Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Hồi quang từ một “Bến xuân”

Hồi quang từ một “Bến xuân”
Không biết tự bao giờ cái “Bến xuân” trong âm nhạc của Văn Cao đã neo đậu vào trí nhớ của tôi như một cái bến quê nhà vừa lộng lẫy vừa thấm đẫm những mùi hương thanh âm. Là một nghệ sĩ lớn của đất nước, hẳn sức vang hưởng âm nhạc của ông đã xây thành bao nhiêu bến bờ huyền thoại trong tâm hồn mọi người. Đấy có thể là quê nhà cho những nỗi bơ vơ trú ngụ, có thể là tình yêu cho mọi rung cảm xao xuyến gọi tên, là niềm thiêng liêng, là hồn nước réo gọi và thúc giục mọi bàn chân lên đường. Ông là bậc tài hoa lỗi lạc thuộc nhiều bộ môn nghệ thuật: Âm nhạc, hội họa và thi ca. Và, có lẽ vượt lên tất cả còn là: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du), chữ tâm theo cách hiểu là phẩm chất đạo hạnh (éthique) của một nghệ sĩ lớn, một nhân cách văn hóa lớn, chứ không phải chữ tâm trong ý niệm tìm kiếm một thiên đường hư vô nào đó.
Con người ta, có những rung cảm không tên không tuổi đầu đời, ấy vậy mà nó lại lắng sâu vào ký ức, hễ có dịp khơi dậy là lại hiện lên lung linh. Cái “Bến xuân” mà tôi nói đến là một bến bờ, không, có lẽ là chiêc nôi đời mẹ hát ru tôi thuở vỡ lòng thì đúng hơn. Từ đấy tôi tập tành hát theo những câu hát, cũng chẳng thuộc tròn bài tròn câu, cứ í ới hát theo mẹ câu nhớ câu quên - “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần. Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân...”. Thú thật, tuổi hoa niên tôi cũng chẳng biết cái bài ca ấy là của ai, cứ vui miệng tập tễnh hát theo người lớn, lâu dần thành quen, thành thuộc lòng. Đêm đêm nằm cạnh mẹ, tôi còn được nghe khá nhiều những bài mẹ hát thời chiến tranh, có những bài mẹ không cho tôi hát theo và còn nghe mẹ dặn dò kỹ càng: “Con không được hát những bài hát này, chớ dại người ta nghe được sẽ bị bắt đó”. Về sau, lớn lên chút ít tôi mới hiểu ra đấy là những bài ca kháng   chiến.
Có điều rất lạ là, mặc dù nghe theo lời mẹ dặn, tôi đã không dám hát những bài hát đó, vậy mà vẫn cứ nhớ một cách mơ hồ: “Gió bấc tới đây xào xạc rung cây gió lá (lá) bay, một mùa đông bao người đan áo”, hoặc là “Mẹ già cuốc đất trồng khoai. Nuôi con đánh giặc đêm ngày...”. Cứ thế từ cái chiếc nôi đời “Bến xuân” là cả một thế giới âm thanh của mẹ, nó cùng với những bài hát ru nuôi tôi lớn lên. Và nhớ nhất là bao lần tết, những đêm thức thâu đêm suốt sáng lăn xăn phụ giúp mẹ gói bánh, nấu bánh, những bài ca mẹ hát vào những đêm ấy dường như thấm đẫm mùi hương. Hình như mẹ tôi cũng chẳng rõ những bài ca ấy, bài nào của Văn Cao, bài nào của Phạm Duy và bài nào của Đỗ Nhuận... Mẹ hát cứ như từ vô thức vỡ ùa ra một tình yêu, một tiếng lòng, một nỗi nhớ nhung mơ hồ nào đó.
Khi đã lớn lên, mặc dù không theo học bộ môn âm nhạc, nhưng nhờ vào những hoạt động văn nghệ cùng với những người thầy và bè bạn, từ đó tôi mày mò tìm hiểu về lớp nhạc sĩ tiền bối, những cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc Việt Nam như: Thẩm Oánh, Lưu Hữu Phước, Lê Thương, Đặng Thế Phong... Trong một tiểu luận “Thời tiền chiến trong tân nhạc” của Lê Thương (NXB Kẻ Sĩ – 1970), đoạn ông viết về Văn Cao như sau: “Đầu tiên phải kể đến Văn Cao, nhạc sĩ nổi bật từ năm 1945 với những tác phẩm: Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu...được ưa thích khắp nơi. Với tư cách chiến sĩ, Văn Cao sáng tác thật nhiều nhạc chiến đấu..., ta chỉ cần nhắc tên ít bài như: Tiến quân ca, Bắc Sơn, chiến sĩ Việt Nam, Thăng Long hành khúc...”. Lê Thương còn nói đến do hoàn cảnh lịch sử nên một số chi tiết ông ghi lại chưa hoàn toàn đích xác được. Dù vậy, đối với chúng tôi bấy nhiêu thông tin có được cũng đã quí lắm rồi, bởi thời chiến tranh ở các đô thị miền Nam không dễ tìm kiếm những tư liệu như thế. Sau ngày đất nước hòa bình, nhờ vào nguồn sách báo mới xuất bản của giới nghiên cứu âm nhạc, kể cả những bài viết của Văn Cao, chúng tôi mới có cơ hội tìm hiểu về tầm vóc cuộc đời của người Nhạc sĩ Quốc ca.
Trong một bài viết “Tại sao tôi viết Tiến quân ca” của Văn Cao đăng trên tạp chí Sông Hương số tháng 5 năm 1992, Văn Cao viết: “Sau triển lãm duy nhất 1944 (Salon Unique), tôi về một căn gác hẹp đầu phố Nguyễn Thượng Hiền. Ba bức tranh sơn dầu của tôi tuy được trưng bày vào chỗ tốt nhất của phòng tranh nhà Khai Trí Tiến Đức - và được các báo khen ngợi nhưng cũng không bán nổi. Hy vọng về cuộc sống hội họa tại Hà Nội không thể thực hiện được...”. Hội họa đã như thế, còn đối với âm nhạc và thơ văn, Văn Cao đã sống trong một hoàn cảnh nào có hơn gì. “Tôi chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút về các bản nhạc viết hồi đó, dù đã trình diễn nhiều lần ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, tôi cũng không nhận được tiền nhuận bút về thơ và truyện ngắn... Năm ấy rét hơn mọi năm... Có đêm tôi phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu...”. Gia đình ông vào thời đó, và cả bao người dân đều lâm vào cảnh đói khổ. Chính thời điểm đó, Vũ Quí - nhà hoạt động cách mạng, cũng là người thường khuyến khích Văn Cao sáng tác những bài hát yêu nước, hai người gặp nhau, từ đây đã quyết định cuộc đời mới của Văn Cao. Ông đứng vào hàng ngũ đội quân kháng chiến với nhiệm vụ đầu tiên được giao: “Soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta”. Và đêm ấy trên căn gác hẹp 45 Nguyễn Thượng Hiền, Văn Cao đã viết ra những nét nhạc đầu của bài “Tiến quân ca”.
Sở dĩ trích lời khá dong dài là vì tôi muốn nói đến cái đạo hạnh, thứ phẩm chất làm nên một nghệ sĩ lớn, một nhân cách lớn. Tài năng và sự nghiệp của Văn Cao thì đã rõ ràng, các nhà nghiên cứu đã có thể lật từng khoảnh khắc thời gian để nói về từng tác phẩm. Ví như: Buồn tàn thu (1939), Thiên thai (1941), Bến xuân, Cung đàn xưa (1942), Trương Chi, Suối mơ (1943)...cho đến những bài ca kháng chiến như: Tiến quân ca (1944), Bắc Sơn (1946)... Ngay trong thời khói lửa chiến tranh, ông và bà Nghiêm Thúy Băng cưới nhau, tình yêu và tinh thần ra trận cũng là thứ men cảm xúc để Văn Cao viết nên những ca khúc: Làng tôi, Ngày mùa, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội... Nói như Đặng Tiến: “Văn Cao luôn luôn vươn tới nếp sống, lối suy nghĩ, cách sáng tạo tân tiến...” (Diễn đàn. Số 44. Tháng 9/95). Nhưng tôi muốn nhìn Văn Cao như một hiệp sĩ của đức tin đã vượt thoát mọi cám dỗ và đạt tới sự nhẫn nại vô cùng. Đức tính nghệ sĩ của ông bộc lộ trong tác phẩm chỉ là một phần trong toàn thể cái phẩm chất cao đẹp mà ông đã đi suốt con đường định mệnh của mình.
Từ sau ngày đất nước hòa bình, núi sông liền một dải, con người và cây cỏ như muốn bay lên reo vang niềm hạnh phúc. Trong men say ngất ngay mùa xuân 1975 đến cái Tết độc lập đầu tiên 1976, sau một quãng thời gian dài im lặng, Văn Cao viết “Mùa xuân đầu tiên” góp vào bầu trời âm nhạc Việt Nam một phân khúc trong hợp xướng giao hưởng êm đềm hoan ca cùng hòa bình đất nước: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đã đến đầu tiên...”. Giai điệu ca khúc hòa quyện với ca từ êm ái, gieo vãi bao niềm xao xuyến dặt dìu như ban phát niềm bình yên mát rượi xuống mọi tâm hồn. Nghe nhạc ấy, ai cũng có được cái cảm giác, những thanh âm thanh khiết rót vào trái tim và lan tỏa nhịp nhàng thành một cộng hưởng rung cảm ngân vang, để từ đó lấp lánh bao sắc màu hiện lên trong mắt người một thế giới thanh bình tựa như cổ tích: “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”.
Có thể nói hình ảnh mà âm nhạc và ca từ “Mùa xuân đầu tiên” xây thành là thứ hình ảnh thanh bình đạt tới sự bình an như ca dao xưa mẹ hát ru con: “Thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”. Nghĩa là thế giới ấy, nơi không còn bóng tối, không còn tham vọng mưu toan, nơi mọi cửa nhà không cần then cài cửa đóng để gió hòa bình len vào,lắng sâu vào tất cả. Hay có thể nói khác hơn, đấy là một thứ sóng ngầm tạo ra những rung cảm nghệ thuật để “Mùa xuân đầu tiên” mãi mãi là đầu tiên, dư vang còn nóng hổi trên tay người “nước mắt trên vai anh, giọt rơi ấm đôi vai anh, niềm vui phút giây như đang long lanh”.
Tôi lại chợt nhớ tới cái “Bến xuân” của Văn Cao trong cái thiên đường ký ức ngập tràn khói sương thời tuổi hoa niên của mình. Thật lòng mà nói, ở vào cái tuổi vung dại ấy, tôi nào hiểu gì về âm nhạc, nhưng có điều chắc rằng, nếu thiếu đi những cái “Bến xuân” mà hằng đêm giọng mẹ thường ngân nga cùng với những “Ngày mùa, Làng tôi...”, hay là bao khúc dân ca khác, thì cái thiên đường lung linh những ký ức ấy không chừng sẽ nghèo nàn, sẽ guộc gầy những giấc mơ đẹp.
 “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần. Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân”. Tôi là gì trên cái “Bến xuân” thăm thẳm ấy, là cánh chim rừng hợp đàn hay là thằng bé sớm biết lãng mạn để nhận ra nhánh sông con xa vắng chảy qua trước nhà mình vào những chiều ngóng trông mẹ về qua bến đò ngang. Dòng đời trôi cứ trôi, nỗi nhớ thì ở lại, còn niềm quên thì xuôi về biển cả. Có ai ngờ hạt giống từ câu hát mẹ đã gieo vào tôi trong lắng sâu, để về sau mỗi khi nhớ mẹ, thằng bé mồ côi - là tôi lại thường nghêu ngao “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước”.
Nối cái “Bến xuân” ngày xưa ấy vào cái “Mùa xuân đầu tiên” bây giờ, ngày Nhạc sĩ Văn Cao về cõi vĩnh hằng, tôi và anh em bạn bè văn nghệ của mình tưởng nhớ ông cũng nghêu ngao hát. Hát như nhớ mẹ mà hát! Mới đấy mà đã mười tám năm rồi (1995-2013)! Hơn nửa thế kỷ hoạt động âm nhạc, sức sống của âm nhạc Văn Cao minh chứng cho chúng ta về một cái đẹp cao cả đủ sức chiến thắng được thời gian. Với tôi, chừng như nhạc của ông cất lên bất cứ nơi đâu là những quãng vắng hiện ra một xứ sở thanh bình tươi xanh êm ả, một nơi “Từ đây người biết yêu người...”. Thế giới ấy cũng là nơi giúp người ta an trú vào đấy nghĩ ngơi và tỉnh thức. Để ngày qua, tháng qua, mặt đất bớt đi những gập ghềnh, để mọi giấc mơ đẹp sinh thành mùa xuân nối tiếp những mùa xuân!.  
Nguyễn Nhã Tiên 
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm Việc nghiên cứu phong cách văn xuôi của Hemingway phần lớn đã hoàn thành từ lâu. Phong cách nầy q...