Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn của Bùi Thu Hằng: Về quê

Truyện ngắn của
Bùi Thu Hằng: Về quê

Chúng tôi cưỡi xe đạp lao vun vút trên bờ đê, những tiếng cười giòn tan và sự háo hức trẻ con như đánh bay cái nóng hấp hơi của những tháng hè oi ả. Cảnh vật hai bờ đê lướt chậm qua tầm mắt ba đứa con gái lần đầu tiên  rủ nhau tự đạp xe về quê chơi. Vừa đi, chúng tôi vừa bàn tán rôm rả, cái Thúy vênh mặt khoe chiến tích vì trước khi về, mẹ nó chuẩn bị bao nhiêu là thứ quà trong cái túi căng phồng ở giỏ xe, chúng tôi tò mò lắm nhưng nó nháy mắt bảo phải bí mật.
Mẹ cái Thúy làm nghề kinh doanh vàng bạc nên kinh tế khá giả, nó được cung chiều như công chúa, thích gì được nấy. Còn cái Linh thì cười khì khì và bảo “ Tao chẳng phải mang gì vì ông bà tao  đâu thiếu gì, chỉ sợ lúc đi không có sức mà chở quà. Quả thật! Bà nội cái Linh đã bảo mấy bác nó thịt ếch và nấu một nồi sáo ếch to vật, bày ra cái hiên lát gạch đỏ có mái cong sang trọng, mấy đứa căng bụng vì no, nhưng thấy trời có vẻ nắng nên xin phép đạp xe sang nhà bà cái Thúy…
Trong tưởng tượng trẻ con, chúng tôi nghĩ  chắc nhà bà nó to phải biết , thật bất ngờ vì căn nhà đượm chút tồi tàn cùng sự vắng lặng, bà nội nó đã già nhưng còn minh mẫn, vồn vã đi nấu cơm trưa, cái Thúy nhanh nhẩu kêu no vì vừa ăn thịt ếch bên nhà cái Linh, nghe vậy, bà nó có vẻ buồn. Lúc này, cái Thúy lôi đủ thứ ăn được từ trong cái túi căng phồng, nào thịt hộp, thịt thăn và còn một cái bọc nilon…nâng lên hạ xuống một lúc, nó lại cất cái gói nilon đi, Thúy tinh quái nháy mắt: “Mỗi lần tao về quê, mẹ tao sợ tao không có gì ăn nên chuẩn bị đủ thứ, cứ thoải mái đi!” Cái Linh buột miệng “Ơ! Chứ đây không phải là quà cho bà mày à”. Cái Thúy lườm ngượng “Mày hỏi làm gì, nhà tao không như nhà mày”.
Nhà văn Bùi Thu Hằng
Đánh bữa thứ hai xong chúng tôi rủ nhau đi ngắm cảnh. Ngày ấy, làng quê của chúng tôi thật yên bình và thơ mộng. Lần đầu về quê với lũ bạn vào một mùa hè nắng gắt, chúng tôi ngửa mặt  hít căng lồng ngực khí trời trong lành. Làng của cái Thúy cũng như bao làng quê Bắc Bộ thuở ấy được bao quanh bởi những khóm tre, đằng trước là những mái ngói đỏ lô nhô trong màu xanh cây cỏ, đằng sau là cánh đồng thẳng cánh cò bay . Con đường làng lát gạch nghiêng ghập ghềnh, hai bên là những bụi dâm bụt, bụi duối dại và những cây bưởi cây mít cổ thụ.  Từng  ngôi nhà thôn quê, be bé thâm thấp lọt thỏm với những khoảnh vườn nhỏ trồng rau, cạnh đó là cái ao và chuồng vịt chuồng gà râm ran bên  những đụn rơm vàng cao ngất. Thấy mấy đưa trẻ thành phố, tụi  trẻ quê gầy gò, cháy nắng cười đùa chỉ trỏ. Rồi bọn chúng rủ mấy đứa tôi ra đồng. Lúa đang trổ đòng đòng, nắng trải dài trên những con mương trong vắt lấp lánh. Tất cả như say với mùi hương đồng gió nội và vị ngai ngái của bùn đất. Trong khi bọn trẻ con ở quê chân  trần nhảy nhót, rồi thoăn thoắt men theo bờ cỏ thì chúng tôi còn  lưỡng lự vì sợ bẩn, sau đành bấm bụng tháo xăng đan, xắn quần tới gối. Bùn đất trộn lẫn cỏ xanh cọ vào da thịt, tê tê, man mát.  Mấy đứa trẻ con dần dạn dĩ quen thân  cười rúc rích, hái cho chúng tôi ăn thử những ngọn đòng đòng. Tôi đành miễn cưỡng nhấm nháp. Đòng đòng có mùi thơm nhè nhẹ, beo béo và ngọt bùi như sữa.  Chúng tôi cười vang, mặc cái nắng ong đầu bỏng rát phía trên. Nô một lúc đã thấm mệt, tụi trẻ vào tránh nắng ở cái miếu cổ có cây đa cổ thụ  rậm rạp lá với những cuộn rễ khỏe khoắn dẻo dai. Không khí dưới tán đa mát dịu trong tiếng ve kêu râm ran khiến chúng tôi như lạc vào thiên đường , rồi thì quên tất cả để nghĩ ra tiếp những trò tinh nghịch con trẻ, chơi trốn tìm sau những cái hốc ấy, nhặt quả đa để ném nhau.
Trời đã về chiều, chúng tôi tạm chia tay với lũ trẻ làng cái Thúy để  sang thăm bà tôi. Do đã khá muộn, nên chúng tôi chỉ kịp chào vội vàng bà nội nó để lên xe cho kịp vì sợ đổ chiều!
Bà tôi lưng đã còng, đón chúng tôi trong nụ cười móm mém, căn nhà đơn sơ lợp ngói âm dương mát rượi với những tán lã nhãn và từng chùm quả non ngấp nghé quyện trong hương hoa ngâu thơm nồng… Bà pha cho mỗi đưa cốc nước chanh, rồi bà lấy cái quạt mo phe phẩy…Tôi ôm bà, như nghe thấy hơi thở ấm áp và mùi trầu quyện cay cay phả ra trong câu chuyện của bà… Cũng đến lúc phải chia tay, bà vội vàng ra vườn hái cho mỗi đứa chục quả chanh và dăm quả trứng gà bà để dành, những quả trứng trắng hồng chắt chiu từ hạt gạo hạt thóc mà bà dày công nuôi  nấng mấy con gà mái, chẳng dám ăn để chờ đứa cháu về…
Hỉ hả đạp xe về thành phố, cái Thúy lại vênh mặt:“ Thôi về nhà tao trước thì nghỉ cái đã, tao có tủ lạnh, tao bảo mẹ tao pha nước mát uống nhé, rồi về” Nghe bùi tai, chúng rôi đạp nhanh hơn trên con đường đê! Mẹ Thúy vui vẻ đôn đáo đập đá pha nước nhưng không quên hỏi Thúy: “ Thế con đã đưa bà cái quần sa tanh để bà mặc thử chưa?”. Thúy bị nghẹn, nhổ vội viên đá trong họng, ngơ ngác nhìn chúng tôi, rồi nó chạy ra xe lục tung lên: “ Thôi chết mẹ ơi, con chỉ lấy đồ ăn ra, định ăn trưa xong mới đưa quần cho bà nhưng mải chơi quên mất! “ Thế cái quần đâu?” “ Ơ, con nhớ đến nhà bà cái Thu vẫn còn!”. Rồi cái Thúy chợt im bặt, đưa mắt nhìn cái Linh, chúng quay sang nhìn nhau rồi nhìn tôi chằm chằm, thoạt đầu tôi không hiểu, nhưng rồi cả mẹ của Thúy cũng nhìn tôi với ánh mắt không vui cùng thoáng  nghi ngờ, cô ấy bâng quơ than thở: “ Khổ quá, có mỗi cái quần đẹp gửi cho bà mà  mang về cùng không xong , mà cái quần ấy mất làm sao được, để ở xe thì nó vẫn còn ở xe chứ, đằng này, như kiểu có người lấy mất chứ rơi thế nào được!”. Tự dưng tôi trào nước mắt vì tức và xấu hổ, còn ai vào đây nữa, lúc vào ngõ tôi cũng vẫn nhìn thấy cái bọc nilon trong giỏ xe của nó cơ mà. Bỗng nhiên tôi giận bà ghê gớm, bà khiến tôi mất mặt, chẳng biết độn thổ vào đâu cho hết xấu hổ. Lúc đó, lưỡi  tôi  như cứng lại, không nói được điều gì, đôi môi run run. Cái tuổi mới lớn, lòng sĩ diện quá lớn, lớn hơn tất cả… Tôi lý nhí chào mẹ Thúy ra về mà không quên được ánh mắt coi thường đuổi theo phía sau.
Bẵng một thời gian, tôi giận nên không về  thăm bà, cho đến hôm , có người bác ruột lên thành phố nhắn với bố mẹ tôi : “Bà bị cảm ốm, không đi lại được đã hai hôm nay.
Bà gày quá, cứ ho sù sụ, bố mẹ tôi rối rít đun nước dọn dẹp, bàn bạc đưa bà lên thành phố  nhập viện kiểm tra sức khỏe. Bà gọi  tôi vào và bảo “ Từ hôm đó cứ đợi cháu về chơi mà chả thấy!” “ Cháu ôn thi bà ạ” Tôi vùng vằng “ Này, hôm sau cháu đi, bà quét ngõ, nhặt được cái  túi ở đầu ngõ, ít người qua nên chẳng ai thấy!” Tôi vội vàng giở ra, một chiếc quần xa tanh đen bóng của người già, cái quần khiến tôi hiểu tất cả sự việc, “ Thôi chết của cái Thúy nó làm rơi bà ạ! Tôi nhớ lại cái lúc lượn xe vào ngõ, mải nô lên chúng rôi ngã chúi vào nhau, có lẽ cái túi bị rơi từ lúc đó”
Bà ơi, cháu xin lỗi bà, cháu thật hồ đồ! Tôi vứt cái túi và nắm tay bà, những giọt nước mắt lăn dài trên má, cảm giác ân hận và thương bà !
Sau nhiều ngày nghỉ học, ra lớp, tôi định báo tin  cho cái Thúy, nhưng  chợt khựng  lại vì bầu không khí nặng nề, một vài đưa đang túm năm tụm ba thấy tôi vào thì e hèm ra hiệu chuyển đề tài. Riêng cái Linh thì len lén nhìn trộm tôi rồi giả vờ viết lách, cái Lan buông một câu bâng quơ: “ Ôi giời ơi, nhặt được của rơi đồng thời đút túi …”, tôi hiểu ra mọi chuyện, giận giữ đặt cái túi trước mặt Thúy và bảo “ Của mẹ cậu đây,  tớ về quê thăm bà, bà tớ bảo nhặt được ở đầu ngõ” Cái Thúy ngây người, còn tôi bải hoải thẫn thờ ngồi vào cái bàn, cảm thấy mọi thứ thật trống rỗng và tầm thường, rồi tôi chợt nghĩ “ Có lẽ tình bạn của chúng tôi  chấm dứt từ đây”
Câu chuyện xảy ra đã lâu. Cảm  giác ân hận và day dứt vẫn luôn bám lấy tôi vì tôi chính là người có lỗi với bà. Tôi đã giấu bà một nửa sự thật, đó là khi bà hỏi thăm hai đứa bạn về cùng. Tôi đã cười nghẹn ngào trong nước mắt để nói dối rằng “ Bà ơi, chúng nó gửi lời hỏi thăm sức khỏe bà và cảm ơn vì trứng gà rất ngon”.
Vài ngày sau đó, bà tôi mất!.
30/6/2021
Bùi Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn nữ thử yêu một chút cũng đâu có sao 23 Tháng Tư, 2022 Nhà văn nữ Phương Huyền giới thiệu tác phẩm “Yêu một chút cũng đâu có sa...