Tango - Điệu nhảy mê đắm của những đôi tình nhân
Điệu Tango là sự hòa quyện,
chìm đắm trong say mê của đôi tình nhân với những nhịp nhanh chậm đan xen. Không đơn thuần chỉ là một điệu nhảy,
nó như tâm trạng, triết lý, nghệ thuật sống và hơn hết đó là sự huyền thoại.
Vũ điệu Tango - điệu nhảy chất
chứa đầy tâm trạng ấy đã xuất hiện lần đầu ở khu vực toàn những con người nghèo khó nhất của Thủ đô
Buenos Aires, Argentine. Cho mãi đến ngày nay, người ta vẫn cảm thấy ngỡ ngàng
khi biết rằng tác giả của điệu nhảy "không bao giờ chán" ấy lại chính
là những người "chân lấm tay bùn"! Đó chính là tâm trạng của con người.
Từ đây, sự hòa hợp các nền văn hóa đã nảy sinh với những quý bà trong các bộ áo
dài dạ hội lấp lánh và những quý ông trong các bộ áo đuôi tôm.
Những nét đặc trưng của điệu
Tango: Nhịp phách: 2/4 và 4/4, phách 1 được nhấn mạnh, phách 3 nhẹ hơn, vào ở
phách 1 (với nhạc 4/4). Tốc độ: 32 - 33 nhịp/phút, tức là 128 - 132 phách/phút. Cách đếm: Kết hợp giữa
S, Q và & (trong đó, S là 2 phách, Q là 1 phách, & là nửa phách)…
Những dấu ấn
Mặc dù các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc đã tranh cãi nhiều
về nguồn gốc xác thực của Tango, nhưng nhìn chung, người ta thừa nhận điệu nhảy
này đã được vay mượn từ nhiều nước - những giai điệu của những nô lệ châu Phi
gõ trên trống; điệu milonga của những cánh đồng hoang Nam Mỹ được kết hợp giữa
những giai điệu Ấn Độ và điệu nhạc của những người Tây Ban Nha đi khai hoang,
ngoài ra, còn có những ảnh hưởng khác trong đó có Latin. Một số người cho rằng
từ “Tango” xuất phát từ tiếng Latin ”tangere” (có nghĩa là kề sát nhau). Tuy
nhiên, thời gian đầu, Tango luôn bị tầng lớp những người da trắng ở châu Mỹ bài
xích và coi đó là "không lành mạnh". Mãi đến năm 1880, một nhạc
sĩ người Uruguay chính thức sáng tác bản nhạc đầu tiên cho vũ điệu Tango thì
sức mạnh của nó mới thực sự bùng cháy, khiến hàng triệu con tim rung động và
say mê.
Những năm cuối thế kỷ 19, Tango Argentine chịu nhiều ảnh
hưởng của các điệu nhảy châu Âu du nhập bởi làn sóng di cư từ châu Âu, châu Mỹ.
Người Tây Ban Nha, người Italya, người Bồ Đào Nha... đều góp tay đi tìm cái
mới, cái lạ ở vùng đất mới. Họ muốn hòa mình vào điệu nhảy giàu cảm xúc và rất
mạnh mẽ của người dân bản xứ... Nó trở thành mode thịnh hành của Pháp và sau đó
một thời gian ngắn là ở Anh, rồi Mỹ. Mỗi nước lại thay đổi nó theo cách
của mình. Một nhạc sĩ Mỹ là Astor Piazzola đã mang những yếu tố của nhạc jazz
vào trong Tango.
Tango châu Mỹ chưa tồn tại cho tới tận những năm 1913 -
1919, lúc đó Tango được du nhập từ Pháp, nhưng chủ yếu là qua Anh. Nhịp điệu “
bump bump ba - bump bump” được mở đầu với các bộ váy dài kiểu “bumpers” của các
quý bà để tránh không quá chạm sát với những bạn nhảy của mình. Loại nhạc này
nhanh chóng trở nên phổ biến ở Ý và trở thành quốc nhạc ở Phần Lan. Nhà soạn
nhạc Kurt Weill cũng đã viết một số tác phẩm, trong đó nổi tiếng nhất là “Der
Matrosensagen” (Bài hát của người thuỷ thủ). Những người Anglos thì đơn giản
hóa điệu nhảy. Các thầy giáo người Mỹ dạy điệu foxtrot nhưng lại gọi đó là
Tango.
Năm 1918, viết lời cho nhạc Tango có xu hướng phát triển
mạnh và từ đó xuất hiện một ngôi sao mà giờ đây vẫn còn nổi danh 5 thập kỷ sau
khi ông mất - ca sĩ Carlos Gardel. Hồi ức về lối trình diễn đầy lôi cuốn của ca
sĩ điển trai này để lại trong lòng người Argentina sự sùng bái, không giống như
những gì mà Elvis Presley đã có được ở Mỹ.
Năm 1930, một cuộc đảo chính quân sự ở Argentina đã đặt dấu
chấm hết cho quyền bầu cử của công dân và do đó đã làm câm lặng tiếng nói của
mọi người - Tango. Trong thời gian này một ca sĩ nhạc Tango đồng thời cũng là
một nhà triết học đã nổi lên - Enrique Santos Discepolo. Ông nổi tiếng với câu
nói “Thế kỷ 20 là một đống tro tàn mà không ai có thể phủ nhận…” Tango sống trở
lại vào cuối những năm 1930 khi nhân dân Argentina đoạt lại quyền tự do chính
trị của mình. Họ kỷ niệm việc thăng tiến địa vị xã hội bằng Tango và điều này
trở thành một biểu tượng cho tình đoàn kết và là một phần cuộc sống hàng ngày
của họ. Những nhạc sĩ Tango nổi tiếng đi theo những xu hướng mới như Fresedo,
De Caro, Pugliese và Anibal Troilo.
Không bao lâu sau, giới trí thức phong lưu giờ đây đã trở
nên khác biệt hẳn so với tầng lớp lao động bắt đầu viết lời cho Tango. Vì những
ảnh hưởng của họ, Tango trở nên lãng mạn hơn, hoài cổ hơn và là một ký ức ngọt
ngào về tuổi thanh xuân trong một xã hội bình dị không bao giờ tồn tại. Khi
Juan Peron nắm quyền năm 1946, Tango lại trở nên cực thịnh ở Argentina vì cả
ông và phu nhân Evita đều hết lòng ủng hộ loại nhạc này. Nhưng sau cái chết của
bà năm 1952, Tango lại rơi ra khỏi địa vị thống trị của nó. Với sự xâm chiếm
của nhạc Rock&Roll Mỹ, Tango lại lỡ bước với thời gian…
Âm ỉ, nhen nhúm, rồi bập bùng ngây
ngất, tiết tấu độc đáo của Tango, vào thế kỷ 20 từ Buenos Aires đã chinh phục khắp thế
giới. Cho dù từng trải bao thăng trầm trong suốt hơn một trăm năm lịch sử,
giống như cuộc đời của chủ nhân nó, Tango vẫn phát triển và tỏa lan khắp hành
tinh. Phải chăng, sức quyến rũ và cảm hóa của Tango khiến người ta không dễ gì
cưỡng lại? Người Argentine gửi gắm cả hồn mình vào nhịp bước của Tango như thể
nó là người bạn tri kỷ vậy!
Trong thời kỳ phục hưng, không nhiều những gương mặt nổi bật
- Điều kỳ lạ là thời đó không hề hoặc rất ít phụ nữ dạy Tango và phụ nữ chỉ đi
nhảy thôi chứ chưa có định nghĩa “sao”. Thời kỳ mà chỉ nam giới mới được tôn
vinh, còn phụ nữ, dù có “vượt” nam giới, nhưng cũng chỉ được xếp “hàng thứ”…
Những “phụ nữ nhảy Tango” đó làm thế nào để điệu nhảy của họ
“được công nhận”. Dưới đây là một trong những phụ nữ điển hình đã làm được điều
tưởng chừng không thể đó…
Graciela Gonzalez - “Nữ chiến binh điển hình của Tango”
Sắc nét, đơn giản, mạnh mẽ nhưng vẫn vô cùng tinh tế và
duyên dáng là những bước Tango chắc nịch mà đầy nữ tính của Graciela Gonzalez.
Graciela là một trong những phụ nữ tiên phong trong việc có "tiếng nói
riêng" của mình ở điệu nhảy Tango.
Bố mẹ Graciela (đã qua đời) đều là những người sống trong
“kỷ nguyên vàng của điệu Tango” và vì thế, họ là những nghệ sĩ nhảy Tango một
thời, song Graciela lại chẳng học nhiều được từ họ... Theo Graciela, khi họ còn
trẻ, loại nhạc duy nhất họ nghe được qua đài phát thanh là Tango, thời đó nhạc
Tango và Jazz đang rất thịnh. Và điệu nhảy này đã giúp họ có nhau...
Bắt đầu học Tango từ năm 1988 tại một cung văn hóa gần nhà
do nhóm của Gustavo Naviera hướng dẫn. Ngay ngày học đầu tiên, Graciela đã nhảy
liên tục 4 tiếng đồng hồ và kể từ đó, Graciela chưa bao giờ ngừng nghỉ. Ngoài
Gustavo Naviera, những nghệ sĩ Tango nổi tiếng khác thời đó như: Pupi Castello,
Pepito Avellaneda, Antonio Todaro... (riêng Gustavo, ông là một trong những
nghệ sĩ trẻ thời bấy giờ và dám làm những điều khác biệt!).
Graciela “vào đôi” với Pupi Castello lần đầu tiên vào năm
1998 tại một buổi tập và họ đã cùng nhau đi thi, sau đó đã đoạt giải nhất và
rồi cặp đôi này được xem là những hạt mầm của Tango thế hệ mới…
Nếu nói về vai trò của nữ trong điệu Tango, Graciela xứng
đáng được xem là người phụ nữ tiên phong. Không phải bởi bà nhảy rất đẹp mà còn
là người soạn ra khóa học đầu tiên về kỹ thuật cho nữ với toàn các giảng viên
nữ như Martha Anton, Veronica Alvarenga và dạy tại La Galeria of Tango. Đến năm
1994, lớp kỹ thuật cho nữ đầu tiên được khởi xướng.
Với bà, phong cách và cũng là điểm nhấn của mình đó là một
“đôi chân tốt”. và điệu nhảy như thế nào là tuyệt hảo cũng được bà đề cập đến -
đó không chỉ là một điệu nhảy mà bà xem đây như một cuộc du ngoạn, xem như
không có gì liên quan đến hình dáng của điệu nhảy cả… chỉ là đi bộ với nhiều tổ
hợp bước và phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh… Sự kết hợp là điều quan trọng
nhất. Nếu không kết hợp được thì cũng chẳng có “cuộc du ngoạn” nào…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét