Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Mật thư trên ngọn đa

Mật thư trên ngọn đa

Bà ngoại Sim có cách gọi lạ, cây đa ở đầu làng bà gọi là cụ đa, con chó đá ở đầu ngõ bà gọi là ông chó, hai con nghê đá ở cửa chùa bà gọi là các ngài… đến đi ra đồng đánh chuột cho khỏi cắn lúa bà cũng hô tôn là ông chuột và xưng con. Sim đã trong vài tích tắc nhớ được và nêu những dẫn chứng đó khi cô giáo yêu cầu lấy ví dụ về phép nhân hóa, thế là được cô cho điểm mười, cả lớp râm ran vỗ tay.
Tan lớp, Sim bỏ lại đám bạn phía sau, ôm cặp chạy vù về nhà. Bà từng hẹn nếu Sim được điểm mười sẽ cho đi chợ chơi, ngôi chợ có những bức tường xây bằng gạch non không chát đang vỡ nở màu theo thời gian còn phang phảng mùi ruộng đồng bùn đất như đang chín dần trong lửa rơm rạ, mỗi khi chạm vào tường gạch bung phấn rắc lả tả quần áo, mặt mũi cứ như được đánh phấn. Góc trái chợ, cạnh cây trứng cá, là gian bếp của cụ Còng bán bánh rán, nồi mỡ luôn xèo xèo, bánh rán bánh quẩy thả vào đã chao như đua mô tô bay, vàng lịm, thơm nhức nhối cánh mũi, ăn không biết chán. Bà còn hẹn sẽ mua cho Sim một cái áo hoa cộc tay mặc mùa hè cho mát, lâu rồi Sim chưa có tấm áo mới. Những quần áo mới còn thơm mùi vải Sim hay ôm vào lòng hít hà cho đã mũi rồi mới mặc. Ngày mai lại đúng chủ nhật.
– Bà ơi!
Sim cất tiếng gọi ngay từ ngoài cổng, nhưng vào tới sân thì Sim khựng lại. Trong sân nắng chang chang, bà đang còng lưng mải miết tải, tẽ từng bó rơm nếp, từng cái chổi ra phơi. Mới mấy hôm trước, Sim còn giúp bà phơi rơm, tuốt rơm bện chổi, tất cả đều cứng cáp, vàng óng, thơm tho. Giờ rơm, chổi chợt ngả màu thâm, mốc, có vài bó rơm bà cố tẽ thành vòng tròn để cho đứng trên mặt sân hong nắng được đều lại cứ đổ ụp xuống sau khi tay bà rời đi, còn những cái chổi thì bị rách nham nhở, bung lung tung.
– Chổi, rơm bị sao thế hả bà?
Sim chạy lại, ngơ ngác nhìn.
– Không dưng gian bếp nhà ta bị dột, nước mưa ông giời ngấm xuống,  những hai đêm mà không biết, hỏng hết hàng họ rồi cháu ạ. Các chị chổi ấy bà đã treo trên gác vừa dính mưa vừa bị ông chuột cắn cho tả tơi. Ngặt nỗi sớm mai phiên chợ, bà có hẹn giao hàng cho cô Lụa, e không đủ là lỗi hẹn với khách.
Nhà văn Nguyễn Thu Hằng
Dạo này người ta thích quét chổi rơm nhiều hơn nên hàng chạy. Bà làm miết chẳng đủ, nay lại bị ướt thế này…Sim nhanh tay ôm rơm từ bếp ra phơi cùng bà. Chợt một ý kiến nảy ra trong đầu Sim:
– Cháu sẽ phụ tuốt rơm cho bà, bảo mẹ cháu làm cùng cho nhanh.
– Ừ. Nhưng con mẹ mày thì chưa chắc….
Bà nói vậy là Sim bắt đầu chỉ lo mẹ không chịu xúm vào bện chổi giúp bà, thành ra Sim quên bẵng luôn chuyện khoe điểm để được đi chợ chơi và vòi quà với bà.
Mẹ Sim mùa này chỉ thích lội ruộng mót lúa hay lội mương lội sông bắt ốc, bắt cua. Làng đang tiến sâu vào vụ gặt, ở những thửa gặt trước, thóc rụng trên đồng bắt đầu lên mạ non xanh mướt. Mẹ miệt mài mót thóc, mỗi buổi về đồng, ít cũng được lưng bao cả bông lẫn thóc. Chủ nhật trước Sim bám đuôi mẹ. Mót thóc rơi thì ít mà mắt Sim dán vào xem máy gặt thì nhiều. Máy gặt cứ ngoàm ngoạp chén lúa rồi nhả ra từng bao thóc phía sau, còn phụt rơm ra trông rất giống cái ống bắn pháo hoa trong các đám cưới, thế là các cô bác chỉ việc cõng lên bờ chở về nhà phơi quạt là xong. Sim kêu to, máy gặt giỏi thật, lớn lên con muốn giống chú Kiên cưỡi máy đi gặt! Mẹ nheo nheo mắt, mấp máy mồm mãi mới nói được một câu, “cưỡi nó lồng lên thì bỏ chết”, rồi lại lụi cụi nhặt bông rơi hạt vãi.
Tối ấy, ngồi tuốt rơm dưới trăng, Sim gạ mẹ ra bện chổi cho nhanh, nhưng mẹ cứ lắc đầu ngồi cạo thóc cho xong để tãi phơi trăng kẻo mọc mầm bỏ chết. Sim đành rút nhanh tay hơn, vừa rút rơm vừa hỏi bà, sao mẹ lại nói máy gặt lồng lên thì bỏ chết, cái gì cũng bỏ chết? Mẹ đang ngồi ở góc sân cạo thóc, những bông lúa buộc thành từng bó nhỏ, mẹ dùng bát ăn cơm miết mạnh xuống đầu bông, cạo cho thóc rụng ra, những hạt nào lì lợm thì cứ đợi đó, tất cả sẽ được cuộn vào cùng với những nhánh, những tẽ nhỏ, rồi mẹ sẽ dùng chân vò. Tay bám tường lấy lực, hai chân cứ cuộn lúa vò đi vò lại tới lúc lúa cuộn tròn như cục len, mẹ ruông ruông cho thóc rơi ra, lại dùng chân vò lúa đến thân lúa nát vẩn, đến hạt lép cũng phải rời ra thì công đoạn vò lúa coi như đã xong. Quen rồi nên chân mẹ không biết đau khi thóc đâm vào. Sim từng đòi vò thử một lần, hai đầu hạt thóc nhọn hoắt như mũi kiếm đâm vào chân đau nhoi nhói, rát ràn rạt, còn ngứa ran ran, không thể chịu được. Sim cũng thử cạo lúa bằng bát, còn dùng hẳn bát tô múc canh, bảo cạo cho nhanh nhưng bậm môi cạo tới năm cái mới có vài ba hạt thóc rụng ra mà tay thì đã muốn rã cánh, mẹ đuổi ra lại nói, cạo thế rã tay bỏ chết.
Bà ngừng tay bện chổi, nhìn mẹ ngồi cạo lúa, kể: Ngày bé bằng Sim, mẹ theo bác Vũ ra đồng chăn trâu, bác Vũ cho mẹ cưỡi trâu, chẳng may con trâu lồng lên, chạy lung tung, hất mẹ ngã xuống bờ ruộng, về bị ốm cả tháng. Khỏi thì mẹ cứ ngơ ngơ ngác ngác, cũng chẳng mấy khi chịu mở mồm ra nói một câu, thích làm cái gì thì chỉ làm mỗi cái việc ấy, nhìn thấy trâu là rúm lại sợ hãi, ông ngoại phải bán vội trâu đi. Nghe bà kể, giờ Sim mới hiểu, mẹ sợ máy lồng lên như trâu là như vậy, Sim lặng lẽ nhìn mẹ cạo thóc.
Đêm thức khuya nên sáng hôm sau Sim dậy muộn. Sim dậy thì bà đã gánh hàng đi chợ, mẹ cũng vác bao, vác rổ ra đồng nhặt thóc từ bao giờ. Bát cơm rang mỡ vàng ươm có rắc ít muối vừng thơm phức đợi Sim. Vừa chén cơm rang vừa nhớ ra điểm mười cô cho chưa kịp báo bà để bà cho bám càng đi chơi chợ mà Sim tiếc hùi hụi. Ăn hết bát cơm thì cơn tiếc cũng trôi đi đâu mất khi có tiếng gõ cửa sổ lộc cộc quen quen. Sim hé mắt qua lỗ hổng của ô cửa sổ, ngoài tường cái Bưởi cũng vừa dí mắt vào, hai đứa cùng ngã ngửa người ra, kêu toáng lên, trắng dã mắt ma, rồi cùng cười rúc rích khi biết mắt ma của nhau.
–  Đi chơi không?
Vừa nhìn thấy nhau, thằng Tôm đã gạ gẫm.
–  Đáng lẽ hôm nay đi chợ ăn quà với bà cơ.
Lần đầu tiên Sim tỏ vẻ kiêu kiêu. Ngẫm để cho oách. Hai đứa chúng nó không học cùng lớp, chẳng thể biết con điểm mười đỏ chót hoa phượng của Sim.
–  Sao mà được đi chợ?
–  Bà hẹn nếu tớ được điểm mười sẽ cho đi chợ chơi.
Cái Bưởi lè lưỡi ngạc nhiên quá đỗi:
–  Thế là đã được điểm mười cơ á? Kinh nhỉ?
Thằng Tôm ra võng ngồi, chao tí thò lò:
–  Đi với bọn này, có trò hay lắm!
– Trò gì? Hay lại đào khoai lang để nướng, bắt ve nướng, hay xin hạt mít nướng chứ gì?
–  Các món nướng ăn kể cũng sướng nhưng cái trò này còn khoái hơn nhiều.
Ba đứa chạy tút ra cổng. Thằng Tôm dẫn đầu, nó tắt qua vườn chuối nhà bà Tư, những tàu lá chuối khô phần phật sau lưng, nó còn chạy chữ chi để tránh bụi chuối mà ba đứa vẫn bị những buồng chuối non va vào mặt, một quả chuối non bị gãy, nhựa ròng ròng rớt vai áo, dính lên mặt đúng chỗ mụn hắc lào của Tôm, tưởng như đang mọc răng nhặng nhặng cắn như kim châm, nó cứ rên nên xót quá. Tới con mương, Tôm xắn quần nhảy phốc qua rồi dang tay đỡ từng đứa cho nhảy sang theo. Chẳng biết bà Tư có phát hiện ra không, Sim vừa nhảy sang xong đã lo lắng, thằng Tôm chẹp miệng, bà Tư biết thì cũng chửi vài câu thôi, sợ gì, mẹ Tôm bảo nghe chửi càng chóng lớn!
Con đường ra cánh đồng lúa đã mở trước mặt. Con đường này hồi đầu năm ngoái vẫn chỉ là một con mương dẫn nước vào đồng, nhưng tới cuối năm, làng thực hiện chương trình “Dồn điền đổi thửa”, các bác nông dân rủ nhau ra đầu bờ dồn dồn, trộn trộn, bốc bốc, thế là ruộng bé bỗng biến thành ruộng to, mương bé bỗng biến thành đường to, còn được đầu tư đổ bê tông nhẵn thín, xe máy, công nông, máy gặt đi lại rầm rập như trên đường cái quan. Ở ngay lô đầu, nhiều ruộng đã gặt xong còn trơ gốc rạ, lún phún lẫn trong màu nâu đất những cây mạ non mọc lên thành hàng dài theo vệt máy gặt. Những ruộng lúa chín muộn, bông lúa đang rúc đầu vào nhau thì thầm kể câu chuyện đồng nội, hương lúa, hương rơm mới ngả ra mặt ruộng thơm thoang thoảng trong nắng mai.
–  Cái ruộng lúa này tháng trước bọn tớ tuốt trộm đòng đòng mà giờ lúa vẫn sai bện.
Giọng thằng Tôm ngọt như hơi sữa non đòng đòng vẫn còn quyện trên đầu lưỡi.
Sim rẽ xuống một bờ xương cá, có động, cào cào, châu chấu, muỗm bay dàn dạt, nhảy tanh tách đầu bông, ngọn cỏ.
–  Nướng mấy chú này ăn cũng ngon đấy. Sao không mang giỏ, mang vỉ đập?
–  Đã bảo không ăn món nướng rồi mà.
Thằng Tôm xì một câu.
–  Lúc nào cũng nghĩ tới ăn. Hôm nay bọn mình ra gốc đa giữa cánh đồng chơi, có một mật thư gửi trên đó.
–  Mật thư á?
Sim nổi hứng tò mò, ngước mắt nhìn ra phía giữa cánh đồng nơi mà như lời của bà, cụ đa vẫn đứng trầm mặc, oai nghiêm như một người lính ngự lâm đầy thâm niên canh gác cho đồng, cho làng.
Hồi vừa tạm biệt lớp Một, Sim đã chạy theo bọn thằng Tôm ra gốc đa thả diều dù lúc ấy con mương nhỏ đầy cỏ xanh um còn khó đi. Diều căng dây thì Tôm và bọn con trai nhảy xuống sống tắm, để lại mình Sim đứng trên bờ cầm dây diều. Nhiệm vụ cao cả nên Sim cứ như một cây cọc cắm xuống đất chỉ chăm chắm giữ cho diều no gió mà không dám chạy loăng quăng đi chơi như chúng nó.
Bỗng một người đàn ông tóc tai bù xù, quần áo ướt sũng dính đầy bùn đất, vai vác dậm, hông đeo giỏ, tay cầm củ sen trắng ngẫn đi lại phía Sim. Thỉnh thoảng Sim có nhìn thấy chú ấy đi đánh dậm dưới sông. Chú ấy chìa tay đưa cho Sim củ sen, cứ hất hất ra hiệu như muốn nói rằng ăn đi, ngon lắm. Nhìn vẻ ngập ngừng của Sim chú cứ cười hềnh hệch, lại ra hiệu cùng những tiếng “ ầy ầy” phát ra. Nước từ tay, từ người chú ròng ròng rỏ xuống. Có thể người này chính là chú Chai câm ở xã bên đi đánh dậm qua khúc sông này, thằng Tôm từng kể, vào một buổi chiều hè, chú Chai câm đã dạy cho nó biết ngón đánh dậm là thế nào.
Nghĩ vậy nên Sim cũng bớt sợ hơn. Không ngờ trong khi đó, chú đánh dậm đã bỏ dậm xuống, tháo luôn cái giỏ cua bên hông dúi cho Sim, ra hiệu mang về cho bà nấu canh, mắt chú nhìn mắt Sim bỗng hấp háy sáng một cách kì lạ. Sim mới chỉ dám xin củ sen, còn tay kia vẫn phải giữ dây diều, chưa biết từ chối ra sao vì bà vẫn dặn không được lấy đồ của người lạ thì thằng Tôm chạy từ dưới sông lên, cái quần đùi cũ dính chặt vào cái mông xẹp lép. Nó ra chiều thân mật, xua xua tay làm dấu nói với chú Chai, cho chúng cháu xin củ sen thôi, còn giỏ cua cá chú đem về cho ông bà đi bán lấy tiền đong thóc. Sim cũng gật đầu theo. Nhưng chú Chai cứ nhất định dúi vào tay Sim giỏ cua bắt Sim nhận kì được, thằng Tôm đành phải cầm dây diều giúp rồi nó xui, thôi cứ nhận đi chẳng mấy khi chú Chai cho ai cả giỏi cua cá đâu, vài hôm trước, tớ xin được chú ấy mấy con cá sít về thả bể nước mưa. Khi Sim cầm giỏ cua cá đi về, chú Chai cứ cười tít mắt gật gật, ầy ầy đứng nhìn theo mãi.
Về nhà, biết nguồn gốc cái giỏ cua, bà dặn, lần sau chú ấy có cho thì không được nhận nữa, Sim cũng không được ra tận gốc đa chơi một mình nữa, mai gửi giỏ cho thằng Tôm ra đó trả lại chú ấy. Sim cãi lý, Sim không ra một mình, mà sao lại không được ra đấy chơi? Ra với bạn cũng không được nữa, cụ đa già rồi sống một mình giữa đồng mà có năm vào mùa mưa còn bị thần sét đánh cho gãy mất mấy cành to khộc, lại nữa, mương cỏ mọc rậm như rừng biết thế nào để canh chừng rắn rết, Sim đừng có làm cho bà với mẹ lo lắng. Sim đã không muốn làm cho bà buồn nên lâu rồi không lui tới gốc đa nữa.
Giờ Tôm nhắc tới gốc đa khiến Sim chợt nhớ lời bà dặn, bàn chân liền ngập ngừng, nhưng cái đầu cái bụng thì cứ như múa máy rạo rực cả lên vì muốn biết trên ngọn đa có thư gì mà bí mật đến thế. Sim tự nhủ, sáng nay trời quang, đằng đông đang ửng hồng thế kia thì chẳng lo có mưa rào đột ngột nên không có thần sét, cũng chẳng sợ gì rắn rết khi đường ra gốc đa đã đổ bê tông phẳng lì, bà sẽ chẳng lỡ mắng Sim.
Tiếng thằng Tôm chạy đằng trước vọng lại hối thúc:
– Chạy nhanh lên thôi!
Cụ ngự lâm thâm niên của làng đã sừng sững ngay trước mắt ba đứa, cành thân gân guốc chằng chịt, rụt rịt, mốc thếch, lá tán sum suê chùm cả xuống bờ sông, hai cành đa la rủ xuống hai bên, buông rễ như hai tấm mành mành bám chặt vào đất. Thằng Tôm bám vào một rễ đu lên như khỉ. Bưởi và Sim bắt chước nhưng toàn bị tụt xuống vì rễ cứ trơn tuồn tuột. Tôm đứng trên cành đa nhòm nhòm, rồi mách, vòng ra phía bên kia, có mấy cái rễ đa đan bện vào nhau như dây thừng dây chão, có mấu bậu chân. Đúng là có mấu leo dễ hơn, nhoáng cái hai đứa cũng trèo lên cành đầu tiên. Rồi cứ bám theo bước chân thằng Tôm mà trèo mà leo, thân đa lên cao vẫn nhiều u nần, nhiều cành ngang cành dọc để đu bám. Lên tới tầng tán ba thì chỉ thấy lá đa phần phật trước mặt như những chiếc quạt mo, nhòm vào mấy cái hốc nhỏ chỉ thấy đàn kiến chui ra chui vào. Đến tầng tán thứ tư, mỗi đứa ngồi ở một cành chìa ra ba hướng ngửa mặt lên thấy nhiều lá đa in trên nền trời xanh trong thăm thẳm, chợt tiếng thằng Tôm reo lên:
– Nhìn kìa!
Theo cánh tay chỉ của thằng Tôm, Sim và Bưởi đã nhìn thấy ông mặt trời từ sau dãy núi phía xa đang từ từ nhô lên được một nửa trông giống như đĩa xôi gấc khổng lồ rồi dần dần đĩa xôi đẫy đà biến thành quả bóng lửa, những ánh hào quang tỏa ra xung quanh tạo ra những tia nắng hình dẻ quạt rọi xuống cánh đồng. Làng mạc, bụi tre, dòng sông, tất cả đang bừng lên trong màu ban mai rực rỡ. Những bông lúa óng ánh như biến thành chuỗi ngọc, những hạt sương lấp lánh pha lê đang tan dần trên những ngọn cỏ gà đang ngóc lên chừng muốn cất tiếng gáy, mặt sông sóng nước gợn loang loáng ánh vàng ánh bạc, vài con trâu nhà ai thả sớm mắt mở to ngơ ngác, ghếch đôi sừng cong cong hứng nắng. Ngửa cổ lên thấy nắng đã vờn qua mấy tán lá đa chạm xuống tóc xuống mặt Sim ấm áp, cảnh tượng huyền diệu quá khiến Sim chợt nhắm mắt thì thầm một điều ước, khẽ đến nỗi hai cái lá đa ngay sát má Sim cũng chẳng thể nghe rõ.
– Thấy tuyệt vời không? Thằng Tôm rung rung cành đa hỏi tiếp.
– Đẹp tuyệt trần! Tớ thấy một bức tranh vẽ cảnh mặt trời mọc đầy màu sắc đang chuyển động một cách huyền diệu trên làng quê mình.
– Mật thư đấy, phải lên tận ngọn đa mới nhận được nhé. Chú Chai mấy hôm nọ đã dẫn tớ trèo lên xem đấy.  Cậu ước gì mà nhắm tịt mắt thế?
– Một mật thư riêng của tớ.
Sim úp mở. Thằng Tôm nheo nheo mắt nhìn qua mấy tán đa xuống góc sông phía xa xa. Nó nhìn chăm chăm một lúc, rồi kêu to:
– Hình như chú Chai đi đổ rọ sớm bị làm sao!
Ba đứa cuống cuồng tụt xuống và chạy thục mạng tới chỗ mấy cái đó, cái rọ đang phập phồng trên mặt nước. Bên rìa sông, chú Chai gục xuống, đầu gối lên cỏ, chân thõng xuống nước. Đứa thì ôm đầu, đứa thì cầm tay cố kéo chú lên bờ, người chú nhũn nhùn như bún cứ muốn tụt xuống. Cố mãi cũng kéo được chú Chai tới gốc đa. Vừa may gặp cụ Thược đi hái lá thuốc nam sớm, cụ bắt mạch rồi bảo chú bị trúng gió độc, sẵn lá thuốc trên đồng vừa hái cụ nhai nhuyễn đắp trán và dán cổ tay cho chú, cụ lại rút trong túi áo ra cho chú uống mấy viên thuốc nam đã hoàn tán, Sim vội ra sông cấu lá sen múc nước vào cậy mồm cho chú uống. Mấy phút sau tiếng thở đã đều đều, mặt chú Chai không còn tái xanh như lá chuối nữa. Sim đang định chạy về làng báo cho người lớn ra cõng hộ chú Chai về theo lời cụ Thược dạy thì gặp mẹ đang mót lúa. Nghe Sim kể trong tiếng hổn hển, mẹ quẳng vội rổ lúa vừa mót được, chạy lên gốc đa, cứ thế mẹ xốc nách chú Chai lên vai cõng chạy về làng, ba đứa chạy theo hộ tống đằng sau, một mạch đến nhà Sim.
Bà đi chợ về, nhìn thấy chú Chai nằm thẳng dẵng trên giường thì ngạc nhiên, ba đứa tranh nhau kể chuyện một cách thì thầm bởi sợ chú Chai tỉnh giấc. Lấy gói bánh rán ra, bà bảo Sim đem chia cho hai bạn ăn cùng, rồi bà cứ ngồi ở tràng kỉ suy nghĩ điều gì rất sâu. Mẹ thì đang nấu cháo dưới bếp. Ba đứa đang ăn bánh rán thì cụ Thược dẫn ông bà là lạ vào nhà chào bà, đến giường chỗ chú Chai nằm, bà lão kia ôm lấy chú khóc thổn thức:
– May cho con tôi quá…
Sim đã hiểu hai người già kia là bố mẹ của chú Chai. Bà vẫn lặng thinh pha trà. Mẹ vừa bê bát cháo lên nhìn thấy bố mẹ chú Chai ở trong nhà liền đưa bát cháo cho Sim ra hiệu bảo cầm vào rồi quay đi. Bà mẹ chú Chai vội vã chạy ra cửa, giữ tay mẹ:
– Cho ta xin lỗi con và cháu Sim, ngày xưa ta đã ích kỉ …
Trên giường, chú Chai từ từ mở mắt, chân tay động đậy. Mẹ và bà không kìm lòng được òa khóc trong sự ngạc nhiên của bọn trẻ, còn cụ Thược thì đủng đỉnh nói, chuyện này thông thì liệu tính cũng dễ thôi mà, bố chú Chai gật đầu.
Lúc bé tí, Sim hỏi bà về bố, bà bảo, mẹ đi mót thóc nhặt được ngoài đồng, Sim cứ lơ mơ không dám hỏi nhiều sợ bà, mẹ buồn, đến lúc này nghe bà kể chuyện của mẹ trong nước mắt như giãi bày mọi nỗi đau khổ, thiệt thòi mẹ con bà cháu phải chịu một mình, nước mắt Sim cứ ròng ròng chảy bởi thương bà thương mẹ: Một hôm đi mót về, mẹ dẫn theo chú Chai về nhà và chỉ cho bà biết cái bụng đang to lên, bà thương hai đứa dẫn sang bên ấy tính thưa chuyện, nhưng bố mẹ chú Chai không chấp nhận, bảo chẳng biết đâu mà tin cái bụng kia, rồi thì hai người dở dở câm câm mà lấy nhau lại thành gánh nặng, họ muốn tìm cho chú Chai một đám có mồm có miệng.
Chiều hôm ấy, mặc dù bà đã ngăn mới cảm thế trèo thang dễ ngã, nhưng chú Chai lo đêm mưa, bếp của bà dột vẫn quyết trèo lên sửa lại mái bếp, chú ra hiệu có ba đứa thay nhau giữ thang rất chắc, bà đừng lo. Mẹ vẫn ngồi ở góc sân cạo lúa mót, thỉnh thoảng nhìn trộm chú Chai làm lại buột miệng, trèo cẩn thận không ngã bỏ chết.
– Chú Chai để cháu đỡ mấy viên ngói đó cho.
– Sim phải gọi bằng bố Chai chứ? Ông bà nội tương lai của cậu chẳng bảo ngay ngày mai sang ăn hỏi và xin cưới mẹ Sim còn gì.
Thằng Tôm chí vào đầu Sim, Sim cười toét vì chưa quen gọi nên ngượng và quên. Thế là cuối cùng Sim cũng có bố như bao đứa khác, dù bố Chai câm thì vẫn cứ là bố của Sim, đó cũng chính là điều Sim ước ao bấy lâu mà lúc trên ngọn đa thằng Tôm hỏi Sim nhắm mắt ước gì đấy, Sim đã không dám trả lời nó.
Thằng Tôm lại sờ lên má:
– Mấy cái nhựa chuối rơi lên má tớ hồi sáng sớm làm hết ngứa ở mụn hắc lào mới hay chứ, nên lúc đám cưới bố mẹ cậu, bọn mình tha hồ mà chụp ảnh, tớ sẽ xí phần cầm ống pháo hoa để bắn, hai đứa cậu bê váy cô dâu!
Dự đám cưới của bố mẹ, có mấy đứa được như Sim? Sim vừa nghĩ vừa tủm tỉm cười, trong khi đó thì bà đã mang cái áo hoa mới mua hồi sáng ra giục Sim mặc nhanh lên đi lễ chùa với bà, bà còn phải sắm lễ ra tạ miếu ông chó đá đầu ngõ, cả cụ đa đầu làng nữa… Sim đã nói gì về điểm mười đâu mà sao bà biết nhỉ?.
1/6/2021
Nguyễn Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...