Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Hoài Nam: Mưa trái mùa

Truyện ngắn Nguyễn
Hoài Nam: Mưa trái mùa

Ngày 8 tháng 3, ngay từ sáng sớm Tuấn đã thức dậy. Chỉ tróng vòng 10 phút đã có tới 5 cú điện thoại gọi anh, tưởng rằng cơ quan gọi nhưng không phải. Tất cả đều của các cô gái, có cô cùng cơ quan có cô mới quen, có cô đã quen từ lâu. Tất cả đều hỏi rằng hôm nay mùng 8 tháng 3 anh có tặng hoa cho em không? Tặng hoa ư, gay go rồi đấy giá hoa mấy ngày nay tăng vọt gần như gấp đôi ngày thường. Mà Tuấn thì đang bị bệnh viêm màng túi. Mới đầu tháng mà đã tiêu gần hết một tháng lương rồi. Nào là tiền thuê nhà, mà bà béo chủ nhà luôn luôn thu đúng ngày mùng một bất kể trời nắng hay mưa, ngày thường hay chủ nhật ngày lễ. Rồi tiền điện, tiền mua chịu hằm bà lằng xí cấu trên đời. Cứ thành thói quen rồi cứ đến ngày lãnh lương thì chị bán cà phê ngay cạnh cơ quan đã đứng ở ngay cổng và thế là những đồng tiền chân chính của Tuấn cứ lặng lẽ chạy vào túi người khác trong một niềm tiếc nhớ khôn nguôi của chủ nhân. Một chàng trai đẹp người và tài hoa nhưng mắc bệnh viêm màng túi kinh niên.
Sợ quá, Tuấn vội vàng tắt điện thoại. Nhưng chỉ chưa đầy 5 phút sau anh lại bật lên. Tuần này anh phải trực ban ở cơ quan, có nghĩa là trực nguyên tuần, không cần phải ngủ tại cơ quan nhưng điện thoại phải để liên tục khi có việc gì thì người ta sẽ gọi và Tuấn phải đến ngay để giải quyết bất kể thời khắc nào. Lỡ ra ông Giám đốc hứng lên có việc gì cần gấp thì khổ, thôi cũng gần đến giờ đi làm rồi. Trên màn hình của điện thoại lại hiện lên tin nhắn của cô yến nào đó: Anh không nhớ hôm nay là ngày gì à? Ngày mùng 8 tháng 3, ngày kỷ niệm một năm chúng mình quen nhau đó, trưa anh đưa em đi ăn nhà hàng nhé. Một thoáng rùng mình, như một luồng điện nhẹ chạy dài từ trên đầu dọc theo xương sống đến chân. Tuấn bỗng thấy hai bàn chân mình lạnh ngắt. Biết thế này đừng quen nữa cho xong, Tuấn lầm bầm trong miệng như một thói quen từ lâu anh đã mắc phải mỗi khi không bằng lòng việc gì ở cơ quan. Mãi lâu thành quen ngay trong căn phòng bé nhỏ của mình mặc dù không có ai, Tuấn vẫn không dám nói to, suốt ngày chỉ dám lầm bầm trong miệng. Việc này đã trở thành mối âu lo của Ba mẹ Tuấn khi hai ông bà ở quê lên thăm ông con trái quý tử, tài năng học giỏi như nhiều người ở cùng cái xóm nhỏ ở tận giữa Đồng Tháp Mười vẫn thường nói về Tuấn mỗi khi trà dư tửu hậu.
Nhà văn – bác sĩ Nguyễn Hoài Nam
Mặc vội bộ quần áo đã được ủi rất kỹ từ tối hôm qua, Tuấn dắt xe ra đầu ngõ. Cái ngõ nhỏ chật hẹp và ồn ào điển hình của một thành phố Sài Gòn đầy rẫy những con người nhập cư từ mọi miền đổ về đây kiếm sống. Dù sống trong hoàn cảnh không mấy dư dả nhưng thói quen tươm tất đã ăn sâu vào trong Tuấn từ khi còn nhỏ, tất cả phải tinh tươm từ đôi giày da bóng lộn đến mái tóc chải ngược bôi Briantill bóng mượt đến nỗi nhiều người bạn cùng cơ quan đã ví von rằng nếu có con ruồi nào đậu lên sẽ trượt chân té gãy cả cánh. Với bộ dạng như vậy, nhiều cô mê là phải. Nhưng có mấy người hiểu được Tuấn đâu, nhiều người yêu là cả một nỗi khổ triền miên, nhất là những ngày trọng đại như hôm nay.
Dọc đường, ở các ngã tư ngả năm hay những đọn đường có vỉa hè rộng. Rất nhiều người mời chào Tuấn mau hao, những lẵng hoa thật đẹp, to có nhỏ có. Những người bán có cả những cô sinh viên xinh xắn mà nụ cười còn tươi hơn cả đóa hoa hàm tiếu. Anh mua đi hoa đẹp lắm, mua tặng người yêu đi. Những bông hồng này chắc người yêu anh thích lắm, một năm 365 ngày có mỗi ngày này thôi. May mà có một ngày chứ có cả 365 ngày như thế này chắc Tuấn phải nghỉ việc và trốn ở nhà luôn quá. Giả vờ như không nghe thấy Tuấn lách nhẹ xem qua dòng người đông nghịt ở mỗi ngã tư, mất đến gần 30 phút mới đến cơ quan. Lại điện thoại, lại nhắn tin có lẽ nhiều hơn cả ngày thường nữa, Hoa, Lan, Cúc , Trúc, Mận Đào và biết bao nhiêu người nữa mà Tuấn cũng không nhớ hết nổi. Cho mày chết, cái thân làm tội cái đời. Tuấn tự mình rủa thầm, quen cho lắm bây giờ mới thấy khổ. Chắc bữa nào mình phải viết truyện ngắn để cảnh tỉnh những người đàn ông khác chứ không thì lại rơi vào hoàn cảnh như mình thì chết. Nhưng xưa nay chỉ có những chuyện ca ngợi những ngày như thế này chứ làm gì có chuyện nào dám kể cái nỗi khổ của người đàn ông trong những ngày trọng đại của phụ nữ như Tuấn. Chắc chắn dù có viết gì đi chăng nữa cũng không ai dám đăng cả, nếu đăng thì sẽ mang tội bất hiếu với phụ nữ gay lắm.
Tắt máy, lần đầu tiên kể từ khi có điện thoại di động Tuấn đã dám tắt máy. Hùng, anh nhân viên mới tốt nghiệp Đại học được nhận vào làm việc cùng phòng với Tuấn với một chức danh không rõ ràng kỹ thuật viên hay long tong sai vặt gì đó. Một chức danh mà Tuấn mới thoát khỏi cách đây có một tháng. Hùng hỏi Tuấn sao anh lại tắt điện thoại di động vậy, ngộ nhỡ ông trưởng phòng gọi thì sao, ông này có thói quen không bao giờ gọi điện thoại bàn mà chỉ sử dụng điện thoại di động để điều khiển nhân viên, bàn công việc và cả mời đi nhậu nữa vì tiền điện thoại di động đã có cơ quan trả đều hàng tháng mà.
Đến trưa, điện thoại của cô kế toán cùng phòng với Tuấn liên tục nhận được những cuộc nhắn tin và gọi mời đi ăn trưa. Bác bảo vệ cơ quan phải tiếp không biết là bao nhiêu người mang hoa đến tặng cho các cô gái, phòng nào cũng chật ních những bó, giỏ, lẵng hoa. Thôi thì đủ loại cả nhưng nhiều nhất vẫn là hoa hồng, cô nào mặt cũng hớn hở họ khoe với nhau những bó hoa tươi, bình luận luôn mồm với nhau thằng này đẹp trai giàu mà kẹo thế bó hoa hồng có 20 bông hoặc anh trung niên góa vợ kia chơi đẹp đấy cả một lẵng hoa to lại mời cả phòng đi ăn cơm trưa nữa. 11 giờ 30 khi chuông báo giờ nghỉ trưa vang lên, các cô túa ra cửa và từng người một họ đi xe của mình hay leo lên xe của một người đàn ông nào đấy, đi ăn mừng ngày 8 thảng 3 vui như tết. Tuấn ngồi ước ao thầm, giá như mình có nhiều tiền như ông trung niên đầu hói đi xe Mercedes vừa đến đón cô Trang được mệnh danh là hoa hậu của công ty thì hạnh phúc đến chừng nào.
Đầu giờ chiều, điện thoại di động vẫn tắt. Nhưng điện thoại bàn bỗng reng một lên một hồi chuông lảnh lót. Tuấn bốc máy, bên kia giọng Oanh cô gái anh mới quen 2 tuần trước trong một lần đi uống cà phê nhạc vang lên. Anh đấy hả anh ăn cơm chưa, sao không nhắn tin chúc em nhân ngày 8 tháng 3, sáng đến giờ em gọi cho anh cả chục lần mà lần nào cũng ngoài vùng phủ sóng, buổi sáng anh đi công tác hả. Anh ơi, chiều nay mình đi đến quán cơm niêu bữa trước ăn cơm nhé, anh phải chúc mừng em nhân ngày 8 tháng 3 chứ, người đâu mà vô tâm thế. Chiều này 6 giờ anh đến đón em nhé, rồi không đê cho Tuấn kịp trả lời câu nào Oanh cúp máy cái rụp. Chết cha rồi, nếu đi ăn ở quan đấy, tuy ngon thật đấy nhưng cũng tròm trèm 400 ngàn đồng. Thời buổi vật giá lên mỗi ngày như thế này thì phải mang phòng hờ thêm 200 ngàn nữa. Một phần ba tháng lương chứ có ít ỏi gì đâu!
Vào toilette, Tuấn rút ví ra xem trong ngăn ví còn bao nhiêu tiền nữa sau khi đã chốt chặt cửa. Còn đúng 300 ngàn đồng. Sáu tờ 50 ngàn tất cả, đó là số tiền còn lại sau khi lãnh lương và đã được trừ đầu trừ đuôi bở bà béo và cô bán cà phê cạnh cơ quan. Thế là lịa phải lên năn nỉ cô tài vụ cho ứng lương rồi. Trong cuộc đời, Tuấn đã gặp nhiều cảnh nhục nhằn vì nghèo đói vì thất thế v.v… nhưng nhục nhất vẫn là cảnh phải tạo bộ mặt đau khổ như chưa bao giờ đau khổ đến thế, phải nói lời nịnh đến ghê cả người phải khen một cô như Thị nở rằng cô đẹp nhất trần gian. Có như thế mới lấy lòng cô gái già giữ két sắt của cơ quan mở tấm lòng từ bi hỷ xả ra mà ứng trước ít tiền lương cho Tuấn. Và chiều hôm ấy khổ nghục kế lại diễn ra, diễn tệ đến mức cô gái tài vụ vừa phì cười vừa mở chìa khóa két sắt vứt ra cho Tuấn 6 tờ 50 ngàn bằng polymer bóng nhẫy.
Thế là yên tâm rồi, Tuấn phóng xe về căn phòng trọ với một tâm trạng không buồn và cũng không vui. Oanh cũng xinh đấy nhỉ, cũng đang để mình mời đi ăn cơm chiều nay. Trời đang gió, ngoài phố những hàng cây nghiêng ngả trong gió chiều. Mùa này sao mà gió đến sớm thế mới sau tết có ít ngày. Trời sụp tối, cũng là lúc Tuấn vừa đóng bộ xong, đang chuẩn bị dắt xe ra đầu ngõ. Ở đây người ta quy định vì ngõ nhỏ chật hẹp lại vốn đã qua ồn ào nên không ai được nổ xe trong ngõ cả phải dắt ra ngoài đường mới được nổ máy. Mưa, mưa to quá tiếng cô gái con bà chủ chợt vang lên, mẹ trông nhà giùm con, để con lên sân thượng lấy quần áo đang phơi nhé. Tuấn vội quay đầu dắt xe vào nhà.
Ngoài trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, mưa tầm tã chẳng mấy chốc đoạn đường phía trước nhà nước đã dềnh lên với đủ thứ rác rưỡi trôi lên bềnh có cả xác chuột hay mèo gì đó, hôi quá chịu không nổi. Tuấn bấm điện thoại, Oanh à trên em có mưa không? Trên em mưa to lắm, anh đã đi chưa, anh chưa đi. Sau một hồi ngập ngừng, bên đầu dây bên kia tiếng Oanh ngập ngừng: Hay là thôi anh ạ, mưa to quá em sợ chúng mình sẽ ướt hết mất thôi. Tuấn cúp máy, không biết vui hay buồn nữa đây. Ngoài trời mưa vẫn tầm tã, mưa như trút nước trong căn ngõ nhỏ, cả thành phố đang mưa. Anh Tuấn, lên đây ăn chè mừng ngày 8 tháng 3 với em, Thoa con bà chủ nhà gọi, chè mẹ em nấu ngon lắm, mưa to qua mà anh còn định đi đâu nữa? Tuấn bước lên nhà trên, nồi chè vẫn bốc hơi nghi ngút, trên truyền hình cô biên tập viên của chương trình dự báo thời tiết vẫn đang mải miết bình luận về những cơn mưa trái mùa của năm nay. Những cơn mưa ấy đã cứu không biết bao nhiêu hecta cà phê và lúa đang chuẩn bị cho bông trái. Ôi những cơn mưa thật là kỳ diệu, cô biên tập viên cao giọng trong tiếng mưa rơi tràn ngập căn nhà nhỏ.
30/5/2021
Nguyễn Hoài Nam
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn nữ thử yêu một chút cũng đâu có sao 23 Tháng Tư, 2022 Nhà văn nữ Phương Huyền giới thiệu tác phẩm “Yêu một chút cũng đâu có sa...