nguyên chưa gom kịp.
Ông Hiếng trước khi vào nhà đã nhìn ngó và rất hiểu sự tình.
- Thôi bà. Bà không thấy nhà người ta năm nay đang khổ sở vì
tiêu không? Mưa mà không kịp đưa vào trôi mất. Thông cảm với người ta đi.
- Nhưng nhà mình ai thông cảm?
- Điều nhà mình phơi ngoài đường chỉ cần bà buộc túm lại. Còn
trên sân cứ để đó có trôi đi đâu mà sợ. Hạt điều mới hái mai phơi không ảnh hưởng
gì cả. Tôi biết má con nhà bà lo được.
Ông Hiếng tắm xong, thay đồ, lau lau đầu cho khô. Thằng con
bưng ấm trà vừa pha, hơi nghi ngút đưa cho ông Hiếng một ly, bà Hiếng một ly.
- Ba nói đúng đó má. Bên ấy bác trai và mấy anh vào rẫy hết
chỉ còn mình bác gái làm sao xoay sở. Nói rồi nó nhìn bà Hiếng thăm dò:
- Năm nay bên đó mất mùa nặng. Hạn khô khổ sở vì tưới. Thu hoạch
được ít thì giá không bằng nửa mọi năm.
Đang ngồi quay lưng, bà Hiếng xoay người trở lại:
- Vậy các năm trước thu bảy, tám trăm triệu đồng mặt cứ hếch
hếch, bây chừ không kiêu nữa đi.
- Má thì má thấy thế chứ tụi con thấy bác ấy bình thường. Với
xóm giềng vẫn vui vẻ mà. Nhà mình không trúng lớn, nhưng 3 năm nay trời thương
cũng đều đều thế là mừng rồi má. Má nhớ cái năm mưa nhiều, điều mất. Hai bác ấy
còn vào rẫy nhà mình giúp. Bác ấy còn khuyên con chịu khó hạt lép thì lép thu về
được đồng nào hay đồng đó…
Cơn mưa kéo dài gần 2 tiếng. Mụ Hiếng ngồi lo hoa điều gặp
mưa rụng hết. Tức là lứa này hoa dày kín cả cây. Mụ tức vì hàng xóm của mụ lúc
nào cũng một trông mưa, hai trông mưa…
Tiếng xe máy bành bạch hai chiếc dừng vội. Tiếng ông Rạng vọng
sang:
- Tiêu đưa vào nhà hết rồi hả bà!
- May có bà con hàng xóm.
- Cha con tui ngoài rẫy lo quá phải đội mưa mà về. Mấy người
can trời đang giông nguy hiểm. Nhưng sợ bà ở nhà một mình không kịp đưa tiêu
vào. May quá.
Gần tối, bà Rạng sang nhà bà Hiếng nhìn cảnh tượng hạt điều
đang nằm xếp đống giữa sân, xúc động:
- Ông nhà tui vào rẫy xếp lại ống giây, máy tưới đang về. Tui
nấu nồi cháo mời cô chú sang chơi, uống ly rượu giải cảm.
Có tiếng bước chân người vội bước vào. Ông Rạng:
- Cô chú sang luôn đi. May mà có cô chú giúp một tay… Tui hơi
chủ quan cứ nghĩ là không mưa.
- Anh chị về đi rồi vợ chồng tui sang.
Nhìn cái dáng vất vả của mụ Rạng, mụ Hiếng bây giờ mới nao
nao. Mình cứ hay nhòm ngó ganh ghét bóng gió người ta. Mọi chuyện cứ ép hiểu
theo cái lý của mình. Ông nhà mình nói đúng, mình phải mở lòng với mọi người.
Mụ Rạng bước đến nắm tay mụ Hiếng:
- Tui không biết nói sao. Nhìn cái sân vun đống hạt điều đang
phơi giữa sân, tôi hiểu được cái lòng cô chú.
Những người đàn bà thôn quê ít khi nắm tay nhau trong bồi hồi
cảm xúc, mụ Hiếng cũng không biết nói gì chỉ nắm tay người hàng xóm lắc lắc thật
mạnh. Ở quê chuyện làm ăn nhờ cả vào trời, khi may của người này nhưng lại
thành rủi của người kia. Chỉ có sự cảm thông, sẻ chia mới là điều vĩnh cửu. Hai
người đàn bà nhà quê lờ mờ hiểu ra như thế.
- Mưa tạnh. Không khí sau mưa mát mẻ. Vườn tiêu sẽ không chết
dù hoa điều nhà mình có rụng đi chút ít cũng không sao.
Mụ Hiếng nghĩ thế.
Đình Đình Chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét