Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Đào Ngọc Vinh: Hoa quỳnh

Truyện ngắn Đào
Ngọc Vinh: Hoa quỳnh

Tôi không thể từ chối lời mời có phần lịch sự của anh bạn đến Hoàng Hôn quán. Tôi không muốn đi vì nhiều lẽ, thứ nhứt là không có tiền, thứ hai, tôi cho là mình nhút nhác trước phụ nữ, nhứt là những người quá tự nhiên trong một môi trường không có gì để sỉ diện như các quán bia ôm. Nhưng bây giờ thì tôi đã ngồi đây với gương mặt ngờ ngệch đáng thương.
Hoàng Hôn quán nằm khuất trong một con hẻm thưa nhà, ấm cúng và trữ tình bởi bao quanh là khu vườn ổi với những cái mương đầy bông súng. Càng hấp dẫn hơn khi người đàn bà là chủ quán kiêm luôn tiếp viên đẹp như một hoa hậu. Quỳnh Hoa, tên của chị, nghe sang trọng và quí phái. Tôi đoán chị gần bốn mươi tuổi, nghĩa là lớn hơn tôi ít nhứt mười tuổi. Điều đó không quan trọng, điều tôi để ý là sự thánh thiện và nét buồn là lạ trên gương mặt chị. Nếu trong một môi trường khác nếu chị không ngã ngớn trong vòng tay anh bạn tôi với điếu thuốc gắn hờ hửng trên môi, tôi dễ lầm tưởng chị là một người đàn bà đoan trang.
Tôi mời chị một ly rượu để phá tan cái không khí ngột ngạt lẫn sự ngượng nghịu của tôi. Chị đùa:
– Bộ dạng này là của những công chức “tinh khiết” phải không? Sao, không quen à?
Anh bạn vỗ vai tôi cười hô hố.
– “Gin” đó! Nè, có cần chị Hoa dạy cho vài “chiêu” không?
Nhà văn Đào Ngọc Vinh ở Bến Tre
Tôi lại rơi vào cái cảm giác thừa thải đáng thương. Tôi không chối là trong sâu kín của bản năng tôi cũng thèm muốn trước nhan sắc và thân hình gợi cảm của chị nhưng nó có gì đó như nghiêm khắc và thánh thiện quá khi chị nhìn tôi. Những lúc như vậy tôi lại so sánh chị với người đàn bà quê hiền thục cờ chồng ở buổi cơm chiều. Tôi không dám thốt ra lời mời chị ngồi gần tôi để làm cái chuyện mà nhiều người đàn ông thường làm trong các quán bia ôm. Tôi sợ. Cả buổi tối hôm ấy tôi đã chứng kiến toàn bộ cảnh đĩ thoả của chị để nhận hai chục ngàn tiền “boa” từ tay anh bạn tôi một cách sòng phẳng mà không dám đưa tay sờ vào người chị.
Buổi sáng chúa nhựt, tôi định đến cơ quan tìm vài tư liệu cần thiết nhưng không vội nên ghé quán cà phê ông Chính ngồi nhìn dòng người ồn ào đi qua phố. Tôi kịp nhận ra gương mặt lo âu của ai đó trong hỗn độn cảnh mua bán và nét thất vọng của đứa bé khi mời bác xe ôm tờ vé số, ông lắc đầu. Khi đám mây đi ngang qua bầu trời làm thay đổi màu nắng một cách đột ngột, tôi vớ vẩn búng tàn thuốc ra ngoài đường không may trúng vào một người đàn bà vừa đi ngang, tôi định xin lỗi nhưng chỉ thấy cái phủi tay của chị, không buồn.
Tôi thẩn thờ đi qua dãy phố hẹp đến cơ quan thì bắt gặp nhà thơ Tô Nguyễn ngồi uống rượu một mình trong quán Nghèo. Tôi bước vào, và, với chúng tôi thì không cần phải nói gì hết, kể cả một lời mời khách sáo. Chúng tôi rất sợ cắt đứt tư duy của nhau nên thường im lặng có lúc đến hàng giờ để khi giật mình thì chai rượu đã cạn mà dĩa mồi vẫn còn nguyên. Tô Nguyễn nói khi tôi kêu thêm một xị rượu:
– Tao vừa làm xong một bài thơ, bốn câu. Mà này, sao lâu quá không thấy chú mầy “mần” thơ?
– Đang đợi thất tình để làm thơ đây – Tôi đùa.
– Khùng. Coi đứa con gái nào vừa lớn, “chụp” nó làm thơ cũng được vậy.
– Nhưng chưa gặp ai “vừa lớn” mà toàn là con nít hoặc đã già!
– Trời đất ơi, làm thơ mà đợi thì viết về con… cóc đi! Ừ, mà biết đâu con cóc cũng là một đề tài hấp dẫn, rồi tao sẽ có một bài về nó…
Tô Nguyễn đột ngột im lặng, hướng đôi mắt về khoảng không xa thẳm. Tôi biết, anh đang bắt đầu tư duy với ý tưởng của mình. Còn tôi, tôi cố lắng nghe tiếng thay đổi của màu nắng và nhìn nó lạ lẫm như đã bao lần tôi trầm ngâm bên sự thoát thai của tia nắng đầu tiên vào buổi bình minh.
***
Tôi không nhớ mình trở lại Hoàng hôn quán bằng cách nào cho đến khi giọng của chị nhỏ như ru bên tai tôi:
– Say dữ rồi, uống ly nước chanh đi.
Tôi uống và nhăn mặt vì quá chua. Đêm đã khuya, tôi hiểu điều đó bởi tiếng côn trùng rả rích phía khu vườn và sự vắng lặng trong quán. Chỉ có  chị, chị ngồi đó thánh thiện và đoan trang như dì phước trong nhà thờ. Nhưng rồi, hình ảnh ngả ngớn, đĩ thoả của chị trong vòng tay anh anh bạn tôi hiện lên trong suy nghĩ của tôi, cái bóng của chị chợt xiêu vẹo, đen đúa. Tôi thấy thèm, thèm thật sự một thứ gì đó chẳng hạn như một bàn tay, một sự đụng chạm của người khác giới. Sự khao khát ấy cứ theo nhịp tim trồi lên trong từng mạch máu. Và trong cơn khát đến cháy lòng của bản năng đó, tôi đánh liều dù tôi biết hiện giờ trong túi tôi chỉ còn vỏn vẹn nửa điếu thuốc đã dụi để hút lần hai. Tôi mò tay qua đùi chị. Cái tay chết tiệt lại run bần bật như người ta sắp sửa chụp vào đầu một con rắn độc. Tôi dò xét phản ứng của chị. Im lặng. Cả gió và đêm đều im lặng, một kiểu đồng tình kỳ lạ của không gian và thời gian. Tôi yên tâm choàng tay qua người chị. Bất ngờ, chị giơ tay tát mạnh vào mặt tôi. Tôi dở khóc dở cười trước tình huống này và xẹp như một quả bóng xì hơi. Cũng như bao nhiêu người khác bị xúc phạm, tôi nổi giận:
– Chị cần bao nhiêu tiền cho một đêm? Tôi còn rất nhiều bạn, chị sẽ giàu đấy!
Chị đứng dậy lầm lủi đi vào trong với đôi mắt buồn vời vợi nhưng không một chút ấn tượng với tôi lúc này. Tôi hận.
Tôi loạng choạng bước ra khỏi quán bằng tâm trạng của kẻ thất trận và mỉm cười với cái đồng hồ hết pin chỉ đúng mười hai giờ của mình. Khuya.
Lãnh lương. Tôi rủ thêm hai anh bạn nữa trở lại Hoàng hôn quán. Để làm gì thì tôi chưa có dự định nhưng cái tát tai sĩ nhục và gương mặt thánh thiện của chị luôn ám ảnh tôi, đấu tranh trong tôi, nó giống như khi tôi thèm bánh xèo ở một quán nằm cạnh cái cống tanh hôi.
Quán vắng tanh. Tôi bước vào và hơi ngạc nhiên, mọi thứ trong quán được dọn dẹp gọn gẽ. Chị ngồi lặng lẽ nhìn tôi, cái nhìn trộn nhiều thứ sắc  thái: đẹp, gợi cảm và buồn u ẩn. Tôi tỉnh bơ kéo ghế ngồi. Hai anh bạn tôi vẫn còn ngần ngại thì chị đã bước lại gần, nói nhỏ:
– Xin lỗi, quán tôi đã nghĩ bán, phiền mấy anh đi quán khác.
Tôi chen vào, mỉa mai:
– Năm trăm ngàn cho một đêm nay được không? Chị yên tâm, tụi tôi chỉ nhậu, còn những “thứ” khác “mua” ở đâu mà không có!
Tôi móc trong túi hai chục tấm năm mươi ngàn mới lãnh ban chiều quăng trước mặt chị.
– Bia và mồi cho đủ năm trăm, còn bao nhiêu “boa” cho chị. Không có bia à, kêu về!
Chị lẳng lặng đi làm theo yêu cầu của tôi. Tôi hả hê với cái ý nghĩ trả thù được cái tát tai sĩ nhục hôm rồi! Tôi ngạo nghễ nhìn chị ngồi bên tôi rót bia mà không thèm đụng vào người chị. Suốt buổi tối hôm ấy, chị ngồi đó làm bổn phận của một người chủ quán, không ngả ngớn, không đĩ thoả dù tôi đã “boa” trước cho chị. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy xót xa khi nhìn nét buồn bã thánh thiện trong đôi mắt chị, đôi mắt đó quả là nó rất nghiêm khắc đối với tôi, nghiêm khắc đến độ tôi cứ nghĩ rằng ngồi bên tôi bây giờ là một người mẹ sợ con hư đốn trong cơn say. Và tôi uống, uống thật nhiều để chạy trốn cái cảm giác của người thèm bánh xèo cạnh cái cống tanh hôi. Bất giác tôi chợt nghe cay đắng khi nghĩ rằng làm gì có sự thấp hèn và cao thượng trong cùng một con người? Cái này sẽ đấu tranh để phủ định cái kia. Vậy mà ở chị, đối với tôi, lại có, nó có thậtt khó tin đến tàn nhẫn. Tôi nghe có tiếng con cóc nghiến răng ở mé mương, chợt nhớ tới lời nói của nhà thơ Tô Nguyễn: con cóc có một quyền năng đặt biệt là vậy nhưng suốt đời vẫn phải ở trọ hang cua, hang ếch…
Nhà thơ Tô Nguyễn nói với tôi:
– Tối nay rảnh không tới nhà tao coi hoa quỳnh nở.
– Coi… con  gái vừa lớn để làm thơ à? – Tôi lập lại câu của anh để chọc quê.
– Thì cũng giống như vậy nhưng làm thơ thì chưa chắc được. Nè, tuần rồi tao có về Mõ Cày dự một cái đám ma buồn.
Tôi phì cười.
– Có loại đám ma vui sao? Người thân à?
Anh buồn bã.
– Thời nay chuyện đám ma “vui” thiếu gì. Buồn ở đây là tao muốn nói tới hoàn cảnh của người chết, chị họ tao. Mầy có tin là chị ấy với xề bánh cam nuôi hai thằng con vào đại học không? Vậy mà, cả hai chúng nó đều không biết giữ mình ở cái thành phố đầy cám dỗ đó, đứa sa đà nghiện ngập trộm cướp vào tù, đứa trác táng sa đoạ sống như miếng giẻ rách ở chợ người. Tội nghiệp đứa con gái lớn của chị, chết chồng, buôn gánh bán bưng không đủ thuốc thang cho mẹ và nuôi hai đứa em sa ngã, phải bỏ quê đi kiếm tiền. Làm cái gì ai biết nhưng cứ nửa tháng gởi tiền về cho chị một lần. cũng khá. Tối nay nhớ đến nhà tao coi hoa quỳnh nở.
29/5/2021
Đào Ngọc Vinh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Trãi và một mỹ học mùa xuân 17 Tháng Tư, 2022 Với các nhà tư tưởng lớn, chất vàng triết lý luôn lấp lánh phát sáng qua mỗi hình...