Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm

Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm
Cao Huy Hóa
Mới đây, chúng tôi về thăm một miền quê bên dòng sông Ô Lâu xanh ngát vào một buổi chiều còn nồng nắng hạ. Trước mặt là sông, xung quanh là vườn tược, xa hơn là đồng lúa; không có khói bụi, không còi xe, chỉ có lá rì rào. “Ôi chiều quê, chiều sao xiết êm đềm!”. Ngồi ngoài vườn, gió thoảng, trên cao trời xanh nhẹ, mây trắng bay. Hạnh phúc đến thật tự nhiên. Chúng tôi, không ai bảo ai, như văng vẳng từ trong tâm tưởng bài hát Chiều quê của Hoàng Quý, và trong niềm xúc động nhớ về một thời thơ ấu thanh bình, thánh thiện, mọi người cùng lẩm nhẩm hát: “Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm…”
Sẩm tối, trên đường về, mới hay cơn mưa khá lớn đổ xuống thành phố Huế, trời dịu mát. Một chút chuyển mình của thời tiết, mùa thu đang đến, với những dấu hiệu giao mùa. Đang trong những ngày nóng bức thì một sáng nọ, trời âm u, mưa lất phất, rồi lại hửng nắng; thế rồi ban đêm trời nhẹ hẵn đi, bỏ lại đàng sau những bức nồng đêm mùa hạ. Mưa và nắng cứ xen kẻ nhau trong ngày, và cũng không dễ dàng để mùa hạ rút lui nhanh, Vẫn còn “nắng hạ giữa mùa thu”, nhưng dần dần nắng hạ được thay thế bởi nắng thu và mưa thu.
Cổng xưa rêu phong bên dòng Ô Lâu
Mùa thu ở từng vùng trên đất nước ta có sắc thái riêng. Miền Nam mưa nắng hai mùa, thiên nhiên ưu đãi, nhưng con người không mấy hưởng thi vị của mùa thu. Tôi không ở miền Bắc, cho nên cảm xúc của tôi về mùa thu đồng bằng Bắc Bộ được truyền từ văn thơ nhạc, nhất là nhạc, tuy gián tiếp mà vẫn rất thấm thía. Thu điếu của Nguyễn Khuyến đã sớm cho tôi cảm xúc như thế: “Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt / Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo”. Giai điệu trong ca khúc Thu cô liêu của Văn Cao cũng buồn nhẹ nhàng, nổi buồn một mình trong thôn vắng chiều thu: “Thu cô liêu, tịch liêu. Cô thôn chiều, ta yêu thu yêu mùa thu”. Giữa trời thu mây trời mênh mang và tĩnh lặng như thế, có chút gì man mác trong lòng ta. Trong đêm thu ánh trăng lan nhẹ và như thấm vào lòng người, ta cảm nhận huyền diệu từ cỏ cây, hoa lá, và thì thầm tiếng thu: “Hoa lá cành, ánh trăng lan dịu dàng. Ru hồn bao nhớ nhung. Đêm lắng buồn, tiếng thu như thì thầm. Trong hàng cây trầm mơ…” (Đêm thu, ca khúc của Đặng Thế Phong). Không biết bao nhiêu là văn thơ nhạc ca tụng mùa thu của các tác giả đất Bắc, mà gia tài ký ức của mỗi người chắc cũng lưu lại kha khá. Hồi nhỏ tôi đã thuộc Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, như rất nhiều học sinh thời đó: “Em không nghe mùa thu / Dưới trăng mờ thổn thức? / Em không nghe rạo rực / Hình ảnh kẻ chinh phu / Trong lòng người cô phụ?…” Tuổi nhỏ có biết gì đâu mà vẫn cứ ngân nga: “Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô?”! Sau này, lớn tuổi, may là tôi được sống thực sự mùa thu trên đất Bắc trong dịp về thăm non thiêng Yên Tử, dầu ngắn ngủi vài ngày: Trời xanh cao, mây lơ lửng, buổi sáng sương nhẹ, có chút se lạnh, để rồi đi trong nắng vàng như mật ong mà lòng ấm dần lên.
Mùa thu ở Huế không êm ả như mùa thu đất Bắc, nhưng xen kẻ trong biến động thời tiết đa dạng, cũng có những ngày nắng thu vàng hanh. Trong những dịp như thế, sông Hương trong xanh lửng lờ, không chói chang phản chiếu ánh mặt trời mà lại hòa với màu nắng dịu. Khách đi trên đường không hối hả, mau cho thoát cái nắng chói chang của mùa hạ, ngược lại, vẫn có chút thơ thới ngắm vòm cây xanh đường Lê Lợi, các đường trong thành nội, và đêm đêm, đi về những con đường phố thị nhỏ, có thể thoáng nhận ra hương ngọc lan, hoa sứ, ngọc quế, và các loài hoa khác. Mùa thu xứ Huế cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ. Khúc tình ca xứ Huế của Trần Đình Quân, với ca từ và giai điệu vô cùng Huế, một xứ Huế kinh đô đã xa, một xứ Huế văn vật, để lại nhiều nổi cảm hoài, với “hoàng hôn rơi ngớ ngẩn hàng thùy dương”, với “khúc Nam Bình buồn trên dòng đời xuôi ngược”, “trên lòng thuyền nghe não nuột, mơ hồ tiếng hát Giang Châu”, khiến khách thấy lòng mênh mang, nhưng rồi tình yêu thanh xuân vẫn mơ về “nắng vàng về bướm lượn nhạc rộn ràng, tâm tư mình phơi phới đến mùa hẹn cùng sang.”
Mùa hạ nhạt nhòa đi thì mùa thu càng trở chứng nhiều hơn, với những bão lụt tiếp nối, gây tai ương cho người dân Huế, nhất là dân nghèo. Sông Hương thơ mộng ngày nào trở thành con sông cuồng nộ, cuốn trôi mọi thứ hai bên bờ, và trong những ngày mưa to gió lớn, thành phố trở thành biển nước mênh mông, đục ngầu, nhấn chìm nhà cửa, hoa màu. Ôi thôi, khi cơn cuồng nộ qua đi thì thành phố điêu tàn, bến bờ lở loét! Nhưng trong nổi bất hạnh lại sáng lên tình người. Rất nhiều tấm lòng sẻ chia những số phận không may. Bão lụt vừa gây tác hại cho đồng bào nghèo thì con đò nhỏ từ chùa Tây Linh bơi ra, chống chọi với cơn lụt, mang theo phẩm vật cứu trợ khẩn cấp đồng bào qua cơn ngặt nghèo. Rồi tai trời ách nước qua đi, trời lại sáng, nhà cửa được dựng lại, sửa sang hoặc dọn dẹp, vườn tược được khôi phục, đồng ruộng lại được chuẩn bị cho mùa tới,… con người cũng phải vươn lên để sống, trong vòng tuần hoàn xuân hạ thu đông.
Mùa thu cũng như cuộc đời. Có những ngày trời nhẹ lên cao như cuộc sống có những ngày vui, có những chiều thu tịch liêu gợi lên thao thức của kiếp người, và có những ngày đất trời thịnh nộ như những năm tháng khó khăn tưởng chừng như khó vượt qua. Mùa thu vẫn cứ như thế thì cuộc đời vốn nó là như thế, biết mà sống, tự tại mà sống. Có như thế, mùa thu trong tâm tưởng của ta vẫn cứ sống mãi, với thuần khiết tình người, tình yêu thiên nhiên và cảm xúc tâm linh, ta với ta, ta với mọi người, ta với vô cùng vô tận… Để mỗi khi về chốn quê thanh bình một chiều thu, ta lại bâng khuâng và bâng quơ hát thầm: “Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm…”.

3 nhận xét:

  Người Việt nói tiếng Việt – Nguyễn Quang Thọ 3 Tháng Bảy, 2023 Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu c...