Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Trần Ngọc Đức: Hạnh phúc

Truyện ngắn Trần
Ngọc Đức: Hạnh phúc

Bà khệ nệ bưng mâm cơm ra ngoài sân. Mớ chén đũa lạo rạo trên mâm theo từng bước chân cao thấp của bà làm ông quay lại.
– Bà đi từ từ thôi nhé. Tuổi này rồi. Ăn chả cần nhiều, cốt có cái bỏ bụng qua ngày là được bà ạ.
– Ôi dào! Tôi nào có vội chi đâu. Cái mâm nhôm con Út mới mua nó lạo rạo với đám chén đũa thôi. Chớ trước tôi bưng mâm bằng sàn tre. Ông có bốn cái tai cũng không nghe thấy à.
Ông cười khà khà:
– Là tôi nói thế. Vì tôi biết cái chân bà đang đau nhiều. Thế mớ rượu rắn hạ thổ những năm năm chưa có tác dụng hả bà?
Bà đặt mâm xuống lên chỏng tre. Cái chõng kêu “cọt kẹt”. Gần bốn mươi năm qua, đã không biết bao mâm cơm được dọn lên đây rồi. Từ ngày thằng Hai ra đời, rồi thằng Ba, con Út, cho đến đám con cháu sau này nữa. Ông bà vẫn cứ giữ nếp dọn cơm tối ở ngoài sân, trên cái chõng tre này. Thành thử, giờ “xương cốt” các chõng nó cũng “giòn” lắm rồi. Bà ngồi xuống, bới cơm vào chén đưa ông.
– Ôi dào! Tuổi tôi còn nhiều hơn tuổi con rắn đó. Hạ thổ năm năm. Chớ có nhiều hơn thì cũng đâu “liền xương” nhanh rứa hả ông. Nhưng có nó xoa xoa bóp bóp, mùi rượu nồng xông lên mũi cũng thấy dễ chịu ông ạ.
Ông quờ quạng cầm lấy chén cơm từ tay bà.
– Chỉ tại tôi mà bà khổ cả đời. Thiệt! Chồng người ta đánh Đông dẹp Bắc. Tôi ra trận chưa đầy ba ngày đã làm bà khổ một đời.
– Ôi dào! Ba ngày thì cũng là cống hiến cho đất nước. Mà tôi thấy tôi hạnh phúc đó chứ. Có ông mới có sắp nhỏ. Có sắp nhỏ thì tôi mới sống đến bây giờ. Ông nghĩ đi. Ngày đó mà tôi bỏ đi. Giờ này chắc gì đã có miếng cơm mà ăn.
Ông trầm ngâm. Giương cặp mắt trống hoắc nhìn lên bầu trời nhớ lại.
***
Đó là ngày đầu tiên ông nhập ngũ. Quãng năm sáu tám thì phải. Hồi ấy ác liệt lắm. Vừa Mỹ, vừa Hàn. Quân Rồng Xanh, Rồng đỏ suốt ngày thổi lửa thiêu cháy làng mạc. Trên trời máy bay gầm rú suốt ngày. Dưới đất bao cảnh bắn giết, cướp hiếp. Có ngôi làng hôm qua còn đầy tiếng cười. Sáng hôm sau đã là một hố chôn tập thể. Đứa trẻ đang bú mẹ bị bọn giặc cầm hai chân giơ lên xé làm đôi. Người mẹ ngất lịm, sữa còn ứa bầu vú đã bị hãm hiếp. Bộ đội ta liên tục mở nhiều trận đánh. Nhưng bị chỉ điểm. Hi sinh nhiều.
Nhà văn trẻ Trần Ngọc Đức ở Quảng Nam
Ông đang học bậc thành chung. Lớp học ban đêm ở vùng tranh chấp. Thầy giáo đang say sửa giảng bài bỗng có tiếng xin vào nói chuyện của một sĩ quan quân cách mạng. Trong đèn đuốc lập lòe. Người sĩ quan ấy choàng lá cờ tổ quốc qua vai kể về chuyện “Con lạc cháu hồng”, kể về những ngày đầu lập nước, kể về những thắng lợi vẻ vang qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Ông ta say sưa, dồn dập, làm cho những trái tim vốn đã thấm nhuần văn học cách mạng Xô Viết không ngừng thổn thức, cháy bùng trong lồng ngực. Cuối câu chuyện ông ta kêu gọi đám con trai trong lớp học hãy dũng cảm lên đường chiến đấu vì tổ quốc. Đêm hôm đó, tròn sáu mươi thanh niên tình nguyện ra tiền tuyến ngay trong đêm. Trong đó có ông. Chỉ kịp viết vài dòng ngắn ngủi lại cho gia đình. Khai báo nhân thân. Rồi ông leo lên xe vào thẳng chiến trường.
Chiếc xe len lỏi trong đêm, xuyên rừng ra khỏi vùng tranh chấp. Đón “đoàn binh học sinh ấy” là những pháo sáng chớp lòe cũng tiếng nổ đinh tai. Người chỉ huy bảo họ ngồi im. Ai nhảy xuống là làm mồi cho giặc ngay. Những trái tim non nớt đã nguội lạnh lời diễn thuyết hào hùng đêm qua bắt đầu lo sợ, tím tái. Họ suy nghĩ lại. Vài người bật khóc thành tiếng. Người chỉ huy lớn tiếng: “thế thì đâu phải con cháu Lạc Hồng”. Đây chỉ mới là đưa các cậu đi đến nơi huấn luyện. Chiến trường còn xa và ác liệt lắm. Họ im bặt. Hai tay bịt chặt tai. Mắt nhắm. Chắc họ lại đang mơ đến vòng tay mẹ. Mơ đến cô bạn ngồi bàn bên bỗng dưng một ngày lớn phổng phao sau mùa gặt. Chút riêng tư bấy lâu chưa vội ngỏ. Riêng ông thì không. Chẳng có gì phải sợ. Nếu có chết. Thì chỉ mong là giết được vài tên giặc. Nghĩ là thế. Nhưng chiến tranh thì lại không như vậy. Chỉ ba ngày sau. Sáu mươi con người dũng cảm của lớp học đêm nào chỉ còn đúng năm người còn sống. Khu huấn luyện bị trúng bom tọa độ. Sự hoảng loạn đã đẩy nhiều người chạy đúng vào họng súng phục kích sẵn của địch. Ông may mắn sống sót nhưng đôi mắt thì không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Nó chỉ còn là hai cái hốc vô giác sau khi được đưa về hậu phương.
***
Hôm ấy nhà ông tấp nập người vào ra. Đám cưới cậu em ruột của ông thì phải. Ông ngồi lặng trong phòng. Mừng cho em. Ông nghĩ. Sau khi em dâu về. Ông sẽ xin mẹ ra ở riêng. Nhà có đàn ông mù lòa. Đến tắm rửa cũng cần có người giúp đỡ. Em dâu về sẽ khó lắm. Có tiếng mẹ ông tằng hắng bước vào phòng. Dòng suy nghĩ của ông bị cắt đứt. Mẹ bảo ông đứng lên thay áo mới. Ông thầm nghĩ. Đám cưới em, mình là anh cả cũng nên ra chào cho phải lễ. Mẹ dắt tay ông ra phía gian nhà chính. Trước bàn thờ. Rồi đặt tay ông vào một bàn tay con gái non mơn, ấm ấm. Ông giật mình, rụt tay lại. Bước lùi về phía sau. Nhưng hình như em trai ông đã giữ ông lại. Mẹ lại nắm tay ông đặt lại bàn tay con gái ấy. Ông chờ. Bàn tay ấy không phản ứng. Bất giác lại nắm chặt lấy tay ông. Tiếng bà mối chia hương rồi hô to bái gia tiên. Lúc này ông mới biết là đám cưới mình. Có tiếng xì xào của hai họ. Và như có tiếng thút thít của ai đó. Hay là mẹ cô dâu?.
Mẹ dắt cô dâu vào tận phòng ông. Họ nói gì đó rất lâu. Ông đứng ngoài bậu cửa chờ. Rồi mẹ ra và đẩy nhẹ vai ông vào bên trong. Cửa đóng sầm lại. Chỉ còn ánh đèn dầu le loét cháy. Đêm hè. Trời rất oi. Không khí trong phòng phập phồng. Ngột ngạt. Bên ngoài có tiếng lá dừa rào rạc qua mái tranh. Bên trong, có tiếng thút thít. Ai oán. Lòng ông rối bời. Có lẽ mẹ chính là người đã gỡ khăn voan cô dâu thay ông. Tại sao ông lại rơi vào cảnh này chứ? Ông hại người ta mất rồi. Ông mò mẫm theo vách quen thuộc về phía giường. Ông dừng lại khi biết hai bước chân nữa là sẽ đến ngay đầu giường. Nơi cô dâu đang ngồi. Ông nghĩ. Chuyện đến nước này rồi. Mình đàn ông, nên mở lời trước.
– Cô gái. Tôi… tôi chỉ là kẻ tật nguyền. Họ đã không nói điều đó với cô đúng không? Và tôi cũng không biết. Hay! Đêm nay cô hãy đem hết lễ vật rồi về nhà. Tôi sẽ có cách nói với người nhà. Cô yên tâm.
Không có tiếng trả lời. Tiếng thút thít vẫn chưa nguôi.
– Cô gái. Tôi biết họ đã dối cô. Họ đã tráo em tôi bằng tôi. Và cô cũng không biết điều đó cho đến khi khăn voan được gỡ ra. Nhưng xin cô. Tôi cũng rất đau lòng. Hãy nghe tôi. Hãy đi ngay trong đêm nay. Tôi có lỗi với cô rồi.
Tiếng thút thít im bặt. Hòa trong tiếng nấc là tiếng của cô dâu mới.
– Không! Ông không có lỗi gì hết. Có trách thì đó chỉ là số phận. Tôi đã làm lễ gia tiên với ông. Sống là vợ ông. Chết thì xin bia mộ được khắc tên ông là chồng.
***
Trăng đã lên ngang buồng dừa non. Gió thổi mát rượi vào khoảng sân lát gạch Bát Tràng màu đỏ ngói. Bửa cơm vẫn còn thấm đượm mùi kí ức. Ông xoay đôi hốc mắt về phía bà.
– Ngẫm nhanh bà nhỉ! Vậy mà ngót ngét năm mươi năm rồi. Ngày đó tôi ba mươi. Bà chỉ mới mười tám. Sồn sồn năm năm ba mặt con. Căn nhà này có bà mà thêm vững chải qua bao mùa mưa bão.
– Ôi dào! Thế chả phải nhờ lấy ông mà tôi mới biết cái chữ. Biết ủ những hủ mắm ngon để chạy gạo cho cả nhà ta. Ông thế mà đến tài thật. Tài nhất làng ngày ấy.
….
Những câu chuyện cứ nối tiếp theo từng bước trăng lên. Mâm cơm không vơi đi nhiều, nhưng tiếng cười thì cứ mỗi lúc một giòn tan, đánh trôi thêm một lần nữa kí ức của những ngày gian khó. Ngọn đèn dầu hắt bóng hai thân già xuống nền sân sạch bong. Mùi cơm lúa mới theo hương bay thoang thoảng khắp khoảng sân. Những đứa con đã rời xa vòng tay họ. Ngoài kia là biết bao bộn bề của cuộc sống. Nếu có mệt mỏi. Ông bà chỉ mong chúng về khoảng sân này. Ăn bửa cơm xum vầy quanh ngọn đèn dầu với nụ cười giòn tan.
1/7/2021
Trần Ngọc Đức
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cuốn tự truyện của Andersen và những điều chưa biết về đại văn hào của thế giới 30 Tháng Tư, 2022 Andersen (1805-1875) là đại văn hào ...