Đôi dòng lịch sử vũ điệu và nhạc valse
Một buổi hoà nhạc đầu năm tại Vienne
Một món quà gởi mừng sinh nhật
nhà thơ Nguyễn Khôi Kinh Bắc (HàNội)
Tự Vũ
Nguồn gốc Valse
Danh từ Valse xuất phát
từ động từ tiếng Đức Walzen (quay cuộn vào nhau) và chỉ xuất hiện trong văn bản
vào giữa thế kỷ thứ thứ XVIII. Valse là một điệu nhảy của giới bình dân
Áo-Hung mà gốc rễ đã có từ lâu , vũ điệu này được nhẩy cặp đôi nam và nữ trong một
nhịp điệu 3 (thì) thời mà các đối tác giữ chặt lấy nhau, quấn quyện vào nhau
Thật vậy, tại triều đình
tại Vienna vào thế kỷ thứ mười ba, nhà thơ trữ tình Neithart Reuerthal đã viết
những bài hát có nhịp điệu rất rõ ràng của điệu Valse. Trong thời kỳ này người
ta nhẩy Valse với âm thanh của một cây sáo và một cây trống con với các vũ công cùng lúc vừa hát vừa xoay lượn.
Ngay từ thế kỷ XVI, nhiều
bài viết đề cập đến sự thực hành điệu nhảy và quay bởi hai người . Hầu hết điệu
nhảy này đã bị giáo hội Thiên chúa lên án , cho là loại nhẩy dâm loạn. Theo B.
Weigl trong Geschichte des Walzer, 1910, " vũ điệu valse có nguồn gốc của
nó từ Tanzlieder ở các thế kỷ thứ XVI và XVII, những điệu nhẩy truyền thống
bình dân Ländler và một loại nhẩy 3 thì của người Đức. "
Điệu múa dân gian Đức
(Allemande) được mọi người công nhận là một trong những tổ tiên của vũ điệu
valse. Ban đầu, người ta nhảy chậm chạp theo nhịp điệu nhị phân, sau đó, nhịp
độ ba thì đã cho vũ điệu này tính cách thật sống động hơn.
Điệu nhẩy Ländler khởi
thủy được nhẩy ở ngoài trời hay trong các quán ăn bình dân ở thôn làng. Ngày
nay điệu Ländler này vẫn còn được thịnh hành trong các lễ hội bình dân. Cũng
giống như trong điệu múa dân gian Allemande, những cặp đôi trai gái gắn chặt
vào nhau quay chạy nhưng phong cách kém trang nhã hơn trong nhịp điệu 3 thì khá
nhanh.
Những nhạc cụ được xử
dụng là một cây accordéon nguyên thủy, một chiếc kèn harmonica, một chiếc đàn
đàn xita (zither) và một cây đàn dulcimer (hơi giống như cây đàn xita). Cho tới
thế kỷ thứ XIX người ta còn xử dụng một chiếc lá cây lê đặt trên môi trên để
thổi, chiếc lá lê này nay đã được thay thế bằng một chiếc lá nhân tạo cũng có
hình lá cây lê, âm thanh vang ra khi được thổi trên viền chiếc lá.
Tại triều đình Áo ở Vienne vào thế kỷ thứ
XVIII ...
Các điệu valse - Walzer -
xuất hiện trong thế kỷ XVIII và đề cập đến dáng điệu cuối cùng của những điệu
nhẩy Ländler. Cũng rất có thể là vũ điệu Valse đã được phát triển từ điệu
Allemande tại các thành phố và từ vũ điệu Ländler ở các vùng nông thôn .
Tiếp đó, các điệu múa
nông dân này đã gây cảm hứng cho nhà soạn nhạc tại Vienne, thủ đô nước Áo, vào
cuối thế kỷ thứ mười tám.
Các nhạc sĩ Mozart,
Haydn, Beethoven, những bản nhạc valse đầu tiên của họ với thể dạng vẫn chưa có
gì chắc chắn, để dần dần, người nghe thậm chí không cần gì phải lão luyện cũng
có thể xác định nhịp điệu đặc trưng của điệu nhảy: một sự nhấn mạnh trên nhịp
thấp ở ngay thì đầu tiên để tiếp theo đó là hai hợp âm.
Franz Schubert là nhạc sĩ đầu tiên ấn định khuôn
mẫu này trong các tác phẩm dương cầm . Ông cũng đã viết nhiều bài sưu tập về vũ
điệu Valse để bổ sung cho nguồn thu nhập và cũng để giải trí bạn bè của mình.
Tuyệt đỉnh của vũ nhạc Valse: Triều đại cha con họ Strauss
Từ thế kỷ thứ 19, vai trò
của Vienna , thủ đô đế quốc Áo , đã thủ diễn vai trò rất đáng kể trong sự phát
triển của điệu nhạc Valse - Waltz . Khắp nơi trong thành phố đã mở rất nhiều
phòng nhẩy lớn với nền sàn bóng lưỡng. Điệu Valse được nhảy với phong cách của
những người nông dân nhảy đã biến thành một vũ điệu trong các phòng nhảy mà
người nhảy quấng quyện quay vòng và lướt trợt.
Hầu hết tất cả mọi ngưòi
đều nhìn nhận rằng lịch sử nhạc Valse dính líu rất nhiều tới gia đình họ
Strauss. Người thứ nhất, Johann Strauss hay là Johann Strauss I , sinh năm
1804, mồ côi khi mới được một tuổi, lớn lên trong không khí dân giả. Johann
Strauss có khiếu về âm nhạc, được tuyển vào một ban nhạc của Lanner, về sau này
trở thành một người bạn thân. Lanner thành lập ban nhạc gồm 12 người trong đó
có J.Strauss, J.Strauss là tay vĩ cầm chính. Cả hai người , Lanner và J.Strauss
tới lúc đó đều không được học một chút gì về quy luật sáng tác. Carl Maria von Weber, giám đốc nhà hát opéra tại thành
phố Dresde và là một nhà soạn nhạc lừng danh qua bài "Invitation à la
danse" (*) đã được Lanner và Strauss xem như bậc thầy dẫn bước.
Một vụ hiểu lầm giữa
Lanner và Strauss sau một đêm dạ vũ xảy ra vào năm 1825. Strauss rời ban nhạc của
Lanner và đứng ra thành lập một dàn nhạc riêng của ông ta . Đến năm 1830, dàn
nhạc của Johann Strauss đã có đưọc tới 200 nhạc sĩ dưới quyền chỉ huy của ông.
Phong cách âm nhạc của J.Strauss thật gợi cảm và nhanh nhẹn khẩn thiết với sự
chuyển đổi nhanh chóng bất ngờ theo truyền thống âm nhạc của những người Di-gan
vi những cú kéo cây cung vĩ trên chiếc vĩ cầm thật mạnh mẽ nhưng đầy gợi cảm .
Như nhạc sĩ Wagner đã nói, tại thành phố Vienne, quần chúng đã hoàn toàn say mê
Valse và bị Strauss chinh phục.
J.Strauss dẫn đầu dàn
nhạc của ông thực hiện một chuyến vòng Âu châu để quảng bá nhạc valse. Chính
tại thủ đô Pháp, Paris là
nơi ông đã được chính thức tôn phong. Nhạc sĩ Berlioz, đã viết một bài bình luận
âm nhạc dài đăng trong tờ "Journal des débats" để ca ngợi âm nhạc của
J.Strauss và giải thích lý do nào mà âm nhạc Đức đã vượt trội hơn âm nhạc Pháp.
Con trai ông, Johann
Strauss Jr , còn được gọi là Johann Strauss II, người đã nhận được một nền
giáo dục vững chắc về âm nhạc hơn cha mình, ông Johann Strauss I , cũng đứng ra
thành lập một dàn nhạc riêng và sáng tác những vũ điệu Valse rất vững chắc về
mặt nhạc lý . Thậm chí ông đã trở thành một đối thủ của chính cha mình trong
các cuộc cách mạng năm 1848. Quả thật như thế, người cha đã ở phía hoàng tộc họ
Habsburgs Áo trong khi Johann Strauss Jr, con trai của ông hỗ trợ cho các phần
tử nổi dậy . Vào thời điểm đó, Johann Strauss cha sáng tác nhạc bản nổi tiếng
"Radetzky March" (**) vinh danh Thống tướng Joseph Radetzky, chỉ huy
trưởng quân đội hoàng tộc Habsburg.
Sau đó, Johann Strauss
Jr, nhà soạn nhạc xuất sắc và giàu cảm hứng , đã giải hoà với triều đình hoàng
gia Áo và tìm cách mở rộng công trình của người cha. Johann Strauss Junior muốn
đạt đến được một chất lượng sáng tác nào đó cho phép mang lại sự gần gũi với
một nhạc Valse cổ điển. Cha của ông đã đưa được nhấn lệch (syncope), nhịp điệu
này bắt buộc người nhảy phải tập trung để giữ nhịp độ (tempo). Valse chẳng có gì gọi là thô lỗ cục cằn, quê mùa
mà nó chỉ là một sự nhập hồn của những người nông dân nhưng với một nhịp điệu
huyền diệu hơn.
Kể từ năm 1865, Johann
Strauss Jr gần như bỏ rơi các phòng nhẩy để cống hiến vào việc sáng tác.
Năm được 28 tuổi, Johann
Strauss Junior là nạn nhân của một chứng cấp phát. Ông kêu gọi em trai của ông
tên là Joseph, một kỹ sư tương lai, đứng ra thay ông để điều khiển dàn nhạc .
Ngày 23 tháng bảy năm 1853, Joseph đã ký bản Valse đầu tiên của mình và sau đó
là 221 sáng tác khác.
Tới lượt người đàn ông
thứ ba trong gia đình tham gia vũ điệu Valse , đó là Edouard. Ông này tới tiếp
tay với Joseph, người anh thứ hai. Buổi tối của cái gọi là "Tối đầu tiên
của Edouard", dàn nhạc được chia làm 3 phần. Mỗi người anh, em họ Strauss
đứng điều khiển một phần ba dàn nhạc.
Ba anh em cùng là ba nhà
soạn nhạc mà cả ba đều soạn một điệu nhạc y hệt nhau, đây là điểm đã làm nản
lòng cho bất kỳ một nhà soạn nhạc Valse nào vào thời kỳ đó. Thậm chí khó có ai
có thể chắc chắn được nhạc bản Valse nào là của người anh, hay của người em thứ
hai, thứ ba ... cho dù ngay cả tới giới thưởng ngoạn trung thành nhạc Valse
ngay từ khi còn nhỏ ở thủ đô Áo quốc nhất là ở Vienne, trên các tờ áp-phích
quảng cáo cho các buổi trình diễn cũng không còn ghi tên riêng của mỗi người
trong họ Strauss nữa. Năm 1889, Johann Strauss Junior sáng tác bản "Valse
Empereur" (***) , nhạc phẩm tột đỉnh của tột điểm cuối cùng trước thời kỳ
suy tàn của một gia đình nhạc sĩ. Người em cuối của họ Strauss đã qua đời vào
năm 1916, trong trận đệ Nhất Thế Chiến.
Sau khi những người trong
họ Strauss biến dạng, thủ đô Áo, Vienne vẫn tiếp tục nhẩy vũ điệu Valse. Hàng
trăm buổi dạ vũ mở ra mỗi năm và trong số những buổi đại dạ vũ đó có đại dạ vũ
Opernball. Năm 1877 đã diễn ra buổi đại dạ vũ đầu tiên với sự tham dự của tất
cả các giới vương giả trên toàn thế giới. Về sau này, buổi đại dạ vũ này là nơi
ăn chơi hò hẹn của giới phú qúy giầu sang. Trong những năm 1980, Opernball trở
thành nơi của tả phái để phản đối sự khoe khoang sự giầu sang này.
Tại thủ đô Vienne, buổi
hoà nhạc đầu tiên gọi là Buổi Hoà Nhạc Năm Mới - Neujahrskonzert der Wiener
Philharmoniker - được tổ chức vào ngày 31 tháng 12 năm 1939 do dàn nhạc
thính phòng Vienne - Wiener Philharmoniker - do Otto Nicolai thành lập vào năm
1862 trình tấu dưới quyền điều khiển của nhạc trưởng Clemens Krauss và những
năm sau đó cho tới ngày nay vào đúng ngày 30, 31 tháng 12 và 01 tháng Giêng
buổi hoà nhạc được tiếp tục tổ chức tại phòng Goldener Saal (phòng mạ vàng)
Musikverein và được trực tiếp truyền thanh, truyền hình vào đúng 11 giờ 15 phút
với hơn 50 triệu khán thính giả tại 72 quốc gia trên thế giới dưới sự điều
khiển của những nhạc trường bậc thầy lừng danh nhất như: Clemens Krauss -
Josef Krips - Willi Boskovsky - Lorin Maazel - Herbert von Karajan - Claudio
Abbado - Carlos Kleiber - Zubin Mehta - Riccardo Muti - Nikolaus Harnoncourt -
Seiji Ozawa - Mariss Jansons - Georges Prêtre - Daniel Barenboim - Franz
Welser- Möst.
Chương trình trình tấu
của buổi hoà nhạc Năm Mới chính yếu với các tác phẩm của Johann Strauss I (cha)
, Johann Strauss II, Josef Strauss và Eduard Strauss.
Valse và các nhà soạn nhạc vĩ đại của thế kỷ thứ XIX và XX
Nhạc Valse không hẳn chỉ
duy nhất của Vienne mà nó còn lan rộng khắp châu Âu được làm phong phú hơn với
các đặc tính mới thông qua một số nhà soạn nhạc lừng danh khác như Chopin, một
thiên tài của những bản Valse dành cho dương cầm piano hay các nhạc sĩ Fauré
với Valses - Caprices, Hahn với 11 bản Valse dành cho dương cầm, Chabrier với
Valses romantiques pour deux pianos và Emile Walteufel với Valses inédites ,
Skater Waltz ...
Valse cũng xuất hiện
trong các vở kịch Opéra với Offenbach điển hình như Les contes d'Hoffmann, và
nhiều đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất cho Strauss như Delibes với Lakmé
hay Coppelia , Gounod với Valse de Faust , Berlioz với La Symphonie Fantastique
cũng như các nhà soạn nhạc lớn của trường phái ấn tượng như Debussy qua Valse
romantique và Ravel với Valses nobles et sentimentales - La Valse.
Tại các quốc gia Trung Âu
cùng thời với Chopin tại Paris, Franz Liszt qua sáng tác nhạc bản lừng danh
Mephisto-Valse đã biểu lộ như một thiên tài nhạc Valse dành cho dương cầm.
Tại Nga và các quốc gia
vùng Slave (Xla-vơ), nhạc valse cũng được phổ biến một cách rộng rãi qua những
tác phẩm của các nhạc sĩ nổi danh như Rachmaninov điển hình với Valses pour
piano à quatre mains, Balakirev với Valses pour piano, Tchaïkovsky điển hình
với Valses pour orchestre (La Belle au Bois dormant) hoặc Casse-noisettes (La
Valse des fleurs), Prokofiev với Juvenilia hay Cendrillon , Khatchaturian với
Valse pour instrument à vent, Chostakovitch với Valses n°1 et n°2, Scriabine
với Valse pour piano và Moszkowski với bản Danses pour piano à quatre mains.
Tại các nước Bắc Âu nhạc
sĩ Sibelius đã được người ta biết tới cũng qua 2 nhạc bản Valse nổi tiếng
“Valse lyrique“ và “Valse triste“.
Như chúng ta đã thấy,
được nẩy sinh trong đế chế Đức, cuồng nhiệt ở Vienne thủ đô Áo, nhạc Valse đã
chinh phục toàn Âu châu trước khi thuộc quyền sỡ hữu của nhân loại .
Mời qúi vị mở nghe
Qúy vị đang nghe Dòng Sông Xanh của Johann
Srauss II
Thu cô liêu - Hồng Nhung
Cung đàn xưa - Ánh Tuyết
Nụ cười sơn cước - Khánh Ly
Mix Thu vàng - Cung Tiến
Dòng An Giang - Anh Việt Thu
Mix Dòng sông xanh - Thái Thanh
Mối tình xa xưa - Như Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét