Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Triệu Hoàng Giang: Nghiệp rừng

Truyện ngắn Triệu
Hoàng Giang: Nghiệp rừng

Ngày tao về đến con dốc đầu bản, ai cũng nhìn tao với con mắt thương cảm. Ba năm trong tù đã làm cho tao tỉnh ngộ ra nhiều điều nhưng không làm tao quên đi những tội lỗi trong quá khứ. Những đêm trong căn phòng bốn bức tường đá lạnh lẽo, tao lặng lẽ ngồi khóc, những giọt nước mắt nhỏ xuống nền. Suốt ba năm, đêm nào tao cũng giật mình tỉnh dậy, tiếng lách cách, tiếng rên rỉ văng vẳng bên tai, những cái gạc nai, những chiếc nanh lợn rừng và cả khuôn mặt anh Sinh cứ hiển hiện mờ ảo, tiếng “đoàng” vang lên xé tan mọi thứ cũng là lúc tao giật mình tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm.
Tao sẽ làm lại, làm những điều như anh Sinh từng muốn làm, những việc mà ngày xưa tao chưa nghĩ đến. Tào về Phiêng Puông thôi, về với gốc lát trên đỉnh Khâu Săm thôi. Còn mày? Mày đang ở đâu? Đã vào tay người chủ mới hay đang nằm ở xó xỉnh bụi bặm nào đó và có thể đã chìm vào sâu trí óc rất nhiều người nhưng với tao thì không.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.
– Mày biết không?
Tao tự hào về mày, mày nhớ không? Ngày mày ra đời ấy, ngày tao vui sướng chạy đi tìm thằng bạn thân nhất về ngồi uống rượu, tao chẳng kịp mặc chiếc áo treo trên gạc nai chỉ kịp nhắc mẹ thịt nhanh con gà cho tao với bạn ngồi uống rượu. Mặc cho thằng bạn tao đang mệt mỏi sau khi thức đêm ba ngày làm xong lễ cấp sắc nhưng tao vẫn kéo nó về cùng chia vui với tao. Hôm ấy tao say lắm, cả buổi tối hôm đó chỉ nói một chuyện về mày. Chỉ riêng cái báng đã thành một câu chuyện đủ để tao kể suốt đêm rồi. Phiêng Puông nằm dưới sười đồi hướng về đỉnh Khâu Săm, những ngôi nhà đều mở hướng cửa về phía có gốc lát ngàn năm tuổi trên đỉnh. Năm nào gốc lát cũng đón chim iểng, diều hâu các loại chim khác về làm tổ, bên dưới gốc cây những vệt đường thú đi bóng quanh thân gốc, hầu như tối nào cũng có nai ngủ lại. Năm đó, Phiêng Puông chịu trận gió lớn chưa từng có, nương lúa bị ngả rạp sát mặt đất, tiếng cây gẫy, tiếng thú kêu vang khắp nơi như động rừng. Gốc lát ngàn năm tuổi vẫn đứng vững trên đỉnh Khâu Săm cho cả bản Phiêng Puông nhìn vào có thể yên tâm nhưng cành cây không thể chịu được gió lớn. Khi mọi người Phiêng Puông đang ở trong nhà tránh gió thì tiếng nghe tiếng gẫy “rắc” đanh tai vang trên đỉnh Khâu Săm.
Nhà văn trẻ Triệu Hoàng Giang ở Bắc Kạn
– Cành cây lát gẫy rồi!
– Gió to quá mà!
Chính là lần đó, khi cơn lốc vừa đi qua, tao đã nhanh chân nhất lên đỉnh Khâu Săm. Già trẻ ở Phiêng Puông cũng lên xem cành lát gẫy, ai cũng muốn thấy tận mắt sức tàn phá của cơn gió nhưng tất cả chỉ đến để xem, còn tao, tao đến còn có việc khác. Cành lát vừa một người ôm, lõi bên trong đen bóng như than nghiến, cứng như sắt, đã bao người thèm muốn có cái báng súng bằng gỗ lát như vậy nhưng chẳng ai nghĩ đến việc lấy gốc từ cây lát ở đỉnh Khâu Săm. Chỉ có tao mới nghĩ đến khi tiếng “rắc” vang khắp Phiêng Puông.
– Mày nhớ không?
Khúc lát tao mang về đẽo suốt ba ngày mới được cái báng súng ưng ý. Tao mải làm đến nỗi chẳng thể sang giúp thằng bạn thịt lợn, chuẩn bị đồ cho lễ cấp sắc, cả ba ngày lễ tao chỉ sang chia vui với nó một bữa cơm rồi lại về hì hục đẽo gọt. Nó không trách tao đâu, nó hiểu tao mà, nó cũng muốn thấy mày khi ra đời. Chính thằng bạn tao, bằng kinh nghiệm của một thợ săn có tuổi, từng cầm bao nhiêu khẩu súng cũng trầm trồ rằng mày là khẩu súng hoàn mỹ nhất, tốt nhất mà nó từng thấy. Nó cũng chia vui cùng tao cả buổi tối hôm đó, nó chúc mừng tao đã có được khẩu súng tuyệt vời nhất Phiêng Puông này. Mày nhớ không? Những lần tao phải đi khắp các phiên chợ trong vùng tìm đến những nơi bán kíp nổ, vỏ đạn… tất cả đều là loại tốt nhất. Mày chắc không biết đâu.
Chỉ mấy ngày nữa thôi, khi bản Phiêng Puông vào mùa săn, lúc đó bằng kinh nghiệm và tài thiện xạ của tao, bằng khả năng săn mồi của con Khoang và những đường đạn không đâu chê được của mày, cả Phiêng Puông sẽ biết đến mày, đến tao. Ai cũng sẽ bảo đây là khẩu súng tốt nhất cả vùng này. Nhiều đứa con gái sẽ nhìn tao với con mắt long lanh nhất, lũ trai bản sẽ ghen tỵ nhưng trong bụng chúng ai cũng khâm phục tao, chúng biết được tao xứng đáng nhận được những ánh mắt đó. Nhưng kệ những ánh mắt long lanh của những đứa con gái, tao chỉ muốn nhận lời khen từ một người duy nhất, trong bụng tao đã chọn người đó từ trước rồi, đó là con Mẩy nhà ở cuối làng, nhà nó nghèo nhất nhưng đôi mắt nó đẹp nhất Phiêng Puông này. Ngày gặp Mẩy ở con dốc đầu bản, tao đã bị đôi mắt ấy hút mất phần hồn to nhất rồi, tao chằm chằm nhìn khiến Mẩy đỏ mặt, mấy bà đi nương về cười trêu tao. Từ hôm đó, chỉ cần có thời gian rảnh là tao chạy ngay sang nhà Mẩy, nhà nó không có đàn ông nên những việc nặng tao đều làm giúp hết. Thời gian ở nhà Mẩy ngày càng dài hơn, những lý do sang nhà Mẩy càng nhiều hơn. Tía cũng đã mấy lần hỏi tao xem đã qua hỏi cưới được chưa nhưng tao vẫn muốn kiếm thêm nhiều bạc trắng hơn nữa. Chỉ mùa săn năm nay nữa thôi là tao đủ tiền đưa Mẩy về nhà rồi. Đám cưới tao sẽ rất nhiều thịt thú rừng, nhiều hơn tất cả những đám cưới ở cả Phiêng Puông, cả các bản khác cũng không có đám cưới nào nhiều thịt như thế. Tất cả là nhờ có mày, tao biết ơn mày, lấy được Mẩy có một nửa công của mày đấy. Rồi tao sẽ thay mái nhà gianh bằng những tấm ngói đỏ như nhà ông Tài Quan đầu bản, tao sẽ đi săn thật nhiều, thật nhiều thú rừng. Từ lúc có mày tao đi săn nhiều hơn, đám thợ săn nào đi cũng phải gọi tao, chỉ khi có tao đi cả bọn mới chắc chắn được thú. Nhiều làng bên cạnh đi săn đều cho người sang gọi. Những ngày ở rừng của tao với mày nhiều hơn cả ở nhà. Khắp Lủng Chang, Khâu Thăm, Phịa Đen… đều in dấu chân của tao, đều có tiếng nổ vang khắp mấy ngọn đồi của mày. Trong nhà, tất cả các hàng cột đều có gạc nai, nanh lợn rừng, sừng sơn dương… Những con thú tao hạ được không đếm nổi nữa. Có lẽ sắp nhiều bằng lá gốc lát trên đỉnh Khâu Săm rồi. Mấy năm nay cứ sau những trận gió lớn nhiều người chạy lên đỉnh Khâu Săm mong được một cành lát về làm báng súng nhưng đều tiu nghỉu trở về. Gốc lát cũng không còn sum suê như trước nữa, từ lúc cành lớn gẫy những vết mục cứ loang từ vết gẫy lên ngọn cây, lá lát ít dần, ít dần. Người Phiêng Puông nhìn lên đỉnh Khâu Săm chỉ thấy một thân cây khẳng khiu, lên tận nơi mới thấy lác đác vài cành có lá. Mọi chuyện của tao cũng không xuôi như con suối chảy trong khe nữa, các cánh rừng càng ngày các loài thú ít hơn, chúng chạy đi khắp các ngả xa chẳng dám trở về rừng Phiêng Puông nữa. Mỗi lần đi săn càng phải đi xa hơn, mất nhiều ngày hơn, mỗi lần tao về dường như thấy con trai tao lớn hơn nhiều. Nó nhìn tao như người lạ, muốn bế cũng phải có mẹ bên cạnh. Mỗi lần bắn được con thú, cả đám thợ săn ở lại chia phần, cùng nhau ngồi uống rượu, thằng con tao đều trốn vào trong buồng không ra.
Vợ tao bảo dạo này nó hay mơ gặp nhiều ác mộng, mơ thấy hổ, thấy những con thú về đuổi nó. Nhưng tao chẳng lo lắm, chắc nó ăn nhiều thịt thú rừng nên bị như vậy thôi. Nhưng thời gian sau, khi tao vừa đi săn về nó đã bị nặng lắm, cả buổi tối ú ớ cả đêm, ban ngày lại chạy khắp nơi núp vào các lùm cây như trốn ai đó. Lần nào nó cũng chạy khắp bản, đến từng nhà phá đồ người khác rồi chạy một mạch lên đỉnh Khâu Săm, đến gốc lát nó nằm luôn trong hốc cây ngủ im chẳng ai gọi được nó dậy. Tao đã bỏ mấy buổi săn đi khắp nơi tìm những ông thầy cúng giỏi nhất nhưng bệnh cũng chẳng thuyên giảm. Thầy cúng không làm cho nó khỏi nhưng mày lại chữa khỏi cho nó. Tao nhớ chứ, hôm mày chữa khỏi bệnh cho thằng con tao ấy. Hôm ấy trời âm u, những cơn mưa phùn đã rả rích từ mấy hôm trước, lũ chim rừng hót vang khắp các quả đồi tìm bạn. Buổi sáng thằng con trai tao lên cơn, nó chạy khắp các bờ ruộng tìm nơi ẩn nấp. Trong đầu nó đâu đâu cũng thấy những con lợn rừng, hươu, gấu… đuổi theo tìm nó, cắn xé rồi những tiếng kêu văng vẳng trong đầu nó mỗi lúc một lớn hơn. Nó bịt tai chạy khắp các thửa ruộng, lâu lâu lại nấp vào bụi rồi lại chạy. Tao đang ngồi uống rượu cùng mấy thằng bạn trong đội săn, bát rượu chưa kịp xuống bụng đã thấy vợ mặt xám ngắt chạy về.
– Thằng Phin lại lên cơn rồi!
Tao vội vàng bỏ bát rượu chạy ra ngoài xem. Thằng Phin vẫn gào thét chạy khắp nơi, lúc đó tao nhớ ngay đến mày. Mày là nỗi sợ của tất cả những con thú ở Phiêng Puông này.
– Đo…à…ng!
Tiếng nổ vang lên cũng là lúc thằng Phin ngã gục xuống. Không phải bị trúng đạn đâu, tao cố tình bắn chỉ thiên để dọa âm hồn những con thú thôi. Nghe tiếng nổ của mày lũ thú rừng đã chạy đi khắp các ngả không còn ám vào con tao nữa. Thằng Phin được dìu về nhà, giờ nó đã khỏi bệnh nhưng không còn nhanh nhẹn như ngày xưa nữa. Thầy Kim bảo rằng một phần hồn của nó đã bị những con thú lấy đi theo chúng. Nhưng như vậy cũng tốt lắm rồi, nhờ có mày đấy, mày lại thành cái ơn của nhà tao đấy.
Phiêng Puông không còn những con thú lớn về nữa. Phường thợ săn cũng dần ít người hơn, mỗi người đi một nơi săn những con thú nhỏ như cầy hương, sóc, gà rừng… Gốc lát đã rụng hết những cành nhỏ, Phiêng Puông chẳng còn ai làm thêm súng mới nên cành lát rụng xuống sau những trận gió lớn cũng chẳng ai buồn đem về làm báng súng nữa. Trên thân cây vẫn nhú những cành nhỏ như để chứng minh cây vẫn còn sống, nhiều người định rủ nhau chặt lát về xẻ nhưng thân cây đã rỗng từ bao giờ, cũng có nhiều người sợ phạm vào cây thiêng nên cây lát vẫn sừng sững ở đỉnh Khâu Săm để người Phiêng Puông nhìn lên. Dạo này, những gốc quả rừng ngày trước chẳng ai thèm đụng tới giờ lại trở thành nơi đám thợ săn lui tới. Nhưng không ai tranh nhau, mỗi khu đều có chủ riêng, không có chỗ nào khắc tên nhưng ai muốn đi vào gốc quả người khác phải hỏi xem ngày mai chủ gốc có đi không. Nếu ai đi trộm mà bị phát hiện thì dù có được bao nhiêu con thú thì cũng chỉ ngồi uống rượu một mình chẳng ai đến cùng. Phiêng Puông nhiều gốc lắm, có những gốc lạ chẳng ai biết nhưng tao thì biết. Người Phiêng Puông mấy năm nay đã ít người vào rừng, có người đào ao nuôi cá làm kinh tế, có người đi buôn hàng tận dưới xuôi, chỉ còn tao vẫn săn thú rừng bán lấy tiền. Khắp các khu rừng ở Phiêng Puông vào ban đêm chỉ còn vài người, những đêm một mình ở lại rừng đợi thú về tao lại nghe thấy có những tiếng khóc thút thít phát ra từ gốc lát trên đỉnh Khâu Săm, tiếng khóc ấy ám cả vào những giấc ngủ, tiếng khóc không phải của một người, cũng không giống tiếng của loài người, tiếng thút thít phát ra từ gốc lát dường như là sự hòa lẫn của rất nhiều thứ tiếng, nó văng vẳng bên tai của tao. Những đêm trăng sáng, khi ngước lên đỉnh Khâu Săm dường như những tiếng thút thít lại vang xa hơn, cao hơn gần chạm vào ánh trăng. Nhưng lạ thay, tao hỏi vợ, hỏi người ở Phiêng Puông cũng không ai nghe thấy. Tao đã sang tận Phiền Sin hỏi thầy Kim Sân nhưng ông cũng chỉ lắc đầu thở dài “phải dừng lại thôi, nặng lắm rồi”. Nhưng tao vẫn phải đi, dạo này nhiều người đến tìm tao đặt mua thịt thú rừng nên tao phải lùng khắp rừng tìm những gốc quả mới để có đủ hàng cho người ta. Ai cũng biết tao có cây súng tuyệt vời chẳng bao giờ bắn trượt, nhờ có mày mà hai đứa con tao được ăn học đầy đủ. Mày biết không? Cả nhà tao biết ơn mày nhiều lắm. Mỗi lần đi săn về tao đều dành ra một phần để gọi bạn, gọi anh em sang uống rượu. Nhiều người làm ăn giàu hơn tao nhưng vẫn quý tao lắm, họ vẫn nể tao lắm. Khắp Phiêng Puông này ai cũng biết vợ tao nấu bao nhiêu rượu nhưng chỉ đủ dùng trong nhà. Có mày, tao yên tâm đi khắp các khu rừng ở Phiêng Puông mặc cho những tiếng khóc bám theo. Từ hôm nhờ thầy Kim Sân giải hạn, dường như tiếng khóc đã không bám theo tao nữa, những đêm trăng tao vẫn nhìn lên đỉnh Khâu Săm.
Mày biết không?
Cái ngày định mệnh cuộc đời tao, mày có nhớ không? Ngày mà Phiêng Puông như bị ánh nắng đốt cháy, những ngôi nhà gianh dường như chỉ cần con đom đóm đậu vào cũng có thể bắt lửa. Hôm ấy, như thường lệ khi mặt trời chạm đỉnh núi Pó tao vác súng hướng về phía Lủng Căm. Hôm trước đi phát nương thấy hai gốc chôm chôm chín sớm tao đã xuống tận nơi xem kĩ. Dưới gốc rất nhiều quả ăn dở, chắc chắn lũ sóc đã đến ăn. Có lẽ cả khu Lủng Căm có hai cây này chín sớm nhất nên dường như sóc ở khắp nơi đổ về, có khi lũ cầy cũng đến tranh phần. Đi được nửa đường đã thấy anh Sinh theo sau.
– Đi hướng nào thế?
– Sang bên Lủng Căm, có hai cây chôm chôm chín rồi!
– Tao định đi mồi gà rừng trên Đin Ba.
– Thôi đi cùng em, hai cây mỗi người ở một gốc.
Anh Sinh gật đầu.
Đúng như tao nghĩ, lũ sóc khắp Lủng Căm về ăn chôm chôm. Trời mới chập tối mà tao đã bắn được ba con sóc to. Gốc phía trên, anh Sinh cũng đã bốn lần nổ súng. Chắc chắn tối nay hai anh em tao sẽ mỗi người một con để uống rượu, còn lại đủ để mang ra chợ bán. Tao sẽ gắp cho hai đứa con những cái còng to nhất và vợ tao miếng thịt ngon nhất. Lúc đó Mẩy sẽ lườm tao, hệt như những ngày đầu nó mới về nhà.
– Hú…..ú…!
Trời vừa tối, lũ sóc không còn về ăn nữa. Tao gọi anh Sinh về khi trong túi đã được năm con sóc to. Đến khe suối hai anh em ngồi châm thuốc, anh Sinh được bốn con dù bắn nhiều hơn tao hai lần. Hình như lâu lắm rồi không được nhiều như thế nên anh vui lắm. Anh bảo:
– Ngày kia chợ phiên, tối nay về thịt rồi treo trên gác bếp để mang đi bán.
– Ừ! Tao cũng tính thế.
Rồi anh lại ngồi hút thuốc, trong ánh lửa, tao thấy anh Sinh có điều gì muốn nói lắm.
– Mày đang có chuyện gì trong bụng thế?
– Chắc sau này tao sẽ ít đi săn.
– Sao thế? Chán đi rồi à?
– Chắc tao chuyển sang nuôi gà, nuôi lợn mới lâu dài được. Chú cũng nên tính cách khác làm ăn lâu dài đi, không thể dựa vào săn thú mãi được.
Lúc đó tao nắm chặt Mày cười xòa.
– Đo… à… ng!
– Ối!
Tiếng kêu của anh Sinh sau tiếng súng khiến chân tay như rụng khỏi thân.
Tại sao? Tại sao anh Sinh lại ở đó. Rõ ràng khi ở bên bờ suối hai anh em đã bàn nhau sẽ đi rình đàn gà rừng nếu ai về trước sẽ xuống thẳng dưới đường đợi. Tại sao anh Sinh lại qua bên tao, tại sao anh không bật đèn lên, anh sợ đuổi lũ gà rừng đi ư? Bao nhiêu năm đi rừng sao tao không nhận đâu là dáng người đi, dáng nai chứ, nhưng lúc đó bụi giang rậm anh Sinh phải bò qua. Khi ấy tao đang lặng lẽ tìm chỗ trú đêm của đàn gà rừng. Ngỡ rằng con nai lạc từ bên Phịa Đen qua tìm chỗ ngủ, tao đã không ngần ngại bóp cò.
Tao chạy đến thì anh Sinh đã không còn động đậy nữa. Vết bắn giữa trán không lệch một phân. Tại sao? Tại sao mày không trượt một lần trong số hàng trăm lần nổ. Tao ngồi cạnh xác anh gào khóc, dưới ánh trăng mờ mờ đôi mắt Sinh vẫn trừng trừng mở. Tức giận tao cầm đập vào cây, cây gẫy, báng súng đập vào đá, đá vỡ. Súng tốt, báng súng tốt nhất Phiêng Puông, bỏ hết, bỏ hết lại ở rừng, tao phải đưa anh về.
Chị dâu chết lặng khi tao cõng anh về đến sân nhà. Hai đứa con anh ôm xác cha khóc, chỉ có thằng Dàng đủ bình tĩnh đến nhà trưởng bản thông báo. Chốc lát những ngọn đuốc khắp các ngả sáng cả Phiêng Puông tụ về. Tiếng người khóc, tiếng bàn tán đều không lọt vào tai tao nữa, cột nhà bằng nghiến dương như cũng không giữ nổi thân tao nữa. Trước mặt tao chỉ những ánh sáng mờ mờ, mọi thứ đều mờ mờ kể cả giọng lạc người đi của chị dâu:
– Bảo mà… bảo mà, sao vẫn cứ đi nốt làm gì?
– Cho mấy người xuống dưới xã báo đi.
Đêm ấy vợ con tao ngồi cạnh cả đêm, không ai ngủ, cả Phiêng Puông cũng không ngủ.
Khi mọi người đến nơi xảy ra sự việc, khẩu súng nằm đó bên cạnh là bốn xác sóc nằm rất gần cò súng. Phía bên kia cũng có một khẩu súng và xác những con sóc văng khắp nơi. Nhiều người chạy qua chỗ ông Sinh bị bắn, ngoài vũng máu, mấy người đi rừng nhiều còn thấy cả những vết chân nai mờ mờ nhưng nhiều người lại bảo họ chẳng thấy gì ngoài vũng máu…
Ngày… tháng... năm… Tòa án nhân dân huyện X xét xử lưu động đối với bị cáo Bàn Văn Dần với tội danh: vô ý giết người.
Khi tang vật vụ án được mang lên nhiều tiếng xì xào ở dưới:
– Khẩu súng đẹp quá!
– Nghe nói báng súng làm bằng gỗ lát đấy!
– Tao ở cùng bản với ông Dần đây này, khẩu súng đó chưa bao giờ bắn trượt đâu.
– Quả là một khẩu súng hoàn hảo.
Mày biết không những lời nói đó như những viên đạn găm vào tim tao, từng  nhát, từng nhát một.
Mày biết không?
Trên đỉnh Khâu Săm, cây lát sừng sững ngày nào giờ chỉ trơ lại gốc. Một trận gió lớn năm trước đã quật đổ phần thân. Hôm ấy trời se lạnh, những làn sương cuộn chặt đỉnh Khâu Săm không chịu bay lên trời, nhiều người ở Phiêng Puông bảo do sương chưa lấy đủ nước nên không chịu đi. Có một người đàn ông gầy gò tay run run cầm ba nén hương cắm cạnh rồi tựa vào gốc lát thiu thiu ngủ.
Buổi sáng hôm đó, già trẻ ở Phiêng Puông ai cũng nghe có tiếng khóc thút thít trên đỉnh Khâu Săm.
9/6/2021
Triệu Hoàng Giang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...