Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Đặng Bá Canh: Rừng xa

Truyện ngắn
Đặng Bá Canh: Rừng xa

1. Tiếng “chít, chít, chít” đâu đó vọng vào vách nhỏ. Lão trở mình thức dậy. Bếp lửa vẫn âm ỉ cháy. Lão ngồi yên lắng nghe, “chít, chít, chít”. À, tiếng con sóc đi tìm bạn tình khi mùa mưa đến. Bên cạnh, nhịp thở vợ lão vẫn đều đều. Lão khẽ bước ra khỏi giường và cời thêm lửa. Ánh lửa bùng lên soi rõ đôi mắt lão ngước nhìn lên dãy núi Tà Đùng thâm u mờ mờ bóng tối. Có tiếng đẩy mạnh tấp liếp, một bóng người luồn nhanh vào đứng ngay trước mặt. Sùng A Chứ. Cái thằng như con thú cứ lầm lì, lũi lũi trong đêm. Bịch. Sùng A Chứ ném cái bao tải xuống nền nhà.
– Gì đó?
– Cheo!
– Bắn đâu?
– Trong rừng!
– Rừng cộng đồng à?
– Ừ!
– Mày! Lão ném cái nhìn đầy tức giận về phía Sùng A Chứ. Sùng A Chứ rướn người, huơ huơ đôi bàn tay thâm sì trước ngọn lửa.
– Không cho phát rừng làm rẫy, tôi không săn bắn lấy gì nuôi vợ con.
– Biết vậy! Nhưng không thể cứ phá rừng mà canh tác được. Nhà nước giao cho chúng tao bảo vệ, chúng tao phải làm hết sức chứ!
– Thế chúng tôi lấy đất đâu mà trỉa cây đậu, cây bắp?
– Tao không biết, nhưng không được phá rừng. Lão gằn giọng. Đôi mắt lão giần giật vì tức giận. Sùng A Chứ ngồi lặng, đăm đăm nhìn hun hút vào cái bếp củi đượm sắc hồng rồi tuôn ra một tiếng thở dài thườn thượt. Lão vốc cho nó một nắm thuốc rê.
– Cố dành dụm mua mấy sào rẫy mà làm ăn. Hôm trước tao ghé lán chúng mày ở mé rừng. Tạm bợ lắm, không được đâu!
– Biết vậy mà. Nhưng không có tiền!
Sùng A Chứ đáp gọn lỏn rồi uể oải đứng dậy bước ra.
– Mang con cheo về đi kìa!
– Không. Tôi biếu!
– Thôi, mày cầm về bán mà đong gạo cho lũ nhỏ. Tao không lấy đâu. Tao không ăn thú rừng!
Sùng A Chứ thoáng ngạc nhiên nhìn lão rồi vác cái bao tải đựng con cheo lên vai.
– Điểu Bang à?
– Gì?
– Rồi nhà nước có cấp đất sản xuất cho chúng tôi không nhỉ?
– Tao không rõ. Thấy nói đang triển khai chương trình ổn định cho dân di cư tự do mà! Chúng mày ráng đợi đi, chắc là được đó!
Sùng A Chứ không nói gì nữa mà đi thẳng. Bóng nó nhòa trong màn tối mấp mé đồi sũng ướt trong mưa. Lại là chuyện dân di cư tự do. Kế ngay khu rừng cộng đồng của bon làng Bu Nor nhà lão, ở tiểu khu mà bấy nay chính quyền đã giao cho công ty cao su Bazan hiện có mười mấy hộ người Mông đang dựng lán, phát đất rừng trỉa bắp. Mấy lần đi tuần tra rừng cùng lũ thanh niên, lão đã vào tận nơi tìm hiểu. Lo lắng cho những khoảng rừng xanh bị đốn hạ để lấy đất làm rẫy đã đành, lão còn thêm xót xa khi chứng kiến cuộc sống khốn khó của bà con. Một lũ đàn bà lưng địu con, tay chọc lỗ để tra hạt bắp. Lẽo đẽo theo sau là bầy trẻ trần truồng, mũi thò lò tận miệng. Đã đành họ rời bỏ quê nhà vào đây là mong có được khoảnh đất tốt tươi, màu mỡ để gieo vào đó những hạt mầm hy vọng cho một ngày mai. Thế nhưng, mấy chục năm nay, từng đoàn, từng đoàn người lúc âm thầm, lầm lũi, lúc ồ ạt, ồn ào đã làm đảo lộn sự bình yêu bao đời nơi rừng ngàn. Trách nhiệm đó thuộc về ai? Lão bần thần nghĩ. Đó là lỗi của họ ư? Không phải. Đất lành chim đậu. Đất nước mình rộng lớn lắm, chỗ nào đem đến ấm no, người ta đến thôi. Nhưng nói gì thì nói, lão và bà con bon làng của lão không thể để mất thêm rừng được nữa. Rừng là cuộc sống, là mạch nguồn máu thịt của lão và bà con trong bon làng lão. Nếu rừng bị xẻ thịt, tàn phá thì khác gì sự sống của anh em, họ hàng nhà lão sẽ bên bờ vực tuyệt vong! Càng nghĩ, lão càng thấy rối. Bà con trong bon đã sai khi nghĩ lão luôn sáng suốt, lão là điểm tựa về tinh thần cho bon làng rồi. Đầu óc lão lắm lúc cũng chỉ như một nắm rau rừng, đầy luộm thuộm và rối rắm, gỡ mãi không ra. Hay lão cả nghĩ? Cứ mặc kệ cha thiên hạ, miễn sao lão đốc thúc lũ thanh niên bon làng giữ thật chặt khu rừng cộng đồng của bon làng nhà lão là được. Chỗ nọ chỗ kia mặc xác, đã có chính quyền. Ấy vậy nhưng cũng không xong. Nhiều hộ dân di cư tự do đang lăm le cái bìa rừng cộng đồng. Lão cào cào vào mớ râu quai nón bạc phếch ngẫm ngợi. Vợ lão se sẽ ngồi cạnh lão tự lúc nào. Cái bàn tay ấm đến lạ áp vào vai lão. Mấy chục năm rồi kể từ khi lão về đây ở rể theo tục lệ M’nông, vợ lão chưa một lần trách cứ hay giận dỗi lão. Và hình như lão cũng chưa bao giờ nặng lời với vợ con. À, có một lần. Cái lần vợ lão khuyên nhủ đừng nhận trách nhiệm làm Trưởng ban quản lý rừng cộng đồng bon. Vợ lão lo. Mà lo là đúng. Kiểm lâm còn chưa ngăn chặn được cái bọn lâm tặc nữa là một ông già như lão. Lần đó lão nổi khùng lên. “Mụ sai rồi. Nếu không ai đứng ra làm việc này thì rừng mất hết à? Nhà nước người ta tin tưởng ở mình mới giao nhiệm vụ chớ!”. Còn sức lão còn làm. Lão quay sang thầm cảm ơn người phụ nữ đã cùng lão đi qua mấy chục mùa con suối Đăk Glun đầy vơi…
2. Năm năm trước, cái khu rừng ngàn bao đời gắn bó với bon làng nhà lão được nhà nước thu hồi của lâm trường Đăk Thốt giao về cho địa phương quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ. Lý do thì đã quá rõ ràng: lâm trường không quản lý nổi. Trong mấy chục năm, lâm trường Đăk Thốt được giao trên 20 nghìn héc ta rừng và đất rừng, thì đến khi kiểm kê toàn diện trên thực địa, mất đến gần 6 nghìn héc ta. Bao nhiêu gỗ quý bị cưa phang tận gốc, bao nhiêu tán rừng ken đặc xanh rì bị chặt phá, đốt trụi làm nương rẫy. Lãnh đạo lâm trường mấy đời lên xuống, người mất chức, kẻ vô trại giam, cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy. Thôi, rừng trả về cho địa phương, còn lâm trường Đăk Thốt giải thể. Lão nhẩm tính, trong gần 6 nghìn héc ta rừng bị tàn phá đó, khu rừng ngàn thiêng liêng của bon làng Bu Nor nhà lão cũng chặt phá mất cả trăm héc. Nếu cứ kiểu chuyển từ lâm trường về giao cho mấy tay đầu nậu gỗ núp bóng các công ty, doanh nghiệp chuyên khai thác, khoanh nuôi bảo vệ rừng thì sớm muộn chỉ còn đồi trọc. Vậy tại sao lão không mạnh dạn vận động bon làng cùng kiến nghị nhận chăm sóc, bảo vệ cái khu rừng thiêng của bon làng mình đi nhỉ? Và đông đảo bà con đã ủng hộ lão. Bà con quá rõ rồi. Lão nói không nghe thì nghe ai? Đã bao giờ lão xúi bậy bà con chưa? Còn gì tuyệt vời hơn là được bảo vệ, chở che những vạt rừng mà cha ông bao đời đã sống chết cùng nó, lại còn được hỗ trợ kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng nữa chứ. Chính quyền đồng ý ngay với với kiến nghị của bà con. Ban quản lý rừng cộng đồng bon ra đời và lão được chỉ định làm trưởng ban. Việc đầu tiên lão phải tính đó là lập chốt bảo vệ. Cả khu rừng vắt từ dãy Tà Đùng chạy suốt đến dòng Đăk G’lun hơn nghìn héc ta cần phải lập hai chốt. Cắt đặt xong mọi việc, lão thảo ra quy chế quản lý rừng cộng đồng, sao cho bon làng của lão vừa giữ được rừng ngàn, vừa được khai thác những nguồn lâm sản phụ để cải thiện thu nhập. Một thời gian, lão đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi mọi thứ được vận hành trơn tru. Ấy thế mà nay lại vướng phải mấy anh Mông di cư vào đây từ năm ngoái. Lão cũng đã kiến nghị lên xã, lên huyện phải giải quyết ngay mấy mươi hộ di cư tự do này. Người ta bảo chính quyền đang lập dự án thu hồi, chuyển đổi một phần đất rừng của lâm trường Đăk Thốt sang đất ở và đất canh tác cho các hộ người Mông. Lão chờ, chờ mãi vẫn chưa thấy. Sốt ruột và âu lo hơn khi lũ thanh niên gần đây dồn dập báo về là người Mông đã xâm canh vào phần đất rừng cộng đồng bon Bu Nor.
Ủy ban xã mời lão lên dự họp cùng chính quyền và đại diện công ty cao su Bazan. Cấp trên bảo, đã có chủ trương thu hồi gần một nghìn héc ta của công ty Bazan vì để mất đất rừng quá nhiều và muốn giao lại cho Ban quản lý rừng cộng đồng của lão. Lão đã biết mà. Sao có thể giao rừng cho một nhóm người chuyên đi tìm kiếm lợi nhuận trên máu và nước mắt của rừng ngàn được. Khi giá cao su rớt thảm hại, họ càng thèm khát những vạt gỗ quý bên dòng Đăk Glun. Đáng ra phải trả khu rừng ấy về cho bà con bon làng lão quản lý từ lâu mới phải…
3. Lần này thì vợ lão không còn giữ nổi sự điềm đạm, bình tĩnh nữa. “Định vứt bỏ tôi một mình ngoài này hả lão già Điểu Bang? Vô trong đó lão chỉ có sống với con khỉ, con vượn thôi?”. Cán bộ kiểm lâm địa bàn cũng to nhỏ: “Đừng vội vào đó Điểu Bang à. Tiểu khu 1803 giờ đang là điểm nóng phá rừng. Bọn lâm tặc chúng nó manh động lắm. Kiểm lâm chúng tôi còn không khống chế nổi, huống hồ là ông”. Hừ! Càng thế lão càng phải vô. Lão không tin là chúng có thể trắng trợn và ngang ngược đến thế. Ôi chao, khu rừng uốn quanh dòng suối Đăk Glun ấy chính là bon làng Bu Nor xưa, nơi đó mẹ cha đã sinh ra lão, đã cho lão những tháng ngày êm đềm và thơ mộng bên những thảm cỏ xanh mướt, tán cây rừng xõa bóng xuống dòng Đăk Glun kiêu hãnh mà duyên dáng, hiền hòa. Lão bước trên con đường rừng quanh co. Đất mềm tơi bó lấy bước chân lão. Lão thấy bàn chân ấm lạ. Cái con đường thân quen của ngày xưa ấy, lão đã bỏ bẵng đi mấy chục năm. Con chó đi cùng lão bỗng dừng lại ăng ẳng sủa, vẩy ve đuôi. Thằng Điểu Bích chở thêm một người bám dốc phía sau. À, là vợ lão. Cái dáng ấy không lẫn vào đâu được. Vậy là vợ lão cũng đi theo lão thật sao? Lão thấy nghèn nghẹn ở cổ. Bà đó à? Vợ lão quẹt lên gò má hoen rịn mồ hôi.
– Tôi không đi rồi thì ai chăm ông? Ông cứng đầu cứng cổ quá mà!
Lão biết nói gì đây. Thằng Điểu Bích phóng vù lên phía trước rồi dừng xe, đỡ cái gùi cho lão.
– Được rồi, mày về đi!
– Không con vào với già mà!
– Cái thằng! Mày không về mà chạy hàng cho vợ con lại cứ khăng khăng vào cái nơi rừng sâu hun hút này làm gì?
– Kệ nó! Chúng nó lo cho nhau được. Cho con tham gia đội bảo vệ rừng cùng già với!
– Cái thằng! Vợ lão nhìn thằng Điểu Bích lắc đầu cười.
Lão đặt ngón tay lên môi. Suỵt, có tiếng gì quen lắm! Dừng lại lắng nghe. Đó là dòng thác Đăk G’lun đang vọng vào rừng ngàn rồi theo gió tãi ra quyện hòa tiếng của bầy chim gọi bạn. Vợ lão vội giơ cái can màu xám ra trước mặt lão.
– Rượu à?
– Ừ! Rượu ngô đấy! Thằng Sùng A Chứ biếu! Nó đến để báo tin mừng. Chính quyền đã bố trí đất ở và đất canh tác cho nó và cho bà con Mông rồi!
Lão mỉm cười. Cái tin vui mà lão đã chờ bấy lâu nay. Mừng cho thằng A Chứ, cho bà con Mông, cho cả cái rừng cộng đồng của lão nữa.
– Nó đến thì ông đi rồi. Nó bảo, biếu ông cái này để ông đỡ buồn khi thức với rừng. Hôm nào rảnh nó vô thăm.
Cái thằng Sùng A Chứ, thật là…! Lão khe khẽ huýt sáo theo một điệu dân ca mà hồi nhỏ lão vẫn thường làm khi có chuyện vui. Nắng chiều treo lưng lửng trên những tán rừng rồi hắt ánh bạc xuống dòng thác. Mùa này, con suối Đăk G’lun đã ăm ắp nước, chảy hoài, chảy mãi tận rừng xa.
17/6/2021
Đặng Bá Canh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...