Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Trấn Thúy Lành: Mưa bong bóng

Truyện ngắn Trấn Thúy Lành:
Mưa bong bóng

Mười một tuổi, tôi trở thanh thiếu nữ. Trong lúc bạn bè vẫn vô tư, hồn nhiên như con nít, chỉ có mỗi việc ăn, chơi và học thì tôi luôn sống trong tâm trạng hoang mang vì những biến đổi bất thường trong cơ thể mình. Chỉ có một kỳ nghỉ hè từ lớp 5 lên lớp 6 mà tôi cao ngổng thêm gần chục xăng ti mét và tăng ngót nghét chục ky lô gam.
Sau ba tháng hè, nhiều người gặp lại đã không nhận ra tôi bởi tôi “lớn như thổi”. Nước da bánh mật vỡ ra sau hai lần mặt tôi bị lang ben, trở nên trắng hồng. Hai bầu ngực tròn xoe, to bằng nắm đấm, động vào thì đau nhức. Tôi xấu hổ vô cùng nên mặc dù trời nóng 37, 38 độ C mà tôi vẫn mặc hai áo. Nhiều lần bà nội thét lên: “Trời ơi! Mặc thế thì chết ngột à?” nhưng tôi mặc kệ. Bà chẳng biết gì về sự thay đổi của cơ thể tôi mà tôi thì muốn giấu nhẹm.
Nhà văn trẻ Trấn Thúy Lành ở Hải Dương
Chuyện đó còn chưa kinh khủng bằng việc đột nhiên tôi bị ra máu. Tôi đã khóc hết nước mắt và loay hoay không biết xử trí thế nào nên quyết định nghỉ học, cứ nằm trên giường, đắp chăn trùm kín. Bà sợ quá, định đưa tôi ra trạm xá nhưng tôi giãy nảy lên:
– Con chỉ bị đau bụng Tào Tháo đuổi thôi, nhịn ăn, hết hơi là khỏi liền.
Nhưng hai hôm sau máu vẫn ra nên tôi nghỉ học. Nhìn vết ga trải giường có vết máu loang lổ, bà giật mình:
– Cái gì thế này? Máu ở đâu ra thế này?.
Tôi trả lời bà với giọng tỉnh queo:
– Con không biết!
Bà trợn mắt săm soi vế máu và gật gù như phát hiện ra điều gì tâm đắc lắm:
– À! Cháu bà lớn rồi đây. Nhưng không việc gì phải giấu như mào giấu c…thế. Thế mà còn chối con không biết. Nhà này chỉ có tao với mày là đàn bà. Tao thì sạch từ lâu rồi. Đây! Đóng tạm vải xô của bà vậy, chứ cứ để xả ra quần áo, chăn đệm thế này thì giặt làm sao được.
Nước mắt tôi chảy dài không phải vì sợ mà vì tủi thân. Lần đầu tiên tôi nhận thấy bà nội chẳng tâm lí chút nào vì bà còn đem chuyện của tôi đi kể bô bô khắp xóm. Bà kể cho cả cô giáo chủ nhiệm của tôi biết khiến cô gọi tôi ở lại sau buổi học. Cô nói rất nhiều, đại loại là cô dạy tôi cách chăm sóc, vệ sinh cơ thể, cách bảo về “cái ngàn vàng”. Cuối cùng cô trấn an tôi: “Không sao đâu Diệu ơi, đàn bà con gái ai cũng phải trải qua những chuyện như vậy. Mỗi tháng một lần, đừng vì thế mà nghỉ học nhé”. Về nhà, tôi trân trối nhìn bà nội: “
– Bà nói gì với cô giáo con thế?.
Bà liền xổ ra một tràng:
– Con mẹ mày đoảng lắm cơ, đây với kia có vài bước mà chả thèm quan tâm gì đến con gái cả, chỉ cắm mặt vào làm thôi. Bà già rồi, lạc hậu rồi, nhờ cô giáo dạy bảo mày thì tốt hơn con ạ! Đã vỡ ra điều gì chưa con? Thôi! Đừng giận bà, bà chỉ muốn tốt cho mày thôi.
Nghe bà nhắc đến mẹ, tôi lặng lẽ vào nhà tắm, đóng chặt cửa khóc rấm rứt như người bị đánh oan. Bao nhiêu ký ức đau buồn ào về cùng một lúc. Mẹ tôi vẫn sống sờ sờ ra đấy những trên giấy tờ sổ sách tôi nghiễm nhiên được công nhận là “con mồ côi”, mỗi tháng tôi vẫn đều đều lĩnh trợ cấp một trăm tám mươi ngàn đồng của nhà nước. Sự thật thì tôi chỉ mồ côi cha thôi. Bố tôi mất ở ngoài đảo xa vì một cơn đau bụng đột ngột. Mọi người khiêng võng đưa bố đến trung tâm ý tế của đảo thì bố đã tắt thở rồi. Sau này cả nhà chỉ đoán già đoán non có khi bố bị đau ruột thừa hay vỡ mật, hay đột quỵ gì đó chứ thực hư bố tôi mất vì lý do gì thì cũng chẳng ai biết đích xác. Khi ấy tôi còn đỏ hỏn, chưa đầy hai tháng tuổi. Mẹ tôi khóc nhiều quá nên bị hậu sản. Từ đó đến giờ người mẹ cứ gầy đét, da xanh bủng xanh beo. Ông bà nội tôi thì hóa điên hóa dại bởi ba người con của ông bà đã lần lượt ra đi hết. Hai người chị của bố tôi vừa lọt lòng bà nội đã không thành người, chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã sang thế giới bên kia. Ai cũng bảo tại ông nội tôi mang trong người di chứng của chất độc màu da cam nên con cái có thành người cũng chẳng thể lành lặn được. Vậy mà ông bà vẫn không ngừng hi vọng. Đến khi mang thai bố tôi, bà nội phấp phỏng từng ngày. Bà cầu trời khấn Phật cho bà một mụn con, dù què quặt bà cũng chấp nhận. Trời Phật cũng thấu lời nguyện cầu của bà nên khi bố tôi chào đời, cất tiếng khóc oe oe, bà đã rơi nước mắt. Bà kiểm tra mặt mũi, chân tay con mình xong rồi ngất lim đi trong sự sung sướng tột cùng bởi bố tôi lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Vậy mà hai mươi lăm năm sau ông bà lại trắng tay.
Suốt hàng tháng trời sau khi bố tôi mất, bà cứ lảm nhảm nói một mình: “Ông trời không có mắt, ông trời không có tai. Tôi ghét ông trời, tôi hận ông trời…”. Còn ông nội tôi tính khí đã thất thường càng trở nên thất thường hơn. Vế thương ở đỉnh đầu của ông thỉnh thoảng lại biến ông thành người cục súc. Mắt ông hoa lên, nhìn cái bát mẻ cũng đổ cho mẹ tôi “rửa không sạch”. Mẹ thật thà thanh minh: “Bát bị mẻ đấy bố ạ!”. “Cãi à? Mày dám cãi bố mày à? Cãi này…”. Thế là xoảng…xoảng, cả mâm bát mới rửa bị liệng ra giữa sân, vỡ gần hết. Bà nội không dám ho he vì lên tiếng lúc này thì chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Mẹ sợ không dám khóc thành tiếng, chỉ khóc thầm và lẳng lặng thu đống bắt đĩa vỡ rồi ôm tôi vào lòng như tìm niềm an ủi.
Càng ngày ông nội càng ác cảm với mẹ. Động một tí ông cũng nói mẹ không ra gì bằng những lời lẽ hết sức cay nghiệt. Mẹ nín nhịn và bỏ qua hết vì mẹ nghĩ do vết thương trên đầu hành hạ ông nên ông không kiểm soát được câu nói của mình. Mới ngoài hai mươi tuổi đã đứt gánh giữa đường nên sống ở nhà chồng mẹ như người bị câm, bị điếc, bị mù. Nhưng đến khi ông nội chửi mẹ là “đồ đàn bà sát chồng” thì mẹ tưởng như mình cũng hóa điên vậy. mẹ xin phép ông bà nội để về nhà ngoại ở, chứ cứ sống thế này mẹ cũng đến chết non vì thần kinh mất. Ông nội tuyên bố: “Về thì về nhưng con Diệu thì ở lại dây với tao”. Khi ấy, tôi lên ba tuổi, nếu mẹ không là người biết điều thì tôi đã trở thành “tài sản tranh chấp” khi ra tòa. Vì những điều bà nội nói với mẹ mà mẹ chấp nhận ra đi với hai bàn tay trắng: “Đời còn dài con ạ! Con về bên ấy có ai thương thì đi bước nữa. Để con Diệu ở đây bố mẹ căm nom cho chứ vướng nó thì con đi bước nữa sao tiện. Có nó bố mẹ cũng khuây khỏa lúc tuổi già. Đây với kia có mấy bước chân, hai mẹ con vẫn gặp gỡ thường xuyên được mà”.
Ông nội bắt mẹ ký vào tờ giấy “từ con”. Mẹ nhất định không ký nhưng ông giải thích: “Chỉ ký trên giấy tờ thôi để con Diệu được công nhận là con mồ côi, để hưởng trợ cấp của nhà nước chứ ai bắt chị từ con đâu mà sợ”. Nghĩ đi nghĩ lại, một trăm tám mười nghìn đồng một tháng, cho đến khi tôi mười tám tuổi thì món tiền trợ cấp ấy cũng không phải là nhỏ trong khi ông bà nội ngày càng già yếu. Bà chỉ trông vào hai sào ruộng trũng còn lương thương binh và trợ cấp chất độc màu da cam của ông chỉ đủ chi tiêu tằn tiện. Vô tình nghe lỏm được chuyện ấy tôi hận mẹ lắm, hận ông lắm. Nhưng càng lớn tôi càng hiểu rằng đồng tiền có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống.
Ông bà ngoại vốn hiền lành nên không hề lời qua tiếng lại. Ngoại cho mẹ một góc vườn để dựng tạm ngôi nhà ngói bé xíu như chuồng gà, đủ kê cái giường một và cái bàn ăn cơm cũng nhỏ xíu. Bàn thờ bố tôi phải treo trên tường. Tôi chỉ biết bố qua tấm ảnh đen trắng trên bàn thờ. Ai cũng bảo mẹ tôi đi “đẻ thuê” vì tôi giống bố như đúc. Vì vậy, mỗi khi nhớ bố, tôi lại soi gương hay mỗi khi soi gương thì tôi lại hình dung về bố: gương mặt chữ điền, mũi tẹt và hếch, mặt hay cau lại mỗi khi bực tức và dáng đi chữ bát không được duyên cho lắm. Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi vẫn đinh ninh là “bố đi du lịch cùng các cụ” như lời bà nội nói. Đến khi tôi hiểu là bố sẽ không bao giờ trở về, không bao giờ đưa đón tôi đi học, không bao giờ mua đồ chơi cho tôi thì có một cái gì đó vỡ òa trong người tôi. Từ đó tôi ít nói hẳn, tôi không chơi thân với ai vì tôi thấy chẳng ai giống mình. Cả lớp chỉ có mỗi tôi khác người bởi đứa nào cũng có bố, có mẹ đủ đầy, còn tôi cứ thui thủi một mình, không khác gì những đứa trẻ bị mắc chứng bệnh tự kỷ.
Bù lại, ông bà nội dành cho tôi tất cả tình yêu thương. Nhưng cái cách ông bà thể hiện tình yêu thương với tôi cũng thật khác người. Dù làm việc gì bà cũng bắt tôi đi làm cùng. Mới bảy tuổi đầu tôi đã phải vào bếp nấu cơm và nấu cám lợn bằng thứ rạ mùn, khói cay xè cả mắt. Có lần hai bà cháu tát nước, ruộng thì cao, bà thì to gấp ba cháu nên bà lôi tôi ngã dúi dụi xuống mương. Ông nội thì yêu cầu tôi tự giặt quần áo của mình, nhà cửa sân sềm lúc nào cũng phải sạch bong. Tôi là con gái mà những việc của đàn ông con trai tôi cũng phải học để làm được hết: từ sửa vòi nước đến sửa máy bơm. Hễ tôi làm không đến nơi đến chốn hoặc cãi lại nửa lời là ông sẽ cho ăn đòn. Quan điểm của ông là : “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nên không ít lần hai bắp chân của tôi sưng lên như những con lươn vì tôi “vừa bướng vừa lí như thằng bố mày” – ông tôi thường bảo thế. Bà thì đổng giảng: “Tự làm cho quen đi. Ông bà già thì ông bà chết, mẹ mày đi lấy chồng, ai mà làm thay được, không biết thì khổ nên cái gì cũng phải học con ạ!”
Họ hàng, cô dì chú bác, ai cũng thương tôi mồ côi từ tấm bé nên thường xuyên cho quà. Mỗi năm, quần áo thừa, đồ dùng thừa mà mọi người “thải” cho tôi nhiều vô kể. Từ bàn học, cặp sách đến máy vi tính, tôi đều được cho, được tặng. Bà bảo tôi: “Ai cho thì xin, cảm ơn chứ đừng chê. Người ta cho cái gì cũng quý con ạ!”. Cứ mỗi dịp sinh nhật hay tổng kết năm học, giỗ, Tết là mọi người lại cho tôi tiền. Bà tôi chi tiêu rất tiết kiệm, dư giả tiền nong là bà đem đi mua vàng hết. Bà bảo: “Để phòng thân! Sau này bà chết bà cho mày hết”. Tôi nhăn mặt: “Sao bà hay nói đến chết thế. Bà khổ như vậy thì phải sống đến hai trăm tuổi ấy chứ”. Bà chửi yêu tôi: “Cha bố cô, sướng thì mới muốn sống lâu chứ khổ thì chết quách đi cho rồi. Bà nói thật nhá, không vì mày thì bà cũng tự tử lâu rồi”. Tôi ôm chặt lưng bà năn nỉ: “Thôi! Con xin bà! Bà cứ sống khỏe cho con nhờ. Con yêu bà nhất trên đời đấy”,. Bà dí ngón tay vào trán tôi: “Thật không?”.
Hơn chục năm sau khi bố tôi mất mà mẹ tôi vẫn cứ vò võ một mình. Thi thoảng, nhớ tôi quá, mẹ sang xin với ông bà nội đón tôi về ăn với mẹ một bữa cơm, ngủ với mẹ một đêm cho khuây khỏa. Bà nội thì thoải mái nhưng chẳng hiểu sao lần nào ông nội cũng hậm hực và dặn đi dặn lại: “Chỉ một tối thôi nhá!”. Mẹ vâng, dạ nhưng chẳng bao giờ tôi thấy mẹ cười. Tôi cũng không biết nụ cười tắt trên môi mẹ từ bao giờ. Mắt mẹ buồn rười rượi. Người làng bảo: “Đàn bà mà có đôi mắt buồn như chị Luân thì khổ một đời”. Những đêm ngủ với tôi, mẹ thường vòng tay qua bụng tôi, ôm chặt. Tôi hay giả vờ nhắm nghiền mắt, thở đều đều như đã ngủ say và lần nào tôi cũng bắt gặp mẹ khóc. Có lần tôi vùng dậy, thốt lên:
– Mẹ! Sao mẹ lại khóc?
Mẹ không trả lời. Tôi băn khoăn:
– Sao mẹ không lấy chồng?
Mẹ hỏi lại tôi:
– Nếu mẹ lấy chồng thì sao?
Tôi buột miệng:
– Con không biết. Tùy mẹ!
Cả hai mẹ con cùng im lặng, mỗi người một suy nghĩ riêng. Trong thâm tâm, tôi thương mẹ lắm nhưng bề ngoài tôi hay tỏ ra dửng dưng, lạnh nhạt. Nhiều khi tôi cũng tự trách bản thân mình sao lại cư xử như thế với mẹ. Càng lớn, giữa tôi và mẹ càng có khoảng cách, tôi không còn sà vào lòng mẹ như hồi lên năm, lên ba nữa. Còn mẹ, mẹ mải miết kiếm tiền, mẹ làm ngày làm đêm. Mẹ bảo: “Đàn bà góa thì dễ bị bắt nạt. Nghèo thì người ta khinh…”. Mẹ gieo vào đầu tôi ý nghĩ ấy khi tôi vừa bước vào tuổi dậy thì. Nỗi mặc cảm về thân phận trào lên. Tôi ngoảnh mặt vào bức vách, nước mắt cứ tràn ra. Tiếng chuột chạy thành đàn trên mái nhà nghe rõ mồn một. Tiếng thở dài của mẹ cũng nghe rõ mồn một.
Dần dà tôi kiếm cớ phải học bài, phải làm nhiều bài tập nên từ chối sang ngủ với mẹ bởi nhà mẹ không có điện, chỉ có ngọn đèn dầu tù mà tù mù mà tôi thì học dưới ánh sáng của đèn điện quen rồi. Nhưng kỳ thực là tôi sợ nhìn thấy mẹ khóc. Thi thoảng bà nội lại giục mẹ trước mặt tôi: “Đàn bà con gái có thì, thôi thì rổ rá cạp lại con ạ. Đừng kén cá chọn canh nữa. Có người đàn ông là có chỗ dựa, dù què quặt thì cũng là đàn ông con ạ!”. Nghe bà giục nhiều quá xem chừng mẹ cũng sốt ruột nhưng mẹ có cách lựa chọn của mẹ. Một lần tôi nghe mẹ thẽ thọt nói với bà nội:
– Đi bước nữa thì phức tạp lắm mẹ ạ! Con rất sợ cái cảnh con chung, con riêng, rồi thì mẹ ghẻ con chồng, tiếng chì tiếng bấc. Hay là con kiếm một đứa để nuôi cho đỡ buồn có được không mẹ?
Bà nội chả cần đắn đo cân nhắc, ừ ào ngay lập tức:
– Ừ! Được đấy, biết đâu kiếm được đứa con trai mà làm chỗ dựa khi về già con ạ!
Được bà nội ủng hộ, mẹ qua lại với một người đàn ông cỡ ngoại tứ tuần quê tận nơi nào xa lơ xa lắc. Ông ta làm nghề xây dựng, đi theo công trình nên nay đây mai đó. Đến khi mẹ sinh bé Hoa thì đơn vị của ông ta đã thi công xong cây cầu bắc qua sông ở quê tôi nên chuyển đi nơi khác. Ông ta hứa mỗi tháng sẽ chu cấp cho mẹ một khoản tiền để nuôi bé Hoa khôn lớn nhưng từ đó đến giờ bé Hoa đã được hai tuổi mà ông ta vẫn bặt vô âm tín. Có người làng cũng đi công trình về kể lại rằng ông ấy đã có một vợ và ba cô con gái nên muốn gửi gắm bên ngoài một thằng con trai để sau này có người “cúng cơm” nhưng không ngờ mẹ tôi lại đẻ ra “vịt giời” nên ông ta không buồn đoái hoài. Mẹ tôi không hận, không buồn vì điều đó mà mẹ còn mừng thầm vì khỏi phải ràng buộc với những mối quan hệ phức tạp hay mang tiếng phá nát hạnh phúc gia đình người khác. Tất cả những chuyện đó mẹ không kể với tôi nhưng bà nội thì kể hết. Bà còn động viên, an ủi tôi:
– Thế là từ nay cháu bà cũng có chị có em rồi. Mẹ mày cũng đỡ buồn con ạ!
Tôi không buồn, cũng chẳng vui bởi bình thường, mẹ chẳng sinh thêm em bé thì tôi cũng không được ở bên cạnh mẹ. Từ khi có bé Hoa, sự quan tâm của mẹ dành cho tôi dường như cũng bị chia đôi. Trước kia một năm mẹ mua cho tôi hai bộ quần áo thì giờ mẹ chỉ mua một bộ. Trước kia mẹ thường ôm tôi vào lòng để chải tóc, tết tóc cho tôi thì nay mẹ đã quên hẳn việc đó. Sự thay đổi khác thường trong cơ thể của tôi mà mà mẹ cũng không hề hay biết.
Nhìn vào chiếc gương trong nhà tắm, tôi thấy mắt mình đỏ hoe. Bà nội biết rằng tôi khóc hết nước mắt thì sẽ tự rửa mặt nên không bao giờ bà dỗ dành, cưng nựng. Thế rồi tôi cũng tự vượt qua những tháng ngáy khó khăn của tuổi dậy thì khi không có mẹ ở bên.
Giữa mùa hè nắng nóng, đột nhiện mẹ quyết định lấy chồng. tôi bàng hoàng khi nghe bà nội thông báo cái tin sét đánh ấy. Mặt bà bần thần, miệng chẹp chẹp liên hồi:
– Muốn lấy chồng thì lấy sớm đi, còn kiếm với chác làm gì. Giờ thì khổ thân con Hoa, đi theo mẹ liệu có được yêu thương, chăm sóc…Bà buông tiếng thở dài não ruột.
Tôi bực bội, nói dỗi:
– Bà chỉ thương người dưng thôi. Cháu bà thì bà chẳng thương.
Bà chột dạ:
– Ừ nhì? Nhưng mày còn có bà, có ông.
– Thì con Hoa cũng có ông ngoại, bà ngoại đấy thôi.
Tôi giận mẹ, nhất định không sang dự lễ cưới bởi tôi dã đinh ninh rằng mẹ sẽ chấp nhận an phận với hai đứa con gái. Hóa ra mẹ cần tìm hạnh phúc cho riêng mẹ nữa. Mẹ sợ sau này về già, hai đứa con gái sẽ đi lấy chồng, mẹ sẽ không biết trông cậy vào ai. Giờ lấy được ông Thiếu tá về hưu góa vợ, lại có của ăn của đề, tội gì mà ở vậy suốt đời. Tôi nghe hàng xóm xì xào như thế.
Bà nội vừa kéo tay tôi vừa gắt lên:
– Có đi sang không thì bảo? Đi với bà kẻo người ta chê cười ông bà không biết dạy mày. Mẹ đi lấy chồng thì phải sang mừng cho mẹ chứ!
Tôi vẫn cương quyết, vừa gỡ tay bà vừa phụng phịu:
– Con không sang đâu, bà đi một mình đi!
Bà buông tay tôi ra, giọng chùng xuống:
– Thôi! Đừng giận mẹ nữa. Sau này con sẽ hiểu. Đàn bà mà không có người đàn ông để dựa dẫm thì khổ lắm.
Tôi bèn lặng lẽ đi theo bà sang dự lễ cưới của mẹ. Không đài loa sập sình, cũng chẳng phông bạt hay cỗ bàn linh đình, chỉ có dăm mâm cơm thịnh soạn hơn mọi ngày. Bé Hoa cứ tíu ta tíu tít chơi đùa vì thấy nhà đông người. Đúng lúc nhà trai đến rước dâu thì cơn mưa rào ập xuống. Không thể chờ mưa ngớt vì đúng “giờ hoàng đạo” thì lễ rước dâu vẫn phải tiến hành. Mẹ ngoái đầu nhìn tôi và Hoa như muốn dặn dò điều gì đó nhưng tiếng mưa ầm ào chen lẫn tiếng sấm khiến mẹ chẳng thốt lên lời. Tôi bấu chặt tay bà nội, nhìn mẹ bước lên xe hoa, nước mắt rơi ướt nhòa khuôn mặt. Trong lòng, tôi thầm cầu mong lần qua đò này, mẹ sẽ thuận buồm xuôi gió. Có lẽ bà nội cũng thầm nghĩ như tôi bởi gương mặt đầy nếp nhăn của bà như giãn hẳn ra.
Bé Hoa chợt òa khóc, nó lon ton định chạy theo mẹ nhưng bị bà ngoại cản lại. Bấy giờ tôi mới để ý thấy lưng ngoại hôm nay như bớt còng hơn. Tôi vội ôm bé Hoa vào lòng, dỗ dành và lau sạch nước mắt trên khuôn mặt bầu bĩnh của nó. Từ  nay tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm chở che cho nó. Ngoài trời, mưa vẫn không ngừng rơi. Sau bao ngày nắng hạn, cơn mưa rào mát rượi đã thấm vào những thớ đất nứt nẻ. Một loáng sau, bong bóng đã nổi đầy trên sân gạch.
27/5/2021
Trấn Thúy Lành
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Jawaz Jaffri 14 Tháng Năm, 2022 Tiến sĩ Jawaz Jaffri là nhà thơ uy tín, đồng thời là nhà phê bình sân khấu, nhà báo Pakis...