Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Đào Phạm Thùy Trang: Trong bếp

Truyện ngắn Đào Phạm
Thùy Trang: Trong bếp

Nhà hàng có hai bếp. Chay và mặn. Hiển được xếp vào đội bếp chay với nhóm ba người, trong đó anh Đức bếp trưởng.
Anh Đức gọi:
– Hiển, đem 2 bịch cơm này bỏ vô sọt rác đi!
– Trời ơi! Sao bỏ anh? Hồi sáng em nghe còn ăn được mà?
– Được thì mày ăn đi! Đổ lông đổ lá hết trơn rồi, chiên lên hột cơm nhão nhè đặng bếp bị đổ thừa yếu tay nghề hả mậy?
– Nhưng… nhưng… cơm trắng phau phau vầy đổ tội quá anh?
– Làm đi, đừng nói nhiều!
Hiển còn biết nói gì ngoài việc xách hai bịch cơm bỏ lẹ lẹ vào đáy sọt rác. Lòng thầm mong người lấy rác sẽ có ý một chút để thấy bịch cơm mà đem về phơi khô cho gà ăn để đỡ “tội”.
Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Nhà hàng Hiển làm thuộc mô tip “công ty gia đình” nên tất cả nhân viên đều phải chịu “một cổ hai tròng”. Anh em bếp là cực nhất nhưng vẫn luôn tặc lưỡi cho qua vì lương chỗ này cao hơn chỗ khác tới một phần ba.
Ủa sao nói “một cổ hai tròng”? Vì bà chủ già là mẹ chồng, có tiền mở nhà hàng nhưng không có năng lực lãnh đạo. Bà chủ trẻ là con dâu, tất nhiên không có bạc tỉ để mở nhà hàng nhưng lại có nhiều mối quan hệ qua công việc hướng dẫn viên du lịch của mình.
Mở nhà hàng, bà chủ già không chịu ngồi yên đó chờ chia lợi nhuận, mà ngày nào cũng lui tới dòm cái này ngó cái kia rồi hỏi sao không cái nọ theo tinh thần… cháu mười tám đời của Trùm Sò.
Mỗi khi bà chủ già tới là ào vô bếp đòi lặt rau, gọt, xắt. Mà trời ơi, bà bảy hai tuổi rồi, ngồi xuống phải có người kéo tay mới đứng lên. Vậy mà cũng ham làm. Chỉ có điều bà “trùm sò” quá, sau muống xào tỏi mà lặt để cả lá chứ không chịu bỏ. Kết quả dọn lên xong thì…dọn xuống. Khách còn gọi bà chủ trẻ tới nói mát mấy câu. Rằng thì là mà… họ có tiền đi ăn nhà hàng, sẽ không ngại mắc rẻ, đừng mang mấy thứ rau heo này dọn lên mất tiếng nhà hàng.
Bà chủ trẻ ức quá, đem bếp ra chửi te tua. Anh Đức để bà chủ trẻ nói cho hả dạ xong từ tốn “Dạ thưa chị, cái này chị phải hỏi lại bà chủ già giúp em, là bà lặt rau cho gia đình ăn hay bán cho khách. Đó chính là mớ rau bà lặt và nhất quyết bảo bếp phải xào dọn lên “cho đỡ phí” ạ”
Hai bà chủ già – trẻ nhìn nhau rồi… im lặng bỏ lên khu vực sảnh. Bếp một phen bị chửi oan ức.
Hôm sau chị Giàu (tên bà chủ trẻ) vô sớm hơn giờ làm, mời cả bếp mấy ly sinh tố rồi ngọt nhạt:
– Bếp à, chị nói nghe nè. Tay nghề các em thì chị không ý kiến, em cứ làm tất cả mọi việc hợp với quy chuẩn nhà hàng. Lỡ có mẹ chồng chị xuống “quậy” thì em gọi cho chị hoặc chồng chị xuống mời bà lên phòng cho em dễ xử lý trong bếp nhé!
– Chị nói vậy thì em cảm ơn nhưng thân làm mướn tụi em khổ lắm chị. Bà Tám (tên bà chủ già) xuống bếp cứ ca bài ca con cá rằng “Tụi bây biết nhà hàng này của ai không? Của tao đó. Con Giàu chỉ là quản lý ăn lương của tao thôi. Bây phải nghe lời bà chứ không được nghe lời con Giàu nghe chưa”. Em hỏi chị, tụi em phải nghe ai?
Anh Dương trưởng bếp mặn thẳng thắn cho biết như thế.
– Trời đất ơi! Mẹ chồng chị nói vậy thiệt hả? Để chị coi lại coi.
Bà chủ trẻ mặt hầm hầm bước ra khỏi khu vực bếp. Cái áo trễ cổ khá sâu mà sao thấy mặt chị nóng đỏ ran. Hai ông bếp chay- mặn nháy nhau cười ha hả.
Chuyện trái khoáy “một cổ hai tròng” của bếp chưa có dấu hiệu dừng lại mà ngày một tăng lên theo cấp số nhân.
Hôm đầu tuần hết đá để ướp nguyên liệu. Nhà hàng có tủ mát nhưng bà chủ già không cho xài, nói tủ to vậy, có phải ngày nào cũng đông khách đâu mà lên đơn hàng ắp lẳm về trữ đó. Thôi cứ ngày nào nhập hàng ngày đó, rồi mua thùng muts xốp về tấn đá mà ướp nguyên liệu.
Hai bà chủ cãi nhau một trận cuối cùng bà chủ trẻ phải… thiệp. Ba chiếc thùng must to nhất được mua về, mỗi thùng bỏ một cây đá mới gọi là “trám đít”. Nhưng hôm nay Hiển lên đơn nhập 3 cây đá thì bà chủ già giảy nãy “Hai cây đá thôi con, chia ra làm ba thùng cũng được. Mỗi cây ba chục ngàn chứ ít ỏi gì đâu”.
Hai bếp trưởng và bốn chị phụ bếp bụng miệng mà không kịp, tiếng cười cứ khầng khậc vang lên rất buồn cười. Rồi Đức nói với bà chủ già rằng “Một cây đá phải ướp cả thùng đồ trong 24 tiếng đó bà, nếu chỉ có hai phần ba cây thì sẽ không đủ lạnh để giữ mát cho nguyên liệu đâu bà ơi!”.
Bà chủ già vuốt lại mái tóc bạc rồi nói rõ to và bảo “Thằng Đức với thằng Dương, hai đứa bây cứ nết xài sang của tuổi trẻ. Người xưa vẫn không nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” sao? Bây cứ cho tụi nhỏ sắp xếp cho gọn gàng thì sao mà không ướp đủ”
Kết quả là sáng hôm sau, số rau cải, ớt chuông, thịt cá… còn lại trong thùng must vừa ún vừa hôi vì không còn tí đá nào giữ mát.
Bà chủ trẻ kiểm tra và la chói lói. Nói bếp “muốn chơi” cho chủ nhà hàng chết thì nói, chứ sao lại làm ăn kiểu kém chuyên nghiệp thế này?
Anh Dương không nhịn nữa, anh xẳng giọng “Ý chị nói bếp dở hả? Sao chị không hỏi coi ai đặt hai cây đá? Bà Tám đang đứng kìa”.
Bà chủ già đang đứng xớ rớ, nhìn mớ rau củ, cá thịt nhũn hôi thì… im lặng bỏ đi.
Lần ấy, bà chủ trẻ dặn bếp “Chiều nay nhà hàng mình có tiệc. Khách của chị 40 người. Bếp chuẩn bị nha”
Trong các món cần chuẩn bị đó có cơm chiên cá mặn, cơm chiên dương châu và sushi chiên. Tất nhiên cơm trắng là chính, còn lại các lại “nhân cơm” như cà rốt, bắp, đậu hà lan, chả lụa, hải sản…
Bốn kg gạo được nấu để làm các món mà bà chủ trẻ đã đặt cho đoàn khách này. Chỉ khổ là… khách tới xong thì đổi món tây nên cơm dư ra. Quy tắc của bà chủ già là “tận dụng hết mức có thể” nhưng cơm cũng không thể để quá 36 tiếng trong tủ đông. Mỗi lần có khách dùng món cơm chiên cũng chỉ lấy ra một phần rồi dùng lò vi sóng mà rã đông rồi mới chiên. Lấy ra lấy vô nên cơm đổ lông nhão nhừ dù chưa có mùi hôi. Vậy nên bây giờ anh Đức mới bảo Hiển nhanh tay “phi tang” kẻo bà trùm sò tới bắt “tận dụng” là mệt.
Bếp chay ế quá, doanh thu nhà hàng tháng này lỗ trầm trọng. Xem lại danh sách khách ăn chay chỉ có năm mươi người nên bà chủ già quyết định cho bếp chay nghỉ việc. Mặc bà chủ trẻ an ủi, làm ăn có lúc vầy lúc khác, nhà hàng mình mới ra, lỗ lã là chuyện bình thường. Nếu cho bếp chay nghỉ, mai này cần làm sao tìm?
Nhưng bà Tám vẫn quyết định giảm hai nhân sự bếp chay. Là bếp trưởng và phụ bếp. Còn “chảo phụ” là Hiển vốn bà con gần với mình nên bà chủ già giữ lại.
Nhà hàng không bán chay nữa, Hiển tất nhiên được biên chế vào đội anh Dương bếp mặn. Anh ấy khéo tay, làm món gì cũng bắt mắt ngon miệng, khách ăn còn hể hả khen ngon, gọi đầu bếp lên thưởng vài ly sần sần mới cho về vị trí.
Hai mẹ con bà chủ đểu nở mặt vì Dương, chỉ có điều anh hay chửi quá.
Làm nước sốt không kịp: chửi Hiển
Xào ốc móng tay mà lửa áp chảo nhiều quá: Hiển ăn chửi
Cơm chiên cá mặn mà xốc cá nát quá: Hiển no chửi
Chảo mực xào chia ra hai phần mà bàn ăn hết, bàn kêu mặn: chửi Hiển tiếp tục
Rau lặt không kịp: chửi bà Hai phụ bếp
Thớt lau chứ không rửa: cũng chửi bà phụ bếp
Hình như chửi là đam mê của anh Dương hay sao ấy!
Hiển không chịu nổi cái sự vô lý đó bởi khẩu vị mỗi người mỗi khác, nếu Hiển làm mặn thật, thì bàn kia đã bỏ rồi. Sao họ ăn hết còn khen mực giòn, nước sốt ngon mà bàn này kêu mặn? Bà Hai phụ bếp đã ngoài năm mươi, tay chân bắt đầu chậm chạp, sao anh nỡ chửi hoài?
Nhưng anh Dương không đồng ý lập luận đó, anh bảo làm mướn không phải chỉ hì hục làm là được, mà phải làm sao cho chủ thương nữa kìa. Tao bếp trưởng, làm cho chủ thương thì mày chảo phụ phải làm cho tao thương, bà Hai phụ bếp làm cho mày thương… Như vậy mới sống tập thể được.
Hiển bảo em chả biết làm sao để anh thương vì ý anh nay vầy mai khác. Em chỉ biết làm việc siêng năng, thật thà là đúng yêu cầu của bà Tám.
– Vậy bà Tám làm bếp trưởng hay tao? Anh Dương hỏi khó
– Thì anh!
– Vậy sao mày không chịu nghe tao chửi?
Tuổi 18 của Hiển không thể ngây thơ đơn giản như  bạn bè trang lứa để sáng sáng xòe tay nhận tiền mẹ đi học, trưa về đã có cơm sẵn trên bàn. Sau Hiển còn hai em song sinh lớp 5 gầy ốm đèo đẹt nhưng người đàn ông trụ cột của gia đình đã không từ mà biệt vợ con từ khi cặp song sinh kia lên năm tuổi.
Mười bốn năm chồng vợ, ba Hiển chưa một ngày đem niềm vui hạnh phúc cho vợ con. Hết giờ làm thì ông sa vào mâm nhậu bằng lập luận “Trẻ không chơi/ già hối hận”. Bây giờ ông còn trẻ, tay chân còn khỏe, răng chưa long, tóc chưa bạc nên ông phải ăn chơi một tí để khỏi phí đời. Chỉ phiền là nghề thợ hồ của ông thu nhập bấp bênh nên tiền làm ra chỉ đủ nhậu mà thôi.
Còn tất cả cuộc sống cơm áo gia đình đều oằn đôi vai gầy của mẹ Hiển. Bà là thợ may gia công, nhận đồ chợ về ráp công đoạn ấy mà. Có những đêm ngọn đèn điện vàng ệch bên giàn máy rào rào ấy cứ sáng đến gà gáy lần một để đủ số hàng quy thành cơm gạo, dầu ăn, nước mắm, tiền học, tiền thuốc, tiền đám tiệc…cho gia đình
Mẹ đã khóc hết nước mắt rồi, lời ngon tiếng ngọt cũng năn nỉ hết rồi. Nhưng ba Hiển không nghe, ông vẫn triền miên theo những bạn bè và cuộc nhậu. Nên sau khi học hếp lớp 9 Hiển không thể đi học nữa. Em xin phụ chạy bàn quán cà phê, rồi bưng bê quán ăn gia đình… Siêng năng, chăm chỉ, thật thà nên khi bà cô họ xa mở nhà hàng thì mẹ Hiển xin cho em về làm. May bà Tám còn nhớ chút tình họ hàng nên chấp nhận. Chỉ có điều, lương của Hưởng không thể “cào bằng” như các anh em đã học qua đầu bếp.
Anh Dương réo lên:
– Hiển! Dĩa ốc lác nướng tiêu xanh mày coi sao có chục con mà khách bỏ lại hết tám kìa!
Những chén bát, thức ăn, rau cải thừa được phục vụ dọn trở vô bếp ê hề ra đó. Chị tạp vụ phải rửa đến mệt nghỉ. Hiển cầm con ốc lác lên, những hạt tiêu xanh còn lẩn khuất trong mớ thịt ốc và nước sốt sền sệt. Sao lại thế nhỉ? Nước sốt nướng ốc này Hiển làm theo công thức anh Dương dạy, thì làm sao có thể…
Hiển đưa con ốc lên miệng, chút nước ốc chảy vào đôi môi cậu chàng 18 mặn đến xám hồn.
– Trời ơi! Mặn quá! Hiển hốt hoảng
– Mày nói gì? Mày làm sao cho mặn? Đừng giỡn nha!
– Hủ nước sốt bữa anh dạy em làm còn đó! Anh đem ra so với nước chan ốc này sẽ biết, chứ em làm sao được!
Anh Dương ào đến bên mấy con ốc. Tiện tay lấy hủ nước sốt trong tủ lạnh ra so. Đưa con ốc lên miệng, rồi lại nếm hủ nước sốt. Anh Dương hét lên:
– Thằng nào chơi tao? Hủ sốt bình thường, sao con ốc mặn?
Cả bếp im phăng phắc.
Cơm xế dọn ra. Ăn để lấy sức mà làm việc tới tận 10 giờ đêm đấy. Nên có mệt cách mấy, nhân viên cũng phải cố gắng ăn, chứ từ bốn giờ chiều tới khuya thì chả còn thời gian mà ăn gì đâu
Nhưng… sao thế này? Nồi cơm chính tay bà Tám hấp đã chảy nhớt nhão nhè. Dạo này bà Tám hay kêu quán ế, nhân viên bếp cần “ăn tiết kiệm” tối đa, thức ăn thừa của khách, chịu khó nêm nếm lại thì cũng ăn ngon lành. Bà chủ trẻ không chịu, nói mình phải xem nhân viên là tay chân của mình, có ai mà sống thiếu tay chân cho được? Má ăn gì, nhân viên ăn nấy chứ phân biệt đối xử là không tốt. Bà Tám khóc tu tu, nói con dâu dạy khôn mẹ chồng. “Tao hỏi bây, tao trả lương cho tụi nó hay bây?”
Câu hỏi khó quá, chị Giàu bỏ qua và đi mất.
Bà Hai phụ bếp bới chén cơm chảy nhớt nhão nhè đến bên bà Tám “Cô coi, bữa nay người ta bán gạo giả hay sao ấy, cơm mới nấu sáng, giờ đã thiu nhớt đây ạ”. Vừa nói, bà vừa dích dích đũa cơm đưa lên mũi bà Tám. Mùi thiu chua nồng nồng. Bà Tám dịch người ra xa xa làu bàu “Cơm thiu thì đãi rửa lại rồi hấp mà ăn, bộ bây không biết làm hay sao mà mắng vốn tao vậy?”. Rồi bà ngoe ngoảy bỏ lên sảnh.
Bà Hai lắc đầu đi về phía bếp. Anh Dương gõ lanh canh vào nồi cơm mới “Bí mật sẽ bật mí đây… cơm Thạch sanh đã tới… mời bà con măm măm”.
Thì ra anh đã bí mật nấu cơm mới từ lúc phát hiện nồi cơm cũ đã lên nhớt mà bà Tám bắt mọi người “ăn tiết kiệm” Bà Hai và đũa cơm thơm lừng thì thào “Ê đừng chửi tao nghe Dương… chính tao quên, lỡ tay chế thêm nước mắm cho từng con ốc đó”.
Hiển lấm lét nhìn sếp Dương, sợ sếp chửi, mọi người ăn mất ngon. Nhưng hôm nay kỳ lạ, sếp Dương… cười.
17/6/2021
Đào Phạm Thùy Trang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...