Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Chuyện về đứa con nuôi

Chuyện về đứa con nuôi

Một góc Hà Nội trầm lặng trong tiết trời thu. Ngoài kia, mặt hồ lăn tăn gợn sóng, tiền sảnh khách sạn rậm rịch những bước chân, những tiếng nói cười. Nơi đây đang diễn ra một sự kiện quan trọng. Kỷ niệm năm mươi năm ngày thành lập đoàn quân tình nguyện chiến đấu tại Lào. Những mái đầu bạc trắng, những khuôn mặt nhăn nheo,  gặp nhau tay nắm tay run run, giọng nói phập phều ngắt quảng.
Ông Tân đến dự buổi gặp mặt trong cảm xúc bồi hồi khó tả. Cả mấy chục năm đã trôi qua, đất trời thế sự đã nhiều thay đổi. Người quen ngày đó đẩu hết rồi. Những chàng trai Việt ngày đó đâu cả rồi? Trước mắt ông là những cụ già râu tóc bạc phơ, bước chân chậm chạp, run rẩy.  Bạn bè xa nhau mấy chục năm run run tay, bá vai, miệng cười mà làn mi  đẫm ướt. Có nhiều người ông không biết, chưa từng gặp. Mặt trận mênh mông, núi rừng hiểm trở, cuộc sống kham khổ, ngày đó các ông theo từng nhóm nhỏ len lỏi rừng già thâm nhập cuộc sống của bà con các bộ tộc Lào, cùng xuống sông bắt cá, cùng lên nương rẫy, chia nhau miếng cơm hạt muối để giúp bạn vượt qua khốn khó.
Hội trường trắng xóa những mái đầu. Chín mươi, tám lăm, tám mươi, người trẻ nhất dạo đó bây giờ cũng đã bảy lăm bảy sáu… Chỉ những người ở các tỉnh phía Bắc đến được. Người đi được tự đi, người yếu nhờ con cháu đưa đến. Cứ nghĩ đến sẽ được gặp đông đủ, vậy mà thiếu mặt quá nhiều. Có người hồi trước mới nghe tên, nay gặp mới biết. Người ở Hạ Lào, người ở Viêng Chăn, người Khăm Muộn, người Xiêng Khoảng, người Sầm Nưa….Người ở đơn vị, người ở cơ quan, người cạnh lãnh đạo bạn nhưng cũng có người hoạt động độc lập, một mình bám dân ở một bản vắng xa xôi…Vị xúng xính quân hàm quân hiệu, người xi vin thẳng thớm lịch sự. Có vị mang nguyên cái phạ xà lùng y như một cụ già Lào chính cống. Tiền sảnh hội trường rộn rịp vồ vập, những tiếng ô a, những cái bắt tay và rồi từng tốp túm tụm chuyện trò. Bao nhiêu là kỷ niệm về những ngày sát cánh cùng bạn chia sẻ hiểm nghèo, chia sẻ từng miếng cơm hạt muối.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi ở Nghệ An
Cuối chiều hôm đó, buổi liên hoan chia tay bịn rịn chẳng ai muốn rời. Thế rồi chẳng biết người ta kiếm đâu được hũ rượu cần “để các bác đỡ nhớ Lào”. Từng tốp từng tốp cụm lại bên ché rượu. Ông “phạ xà lùng” ngồi “chàm”*.  Sừng trâu, nước suối được thay bằng từng chai nước khoáng. Đợt bảy người, đợt tám người vít cần. Tất cả xum xít cổ vũ, cũng hồn nhiên vui vẻ như ngày nào… Giữa chừng bổng đâu vang lên giai điệu Lào từ một chiếc casxete ai đó mang đến. Nào “Cô gái Sầm Nưa, nào Hoa Chămpa…”. Núi rừng ngày đó hiện lên chung chiêng. Không ai bảo ai, các ông cùng đứng dậy, thế rồi từng cặp, từng cặp, những bước chân run run bước tiến bước lùi, những cánh tay khô khẳng xếp nghiêng úp ngửa, vẻ mặt chứa chan cảm xúc ngất ngây…
Buổi Lăm vông của các cụ đã kéo về hầu hết các nhân viên phục vụ của khách sạn. Trong đám chị em phục vụ đứng quanh, một người bất ngờ bước ra. Da ngăm đen, dáng thấp đậm với bộ quần áo giản dị, cô tiến tới trước mặt ông Tân và hòa vào nhịp bước. “Cháu múa cùng chú”, cô nhìn ông dịu dàng nói.
Bước chân cô thật mềm mại, hai bàn tay đưa lên hạ xuống uyển chuyển.  Ông Tân như bị cuốn theo những bước chân của bạn múa và ngây ngất trong cảm xúc mới lạ. Chẳng biết ông sẽ trôi theo những bước chân nhịp nhàng dìu dặt như thế đến bao giờ nếu như bản nhạc không kết thúc.
Những giai điệu Lào vừa dừng, ông Tân theo chân người phụ nữ Lăm Vông cùng ông trở lại chỗ ngồi. Ông hỏi sau vài phút xúc động:
– Sao cô múa Lăm Vông đẹp thế? Y như người Lào vậy.
Thực sự ông không diễn tả hết cảm xúc lúc này. Mấy phút Lăm vông này khiến ông ngất ngây như trong những cuộc vui giữa núi rừng làng bản Lào ngày nào.
Người phụ nữ nét mặt ngước nhìn ông bằng ánh mắt chưa hết niềm xúc động chứa chan :
– Cháu là người Lào mà chú.
– Là người Lào?
– Vâng! Cháu là người Lào. Tên Lào của cháu là Bua Khăm, tên Việt Nam là Hiền
– Chuyện như thế nào? Ông Tân bắt đầu hồi hộp…
Vẻ mặt cô bổng trở nên xa vắng… Chuyện dài lắm chú. Cháu làm con nuôi người Việt. Cô nhìn ông một thoáng rồi nói tiếp. Mọi chuyện mãi sau này nghe ba nuôi cháu kể lại cháu mới nhớ…Hồi đó ba nuôi cháu là thủ trưởng một tổ chuyên gia Việt Nam đóng cạnh bản cháu. Dạo đó..đâu là năm…, lúc đó cháu mới bốn tuổi. Bản cháu hồi đó đói lắm, chiều chiều lũ trẻ trong bản rủ nhau đến chơi với bộ đội Việt Nam. Là bởi ra chơi bữa nào cũng được các chú cho ăn, khi thì cơm khi thì lương khô, có hôm chàu còn được một ít gạo mang về. Trong số các chú Việt Nam hay đùa vui với cháu có một người đặc biệt mến cháu, mấy ngày sau theo cháu về nhà nên quen biết nhà cháu, thân thiết với bố mẹ cháu. Người đó sau này là ba nuôi cháu. Ba nuôi cháu kể rằng ông phải nhiều lần thuyết phục mới được bố mẹ cháu đồng ý cho mang cháu về Việt Nam. Cháu chỉ nhớ láng máng  thế. Cháu nhớ là hôm đó, sau khi có hai chú bộ đội vào nhà nói chuyện một hồi lâu rồi ra về, bố mẹ cháu mới gọi cháu đến mà hỏi rằng con có muốn làm con nuôi “tha hán Việt Nam” không, có muốn đi Việt Nam không? Cháu trả lời là có. Lúc đó cháu đâu biết Việt Nam ở đâu mà chỉ nghĩ, ở với “phò Việt”, sẽ có cơm ăn.
– Vậy bố nuôi cô tên là gì? Ông Tân ngắt lời người phụ nữ.
– Bố nuôi cháu tên là Phận.
Tên là Phận…Trung tá Phận…Ông Tân chợt nhớ ra:
– Thế bản cô là bản Na Hay, đúng không ?
– Sao bác biết ạ? Làm sao bác biết tên ba nuôi cháu? Biết cả bản cháu nữa? Vẻ mặt người phụ nữ chợt sáng bừng…Bác có biết gì thêm về nhà cháu không?
– Dạo đó tôi về chỗ thủ trưởng Phận bố nuôi cô, công tác chỉ mấy hôm… Và có đến nhà cô. Lúc đó cô còn bé lắm.
Ông Tân trầm giọng, bồi hồi, bao ngày tháng cũ ùa về. Dạo đó, trong tổ chuyên gia quân sự vùng Hạ Lào, đại úy Tân được giao cắm ỏ một bản vùng sâu. Lâu lâu về cơ quan báo cáo. Tổ trưởng Phận là một người đàn ông khắc khổ, làm việc nghiêm túc, chú đáo và có nhiều kinh nghiệm trong việc giúp bạn. Các ông luôn được nhắc là phải thương dân Lào như bà con mình, phải tin bạn, tôn trọng bạn, tránh bao biện làm thay. Phương châm của chuyên gia quân sự  là: Ban đầu mình làm bạn xem. Tiếp đến là mình và bạn cùng làm. Và cuối cùng là bạn làm, mình quan sát góp ý. Hồi đó, anh em chuyên gia thường có suy nghĩ thành công thì bạn hưởng, thất bại tại chuyên gia. Tất nhiên là vậy rồi, vậy nên anh em, khi xảy ra tác chiến thường giành trực tiếp chỉ huy nên có lần đã dẫn đến sự hiểu lầm rất đáng tiếc…..
Sau hiệp định Pa Ri, mấy tháng sau có lênh rút chuyên gia về nước. Tất cả các ông tập trung về cơ quan chờ ngày trở về. Hôm đó, trung tá Phận, sau mấy phút có vẻ đắn đo đã nói với ông:
– Anh Tân này, tôi muốn nhận một đứa con nuôi người Lào…Anh nghĩ sao?
Vấn đề được đưa ra khá đột ngột. Nuôi một đứa bé người Lào…Nay mai đưa nó về Việt Nam, nó phải xa bố mẹ, xa núi rừng…Chao ôi, liệu rồi nó có quen được không? Anh ấy có thay bố mẹ đẻ nó được không? Nghĩ thế rồi ông nói cũng tốt, nhưng rồi anh sẽ vất vả đấy…
– Cảm ơn anh. Ông Phận nói.Tôi biết rồi mình sẽ vất vả, nhưng…
Rồi ông Phận kể cho ông nghe hoàn cảnh của mình. Cưới vợ từ trước lúc đi chiến dịch Điện Biên, nay đã sang tuổi bốn lăm mà vợ chồng vẫn chưa có mụn con nào. Đời chinh chiến cuốn hút ông hết chiến dịch này sang chiến dịch khác khiến thời gian vợ chồng chung sống chẳng được bao nhiêu. Cũng có đợt ông được về với vợ cả tháng trời nhưng việc có con vẫn không kết quả. Bây giờ thì việc sinh nở càng trở nên khó khăn. Ở bản Na Hay này ông rất thương và quí một bé gái. Ông cứ ước ao giá chi nó là con mình…
Từ hôm đó, ông Tân thấy hễ rỗi lúc nào ông Phận lại vào bản lúc đó. Bữa thì buổi trưa, hôm thì buổi tối. Lần nào vào ông cũng mang theo một món gì đó. Vài bánh lương khô, mấy lạng đường, lúc hộp sữa….
Một hôm ông Tân hỏi, anh đã ướm hỏi họ chưa? Ông Phận trả lời rằng chưa. Ông Tân nói, nếu cần tôi đi với anh.
Vậy là chiều đó ông Tân theo ông Phận vào bản.
– Xăm bai đi…Vừa chạm chân cầu thang ngôi nhà sàn có phần ọp ẹp gần giữa bản Ông Phận lên tiếng.
– Chào các bộ đội…Bên mâm cơm chỉ có ít sắn, người đàn ông gầy guộc lên tiếng rồi định đứng dậy. Ông Phận bảo gia đình cứ tiếp tục ăn cho xong nhưng chủ nhà đã đứng tìm nước rồi ngồi xuống tiếp khách. Bé Bua Khăm là đứa út rời mâm đến sà vào lòng ông Phận. Ông Tân lặng lẽ quan sát con bé. Da ngăm đen, mắt đen sáng, con bé khá xinh. Nó cảm mến anh ấy quá rồi.
Buổi tối trong bản Lào thật thanh vắng. Xa xa vẳng lại tiếng máy bay T28. Ngoài đường chốc chốc có tiếng xe ô tô nhà binh. Ông Phận ôm con bé vào lòng với ánh mắt trìu mến
– Các bô đội sắp về Việt Nam phải không? Chủ nhà hỏi. Sao không ở lâu nữa…
– Chúng tôi phải về…Vì nhiệm vụ…
`Ông Phận trả lời bằng tiếng Lào rồi ngập ngừng:  Anh Bun Thoong ạ, anh chị ạ…
– Bộ đội muốn nói gì? Ông Bun Thoong ngước nhìn ông Phận chờ đợi..
– Muốn nói mà tôi chẳng biết nói thế nào đây…
Thế rồi ông Phận kể qua về hoàn cảnh vợ chồng ông, rồi nói nói liền một hơi như sợ rằng nếu không nói lúc này thì chẳng bao giờ dám nói nữa. Tôi muốn xin anh chị được nuôi cháu Bua Khăm nếu anh chị cho phép. Tôi xin hứa sẽ yêu thương cháu hết lòng…Nói xong, vẻ mặt trung tá Phận thất thần như vừa trải qua một chấn động tâm thần khủng khiếp.
Vợ chồng ông Bun Thoong sững sờ. Lặng đi một hồi lâu để nén xúc động, ngước lên, mắt bố Bua Khăm ngân ngấn nước, khó khăn lắm mới cất được tiếng nói:
– Cảm ơn bộ đội Việt Nam nhiều. Tôi biết…giọng ông ngắc ngứ, tìm cách diễn đạt. Được làm con bộ đội Việt, Bua Khăm nó sẽ hết khổ đấy…Vừa nói ông Bun Thoong vừa nhìn vợ…Mà tôi còn phải hỏi bà Sum vợ tôi, phải hỏi hỏi con Bua Khăm nữa..
-Tất nhiên rồi ! Ông Phận trả lời rồi lại cúi xuống vuốt ve đứa bé, giọng hết sức âu yếm, dịu dàng rằng con có muốn ở với ta không, ta sẽ đưa con về Việt Nam nuôi con ăn học…Nói đến đây ông Phận nghẹn lời.
Chào chủ nhà ra về, hai người đứng dậy bước xuống chiếc cầu thang ọp ẹp. Cả bản Lào chìm trong bóng đêm le lói của những ngọn đèn dầu. Thế rồi hôm sau ông Tân phải trở về cơ sở của mình. Tình hình nước Lào cuối cuộc chiến tranh cùng nhiệm vụ cá nhân cuốn hút khiến ông quên bẵng câu chuyện.
– Chú đã đến nhà cháu ngay cái hôm bố Phận xin nhận cháu làm con nuôi. Ông Tân đột ngột đổi cách xưng hô.
Cô bé Bua Khăm ngày đó đây ư ? Do hoàn cảnh hay thời gian đã kịp làm chức phận của nó, biến một cô bé trở thành một thiếu phụ, sống giữa Hà Nội mà gầy guộc, bơ phờ…Có điều gì đó không ổn, một thắc mắc,một câu hỏi lớn lởn vởn trong ông.
– Vậy ạ. Vậy mà cháu không nhớ? ..
– Có điều, lần đó chú không được cùng về Việt Nam với bố con cháu..Vì có công việc đặc biệt nên chú phải ở lại nên xa thủ trưởng Phận từ hôm đó. Chia tay thủ trưởng Phận chú vẫn tin là bố mẹ cháu sẽ đồng ý.
– Vâng, sau đó hai ngày, cũng buổi tối, bố mẹ cháu nhắn bố Phận vào..
– Thế bây giờ bố Phận đang ở đâu, có khỏe không? Và chuyện của cháu nữa. Ông Tân thăm dò..
Một phút yên lặng, rồi người phụ nữ nói:
– Bố cháu mất đã mấy năm nay rồi chú ạ… Chuyện dài lắm…
– Cháu kể cho chú nghe được không?
Một thoáng lưỡng lự, ngập ngừng…:
– Cũng đã muộn rồi, hẹn chú một dịp khác. Nói rồi cô dứt khoát đứng dậy…
Bước xuống sân, cô vội vàng dắt xe trở về nhà. Đường phố giờ này đã thưa xe cộ. Qua một đoạn phố tối bóng cây, cô rẽ vào khu tập thể có căn phòng của hai mẹ con cô. Cô vừa trải qua một buổi tối đầy xúc động. Những người lính già đã làm cô nhớ tới người bố nuôi biết bao, làm cô nhớ tới nước Lào quê hương biết bao.
Đèn trong phòng vẫn sáng. Chắc con bé chưa ngủ. Thật tội nghiệp. Từ ngày vợ chồng cô chia tay, con bé trở nên già dặn và trầm lắng đến dễ sợ. Nghe tin bố có vợ mới, nó càng tỏ ra quan tâm đến mẹ hơn. Hẳn giờ này nó đang chờ cô về. Vừa lập cập xuống xe cô đã nghe tiếng nó vọng ra:
– Sao về muộn thế hả mẹ?
– Mẹ xin lỗi, tối nay có việc đặc biệt.
– Việc gì ạ?
– Mẹ được gặp các bác lính tình nguyện. Các bác là bạn của ông ngoại. Họ làm mẹ nhớ quê ngoại của con quá chừng…
Cô nhìn con gái. Nó đã thành thiếu nữ, cao dong dỏng, da trắng ngần, đường nét vưa độ mềm mại và cặp mắt dống bố như tạc. Mở tủ lấy quần áo rồi vào phòng tắm,vừa  vặn vòi sen cô vừa nghĩ. Càng nghĩ lòng cô càng nhói đau, sao bổng dưng cô lại nhớ tới chồng ? Đáng ra, tối nay phải là một tối vui vẻ ấm cúng nếu như anh ấy không rời xa mẹ con cô. Đàn ông Việt Nam sao quá phức tạp. Có vợ có con rồi mà chồng cô vẫn cứ lòng thòng  em nọ em kia, lại còn nói dối, lại còn hắt hủi vợ. Người Lào không bao giờ nói dối, không biết nói dối. Không « nói bụi tre nhè bụi hóp»… Anh ấy khác hẳn anh Đoong Chăn của cô hồi nào…
Ngày ấy, khi bố nuôi bế cô lên xe về Việt Nam. Cô chỉ loáng thoáng nhớ hình như chỉ ba ngày sau thì bố con cô về đến Hà Nội. Dọc đường cô được các chú các bác chiều chuộng, chăm sóc. Những đoạn phải đi bộ, hết trên lưng chú này cô lại trên lưng chú khác…Rồi bố Phận đưa cô về quê.
– Tắm nhanh còn ngủ mẹ ơi…Tiếng con gái cô vọng vào nhà tắm.
– Con ngủ trước đi, mẹ xong ngay đây.
– Tắm nhanh kẻo cảm đấy mẹ ạ…
– Ừ, mẹ sẽ ra ngay…
Lúc cô ra thì con gái đã vào phòng của nó, trả lại sự trống vắng cho phòng ngoài. Cô vẫn chưa quen sự trống vắng này, đâu đây như còn bóng dáng của chồng. Người đàn ông cao to đầy vẻ phong trần, cho dù không yêu nhưng cô vẫn đồng ý lấy làm chồng theo ý bố nuôi. Ừ, anh đã đem lại cho cô chút tự hào. Anh là con của một vị tướng, lại là phi công lái máy bay dân dụng… Trong căn hộ này đã từng có những tháng ngày hạnh phúc. Hạnh phúc đã có lúc làm cô nguôi ngoai nỗi nhớ Đoong Chăn, người con trai Lào mộc mạc chân chất, người cùng dòng máu Lào mà suốt bốn năm chung học cho cô cảm giác như được sống giữa quê hương.
Bua Khăm lặng lẽ định vào phòng mình rồi không hiểu sao lại rẽ vào phòng con gái. Thấy mẹ vào, con gái cô rời bàn làm việc quay lại ôm ngang lưng mẹ, miệng líu ríu tối nay mẹ ngủ với con nha. Hai mẹ con vén chăn chui vào. Thân thể con gái ấm sực, vòng tay ôm ngang người con, bất giác bàn tay cô chạm phải bầu vú căng nhọn của con gái tuổi mười tám. Bằng tuổi nó bây giờ cô đã gặp Đoong Chăn. Lòng cô bổng nhói lên. Hẳn nó đã có bạn trai. Nếu thế thì chẳng biết bạn trai là người thế nào. Bua Khăm nhớ hôm đầu nhập trường đại học, trở về nhà cô đã hét toáng lên bố ơi, trường con có các bạn người Lào đấy, vui lắm…Bố Phận cũng rất vui. Ông nói, có bạn, con nhớ học tiếng mẹ đẻ kẻo quên mất đấy. Nói cho giỏi để lúc nào đó bố con mình về thăm Lào…
Cô thực sự có những tháng ngày vui vẻ, hạnh phúc dưới mái trường đại học tại Hà Nội. Bố Phận là sĩ quan cấp tướng nên cuộc sống của Bua Khăm khá sung túc giữa phố phường thủ đô. Tuổi trẻ hồn nhiên đầy mộng ước bên cạnh bạn bè đồng trang lứa, Bua Khăm thấy đời mình như cánh chim bay bổng. Những tháng ngày ấu thơ đói rét ở quê hương đạn bom nghèo khổ đã lùi rất xa.  Bua Khăm như con cá gặp dòng sông lớn tha hồ vẫy vùng bơi lội. Thế rồi sang đầu năm học cuối cùng, Đoong Chăn tỏ tình, và tất nhiên Bua Khăm hồ hởi đón nhận. Niềm vui lớn đến nỗi trái tim bé nhỏ của cô như không chứa nổi, Bua Khăm về khoe với bố. Bố nuôi lạnh lùng:
– Không được đâu con. Con phải dừng lại ngay.
– Tại sao vậy ạ? Cô ngạc nhiên đến rụng rời như không còn tin ở tai mình. Được làm con của ông, hầu như cô được bố nuôi đáp ứng hết mọi nhu cầu. Vậy mà hôm nay ông như đã trở thành người khác.
– Bố có thể đáp ứng mọi yêu cầu của con nhưng bảo rằng con lấy người Lào thì không được. Con không hiểu được sự phức tạp khi lấy chồng khác quốc tịch đâu. Tuy là người Lào nhưng nay con đã mang quốc tịch Việt Nam.
– Dạ, có sao đâu. Con có thể xin về Lào hoặc anh Đoong Chăn xin cư trú Việt Nam?
– Không đơn giản vậy đâu con, hơn nữa…Con đành lòng bỏ bố lại đây một mình hay sao?
Bố mẹ nuôi đã li thân. Ông nói điều này Bua Khăm mới nhớ. Bà ở dưới quê có xóm có làng, có cậu có dì. Ông ở trên này chỉ có mỗi Bua Khăm. Mình đi rồi bố ở với ai?
– Hơn nữa…Bố nuôi nói tiếp. Bố đã nhắm sẵn chồng cho con rồi. Bố và bác ấy đã hẹn với nhau. Bác ấy cũng là quân tình nguyện…Con trai bác ấy đang học lái máy bay ở nước ngoài, nay mai sẽ về nước….Con phải có người chồng xứng đáng…
Nghĩ đến đây, cô lặng lẽ trở mình. Ngày đó, cho dù yêu thương Đoong Chăn lắm lắm song cô không thể trái lời bố nuôi. Ôi, người chồng Việt Nam của mình, cô mê man chìm vào giấc ngủ và mơ thấy cái hôm lần đầu tiên được bố nuôi đưa về thăm quê.
Quê bố Phận không xa Hà Nội là mấy. Bé Bua Khăm ngồi cạnh bố nuôi trên chiếc xe con che bạt màu cỏ. Dọc đường Bua Khăm thấy những hố bom vẫn còn rải rác trên những cánh đồng dống những hố bom ở gần bản mình. Bua Khăm nhìn làng xóm bằng ánh mắt lạ lẫm. Những mái nhà thấp bé ẩn hiện dưới những lũy tre, rặng cau có những làn khói lờn vờn lan tỏa. Quê bố Phận cũng có những tiếng gà gáy dống như ở Lào. Nơi đây cũng có những bạn nhỏ chơi đùa, có người dắt trâu bò, có người hái rau cắt cỏ…
– Bua Khăm ơi, sắp về nhà mình rồi…
Bua Khăm ngơ ngác, nhà mình đâu ạ?
Bua Khăm nói tiếng Việt rất tiến bộ. Đã mấy tháng, vừa được bố nuôi dạy, vừa được các chú dạy nên vốn tiếng Việt của Bua Khăm nhiều lên rất nhanh. Đặc biệt Bua Khăm phát âm tiếng Việt rất chuẩn và diễn đạt khá. Bua Khăm cứ nhấp nhổm, vẻ nóng ruột
– Chưa tới đâu con…
– Bé Hiền ơi…
Chú bộ đội trẻ lái xe gọi Bua Khăm bằng cái tên Việt Nam do bố Phận đặt. Bé ơi, có đàn cò kìa. Chú lái xe chỉ cho BuaKhăm mấy cánh cò đang hạ dần độ cao đáp xuống một chân ruộng…Kìa nữa, chim én nhiều chưa kìa…
Bua Khăm nói theo: Cò, chim én….
Mới chỉ vài ngày, Bua Khăm đã quen chú lái xe. Chú lái xe rất hiền, thỉnh thoảng lại quay sang cười với Bua Khăm.
Ừ, những con to và trắng kialà con cò. Những con nhỏ kia là én đấy con… Bố nuôi đưa tay chỉ rồi nói với Bua Khăm. Bua Khăm hướng về phía những con vật lạ lẫm bằng vẻ mặt háo hức…
Xe đã ngoặt xuống đường làng. Đường đất nhỏ hẹp được rải sỏi bằng phẳng nên xe không xóc. Xe dừng lại dưới gốc đa đầu làng. Chú lái đi vòng trước đầu xe mở cửa. Bố Phận giữ tay để Bua Khăm tự bước xuống và nói với người lái, cháu mang hộ các thứ nhé. Xuống xe, bố nuôi dắt Bua Khăm thong thả từng bước trên đoạn ngõ lát gạch nghiêng giữa hai bờ cây có những bông hoa đỏ thắm. Bên kia bờ cây xanh là những cây na cây bưởi có nhiều quả đung đưa. Tiếng chim líu lo. Tiếng gàu đổ nước oàm oạp… Rồi có mấy người trong nhà nói vọng ra. Ô kìa, ai dống bác Phận. Bác Phận đã về…Vâng, bà khỏe chứ…Vâng, chú thím khỏe không? Bố Phận trả lời họ…Tối nay mời các ông các bà sang nhà uống nước…Có tiếng nói với theo, bác Phận dẫn theo một đứa bé. Bé nào thế nhỉ??
Ngôi nhà ngói ba gian giữa vườn cam chanh với bờ dậu xanh um kia rồi. Bố Phận cúi xuống nói với Bua Khăm nhà mình đây rồi. Chẳng hiểu sao, lúc này bước chân Bua Khăm như chậm lại. Bua Khăm níu chặt tay bố nuôi, vẻ mặt thảng thốt..
Người đàn bà luống tuổi từ trong nhà bước ra đứng sững giữa sân:
– Anh đã về…
Bố nuôi cười cười, tôi đã về đây…Mình xem, ai đây nữa này…Bố nuôi lùi lại rồi hai tay níu vai Bua Khăm đẩy ra phía trước.
Mắt người đàn bà dừng lại ở chỗ Bua Khăm. Bố nuôi nói con mình đây. Con chào mẹ đi…
Nói xong bố nuôi như sững lại. Ánh mắt người đàn bà chợt tối sầm, một giây thôi.
Bua Khăm nhìn người đàn bà bằng ánh mắt lạ lẫm, rụt rè, miệng lắp bắp không thốt nên lời…Bố nuôi bảo nó còn lạ, bà bế con đi…
Một phút ngập ngừng rồi người đàn bà đi lại bên bé Hiền:
– Cháu, à con.. bao nhiêu tuổi rồi? Bua Khăm lại ngơ ngác rụt tay rồi quay sang bố nuôi.
Bố nuôi nói:
– Nó là người Lào, tôi đặt tên là Hiền…
Cái trở mình của con gái đã làm dở giấc mơ, tỉnh lại cô mở mắt chong chong. …Hôm đó, khi chú lái xe chào rồi đi, bố dắt mình vào nhà, miệng nói nhà mình đây, nhà mình đây rồi. Mẹ nuôi nhìn mình….Trời ơi… Mắt mẹ nuôi….
Cô nhớ như in ánh mắt mẹ nuôi lúc đó. Một ánh mắt lạnh lẽo, vô cảm… Cái ánh mắt ấy cho dù giờ đây cô đã hiểu, đã thông cảm nhưng sao nó khắc nghiệt, vô cảm đến lạnh lùng mà sau đó mỗi lần nhớ lại cô vẫn rùng mình. Mẹ đã không tin bố. Điều đó có dống như cô đã không tin chồng? Không! Khác chứ! Bố có làm điều gì sai trái đâu. Còn chồng mình….Rõ ràng lúc đó mẹ nghi ngờ bố nên ghét mình. Tối đó ăn cơm. Bố gắp vào bát cho mình chiếc đùi gà, đùi kia bố gắp cho mẹ. Phần bố cái đầu. Bố bảo mình, con mời mẹ đi. Mình lí nhí, mời mẹ, mời mẹ… Mẹ nuôi không nói gì, mặt lành lạnh..
Ăn xong, bố đưa mình đi chơi, mình mừng. Ra ngõ, mình chỉ cây bưởi, hỏi “tiếng Việt”? Bố trả lời nó: “cây bưởi”. Mình nói theo “cây bưởi”. Mình chỉ tiếp cây na, rồi cây tre…Ra đến cánh đồng, bố chỉ tay bảo “cánh đồng”. Mình nói theo: “cánh đồng”…… Bố dẫn mình đi tiếp trên những ngõ xóm. Dân làng lục tục từ ngoài đồng trở về, bố chào khắp lượt. Mọi người lao xao, sắp sửa hòa bình rồi ông nhỉ. Ông cũng có con rồi đấy…Bố vâng vâng, tối mời các ông các ba sang chơi..
Mới đầu hôm, ngõ xóm rậm rịch những bước chân. Trong sân nhà, mẹ kê bàn, soạn sửa ấm chén đón khách. Mình nghe giọng đàn ông đàn bà vọng vào “con bé dống ông ấy đáo để”. “Cuối cùng thì ông ấy cũng kiếm được đứa con…”.
Dăm bảy người bước vào sân. Mẹ rót nước, bóc kẹo, bố bế mình ngồi đầu bàn. Khách vuốt má mình khen cháu xinh, cháu ngoan rồi quay sang mẹ, nói từ nay bà có đứa mà chăm bẵm rồi nhé. Mừng thật đấy. Mẹ nuôi vâng vâng, cảm ơn ông, cảm ơn bà….
Khách về hết. Đã hơn mười giờ, đài đưa tin giải phóng Buôn Mê Thuột. Bố nói tốt quá, cứ đà này Sài Gòn sẽ được giải phóng nay mai…Rồi bố bảo mình vào giường ngủ. Lúc đó mình chẳng thấy mẹ nuôi đâu. Mình lên giường nằm im, tự nhủ không được khóc, không được khóc. Khi dã thiu thiu thì mình nghe tiếng mẹ nuôi nói: “ông ngủ ngoài ấy với nó”.  Lặng một lúc nữa thì có tiếng bố khe khẽ, có lẽ bà nghĩ sai cho tôi rồi. Tôi chưa kịp nói rõ ràng cho bà nghe. Nó là người Lào, nhà nó đông quá, khổ cực lắm, tôi thương nên nhận làm con nuôi… Tiếng mẹ nuôi, thì tôi có nói gì đâu. Ông nhận nó là con thì nó là con ông… Mình… tôi xin mình nghĩ lại…Nếu không thương được nó thì cũng vì tôi…
Bố đã thương mình biết bao, các chú bạn của bố ai cũng tốt. “Mẹ ơi..”, con gái đang mơ gì mà cất tiếng gọi mẹ thế không biết. Cô xoay người ôm đôi bờ vai con mà cảm thấy một chút ân hận khi chối từ trả lời những câu hỏi của chú bộ đội già hồi chiều. Sao mình lại thế được nhỉ. Chú ấy cũng vì thương mình mà. Thế rồi cô rùng mình nhớ tới người bạn gái cũng có chồng lái máy bay. Chồng bạn cô đã bị tai nạn khi bay. Mãi mấy ngày sau cô mới được bạn cho biết, trước khi anh ta bay vợ chồng đã cãi nhau một trận…Cô hú hồn, may mà vợ chồng mình chia tay êm thấm. Cô không biết cãi nhau, không quen cãi nhau. Bỏ nhau mấy năm rồi anh ấy vẫn bình an. Chỉ có điều này mới an ủi cô được phần nào.
Không ngủ được, ông Tân lặng lẽ dậy vén màn gió phòng nghỉ nhìn ra ngoài trời. Mặt hồ mờ mờ sau màn sương dày, mấy bóng đèn đường cũng như run rẩy trong sương lạnh. Thành phố đã chìm vào giấc ngủ từ rất lâu. Không hiểu sao, vẻ mặt cô ta cứ ám ảnh ông. Chắc chắn cô ta có chuyện gì đó, về đường chồng con, về công việc…
Không ngủ được, sáng nay ông Tân dậy thật sớm. Tối qua lúc chia tay Bua Khăm ông quên hẹn gặp lại. Không theo cầu thang máy, ông thận trọng từng bước từ tầng bốn theo cầu thang bộ đi xuống. Bếp ăn, phòng lễ tân ở tầng một. Hôm qua, Bua Khăm trực, chẳng biết hôm nay thì sao…Vừa đi ông Tân chợt nghĩ ra. Đúng như điều ông lo lắng. Trong nhà bếp, và cả phòng lễ tân đều không thấy có mặt Bua Khăm. Ông hỏi một chị đang ngồi rửa một đống bát đũa bên vòi nước:
– Cô cho tôi hỏi. Cái cô tối qua cùng múa với chúng tôi hôm nay có…
– À, bác hỏi cô Hiền người Lào…Hôm nay là ngày nghỉ của chị ấy. Có việc gì vậy ạ?
– Chẳng có gì. Tôi chỉ muốn gặp để hỏi tin bạn bè thôi…
–  Chị  ấy ở khu tập thể cơ quan…Bác cứ ra cổng rẽ phải, tới số 44 là tới. Chỉ độ mấy trăm mét thôi…
Ông Tân thong thả ra ngõ. Mới hơn bảy giờ mà đường phố đã đông nườm nượp.
Bua Khăm ngạc nhiên khi thấy ông Tân xăm xăm bước lên thềm:
– Sao chú biết nhà cháu mà tới đây?
– Cô không biết câu “đường ở chỗ miệng” ấy à…Rồi ông cười.
– Mời chú ngồi. Đáng ra cháu phải mời chú…
– Không sao. Chú cũng muốn đến thăm nhà cháu.
Cô  đặt trước mặt khách cốc nước lọc rồi ngồi xuống phía đối diện. Con gái chị từ buồng trong bước ra, bất ngờ gặp người lạ liền cúi đầu.
– Khách của mẹ. Bạn của ông ngoại đó con.
– Dạ, con chào ông.
– Ừ, chào con…Ông Tân trả lời.
– Thôi, con đi học đi…Để mẹ và ông nói chuyện.
Chờ cho con dắt xe ra khỏi cổng, cô đứng lên mở cánh cửa tủ rồi trao cho ông cuốn sổ tay, “chú xem rồi sẽ hiểu…”
Lật nhanh mấy trang đầu, ông Tân bị cuốn ngay vào những trang nhật ký.
Ngày….tháng……năm 1973: Đúng như linh cảm của mình. Cô ấy nghi Bua Khăm là con riêng của mình. Khổ quá, không làm sao để cô ấy hiểu được. Sự ghẻ lạnh riêng mình có thể chịu được. Nhưng với con bé, nó có tội gì? Bua Khăm ơi, bố thương con. Bố có tội với con rồi….
Ngày…. tháng…… năm 1973: Hết phép, trở lên đơn vị. Để Bua Khăm ở lại mà lòng mình như lửa đốt. Con bé thật gan lì. Mình ra đi mà nó vẫn không khóc.  Nhưng nhìn ánh mắt đầy tuyệt vọng của nó khiến lòng mình nhói đau. Ôi…
Ngày…tháng…năm 1973: Hai ngày bồn chồn, lúc nào cũng hình dung ra con bé. Hôm nay có quyết định thăng quân hàm và mình được gọi lên nhận nhiệm vụ mới. Thủ trưởng cấp trên nhìn mình cười: Anh có duyên với nước bạn thật đấy. Bên ấy nhờ đích danh anh đấy….
“Ngày….tháng…năm 1973: Niềm vui được thăng cấp không át được sự lo lắng trước nhiệm vụ nặng nề. Còn với Bua Khăm. Mình ra đi biết lúc nào về. Ôi, ánh mắt con nhìn mình trước lúc ra đi…
“Ngày….tháng….năm 1973: Tối qua nhận được thư vợ. Vậy là linh cảm mình đã đúng. Thư viết “…Ông về đưa con bé đi theo. Nó không chịu ở với tôi…”. Mình choáng người, không ổn rồi! Lòng mình bối rối. Làm sao đây, mình sắp ra đi rồi.
Ôi, thế là anh Phận quay lại Lào ử? Ông Tân bật thốt lên. Dạo đó trở về, vì sức khỏe yếu nên ông được cấp trên giải quyết chính sách. Về sống với vợ con ở nông thôn hẻo lánh, ít được gặp gỡ bạn bè, lòng ông không nguôi nhớ về những tháng ngày gian  khổ. Thê rồi được sống trong không khí rạo rực niềm vui chiến thắng, ông lại nhớ tới những người bạn là lính tình nguyện giúp bạn Lào. Đất nước giành thống nhất độc lập vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 nhưng mãi tới tháng 12 năm 1975 nước bạn Lào mới giành độc lập. Như vậy anh Phận đã có mặt trong những ngày vinh quang nhất của nước Lào.
– Thế lúc đó bố đi, cháu ở với ai?
– Dạ…Cháu được ở với cô Hạnh. Cơ quan cử cô Hạnh, chiến sĩ thông tin nuôi nấng, chăm sóc cháu.
– Thế mẹ nuôi ở quê có lên với cháu không?
– Dạ, có…Bố cháu đi được hơn tháng thì mẹ cháu lên. Bà muốn đón cháu về quê nhưng cháu không chịu. Hơn nữa lúc đó cháu đã đi học, đã quen bạn quen thầy. Không đón được cháu, mẹ nuôi cháu khóc. Bà có vẻ ân hận vì đã không thương cháu…
`- Thế là cháu cũng chỉ xa bố có ba năm, đúng không? Lào giành độc lập rồi bố cháu về chứ?
– Không! Đúng là năm 1976 ông có về nhưng rồi lại sang. Mãi tới năm cháu lên cấp hai bố cháu mời về hẳn. Lúc này tình cảm bố mẹ cháu tuy không lạnh nhạt xa cách nữa nhưng ông bà vẫn sống hai nơi. Mấy lần bố muốn về đón mẹ lên trên này nhưng bà vẫn không chịu, nói rằng còn nhà cửa, ruộng vườn… Uống xong cốc nước mát, bảo cháu có việc gì cứ làm, mặc chú, rồi ông Tân cầm cuốn sổ lên đọc tiếp.
Ngày…: Chẳng biết ai nói mà anh Trung biết hoàn cảnh của mình. Anh gọi mình lên bảo cứ yên tâm mà ra đi. Chuyện con bé ở nhà đã có bọn tôi lo. Nghe anh Trung nói mình đã tạm yên lòng nhưng không hiểu các anh ấy lo như thế nào. Con bé còn nhỏ quá. Liệu nó có chịu được sự xa cách của mình không. Nhưng rồi mình cũng phải ra đi, không thể trì hoãn.
Đọc vậy nhưng ông Tân không thể biết, ngay sau khi nói chuyện với người có tên là Trung, chiều đó ông Phận về quê. Xe về tới nhà lúc đó đã bảy giờ tối. Bà Phận đang rửa ráy ngoài giếng. Bé Hiền đang ngồi một mình với bát cơm ăn dở ngoài sân. Thấy ông vào, nó òa khóc nhào đến. Cố nén xúc động,  ông gọi bà vào, cố lấy giọng bình thường:
– Thôi thì tôi đành phải mang nó theo, mình chịu khó ở một mình vậy. Tôi phải đi.
– Ông đừng trách tôi…Tôi đã cố gắn hết mức, nhưng…Bà Phận nói trong sự ngượng ngùng rồi quay vào soạn sửa quần áo cho bé Hiền. Vừa làm bà vừa nói nó lên đó, ông đi rồi nó sẽ ở với ai? Ông bảo với vợ, bà yên tâm. Nói thì nói vậy, mà không nói vậy thì ông biết nói sao.
Túi quần áo con bé đã ôm khư khư trong lòng, ông bảo nó chào mẹ rồi dắt tay nó ra xe. Dọc đường ông ôm riết con bé vào lòng.Về tới Hà Nội thì đã quá nửa đêm. Ông pha cho nó một cốc sữa rồi cho nó ngủ. Sáng hôm sau, mới bảy giờ, một nữ chiến sĩ trẻ măng như vừa qua tuổi học trò xuất hiện trước phòng ông Phận:
– Báo cáo chú, cháu là chiến sĩ thông tin, được giao thêm nhiệm “giữ trẻ”. Thưa chú, em Hiền đâu ạ…
Ông Phận ngỡ ngàng nhìn nữ chiến sĩ. Cố gái khá xinh, dáng vẻ hiền dịu… Ông quay vào:
– Con ơi, ra đây với chị… À, mà cháu tên gì nhỉ?
– Cháu tên Hạnh.
– Hạnh này, trước hết chú cảm ơn cháu. Trăm sự chú nhờ cháu. Chú giao em cho cháu. Nó là người Lào, cháu sẽ có khó khăn đấy. Nhưng chú tin cháu. Và chú sẽ cố gắng liên lạc với cháu..
Đón bé Hiền từ tay ông Phận, Hạnh vừa tươi cười vừa nói:
– Cháu biết rồi ạ. Nào, Hiền đi theo chị nào. Từ nay chị em mình ở với nhau nhỉ. Rồi chị sẽ đưa em đi học, đưa em đi chơi…
Ông Phận đi theo thăm nơi ở của chị em bé Hiền. Căn phòng cuối dãy nhà tập thể của cơ quan Bộ tổng tham mưu rộng vừa đủ kê cái giường đôi, có bàn nước, có tủ áo quần và một bộ bàn ghế xinh xinh. Trên giường có thêm một cái gối nhỏ…
-Thế ra cháu đã chuẩn bị cho em rồi đấy…
– Vâng ạ. Thủ trưởng cứ an tâm. Cháu sẽ chăm sóc em chu đáo, sẽ đưa em đến trường. Năm tới cho em vào lớp một được rồi. Thủ trưởng giao giấy tờ của em cho cháu..
– Cảm ơn cháu nhiều lắm. Bác có thể yên tâm được rồi. Bác đã dặn bộ phận tài vụ hàng tháng sẽ trích một phần lương để cháu lo cho em. Bác đã viết giấy ủy quyền rồi. Hàng tháng cháu có thể nhận tiền.
Khuôn mặt nữ quân nhân ửng đỏ. Cô lí nhí “vâng ạ”.
Ông Tân buông cuốn sổ xuống bàn, nói:
– Bác Trung và cô Hạnh đó thật tốt cháu nhỉ.
– Dạ,cháu thật may mắn được gặp họ. Bác Trung đó mất rồi chú ạ. Còn chị Hạnh thì ra quân rồi về quê từ lâu.
– Thế bố mẹ bên Lào của cháu thế nào, còn không?
– Dạ, bố mẹ đẻ cháu mất lâu lắm rồi. Năm kia cháu có về thăm quê, quê cháu vẫn đang nghèo lắm. Bác uống nước nữa đi ạ.
Nhắc đến bố mẹ, nhắc đến quê, sự xúc động bổng dâng trào, rồi người đàn bà nhìn khách ngập ngừng.
– Chết, sao cháu lại khóc thế? Chú làm cháu buồn phải không? Ông Tân hỏi đầy lo  lắng. Hẳn người đàn bà mang dòng máu Lào này đang có nhiều tâm sự, nhiều dồn nén và nhiều bí ẩn lắm đây. Mình không nên khơi nỗi đau của cô  làm chi. Nghĩ thế rồi ông đứng dậy. Cảm ơn cháu nhiều. Trong câu chuyện nếu có điều chi làm cháu buồn thì cho chú xin lỗi.
– Dạ, dạ, không đâu ạ. Cháu chỉ… Chú có viết báo, phải không ạ?
– Sao cháu nghĩ thế? Lúc này thi ông Tân láng máng hiểu ra. Chao ôi là người Lào. Tưởng đâu mình hiểu hết, hóa ra về người Lào còn nhiều điều mình vẫn chưa hiểu hết.
20/11/2020
Nguyễn Ngọc Lợi
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...