Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Văn chương

Văn chương
Văn chương 1
Văn chương tức là một bức tranh về cái trừu tượng của tạo hóa cũng là tính tình và tư tưởng của loài người bằng lời nói vậy.
Văn chương cũng là nghề chơi thanh nhã để di tình, dưỡng tính mà thôi, mà lại có thể cảm động được lòng người, di dịch được phong tục, chuyển biến được cuộc đời, cái công hiệu về đường giáo hóa lại càng to lắm...
Thế nào là cái hay của văn chương?
Văn chương không phải gọt từng chữ, luyện từng câu mà hay, không phải đặt lấy văn chương kênh kiệu, đọc lấy rên rỉ mà hay, cũng không phải chắp chỉnh từng câu biền, câu ngẫu, kỳ phu trổ phượng chạm rồng là hay. Hay là hay ở tư tưởng cao, ở kiến thức rộng, ở lời bàn thấu ý, ở câu nói đạt tình.
Có cái hay kỳ cổ, có cái hay hùng kiệt, có cái hay hồn hậu, có cái hay thanh sảng, có cái hay bóng bẩy như vầng trăng dưới nước, như nhành hoa trong gương; có cái hay man mác như gió phẩy mặt nước, như sao mọc trên trời; có cái hay rực rỡ thêu hoa dệt gấm; có cái hay quý báu như nhả ngọc phun châu. 
- Văn chương lại hay ở tự tâm khí. Ông Mạnh Đông Giả có nói: "Văn chương là tâm khí của tiền nhân, tâm khí vui thì văn chương chính, tâm khí trái thì văn chương không chính." 
- Văn chương lại hay ở tự học thức nhiều. Ông Phó Cảnh nhân có nói: "Tay áo dài khó múa, lắm tiền khéo buôn. Ta chỉ nên lấy sách cổ nhân, học cho thuộc và hiểu đến nghĩa tinh vi thì tự nhiên nảy ra văn chương, rõ ràng như dáng mùa xuân, thơm tho như mùi lan huệ." 
- Văn chương lại hay ở sự lịch duyệt nữa. Xem bài tựa của Mã Tồn kể cái hay của Tư Mã Thiên nói rằng: "... Muốn học cái hay của Tử Trường trước hết phải học cái chơi của Tử Trường mới được." 
Hiểu được cái hay của văn chương thì mới hội được cái thú của văn chương. Cái thú của văn chương là ở chỗ biết hầu như không sót điều gì cái biến hóa của tạo vật, cái muôn vẻ của nhân tình thế thái, tinh tường các việc hay dở của thế gian, lịch lãm các nơi danh thắng của thiên hạ, tựa hề như đối diện và nghe tiếng bàn bạc của người sinh ra trước mấy nghìn năm... Huống hồ ta nghe câu cảnh tỉnh làm cho ta sực tỉnh được giấc mơ màng; ta nghe những lời cảm thiết làm cho ta kích động đến lòng khẳng khái; ta nghe những lời đạo nghĩa làm cho ta hưng khởi các mối thiện tâm; ta nghe những chuyện khoáng đạt làm cho ta phát sinh ra chí cao thượng; ta nghe những nỗi chua cay của người đời làm cho ta phải ứa nước mắt; ta nghe những thói lạ lùng của con người có thể làm cho ta phải bật buồn cười...
Phan Kế Bính
Văn chương 2
Văn không có sinh khí như người làm hoa giấy, có đẹp mà không có thơm. Văn có khí không phải là lời nói cho hùng, lý tưởng cho lạ; phải có chân cảnh, có mục đích, có tôn chỉ, có điều lý, có nhiệt thành, khiến cho người ta nghe câu văn như mắt trông thấy cảnh, tai nghe thấy tiếng người mà sinh ra lòng quan cảm.
Văn khí bởi đâu mà ra?Cũng là bởi kiến thức tinh thần của con người làm văn mà ra. Người cục súc hay làm những văn tiểu xảo, người nhu nhược hay làm những văn chi li, người thô sơ hay làm những văn sống sượng, người danh lợi hay làm những văn thù phung, người bợm bãi hay làm những văn hoa tình...
Vì chính trị có pháp luật mà văn chương không có luật phép, cho nên khen văn chưa hẳn là yêu, người mà luận không hẳn ở văn tự.
Nguyễn Bá Học
Theo https://ttuancuong.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...