Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Vài lời nhỏ to ... Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân

Nguyễn Đình Thư
Sinh ngày 1 Février 1917 ở làng Phước Yên, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên). Nhà rất nghèo, nhờ bà ngoại nuôi đến lớn, nên đặt tên Thư, lấy ý rằng đời xưa Ô. Ngụy Thư khôn lớn nhờ bên ngoại.
Học trường Queignec, trường Quốc học Huế. Có bằng thành chung. Hiện làm thư ký Kho bạc Huế.

Khách yêu thơ gặp được một bài thơ hay là một cái thú. Nếu bài thơ lại chưa từng in lên mặt giấy cho hàng vạn người xem thì cái thú lại gấp hai. Thơ in ra rồi hình như có mất đi một tí gì, có lẽ là ít hương trinh tiết.

Tôi đã được nếm cái thú thanh thiết ấy trong khi xem thơ Nguyễn Đình Thư.

Đây không phải là một nguồn thơ tân kỳ. Xem xong ta có thể nghĩ đến thơ người ày, người khác. Mặc dầu, lần thứ nhất tôi đọc những vần thơ ấy, nó cứ lưu luyến hoài trong tâm trí như tiếng nói một người bạn tuy mới quen mà vẫn thân yêu từ bao giờ.

Thơ Nguyễn Đình Thư không nói chuyện gì lạ: một chút tình thoảng qua, một đêm trăng lạnh, vài con bướm vẽ vành, một buổi chia ly, nỗi lòng người bị tình phụ, đi lại chỉ những buồn thương, những vui sướng rất quen. Nhưng buồn ở đây là một mối buồn âm thầm, lặng lẽ, thấm thía vô cùng, cái buồn không nước mắt, cái buồn của điệu Nam Bình trên sông Hương. Lòng thi nhân như một nguồn sầu vô hạn rưới khắp cảnh vật, bao phủ cả vừng trăng khuya:

Không biết hôm nay trăng nhớ ai
Mà buồn đưa lạnh suốt đêm dài?

Trông chừng quạnh quẽ mênh mông quá

Như trải u hoài muôn dặm khơi. 

Buồn cho đến những khi đang vui, những khi yêu và được yêu, cũng buồn. Bài thơ thành ra lời của thi nhân thì thầm một mình: người xem hình như cũng cần phải ngâm rất to. Đọc to lên nghe sỗ sàng thế nào như nghe những bài ca Huế phổ vào cái âm nhạc ầm ỹ của đôi bàn máy hát.

Nhưng thi nhân dễ buồn thì cũng dễ vui. Một chút nắng mới báo tin xuân cũng đủ khiến người vui. Cái vui của Nguyễn Đình Thư có vẻ kín đáo, nhưng không miễn cưỡng, không gượng gạo. Người vui hồn nhiên, cái vui của cây cỏ.

Về điệu thơ thì có đến bốn năm lối. Riêng trong lối lục bát thỉnh thoảng ta lại gặp những câu phảng phất giọng Kiều hay giọng ca dao lẫn với một tí phong vị mới. Chẳng hạn như những câu:
Một thương là sự đã liều
Thì theo cho đến xế chiều chứ sao!

Sa buồn mây nối đồi thông,

Khói cao nghi ngút đôi vùng giang tân.

Có khi lại xen vào một hai tiếng của đàng trong nghe cũng hay:
Cách vời trước biết bèo mây
Chung đôi xưa "nỏ" sum vầy làm chi.

Nhất là chữ "thương" một chũ đầu miệng của người Huế, thi nhân dùng đến luôn và dùng khi nào cũng có duyên (trên kia ta đã thấy một lần):
Mấy bữa trông trời bớt nhớ thương,
Chim say nắng mới hót inh vườn.

Gió xao trăng động hương cành,

Trông ra mấy dặm liều thành thương thương.

Mở lòng đón phong trào mới, điều ấy đã đành, nhưng cũng chớ quên tìm đến nguồn thiên nhiên của nòi giống. Nguyễn Đình Thư đã có ý ấy. Ít nhiều hồn xưa đã ngưng lại trong thơ Nguyễn Đình Thư.
Janvier 1941
Đến chiều

Tôi yêu là bởi tôi yêu

Cầm tay cô hỏi hỏi nhiều làm chi?

Khi yêu không đắn đo gì

Phân biết chừ biết nói vì cớ sao.

Huống hồ yêu tự khi nào,
Hôm qua lòng thấy ngọt ngào mới hay.
Gạn gùng nông cạn phơi bày,
Hoạ chăng có một điều này đơn sơ:
Thuyền tình đã gặp người đưa,
Giong khơi không lẽ đôi giờ rồi thôi.
Tin nhau ai nói bằng lời
Và mai ai biết xa vời bao nhiêu?
- Một thương là sự đã liều
Thì theo cho đến xế chiều chứ sao!
(Hương màu)
Sang ngang
Lòng tôi như chiếc thuyền nan,
Tình cô như khách sang ngang một chiều.
Thu nào quá đỗi cô liêu,
Bờ hun hút nắng hiu hiu buồn...
Qua rồi thôn cách bến sương,
Phất phơ áo nhạt mất đường lau không.
Vô tình đâu biết trên sông
Có người ngang lái còn trông dõi mình.
(Hương màu)
Tống biệt
Mênh mông muôn lớp sóng dồn
Vè lau trăng gió bãi cồn khói sương.
Nước non đây chỗ chia đường
Tương tư mở lối đoạn trường cùng đây.
Cách vời nước biếc bèo mây
Chung đôi xưa nỏ xum vầy làm chi.
Để giờ lủi thủi người đi
Mai chiều quạnh quẽ tà huy tôi buồn.
Võ vàng đứng bên giang thôn
Thuyền người nắng bể mây nguồn biết đâu!
- Cầm tay chừ hẹn chi nhau
Sầu chi nước chảy bên nào xa hơn?
(Hương màu)
Vương tình
Xinh đẹp ngây thơ nhiều thiếu nữ
Lòng nghe sao lạ mặt quen thân,
Tuồng như độ trước - khi nào ấy -
Có gặp nhau đâu đã một lần.
Có lẽ khi là khách viễn phương
Nhân cơ rẽ một ngã ba đường,
Hay chừng dặm gió sang mưa chướng
Cùng lánh hiên người đôi phút hương;
Hay buổi trưa nào trở bến sang
Tình cờ chung mạn chuyến đò ngang,
Tới nơi người dõi vùng mây trắng
Kẻ trải lăm xăm hướng bụi vàng...
Rồi đó không hề tưởng nhớ nhau,
Phương trời ai biết có ai đâu!
Đời cầm như nước đôi dòng lạ,
Mây khói mênh mang sầu lạc sầu...
Nay gặp không ngờ chẳng ước mong,
Môi e dáng nở gọi tao phùng,
Không vồn vã lắm, nhưng may để
Gây chút tươi êm bớt ngượng ngùng;
Lặng lẽ nhìn nhau chẳng thoáng tình
Người ơi tôi thấy quá buồn tanh;
Và đây chia cách không đưa tiễn
Mắt với trông theo nghĩ chẳnh đành.
(Hương màu)
Thiệt thà
Phụ phàng chi lắm thế anh ơi,
Em gửi thư sao chẳng trả lời?
- Dầu sao chẳng ra chi duyên phận ấy,
Cực lòng em chịu dám hờn ai.
Nhớ bữa ra đi anh dặn dò,
Những là chờ đợi chớ buồn lo;
- Đừng đau em nhá! Thư luôn nhá!
Không có phương trời anh héo khô.
Nghe nói, chao ôi! Xiết thảm sầu,
Trăm nghìn những muốn chết theo nhau;
Lệ không cầm nữa, tơ duyên tưởng
Vấn vít đôi ta đến bạc đầu.
Cui cút ra vào em với em,
lời kia căn dặn dám sao quên;
Ai dè anh bỏ em đành đoạn,
Ôi hoa lá cùng trăng gió quen!
Em có hay đâu cơ sự này,
Nửa chừng nửa đổi chịu chua cay;
Tình anh như nắng thu đông ấy
Lưu luyến nhân gian chả mấy ngày...
Chắc hẳn anh chừ đã lửng nhau,
Vui bề gia thất ấm êm sao!
Tình cờ nếu gặp em đâu đó
Không biết lòng anh nghĩ như thế nào?
(Hương màu)
T. T. Kh
Hồi Septembre 1937, "Tiểu thuyết thứ bảy" đăng một chuyện ngắn của Ô. Thanh Châu: "Hoa ti gôn". Ít ngày sau, toà soạn nhận được một bài thơ nhan đề " Bài thơ thứ nhất", rồi lại nhận được một bài thơ nữa: "Hai sắc hoa ti gôn". Hai bài đều ký tên T. T. Kh, và đều nét chữ run run. Từ đấy toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy không nhận được bài nào nữa và cũng không biết T. T. Kh ở đâu.

Nhưng sau khi bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao. Có đến mấy người nhất quyết T. T. Kh chính là người yêu của mình. Và người ta phê bình rất náo nhiệt. Có kẻ không ngần ngại cho hai bài ấy là những áng thơ kiệt tác.

Nói thế đã đành quá lời, nhưng trong hai bài ấy cũng có những câu thơ xứng với vẻ lâm ly của câu chuyện. Cô bé T. T. Kh yêu. Người yêu của cô có nét mặt rầu rầu và có lẽ đã đọc nhiều văn Từ Trẩm Á. Cô bé kể: Những buổi chiều thu, đứng dưới giàn hoa ti gôn.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc tôi vui;

Bảo rằng: "Hoa giống như tim vỡ,

Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!" 

Cô bé ngây thơ không tin. Ai ngờ lời nói văn hoa kia bỗng thành sự thực. Chàng đi...
Ở lại vườn Thanh có một mình,
Tôi yêu gió lạnh lúc tàn canh,

Yêu trăng lạnh lẽo rơi trên áo,

Yêu bóng chim xa, nắng lướt mành

Và một ngày kia tôi phải yêu

Cả chồng tôi nữa. lúc đi theo

Những cô áo đỏ sang nhà khác!
- Gió hỡi, làm sao lạnh rất nhiều?

Ngày ấy là ngày buồn nhất trong đời nàng:
Người xa xăm quá - Tôi buồn quá
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.

Từ đó mùa thu qua, rồi thu qua. Nàng vẫn luôn luôn tưởng nhớ, nhưng tin buồn chàng nào có hay; cho nên nàng tự hỏi:
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?

Một nỗi đau đớn trần truồng, không ẩn sau Liễu Chương Đài như nỗi đau đớn của nàng Kiều ngày trước.

Cho đến hôm nay, xem chuyện, tình cờ lại thấy cảnh hoa xưa. Nàng không sao cầm lòng được:
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ, khóc chút duyên!

Bốn năm đã qua từ ngày tờ báo vô tình hé mở cho ta một cõi lòng. Ai biết " con người vườn Thanh" bây giờ ra thế nào? Liệu rồi đây người có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối?
Novembre 1941
Trần Huyền Trân
Sinh ngày 13 Septembre 1913 ở Hà Nội. Tự học ở Hà Nội.

Hiện viết giúp: Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền bá, Phổ thông bán nguyệt san.

Viết đến đây tôi đã định khép cửa lại, dầu có thiên tài gõ cũng không mở. Thế mà lại phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa: Trần Huyền Trân. Trần Huyền Trân, con người có tên lạ ấy không phải là một thiên tài. Nhưng tôi ưa những vần thơ hiền lành và ít nói yêu đương.

Cũng có lần thi nhân tỏ tình tương tư:
Xa nhau gió ít lạnh nhiều,
Lửa khuya tàn chậm, mưa đổ nhanh. 

Nhưng thường thì Huyền Trân tìm thi hứng, hoặc trong những cảnh đời buồn bã như cảnh đời cùng của thi sĩ Tản Đà:
Có đàn con trẻ nheo nheo,
Có dăm món nợ eo sèo bên tai.

Nhện giăng giá bút một vài đường tơ.

Nghiên son lớp lớp bụi mờ,

Mọt ôn tờ lại từng tờ cổ thi. 

hoặc trong cảnh đồng quê :
Mặt trời say rượu tắm ven đông
Nước thẹn bâng khuâng ửng má hồng.

Bầy sẻ đâu về cười khúc khích

Rủ nhau lúa chín trộm vài bông. 

Đồng quê của Huyền Trân đã mất hết vẻ quê mùa. Nó làm duyên dáng như một cô gái thành thị.

Huyền Trân ưa nhất là nói tình mẹ con.

Người gợi cái hình ảnh Phạm Ngũ lão sau khi dẹp giặc Nguyên. Đêm ấy khao quân vừa tan. Ai nấy đều yên ngủ. Cho chiến mã cũng:
Đuôi mừng phủi sạch bụi binh đao. 
Giữa lúc ấy Phạm Ngũ Lão một mình ngồi trong trướng, lòng băn khoăn nhớ mẹ:
Binh thư ngừng giở, bào quên cởi.
Đèn nhớ mong ai bấc lụi dần. 
Thế rồi tướng quân quất ngựa tìm về chốn
Nằm ôm gốc gạo lều dăm mái
Cánh liếp che sương hé đợi chờ. 

Than ôi! Tướng quân về tới nơi thì mẹ già không còn nữa.

Thơ Huyền Trân không xuất sắc lắm. Nhưng sau khi đọc hoài những câu rặt anh anh em em, tôi đã tìm thấy ở đây cái thú của người đi đổi gió.
Novembre 1941
Nhỏ to...
Hỡi người bạn sẽ theo tôi đến đây ! Bạn hãy cho tôi được nói vài lời ... tâm sự. Có lẽ tôi đã kể lể với bạn nhiều lắm, nhưng bao giờ giữa chúng ta cũng có một người thứ ba. Bây giờ thì khác, bây giờ chỉ còn bạn với tôi.

Khi tôi bắt đầu viết quyển sách này, đây đó người ta bảo tôi : "Cây leo thà leo cây đa chứ leo gì những loài thảo mộc nhỏ". Nhưng dầu tôi có tự rẻ rúng đến đâu cũng không bao giờ nuôi cái mộng làm một cây leo, nghĩa là cái mộng "hôi" chút danh thừa. Tôi biết quyển sách này ra đời sẽ chỉ đưa về cho tôi một mớ ác cảm. Hàng trăm người sẽ bảo tôi mù vì không trích thơ họ. Những người, thơ trích ít, sẽ nghĩ đáng lẽ phải trích thơ họ nhiều hơn. Những người, thơ trích nhiều, sẽ khó chịu vì thấy tên mình bên cạnh những tên họ khinh rẻ. Và bạn hơn nữa, hỡi người bạn không quen biết ! tôi biết bạn cũng sẽ trách tôi sao lại trích nhiều bài thơ bạn thấy dở và bỏ sót nhiều bài bạn cho hay.
Nhưng Chế Lan Viên hoàn toàn bất mãn về tập "Điêu tàn" mà cho hai câu vịnh đá vọng phu của Quách Tấn :
Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp;
Tóc thề mây núi tóc bạc phơ phơ.

là "những câu đẹp nhất trong những câu đẹp nhất mà văn chương Việt Nam có thể có". Huy Cận rất thích bài "Thân thể" (trong "Lửa thiêng") mà bao người cho là dở. Một nhà nho nghe đọc hai câu:
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo ;
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.

(Lời kỹ nữ)

chê Xuân Diệu "học lực" kém và nói quyết nếu Xuân Diệu chuyên học thơ mười năm sẽ chẳng viết những câu như thế.

Biết làm sao chiều được tất cả mọi người ? Âu là tôi chỉ chiều tôi vậy.

Song cũng có nhà thơ có tài mà vì lẽ này hay lẽ khác tôi không thể nói đến. Cũng như có bài thơ hay không thể trích được.

Bạn hỏi tôi: "Thi sĩ đâu mà lắm thế ? Mới mười năm mà trên bốn chục người ! Thời đại này dầu phong phú cũng không lẽ thế". Nhưng bạn hãy nghĩ : Báo "Đông pháp" vừa mở một cuộc thi thơ, tát cả có 1.500 người dự. Đó chỉ là thơ cũ, một thứ thơ còn ngoi ngóp. 1.500 thi sĩ cùng ra đời một lần ! Trong nước ta có bao nhiêu người biết đọc biết viết là có chừng ấy thi sĩ. Có lẽ số thi sĩ lại nhiều hơn cũng nên. Chán chi người không biết đọc biết viết cũng làm thơ. Mà thơ họ vị tất đã thua thơ người có học.
Vậy nước ta có bao nhiêu thi sĩ ? 40.000 hay 400.000 ? 4.000 người có thơ đăng báo in sách, chừng 40 người có trích trong quyển này, và may mắn ra 4 người sẽ có tên lưu truyền hậu thế !
Nhưng tôi là người thời bây giờ. Dầu vui dầu buồn, tôi muốn sống cái đời bây giờ đã. Có những bài thơ tôi say mê mà người sau sẽ thấy không có gì. Thì mặc họ chứ. Nói gì người sau. Chính tôi ngày mai đây biết có còn rung động vì tất cả những bài thơ hôm nay tôi trích ? Nghĩ thế nên hôm nay tôi hết sức rộng rãi với tôi. Bài thiệt hay trích đã đành, bài hay vừa tôi cũng trích. Lại có khi trong một bài chỉ được bốn năm câu ; nếu những câu ấy không dẫn vào trong bài tôi viết tôi cũng đành trích trọn bài thơ. Tôi sợ thiếu không sợ thừa. Tôi muốn ghi hết những vui buồn của thời đại. Tôi chỉ dè dặt với những nhà thơ ai cũng biết. Xuân Diệu có 15 bài trích, nhưng ngoài 15 bài ấy vãn còn nhiều bài hay. Các nhà thơ có tiếng đại khái đều thế. Ngoài ra với các nhà thơ ít người biết, hễ bài nào trích được là tôi trích.
Nếu xem thơ, bạn thấy mệt, ấy là lỗi tự bạn. Quyển sách này không phải sách xem hết một lần. Vả bạn cũng nên nghĩ rằng, tuy còn bỏ sót nhiều, ít ra tôi cũng đã xem năm mươi quyển thơ như quyển này. Lắm khi xem một trăm bài thơ, chỉ có một bài trích được. Tôi đã đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này, mà không chê chán vì thơ ấy là điều tôi rất mong mỏi.
Vậy nếu trong quyển này ít khi tôi nói đến cái dở, bạn hãy tin rằng không phải vì tôi không thấy cái dở. Nhưng tôi nghĩ rằng đã dở thì không tiêu biểu gì hết. Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài hay. Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tma hồn. Những tâm hồn không lối vào, những tâm hồn bưng bít, thì tôi còn biết gì mà nói. Chủ nhân không mở cửa, tôi đành chịu đứng ngoài. Cho nên gặp thơ hay, tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi ngâm lại hoài, cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người. Thỉnh thoảng có nói đến cái dở là cũng cốt cho nổi cái hay mà thôi. Chứ dở thì giữa đời thiếu gì mà phải đi tìm trong thơ ! Nói chắc bạn không tin, nhưng thực tình tôi chẳng muốn chê ai mà cũng chẳng muốn khen ai.Tôi chỉ muốn hiểu cho đúng - không phải cho đủ - hình sắc các hồn thơ.
Và như thế tôi đã phải cố gắng nhiều lắm. Vì trong các nhà thơ cũng cũng nhiều người tôi đã gặp giữa đời. Có người thơ tuyệt đẹp mà đối với tôi lại toàn những cử chỉ rất mực xấu xa. Họ phũ phàng, họ nhỏ nhen... Nhưng thôi, tôi nói ra làm gì. Những cử chỉ xấu kia là bề ngoài ; phần sâu sắc nhất trong tâm hồn họ đã ghi lại nơi những vần thơ đẹp. Tôi tin như thé. Đừng ai làm tôi hết lòng tin.
Trái lại, có những nhà thơ tử tế với tôi vô cùng mà thơ của họ tôi lại chỉ thích ... có hạn.
Nếu bảo rằng tôi không ái ngại người này, không khinh ghét người kia, thì e không thực. Nhưng ái ngại hay khinh ghét, khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ. Tôi không hề nghĩ đến danh vọng của người hay của tôi. Danh vọng quý thật, nhưng còn có điều quý hơn danh vọng, quý hơn hết thảy : lòng ngay thẳng, mà ít nhất cũng phải giữ trọn trong văn chương.
Bạn chớ tìm tất cả những điều tôi nói trong những bài thơ tôi trích. Những điều ấy đôi khi chỉ có trong những bài không trích. Muốn hiểu rõ tôi nói có đúng hay không bạn phải xem trọn thơ từng người một. Và phải xem kỹ. Hầu hết những bài thơ hay, có đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy hay.
Có lẽ bạn đương chờ tôi phân ngôi thứ trong làng thơ xem ai nhất, ai nhì... Bạn sẽ thất vọng. Tôi chỉ ghi cảm tưởng xem thơ nên bài viết dài ngắn không chừng. Bạn cũng đừng so sánh thơ trích nhiều ít. Ai lại lấy số trang, số dòng mà định giá một nhà thơ ?
Có lẽ bạn đương chờ những bài nghiên cứu vô tư và khách quan. Bạn cũng sẽ thất vọng. Vô tư thì tôi đã vô tư hết sức, nhưng khách quan, không. Tôi vẫn có thể vờ bộ khách quan và mặc cho những ý riêng của tôi cái lốt y phục của mọi người. Nhưng việc gì phải khổ thế ? Chạy đi đâu cũng không thoát cái tôi thì tôi cứ là tôi vậy. Hay dở tính trời.
Có một lần viết về lịch sử phong trào thơ mới, tôi đã định bặm miệng - y như những nhà học giả tập sự. Nhưng chỉ được vài trang, vui buồn lại cứ theo ngòi bút hiện trên trang giấy. Tôi dửng dưng sao được ? Tôi đã sống trong lòng thời đại. Kể lịch sử thời đại làm sao có thể không nhớ lại những năm vừa qua trong đời tôi. Cũng như nói về các nhà thơ tôi thích làm sao lời nói của tôi không đượm chút bâng khuâng lúc xem thơ.
Bạn sẽ lấy làm lạ sao tôi có thể tihchs những lối thơ trái hẳn nhau : Nguyễn Nhược Pháp với Chế Lan Viên, Thái Can với Xuân Diệu ? Chính tôi cũng lấy làm lạ. Nhưng sự thực là thế. Sự thực khi xem Nguyện Nhược Pháp, tôi không còn nhớ Chế Lan Viên ; và khi xem Thái Can, tôi đã quên hẳn Xuân Diệu. Giá thử tôi chỉ thích một lối thơ thì "phải lẽ" hơn. Nhưng muốn cho "phải lẽ", tôi sẽ phải giết một nửa lòng tôi. Tôi không nỡ.
Những thơ ra đời trong mười năm nay đã nhiều lại nhiều khuynh hướng. Tôi cố đưa một tí trật tự vào chỗ vốn chẳng có trật tự gì. Tôi chia làm ba dòng : dòng Pháp, dòng Đường và dòng Việt. Ấy cũng là liều. Tôi đã phân vân nhiều lắm trước khi dám liều như vậy. Bởi người ta có thể tìm trong làng thơ những xóm như :
Xóm Sông Thương : Bàng Bá Lân, Anh Thơ.
Xóm Tự lực : Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận.
Xóm Phương Đông : Lưu Trọng Lư, Thái Can,...
Xóm Huế : Phan Văn Dật, Nam Trân, Nguyễn Đình Thư,...
Xóm Bình Định : Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên,...
Xóm Hà Tiên : Đông Hồ, Mộng Tuyết, vân vân...
Nhưng trong các xóm dân ngự cư nhiều quá không có gì thuần nhất. Và đã chia xóm, rồi lại phải đặt "trùm xóm", cũng lôi thôi.
Tôi chợt thấy từ trước đến nay tôi không gọi các thi sĩ bằng ông. Tôi biết nói thế nào cho trôi sự xấc xược ấy. Chỉ có một điều rõ là nếu tôi gọi Thế Lữ chẳng hạn, bằng ông, tôi sẽ bớt yêu "Mấy vần thơ" nhiều lắm. Như có ai lấy làm khó chịu vì cách xưng hô ấy, tôi đành xin lỗi vậy. Luôn thể tôi cũng xin lỗi vì đã tự tiện bỏ hầu hết những lời đề tặng trên các bài thơ. Trong một quyển hợp tuyển những lời ấy sẽ thành vô nghĩa. Tôi chỉ giữ lại những lời đề tặng cần phải có mới hiểu được ý thơ. Dám mong sẽ chẳng ai bắt bẻ gì vì trong chuyện này chính tôi cũng đã phải ... hy sinh chút ít.
Một quyển sách nói về thơ Việt mà mở ra không nhắc đến Nguyễn Du, tôi thấy như một sự bội bạc. Nghĩ thế tôi muốn tìm một câu gì trong chuyện Kiều để in lên đầu sách. Sự tình cờ xui tôi nhớ lại câu:
Của tin, gọi một chút này làm ghi.
Đọc đi đọc lại riêng lấy làm đắc ý.

Quyển sách này ra đời, cái điều tôi ngại nhất là sẽ mang tên nhà phê bình. Hai chữ phê bình sao nghe nó khó chịu quá ! Nó khệnh khạng như một ông giáo gàn. Bình thì cũng còn được. Nhưng phê ? Sao lại phê ?

Vậy tôi viết gì đây và trong làng văn danh hiệu tôi là gì ? Chẳng hạn có thể gọi những bài tôi viết là tùy bút, tùy hứng,... Nhưng không lẽ tôi là một người tùy bút, một nhà tùy hứng, hay một tùy bút gia, một tiểu luận tác giả (hai chữ sau này của Ô. Đào Duy Anh dịch chữ essayiste).

Tôi không định khen chê ai. Nhưng sách ra sao cho khỏi những tiếng khen chê. Bạn chê, tôi xin chịu. Nhưng hoặc bạn có khen, hãy xin cùng tôi nhớ tới :

Các Ô. Phan Văn Dật, Trần Thanh Mại, Hà Xuân Tế, Thanh Tịnh, Bửu Kế là những người đã giúp tôi nhiều tài liệu.

Tôi cũng không quên cám ơn các nhà thơ đã cho phép tôi trích thơ, đã gửi ảnh và cho biết một hai điều về tiểu sử, tuy năm sinh ngày sinh chắc nhiều khi chỉ bằng theo trí tưởng tượng những người làm giấy khai sinh.
Bạn sẽ lấy làm lạ sao tác giả hai người mà lại cứ xưng tôi. Sự thực thì hai người cũng như một. Không có ý nào, lời nào là của riêng ai.
Nhưng bây giờ quyển sách đã hết thiệt rồi, tôi lại biến thành chúng tôi, và chúng tôi xin ký cả hai tên cho đúng:
HOÀI THANH và HOÀI CHÂN
Đưa in lần thứ hai, hình như nên sửa đổi thêm bớt ít nhiều mới phải. Dây đó tôi vẫn thấy những đoạn không như ý, những lời bây giờ không đúng nữa. Nhưng sao tôi ngần ngại quá và sau cùng tôi nhất định cứ để nguyên - trừ những chữ lần trước in sai. Tôi đã nói đến 46 nhà thơ thì tôi cũng có thể nói đến 45 hay 47. Tôi đã trích 169 bài thơ số ấy cũng có thể là 168 hay 170. Song những điều vụn vặt ấy có quan hệ gì. Đây là một niềm tin tưởng cũng là hình ảnh một thời. Hình ảnh ấy một ngày nọ tôi đã ghi, dầu đúng, dầu không bây giờ tôi không muốn sửa chữa.
Novembre 1942
TÁC GIẢ
Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam
Theo http://diendan.vtcgame.vn/

1 nhận xét:

  1. Hay lắm! Cám ơn bạn đã chia sẻ.
    ------------------------------------
    Ms Kiều Nga –Nhân Viên Vé Sacojet.vn

    Liên hệ: 090 262 1479 – 1900 636 479

    Kiểm tra trực tuyến: Giá vé máy bay Vietnam Airlines
    Hoặc xem chi tiết: Gia ve may bay Vietnam Airlines
    Website đặt vé trực tuyến: www.SacoJet.vn

    Trả lờiXóa

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...