Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Không bán tóc dài đâu

Không bán tóc dài đâu

Trên sườn đồi chênh vênh khô cằn, những nhát cuốc của những người đàn ông còn mang hơi thở của rượu dội vào đất. Tiếng của kim loại chạm đất cằn, chạm đá vang lên những  âm thanh của nỗi nhọc nhằn. Mùi của đất quyện với mùi rượu, mùi mồ hôi lan trong nắng chiều oi ả. Người đàn bà chân đi cà nhắc bê thúng hom sắn rõ to, mặt cúi gằm lầm lũi bỏ từng hom xuống từng hố. Thi thoảng lại như co rúm người lại trước những cái liếc xéo của ông chồng đang cuốc hố phía trước mặt.
Chồng người đàn bà dừng cuốc, thở, càu nhàu: “Đấy, các ông các bà thấy không, vợ người ta thì đẹp, thì tươi như hoa, vợ mình nhìn thấy là muốn cho một nhát cuốc. Mặt lúc nào cũng như cái mâm. Vừa xấu lại vừa què!”. Câu nói của hắn dội vào đất như để hút lấy thêm sự khô cằn, tiếp tục ủ trong cái nóng của nắng chiều hè oi ả, rồi lướt qua cái nhìn ái ngại của hai người đàn bà và ba người đàn ông cùng làm trên mảnh đất đó. Sau hành trình ấy, câu nói của hắn biến thành một con dao vô hình to tướng sắc lẹm, cắm thẳng vào lồng ngực của người đàn bà là vợ hắn. Thời gian như ngừng lại trong giây lát, đủ để người đàn bà ngước lên nhìn hắn đang cười nham nhở rồi lại cúi gằm mặt xuống. Không phải người đàn bà đang khóc, chẳng có giọt nước mắt nào cả. Có điều gì đó tệ hại hơn là khóc. Những hom sắn vẫn được rơi đều xuống từng hố đất, chân người đàn bà vẫn khó nhọc, khập khễnh bước trên sườn đồi chênh vênh. Người đàn bà chỉ còn nhìn thấy những hom sắn và những hố đất vừa được đào phía trước mặt, bước theo từng hố đất và thả hom sắn xuống đó một cách vô thức. Trận đòn hôm qua với những cái phang cật lực của cây roi từ tay ông chồng được giáng xuống người cùng với tiếng rủa sả kinh tởm đã dập tắt hết mọi ý định phản kháng của cô. Đòn cuối cùng vào trúng mắt cá chân khiến cô đau điếng mà giờ đây nó sung vù lên, tím bầm nhức buốt khiến cô chẳng thể đi lại bình thường được.
Nhà văn trẻ Lý Thị Thủy
– Im đi, đồ vũ phu. Mày không đánh nó thì nó què à? Mày tên Nhân mà sao tao thấy mày bất nhân quá! – Người anh chồng lên tiếng.
– Anh bảo ai vũ phu, vợ tôi tôi dạy, liên quan gì đến các người. Tên chồng dừng cuốc, trợn mắt về phía anh trai của mình.
– Tao thấy nhục mặt đàn ông thay mày! Con Lam nó vô phước mới gặp phải mày.  – Người anh chồng vẫn vừa cuốc những nhát cuốc xuống đất vừa nói.
– Kệ tôi, chuyện nhà tôi không khiến ai chõ mũi vào – Hắn đứng đó chống nạnh, thách thức.-  thằng nào xỉa xói vào tao chém!
Rồi, xong, câu nói đầy thách thức của hắn là câu cuối cùng. Người đàn bà khốn khổ là vợ hắn ấy vẫn không nói gì. Anh trai hắn cũng lắc đầu im lặng và những người hàng xóm còn lại chỉ biết nhìn nhau ái ngại. Không còn tiếng nói chuyện  nữa, chỉ còn tiếng cuốc đều đều va vào đất, vào đá khô khốc. May, có nhiều người nên hắn cũng im luôn, lầm lũi tiếp tục cuốc. Bao giờ chả thế, câu của hắn phải là câu cuối cùng, với vợ, với anh em đều phải thế. Nếu lời hắn nói không phải là câu cuối cùng thì hắn sẽ động tay động chân ngay và luôn. Mà nhiều lúc dù để hắn chửi câu cuối cùng rồi cũng đã xong đâu. Nhất là với Lam, hắn chửi mà cô im lặng thì hắn lại gào lên rằng “Con kia, mày coi thường tao à, sao mày câm như hến thế?” Còn nếu nói lại thì hắn cũng gào lên mà rằng “Mày làm chồng hay tao làm chồng, sao tao nói câu nào mày nhem nhẻm cãi lại câu ấy thế? Mày là bà nội tao luôn à?”. Thế là một khi hắn đã muốn đánh thì kiểu gì hắn cũng có cái lý để đánh vợ cho bằng được.
Riêng cái kiểu đánh vợ của Nhân cũng chẳng giống ai. Thay vì tức quá cho vợ bạt tai, cho vợ cú đấm ngay trong cơn giận mất khôn, hay đụng gì vơ đấy đánh cho kịp cơn bốc hỏa đang dồn lên não thì hắn lại khác, có sự đầu tư hơn, bài bản, đúng quy trình hơn. Hắn ta hay ra phía sau nhà bẻ roi về đánh vợ, say đánh, tỉnh đánh, buồn buồn là kiếm cớ đánh. Dù say hay tỉnh, ông chồng ấy cũng không bao giờ quên đi bẻ roi. Trong một lần ngà ngà hơi men với những người bạn cùng xóm, hắn tự hào rằng: “Chúng mày cứ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ là sai. Muốn dạy vợ là phải đúng kiểu, đúng quy trình. Phải có roi mà đánh nó mới đúng bài dạy vợ. Vợ nó mới sợ, mới nể. Phải đánh đúng chỗ thì thiên hạ mới đỡ thấy, đỡ phải giải thích, phiền.” Cách đây chừng vài tháng, hắn đi nhậu, từ sáng đến chiều vẫn chưa thấy về. Lo lắng, Lam gọi điện hỏi, hắn cho rằng vợ dám làm mất mặt chồng, hắn sợ lũ bạn nhậu cho rằng hắn sợ vợ, sợ bạn nói rằng vợ gọi kìa về đi. Hắn về, lè nhè chửi trong hơi men. Lần này, thấy chồng lại chạy ra sau nhà, Lam ôm thằng con trai vừa hơn một tuổi chạy. Hành trang là trong túi có ba trăm hai mươi nghìn đồng và lời quát rõ to của người đàn ông đầu gối tay ấp với mình vọng theo phía sau: “Để tao xem thử mày đi được bao lâu. Nhà này nếu muốn quay về thì phải lê gối vào cửa, nghe chưa!!!”. Vật vạ được đúng bốn hôm ở nhà người em họ bên chồng. Anh chồng, chị dâu bên chồng, em họ bên chồng  rồi bên ngoại khuyên bảo. Rồi mọi người cũng sẽ khuyên bảo anh ta từ từ. Ừ, thì chín bỏ làm mười, trời không chịu đất, đất phải chịu trời vậy. Thôi thì vì con mà sống. Chứ bây giờ tay trắng biết về đâu. Nhà nông, của hai vợ chồng dành dụm qua những mùa sắn, mùa mía có được bao nhiêu thì chồng cô giữ cả. Đất đai nhà cửa đều của nhà chồng cho. Nghe mọi người khuyên người phụ nữ ấy lại ôm con, ngước mặt lên trời. Thôi, khóc mà làm gì nữa. Hôm sau người phụ nữ ấy dắt con về, qùy gối trước cửa xin được vào nhà thật. Trong khi người đàn bà quỳ ôm đứa con trước cửa, người chồng đi bẻ roi, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Tao phải dạy lại con này mới được, phải cho mày một trận cho chừa cái tội cứ bị đánh là dám bỏ nhà đi.”. Cái roi cứ vụt xuống người kèm theo những lời răn dạy và người chịu nó bỗng thấy mình không giống là vợ của người ta nữa, giống một kiểu gì đó được dạy như con nhưng lại phải làm nhiệm vụ của một người vợ. Sau những trận roi như này mà phải làm nhiệm vụ của một người vợ ở trên giường mới thực sự là điều kinh khủng với Lam.
Ngày xưa, Lam cũng là một cô gái xinh xắn của cái bản ở miền núi này, chỉ vì nhà quá nghèo, nên cô phải nghỉ học, giúp ba mẹ lên nương lên rẫy để kiếm tiền nuôi em. Trồng sắn hay trồng mía, bẻ bắp hay gặt lúa, nắng mưa cũng không làm cho vẻ đẹp của cô sơn nữ giảm đi tí nào. Nhất là mái tóc dài chấm hông, vẫn đen nhánh và mượt mà, thoảng hương bồ kết – mái tóc mà Hùng rất yêu. Hùng vẫn đùa với Lam rằng chỉ vì yêu mái tóc mà anh sẽ cưới luôn cả một cô gái. Lam yêu Hùng vì cái vẻ thật thà chất phác, yêu vì mỗi lần hết bồ kết để gội đầu thì Hùng lại xuống chợ huyện để mua về cho cô. Cô từng nghĩ ra viễn cảnh nếu được ở bên Hùng thì suốt đời mái tóc của cô sẽ mãi thoảng hương bồ kết. Thế nhưng, mọi điều không như cô gái nhiều mộng ước này mong muốn. Trên đường đi chợ huyện về, Lam bị Nhân và bạn bè hắn chặn đường bắt về nhà hắn theo tục cướp vợ của người Mông. Thế là hết. Nhân cũng bảo hắn yêu mái tóc dài của Lam vậy, yêu đến say mê, yêu đến mức chỉ còn cách phải bắt cô về làm vợ ngay cho bằng được. Người đàn ông si tình ấy đã tìm cách chiều cô mọi thứ, thế nhưng thi thoảng vẫn nghe tiếng thở dài của vợ trong đêm. Rồi Lam mang thai, mọi thứ như tốt đẹp hơn, cô bắt đầu bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Đứa con trong bụng cô là sợi dây liên kết hữu hiệu kết nối cô với chồng và cả gia đình nhà chồng. Phụ nữ dễ dàng an phận ngay từ khi biết mình sắp được làm mẹ. Mối tình với Hùng dần lùi vào quá khứ.
Lam trở dạ, được đưa lên trạm từ chiều, sáng hôm sau vẫn chưa sinh được. Nhân lại đưa vợ xuống bệnh viện huyện, một ngày nữa vẫn chưa có tiến triển gì. Những cơn đau liên tục hơn hai ngày khiếm Lam dần kiệt sức. Phải chuyển đến bệnh viện tỉnh gấp bằng xe cấp cứu của bệnh viện. Cái sự kiện Lam đau trở dạ mãi mà không sinh được, phải nằm xe cấp cứu chuyển xuống bệnh viện tỉnh được những người trong bản nhỏ chuyền tai nhau và đến tai Hùng khi anh đang làm cỏ sắn trên nương cùng mọi người. Chỉ cần nghe đến đấy, Hùng vứt cuốc, chạy ào xuống chân núi, lấy xe phóng về phía bệnh viện trước sự ngạc nhiên của mọi người. Đến bệnh viện nghe tin Lam đã mẹ tròn con vuông, anh lẳng lặng ra về. Thế nhưng câu chuyện anh người yêu cũ bỏ buổi cuốc cỏ sắn phóng xe thẳng xuống bệnh viện tỉnh vì Lam lại được chuyền tai nhau và lại đến tai Nhân với dị bản nhiều râu ria, li kỳ nhất. Nhân vẫn chăm vợ con tận tình nhưng câu chuyện ấy cứ ám ảnh hắn mãi. Sau khi sinh, người mẹ trẻ cứ như say mê con quá thể. Lam nhìn con mãi mà không biết chán, yêu làm sao con trai cưng của mẹ, đôi bàn tay bé xíu, đôi mắt sáng và cái miệng chúm chím hồng. Nhân thấy vợ dường như đang mượn cớ bên con để quên chồng. Hắn buồn và tìm đến rượu, men rượu vào rồi thì trong đầu cứ lởn vởn hình ảnh tên Hùng vứt cuốc, phóng xe chạy về phía bệnh viện. Hắn trở nên cộc tính, chửi bới và đánh vợ. Những câu chửi, những trận đòn khiến khoảng cách của hắn và vợ ngày càng xa. Đánh rồi khi tỉnh lại xin lỗi, rồi lại làm lành, rồi lại say, lại lên cơn ghen, lại đánh, rồi đến lúc không cần men rượu nữa cũng lên cơn chửi vợ, đánh vợ vô cớ. Nhân điên lên vì hình ảnh một thằng người yêu cũ của vợ quăng cuốc lao về phía bệnh viện khi nghe vợ mình ở trong đó. Người ta và vợ hắn không gặp nhau, hắn không trách vợ được, không có cớ trách vợ nhưng vẫn trách, vẫn ghen, mà vẫn trách vẫn ghen thì phải có cớ khác, cái cớ không mang tên cơn ghen.
Lam cam chịu tất cả. Lam đang cố gắng từ bỏ người mình yêu say đắm để tập yêu người mình không hề yêu. Thật chẳng dễ dàng gì. Đêm, lúc mới là vợ chồng mỗi lần Nhân choàng tay qua người cô, Lam rùng mình, cố nhắm mắt lại, rồi toàn thân như đông cứng. Mặc cho những vuốt ve, mơn trớn rồi cũng có lúc những ham muốn của cơ thể phản bội trái tim không yêu chồng của cô. Sau những giây phút ấy, ít nhiều cô nghĩ mình nên an phận. Và sáng hôm sau Nhân cũng vui vẻ, dịu dàng với cô hơn. Nhưng sau những câu chì chiết, những trận roi, nhất là từ lần ôm con trở về quỳ trước cửa xin vào nhà rồi được một trận roi dạy dỗ của chồng, Lam không mong đợi có thêm một cảm xúc gì từ chồng nữa, cô cứ trơ ra. Và Nhân, trong hơi men nồng nặc, lại xông vào cô làm nhiệm vụ giải quyết nhu cầu của một con đực một cách thô bạo nhất, nhanh nhất có thể, không cần bất kỳ hành động nào liên quan đến sự nhẹ nhàng âu yếm. Lúc ấy Lam thấy mình cũng không hề giống vợ, càng không giống người yêu hay người tình của chồng mà giống một thứ gì đó nó khiến người ta tê tái, đau buốt chẳng thể gọi tên. Lam đau như đang bị những ngọn roi quất vào mình. Lặng câm. Đau thốn.
Lam đang dọn dẹp trước sân thì “Ai tóc dài bán không?” ghé vào:
– Em ơi, bán tóc dài nhé!
– Không, em không bán đâu.
– Tóc bán xong lại dài ra ngay ấy mà. Tóc mới ra còn đẹp hơn đó em.
– Được bao nhiêu tiền mà bán hở chị?
– Nhiều, nếu tóc em cho chị cắt ngang vai chị trả em hai triệu. Tóc em chưa nhuộm gì nên chị trả em cao thế đấy, chứ nếu nhuộm, uốn rồi thì không được thế đâu.
Lam cười buồn, từ bé đến giờ cô chưa bao giờ cắt tóc nhắn đến ngang vai. Cô thích tóc dài như này. Lam chưa kịp nói gì thì chị mua tóc lại vừa nhìn bộ quần áo của Lam rồi nhìn cậu con trai của cô đang chơi bên hiên nhà kiểu ái ngại cho cái hoàn cảnh của cô:
– Bán cho chị đi, lấy tiền mua đồ đẹp, son phấn, thay đổi tóc ngắn cho trẻ đẹp ra. Hay lấy tiền mua sữa cho con cũng được nè. Cho con tăng trưởng chiều cao. Như con bé làng bên kia kìa – người đàn bà mua tóc vừa nói vừa đưa ra một bó tóc dài đen nhánh – mới bán cho chị nè, một triệu rưỡi đấy. Nó lấy tiền mua sữa cho con nó uống mệt nghỉ.
Chị mua tóc vừa nói đến đấy thì Nhân từ trong nhà bước ra, hắn khó chịu:
– Thiếu ăn, túng quẫn lắm hay sao mà phải bán cả tóc? Chị đi đi, vợ tôi không có bán đâu, tóc tai thế, cắt ngắn cũn đi còn ra gì!
Sau một hồi dụ dỗ không được, chị ta nhìn Lam vẻ tiếc nuối rồi như cố vớt vát, chị ta đưa số điện thoại cho Lam, dặn: “Em cứ suy nghĩ, khi nào muốn bán thì gọi cho chị nhé! Chị là chị mua đắt nhất rồi đấy, không ai trả cho em giá đó đâu.”. Lam cười, đừng nói là chồng cản, chồng không cản thì cô cũng không bán đâu, “mái tóc là góc con người”, cô bán nó sao đành. Nhân thấy chị mua tóc vẫn nấn ná bên vợ thì hầm hầm: “Chị đi đi, sao cứ lằng nhằng mãi thế, vợ tôi không bán tóc dài đâu!.”
Đêm, cái chân càng sưng lên, cứ nhức buốt. Chờ cho con ngủ xong, Lam lụi cụi xuống bếp lấy ít lá thuốc vừa hái ở rừng từ chiều về đem giã nhỏ, bọc trong lá chuối rồi vùi đem vùi trong tro than hồng. Lớp lá chuối bên ngoài cháy xém, Lam lấy ra đổ vào bọc vải, xoa vào chỗ đau. Cô khẽ rên lên khi chạm nhẹ vết thương ấy. Nước mắt ứa ra, cô tự nhìn bóng mình đổ dài trên nên đất, thấy mình giống một con thú bị thương đang tự liếm vết thương của chính mình, vừa liếm vừa rên vì đau. Xoa xong thì đắp, Lam đắp thuốc lên chỗ đau, lấy vải quấn quanh, bọc lại. Thằng con trai trở mình khóc tìm mẹ, cô khập khiễng loạng choạng chạy về phía con. Lam ôm con vỗ về, tiếng ru vang lên trong đêm vắng, lúc như tha thiết ngọt ngào, lúc lại gợi nỗi buồn mênh mông xa vắng như ru con mà cũng như ru chính mình vậy. Lời ru bị đứt quãng khi tiếng lè nhè của một người chìm trong cơn say xuất hiện. Nhân lảo đảo bước vào nhà, rồi quăng mình xuống giường, người nồng nặc mùi rượu. Lam phát sợ cái xứ này. Cái xứ mà người ta uống rượu bằng bát, từng bát một, gặp nhau là rượu, bàn mọi chuyện đều phải có rượu. Dường như nếu không có rượu là cánh đàn ông ở xứ này không còn cớ gì để mở miệng nói với nhau bất kỳ câu gì nữa vậy. Thôi thì vui uống, buồn uống, không vui, không buồn cũng uống. Uống mọi nơi mọi lúc. Rượu theo người ta từ nhà này đến nhà khác. Rượu theo người ta đi chợ, theo người ta ra đồng và theo người ta lên nương. Đang nhậu trong cuộc này người ta đã kịp tính đến cuộc vui khác. Cũng từng ấy khuôn mặt quen thuộc, quanh đi quẩn lại, thêm vài bát rượu vào, họ cùng bàn chuyện từ ông tổng thống Mỹ điều hành đất nước ra sao cho đến việc dạy vợ như thế nào cho hiệu quả. Ở cái xứ này gần như mỗi nhà đều có một bộ đồ nghề nấu rượu và người ta nấu rượu chỉ để uống, không phải để bán. Để rồi thường xuyên có tiếng chồng chửi vợ, tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng. Thi thoảng lại nghe tiếng vặc lại của người phụ nữ nhưng rồi cũng nhanh chóng bị lấn át bởi tiếng quát tháo, tiếng đòn roi rồi chìm dần trong im lặng. Tiếng ngáy của chồng vang trong đêm, Lam nhìn con rồi lại nhìn chồng. Đã có lúc cô muốn quên mọi thứ, đã có lúc cô muốn yêu chồng. Cô cố gắng đỡ hai chân chồng lên giường, kê gối cho chồng nằm ngay ngắn. Tiếng Nhân lải nhải trong cơn say: “Nó bỏ cuốc chạy về phía cô, cô yêu nó, không yêu tôi. Cô đứng đấy, để tôi đi bẻ roi!”. Lam lấy khăn ướt, lau mặt cho chồng, buông màn cho anh ta ngủ.
Trưa, Nhân tỉnh dậy, không thấy vợ con đâu nữa, cửa nhà vắng tanh. Mở tủ ra, quần áo của hai mẹ con chỉ con vài cái không mặc đến. Nghĩ chắc Lam đưa con bỏ về bên mẹ hay bên họ hàng như lần trước. Hắn chạy sang nhà mẹ vợ, không ai biết gì cả, nhà em họ cũng không. Sang nhà anh trai, người anh trai chỉ lắc đầu:
– Tao nói mày rồi mà mày đâu có nghe. Bây giờ nó mới đi là muộn đó, gặp tao, tao đi từ tám kiếp trước rồi!
– Nhưng cô ấy làm gì có tiền mà đi đâu xa. Còn con nữa mà.
– Có đó chú.- đứa cháu gái nói xen vào – lúc sáng cháu thấy thím bán tóc cho bà kia rồi, được nhiều tiền lắm.
Nghe đến đấy mặt Nhân tái ngắt, toàn thân run rẩy tựa ngã khuỵu xuống. Hắn ôm đầu đau khổ rồi chạy khắp làng tìm Lam. Hắn tìm đến Hùng để hỏi nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Biết tìm vợ và con ở nơi đâu. Tìm làm sao được người đã cắt tóc để tìm đường thoát khỏi vòng tay của hắn. Nhân tìm vợ con trong hơi men. Thi thoảng dân trong làng lại bắt gặp Nhân cầm một chai rượu vừa bước đi lảo đảo vừa rao: “Ai tóc dài bán không? Vợ tôi không bán tóc dài đâu!”.
9/5/2021
Lý Thị Thủy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...