Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Những mảnh ghép cuộc đời

Những mảnh ghép cuộc đời

Giữa Sài Gòn nhộn nhịp, năng động, mỗi sớm mai hay hoàng hôn dòng xe cộ luôn tấp nập. Mùa hạ, với nhiệt độ thời tiết có lúc lên đến 35 - 36 độ C, Lão vẫn cặm cụi, miệt mài gò lung đeo bám trên chiếc xe máy cà tàng của mình, để đi ký cho được hợp đồng, rồi giao hàng cho khách. Từ ngày nghỉ hưu, rời xa làng báo, xa văn chương, con chữ vốn là sở trường của lão. Vậy mà, ở cái tuổi muốn được an phận để hưởng thụ, lão vẫn mãi bù đầu với khối công việc.
Cả một thời tuổi trẻ lão đã rất năng động, hăng say với lý tưởng xây dựng một tờ báo cho trẻ, cho ngành giáo dục mầm non. Một vài tập san trong thời kỳ quá độ, có lúc ăn nên làm ra nhờ dòng máu văn chương của một thời sót lại, người ta vẫn còn mặn mà với con chữ. Giai đoạn đó, lão chẳng biết mệt mỏi là gì, vì sách báo bán được, là kinh tế ổn định. Lão làm việc quên nghỉ đến mức lão không nhớ mình đang khao khát điều gì. Quên luôn cả tình yêu của mình đang chông chênh, vô vị, và giả tạo. Sự bình yên chùm gởi và tạm bợ ấy, thứ hạnh phúc để được bằng anh bằng em, thứ hào quang liêm sĩ, để cho đẹp mặt họ hàng hai bên nội ngoại – Thật sự là bi kịch – Khi đến lúc muốn làm gì đó cho chính bản thân mình thì đã muộn. Lão không thể cầm nổi tờ đơn ly hôn để mang đến Tòa án quận với ước vọng cởi trói, đem lại sự tự do cho chính mình.
Nhà văn Hồ Xuân Đà
Một thời lão đã từng giúp và tháo gỡ những nút thắt tưởng chừng như bế tắt cho rất nhiều người thân và cả bè bạn đều thành công. Còn giờ đây đối diện với chính cuộc đời mình, lão thấy bất lực – Lão vô dụng rồi! Nỗi đau xót của hiện thực đời lão, “lực bất tòng tâm”, ngày một ngày hai bào mòn, rút rĩa, giày xéo tấm thân còm cỏi của lão.
Nằm trong chiếc mùng để tránh những con muỗi hoạt động về đêm, lão cảm thấy ngột ngạt khó thở, lão ngồi dậy lò mò mở thử mạng ứng dụng Facebook  để xem cho khây khỏa. Cũng là chiếc điện thoại, của một người bạn nhờ lão chỉnh sửa vài từ trong tập thơ, biếu tặng. Thằng bạn thân từ thời  còn để chổm, chỉ cần vài câu thơ thôi đã hiểu tường tận lẫn nhau.  Một kỷ niệm khó quên đối với lão. Đó là trong một lần gặp nhau cuối tuần, khi lão buồn đến mức định về quê sống nốt những tháng ngày còn lại. Lão chán chường cho bà vợ của lão, suốt ngày chỉ biết than thở tiền nhiều, tiền ít,  một vài hiểu biết về văn thơ bẻ đôi cũng không có, để thưởng thức những sáng tác tâm đắc của lão. Bàn ăn thì nguội lạnh, nhà cửa thì nhếch nhác buồn tênh. Căn nhà được ngăn chia thành những căn phòng riêng biệt và phần ai nấy ngủ, nỗi cô đơn của ai nấy biết. Lão thấy mình bất hạnh, cõi lòng mênh mông trống vắng, trước mắt chỉ màu đen ảm đạm như những ngày mưa dầm thúi đất. Thực tế đó, dòng ý tưởng đó, gặm nhấm len lõi vào từng ngõ ngách suy tư. Nên sự sáng tạo của lão cũng nhạt nhòa, buồn tênh và tiêu cực. Thơ của lão làm ra chuyên chở những ưu tư thê thiết, như một mớ hỗn độn, lưng chừng triết lý. Đến nỗi, những tay bạn thân của lão đang công tác ở vài cơ quan báo chí, cũng than thở dùm cho lão, và đành chịu buồn lòng, vì không thể đăng được.
Có hôm trong lúc trà dư tửu hậu, lão đành phải yên lặng lắng nghe những lời chỉ trích chân tình của bè bạn, những góp ý thẳng thắng đó, lão vẫn chưa quên:
– Ông làm thơ kiểu gì mà tư tưởng tiêu cực quá, làm sao có thể đăng báo.
– Ừ, biết vậy, buồn thật. Nên thơ văn tôi cũng vậy. Không còn khí chất của một thời oanh liệt nữa.
– Ông tâm trạng đến vậy sao? Tôi thấy người ta về hưu rảnh rỗi nên lên Facebook làm thơ, có thêm bạn bè. Rồi biết đâu gặp được nàng thơ nào đồng điệu cũng vui. Sao ông không làm thử? Biết đâu.
– Ừ, có lẽ vậy. Nghe người ta nói Facebook phức tạp lắm. Nên tôi cũng hơi ngại.
– Ngại gì mà ngại. Đưa máy đây tôi tạo cho cái nick lấy tên ông. Nhưng ông nhớ, lên mạng thì cần phải luôn tỉnh táo để phân biệt được người tốt người xấu. Người tốt rất nhiều mà người xấu cũng không ít. Chỉ là cách giải tỏa những ức chế, quẳng gánh lo đi và vui sống. Chia sẻ với mọi người. Hãy cứ vui và làm thơ để thấy đời này thật thi vị. Chẳng cần tên tuổi, cũng đừng tham gia giải nầy giải nọ chi cho bận tâm.
– Ừ, Mà sao thời này nhiều người muốn trở thành nhà thơ quá. Nhà nhà làm thơ, người người làm thơ. Vài câu lục bát bập bẹ, bỏ tiền ra in tập thơ cũng trở thành nhà thơ. Hội hè nào cũng tai với tiếng, nghe mà nhức đầu.
Lão thở dài nói tiếp, trên tay ly bia còn lưng chừng một nửa:
– Ôi. Cái thời của của công nghệ 4.0. Mạng xã hội phát triển, cứ bài thơ nào hình đẹp, nhiều bạn, cùng hội với nhau. Chả đọc thơ để cảm thụ, họ cứ thả like, khen hay ầm ầm như pháo nổ. Có mấy người thích thơ thật sự đâu.
– Ông bận tâm làm gì. Thơ như tiếng lòng của người ta. Hay, hoặc chưa hay thì để người có chuyên môn họ thẩm định. Còn làng thơ Facebook thì họ cứ viết ra nỗi lòng của họ để chia sẻ, để giải trí. Chẳng phải đánh giá so đo làm gì. Chỉ khi nào họ gửi báo và được chọn đăng thì lúc đó chúng ta sẽ đánh giá cái tầm của bài thơ đó. Còn Facebook hãy cứ để tình thơ phát triển, để con người trong xã hội này được giải phóng tâm lý vốn áp lực ngột ngạt trong cuộc sống khó khăn. Càng nhiều người yêu thơ, càng nhiều người làm thơ thì những thú vui giải trí rượu chè, ma túy, cờ bạc sẽ giảm đi. Lối sống sẽ phong phú tích cực hơn. Con người hướng thiện hơn. Tâm hồn của người yêu thơ làm thơ thật đáng quý và trân trọng.
– Ừ, Suy luận của ông có màu sắc nghề nghiệp của một người làm báo có lương tâm. Lành thay, lành thay!
– Nếu lên Facebook may mắn gặp nàng thơ nào thì nhớ cho tôi biết với nghen.
– Không cho ông biết thì cho ai. Từ xưa tới giờ chuyện gì của tôi với ông mà không kể nhau nghe đâu!
– Ok!
Chia tay đám bạn bè, lão về nhà, quên luôn chuyện ở bàn nhậu.  Chẳng buồn cầm tới chiếc điện thoại, lão lại mày mò với đống vật liệu để làm hàng, dù không có đơn đặt hàng cũng làm. Lão muốn giết  thời gian hiện tại, chỉ muốn giết lão với cơn buồn, sự bi quan đến mặc cảm. Bà vợ suốt ngày ca thán đủ thứ trên đời. Không làm ra tiền, không cho lão được bữa ăn cho vừa miệng, lại ích kỷ không nghĩ đến cảm xúc của lão. Chỉ biết bản thân mình và buộc lão phải phục tùng kiểu như là sứ mệnh của đời lão, đến với trần gian này là để trả nợ. Trả hoài không bao giờ hết. Vì sợi dây ràng buộc nó dài quá, bốn người con là thướt đo cho một cuộc hôn nhân. Chẳng bao giờ cùng ngồi uống với lão ly trà chiều, cùng nhau nói về một bài thơ hay. Đôi đũa lệch cứ chênh chông đi qua những năm tháng tưởng chừng như đã ổn.
Tuổi thanh xuân lão dành trọn cho công việc, thời gian rỗi rãi đàm đạo thơ văn với vài người bạn nối khố, lão quên mất rằng mình cần phải giải quyết vấn đề cuộc sống của gia đình. Lão biện minh mọi lý lẽ về con cái. Cần nuôi dạy chúng nên người. Vậy mà, sau bao nhiêu nỗ lực, cố gắng và hy sinh. Bầy con của lão vẫn không lớn lên nổi trước sự bao bọc yêu thương của lão. Lão dằn vặt mình hàng đêm, có phải lỗi của mình chăng? Có phải mình bất lực chăng?  Đêm đêm sự trống vắng đến lạnh toát, càng thêm tác động cho lão, có suy nghĩ – phải ra đi biệt xứ hoặc từ giả cõi đời nầy – họa may mới giải thoát nỗi bi thương của một đời người luôn lỡ vận. Với lão những bài thơ tình tận cùng khao khát, mà vài người làm thơ suốt một đời chưa chắc làm được thơ như lão. Trong sự có thể và không thể, hình như một bí mật vô hình nào đó. Người và thơ bật lên những âm vọng từ con tim đang rỉ máu vì những tổn thương của cuộc sống. Thơ cứu rỗi con người lão, khi lão không thể tỏ bày cùng ai. Lão mượn thơ gói gém từng dòng những suy tư trong từng con chữ ẩn dụ, âm vần, nhạc điệu và từ trong con người của lão, một thoáng, tự thấy mình thăng hoa với cảm xúc. Người sáng tạo không viết để trở thành nhà thơ lại tự nhiên thành nhà thơ và người cố viết để được làm nhà thơ lại không thể có một câu thơ hay. Phạm trù thơ ca nó vô chừng vô hạn, không thể đánh giá. Chỉ có cảm nhận và sự giao thoa giữa năng lượng của tâm hồn ở những người yêu thơ, người làm thơ – Lão lại tiếp tục làm thơ – Bài thơ sau một tuần đọc đi đọc lại, chỉnh sửa vài ba bận cho tròn vần đủ ý. Vừa lòng lão, một bài thơ có khi cả tháng trời viết chưa xong.    Lão mệt nhoài khi không tìm được tứ thơ hay, vần điệu, nhạc cảnh có khi làm lão vò đầu bức tai. Vậy mà thời đại của bàn phím điện thoại người ta làm thơ sao dễ quá. Ai cũng có thể trở thành nhà thơ. Từ chị bán hàng online đến anh công nhân thợ điện, thầy cô giáo các cấp học đều có thể in thơ. Các ngành các tầng lớp xã hội đến với thơ. Người đọc thơ cảm thơ thì ít mà người in thơ, nhà thơ thì nhiều vô kể. Ở bất cứ địa phương nào, cũng đều có hội nhóm, câu lạc bộ thơ. Họ tự đeo cho mình danh xưng nơi ngực áo là một nhà thơ, họ ca tụng lẫn nhau như việc đến hẹn lại lên. Mà thơ in ra chỉ mang tặng, và người được tặng nhận xong cất gọn trong kệ sách cho đến thời gian sau xuất hiện ở tiệm đồng nát.
Lão đã từng khấp khởi vui mừng vì càng nhiều người đến với thơ thì thơ cũng sẽ có đất sống. Sẽ không chết yểu, rồi những bài thơ tình của lão sẽ được sống dậy. Lão hung phấn đến vội các nhà sách để hỏi thăm tình hình bán buôn, mấy tập thơ mà lão đã ký gửi vài năm trước, mong kiếm thêm vài xị để lai rai. Nhưng đều nhận những cái lắc đầu kiêm tốn của các cô kiểm hàng:
– Thơ bán chậm lắm chú ơi, rất ít người mua, chú có mang về thì con báo bộ phận kho họ thu xếp, còn để ở đây thì chú phải đợi.
– Thôi, cứ để đó, chú lấy về cũng đem tặng, mà tặng thì cũng chưa chắc được ai đọc. Để đây biết đâu một mai còn có người đọc. Một đời làm thơ, xếp vần tìm chữ chỉ mong thế thôi con ạ.
– Vậy con sẽ giúp bày thơ chú ở vị trí đẹp nhất trên kệ sách.
– Chú cảm ơn con. Thôi chú về.
– Dạ. Con chào chú.
Lão gật đầu rồi đi thẳng ra bãi xe. Những chiếc xe đi vào nhà sách có thể gọi là đông, họ vào đó mua gì, mà sao sách lão vẫn nằm yên trên kệ, bám đầy bụi. Mặt dù nhân viên nhà sách luôn có mặt. Chẳng ai buồn để ý đến tên của lão. Một nhà thơ, một nhà báo đã về hưu. Lão không thể làm gì để quảng bá tác phẩm của mình. Hòa vào dòng người đông đúc, lão nhỏ bé, gầy gò, liêu xiêu trong cơn mưa đầu mùa đột ngột, rải rơi từng nhát trên gương mặt khắc khổ, thương mình chưa xong, lão lại thương cho cái xã hội này, cho nỗi đau của con người, triết lý nhân sinh trong từng câu chữ như tiếng kêu bi thương nhắn nhủ con người hãy sống nhân văn hơn.
Về đến nhà lão không buồn nói chuyện, không buồn ăn tối, dù trong bụng trống kêu liên hồi. Lão cầm chiếc điện thoại lên và bắt đầu vào Facebook. Những lời mời kết bạn cần phải được xác nhận. Rất nhiều những người bạn thân gửi tin nhắn chào mừng lão đến với thế giới ảo. Rất đông bạn bè cần kết nối. Lão lựa chọn và bấm chấp nhận. Lão đọc trạng thái của họ mỗi ngày. Người làm thơ, người viết văn, đăng ảnh, họa thơ, động viên nhau. Lão âm thầm đọc hết. Thấy vui vui. Thì ra thơ mạng Facebook là vậy. Rất nhiều người làm thơ trong bản tin mới mỗi ngày của lão. Hình như người làm thơ đăng Facebook rất dễ chịu, lão chẳng tìm ra bài thơ nào giá trị, vậy mà người ta cứ vỗ tay khen nhau rôm rả. Ôi. Cũng là một thú vui tao nhã. Chẳng mất mát gì. Người ta làm thơ phải đạt đến độ chín của thi ca mới có thể khen hay. Đàng này họ cứ vô tư khen. Lão gọi “thơ con cóc” mà sao người ta like cao quá. Lão suy nghĩ và nhận định: “Có lẽ họ khen để giúp nhau vui vẻ, giao lưu sau một ngày làm việc, cũng là giải trí thôi”.Mà sao lão thấy lo. Lão lo người ta ảo tưởng sức mạnh của cái like cái ngợi khen ảo mà ngộ nhận mình chính là nhà thơ. Thì thật là bi kịch khi xã hội không có người đọc thơ, nhạc sĩ phổ thơ. Mà chỉ toàn là nhà thơ, thì khiếp quá. Căn bệnh hoang tưởng sẽ giết chết cái thế giới cần sự sáng tạo khoa học hơn là sáng tạo thơ.  Một nhà thơ với lão nó vĩ đại lắm. Một bài thơ là cả một tư tưởng sống,  là mầm thiện gieo vào lòng nhân con người.
Mà thôi. Lên facebook để vui vẻ, chứ giờ lão cũng chẳng còn nghĩ mình là nhà thơ nữa. Nhà thơ nghèo quá. Thi sĩ giờ đi chạy xe ôm, bán báo kiếm sống, làm thợ mộc là chuyện bình thường. Lão tập cho mình khiêm tốn trở lại. Quên đi một thời, thơ lão tuần nào cũng có mặt đều trên các trang báo. Hãy hạ cái tôi xuống để hòa mình mà sống. Lão tự răn đe mình vậy.
Thường ngày lão lướt qua bản tin facebook để xem, rồi đi ngủ với lão trở thành một thói quen. Lão quên cả việc đọc báo chính thống. Có hôm vô tình lão vào bài thơ của cô bạn đồng nghiệp cũ. Lão gặp một cô gái với dòng comment rất ẩn ý và đầy sự mất lòng tin với thơ: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì cũng được xin đừng tặng thơ”.
Lão  tò mò và vào trang cô ấy đọc. Một chân dung  đại diện đầy nét ưu tư nhưng lại rất cá tính. Một trang cá nhân hoàn hảo để xác định đây là một con người nghiêm túc dùng mạng xã hội. Lão đeo mắt kiếng vào và tiếp tục đọc cho hết những gì cô ấy viết. Nhưng dài quá. Lão không thể đọc hết được. Lão buồn ngủ và không quên gửi lời mời kết bạn – Lần đầu tiên lão kết nối với người lạ khi dùng Facebook.
Một nụ cười tỏa nắng, gương mặt buồn hiu, tà áo dài của một người đàn bà ở tuổi gần bốn mươi được minh họa cho những cảm xúc xếp gọn thành dòng đi vào trong giấc ngủ của lão, với hình bóng của một người con gái xa lạ giữa thành phố Sài Gòn hoa lệ.
Lão chờ đợi sự hồi âm của nàng – Nàng thơ của lão – Đành rằng thơ nàng chưa đạt đến độ chín của nghệ thuật thi ca. Nhưng lại chứa đầy cảm xúc luôn mê hoặc lão. Nàng làm thơ mỗi ngày. Buồn vui đều có trong thơ nàng. Lão lặng lẽ quan tâm từng động thái của nàng. Giờ nào nick của nàng sáng đèn. Lão sẽ có mặt lúc đó để chờ đợi nàng đăng tấm ảnh mới, trạng thái mới. Lão trở thành một người đàn ông tuổi đôi mươi, cảm xúc làm thơ lại trở về, ngắm nàng cười, lão thấy vui vui. Còn nàng dường như không biết cái tên của lão đang chờ đợi nàng bấm phím đồng ý trên chiếc smartphone, mà ngày nào nàng cũng chạm vào.
Lão không thể đợi, sự chờ đợi khiến người ta mục rỗng tê liệt cảm xúc. Lão quyết định tham gia comment bài thơ nàng mới viết trong một ngày cả thành phố Sài Gòn ngập trong mưa dầm.
“Thơ giàu cảm xúc. Nhưng cần chú ý đến vần điệu và thi ảnh nhiều hơn. Như vậy mới đạt được cái cốt của chất thơ”
Lão đợi nàng hồi âm. Đợi trả lời. Cho mãi đến một tuần sau. Lão mới thấy nàng đồng ý kết bạn với lão. Với dòng trả lời: “Cảm ơn anh”
Hộp thư lão cũng nhận được tin nhắn của nàng.
Nàng hỏi lão về thơ. Nàng nói với lão về lý tưởng sống, về ước mơ, về rất nhiều điều trong cuộc sống. Lão muốn trở về cái  thời tuổi trẻ, vừa tầm với nàng, để được làm bạn với nàng. Sẽ cùng nàng giải quyết những vấn đề của cuộc sống mà nàng đang trách nhiệm. Thơ nàng buồn quá. Tiếng lòng nàng còn thê thảm hơn.Có rất nhiều lần nàng nói với lão, vì nàng rất tuyệt vọng với cuộc sống nên nàng muốn tựa mình vào những câu truyện, vịn vào những câu thơ để đứng dậy. Nàng muốn cứu rỗi chính mình, viết như một nhu cầu để sống. Những gì nàng nói, nàng kể cho lão nghe hàng đêm, ám ảnh lão trong từng dòng suy nghĩ. Lão giật mình khi mơ thấy ác mộng. Nàng thơ của lão đã bị điên. Nàng không còn nhớ gì. Ngay cả tên lão. Sau những tháng năm chống chọi với nghiệt ngã của cuộc đời mình. Nàng thơ của lão đã thật sự tuyệt vọng. Thơ nàng còn nằm yên theo chiều dài năm tháng. Văn nàng viết chẳng ai buồn tìm đọc. Nàng khao khát có một mái ấm như lão đã từng khao khát. Khi đêm không còn tiếng động thì màn hình điện thoại của hai con người ở vị trí cách nhau vài phút đi xe vẫn không thể đến được bên nhau. Lão giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng các con lão réo gọi:
– Ba ơi, đưa mẹ đến bệnh viện, nghe ba?
– Sao rồi, bệnh gì nữa đây?
– Hôm nay tới lịch hẹn tái khám
– Thì tụi bây lớn rồi. Đưa mẹ đi đi. Chuyện nhỏ. Hôm nay ba hơi mệt. Đứa nào đưa mẹ vào khám rồi về. Bệnh thường thôi, ba đưa hoài ba biết. Mẹ bây vì không năng tập thể dục và lao động nên sức đề kháng yếu vậy thôi.
– Dạ. Vậy để con đưa mẹ đi. Ba ở nhà nghỉ ngơi, đừng có ôm điện thoại nữa. Già rồi còn mơ gì nữa..
– Biết rồi.
Nói xong lão bực bội lẩm ba lẩm bẩm một mình “con cái gì mà chỉ biết thương mẹ, sao không bao  giờ tụi nó nghĩ cho người cha già tội nghiệp này”, bao nhiêu năm lăn lộn bươn chải lo toan cho bầy con ăn học và chạy đôn chạy đáo lo thuốc men cho vợ. Cuộc đời lão chỉ nhận được tiếng bấc tiếng chì của vợ. Sự trách hờn của con. Đôi vai còm, bước đi nặng nhọc. Lão lại gieo mình lên cái võng và bấm phím…
ANH KHÔNG THỂ
Trời mùa hạ thả khói vàng nghi ngút.
Nắng cường toan đốt lửa nóng chân người
Anh không thể làm mưa, tưới mát ruộng đồng tươi
Anh không thể,
khơi dòng sông cổ tích
Chảy vào em ngập lụt nỗi đam mê 
Khi cô đơn, lấm thấm cõi đi về
Thì hiu quạnh bên đời còn bỏ ngõ…
Trời mùa hạ
mênh mông hoa phượng đỏ
Những cơn gió mơ hồ khêu cảm giác vu vơ
Và nức nẻ bờ môi khô nỗi nhớ
Vỡ tan tành từng cánh rụng bâng quơ
Anh không thể
làm mây che dịu nắng
Khi mặt trời
buông lỏng những tay ôm…
Áo chàm phai trên đỉnh sầu cổ tháp
Tội cho em quang gánh tháng năm buồn!
Anh  không thể cùng em đi hết con đường.
Khi đoạn cuối lại quay về chốn cũ
Có mộng vàng trầm tích thuở hồng hoang
Có thăng hoa lẫn lộn chút điêu tàn
Và mắc cạn giữa bờ môi hứa hẹn…
Anh không thể
hình như anh không thể!
Khi nắng trời đang hạ vút qua tay…
Bài thơ viết tặng cho nàng thơ của lão, bài thơ như một lời xin lỗi. Nàng và lão nợ nhau kiếp này. Lão không thể đến với nàng. Nàng không thể đến với lão. Có rất nhiều lý do không thể giải thích. Và lão chỉ biết rằng trong suốt cuộc đời, chỉ cần gặp được một người khiến ta dốc lòng vì người đó chính là hạnh phúc. Lão muốn làm gì đó cho nàng. Lão sẽ dùng tất cả  năng lực còn lại của lão để hoàn thiện những tác phẩm của nàng và đưa đến với độc giả. Nàng của lão sẽ không còn thất vọng. Thơ của nàng sẽ được người đọc đón nhận một cách trân trọng. Văn của nàng sẽ sống được trong thời buổi văn chương bị bão hòa. Bởi vì một lý do đơn giản là nàng của lão viết văn hay, làm thơ đều rất nghiêm túc và chân tình. Nàng viết bằng tất cả sự say mê và rèn luyện.
Cho tới một ngày cuốn sách thứ“n” của nàng thuộc top sách bán chạy nhất của năm, nàng vinh dự được đứng lên bục danh dự để nhận giải thưởng “Tác phẩm xuất sắc”. Tay lão cầm bó hoa hồng tươi thắm, bước đến tặng nàng trong vai trò người đại diện của tác giả. Lão vui, Lão hạnh phúc. Thơ văn đã hồi sinh. Giấc mơ về nàng thơ điên của lão không có thật. Nàng thơ do lão phát hiện ra tiềm năng giờ đã là một nhà văn vượt lên nghịch cảnh. Và người xứng đáng được ngợi ca là lão. Nhưng lão chẳng buồn nhận ơn nàng. Vì giờ đây lão lại tiếp tục sứ mệnh của mình. Tiếp tục giải quyết những ưu tư, tưởng chừng như đơn giản mà cực kỳ rối ren phức tạp, giống như những cơn trốt quắt quay cuốn trôi lão vào cõi mênh mông bất tận của đời thường.
24/4/2021
Hồ Xuân Đà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...